Home Blog Page 890

Người quân nhân lê dương của tôi

Người quân nhân lê dương của tôi

Trích sách Chúa ở trọn tâm hồn, René-Luc, nxb. Presses de la renaissance

Thành phố Bretagne, 24 tháng 5, 1985. Chuông điện thoại reo, người ta chuyển điện thoại cho tôi:

– René-Luc, điện thoại của bạn! Tôi không biết ông này là ai… ông nói cái giọng lạ…

– Allô?

– Xin chào, tôi muốn nói chuyện với René-Luc.

Tôi không nhận ra giọng nói này. Người đàn ông nói giọng Đức.

– Dạ chính tôi.

– …

– Allô? tôi lặp lại.

– Xin lỗi, xin lỗi con… Cha là cha của con, cha có thể nói chuyện với con được không?

Cha của tôi? Ngay lập tức, toàn thân tôi rúng động: quả tim, cái đầu, đôi chân… Giây phút kinh hoảng.

Không! Không thể được. Đây là câu nói đùa không hay tí nào. Tôi thật sự không thích. Giọng nói đó lặp lại:

– Allô?

Tôi suy nghĩ. Nếu thật sự đó là cha tôi? Làm sao biết được? Sau vài giây im lặng nặng nề, tôi hỏi:

– Ông tên là gì?

– Günter… Günter Buschkiewitz.

Đúng, đúng là ông, Günter! Như thế là không phải lời nói đùa, vì không ai trong chỗ quen biết của tôi biết ông. Đó là bí mật gia đình. Mọi người nghĩ tôi có cùng cha với các em gái tôi.

Không nghi ngờ gì, đây chỉ có thể là ông.

– Khi nào ông có thể đến?

– Khi nào con sẵn sàng gặp cha.

– Sáng mai thì không được vì con phải thi vấn đáp tiếng Đức, bài thi cuối của kỳ thi tú tài. Vậy chiều mai được không?

Gut! Vậy thì chiều mai!

Không cần phải nói, tối hôm đó tôi không ngủ được.

Ngày mai, đầu óc tôi để chỗ khác khi tôi đứng trước nữ giáo sư hỏi thi vấn đáp ở Saint-Brieuc. Thẳng thắn mà nói, tôi chưa bao giờ thích tiếng Đức. Mẹ tôi bắt tôi phải học: “Mình không biết khi nào, nếu có ngày con gặp cha con…” Đúng, bà đã đoán trước! Và ông đến đúng hôm trước ngày tôi thi vấn đáp tiếng Đức.

Các lớp học tiếng Đức luôn làm tôi nghĩ đến ông và làm cho tôi đau lòng. Tôi luôn có điểm xấu. Nói cho công bằng, mối liên hệ của tôi với giáo sư tiếng Đức và tiếng la-tinh giống nhau, chỉ khác một chuyện: giáo sư tiếng Đức không gởi tôi lên gặp ông hiệu trưởng.

Đứng trước giáo sư hỏi thi, tôi hoàn toàn mất phương hướng. Tôi chỉ muốn nói với bà: “Bà biết không, tôi cóc cần kỳ thi của bà! Trong vài giờ nữa, tôi sẽ gặp cha tôi!”

Điểm của tôi thật tệ nhưng đủ để đậu.

Hai giờ chiều ngày 25 tháng 5, 1985. Tôi còn nhớ như câu chuyện mới xảy ra hôm qua. “Người đàn ông” gõ cửa. Tôi đi về phía ông. Ông cao, tuổi ngoài năm mươi và trông khá lớn tuổi, mạnh khỏe, tóc vàng ngả qua trắng. Bây giờ tôi hiểu vì sao tôi tóc vàng. Ông có cái mũi của người đánh bốc-xơ và hàm răng trắng thẳng tắp như hàm răng của tài tử Jean-Paul Belmondo. Ông cũng phải lớn hơn mẹ tôi gần mười tuổi.

Tim tôi đập thình thịch. Đến gần ông, tôi không biết phải làm gì. Tôi đưa tay ra cho ông. Ông cầm tay tôi, cùng lúc ông đưa má ra cho tôi hôn.

– Chào René-Luc.

– Chào cha.

– Con cao thật. Con giống cha khi cha bằng tuổi con.

Tôi không trả lời. Tôi hơi bị khựng. Ông cũng cảm thấy bối rối.

– Mình có thể đi đâu đó để nói chuyện được không? tôi hỏi ông và cố gắng nở một nụ cười.

– Được con.

Tôi đưa ông đến phòng tập của nhóm mà tôi vừa mới thành lập. Chúng tôi ngồi giữa tiếng đàn ghi-ta và tiếng trống. Ông bắt đầu kể chuyện.

– Con biết đó, trước hết cha xin con tha thứ cho cha. Vì rượu mà cha đã không tìm gặp con trong bao nhiêu năm nay. Cha bị bệnh, thật sự bệnh. Chính vì thế mà cha không chăm sóc con.

Rượu? Đúng, mẹ tôi đã nói cho tôi biết, cha tôi nghiện rượu. Nhưng tôi không cắt lời ông. Tôi nghe, tôi không cảm thấy mình có thể nói gì.

– Khi cha gặp mẹ con ở trang trại, cha vừa kết thúc thời gian bảy năm trong Binh đoàn Hải ngoại, bảy năm chiến tranh khủng khiếp ở Marốc rồi ở Algeria.

Cha tôi kể ông đến Algeria năm 1955. Ông tham dự vào các chiến dịch ở Marốc năm 1956, rồi đến Algeria và ở lại đó đến năm 1962.

– Cha được lên chức đại đội trưởng và được huy chương. Khi đó chiến tranh sắp chấm dứt, trong một buổi liên hoan quá chén, cha gây gổ với một sĩ quan trung úy và cha đánh ông ta! Họ phạt cha và gởi cha đi trại kỷ luật ở Djemien Bou Regz, đập đá trong sa mạc Sahara.

Tôi sững sờ nghe.

– Chiến tranh đã là gay go, nhưng trại này thì thật khủng khiếp. Cha vào trại kỷ luật từ tháng 8 năm 1961 đến tháng 8 năm 1962. Nhiều người đến trại này đã chết, hoặc còn sống thì cũng thành điên. Cha không biết làm sao cha lại sống sót được qua tất cả những chuyện này.

Cha tôi ngừng nói. Tôi nhìn ông. Tôi không nói gì. Tôi cũng nhìn lại tôi. Ông hiểu là ông phải phá tan sự im lặng này.

– Khi ra khỏi Binh đoàn, cha về lại Đức và cha gặp rất nhiều khó khăn để trở lại đời sống bình thường. Cha bắt đầu uống càng ngày càng nhiều. Nghề của cha là thợ hàn. Nhưng cha hay bị sa thải. Cha hay quay trở lại Marseille, tìm lại hải cảng của Binh đoàn. Chính một trong các lần nghỉ việc này cha về miền nam nước Pháp và cha gặp mẹ con. Bà dễ thương, bà cho cha ở trọ một đêm. Bà nói với cha bà muốn mở một quán rượu. Cha đề nghị ở lại một ít thời gian để giúp bà. Bà đồng ý. Và rồi… mẹ con đẹp. Con biết, với phụ nữ, cha luôn biết cách chinh phục… Và như thế là hai người gặp nhau, con hiểu không?

– Dạ, con hiểu.

– Nhưng cha luôn có vấn đề với rượu. Ở trang trại có những thùng phi đựng rượu thật lớn và cha đến đó, uống và uống…

Cha tôi bật cười. Tôi cười theo không nổi.

– Nhưng mẹ của con, bà rất dễ thương, bà luôn tha thứ cho cha. Và rồi bà có đủ thứ vấn đề gia đình. Cha nghĩ khi đó bà đang ly dị với người cha của hai đứa con trai. Bà quá chán với các câu chuyện này. Bà muốn làm lại cuộc đời. Khi đó, bà bỏ chương trình mở quán rượu, bà đề nghị đi theo cha về Đức với hai anh Babou và Cacou của con. Chúng còn nhỏ và rất dễ thương, cha rất yêu chúng. Cả nhà đi Đức. Cha tìm được việc làm ngay và gia đình bắt đầu cuộc sống bình thường cho đến ngày cha nghiện rượu lại. Khi cha say, cả một quá khứ ở Binh đoàn trồi lên. Khi nào cha cũng gây gổ. Đôi khi cả với cảnh sát. Nhưng cha không bao giờ đánh mẹ con, không bao giờ đánh phụ nữ! Với mẹ con, thật khó cho bà để chịu đựng tất cả những chuyện về rượu của cha, bà quyết định rời đi. Bà đi xe lửa về lại Pháp. Còn cha, cha không giữ bà lại, cha thấy cha không thể nào đảm đương trách nhiệm đối với bà và hai anh của con. Cha rất khổ và cha yêu mẹ con nhiều, nhưng lúc đó rượu mạnh hơn.

Mẹ tôi không nói cho tôi biết tất cả, chắc chắn bà muốn giữ hình ảnh tôi có về cha tôi.

– Vài tháng sau khi mẹ con ra đi, cha nhận một bức thơ. Mẹ con nói bà mang thai trong thời gian ở Đức. Như thế cha biết cha có một đứa con. Nhưng lúc đó cha không thể đảm đương nổi… Cũng vì rượu! Cha xin lỗi con, cha không làm con bị sốc vì từ vựng của cha chứ? Con biết đó, cha học tiếng Pháp ở Binh đoàn, vậy thì…

– Không, không sao, cha cứ tiếp tục…

– Con có thể xưng hô thân mật với cha, cha là cha của con..

– Dạ, để từ từ, con chưa xưng như vậy được ngay, con cố gắng.

– Có một lần cha đi xe gắn máy qua Pháp. Mẹ con có một tiệm ăn ở vùng Cévennes. Khi đó mẹ con đã lập gia đình lại… Con có thêm hai em gái đúng không?

