“Di cư phải là một lựa chọn tự do”: Đức Phanxicô, giáo hoàng tiên tri của Lampedusa

97

“Di cư phải là một lựa chọn tự do”: Đức Phanxicô, giáo hoàng tiên tri của Lampedusa

lepoint.fr, Jérôme Cordelier, đặc phái viên tại Rôma. 2023-09-19

Ngày 8 tháng 7 năm 2013, Đức Phanxicô đến Lampedusa, tại đây ngài lên án thái độ dửng dưng toàn cầu. © ANDREAS SOLARO / AFP / ANDREAS SOLARO/AFPANDREAS SOLARO

Quyền lực của giáo hoàng (2/4). Hòn đảo Lampedusa Ý đã trở thành biểu tượng của triều Đức Phanxicô: người Argentina, con của gia đình nhập cư Ý, đã đặt người di cư vào trọng tâm hoạt động của ngài.

Marseille cách Lampedusa 2.000 cây số nhưng nếu chúng ta đi qua Địa Trung Hải thì con đường sẽ ngắn hơn nhiều. Khi làn sóng người tị nạn tràn đến đảo Ý, những lời Đức Phanxicô sẽ phải tuyên bố và những cử chỉ của ngài ở Marseille ngày 22 và 23 tháng 9, sẽ càng gây được tiếng vang lớn hơn trong các bảng tin đầy thảm kịch này. Đức Phanxicô được mời tham dự Cuộc gặp Địa Trung Hải quy tụ các giám mục và giới trẻ từ 30 quốc gia vùng Địa Trung Hải, đặc biệt là xung quanh vấn đề người di cư.

Đây là cuộc gặp thứ ba của Giáo hội công giáo tổ chức, sau Bari  năm 2020 và Florence năm 2022. Kể từ ngày nhậm chức, Đức Phanxicô đã có nhiều chuyến đi đến các quốc gia vùng Địa Trung Hải, ngài nhấn mạnh ở Bari: “Địa Trung Hải có một ơn gọi đặc biệt: đó là vùng biển của các sắc dân khác nhau, về mặt văn hóa Địa Trung Hải luôn rộng mở cho gặp gỡ, đối thoại và hội nhập văn hóa lẫn nhau”.

“Sự toàn cầu hóa của thái độ dửng dưng”

Và điểm dừng chân đầu tiên của ngài là đảo Lampedusa, từ đó đảo này trở thành địa danh mang tính biểu tượng cho triều giáo hoàng của ngài. Trên thực tế, chính tại đây, sau khi được bầu chọn vào tháng 3, ngài đã có chuyến đi đầu tiên bên ngoài Rôma ngày 8 tháng 7 năm 2013, tại Lampedusa ngài nói lên câu để lại dấu ấn, “sự toàn cầu hóa của thái độ dửng dưng”.

Đức Phanxicô không buông gì hết ở Vatican

Jorge Bergoglio, nay là Giáo hoàng Phanxicô đã phát biểu: “Văn hóa của một đời sống thoải mái làm chúng ta chỉ nghĩ cho bản thân, làm chúng ta vô cảm trước tiếng kêu than của người khác, làm chúng ta sống trong bong bóng xà phòng, tuy đẹp nhưng chẳng là gì cả; chúng là ảo tưởng về những gì là vô ích, tạm thời, một ảo tưởng dẫn đến thái độ thờ ơ với người khác, thậm chí còn dẫn đến sự thờ ơ toàn cầu hóa. Trong thế giới toàn cầu hóa này, chúng ta đã rơi vào tình trạng toàn cầu hóa của thái độ dửng dưng.”

Ngày 25 tháng 11 năm 2014, tại hội nghị của Nghị viện Âu châu ở  Strasbourg về Địa Trung Hải, ngài cảnh báo biển Địa Trung Hải đang trở thành một “mồ chôn người vĩ đại”. – COE/AFP/COE/AFP

Ngày 25 tháng 11 năm 2014, trước Nghị viện Châu Âu ở Strasbourg, trong lần đến nước Pháp, ngài đã đưa ra một công thức sẽ vẫn còn lưu lại: “Chúng ta không thể chấp nhận việc vùng biển Địa Trung Hải trở thành nghĩa trang vĩ đại! Trên những con thuyền đến bờ biển châu Âu hàng ngày, có những người dân cần được tiếp nhận và giúp đỡ. Việc thiếu hỗ trợ lẫn nhau giữa các quốc gia trong Liên minh Châu Âu có nguy cơ khuyến khích các giải pháp đặc thù cho các vấn đề, nhưng lại không tính đến nhân phẩm của người nhập cư, tạo điều kiện thuận lợi cho lao động nô lệ và những căng thẳng xã hội tiếp diễn.”

