Home Blog Page 889

Andrea Monda: Đức Bênêđictô XVI, sức mạnh và lòng tốt

Andrea Monda: Đức Bênêđictô XVI, sức mạnh và lòng tốt

Ngày 11 tháng 2 cách đây sáu năm, Đức Bênêđictô XVI từ nhiệm

fr.zenit.org, Marina Droujinina, Rôma, 2019-02-11

Ông Andrea Monda, giám đốc báo L’Osservatore romano trong ấn bản tiếng Ý ngày 12 tháng 2, 2019 viết: “Để thực hiện được hành vi Đức Bênêđictô XVI đã làm cách đây sáu năm thì cần phải rèn luyện suốt cả một đời, một cuộc đời dành cho sức mạnh và cho lòng tốt, muốn được như vậy phải dũng cảm, dũng cảm của một con sư tử”.

Ông Andrea Monda nhấn mạnh: “Sẽ sai lầm khi cho rằng toàn bộ tám năm triều giáo hoàng của ngài là ở sự kiện ngày 11 tháng 2-2013. Lịch sử Giáo hội thấy trong hành động này là nguồn, là bước ngoặt và như Đức Phanxicô nói, là một sự ‘thay đổi lịch sử’”.

Ông nêu lên: “Cả Đức Gioan-Phaolô II cũng như Đức Phanxicô, hai giáo hoàng sẽ không là người như họ đã là nếu không có sự hiện diện mạnh mẽ và kín đáo của Đức Joseph Ratzinger”. Ông nói thêm: “Cả hai đã nhiều lần công nhận điều này”.

Ông Monda trích lời Đức Phanxicô nói về các vấn đề lạm dụng tình dục (trên chuyến bay từ Tiểu Vương Quốc Ả-Rập về): “Đức Bênêđictô XVI đã có can đảm làm rất nhiều về vấn đề này. […] Người ta thường cho ngài là người yếu, nhưng ngài không có gì là yếu. Đó là một người tốt, tốt như bánh mì tốt, nhưng là một người mạnh”.

Ông Andrea Monda nói: “Việc nâng giá trị này nhắc cho chúng ta nhớ một điều gì đó rất đúng đến nỗi nó có vẻ sai lầm hoặc hết sức nghịch lý nơi những người trở nên lười do sức mạnh của thói quen: rằng sức mạnh và lòng tốt thường đi chung với nhau, nuôi dưỡng nhau.”

Về vấn đề này, ông Monda trích dẫn hai quyển sách: “Bianco su nero” (Trắng trên Đen) của tác giả Ruben Gallego và “Biên niên của Narnia” của C. S. Lewis. Quyển thứ nhất viết trong phần nói đầu: “Các nhân vật chính của quyển sách này là những người rất mạnh, rất rất mạnh. Bạn thường phải mạnh. Và tốt. Không phải ai cũng có đủ khả năng để trở nên tốt, không phải ai cũng có thể bước qua rào cản của sự khó hiểu chung. Quá thường xuyên người ta cho lòng tốt là điểm yếu. Thật đáng buồn”.

Còn theo tác giả Lewis thì “đó là hình ảnh phi thường của con sư tử Aslan … vừa uy nghi, vừa tốt bụng, vừa mạnh vừa có lòng thương xót, truyền cảm hứng cùng một lúc vừa sợ hãi vừa tin tưởng”. Nhắc đến hành vi của Đức Bênêđictô XVI, ông Monda cho rằng để thực hiện được hành vi này “cần phải có… lòng dũng cảm của con sư tử”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Các trẻ vị thành niên gần như hoàn hảo

Các trẻ vị thành niên gần như hoàn hảo 

 

la-croix.com, Emmanuelle Vignes, huấn luyện viên, 2017-09-06

Có các trẻ vị thành niên không có vấn đề. Đúng, có, có các trẻ vị thành niên không có vấn đề. Nhưng đó là con của người khác! Người mà họ nói với bạn nhưng họ không ý thức vực thẳm phức tạp bạn đang ở trong đó: “Con tôi luôn biết việc nó phải làm”, hay “Tôi không bao giờ bắt nó học.” Còn hơn nữa, “Nó vừa có chứng chỉ cấp cứu ở hồ bơi, nó vừa tổ chức trại hè hướng đạo và đang chuẩn bị vào lớp dự bị Khoa học-Chính trị”.

Ở nhà, chúng tôi biết, mà có thể các bạn cũng biết, chúng tôi còn có một thú vui khác, đó là cùng với người phối ngẫu tìm ra ai là thủ phạm cho sự cố này: “Nếu con bị như vậy là phía nhà anh, phía nhà tôi không có ai vậy!” Cho đến khi cả hai phải thú nhận một chuyện khó thú nhận: “Đúng là thảm họa! Bằng tuổi con, bố mẹ cũng như vậy!”

Dù sao khi tôi thấy các trẻ vị thành niên gần như hoàn hảo, sau khi nuốt xuống “cơn ghen” thì tôi cũng hơi lo cho chúng một chút. Có một cái gì đáng nghi nghi ở đây. Tất cả tăng trưởng đều phải trải qua một cuộc khủng hoảng. Và cuộc khủng hoảng giúp chúng ta chọn những gì chúng ta giữ lại, những gì chúng ta phải để qua một bên.

Còn các trẻ vị thành niên của chúng ta, chúng thừa hưởng một nhu cầu, nhu cầu này có trong bản chất, đó là chấp nhận phải làm việc thay vì ngồi sáng tác nhạc, trình diễn trên sân khấu hay chia sẻ hình ảnh trên điện thoại với bạn bè. Dĩ nhiên nhu cầu này chẳng có gì là mới. Nhưng, có vẻ như chúng đang sống theo sự yên tỉnh bề ngoài. Sự yên tỉnh và sự đúng đắn hoàn hảo này lại cũng lại làm cho con cái trách chúng ta muốn áp đặt lên chúng các thái độ mà chính chúng ta cũng không thể nào có. Chẳng có gì hơn thế để nhắc chúng ta nhớ con đường mình phải đi!