– Đúng, con có hai em gái.

– Mẹ con cho phép cha gặp con. Khi đó con bốn hay năm tuổi, cha không còn nhớ. Con rất xinh, con có các lọn tóc vàng. Hai cha con chơi với nhau một giờ, rồi cha ra đi. Đó là chuyện bình thường, cha như người vô gia cư… A! nếu cha không có vấn đề rượu!

Cha tôi chân thành tiếc mình đã đi bên cạnh chính đời mình, hay đời của tôi, hay đời của chúng tôi. Tôi thanh thản hơn. Tôi thấy đủ tự tin để hỏi ông:

– Nhưng vậy thì làm sao cha biết con… Làm sao cha tìm con được?

– Nhờ bà Siegrid, vợ của cha. Bà giúp cha thoát cảnh nghiện rượu. Khi bà biết cha có một đứa con, bà khuyến khích cha đi tìm. Khi đó là tháng 6 năm 1980, cha lên xe đến trang trại ở Camargue. Nhưng những người ở đây không có tin tức mẹ con từ nhiều năm nay. Cha cũng đến tiệm ăn ở vùng Cévennes nơi cha thấy con khi con còn nhỏ. Nhưng họ cho cha biết có một vụ hỏa hoạn ở đó. Và ở đó đã thay đổi hoàn toàn, không ai biết mẹ con đâu. Cha đến tòa thị chính Nîmes, nhưng cha không nhớ tên họ của con, vì thế cha không thể tìm con được. Cha thật sự đã thất vọng! Khi đó cha đến Lộ Đức thắp nến để xin cho cha tìm ra con.

– Lộ Đức?

– Đúng, Lộ Đức. Tuy cha theo đạo tin lành nhưng cha rất tin. Dù khi nghiện rượu, cha đã để mình trong bàn tay của quỷ, cha luôn nghĩ Chúa không bỏ cha. Con có thể thấy kỳ cục, một người tin lành mà đi cầu nguyện ở Lộ Đức, nhưng vì cha biết ở đó có nhiều phép lạ, cha đến để xin Chúa giúp cha tìm ra con! Và cha đã thắp một ngọn nến với Bernadette.

– Cha đi vào lúc nào?

– Tháng 6 năm 1980.

– Cha còn nhớ ngày không? tôi không còn dè dặt, tôi hỏi ông.

– Không.

– Thật là lạ!

– Vì sao?

– Vì cuối tháng 6 năm 1980 con cũng ở Lộ Đức. Chính ở đó, trước hang đá Đức Mẹ Lộ Đức con đã hiến đời mình cho Chúa. Năm năm đã trôi qua… và cũng có thể hai cha con mình ở bên cạnh nhau trước hang đá.

Tôi không tin được. Tiếc là thời đó chưa có webcam quay ngày đêm như bây giờ, nếu không thì tôi đã xin văn phòng xem hình ảnh webcam quay tháng 6 năm 1980. Khi tôi lên trời gặp Chúa Giêsu, tôi sẽ xin Chúa nếu được cho tôi xem khúc phim này. Có nhiều giai đoạn trong đời tôi không hãnh diện mấy về mình, ngay cả sau khi tôi trở lại, nhưng tôi muốn biết hai cha con tôi có ở đó cùng một lúc không!

– Thật không tưởng tượng được! cha tôi trầm ngâm.

Càng lúc tôi càng thấy thoải mái, tôi nhận ra cha tôi là người có đức tin. Thật hạnh phúc khi có thể chia sẻ với ông những điều thiết yếu trong đời sống của tôi.

– Nhưng cha chưa nói làm sao cha tìm ra được con?

– Đúng vậy. Từ năm 1980 cha không còn về Pháp. Nhưng bây giờ cha không biết tại sao, tuần vừa rồi cha quyết định thử đi tìm con một lần cuối. Cha về lại trang trại ở Camargue, không có ai. Sau đó cha đến Nîmes, cha vào một nhà thờ. Cha cầu nguyện thêm một lần nữa: “Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con tìm được con của con.” Rồi cha đi bộ lang thang ngoài đường thì bỗng cha nhận ra một căn nhà: đó là căn nhà mà cha đi với mẹ con đến thăm ông ngoại Françis của con, khi đó mọi người gọi ông là “ông chủ”. Lần đầu tiên khi ông gặp cha, ông nói: con là người Đức, vậy con là người tin lành! Khi cha nói đúng, cha theo đạo tin lành, ông rất vui. Còn ông cố của con là người theo đạo tin lành giáo phái Can-vanh! Cha nhận ra cánh cửa căn nhà, cha bấm chuông. Một bà ra mở cửa. Bà nói ‘ông chủ’ đã qua đời. Bà cho biết từ rất lâu bà không có tin của mẹ con. Nhưng bà cho số điện thoại chú của con. Cha gọi và cha gặp một bà, bà cho cha số điện thoại và địa chỉ của con! Và bây giờ cha đã tìm được con! Sáng nay con đi thi vấn đáp tiếng Đức có trôi chảy không?

– Đúng, tất cả thật kỳ lạ, tôi trả lời ra dáng suy nghĩ.

Không bao giờ có chuyện tình cờ…

Cha tôi muốn tôi nói một chút về tôi, nhưng tôi còn quá giao động. Tôi thích nói về nhóm nhạc của tôi. Cha hỏi tin tức mẹ và hai anh. Ông còn nhớ hai anh tôi, tôi cảm nhận ông giữ họ trong quả tim ông.

Khi đó anh Babou đang ở cùng làng với tôi. Anh đã bắt đầu làm việc cho Vòng đua France, anh là thợ trát thạch cao. Anh chưa có lòng tin, anh nhận đến làm việc trong cộng đoàn dĩ nhiên là có lương. Vài tuần sau, một chiều thứ bảy anh vào nhà nguyện dự giờ kinh và anh cũng có kinh nghiệm một cuộc gặp gỡ riêng với Chúa. Một ít thời gian sau, anh gặp một cô người Breton trong làng, cô ở trong một gia đình mộ đạo và anh đã lập gia đình với cô này.

Khi Günter biết Babou cũng đang ở đây, ông rất vui và muốn gặp anh. Vào cuối buổi chiều, chúng tôi cùng đi ăn bánh crêpe với nhau ở Saint-Malo, cha tôi, vợ chồng anh Babou và tôi. Tiệm bánh vắng người nhưng có một gia đình khá ồn ào. Người đàn ông có giọng nói sang sảng. Còn cha tôi thì không phải là người rụt rè. Ông bắt đầu nói chuyện với người đàn ông này, ông giải thích mình nói tiếng Pháp không giỏi vì không được học ở trường, nhưng ở trong Binh đoàn Lê dương. Và người đàn ông kia cũng là một cựu quân nhân Lê dương. Họ khám phá ra họ phục vụ dưới quyền cùng các sĩ quan nhưng ở thời gian khác nhau.

Còn tôi, tôi nói chuyện với một thanh niên trẻ trong gia đình đó, anh lớn tuổi hơn tôi một chút. Anh để tóc dài và chơi đàn ghi-ta nhạc rock.

– Cha của bạn là quân nhân lê dương?

– Đúng, anh trả lời tôi. Còn người kia, tôi nghĩ đó là cha của bạn.

– Đúng, đó là cha tôi. Thật buồn cười khi nói như vậy, tôi chưa quen.

– Anh nói vậy là gì? anh bạn tò mò hỏi tôi.

– Tôi chỉ mới biết cha tôi cách đây vài giờ. Tôi 19 tuổi và đây là lần đầu tiên tôi gặp ông. Chúng tôi đến đây để mừng ngày gặp nhau.

– Thật không tưởng tượng được!

– Nhưng lại đúng như vậy.

– Chờ chờ, bạn không phải là người duy nhất… Điều không thể tưởng tượng là tôi, đã hai mươi lăm năm rồi tôi chưa bao giờ biết cha tôi, hôm nay là ngày đầu tiên! Và chúng tôi đến đây để mừng ngày gặp nhau!

– Đúng là lạ! Cả hai đều là quân nhân lê dương.

Khi đó hai bên biết chuyện của nhau. Chúng tôi nâng ly mừng sức khỏe hai ông cha, các người con và… Binh đoàn lê dương!

Khi tôi nghĩ đến giây phút này, tôi nhủ thầm: may mà có Günter, Babou và chị dâu tôi ở đó, nếu không thì tôi nghĩ mình đã nằm mơ. Tôi chỉ tiếc là không dám xin anh số điện thoại vì sự trùng hợp này thật hiếm hoi. Tôi không thấy ý nghĩa thiêng liêng ở đây, đây không phải là sự khẳng định cho câu chuyện đời chúng tôi, dù nó có các khía cạnh đặc biệt, nhưng nó cũng là câu chuyện như bao câu chuyện khác!

* * *

Chiều hôm đó cha tôi về lại Berlin. Còn tôi, tôi đi lễ ở giáo xứ. Khi tôi nghĩ cách đây năm năm, cha tôi đến cầu nguyện ở Lộ Đức trùng với thời gian tôi ở đó… Chúa là chủ đời chúng ta khi chúng ta giao phó đời mình cho Ngài.

Trong suốt thánh lễ, nước mắt tôi chầm chậm chảy dài trên má. Đó không phải là nước mắt đau khổ, cũng không phải là nước mắt sung sướng, lại không phải là “nước mắt thiêng liêng”. Tôi không biết tả sao. Nhưng chắc chắn nó đến từ cái đập đang vỡ tung trong tận đáy lòng tôi.

Khi tôi kể chuyện này cho mẹ tôi nghe, bà không nói gì. Như thử cũng trong chính đáy lòng bà, bà luôn nghĩ có ngày tôi gặp lại cha tôi. Tôi cám ơn mẹ tôi đã giấu chuyện nghiện rượu của cha tôi. Tôi nghĩ khi một đứa bé không biết cha hoặc mẹ mình, thì đứa bé dễ chịu đựng thử thách này nếu nó có hình ảnh đẹp về người cha, người mẹ vô danh. Khi đứa con đã là người lớn thì sẽ khác, nó cần biết sự thật dù sự thật này khó chịu đựng.

