Đức Phanxicô ở Marseille: cuộc gặp thành công của người công giáo với Đức Phanxicô
Dù Đức Phanxicô nhấn mạnh ngài không đến Pháp mà đến Marseille, tuy nhiên chuyến đi Địa Trung Hải này đã biến thành cuộc gặp gỡ nồng nhiệt với người công giáo Pháp đã chờ đợi ngài suốt mười năm nay.
la-croix.com, Céline Hoyeau, với Arnaud Bevilacqua, Héloïse de Neuville và Christophe Henning, tại sân vận động Vélodrome, Marseille, 2023-09-24
Đức Phanxicô khi đến sân vận động Vélodrome ở Marseille ngày 23 tháng 9 năm 2023. Alessandra Tarantino/AP
Đám đông đứng dậy vỗ tay hoan nghênh là cả một nhẹ nhõm. “Xin chào Marseille! Xin chào nước Pháp!”, đó là những lời đầu tiên ngài nói bằng tiếng Pháp tại sân vận động Vélodrome ngày thứ bảy 23 tháng 9. Người công giáo Pháp hầu như không còn mong chờ để nghe những lời này nữa, như ngài đã nhấn mạnh trong những tháng gần đây, ngài không đến Pháp mà đến thành phố biển để tham dự Cuộc gặp Địa Trung Hải.
Đức Phanxicô thắp lên ngọn lửa thiêng liêng tại sân vận động Vélodrome
Sau mười năm mời gọi không thành công, vậy mà cuộc gặp của người Pháp với giáo hoàng Argentina đã diễn ra trong bầu khí phấn khởi làm sống lại những cuộc họp vĩ đại của Đức Gioan Phaolô II. “Một ngày không thể nào quên”, tổng giám mục Marseille, hồng y Jean-Marc Aveline, nghệ nhân vĩ đại của chuyến đi. Ngài nói vào cuối thánh lễ và giáo dân trong sân vận động đã vỗ tay, những tràng pháo tay vang như sấm của 60.000 người công giáo cũng như không công giáo: “Chúng ta đã thấy một giáo hoàng ở một sân vận động, nhưng ở sân vận động Vélodrome này thì chưa bao giờ thấy!”
Ra khỏi trung tâm
Vì thế đây là cuộc gặp đã thành công, nhưng không như một số người hình dung, như ông Philippe chẳng hạn, ông là nhà tư vấn 55 tuổi, trước thánh lễ ông mong chờ Đức Phanxicô “có lời an ủi dành cho Giáo hội Pháp đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi các vụ bê bối”.
Đức Phanxicô đã nói trước, ngài đến để nói về những thách thức của Địa Trung Hải. Và ngài tự giới hạn mình trong đó, kêu gọi phải làm mọi việc để cứu những người di cư bị đắm tàu, tổ chức đón nhận rộng rãi ở cấp độ châu Âu và rộng hơn là thực sự giải quyết vấn đề bất bình đẳng Bắc-Nam để tránh nguy cơ thực sự của một “đắm tàu của nền văn minh”. Và nếu trong các bài phát biểu, ngài nhắc đến di sản trí tuệ và tinh thần phong phú của nước Pháp, từ Thánh Caesarius xứ Arles đến Bernanos, từ Pascal đến Charles de Foucauld, thì ngài đã làm mỗi lần để ủng hộ dự án Địa Trung Hải của ngài.
Đức Phanxicô và nước Pháp: Thực sự ngài nghĩ gì
Trong bối cảnh này, ngài đã nói với người công giáo Pháp, nhưng cũng mời họ giải trung tâm, gạt bỏ “những đam mê buồn bã” của một lục địa châu Âu già cỗi để quay về với những người nghèo nhất.
Khi rời sân vận động Vélodrome, thông điệp dường như đã được nhận. Phải nói, nhiều người không cần phải được thuyết phục, những kẻ thù nghịch nhất không đến Marseille để gặp ngài. Ông Christian, 62 tuổi, đến từ Nantes, ông đi cùng với một người di cư, ông nhấn mạnh: “Tôi biết, nhiều người Pháp không đồng ý với ngài. Nhưng ngài đại diện cho tầm nhìn của tôi về đức tin và Giáo hội, thông điệp của ngài làm xáo trộn chúng tôi và làm chúng tôi thức tỉnh.”
“Tránh xa niềm kiêu hãnh là trưởng nữ của Giáo hội”
Những người khác cảm thấy mình được thay đổi. Bà Melina, ngoài sáu mươi, bà đến từ Paris, bà trầm ngâm: “Ngài xin chúng ta vượt ra ngoài biên giới của chính mình, của trái tim chúng ta, dành một nơi cho những người nghèo nhất và tại sao không phải là nơi ưu tiên cho vấn đề này! Chúng ta phải hạ mình xuống. Chính người nghèo sẽ nâng chúng ta lên.”
