Đức Phanxicô thắp lên ngọn lửa thiêng liêng tại sân vận động Vélodrome
Trong một ‘show’ phụng vụ tuyệt vời, xứng đáng với thời Đức Gioan-Phaolô II, Đức Phanxicô kêu gọi nước Pháp và cám ơn sự “rung chuyển”.
lepoint.fr, Jérôme Cordelier, đặc phái viên tại Marseille, 2023-09-23
Đức Phanxicô nhận sự hoan nghênh nhiệt liệt của 62.000 người tại sân vận động Vélodrome ở Marseille. © NICOLAS TUCAT / AFP
“Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Vélodrome, tất cả chúng ta đều ở trong một đội.” Trong phần trình diễn trước khi Đức Phanxicô đến, diễn viên hài Gad Elmaleh đã làm nóng sân vận động Marseille OM huyền thoại. Là diễn viên hài, ông lại làm mọi người cười khi ông nói đến sự hoài nghi của gia đình ông: “Ồ, chú mày lại đi Marseille đón giáo hoàng à?” Ông tâm sự: “Sự kiện này buộc tôi phải xác định lại bản thân tôi một lần nữa,” ông chân thành tiết lộ, ông rất xúc động, bây giờ ông đặt niềm vui làm trọng tâm cuộc sống của ông. Và một cách thoải mái, dịu dàng, kệ cho những người gièm pha, ông dám nói: “Hãy đến nơi có ánh sáng…”
Sau đó, họ đã đến, nhiều người bỏ các ‘show trình diễn’ để đi gặp giáo hoàng Phanxicô. “Đừng sợ!” Cố giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã nói. Và nam diễn viên Mehdi cầm micro dẫn phần đầu chương trình. Sau khi nhóm nhạc pop công giáo Glorious nổi sóng và một nữ ca sĩ trong ban nhạc kịch Bernadette Lộ Đức trình diễn với phần đệm piano của nhà soạn nhạc Grégoire, nhạc sĩ Jimmy Sax của Marseille làm cho sân vận động đung đưa theo điệu nhảy. Trước khi nhường chỗ cho một đoàn rước rất dài của các giám mục, linh mục mặc lễ phục trắng đi bục bàn thờ gần chỗ giáo hoàng. Tiếng kèn đồng, tiếng trống, tiếng kèn trompette xứng so tài với một buổi trình diễn của Hollywood. “Alléluia!” cả sân vận động hét lên vỡ họng. Không, đây không phải là một vận động viên mới của Thế vận Marseille!
Một cơ hội đặc biệt để hát cho Đức Phanxicô trong thánh lễ ở sân vận động Vélodrome
Vélodrome là nồi nước sôi, bây giờ biến thành ngôi đền đức tin, ai tin được? Một tình nguyện viên Marseille mỉm cười nói: “Rất tốt, để chứng tỏ cho thấy chúng tôi biết làm cái gì đó khác ngoài bóng đá”. Tiếng ồn ào lại gầm lên, tiếng “ola” tiếp nhau, ngay cả các giám mục cũng hưởng ứng. Thánh ca, Hosanna, Magnificat… Các bài thánh ca vang vọng dưới vòm sân vận động. Già trẻ lớn bé nam nữ, đủ mọi tầng lớp xã hội, tổng cộng 57.000 người, hòa nhập, giống như hai người khách Tây Ban Nha và Croatia này. Họ nói: “Điều quan trọng là chúng tôi có mặt ở đây để chứng tỏ chúng tôi có chung Địa Trung Hải”. Chúng tôi thấy người phụ nữ Senegal đến từ Aubagne đang leo lên các bậc thang Vélodrome với lá cờ mang hình Đức Phanxicô có câu “Viva el papa”. Cô nói: “Tôi là người công giáo, và như giấc mơ, tôi tự hào khi gặp giáo hoàng này.”
Cô Jennifer cùng con gái, mẹ và dì chụp hình trước khi vào sân vận động. Cô ở Marseille: “Tôi cảm động trước những gì giáo hoàng này nói về người di cư, ngài nói đúng”. Cô nhìn bà mẹ, bà đã rời Sao Tome, gần xích đạo khi 14 tuổi, bà cùng cha mẹ đến Bồ Đào Nha, rồi đến Marseille. Jennifer nói: “Đức Phanxicô có những lời lẽ để bảo vệ hòa bình.”
Đức Phanxicô ở Vélodrome giữa chủ nghĩa khổng lồ và chiêm niệm
Đức Phanxicô mở đầu bằng tiếng Pháp: “Xin chào Marseille, xin chào nước Pháp,” có lẽ để xin lỗi vì ngài nói ngài không đến Pháp mà chỉ đến Địa Trung Hải. Giải thích đoạn Tin Mừng Thánh Luca kể lại bà Elizabeth rung chuyển khi nghe tiếng nói của Mẹ Maria, ngài giảng bài giảng để mang một động lực mới cho “đám đông kiệt sức”. Ngài giảng bằng tiếng Tây Ban Nha: “Một trái tim lạnh lùng và phẳng lặng kéo cuộc sống trôi theo một cách máy móc, không đam mê, không động lực, không ham muốn”. Và chúng ta đã ngán với tất cả những điều này trong xã hội châu Âu: hoài nghi, vỡ mộng, cam chịu, không chắc chắn, một cảm giác buồn bã chung chung. Có người gọi đó là “những đam mê buồn”: đó là một cuộc sống không rung chuyển.”
Người đứng đầu của một tôn giáo có hai ngàn năm tuổi nói những lời này với tất cả những ai muốn nghe: “Tôi nghĩ nhiều đến ‘những rung chuyển’ mà nước Pháp đã trải qua, về lịch sử giàu có, về sự thánh thiện, về văn hóa, về các nghệ sĩ, về những nhà tư tưởng đã mê hoặc biết bao nhiêu thế hệ. Ngay cả ngày nay, cuộc sống của chúng ta, cuộc sống của Giáo hội, của nước Pháp, của châu Âu cũng cần điều này: ân sủng của một rung chuyển, một rung chuyển mới của đức tin, của đức ái, của hy vọng, của việc tái khám phá lại hương vị dấn thân cho tình huynh đệ, vẫn dám mạo hiểm tình yêu trong gia đình và với những người yếu đuối nhất, tái khám phá Tin Mừng là một ân sủng biến đổi và làm cho cuộc sống trở nên tươi đẹp.” Giống như khoảnh khắc này tại sân vận động Vélodrome ở Marseille.
Ngài kết thúc thánh lễ bằng cách mời gọi đám đông reo hò: “Xin hãy cầu nguyện cho tôi!” Đây không phải là một công việc dễ dàng!” Chủ nghĩa khổng lồ không ngăn giây phút suy niệm. Buổi lễ trông giống buổi trình diễn khổng lồ, được kết thúc bằng những khoảnh khắc im lặng, cũng rất ấn tượng.
Marta An Nguyễn dịch
Tại Marseille, chuyến đi mang tính chính trị của Đức Phanxicô