Từ đó tôi gặp cha tôi mỗi năm một lần. Thường thường ông đến thăm tôi, nhưng thỉnh thoảng tôi cũng qua Berlin thăm ông. Tôi biết được gia đình tôi ở Đức, các cô chú dì, các anh chị em họ của tôi. Tất cả đều nồng hậu đón nhận tôi. Cha tôi cho tôi biết nguồn gốc của ông. Ông nội Johanes Buschkiewitz là người Ucraina. Có vẻ như tôi giống ông rất nhiều. Ông làm giám sát trong một công ty lớn của người Nga da trắng. Trong cuộc cách mạng bôn-sê-vích năm 1917, ông trốn và tị nạn sang Pomerania, ở Stettin. Thành phố này trước Thế Chiến Thứ Hai thuộc Đức, nhưng sau hiệp ước Yalta, bây giờ thành phố này thuộc Ba Lan.

Ông nội Johanes yêu bà nội tôi, một phụ nữ Đức. Vấn đề là bà theo đạo tin lành, ông tôi người Ucraina thuộc giáo phái công giáo-hy lạp. Hồi đó hôn nhân giữa người tin lành và công giáo chưa được phép. Để lấy bà tôi, ông tôi phải bỏ đức tin công giáo. Vì thế cha tôi được nuôi dạy trong đức tin tin lành, thường thường thời đó con cái được nuôi dạy theo đạo của mẹ.

Về phía mẹ tôi thì ngược lại, ông ngoại Francis của tôi là người thành phố Nîmes, theo đạo tin lành giáo phái Can-vanh. Bà ngoại tôi là người công giáo mộ đạo, ông phải bỏ đạo tin lành để theo đạo công giáo. Nên mẹ tôi được nuôi dạy trong đức tin công giáo.

Cha tôi là tin lành mà thân phụ là người công giáo; mẹ tôi là người công giáo mà thân phụ là người tin lành, hai người gặp nhau, sự khác biệt tôn giáo không tạo thành vấn đề, khi đó họ có các ưu tư khác. Và đứa con họ sinh ra được một mục sư tin lành hoán cải, và nó thành linh mục công giáo!

Một phương trình lạ đời…

Marta An Nguyễn dịch

Linh mục Stéphane Joulain, sứ mạng với các nạn nhân

Linh mục Stéphane Joulain, sứ mạng với các nạn nhân

la-croix.com, Céline Hoyeau, 2019-02-06

Linh mục Joulain là một trong các linh mục hiếm hoi và tâm lý gia trên thế giới chuyên về xử lý các vụ lạm dụng tình dục trên trẻ vị thành niên. / Truyền giáo Phi châu

Là người thừa kế các Linh mục Dòng Trắng, từ thế kỷ 19, đây là các linh mục đi truyền giáo Phi châu, họ đến các vùng thương đau gãy đổ. Từ mười lăm năm nay, linh mục Stéphane Joulain khám phá một vùng đất xa lạ. Năm nay 52 tuổi, linh mục Joulain là một trong các linh mục hiếm hoi và tâm lý gia trên thế giới chuyên về xử lý các vụ lạm dụng tình dục trên trẻ vị thành niên. Người đàn ông có vóc dáng cao to này cho biết: “Chúng ta không thể loan báo Chúa Giêsu đến với người nghèo, với người yếu đuối nhất mà chúng ta không đón nhận các nạn nhân”.

Một “ơn gọi” đến bất ngờ

Linh mục không trở nên nhà truyền giáo để xử lý các trường hợp ấu dâm. Chính cha cũng ngạc nhiên về “ơn gọi” này của mình. Vừa được chịu chức, cha được gởi đi Giêrusalem. Các linh mục Dòng Trắng ở đó quản nhiệm nhà thờ Thánh Annà, nơi “thanh tẩy” có rất nhiều người đến xin gặp một linh mục. Cha kể: “Khi tôi ngồi tòa, lúc nào cũng là các nạn nhân hay những người đi lạm dụng đến xưng tội”. Người linh mục trẻ hỏi các cha đồng hữu xem họ có thường hay gặp như vậy không. Không. Linh mục Dòng Tên đồng hành với cha khuyến khích cha “lắng nghe những gì người xưng tội nói qua các sự kiện này”.

Các bề trên của cha tỏ ra “đồng ý một cách lạ lùng”. “Họ xin tôi đi học. Chỉ sau đó tôi mới hiểu tại sao.” Một ít thời gian sau, các tiết lộ về lạm dụng của các linh mục trên thế giới xác nhận cho tôi hiểu sự cần thiết phải nghiên cứu đến vấn đề này… 

Đào tạo để “bám rễ trong tâm linh”

Theo linh mục Joulain, đào tạo trước hết là “bám rễ trong tâm linh”. Trong sáu tháng, cha học các điều cơ bản trong việc đồng hành thiêng liêng ở Châtelard, Lyon. Rồi cha học khoa tâm lý ở trung tâm Buttes-Chaumont, Paris, song song đó cha cũng học khoa phân tâm học. Để bắt đầu tiến hành công việc, năm 2011 cha làm luận án tiến sĩ về nạn nhân học ở viện đại học Ottawa, Canada trong việc xử lý các tội phạm tình dục. Trong những năm này, cha đã đồng hành với gần 200 người… Sau đó cha được gọi về Rôma, nhà dòng của cha giao cha giữ một chức vụ duy nhất và theo chuyên ngành của cha “điều phối viên cho sự toàn vẹn của sứ vụ ”.

Một cách cụ thể, linh mục Joulain đặc trách cố vấn cho các bề trên và các cộng đoàn khác về các trường hợp lạm dụng tình dục và đào tạo các nhà truyền giáo tương lai, đặc biệt trong việc phòng ngừa. Vì thế công việc này đã đưa cha đi đến Phi châu. Cha ghi nhận: “Cũng như ở Mỹ, ở châu lục này có rất nhiều vụ lạm dụng. Ở đây các nạn nhân đa số là các cô gái 14-15 tuổi và các linh mục là những người có rất nhiều quyền.”

Như thế đề tài này trở thành một đề tài không tránh đi đâu được, cha viết quyển sách Dẹp tan lạm dụng tình dục trên trẻ em (Combattre l’abus sexuel des enfants, nxb. DDB). Nhà nghiên cứu này không ngần ngại nói mạnh, nói sốc, nói không vòng vo khi nói đến các bộ phận sinh dục.

Một sứ vụ ngoại hạng

Làm thế nào để tồn tại trong sứ vụ ngoại hàng này? Cha khẳng định: “Học thấu cảm với chính mình để có thấu cảm với người khác”. Ngoài việc giám sát theo dõi trong công việc nghề nghiệp của mình, linh mục nồng hậu này còn gặp cha thiêng liêng của mình mỗi tháng một lần. Chắc chắn, một phần nhờ việc rèn luyện bản thân này mà cha có được sự tự do trong tông giọng và trong khả năng mở ra với các trải nghiệm trải qua.

Xuất thân từ một gia đình không giữ đạo, là anh cả của ba em trai, chính cha cũng đã bị người hàng xóm sờ soạng lúc lên mười. “Tôi đã sợ cho đời của tôi. Nhưng không có hậu quả nữa vì ngay lập tức tôi đã lên tiếng. Cha tôi nhanh chóng phản ứng và từ đó chúng tôi không còn gặp người hàng xóm”.

“Sau này tôi sẽ là linh mục để chữa lành cho Chúa Giêsu”

Còn rất trẻ, Stéphane Joulain cũng đã nuôi dưỡng một tấm lòng thấu cảm, qua đó phần nào đã cắm rễ cho ơn gọi của cha. “Khi tôi lên 5, mẹ tôi đưa tôi đến ngôi nhà thờ trong làng. Trước tượng Chúa Giêsu bị đóng đinh, tôi khóc: ‘Vì sao người ta lại làm cho Chúa bị đau? Lớn lên con sẽ làm linh mục để chữa lành cho Chúa’”.

Là học sinh của trường các Sư huynh Trường Kitô giáo – “những người đàn ông yêu trẻ con một cách trong sạch” -, cha nghĩ đến ơn gọi. Cha có bằng kế toán dắt túi, rồi cha tiếp quản lại công ty làm mái hiên của gia đình ở Loire-Atlantique, sau đó cha vào chủng viện năm 21 tuổi, thân phụ của cha không đồng ý. Trước hết cha là linh mục triều, sau cha vào Dòng Trắng.

Hội nghị thượng đỉnh về lạm dụng tình dục ở Vatican

Trung thành với nhà dòng của mình, cha không ngần ngại chất vấn Giáo hội, đặc biệt là các giám mục, theo cha họ còn quá rụt rè trong việc chống tệ nạn lạm dụng tình dục. Ngày thứ tư 6 tháng 2, tại Thượng viện Pháp, linh mục Joulain sẽ giải thích “lý do cho những khó khăn khi nghiên cứu các lời nói của nạn nhân” và đưa ra các đề nghị của mình.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Xin đọc thêm: Phân tích của Linh mục Stéphane Joulain về vụ ấu dâm Chi-lê 

Linh mục Stéphane Joulain: “Đồng hành thiêng liêng với các linh mục cũng rất quan trọng”

Linh mục Stéphane Joulain: “Lý thuyết các quả táo thúi đã vỡ tan từng mãnh trong năm 2018” 

Dẹp tan lạm dụng tình dục trên trẻ em (Combattre l’abus sexuel des enfants, nxb. DDB)

“Em bé này có một tương lai! Tôi thích điều này. Bạn phải có can đảm làm như vậy.”

“Em bé này có một tương lai! Tôi thích điều này. Bạn phải có can đảm làm như vậy.”