Chúng ta không thể chấp nhận việc biến biển Địa Trung Hải trở thành một nghĩa trang vĩ đại!

Văn bản bi thảm mang tính tiên tri, trong đó Đức Phanxicô cảnh báo: “Châu Âu sẽ có thể đối diện được với những vấn đề liên quan đến vấn đề nhập cư nếu họ biết cách đưa ra rõ ràng bản sắc văn hóa của riêng mình và thực thi luật pháp phù hợp, đồng thời biết cách bảo vệ quyền lợi của công dân châu Âu và bảo đảm việc tiếp nhận người di cư; nếu họ biết áp dụng các chính sách công bằng, can đảm và cụ thể nhằm giúp đỡ quê hương họ trong việc phát triển chính trị-xã hội và giải quyết các xung đột nội bộ – nguyên nhân chính của hiện tượng này – thay vì các chính sách lợi ích làm gia tăng và thúc đẩy các xung đột này. Chúng ta cần phải hành động dựa trên nguyên nhân chứ không chỉ dựa trên kết quả.”

Trong năm 2023 này, trong thông điệp Ngày Di dân và Tị nạn Thế giới, Đức Phanxicô nhấn mạnh đến “lựa chọn tự do”, rằng mọi người phải có quyền ở lại một nơi nào đó hoặc rời đi. Ngài viết: “Việc di cư phải luôn là một lựa chọn tự do, nhưng trên thực tế trong nhiều trường hợp và ngay cả ngày nay, điều này không phải như vậy. Các xung đột, thiên tai hay đơn giản hơn là việc không thể có được cuộc sống đàng hoàng và thịnh vượng ở quê hương đã buộc hàng triệu người phải rời bỏ quê hương.”

“Tôi là con của những người nhập cư”

Đường hướng của Vatican ở trong bốn động từ: tiếp nhận, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập. Ông Andrea Tornielli, giám đốc biên tập Vatican News, người thân cận với Đức Phanxicô nhấn mạnh: “Vấn đề di dân không phải là một ý tưởng cố định của Đức Phanxicô. Đức Phanxicô phản ứng trước một thực tế vốn là vấn đề quan trọng đối với châu Âu và là trọng tâm của đức tin công giáo, vì câu chuyện Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse là câu chuyện của một gia đình tị nạn. Chúa Giêsu là người di cư. Và lịch sử gia đình của Jorge Bergoglio gắn liền với việc người Ý nhập cư vào Argentina, quê hương của cha mẹ ngài. Ngài đã nói câu chuyện này năm 2015 trong bài phát biểu đầu tiên tại Nhà Trắng với Tổng thống Obama: ‘Tôi là con của những người nhập cư’.”

“Con của những người nhập cư” chưa bao giờ ngừng thách thức dư luận quốc tế về chủ đề này, từ đảo Lesbos của Hy Lạp đến thành phố Ciudad Juarez của Mexico, nơi vào năm 2016 ngài đã cử hành thánh lễ trước hàng rào ngăn lối vào tiểu bang Texas khi ứng cử viên Donald Trump muốn biến đây thành “bức tường”. Ngài đưa người tị nạn hồi giáo về Vatican. Năm 2019, ngài đã trưng chiếc áo cứu cấp được tìm thấy trôi dạt ở Địa Trung Hải, trên cây thánh giá ở trung tâm Vatican, trong sân Dinh Tông tòa, để “nhắc nhở chúng ta phải luôn mở tầm mắt, giữ trái tim luôn rộng mở, nhắc tất cả mọi người phải dấn thân, một dấn thân không thể tránh được, để cứu từng sinh mạng con người, một nghĩa vụ đạo đức gắn liền với người có tín ngưỡng cũng như không tín ngưỡng.” Đồng thời, ngài kêu gọi chúng ta “tố cáo và truy tố những kẻ buôn người bóc lột và ngược đãi người di cư, ngài không sợ phải nêu lên những thông đồng và tiếp tay của các thể chế.”