Tôi không hiểu vì sao cha mẹ lại bị sốc khi nghe con tuổi vị thành niên của mình giải thích “vì giáo sư” mà năm nay điểm toán của con bị thấp.

Nói lại chuyện này cho bố mẹ nghe nào! “Năm nay giáo sư quá kỳ cục. Năm ngoái ít nhất còn…!” Chẳng có gì ngạc nhiên về chuyện này. Chỉ cần nhìn chung quanh thế giới làm việc của chúng ta là chúng ta thấy: hai mươi năm sau, cũng các trẻ vị thành niên này sẽ nói, hiệu năng làm việc của tôi thay đổi theo người quản lý, câu này chẳng gây sốc cho ai. Họ biện minh: “Đó là lỗi của người quản lý!”

Đúng vậy, và chúng tôi cảm thấy nhói lòng hay đúng hơn là một chút thèm thèm khi chúng đi chơi cuối tuần ở nhà bạn. Một ngày đẹp trời, người chị họ của tôi nói: “Khi đi ra ngoài, mấy đứa con tuổi vị thành niên của chúng ta thật ngon lành. Chúng thật hoàn hảo ở bên ngoài”.

Cũng đứa bé này khi ở nhà thì ngáp lên ngáp xuống, cãi cọ, thách thức, phản kháng, vậy đây thật sự có phải là vấn đề không? Chúng ta hãy xác thực và trung thực với chúng. Như thế chúng ta mới có thể giúp chúng đối diện với các mâu thuẫn mà chính chúng ta cũng phải sống như thế mỗi ngày. Trẻ con sống dựa trên chúng ta: những im lặng của chúng ta cũng làm chúng đau khổ, các lời nói dối của chúng ta cũng làm cho chúng đảo lộn vì chúng ta vẫn là gương của chúng. Chúng ta đừng sợ vì không biết, đừng sợ phải xin lỗi, phải đối thoại, phải trao đổi về các khủng hoảng tương tự mà chúng ta đã từng sống, dù thế hệ có khác nhau. Và nhất là chúng ta đừng sợ mình không hoàn hảo!

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Xin đọc thêm: 6 lời khuyên để nói chuyện với trẻ vị thành niên

Chantal Goya: “Chúa Giêsu là một hiện diện cực kỳ mạnh, Ngài hướng dẫn tôi”

Chantal Goya: “Chúa Giêsu là một hiện diện cực kỳ mạnh, Ngài hướng dẫn tôi”

lepelerin.com, Sabine Harreau, 2019-01-27 

“Cô gái tuổi ngây thơ hiền dịu” (Mademoiselle âge tendre) là chương trình bà Chantal Goya mở cánh cửa music-hall cho trẻ con. Ở tuổi 76, bà tiếp tục quy tụ các thế hệ khác nhau chung quanh các buổi trình diễn của mình. 

Một lý do để bà thức dậy mỗi sáng? Niềm vui sống. Như mấy con gà mái, khi mặt trời mọc là tôi đã dậy. Tôi hối hả. Buổi sáng trôi qua rất nhanh.

Thuốc chữa suy thoái tinh thần của bà? Tôi không bao giờ bị suy thoái tinh thần. Mỗi ngày là một ngày vui. Như có phép mầu.

Đâu là tài năng ẩn giấu của bà? Tôi luôn có tinh thần chiến đấu. Tuổi thơ ấu tôi ở Đông dương (bà sinh tại Sàigòn năm 1942), tôi có câu trả lời cho tất cả. Thời đó là thời giải phóng thuộc địa. Một ngày nọ cha tôi bị bắt trói trên chiếc xe bò. Người ta sắp chặt đầu cha tôi. Mới 3 tuổi nhưng tôi rất tự tin, tôi can thiệp. Cuối cùng người ta cởi trói cha tôi.

Phim bà thích? Giống đực giống cái (Masculin féminin) của điện ảnh gia Jean-Luc Godard, phim tôi đóng năm 1966 cùng với các diễn viên Jean-Pierre Léaud và Marlène Jobert. Godard nhận thấy sự vô tư và niềm vui sống của thế hệ tôi. Tôi đóng vai cô gái trẻ hiện đại vào cuối những năm 60.

Câu châm ngôn của bà? Có chỗ cho tất cả mọi người.

Vật bà yêu thích? Tôi sưu tập các hình Bécassine bằng chì có đánh số.

Cái gì còn lại trong tuổi thơ của bà? Tính tháo vát và trí tưởng tượng.

Nếu bà có đôi đũa thần bà sẽ thực hiện mơ ước nào? Hòa bình trên thế giới và các gia đình phải sống ngoài đường có được căn nhà sưởi ấm. Tôi rất đau lòng. Phải tìm một giải pháp.

Bà có hẹn năm phút với Đức Phanxicô, bà muốn nói với ngài chuyện gì? Tôi xin ngài là nhà tài trợ để đem Marie-Rose (nhân vật yêu thích trong nhiều buổi trình diễn của bà) đến khắp nơi trên thế giới. Tôi muốn mang đến cho trẻ con các giá trị và các điểm chuẩn trong cuộc đời.

Đối với bà Chúa Giêsu là… Một sự hiện diện cực kỳ mạnh hướng dẫn tôi. Tôi rất tin, dù nhiều khi tôi bối rối không biết phải giải thích như thế nào cho các bạn tôi hiểu về sự liên quan giữa Chúa Giêsu và Thiên Chúa.

Bà gặp Chúa, bà mong Chúa nói gì với bà? “Một ngôi sao vừa được sinh ra trên trời.” Sau khi chôn mẹ tôi (tháng tư năm ngoái) tôi cảm thấy rất hạnh phúc, như thử bà gặp lại tất cả những người bà yêu thương. Cuối cùng chúng ta chỉ là người đi qua trên Quả đất này.