 

Gặp gỡ Gabriela, cô gái trẻ đến người Colombia đã chạy đến để chào Đức Phanxicô ở Tiểu Vương quốc Ả-Rập Thống nhất.

Cô Gabriela chạy đến để trao thư cho Đức Phan xicô chỉ vài phút trước khi thánh lễ bắt đầu, ngày thứ ba 5-2-2019 tại Trung tâm Thể Thao Zayed. Khi cô chạy, Đức Phanxicô thấy và ngài ra dấu cho nhân viên bảo vệ đưa cô đến chào ngài.

Đây là giây phút nhói lòng và đầy cảm xúc: khi ngài yêu thương chạm vào đầu cô và chúc phúc cho cô. Đức Phanxicô bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình đối với quyết tâm của Gabriela, ngài nói: “Em bé này có một tương lai! Tôi thích điều này. Bạn phải có can đảm làm như vậy.”

Một giây phút mang tính biểu tượng để lan truyền thông điệp về tình yêu, hòa bình, khoan dung và cùng tồn tại.

 

 

Hai quyển sách nói lên tầm cao cả của Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận

Hai quyển sách nói lên tầm cao cả của Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận

la-croix.com, Claire Lesegretain, 2019-02-07

Hai quyển tiểu sử về Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận (1928-2002) ghi lại đức tin không lay chuyển của “vị tử đạo” thế kỷ 20 mà án phong thánh đang tiến hành.

 

Hồng y Thuận. Một giám mục đứng trước chế độ cộng sản, Monseigneur Thuan. Un évêque face au communisme, tác giả Anne Bernet, nxb. Tallandier, 544 trang

 

 

Văn Thuận, Tự do trong tù, Van Thuan Libre derrière les barreaux, Teresa Gutiérrez de Cabiedes, nxb. Nouvelle Cité, 332 trang

Khi Đức Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận ra đời năm 1928 ở Huế thì tất cả mọi bà tiên hiền đều ở bên nôi ngài. Bà Ngô Đình Thị Hiệp, mẹ của ngài thuộc dòng dõi nhà quan Ngô Đình mà tổ tiên từ thế kỷ 17 đã là những người công giáo Việt Nam đầu tiên tử đạo. Bác Ngô Đình Diệm của ngài là bộ trưởng Nội vụ thời Vua bảo Đại năm 1933.

Xuất sắc, có năng khiếu ngôn ngữ và bắt chước, từ năm lên 13, chú bé Thuận đã biết mình sẽ là linh mục. Năm 1939 ngài vào học Tiểu Chủng viện An Ninh, cậu bé chủng sinh ưu tú mong muốn đào tạo nên các vị thánh tương lai. Năm 1947 ngài vào Đại Chủng viện Phú Xuân, ngài mơ mình làm cha xứ làng quê. Sau khi chịu chức năm 1953, ngài được bổ làm cha phó giáo xứ Tam Tòa, một trong các giáo xứ lớn nhất của địa phận Huế, dự đoán cho một tương lai rực rỡ mà ngài không muốn nhưng lại khó tránh.

Tác giả Anne Bernet đã viết một quyển tiểu sử xuất sắc về hình ảnh của một nhân vật cao cả của Giáo hội Việt Nam, một người thông minh có đường đi đau khổ theo “dòng giống các thánh tử đạo” song song với lịch sử bi thương của của đất nước, bị tác động qua các biến cố chính trị và rồi bị sống dưới chế độ độc tài. Năm 1954 người bác Ngô Đình Diệm là tổng thống đầu tiên của miền Nam Việt Nam được Mỹ ủng hộ và năm sau là tổng thống Việt Nam Cộng hòa, ông bị ám sát năm 1963 ở Sàigòn. 

Vô số cuộc thẩm vấn

Sau khi có bằng tiến sĩ giáo luật ở Rôma năm 1959, cha Thuận về Việt Nam vì Giáo hội cần các nhà lãnh đạo mới. Đức Tổng Giám mục giáo phận Huế giải thích với cha Thuận khi đề cử cha làm giám đốc Tiểu Chủng viện An Ninh: “Con đừng để sự khiêm tốn giả tạo làm lạc hướng nhận định của con. Con phải chuẩn bị giữ nhiệm vụ này”.

Năm 1967, ngài được bổ nhiệm làm Giám mục ở Nha Trang, nhẫn giám mục của ngài có khẩu hiệu: “Todo pasa” của Thánh Têrêxa Avila: “Tất cả đều qua đi, chỉ có Chúa là đủ.” Trong giáo phận có 130 000 giáo dân này, ngài thực hiện Công đồng Vatican II, thăm từng giáo xứ, từng nhà dòng, từng trường học, khuyến khích các chủng sinh, phát triển các khóa đào tạo giáo dân để họ có thể cự lại được với kẻ thù cộng sản…

Bắc Việt (được Liên-xô ủng hộ) chiến thắng Nam Việt (được Mỹ ủng hộ) nên nước Việt Nam thống nhất dưới gông cùm cộng sản. Và khi Đức Phaolô-VI bổ nhiệm ngài làm giám mục phụ tá giáo phận Sàigòn ngày 24 tháng 4, 1975, khi đó thành phố Sàigòn sắp là thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 15 tháng 8 năm 1975 ngài bị bắt ở một nhà xứ xa xôi. Không bị xét xử, ngài bị giam và bị chất vấn vô số lần, cốt để bắt ngài thú nhận ngài là “gián điệp của Vatican và tác nhân của chủ nghĩa đế quốc”.

Phó thác trong bàn tay của Chúa

Đức Cha Thuận kháng cự với đức tin và lòng nhân từ. Ngài được phép dâng lễ mỗi ngày nhưng không được nói chuyện với ai. Dù vậy trong tù ngài cũng viết được trên hàng trăm mẫu giấy nhỏ mà sau này là tác phẩm Đường Hy Vọng của ngài. Một sự táo bạo mà ngài phải trả giá bằng  những năm tù trong một nhà tù kinh khiếp. Tác giả Anne Bernet tinh tế viết: “Sự giam tù này tốt cho ngài và có lợi cho phần rỗi của các linh hồn. Vì thế, ngài phải chấp nhận nó và biến nó thành lợi ích cho riêng mình và cho Giáo hội”.

Một sự tinh tế đôi khi thiếu trong tác phẩm của bà Teresa Gutiérrez de Cabiedes, bà mô tả từ ngày đầu bị bắt 15 tháng 8 năm 1975 với rất nhiều chi tiết, trong các điều kiện khủng khiếp và những lần di chuyển nhà giam, mà ngài chỉ biết phó thác vào bàn tay Chúa.

Năm 1976 ngài bị đưa ra Bắc bằng tàu, bị giam tù hai năm gần Hà Nội, sáu năm trong một cơ quan Công an mà ngài bị cấm không được nói chuyện với bất cứ ai. Tác giả Anne Bernet viết: “Người cộng sản biết, dù bị giam tù, Đức Cha Thuận luôn là một nhân vật nguy hiểm, về mặt chính trị ngài là hình ảnh của một Walesa, về mặt tôn giáo ngài là hình ảnh của một Wojtyla Việt Nam”. Nhưng nhờ sự dịu dàng và khôi hài với những người canh tù, cuối cùng ngài được họ đối xử với lòng nhân. Sau 13 năm bị tù, Đức Cha Thuận bị biệt xứ ở Rôma, sau đó ngài là Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hòa bình (1998-2002), ngài được phong hồng y một năm trước khi qua đời.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Xin đọc thêm: Đức Hồng y Nguyễn Văn Thuận: Một hồng y phi thường

Hình: Hồng y Nguyễn Văn Thuận năm 2001, người bị chế độ cộng sản giam cầm từ năm 1975 đến 1988. /  Ciric

Máu của Liban

Máu của Liban

Trích sách Chúa ở trọn tâm hồn, René-Luc, nxb. Presses de la renaissance

Kỳ tựu trường lớp đệ nhị, tôi lại thay đổi hướng. Cộng đoàn mở một ngôi nhà gần Saint-Malo và nhờ tôi tham dự vào hiệp hội này. Vì thế tôi học lớp đệ nhị, đệ nhất ở trường Notre Dame de Victoire ở Dinan. Tôi ở nội trú nhà từ thiện Cực Thánh, như thế tôi lại càng củng cố các mối dây quan hệ với gia đình Marthe Robin.

Linh mục Daniel-Ange thường hay gọi tôi đi làm chứng trong các buổi họp do thầy tổ chức cho các bạn trẻ. Đặc biệt tôi nhớ một cuộc họp cuối tuần tháng 12 năm 1982 ở Paris, cuộc họp này do một cặp trẻ Alex và Maud vừa đính hôn tổ chức. Chủ đề là: “Ước mong tuổi trẻ của bạn là Ánh sáng!”. Khi đó trường rao giảng Phúc Âm “Tuổi trẻ Ánh sáng” chưa được thành lập, trường thành lập vào năm 1984 nhưng hạt giống của trường đã được gieo đây đó.

Tháng 12 năm 1983, linh mục Daniel-Ange đề nghị tôi theo cha trong một sứ mạng ở Liban. Từ tám năm nay, đất nước này chìm đắm trong chiến tranh. Một cuộc chiến phức tạp với nhiều thảm kịch trộn lẫn cùng một lúc, người tị nạn Palestina ở Liban, ảnh hưởng của Syria một bên, bên kia là Israel chi phối chính trị. Đất nước ngày xưa là biểu tượng cuộc sống hài hòa giữa tín hữu hồi giáo và kitô giáo thì bây giờ lại bị chia rẽ vì các cuộc chạm trán dữ dội giữa dân quân hai bên.

Mục đích chuyến đi của chúng tôi là mang lại cho tín hữu kitô ở Liban một chút can đảm, nhất là các bạn trẻ, để họ cảm nhận có sự cảm thông giữa các tín hữu kitô với nhau. Một sứ mạng thật nguy hiểm. Tôi mười bảy tuổi và học lớp đệ nhất. Nhà trường cho phép tôi vắng mặt hai tuần để đi.