Bên cạnh bà là người bạn Ségolène đến từ Lille, bà rất ấn tượng trước sự nghiêm trọng của ngài: “Không phải lúc nào ngài cũng vuốt ve chúng tôi. Và Chúa Giêsu cũng không ở đó để làm vui lòng chúng ta! Đức Phanxicô nói về ba cái chết: cái chết của thai nhi, cái chết của người di cư và cái chết của người lớn tuổi… Ngài nói với chúng ta về tình trạng khẩn cấp của xã hội đang chết dần của chúng ta.”
Đức Phanxicô nói về luật an tử: “Chúng ta không đùa với sự sống”
Bà có cảm nhận tình cảm của giáo hoàng dành cho Giáo hội của bà không? “Tôi biết có những người công giáo bị tổn thương, những người Pháp không cảm thấy được giáo hoàng yêu thương. Nhưng sau đó tôi hiểu, chúng tôi không phải là ưu tiên hàng đầu của ngài, còn một trường hợp khẩn cấp khác cần giải quyết, đó là vấn đề Địa Trung Hải. Chúng ta phải tránh xa niềm kiêu hãnh mình là trưởng nữ của Giáo hội, chúng ta đã quen mình là trọng tâm, ngài nói với chúng ta về một điều gì đó hơn thế nữa.” Bà nói tiếp: “Rõ ràng là tôi không đồng ý với mọi thứ, bà cho mình là ‘người công giáo cánh hữu’. Nhưng ngài vẫn là một người cha và tôi rung động khi nghe bài diễn văn của ngài, tôi tự hỏi: nếu ngài đúng thì sao?”
“Một thông điệp vừa mạnh mẽ vừa nhẹ nhàng”
Cô Elem, 37 tuổi, đến từ Avignon, cô rất vui khi được sống những khoảng khắc hiệp thông này, cô nói: “Rõ ràng, điều này đặt câu hỏi cho những cam kết của tôi, mang lại động lực mới cho đức tin của chúng tôi và có lẽ cho Giáo hội Pháp, chúng ta sẽ phải xem.”
Tân giám mục Étienne Vetư, giám mục phụ tá Reims đảm bảo: “Đức Phanxicô đã tìm thấy sự cân bằng tốt giữa việc ngài đến Marseille để mở rộng tầm nhìn của chúng tôi đến một tầm nhìn rộng hơn, Địa Trung Hải, và những mong chờ của những người Pháp thực sự yêu mến ngài, ngài đã trở lại với họ.”
Giám mục François Bustillo của giáo phận Ajaccio, sắp được phong hồng y, nhận thấy thông điệp của Đức Phanxicô vừa mạnh mẽ vừa dịu dàng: “Có lẽ ngài đã xoa dịu được nỗi lo lắng nào đó mà một số người cảm thấy khi ngài nói ngài chỉ đến Marseille. Khi nói với mọi người, tôi thấy ngài khỏe khoắn, mỉm cười, chăm chú, thoải mái… Đó là thời khắc lịch sử của Giáo hội Pháp, người dân thấy mình thực sự ở trong trạng thái vui mừng.” Còn tổng giám mục Dominique Lebrun, giáo phận Rouen, ngài thấy qua sự kiện này đã “làm nổi bật những gì mà các cộng đồng sống một cách kín đáo hơn trong các giáo phận”.
Phỏng vấn hồng y Jean-Marc Aveline, người đưa Đức Phanxicô “về nhà”
Sự thành công của chuyến đi này nhờ rất nhiều ở hồng y Aveline, người ở bên cạnh Đức Phanxicô suốt chuyến đi, cả ở bên cạnh ngài trên xe giáo hoàng từ đại lộ Prado đến Vélodrome. Thể hiện tối đa bản chất hiền từ và giản dị đặc trưng của ngài, ngài biết cách dễ gần, kết hợp các chất kết dính lại với nhau và tìm ra nụ cười lúc này lúc kia cho một giáo hoàng nghiêm trọng. Vì thế ngài nói với Đức Phanxicô: “Khi đến nơi, cha leo lên Notre-Dame-de-La-Garde, để làm như người Marseille chúng con, khi chúng con phó thác đời mình cho Đức Trinh Nữ Maria, như thế, bằng cử chỉ này, cha đã rửa tội cho người Marseille!”
Cô Marie-Bérénice, 24 tuổi, nói: “Thật tuyệt vời khi thấy sự gần gũi thân tình này của hồng y Aveline, hồng y đã mang bầu khí gia đình đến cho chuyến đi. Tôi thấy Đức Phanxicô đã nói chuyện với chúng tôi, ngài cố gắng nói một chút bằng tiếng Pháp. Rõ ràng ngài đã gặp người Marseille trong chuyến đi của ngài.”
Ngoài người công giáo, chuyến đi này còn khơi dậy sự tò mò và niềm tự hào của người dân Marseille, họ theo dõi chuyến đi của xe giáo hoàng trên đại lộ Prado.
Marta An Nguyễn dịch
“Hãy đến với người nghèo”, thông điệp của Đức Phanxicô gởi người công giáo Pháp