“Cầu nguyện” là… Thắp một ngọn nến ở nhà thờ. Tôi rất yêu Thánh Têrêxa Lisiơ. Tôi luôn có ảnh Cha Thánh Piô, Mẹ Têrêxa và Thánh Antôn Pađua trong túi xắc…

Marta An Nguyễn dịch

Xin đọc thêm: Élizabeth Tchoungui: “Vui sống làm chúng ta gần với Chúa”
Mireille Mathieu: “Tuổi thơ của tôi được nuôi dưỡng bởi opera”
Anne-Élisabeth Lemoine: “Cha mẹ để ý đến bảy đứa con bằng nhau”

Justin Bieber: “Tôi muốn phó thác hết cho Chúa”

Justin Bieber: “Tôi muốn phó thác hết cho Chúa”

fr.aleteia.org, Marzena Devoud, 2019-02-08

Trên trang báo Vogue Mỹ, ca sĩ Justin Bieber cùng với vợ là Hailey Baldwin trả lời trong một cuộc phỏng vấn chung. Không che giấu, ngôi sao nhạc pop kể về việc Chúa đã giúp anh thoát khỏi cảnh nghiện ma túy và tình dục như thế nào.

Justin Bieber và siêu mẫu Hailey Baldwin đã kết hôn dân sự vào tháng 9 năm ngoái, ca sĩ nổi tiếng người Canada tâm sự trên tạp chí Vogue danh tiếng Mỹ. Một dịp để anh nói lên quá khứ đen tối và khó khăn của mình. Nhất là để nói với các fan hâm mộ càng ngày anh càng khá hơn và đã nhờ vào sự nâng đỡ của người vợ trẻ rất nhiều.

Justin Bieber sắp mừng sinh nhật 25 tuổi đã được đẩy lên hàng đầu khi còn quá trẻ. Một thành công sớm trước tuổi đã làm cho anh trải những năm tháng khó khăn, đôi khi thật cực kỳ tuyệt vọng và cô đơn. Rất mong manh, anh lâm vào nạn nghiện ngập ma túy, vào thuốc tâm thần và vào tình dục. Kéo theo một chuỗi sai lạc làm ảnh hưởng đến sự nghiệp ca nhạc của mình. Anh kể: “Khi mới 13 tuổi tôi đã thành công. Đối với tôi, thật là khó khăn để tách các sự việc, giữa những gì tôi làm và tôi là ai. Tôi cần thì giờ để biết tôi là ai, những gì tôi muốn làm trong đời và các quan hệ của tôi với người khác, nhất là tôi muốn biết tôi đích thực là người như thế nào… những vấn đề này đã đánh mất hết ý nghĩa của nó khi mình bị chìm đắm trong thế giới kinh doanh và âm nhạc.”

Một quá khứ đau đớn mà anh không hãnh diện. Không thể đối diện với nỗi nhục nhã mà mình cảm nhận, Justin bắt đầu uống thuốc an thần, tăng liều dần dần đến mức có hại cho sức khỏe. Anh thổ lộ trên báo: “Tôi cảm thấy xấu hổ với con người tôi đã trở thành, xấu hổ cho những nhầm lẫn trong đời của tôi. Để quên đi sự xấu hổ này tôi uống Xanax. Mẹ tôi luôn nói mình phải có lòng tôn trọng phụ nữ. Tôi không bao giờ quên lời này, đó là lý do tại sao tôi không vui với cách đối xử của mình. Và các loại ma túy đã tạo một hố ngăn cách giữa những gì tôi làm và con người thật của tôi. Nó trở nên hết sức đáng sợ. Có một dạo mà ban đêm những người chung quanh tôi vào xem tim tôi còn đập hay không, phổi tôi còn thở hay không.”

Hôm nay nhờ sự giúp đỡ của gia đình và của một mục sư, Justin Bieber đã lấy lại sức. Anh mong nói chuyện cởi mở về quá khứ đen tối và cho thấy các dấu hiệu của một đời sống mới. Một đời sống từ nay tập trung vào quan hệ của anh với Chúa và chuẩn bị đám cưới tôn giáo với Hailey. 

Tập trung vào Chúa

Bạn với nhau từ lâu, hai ngôi sao trẻ gặp lại nhau vào tháng 6 năm ngoái. Và họ quyết định làm đám cưới. Từ một năm nay,  Justin Bieber quyết định sống cuộc sống độc thân. Hồi đó thuốc an thần, ma túy, rượu không phải là chứng nghiện duy nhất của anh. Trong bài phỏng vấn trên tạp chí Vogue, Justin Bieber cho biết anh còn nghiện tình dục, anh đi tìm những cuộc vui chỉ một đêm. Quyết định cai nghiện tình dục có liên quan đến sự trở lại thiêng liêng của anh. Khi quyết định tái tập trung đời của mình vào đức tin, anh ý thức cơn khủng hoảng đã trải qua. “Tôi thật sự có vấn đề với tình dục (…) Chúa không đòi hỏi chúng ta phải kiêng khem cho Ngài để tôn trọng đủ loại luật lệ. (…) nhưng đúng hơn là Ngài nói với chúng ta: Cha đang bảo vệ con khỏi các đau khổ và tổn thương.”

Justin Bieber không ngại lặp đi lặp lại điều này. Theo anh, “tình dục có thể gây ra nhiều đau khổ. Đôi khi người ta làm tình chỉ vì thấy mình không được khỏe. Vì họ không có lòng tự trọng cho chính họ. Đàn ông cũng vậy, phụ nữ cũng vậy. Tôi muốn phó thác cho Chúa vì tôi hiểu như thế tốt hơn cho tâm hồn tôi. Và tôi nghĩ Chúa đã ban ơn cho tôi để tôi gặp Hailey. Tôi nghĩ mình sẽ có nhiều ơn khi mình cư xử tốt.”