Trước khi đi Liban, chúng tôi dừng lại Rôma để nhận phép lành của Đức Thánh Cha. Chúng tôi được may mắn ngồi hàng đầu. Đây là lần thứ nhì tôi được thấy Đức Gioan-Phaolô II gần, tôi rất xúc động. Đức Gioan-Phaolô II chăm chú nghe chúng tôi. Ngài nhìn tôi và cầm tay tôi. Rồi ngài đứng giữa hai chúng tôi, đặt tay lên vai mỗi người. Ngài ban phép lành cho chúng tôi. Tôi nhắm mắt lại.

 

Chúng tôi đi máy bay đến Chypre, rồi chúng tôi đi tàu thủy ban đêm đến Beirut vì phi trường đã bị dội bom. Sáng sớm hôm sau, chúng tôi đến gần bờ Liban. Tôi lên boong tàu. Ánh sáng ban mai dịu nhẹ. Liban đang giữa mùa đông, mặt trời chiếu trên vùng biển Địa Trung Hải như một ưu đãi cho vùng này. Đàng xa là các tòa nhà của thành phố  Beirut dựng lên như niềm tự hào của một sự thành công.

Tất cả có vẻ như yên tĩnh, nhưng càng đến gần chúng tôi càng thấy thực tế đau buồn. Các tòa nhà gần như bị phá hủy hoàn toàn, lỗ chỗ các vết bom thay thế cửa sổ. Chúng tôi không hiểu vì sao nó còn đứng vững.

Đây là lần đầu tiên tôi thấy chiến tranh trước mặt. Thấy chiến tranh trên truyền hình là một chuyện, thấy chiến tranh trước mặt là một chuyện khác. Lòng tôi thắt lại. Tôi quá e ngại.

Cha Daniel-Ange đến gần tôi. Chúng tôi sắp xuống tàu thì nghe các hành khách nói với nhau, họ thấy đàng xa hai máy bay Israel. Tôi cũng thấy. Tất cả xảy ra rất nhanh. Một trong hai chiếc trúng đạn biến mất đàng sau núi. Sau đó chúng tôi biết, khi phi công nhảy dù ra khỏi máy bay, ông bị bắn chết trước khi rơi xuống đất. Như thế lại tốt cho ông vì tôi đã thấy các hình ảnh của một phi công bị kéo đàng sau một chiếc xe chạy trên đường phố, họ nói với tôi ông còn đang sống… Làm sao con người lại hung ác với nhau như thế?

Khi xuống tàu chúng tôi được một nhóm nhỏ bạn đón. Linh mục Daniel-Ange đã từng đến đây trước, cha được tín hữu kitô ở Liban biết đến và họ rất mến cha. Chúng tôi lên xe. Tôi mở to mắt nhìn. Bỗng chốc tôi chìm trong sự kinh hoàng của chiến tranh. Thủ đô Beirut là một đống gạch vụn. Xác xe bị đốt cháy ở khắp nơi. Đá vụn được trút nhanh lên vỉa hè. Trước các tòa nhà là các bao cát chất đầy tầng trệt và lối vào nơi trú ẩn. Để đi đến chỗ này chỗ kia trong thành phố phải băng qua các hàng rào chặn. Một số do quân đội canh giữ, một số khác do dân quân. Nếu bạn là tín hữu kitô và bạn đến rào chắn do lực lượng dân quân kitô người Liban kiểm soát thì bạn được yên tâm hơn. Nhưng nếu bạn đến rào cản do lực lượng hồi giáo kiểm soát thì sẽ có căng thẳng, dù mình không có gì bất hợp pháp. Tất cả, hồi giáo hay kitô giáo đều võ trang đến tận xương tủy, khuôn mặt sợ hãi, sợ hãi và đầy hận thù…

Chúng tôi đi chầm chậm từ hàng rào chắn này qua hàng rào chắn kia. Trên mặt đất, các người lính đặt các lốp xe làm mốc chắn để chặn ai cố vượt qua. Từ khi có các cuộc tấn công-tự sát, họ còn đặt thêm các khối bê-tông rất nặng ở các đoạn đường chiến lược, vì quân khủng bố không ngần ngại lao các chiếc xe đầy chất nổ đến. Lốp xe bị thủng, các viên đạn không thể nào chận đứng đường đi của tử thần. Bây giờ xe cộ buộc phải len qua các rào cản, không còn cách nào để chặn rào cản.

Trong các dòng xe đang chờ, đôi khi có xe tăng hay xe có súng liên thanh. Ở đây các chiếc xe này cũng là những chiếc xe bình thường như bao xe khác. Các chất nổ giết người là một phần của cuộc sống.

– Đúng là xứ sở giết người! linh mục Daniel-Ange nói với tôi.

Nét mặt cha mang nỗi thương xót cho một dân tộc tử đạo vì đức tin.

– Bây giờ chúng ta đi đến chỗ hẹn, cha nói tiếp.

Ở đây chúng tôi sẽ gặp các bạn trẻ trong các trường học hay trong nhà thờ, trong phòng học. Khi tôi nói các nỗi khổ của tôi trước các bạn trẻ Liban, tôi cảm thấy hơi xấu hổ khi so sánh cuộc đời mình với những gì các bạn ở đây sống mỗi ngày. Nhưng tôi biết, câu chuyện của tôi đánh động các bạn trẻ vì họ thấy tác động của Chúa có thể giúp chúng ta đi ra khỏi cảnh đen tối, giúp chúng ta thấy được ánh sáng. Mỗi lần vậy, các bạn đến cám ơn tôi và nói họ rất xúc động khi thấy chúng tôi ở đây. Tôi nghĩ đó là điều đánh động họ nhất, sự việc chúng tôi đến với họ trong hoàn cảnh chiến tranh là chỉ để nâng đỡ họ.

Một ngày nọ tôi phải đến với linh mục Daniel-Ange, cha đang ở với nhóm cầu nguyện ở phía bên kia thành phố. Cha Pierre Aguila, một linh mục trẻ cùng hợp tác trong chương trình đề nghị chở tôi đi. Lúc đó, còi hụ báo động vang lên, báo cho dân chúng biết sắp có pháo kích, còi hụ reo inh ỏi. Phải xuống hầm núp. Pierre nói với tôi:

– Lên xe nhanh, chúng mình đi!

– Nhưng làm sao đi, còi hụ báo động sắp có pháo kích!

– Chính vì vậy mà phải đi, bạn sẽ thấy rất lạ lùng! Khi có còi hụ là khi không có ai ngoài đường, không có rào chặn, thành phố vắng vẻ mình có thể chạy nhanh. Như vậy mình sẽ đến trước giờ cầu nguyện.

– Nhưng.. còn pháo kích?

– Nếu mình còn sợ vài quả đạn súng cối thì sẽ không bao giờ dứt! Cứ tin tôi đi, đi nhanh, mình đi!

Pierre lái như bay qua các đường phố hoang vắng. Tiếng còi hụ át tiếng động cơ xe. Giống như thử còi hụ báo nhường chỗ cho hai nhà truyền giáo hơi… điên đi! Chúng tôi đến… trước giờ.

Ngày hôm sau chúng tôi có hẹn dành buổi tối và được mời đến ngủ qua đêm ở gia đình bạn Bachir. Họ có một người con trai là Tony cùng tuổi với tôi. Nhà của họ ở trên vùng cao của thành phố Beirut đối diện với tiền tuyến. Một khẩu súng ca-nông của quân đội Liban được đặt cách nhà họ một trăm mét. Phía bên kia là dàn vũ khí của Syria. Gia đình Bachir dán băng keo dày đặc trên các kiếng nhà họ.

Chúng tôi đang ăn tối thì một tiếng nổ dữ dội hất chúng tôi lên. Chúng tôi quá sợ. Chủ nhà nhìn con trai và lo lắng hỏi con:

– Đạn pháo kích bắn đi hay dội đến?

– Đạn bắn đi, Tony trả lời.

– Vậy thì tốt.

Ông quay về phía chúng tôi và nói giọng trấn an:

– Các bạn đừng sợ, không có gì phải sợ. Vậy là sắp xong.

Tôi không hiểu. Không ai nhúc nhích. Một tiếng nổ khác, lại thêm một tiếng nổ khác, cứ như thế kéo dài hơn mười phút.

Yên tĩnh trở lại, tôi mạo muội đặt câu hỏi:

– Các ông nói “pháo kích bắn đi hay dội đến” có nghĩa là gì?

– Tiếng nổ mà con nghe là tiếng bắn đi. Vì khẩu súng ca-nông của chúng ta bắn vài quả đạn súng cối qua bên kia. Nó tạo tiếng ồn nhưng chúng ta không có gì phải sợ, đó chỉ là bắn trả đũa. Nếu là đạn pháo kích bắn đến thì chúng ta có thể sẽ bị bỏ mạng và phải xuống hầm gấp.

– Nhưng làm sao ông phân biệt được?

– Chỉ là thói quen!

Tôi nuốt nước bọt và cố gắng giữ điềm tĩnh. Sau bữa ăn, Tony kéo tôi lên sân thượng trên mái nhà. Anh khuyên tôi cúi đầu xuống và ngồi xổm, chúng tôi dựa vào bờ thành. Chỉ có cái đầu chúng tôi là nhô lên. Và tôi thấy… tôi không tin ở mắt mình! Đêm tối đen. Trên hai ngọn đồi trước mặt, chỉ cách chúng tôi vài cây số, các người lính đang bắn nhau. Các viên đạn vạch các dấu chấm đỏ và chúng tôi có thể thấy đường đạn đi. Đôi khi có hỏa châu bay trên không trung. Bỗng ánh sáng màu cam chiếu rõ trận chiến. Chúng tôi có thể phân biệt rõ đạn trái phá nổ ở các tòa nhà ở làng trước mặt. Tony kéo tay tôi: – Nhìn kia, bên tay mặt bạn, ở đàng xa chỗ cuối thung lũng, đó là Beirut. Thành phố bị dội bom nặng nề lúc này. Bạn thấy hỏa châu đang chầm chầm rớt xuống thành phố không? Khói từ các tòa nhà bốc lên là chúng vừa bị dội…

– Tôi có thấy. Thật khủng khiếp. Ở đây tôi có cảm tưởng như xem pháo bông… Nhưng thật sự là cảnh giết người.