Đức Phanxicô tiếp người di cư tại Rôma, nhân dịp kỷ niệm 6 năm chuyến tông du của ngài tới Lampedusa. – HANDOUT / VATICAN MEDIA / HANDOUT/AFP

Mọi người đều có trách nhiệm của mình

Tất cả các bài phát biểu của ngài trong hơn 10 năm qua đều nhằm mục đích tạo ra những “cây cầu” và phá bỏ “những bức tường”, pháo đài của “những ích kỷ dân tộc”. Qua lời nói, qua cử chỉ mang tính biểu tượng, ngài muốn đối đầu với các Chính phủ và mỗi công dân về trách nhiệm của họ. Ngài kích động, ngài gây sốc, ngài đụng chạm? Càng nhiều càng tốt! Bằng cách này, ngài đã hoàn thành sứ mệnh trong tư cách là giáo hoàng: nếu ngài, một thẩm quyền đạo đức của hành tinh này, không mạnh mẽ phổ biến một thông điệp nhân loại như vậy để nâng đỡ những người mong manh nhất, thì ai sẽ làm điều này?

Suy nghĩ của ngài được nuôi dưỡng qua quyển sách Martin Fierro đã thành quy chiếu của ngài, tác phẩm cổ điển văn học Argentina do nhà văn và nhà báo José Hernandez viết và xuất bản năm 1872, một sử thi ca ngợi vùng nông thôn Argentina của những kỵ sĩ gaucho. Sự gắn bó với đất đai, bản sắc, tinh thần yêu nước là trọng tâm của công việc này, là vấn đề hàng đầu của Đức Phanxicô và mỗi người đều có quyền này. Nhu cầu cắm rễ này là một phần trong vấn đề di cư.

Khởi đi từ đó, mỗi người đều có phần trách nhiệm của mình: người mục tử không phải là người quản lý. Nhưng qua lời nói của mình, ngài muốn ra lệnh cho cộng đồng các quốc gia và đặc biệt là châu Âu – và chắc chắn ngài sẽ lặp lại ở Marseille – hãy tiến tới một bước để cùng đi chung, gắn bó với nhau để giải quyết nỗi đau khổ liên quan đến toàn thể nhân loại. Một thông điệp thực tế?

Ông Andrea Tornielli nói: “Hoàn toàn thực tế. Đức Phanxicô nhấn mạnh đến sự hội nhập. Những dân tộc nghèo đói này, những chiếc thuyền đang chìm trong biển, phải được đón nhận: đây không phải ý muốn bất chợt của giáo hoàng, nhưng đơn giản là phản xạ của con người. Nhập cư là vấn đề của con người và toàn cầu, tất cả các nước phải chuẩn bị tiếp nhận họ. Trách nhiệm này thuộc về tất cả các quốc gia, không chỉ những quốc gia phải trực diện với trách nhiệm này trên bờ biển của họ. Đó là truyền thống châu Âu. Chúng ta phải cùng nhau đạt được một chính sách chung cho châu Âu.”

Các quan điểm uyển chuyển về nhập cư

Đọc kỹ các bài viết của ngài, có lẽ giáo hoàng ít cực đoan hơn một số nhà chú giải chiến binh của ngài muốn gợi ý. Sử gia Giovanni Maria Vian, giám đốc danh dự của nhật báo Vatican Osservatore romano nhấn mạnh: “Về những người di cư, ngài có quan điểm uyển chuyển hơn nhiều so với các quan điểm xuất hiện trên báo chí. Ngài lặp lại nhiều lần, các quốc gia phải tiếp nhận người mà họ có thể tiếp nhận. Đây không phải chỉ là vấn đề cứu.”

Trong thần học phát triển của Đức Phanxicô, mỗi người mang đức tin đều là một người di cư. Ngài diễn tả ý này trong quyển sách phỏng vấn với nhà xã hội học Dominique Wolton Chính trị và xã hội (Politique et société, nxb. l’Observatoire, 2017): “Phẩm giá con người bao hàm con người trên đường đi. Khi một người đàn ông hay đàn bà không lên đường, họ là xác ướp. Đó là một mảnh bảo tàng. Người này không còn sống. Không phải chỉ đi trên cuộc hành trình, nhưng phải làm hành trình. Chúng ta đang đi theo hướng của mình. Có một bài thơ Tây Ban Nha nói rằng: Con đường được tạo nên bằng cách đi và bước đi là để giao tiếp với người khác. Khi chúng ta bước đi, chúng ta gặp nhau. Đi, có lẽ là nền tảng của văn hóa gặp gỡ.”

Không cách mạng sao?

Marta An Nguyễn dịch