Một lời chứng đau lòng, được hỗ trợ bởi những lời khôn ngoan của cô Hailey Baldwin trong cuộc phỏng vấn này. Một sự trở lại chắc chắn sẽ có tác động tích cực trên hàng triệu trẻ vị thành niên fan của anh trên thế giới, họ sẽ xem Justin Bieber như một con người khác chứ không hẳn chỉ là một thần tượng.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Đức Giám mục Charles Scicluna, người không thể mua chuộc được của các giáo hoàng

Đức Giám mục Charles Scicluna, người không thể mua chuộc được của các giáo hoàng

 la-croix.com, Nicolas Senèze, 2019-01-18

Đức Giám mục Charles Scicluna, Phó Tổng Thư ký Bộ Giáo lý Đức tin. / Alessia Giuliani/CPP/Ciric

Các nhân vật chủ chốt của cuộc họp thượng đỉnh về các vụ lạm dụng tình dục (2/5)

Đàng sau nụ cười vui vẻ tròn trịa, Đức Giám mục Charles Scicluna, giám mục giáo phận Malta là một trong các nhà tổ chức cuộc gặp các chủ tịch hội đồng giám mục vào cuối tháng 2 sắp tới về các vụ lạm dụng tình dục, ngài là nhà điều tra đáng nể. Một loại “Eliot Ness của Vatican”, (Eliot Ness, nhân viên chống tội phạm của Mỹ), người quản lý các vấn đề đen tối và tế nhị cho Đức Bênêđictô XVI và Đức Phanxicô, người điều tra các tội ác xấu xa nhất.

Sinh tại thành phố Toronto, Canada, cha mẹ trở về đảo Malta, Ý sống khi cha mới 11 tháng, không có gì tiên đoán trước Giám mục Scicluna là người của các giáo hoàng trong việc chống nạn ấu dâm: nhà giáo luật học, cha làm luận án tại Rôma về hôn nhân công giáo dưới sự bảo trợ của hồng y tương lai Raymond Burke, lúc đó hồng y là người giữ liên lạc với Tối cao Pháp viện Tông tòa muốn giữ cha ở lại làm việc với ngài.

Nhưng giám mục của cha Scicluna đang chờ cha ở giáo phận Malta, nơi trong vòng năm nay cha vừa dạy giáo luật vừa lo các vụ hôn nhân ở tòa án địa phận. Năm 1995 cha được Vatican đưa  về làm việc ở Tối cao Pháp viện Tông tòa.

Người điều tra vụ Marcial Maciel

Năm 2002, Đức Gioan-Phaolô II giao việc xử lý các vụ lạm dụng trên trẻ vị thành niên cho Bộ Giáo lý Đức tin, cha trở thành người bảo vệ đức tin và là một trong các cộng sự viên thân cận của hồng y Joseph Ratzinger.

Hồng y Ratzinger bị đụng với những người chung quanh giáo hoàng Ba Lan, họ chặn không cho ngài điều tra vụ linh mục Marcial Maciel, sáng lập viên Binh đoàn Chúa Kitô bị tố cáo về nhiều tội ác ngiêm trọng: vì thế ngày 2 tháng 4 năm 2005 khi Đức Gioan-Phaolô II qua đời ở Vatican, hồng y Ratzinger nghĩ mình sẽ về hưu và “khép” hồ sơ lại, ngài gởi cha Scicluna qua Mỹ để phỏng vấn các nạn nhân của linh mục Maciel.

Lên làm giáo hoàng, Đức Bênêđictô XVI chỉ định hồng y William Levada đứng đầu Bộ Giáo lý Đức tin và giao cho ngài hồ sơ nặng nề của linh mục Maciel: một năm sau linh mục này bị kết án.

Người của “không khoan nhượng”

Đức Bênêđictô XVI đặt hoàn toàn tin tưởng của mình vào Giám mục Scicluna, Giám mục trở thành người “không khoan nhượng” và là người quyết tâm hành động không lay chuyển về mặt luật pháp nhưng cả về mặt phòng ngừa.

Nhà vatican học Frédéric Mounier thời đó đã nói với báo La Croix: “Cha đã thực hiện nhiệm vụ của mình rất nghiêm túc, đi đến cùng hồ sơ và biết cách chống lại các trơ lì và các phe nhóm bên trong nội bộ Vatican”. 

Mgr Scicluna: “Giáo hội nghiêm khắc về ấu dâm”

Năm 2012 linh mục Scicluna được Đức Bênêđictô XVI phong làm giám mục phụ tá giáo phận Malta, năm 2015 Đức Phanxicô đề cử ngài làm Tổng Giám mục và giao cho ngài các trường hợp khó khăn.

Sau chuyến đi thảm khốc Chi-lê vào đầu năm 2018, Đức Phanxicô nhận ra mình đã bị lừa trong trường hợp của Giám mục Juan Barros, giáo phận Osorno bị buộc tội vì đã tham dự vào các vụ lạm dụng của một linh mục, Đức Phanxicô đã gởi Giám mục Scicluna đến Chi-lê để đích thân điều tra các vụ này.

Ngài ở lại tám ngày, gặp gỡ nhiều người, dù trong thời gian này ngài bị mổ túi mật! Các nạn nhân cho biết ngài “thấu cảm” với họ, điều mà từ lâu họ không cảm thấy mình được Giáo hội thấu cảm…

Sau đó ngài gởi cho Đức Phanxicô một bản báo cáo đồ sộ dài 2300 trang, sau khi đọc bản báo cáo, Đức Phanxicô công khai bày tỏ “nỗi đau” và “nhục nhã” của mình, ngài xin lỗi các nạn nhân và nhận ra các “sai lầm nghiêm trọng” do sự “thiếu thông tin chân thật và cân bằng”.

Nhân vật không thể thiếu của giáo hoàng

Trở thành nhân vật không thể thiếu của giáo hoàng về các vấn đề phức tạp, tháng 11 vừa qua, ngài được gọi về Rôma để giữ chức vụ Phó Tổng Thư ký Bộ Giáo lý Đức tin.

Một chức vụ “bán thời gian” – vì ngài vẫn là Tổng Giám mục giáo phận Malta – nhưng nhất là chức vụ này mang lại cho ngài một uy quyền vì ngài phải giám sát văn phòng kỷ luật, trở nên một loại “viện công tố” của Giáo hội chống những người lạm dụng.

Với cuộc họp tháng 2 sắp tới, Giám mục Scicluna cho hãng tin Vatican News biết, ngài mong chờ cuộc họp này giúp cho các giám mục, các bề trên Dòng và những người có trách nhiệm trong giáo triều ý thức “sự nghiêm trọng của tình hình” và cùng nhau suy nghĩ để tìm giải pháp.