Chúng tôi thinh lặng ở đây một lúc để “ngắm cảnh”. Con người có điên hay không để giết nhau như thế này sao? Sau đó chúng tôi xuống phòng để ngủ.

– Này René-Luc, cho bạn này.

Tony cho tôi một túi đạn, có cái là đạn thiệt, có cái là vỏ đạn.

– Tôi lượm quanh nhà, bạn đem về cho các bạn ở Pháp xem để họ biết chúng tôi sống ở đây như thế nào. Bạn xem này. khi nó chạm mục tiêu, nó tách ra làm hai. Nếu nó vào bụng, thì mình có một lỗ nhỏ ở trước và một lỗ toang hoác ở sau lưng. Này, xem một viên đạn khác, viên này có thể đục thủng cả bê-tông. Còn viên này thì nổ như lựu đạn.

Tôi cầm các viên đạn trong tay. Tôi nói với Tony:

– Cái vỏ đạn này phần bên kia đã có thể ở trong thân thể một người…

– Đúng vậy, thật khủng khiếp, nhưng chiến tranh là như vậy.

Tôi cẩn thận xếp “kho tàng chiến tranh” trong một túi nhựa và tôi giấu dưới đáy va-li.

Vài tuần sau tôi nghe tin một quả đạn súng cối rơi vào phòng Tony, nơi tôi đã ngủ ở đó. Nhưng may thay không có ai ở trong phòng lúc đó và không có ai trong gia đình bị thương. Họ xém bị.

Các bạn của tôi, họ còn ở với các viên đạn bao lâu nữa?

Một buổi chiều nọ, chúng tôi đến sân vận động Beirut. Hội Hồng Thập Tự đã dựng một trại tị nạn ở đây. Các tín hữu kitô của vùng núi Chouf vừa đến. Họ kể cho chúng tôi nghe những gì chúng tôi đã biết. Ở đó, các tín hữu bị tàn sát, đôi khi họ bị một cách hung tàn. Các câu chuyện mà ngay cả trong trí tưởng tượng, chúng ta cũng không tưởng tượng được, họ bị cưa từng mảnh và các đao phủ cố ý cưa cái đầu sau cùng. Những câu chuyện hung ác của thời Trung Cổ, mà đó là những chuyện các gia đình đang ở trước mặt chúng tôi sống chỉ cách đây vài ngày. Họ rời làng trong các chiếc xe an toàn của lực lượng an ninh quốc tế. Nhưng khi đi qua vùng của kẻ thù, dân quân đã chận bắt họ. Họ bị đánh đập, bị tước hết của cải. Phụ nữ bị hiếp, đàn ông bị giết. Những người đến được trại tị nạn không còn khóc được nữa. Nước mặt của họ đã cạn.

Sau vài ngày ở Beirut, chúng tôi đến Zahlé, một thành phố ở miền đông Liban bị người Syria bao vây hoàn toàn. Chúng tôi phải đi qua vùng người Syria kiểm soát để đến đó. Các hàng rào chặn dài hai cây số. Căng thẳng nhất là khi các nhà báo phương Tây bị bắt để đòi tiền chuộc. Tất cả đều hoang vắng, một khung cảnh của tử thần. Cỏ cây bị cháy. Không một bóng dáng súc vật, chỉ là binh lính và vũ khí. Tôi vẫn thấy ngôi làng nhỏ Liban đổ nát, nhà thờ ở bên lề đường, cánh cửa bị phá toang, bên trong là chiếc xe tăng đậu.

Ở Zahlé, các bạn trẻ vui vẻ đón chúng tôi, một niềm vui đặc biệt. Họ cảm thấy bị cô lập, bị cắt khỏi vùng đất còn lại của tín hữu kitô. Chúng tôi đến mang một tia sáng nhỏ lóe trong đêm.

Lễ Giáng Sinh gần kề, chúng tôi mừng lễ ở Kadisha, thung lũng thánh phía bắc Liban. Chúng tôi trọ ở Bcharé trong gia đình của Farid. Farid là một thanh niên trẻ 25 tuổi, anh thuộc lực lượng dân quân kitô. Chuyến đi này rất nguy hiểm cho anh. Nếu dân quân phe bên kia biết quá khứ của anh, họ sẽ bắt anh. Có thể họ sẽ giết anh tại chỗ.

– Các ông không có vũ khí?

Người đàn ông vừa hỏi là một dân quân người Syria. Chúng tôi đang ở một trạm chắn.

– Chúng tôi có vũ khí chứ. Vũ khí của tôi ở đây!

Và Farid tự hào đưa tràng chuỗi trước mũi người lính. Chúng tôi sững sờ nhìn Farid. Tôi nghĩ anh làm quá. Người quân nhân nghiêm khắc nhìn anh, im lặng bao phủ.

– Đi khuất mắt đi! ông hét lên. Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm.

Vô thức hay can đảm? Một chút của cả hai. Dù sao, khi đưa vũ khí duy nhất là lời cầu nguyện trả lời cho vũ khí giết người thì Farid đã chứng tỏ cho chúng tôi thấy, anh có sức mạnh của những tâm hồn sẵn sàng tử đạo!

Ngày lễ Giáng Sinh chúng tôi đi bách bộ trong rừng bá hương, những cây cổ thụ có từ hàng ngàn năm, biểu tượng của đất nước Liban. Phải cả chục người mới ôm trọn thân cây. Vì dù gặp bao nhiêu thử thách, Liban vẫn trường tồn như rừng bá hương của nó!

Để về lại Pháp, chúng tôi quyết định đi máy bay ở Tel-Aviv. Như thế chúng tôi sẽ đến Giêrusalem để cầu nguyện. Linh mục Daniel-Ange đến đó bằng tàu thủy. Pierre, hai sư huynh khác và tôi đi qua ngã miền Nam-Liban và đi taxi đến Sạda. Rồi chúng tôi đi bộ đến biên giới Israel. Một quân nhân Israel ngồi ở bàn hải quan ngoài trời.

– Các ông có gì để khai không?

– Chúng tôi không có gì.

– Tốt, các ông có thể đi qua!

Thật tuyệt! Tôi không dám nói tôi có kho tàng chiến tranh giấu dưới đáy xắc, các viên đạn Tony đã cho tôi. Tôi không nghĩ đi qua biên giới dễ như vậy.

Chúng tôi đến vùng biên giới chia cách Liban-Israel. Chúng tôi đi chậm lại, con đường dài hàng cây số đầy các binh sĩ. Chúng tôi thường thấy các khẩu súng liên thanh tự động cùng với các người lính trẻ ngồi trên tháp pháo. Một trong các binh sĩ chĩa khẩu ca-nông hướng về chúng tôi. Tôi nghĩ mình không có gì phải sợ, họ làm như vậy để giải trí, nhưng khi nghĩ lại, tôi lạnh xương sống.

Cuối cùng, chúng tôi đến trước một tòa nhà rất lớn xây bằng bê-tông, dây kẽm gai bao quanh và có rất nhiều tháp canh. Đây mới đúng là biên giới thật sự. Đồn trước đây chỉ là đồn bảo vệ. Đương nhiên họ phanh phui tới cùng và họ thấy ngay kho tàng chiến tranh của tôi : vỏ đạn! Điều xui nhất là có đạn còn nguyên… Các quân nhân nhìn tôi và hét lên, tôi sợ họ cho tôi là kẻ khủng bố. Và ngay lập tức, tôi bị kêu vào đồn để xét kỹ. Tôi có mặc cảm tội lỗi. Tôi đã để cho sự an toàn của mình bị đe dọa và của người khác nữa. Các sư huynh đi cùng giải thích cho các binh linh, tôi chỉ là một thanh niên vị thành niên người phương Tây hoàn toàn ngây ngô.

– Ở đây không có ngây ngô, ngây ngô phải trả một giá rất đắt!

Và rồi các người lính Israel thả tôi ra. Tôi học được một bài học.

Cuối cùng tôi được ở trước bức tường Giêrusalem, nơi đó tỏa ra một sự sốt sắng của các anh em tiên phong trong đức tin của chúng ta. Tôi hơi rụt rè, và theo truyền thống, tôi để vào khe tường tờ giấy ý chỉ cầu nguyện của tôi. Tôi tựa hai bàn tay trên tường, đầu dựa vào tường đá. Thiên Chúa hiện diện rất mạnh và rất đặc biệt ở nơi này. Một sự hiện diện thần thánh qua bao nhiêu thế kỷ và trên toàn nhân loại. Tôi cầu nguyện.

– Hòa bình cho Giêrusalem!

* * *

Hòa bình cho Giêrusalem… Tôi về lại Pháp, tôi được biết giáo sư Pháp văn của tôi đã xin các bạn giữ một phút thinh lặng để giúp sứ mạng của tôi. “Những ai tin thì xin các con cầu nguyện Chúa che chở cho René-Luc. Những ai không tin, xin các con tôn trọng giây phút thinh lặng này.”

