Có ai nếm được mùi vị dịu ngọt của tâm hồn, nghĩ về ai, có lúc nào chúng ta cảm thấy tâm hồn mình được dịu ngọt như ướp mật không? Sống là có va chạm, nghĩ cho cùng, cuộc sống không thể là tuần trăng mật vĩnh viễn được! Người xưa đã chẳng nói có người hiểu mình, chết không ôm hận! Có bao giờ bạn nghĩ cha mẹ đã hiểu mình đủ, đã cho mình những giây phút dịu ngọt?
Nếu tôi là đứa con đàng hoàng, mang vinh dự về cho cha mẹ, tôi sẽ không nếm được những giây phút dịu ngọt mẹ tôi cho tôi. Phải ở trong cảnh đáng bị la mắng mới hiểu được dịu ngọt tâm hồn là gì.
Tôi không thể nào nói hết các ngông cuồng tuổi thanh xuân của tôi. Các văn sĩ đã chẳng biện hộ cho những ngông cuồng của họ khi họ nói: “Những chuyện không bao giờ tiếc nuối là những chuyện ngông cuồng đã làm trong tuổi thanh xuân!” Cũng không xa thời thanh xuân bao nhiêu, nhưng giờ đây đó là những tài sản quý báu của tôi, làm sao tôi quên được những đêm thức trắng chén chú chén anh với các bạn, những lần nhấn hết ga thử máy xe, những nợ nần chi tiêu quá trớn, những phiêu lưu tán tỉnh, những lần nhận giấy phạt cảnh sát như các em bé học giỏi nhận giấy khen thưởng…
Tôi đứng trước chân tường với biên lai đến hạn trả, với giấy phạt phải trả trong 24 giờ! Mẹ tôi biết các chuyện này, bà chẳng ngạc nhiên.
Bà, người tôi vẫn cho là chẳng biết gì, người còn sống ở thời tiền sử, không truyền hình, không điện thoại cầm tay, không xe chiến; tất cả những gì bà không có, tôi có. Bà ví tôi như Trư Bát Giới, rượu thịt chưa no thì phải ăn cho no. Bà kệ tôi!
Bà kệ tôi nhưng bà không kệ tôi, vì mỗi lần tôi gặp vấn đề, bà như đứng trước mặt tôi, ôm tôi vào lòng, nhẹ nhàng giải quyết, nhẹ nhàng nói với tôi: “Mẹ thương con.” Lý ra tôi phải bị la mắng, đã có lần tôi xin bà cứ la tôi nhưng khi nào bà cũng nói: “Mẹ thương con.” Tôi không hiểu vì sao bà chỉ nói một câu đó. Không có cách nào biện hộ cho những ngông cuồng của tôi, tôi cũng nói với bà “Con thương mẹ”.
Tôi nói làu đến mức tôi có thể nói với bất cứ ai: “Con thương… ông ngoại, con thương bà ngoại, con thương…”, tôi nghĩ như tôi đang nói với mẹ tôi.
Gần như mẹ tôi chỉ chờ những dịp như vậy để nói “Mẹ thương con!”
Tôi không bao giờ có thể quên câu chuyện ngày thứ sáu đầu tháng bảy năm 2003. Tháng 6 là tháng sinh nhật tôi, trước đó mấy tháng, công ty Bảo hiểm xe gởi giấy tái hạn bằng lái, tôi không để ý… vì bận đi nghỉ hè! Tôi thản nhiên lái xe với bằng lái hết hạn. Ba giờ sáng thứ sáu, trên đường về nhà, tôi bị cảnh sát gọi kiểm tra giấy tờ… Tôi tái mặt với giấy phạt 410 đồng! Về nhà, thấy đèn phòng mẹ tôi còn sáng, tôi biết bà còn thức. Đưa giấy phạt cho bà xem, bà chẳng ngạc nhiên, bà nói: “Mẹ biết, con ở trên sổ đen của cảnh sát. Chẳng có gì khó khăn với họ, người trẻ này chưa tái hạn bằng lái, chiếc xe mang bảng số… tuần quanh khu vực đương sự ở thì sẽ túm được! Phải túm ngay mới làm cho đương sự vào khuôn phép, chờ đến thứ hai thì nó sẽ đi tái hạn!”
Lạ một điều, bà như thiên thần bảo vệ tôi, tôi chết điếng với giấy phạt thì bà đã biết trước, bà bảo nếu bà nói không có tiền để trả là chuyện không đúng sự thật, bà sẽ trả; điều bà muốn là tôi phải ý thức việc tôi làm.
Ý thức! Các cha mẹ thường hăm dọa con cái khi chúng bỏ học: “Cha mẹ nuôi con là để con đi học; nếu con đi làm thì con tự nuôi con, xin mời con ra riêng.” Bà không nói được câu đó vì bà không muốn hăm dọa tôi! Bà giải thích, vì ý thức của con cái chưa phát triển nên cha mẹ phải dùng biện pháp đó. Còn phần bà, bà không dùng, bà chờ ngày tôi mở mắt!
Nghe bà nói, lòng tôi quặn lên… những chuyện đáng lý tôi chôn giấu trong lòng, bỗng tôi nói ra một cách dễ dàng với bà. Ngay lập tức, tôi quyết định không đi làm nữa, tôi cần có thì giờ để sắp xếp lại cuộc sống, đầu óc thư giản nghĩ đến chuyện học, tôi dọn dẹp lại nhà cửa.
Tôi mở mắt! Làm sao tôi có thể mở mắt cho trọn được? Nhưng trước mắt, tôi không muốn làm nô lệ cho công việc. Tôi thấy rõ được quan hệ giữa tôi và ông chủ, giữa tôi và bạn gái, giữa tôi và cha mẹ, bạn bè. Tôi hiểu được quan hệ nào cho tôi dịu ngọt tâm hồn.
Tôi bắt đầu nếm vị ngọt tâm hồn của tình gia đình, tôi biết một khi đã nếm được thì mình sẽ muốn nếm hoài. Vì sao mẹ tôi nghĩ với lòng tốt có ngày bà sẽ chinh phục được tôi? Mẹ tôi không sợ tôi sẽ lợi dụng và bị mù mắt mãi sao? “Mỗi người phải đối diện với ý thức của mình, cần phải la mắng mới có ý thức sao, nó sẽ làm chai cứng ý thức,” mẹ tôi hay nói như vậy.
Tôi biết bà lo cho tôi rất nhiều, bà cầu nguyện cho tôi rất nhiều… dù bà hay nói bà phó thác mọi chuyện vào tay Chúa. Tôi mường tượng có một bàn tay kỳ dị nào đó làm những việc gì đó thật lạ lùng; những lúc mẹ tôi buồn về tôi nhiều nhất, lúc đó có một biến cố nguy hiểm xảy đến cho tôi, tôi cần đến bà và tôi có dịp chứng nghiệm tâm hồn dịu ngọt của bà.
Những dịu ngọt tâm hồn, tôi đã nếm và tôi biết càng ngày tôi càng nếm một cách thâm sâu hơn.
Marta An Nguyễn