Chính ngài cũng đang xem xét một vài phát triển về giáo luật như, “vai trò mạnh mẽ hơn được giao phó cho các giám mục các đô thị” và một “vai trò cũng lớn hơn cho các nạn nhân trong các vụ tố tụng của giáo luật”. Các nạn nhân thường thực sự bị vắng mặt trong pháp luật.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Xin đọc thêm: Linh mục Hans Zollner, ở tuyến đầu chống các lạm dụng tình dục

Sách: “Không trả lời có, cũng không trả lời không”, Tomi Ungerer

Sách: “Không trả lời có, cũng không trả lời không”, Tomi Ungerer

 

Tác giả Tomi Ungerer với quyển sách “Không trả lời có, cũng không trả lời không”  vừa qua đời ngày 9 tháng 2-2019 tại Cork, Ai-Len. Tác giả của 140 quyển sách, 40 000 bức vẽ, các sách cho trẻ em mà chúng tôi đã dịch quyển “Không trả lời có, cũng không trả lời không”. Một dịp chúng tôi xin mời quý độc giả đọc lại những câu trả lời dí dỏm của tác giả Tomi Ungerer.

“Quan trọng là phải có một mục đích cho cuộc sống của mình, mang đến cho tài năng của mình một định hướng. Tôi là người tự nguyện dấn thân!”.

“Không trả lời có, cũng không trả lời không”: Tomi Ungerer, người khổng lồ, tướng cướp của văn chương tuổi trẻ nói chuyện triết lý với trẻ em

https://phanxico.vn/2018/07/24/khong-tra-loi-co-cung-khong-tra-loi-khong-tomi-ungerer-nguoi-khong-lo-tuong-cuop-cua-van-chuong-tuoi-tre-noi-chuyen-triet-ly-voi-tre-em/

Tình bạn  

Làm sao nói với một người là mình thương họ? Làm sao kết bạn khi mình rụt rè?

https://phanxico.vn/2018/12/01/tinh-ban/

Tình yêu

Làm sao mình biết người đó thương mình?

https://phanxico.vn/?p=37540

Súc vật

Mấy con chí của con, một khi chúng chết, chúng có đi ra nghĩa trang không?

https://phanxico.vn/2018/12/03/suc-vat/

Tiền bạc

Nghèo có là một lợi điểm không?

https://phanxico.vn/2018/12/04/tien-bac-2/

Hành tinh và Vũ trụ

Ở một nơi nào khác đâu đó, thì cũng chẳng nói lên được gì nếu Vũ trụ là vô tận?

https://phanxico.vn/2018/12/05/hanh-tinh-va-vu-tru/

Trẻ con và người lớn 

Phải lớn mới thành người lớn phải không? Lớn là như thế nào?

https://phanxico.vn/2018/12/06/tre-con-va-nguoi-lon/

Gia đình  

Con không có chị cũng không có anh. Có bình thường không khi con cảm thấy mình đơn độc?

https://phanxico.vn/2018/12/07/gia-dinh/

Con người và bản chất con người

Mẹ nói triết lý trả lời tất cả mọi sự. Nhưng triết lý có biết cái ví tiền nhỏ con làm mất và con tìm mãi không ra không?

https://phanxico.vn/2018/12/08/con-nguoi-va-ban-chat-con-nguoi/

Đạo đức và Xã hội

Người ta nói mỗi con người đều dùng vào một việc gì đó? Còn chúng ta?

https://phanxico.vn/2018/12/09/dao-duc-va-xa-hoi/

Cái chết

Có thú vị để chết không?

https://phanxico.vn/2018/12/10/cai-chet/ 

Thiên nhiên và Khoa học 

Con người đi với đôi chân, nhưng con người suy nghĩ với cái gì?

https://phanxico.vn/2018/12/11/thien-nhien-va-khoa-hoc/

Sợ  

Nếu có cái gì làm con lo, làm con hãi sợ thì con lên tiếng. Con đừng ngại, cứ mắng chửi nó. “Cái thứ dơ bẩn kia, tao sẽ vứt mày trong máy giặt rồi tao sẽ lấy mấy cái móc phơi áo quần kéo lỗ tai mày.”

https://phanxico.vn/2018/12/12/so/

Thành kiến

Mình có phải tôn trọng người dữ không?

https://phanxico.vn/2018/12/13/thanh-kien/

Tư tưởng và Hiểu biết

Có phải mình sẽ lớn lên nếu mình đọc sách người lớn không?

https://phanxico.vn/2018/12/14/tu-tuong-va-hieu-biet/

Tôn giáo

Chúa là đàn ông hay đàn bà?

https://phanxico.vn/2018/12/15/ton-giao/

Lời cầu nguyện Cha Thánh Piô đọc sau khi Rước lễ

Lời cầu nguyện Cha Thánh Piô đọc sau khi Rước lễ

“Kinh Mân Côi là khí cụ chống lại tất cả sự dữ trên thế giới hiện nay. Tất cả ân sủng của Chúa đều qua Mẹ Maria.” Padre Pio.

fr.aleteia.org, Hervé Grandchamp, 2019-02-06

Hoa quả đức tin của một trong các Thánh lớn nhất thế kỷ 20, lời cầu nguyện mà Cha Thánh Piô đọc sau khi Rước lễ để xin Chúa luôn ở lại với mình.

“Xin Chúa ở lại với con vì Chúa là đời của con”.

Những chữ đơn sơ, đầy tình yêu là những chữ của một trong các vị thánh lớn nhất thế kỷ 20. Những chữ này trích từ lời cầu nguyện Cha Thánh Piô đọc sau khi Rước lễ. Linh mục Dòng Capuxinô đặt Thập giá Chúa Kitô là trọng tâm đời mình và sứ mạng tông đồ của mình. Cha Thánh Piô rất gần với Đức Gioan-Phaolô II, ngài mang năm dấu thánh Chúa Kitô và làm nhiều phép lạ trong đời mình.