Tôi xúc động trong lòng, như thử khi tôi xúc động về lòng can đảm của người Liban làm chứng cho đức tin của họ, sẵn sàng đến cả tử đạo. Tôi tự nhủ, “mình phải can đảm hơn”. Và khi tôi xuống ăn ở căng-tin, tôi không còn kín đáo làm dấu như trước vì sợ bị cười. “Này, sau những gì mình sống ở Liban, mình phải thay đổi.” Trước mặt mọi người, tôi làm dấu. Và từ đó tôi luôn làm…

Giai đoạn đi Liban khép lại. Tôi ngây thơ nghĩ mình đi để củng cố đức tin người anh em ở Liban, nhưng không phải, chính tôi được củng cố và được lớn lên. Một trang đã được lật qua và lần này con đường của cha Daniel-Ange và tôi đi theo các hướng khác nhau, tháng 9 năm 1984, cha thành lập trường quốc tế công giáo cầu nguyện và rao giảng Phúc Âm “Tuổi trẻ Ánh sáng”. Chắc chắn các tông đồ tốt nhất cho người trẻ là chính người trẻ. Cha kêu gọi người trẻ và gởi họ đi nói chuyện với các bạn trẻ khác, đặc biệt ở các trường trung học. Với tôi, cha đã thảo một ít bản nháp của cha và tôi đã mở đường. Rất nhanh chóng, cha Daniel-Ange cảm thấy phải đào tạo các người trẻ. Tuổi từ 18 đến 30, họ dành ra một năm xa-bát để theo các khóa học sứ mạng mỗi ba tháng. Tuổi trẻ Ánh sáng là trường rao giảng Phúc Âm đầu tiên được thành lập ở Âu châu cùng một lúc với trường ở Paray-le-Monial. Từ đó có thêm các trường khác, và chúng tôi hy vọng sẽ còn nhiều trường khác được mở thêm.

Tôi không tham dự vào việc thành lập trường này vì tôi đang ở trong cộng đoàn của tôi. Một con đường phiêu lưu khác đang chờ tôi. Đồng thời lúc này, cùng với một vài người bạn, tôi thành lập nhóm Totus Tuus, một nhóm nhạc rock kitô giáo. Nhưng trước khi kể cho các bạn nghe câu chuyện phiêu lưu âm nhạc này, tôi muốn trở về Lộ Đức, nơi đang chờ tôi với một sự việc bất ngờ khác…

 

Marta An Nguyễn dịch

 

Marta, sức mạnh của đời sống hoạt động

Marta, sức mạnh của đời sống hoạt động

fr.aleteia.org, Philippe-Emmanuel Krautter, 2019-02-06

Marta là cái tên đã nói lên chính ý nghĩa của nó vì trong tiếng Armenia, marta’ có nghĩa là bà nội trợ chủ nhà… Và quả thực Marta là người điều khiển gia đình, luôn bận rộn nhưng không bao giờ lung lay. Bà ngược với em Maria của mình, cô thích trầm ngâm suy niệm. Hai chị em cùng với Ladarô là gia đình thân thiết của Chúa Giêsu.

Nếu ngày nay chữ “bà nội trợ chủ nhà” nghe lỗi thời, thậm chí còn bị cho là tiêu cực thì chữ này vẫn giữ nguyên ý nghĩa với Marta. Không mệt mỏi, không chùn bước trước bất cứ một công việc nào, bà luôn sẵn sàng phục vụ. Ngày Chúa Giêsu vào làng, bà là người đón Ngài. Tin Mừng Thánh Luca kể Marta bận rộn rất nhiều việc, lòng hiếu khách thời xưa không phải là một chữ trống rỗng và chúng ta có thể hình dung mọi người tất bật như thế nào để chuẩn bị đón khách quý. Nhưng khi các chuẩn bị cuối cùng đã hoàn tất, món ăn đã nấu xong, bàn đã dọn mà Maria vẫn còn ngồi dưới chân Chúa Giêsu suy niệm từng lời của Ngài, thì Marta không bằng lòng chút nào.

Một lời trách móc trở thành nổi tiếng

Marta quá bực nên đã dám nói lời trách móc táo bạo: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!” Một hành động đáng kinh ngạc từ một phụ nữ nói chuyện với một người đàn ông, cho thấy tất cả sự bốc đồng và tức giận của mình. Ai mà chưa bao giờ ở trong tình trạng này, lo lắng đủ việc khi người thân của mình thờ ơ thụ động? Chúa Giêsu, lật ngược một tình trạng mà chỉ có Ngài mới là người nắm bí quyết, Ngài trả lời cũng một cách ngạc nhiên không kém: “Marta! Marta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.”

Một bài học vĩnh cửu

Marta chú tâm vào công việc và làm sao để việc nhà luôn được tốt đẹp, Marta đã quên phần thiết yếu. Chúa Giêsu mang Tin Mừng đến cho thế gian, những lời quý giá mà vì lo lắng công việc, Marta đã bỏ bê và để những lời này bay đi. Tuy nhiên câu chuyện này không lên án các công việc hàng ngày, Marta vẫn là bà nội trợ quán xuyến việc nhà, người có đời sống năng động. Nhưng, có một thời gian cho mỗi việc và “có một lời” đừng quên. Dù các đường hướng linh đạo đều nhấn mạnh đến giá trị thiêng liêng của những việc bị cho là vô ơn nhưng mối quan tâm của nhiều tu viện vẫn dành một chỗ cho cầu nguyện và việc làm tay chân, hai việc này phải thăng bằng với nhau trong đời sống hàng ngày.

Một đức tin cho thử thách của cái chết

Các Tin Mừng nhắc đến Marta thêm một lần nữa trong một hoàn cảnh bi đát. Người em Ladarô chết đã bốn ngày, Chúa Giêsu đã rất yêu và rất buồn đến rơi nước mắt. Khi đó Marta nói với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây thì em con đã không chết.” Chúa Giêsu đau lòng và xúc động. Ngài biết cái chết này có ý nghĩa đối với các bạn của Ngài và cũng có ý nghĩa cho cái chết của Ngài sắp đến, Ngài hứa với Marta là em của bà sẽ sống lại. Bà nghĩ em bà sẽ sống lại khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết và bà nói với Chúa Giêsu lời tuyên xưng đáng nể: “Con vẫn tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian.” Chúa Giêsu nhờ người đem phiến đá đi và Ngài cầu nguyện: “Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời con. Phần con, con biết Cha hằng nhậm lời con, nhưng vì dân chúng đứng quanh đây, nên con đã nói để họ tin là Cha đã sai con”, và Ngài kêu lớn tiếng: “Anh Ladarô, hãy ra khỏi mồ!”. Ladarô ra khỏi mồi, chân tay còn quấn vải, khi đó mọi người tin ở Chúa Giêsu.

Huyền thoại còn kể, cuối cùng Marta và Maria đã đến vùng bờ biển Provence ở Pháp, vào thời Trung cổ người ta khám phá một nấm mồ mang tên Thánh Marta, nơi an nghỉ cuối cùng của bà.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Chúa không gọi những người giỏi nhất

Chúa không gọi những người giỏi nhất

Trích sách Chúa ở trọn tâm hồn, René-Luc, nxb. Presses de la renaissance

Vài tuần sau khi tôi từ ẩn thất về, tôi nhận ra đôi khi ánh sáng cũng khó khăn để len tìm một đường đi trong các ngõ ngách đen tối của chúng ta. Tôi trải qua một giai đoạn khó khăn trong lãnh vực gọi là trong trắng, lãnh vực tiết hạnh.

Tôi nói chuyện với cha thiêng liêng của tôi, một linh mục tôi chọn để giúp tôi tiến bộ trên con đường đức tin. Cha trấn an tôi: phải cần một ít thời gian để con người cũ trong con chết đi và để con có được con người mới. Sau thời gian thanh tẩy, tất cả những chuyện này sẽ dịu xuống.

Tôi được trấn an nhưng rối loạn vẫn còn. Vì thế tôi xin một số bạn cầu nguyện cho tôi. Chúng tôi đến một nhà nguyện nhỏ và tôi quỳ trước nhà tạm. Các bạn quây chung quanh tôi. Một vài người đặt tay lên vai tôi. Họ sốt sắng cầu nguyện cho tôi. Một trong các bạn là Jean-Marc, anh cầm quyển Thánh Kinh, anh mở ra một đoạn. Tình cờ có phải là phương tiện Chúa dùng để kín đáo hành động không? Anh đọc cho tôi nghe đoạn anh “mở ra”. Đó là đoạn cuối Phúc Âm Thánh Gioan sau khi Chúa sống lại, Ngài hỏi ông Phêrô có yêu Ngài không. Phêrô thật sự đau khổ vì ông vừa chối Chúa ba lần xong. Dù vậy ông làm cho mọi người ngạc nhiên, ông không ngần ngại trả lời: “Chúa biết tất cả, Chúa biết con yêu Ngài mà.” Và cả ba lần, Chúa Giêsu giao cho ông Phêrô chăn dắt đàn chiên của Ngài.

Đoạn Phúc Âm chương 21 này của Thánh Gioan thường được đọc trong thánh lễ truyền chức thánh nhưng tôi không biết. Trong số những người cầu nguyện cho tôi có một linh mục, khi chúng tôi ra khỏi nhà nguyện, cha kêu tôi ra riêng:

– René-Luc, con đã nghĩ đến việc làm linh mục chưa?

– Dạ có, con đã đặt câu hỏi này, nhưng con không biết… Với tất cả quá khứ của con, con không biết Chúa Giêsu có gọi một người như con không. Vì sao cha hỏi con câu hỏi này?

– Con à, trong khi cầu nguyện, cha cảm nhận Chúa Giêsu đã gọi con làm linh mục. Và khi cha nghe đoạn Phúc Âm mở ra tình cờ, cha xem đây là lời xác nhận. Bản văn này là lời chính thức Chúa gởi Phêrô đi như một linh mục. Cha chân thành chia sẻ với con như vậy, dĩ nhiên điều này không bắt con phải cam kết.