Marta An Nguyễn dịch

Linh mục Hans Zollner, ở tuyến đầu chống các lạm dụng tình dục

Linh mục Hans Zollner, ở tuyến đầu chống các lạm dụng tình dục

la-croix.com, Nicolas Senèze, Rôma, 2019-01-17

Các nhân vật chủ chốt của cuộc họp thượng đỉnh ở Vatican về các vụ lạm dụng tình dục (1/5). Được chọn vào tháng 11 vừa qua để điều hợp ở hội đồng tổ chức cuộc họp thượng đỉnh tháng 2-2019 về các vụ lạm dụng tình dục, linh mục Hans Zollner từ lâu là một trong các chuyên gia hiếm hoi về vấn đề này trong Giáo hội.

Linh mục Hans Zollner trong cuộc hội thảo quốc tế về Nhân phẩm của trẻ em ở thời kỹ thuật do Trung tâm Bảo vệ Tuổi thơ tổ chức tại Giáo hoàng Học viện Gregorian, Rôma. / Fabio Pignata/CPP/CIRIC

Chuyên ngành của linh mục Zollner hơi bị gò bó với các vấn đề lạm dụng tình dục. Linh mục Dòng Tên Hans Zollner 52 tuổi, là tâm lý gia, nhà tâm lý trị liệu, trong thời gian đào tạo ở những năm 1990, khi các chuyện này chưa được đề cập đến nhiều ở trường đại học, linh mục Zollner đã đặc biệt quan tâm đến nó. Vì thế ngài không ngạc nhiên khi các vụ này bùng nổ đầu tiên ở Mỹ trong những năm đầu năm 2000.

Vừa được đề cử làm giáo sư khoa tâm lý học ở Viện Đại học Gregorian ở Rôma, linh mục Zollner bắt đầu làm việc với các chuyên gia hàng đầu thế giới. “Ở Đức, nhiều người nghĩ rằng vấn đề này không đụng đến chúng ta, nhưng tôi còn nhớ, cha bề trên tỉnh dòng nói với tôi, đây chỉ là vấn đề thời gian.” Quả thật, năm 2010 bùng ra vụ trường đại học Dòng Tên Canisius, Bá Linh đưa ra ánh sáng lời chứng của 200 nạn nhân bị sờ mó tình dục. 

Ở Gregorian, một tổ chức độc đáo

Rất hiếm tu sĩ người Đức nào am tường vấn đề, năm 2010 cha tham dự vào nhóm làm việc được chính quyền thành lập để lượng định tầm rộng lớn các vụ tai tiếng tình dục trong Giáo hội cũng như trong xã hội.

Khi đó cha nhận ra “cần phải đào sâu vấn đề” và năm 2014 cha thành lập Trung tâm bảo vệ trẻ vị thành niên (CCP), được giáo phận Munich tài trợ với sự ủng hộ của Gregorian và một phòng khám ở Ulm, chuyên ngành trong việc trị liệu các người đi lạm dụng. Mục đích của tổ chức độc đáo này từ ba năm nay đã có trụ sở ở Rôma: thành lập các chuyên gia có khả năng truyền bá trong Giáo hội một nền văn hóa phòng ngừa.

Hàng chục linh mục và tu sĩ nam nữ đã được đào tạo và mùa khai giảng vừa qua, Trung tâm bảo vệ trẻ vị thành niên có chương trình cao học, linh mục Zollner cho biết “đây là nơi có chương trình đào tạo duy nhất trên thế giới, dành trọn hai năm học về việc phòng ngừa các vụ lạm dụng tình dục”.

Tại Rôma, một chứng chỉ để bảo vệ tốt nhất cho các trẻ vị thành niên

Các người tốt nghiệp tại đây, đến lượt họ, khi họ về nước họ sẽ đào tạo lại các chuyên viên nhất là ở những nước nghĩ mình tương đối tránh xa được cơn khủng hoảng này. Nhóm của Trung tâm bảo vệ trẻ vị thành niên làm việc với hơn năm mươi nước và linh mục Zollner liên tục đi khắp nơi trên thế giới để nâng cao nhận thức cho các người lãnh đạo trong Giáo hội.

Ngài cho biết: “Bây giờ tôi được mời đi khắp nơi trên thế giới, kể cả những nơi mà vấn đề này không nằm trên tin tức thời sự hàng đầu của các báo. Khi nào đi gặp, tôi cũng đều gặp những người thật sự mong muốn phòng ngừa tệ nạn này.”

“Thay đổi văn hóa” cần có thời gian

Trong lần gặp với báo La Croix tháng 3 năm ngoái, sau khi từ Ấn Độ về và trước khi khi cha đi Pháp để gặp các giám mục Pháp ở Lộ Đức, cha vui mừng cho biết: “Ở Kerala, miền nam Ấn Độ, Giáo hội syro-malabare công khai cho biết, Giáo hội phải nói đến vấn đề này, một chuyện cách đây năm năm là không thể đề cập đến vì theo văn hóa Ấn Độ, nói đến tình dục là chuyện không nên đề cập công khai.” 

Linh mục Hans Zollner đứng trước sự phức tạp của các vụ lạm dụng tình dục

Linh mục nhìn thấy đây là kết quả của sự thúc đẩy được các vị có trách nhiệm cao trong Giáo hội đưa ra từ nhiều năm nay. Linh mục nhận thức việc đưa ra một sự “thay đổi văn hóa”, và thay đổi văn hóa thì cần thời gian, ngài nhấn mạnh sự việc đã thay đổi, nhất là nhờ các nạn nhân, vì thế linh mục khuyến khích các giám mục nên đi gặp các nạn nhân.

Linh mục Zollner cho biết: “Rất nhiều giám mục biết cách gần gũi với các nạn nhân, nhưng khi có các giám mục mới được phong chức thì buộc phải bắt đầu lại công việc đào tạo. Cũng phải thừa nhận, cũng có các giám mục biết trên giấy tờ việc gì phải làm, nhưng họ thiếu sự quan tâm cần thiết”.

“Thay đổi trong tích tắc, chuyện này không thể có!”

Theo linh mục Zollner, Đức Bênêđictô XVI và Đức Phanxicô đã cho ví dụ. Bản thân linh mục đã tháp tùng nhiều nạn nhân đến Vatican: “Một số người bình tĩnh, thanh thản, ngược lại có một số người nóng nảy bực tức. Họ như thế nào Đức Phanxicô luôn tiếp họ như thế ấy.”

Chính vì để tất cả các giám mục sống được kinh nghiệm này mà các giám mục tham dự cuộc họp thượng đỉnh tổ chức vào cuối tháng 2 này được mời gọi gặp gỡ các nạn nhân trong giáo phận mình, “để nghe từ miệng họ các đau khổ mà họ phải chịu đựng lâu nay”.

Đó là một cách tốt đẹp để thúc đẩy “thay đổi văn hóa”, một công việc cần thiết mà linh mục Zollner luôn làm việc. “Tôi không phải là nhà ảo thuật: các thay đổi này không thể búng tay trong tích tắc là có ngay, chuyện này không thể có!”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Xin đọc thêm: Phỏng vấn đầy đủ với Linh mục Hans Zollner: Đối đầu với thực tế của các vụ lạm dụng

Linh mục Hans Zollner: Sau cuộc khủng hoảng lạm dụng, làm thế nào chúng ta có thể trở lại với gốc rễ kitô giáo của mình?

Linh mục Zollner: Chấn thương về mặt thiêng liêng của các nạn nhân bị  lạm dụng tình dục    

“Mùa chay ăn rau”: Chúng ta hãy để các ý thức hệ ra ngoài đức tin

“Mùa chay ăn rau”: Chúng ta hãy để các ý thức hệ ra ngoài đức tin

fr.aleteia.org, Julien Leclercq, 2019-02-08

Một tổ chức Phi Chính Phủ Mỹ đề nghị tặng Đức Phanxicô một triệu đôla nếu ngài ăn rau trái (Vegan) trong vòng 40 ngày khi Mùa Chay bắt đầu vào ngày 6 tháng 3 sắp tới. Các nhân vật nổi tiếng như các ông Joaquin Phoenix và Yann Arthus-Bertrand ủng hộ sáng kiến này.

Trong một bản tin, tổ chức Million Dollar Vegan (Triệu Đôla Vegan) tuyên bố: “Mỗi người ăn chay Vegan trong Mùa Chay sẽ tiết kiệm các-bon tương đương một chuyến bay từ Luân Đôn đến Bá Linh. Nếu tất cả người công giáo trên hành tinh này đều làm như vậy thì sẽ tiết kiệm số năng lượng tương đương hàng năm của một nước như Phi Luật Tân.” Không tránh được. Mục đích hoàn toàn đáng ca ngợi, thậm chí có thể biện minh được vì Đức Phanxicô đã chọn triều giáo hoàng của mình đi theo bước chân của Thánh Phanxicô Axixi.

Môi sinh toàn diện theo Thông điệp Chúc tụng Chúa Laudato si’

Trong Thông điệp Chúc tụng Chúa, Đức Phanxicô đã viết về Thánh Phanxicô Axixi: “Chứng từ của ngài cho chúng ta thấy một môi sinh toàn diện đòi hỏi phải mở ra các phạm trù vượt quá ngôn ngữ toán học hay sinh học và hướng chúng ta đến bản chất cốt lõi của con người. Giống như khi chúng ta yêu ai, mỗi khi chúng ta nhìn mặt trời, mặt trăng hay súc vật dù là những súc vật bé nhỏ nhất, phản ứng chúng ta là ca hát, kết hợp với các sinh vật khác để cùng ca ngợi.” Đức Phanxicô còn nhấn mạnh thêm (35) : “Đường xá, các trồng trọt mới, các hàng rào, các đê đập và các xây dựng khác dần dần chiếm hữu môi trường sống, và đôi khi phân chia chúng đến mức mà quần thể động vật không còn di cư hay tự do di chuyển, một số loài còn bị đe dọa tuyệt chủng.” Môi sinh toàn diện đề nghị một sự bảo vệ toàn cầu cho con người, cho thiên nhiên, cho hệ sinh thái đứng trước loại văn hóa sa thải đầu độc thế giới hiện đại.

Chủ trương ăn thức ăn thực vật: lệch lạc ý thức hệ

Chủ trương ăn thức ăn thực vật đề nghị một lối sống không tiêu thụ các sản phẩm từ động vật là chuyện có thể hiểu được. Việc khai thác động vật, điều kiện sống của chúng, đau khổ của chúng, tóm tắt hoàn cảnh sống như địa ngục của súc vật phải làm chúng ta thường xuyên chất vấn đến vấn đề này. Nuôi súc vật trong thời gian ngắn nhất là thảm kịch cho môi trường, súc vật bị làm cho đau đớn và bị hạ thịt một cách kinh khủng. Cũng như mọi ý thức hệ khác – hoặc đạo đức cá nhân tìm cách thu hút ngày càng nhiều đồ đệ bằng cách định hình lại cách sống của họ – thì chủ trương ăn tuyền thực vật đụng đến sự riêng tư, cụ thể là đụng đến thức ăn của chúng ta. Sự xâm nhập vào thói quen bình thường nhất này có một cái gì gây khó chịu và ấu trĩ, lại được phóng đại bởi các chiến dịch quảng cáo và truyền thông cổ động, bằng chứng qua sự cường điệu mới nhân Mùa Chay sắp đến. Với Thông điệp Chúc tụng Chúa, Đức Phanxicô đã tạo tiếng vang trong dư luận thế giới để bảo vệ môi trường, hơn bất cứ tiếng vang nào của loa phóng thanh các show thương mại. Người công giáo không cần một cơ quan Phi Chính Phủ hứa hẹn cho tiền để làm cho dân chúng nhận thức vấn đề này.

Một cách tượng trưng, thực phẩm là Chúa cho con người hàng ngày: là một ơn và con người – là người tin hay không tin – đều được nuôi dưỡng với những gì họ muốn và nhất là với những gì họ có thể có. Cấm một thức ăn, là giả dụ rằng mọi người đều có chọn lựa ăn cái gì mình thích, nhưng hàng ngày chúng ta đều thấy cảnh người không có ăn ngoài đường, hay qua thực tế đau lòng: có thức ăn là cả một thách thức. Dùng hình ảnh Đức Giáo hoàng để áp đặt “chế độ ăn uống thuần chay” là một loại khinh miệt giai cấp và hoàn toàn vô ý thức về tình trạng nghèo khổ.

Mùa Chay còn đi xa hơn là ăn kiêng

Cuối cùng hạ Mùa Chay xuống, xem đây như thời gian ăn kiêng là giảm ý nghĩa của Mùa Chay rất nhiều. Lời của Chúa Giêsu trong chương 5 Tin Mừng Thánh Mát-thêu: “Không phải cái vào miệng làm cho con người ra ô uế, nhưng cái từ miệng xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế.” Cả một khác biệt căn bản giữa sứ điệp của Tin Mừng và nội dung của một quảng cáo! Nếu Mùa Chay đi trước lễ Phục Sinh là để mời gọi người công giáo hãm mình và tiết độ, chứ không phải chỉ giới hạn vào việc ăn rau ăn đậu. Mùa Chay còn hơn thế! Sức mạnh thiêng liêng của Mùa Chay là ở việc hướng nội, mời gọi mỗi người xét mình, xem lại lỗi lầm, tội lỗi của mình để được tái sinh trong đêm Phục Sinh. Dĩ nhiên dịp này cũng là dịp chúng ta chú ý đến những gì trong chén cơm của mình, nhưng cũng là chú ý đến những gì trong tâm hồn, trong tư tưởng đen tối nhất của chúng ta. Trên quan điểm này, tổ chức Triệu Đôla Vegan đã phạm hai lỗi lầm, đã dùng sức mạnh truyền thông của Đức Giáo hoàng, đã không hiểu về việc tu đức vừa tinh thần vừa thể xác trong Mùa Chay hàng năm, sự nghiệm nhặt cũng như việc đi tìm sự thanh khiết. Chúng ta hy vọng tháng Mùa Chay này sẽ hữu ích và phong phú cho các chuyên gia chuyên đi tìm  quảng cáo trên truyền thông sẽ hướng tới nhiều hơn đến lòng khiêm nhường và giá trị tinh thần.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Hồng y Schönborn lo cho cuộc họp thượng đỉnh sắp tới về ấu dâm

Hồng y Schönborn lo cho cuộc họp thượng đỉnh sắp tới về ấu dâm

cath.ch Jacques Berset, 2019-02-08

Hồng y Schönborn giáo phận Vienne, chủ tịch Hội đồng Giám mục Áo | © B. Hallet

Giáo hội công giáo còn rất nhiều việc phải làm về vấn đề lạm dụng tình dục. Hỗ trợ cho các cải cách cơ cấu, ngày 6 tháng 2 trong một tài liệu được đài truyền hình Bavois Bayerischer Rundfunk phát hình, hồng y Schönborn  người Áo nhấn mạnh đến sự cần thiết phải làm cho các người có trách nhiệm trong Giáo hội nhạy cảm hơn với vấn đề này.

Hồng y Schönborn giáo phận Vienne lưu ý không nên quá mong chờ đối với hội nghị các giám mục chủ tịch các hội đồng giám mục trên thế giới về bảo vệ cho các trẻ vị thành niên. Cuộc họp thượng đỉnh này sẽ diễn ra tại Vatican vào cuối tháng 2. Không nêu ra một nước nào đặc biệt, Hồng y Schönborn  lấy làm tiếc ở một số nơi trên thế giới, không phải lúc nào trong Giáo hội cũng có một lương thức chung về vấn đề cốt yếu này. 

Cuộc gặp với một cựu nữ tu bị lạm dụng

Tài liệu truyền hình “Lạm dụng trong Giáo hội công giáo: một phụ nữ đấu tranh để có sáng tỏ” tập trung trên cuộc gặp giữa Hồng y Schönborn và cựu nữ tu Doris Wagner. Hồng y đã gặp cựu nữ tu Doris nhiều giờ ở phòng thâu hình của đài Bayerischer Rundfunk.

Trong buổi phát hình, hồng y Schönborn cho biết, tất cả các giám mục và hồng y không lượng định vấn đề này theo cùng một cách. Ngài cho biết, ngài hy vọng các vị tham dự cuộc họp thượng đỉnh sẽ bị đánh động bởi vấn đề trầm trọng này và “tiến trình chữa lành” sẽ được thật sự làm mới lại trong Giáo hội.

Các cơ cấu hỗ trợ cho các vụ lạm dụng

Hồng y Schönborn  thừa nhận đã có các cơ cấu và hệ thống trong Giáo hội làm dễ dàng cho các vụ lạm dụng. Trước hết là sự mất quân bình quyền lực, một loại “năng lực của im lặng” và thường thường là một hình ảnh thái quá, xem linh mục như người “thiêng liêng, người không đụng chạm đến được”. “Nếu hình ảnh này của linh mục chiếm ưu thế thì đương nhiên chủ nghĩa độc đoán là mối nguy thường trực!”

Hồng y Schönborn  giải thích: “Linh mục quyết định tất cả. Đây là mối hiểm nguy mà người mục tử có thể bị vướng nhiều hơn các người khác”. Sự bất bình đẳng quyền lực là “tội cổ xưa” trong Giáo hội. Đức Hồng y cho biết chính mình cũng từng là nạn nhân của một vụ tấn công tình dục khi còn trẻ: một linh mục, người mà cha rất kính trọng đã muốn hôn cha.

Quá gắn kết vào tình dục

Hồng y Schönborn  cho biết ngài thường nghe các nhận xét chê bai hay mỉa mai của các giáo sĩ khi họ nói về các nữ tu, những người mà họ chỉ giao trách vụ phục vụ. Ngài nói, “chắc chắn đây không phải là một mô hình cho tương lai”. Ngài xác quyết cơn khủng hoảng do các vụ lạm dụng khơi ra sẽ đặt lại vấn đề vai trò của phụ nữ trong Giáo hội dưới một khía cạnh mới.

Ngài cũng thừa nhận trong quá khứ, trong Giáo hội công giáo, thần học đạo đức và sự gắn kết vào tình dục đã quá ở trọng tâm của mọi chú ý. Ngược lại, các vấn đề khác như học thuyết xã hội đã bị xuống hàng thứ nhì.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài mới nhất