Tôi xin các bạn cầu nguyện là vì tôi cảm thấy mình không xứng đáng, và khi đi về, tôi nhận lời kêu gọi của Chúa Giêsu, tôi phải sẵn sàng theo Ngài hơn, gần Ngài hơn! Chúa không gọi những người giỏi nhất, hơn ai hết, tôi là người hiểu được điều này, nhưng Chúa đòi hỏi chúng ta phải cho Ngài điều tốt nhất của chúng ta! Tôi cám ơn Chúa về lời của linh mục, cha chỉ đưa ra cây sào và tôi nắm lấy. Thường thường, và kể cả tôi, chúng ta không dám kêu gọi các bạn trẻ vào chức thánh vì chúng ta muốn tôn trọng tự do của mỗi người, và vì chúng ta ý thức sự khó khăn của chức thánh ngày nay. Dù vậy chúng ta phải đặt câu hỏi sau: nếu không ai gọi thì làm sao người khác biết để trả lời?

Từ ngày đó, mỗi khi có thể được, tôi đến phòng của Marthe Robin để cầu nguyện. Tôi biết bà có một tấm lòng cảm mến các linh mục cách đặc biệt. Tôi chọn Marthe là thiên thần hộ thủ cho ơn gọi của tôi.

Tôi vào phòng của bà, nơi tôi thấy bà ba tháng trước đây. Tôi quỳ xuống bên cạnh giường bà, chiếc giường trống. Dù vậy tôi thấy rõ sự hiện diện của bà, mạnh đến mức mà tôi cảm thấy như sờ được.

– Marthe, bà chị nhỏ của em trên trời, em xin giao phó ơn gọi của em cho chị. Em biết bản thân em, con thuyền của em có nguy cơ bị lung lay mạnh, nhưng nếu lời kêu gọi này thực sự đến từ Chúa, thì xin giúp em bền đỗ đến cùng!

Tôi ra về, lòng tin tưởng. Tôi cảm nhận sâu xa trong lòng, lời cầu nguyện của tôi đã được nhận lời. Mỗi lần tôi thấy ơn gọi của tôi bị lung lay mạnh khi gặp đủ sóng gió, tôi luôn cầu nguyện với Marthe. Tôi nghĩ Marthe là… người đi biển!

 

* * *

 

Dĩ nhiên tất cả kinh nghiệm thiêng liêng này không ngăn cản việc học bình thường của tôi. Cuối năm học ở trường tư ở Beaucaire, nhà trường đưa cho chúng tôi tờ giấy để điền về hướng nghiệp của chúng tôi trong năm thứ ba. “Nghề nào bạn muốn làm trong tương lai?” “Linh mục!”, từ đó tôi viết như vậy cho đến năm tú tài.

Tôi còn thay đổi trường học, và năm thứ ba tôi học trường Marie-Rivier ở Bourg-Saint-Andéol. Các môn học tôi chọn càng ngày càng gần với ơn gọi mà tôi cảm nhận mình được gọi. Tôi chọn môn tiếng la-tinh. Thầy giáo giải thích cho tôi môn này sẽ hữu ích ở chủng viện. Nhưng tôi thật sự không giỏi cho mấy về các biến cách trong tiếng la-tinh: trạng cách, thuộc cách, đối cách… đối với tôi, đó là những rắc rối của ngôn từ ở cấp cao nhất! Thêm nữa tôi không hợp với giáo sư môn la-tinh. Tôi cố gắng là tín hữu kitô tốt, nhưng tôi vẫn giữ tính khí khó khăn, nếu không muốn nói đôi khi tôi còn khó tính khó nết. Giáo sư hay gởi tôi đến văn phòng hiệu trưởng. Đến lần thứ mười thì ông hỏi tôi:

– Môn la-tinh có phải là môn tự nguyện không?

– Dạ đúng thưa ông hiệu trưởng.

– Thầy bỏ cho con môn này vì dù sao con tốn thì giờ ở văn phòng của thầy nhiều hơn ở lớp học!

 

* * *

 

Hai mươi năm sau khi tôi đi ra khỏi các phòng của đài truyền thanh giáo phận Nîmes nơi tôi vừa trả lời phỏng vấn về việc rao giảng Phúc Âm cho giới trẻ. Tôi gặp các giáo sư đến tham dự chương trình về giáo dục ở trường tư. Một phụ nữ lớn tuổi kêu tôi lại:

– Cha cho biết có phải cha là học sinh ở trường Bourg-Saint-Andéol hồi đó không?

Giọng bà linh hoạt.

– Dạ phải thưa bà.

– Cha có phải là René-Luc không? bà nhíu mày.

– Dạ phải thưa bà.

– Cha là học sinh của tôi. Tôi là giáo sư môn la-tinh, cha còn nhớ không?

– Dạ…

Tôi hơi bối rối. Tôi thấy mình hai mươi năm trước.

– Nhưng dù sao tôi chưa quên cha! Và bây giờ cha là linh mục? Trên đời phải tin có phép lạ, phải tin! Bà lắc đầu nói với tôi.

 

* * *

 

Mùa hè năm 1982 tôi quyết định đi Rôma và Át-xi-di. Tôi mười sáu tuổi và không có nhiều tiền. Vì thế tôi xin đi quá giang. Ở đồn biên giới Vintimille, các nhân viên hải quan ngạc nhiên thấy tôi đi một mình ra nước ngoài. Tôi lễ phép cho họ biết tôi đã lớn và họ có thể kiểm tra. Họ để tôi đi qua hải quan.

Tôi sẽ không bao giờ quên chuyến đi Ý đầu tiên này. Tôi đến Ý ngày ê-kíp đá banh của họ đoạt giải vô địch toàn cầu. Bầu khí sôi sục ở các thành phố tôi đi ngang qua, thật không thể tưởng tượng!

Đến quảng trường Thánh Phêrô, tôi được ngồi vào chỗ ưu tiên của buổi tiếp kiến chung của giáo hoàng. Đây là lần đầu tiên tôi thấy giáo hoàng, tôi rất xúc động.

Theo thường lệ, Đức Gioan-Phaolô II chào các nhân vật nổi tiếng. Họ ở trong một ô nhỏ, cách đám đông bằng một hàng rào chắn. Tôi ở hàng đầu ngay sau lưng họ. Tôi chờ ngài nói xong, giữa hai nhân vật, tôi lấy hết can đảm, và ở tuổi mười sáu, tôi hét lên:

– Trọng kính Đức Thánh Cha, xin cha cầu nguyện cho các người trẻ có ơn gọi chức thánh!

Ngài ngẩng lên nhìn về phía tôi. Ngài thương cảm nhìn tôi và chầm chậm vạch thánh giá về hướng tôi. Tôi dám nghĩ phép lành này đã có hoa trái. Con cám ơn Đức Gioan-Phaolô II về sự tế nhị đối với tất cả các bạn trẻ ngài gặp.

Mỗi ơn gọi đều có câu chuyện riêng của nó, dù đó là đời sống thánh hiến hay hôn nhân. Đối với một số người, lúc mới đầu họ có thể thấy rõ ít hay nhiều, nhưng có một chuyện chắc chắn, đó là con đường mà càng đi tới chúng ta càng thấy mình xác quyết.

Thường thường chúng ta nhìn Chúa như ngọn hải đăng. Một ngọn hải đăng cố định ở cuối chân trời nơi chúng ta hướng con thuyền của mình đi tới, băng qua bão tố, sương mù hay đêm tối. Và khi chúng ta chưa nhận định rõ đâu là ngọn hải đăng này thì chúng ta không có can đảm để đi tới. Đúng, Chúa cho chúng ta chiếc đèn pha, nhưng không phải chiếc đèn pha lớn trên hải trình của mình, Ngài cho chúng ta chiếc đèn pha… xe đạp! Chúa cho chúng ta đủ ánh sáng để đi bốn, năm mét trước mặt và Chúa cho tôi ngày hôm nay với điều kiện là tôi phải đạp. Nếu tôi ngừng đạp thì tôi không có ánh sáng!

Khởi đầu con đường của chúng ta đến với Chúa, chúng ta thường có cảm tưởng mình đi trên một bãi mênh mông ngút ngàn tầm mắt. Có những dấu vết đi đủ mọi hướng. Chúng ta không thấy hướng nào mình phải đi, nhưng chúng ta cũng phải đi tới. Và rồi chúng ta nhận ra, chúng ta đi trên một con đường và con đường này mở ra một con đường nhỏ… và chúng ta cảm thấy tốt… và đó là như vậy! Chúng ta tìm thấy con đường sống của mình, tìm thấy ơn gọi của mình! Vậy, từ đây đến đó, hãy can đảm. Chúng ta tiến bước!

Marta An Nguyễn dịch

 

Đức Phanxicô, nhà ngoại giao đích thực cuối cùng

Đức Phanxicô, nhà ngoại giao đích thực cuối cùng

lexpress.fr, Christian Makarian, 2019-02-04

Thái tử Thừa kế của Abu-Dhabi, lãnh tụ hồi giáo Mohammed ben Zayed al-Nahyane đón Đức Phanxicô ở phi trường Abu-Dhabi ngày 3 tháng 2-2019, afp.com/Andrew Medichini

Khi đi thăm Tiểu Vương quốc Ả-Rập Thống nhất, nhà lãnh đạo công giáo tiếp tục đặt cược bằng đối thoại. Rủi ro và can đảm.

Đức Phanxicô vừa thực hiện chuyến đi đến Tiểu Vương quốc Ả-Rập Thống nhất từ ngày 3 đến 5 tháng 2-2019, đàng sau đặc tính chưa từng thấy, có tính cách lịch sử và ngoạn mục này ẩn giấu một chiến lược sâu xa, vừa tìm cách phá thế cô lập của kitô giáo, vừa thúc đẩy sự phát triển của hồi giáo theo hướng hiện đại. Trên thực tế, các mối quan hệ tinh tế được duy trì bởi vị lãnh đạo công giáo với hồi giáo được thấy ở hai cấp độ; một được diễn ra giữa ánh sáng, một diễn ra trong bóng tối. 

Tham vọng của nhà kiến tạo hòa bình

Quyết định đi Abu-Dhabi không tình cờ: thủ đô Tiểu Vương quốc Ả-Rập Thống nhất là thủ đô gần nhất với vương quốc Ả rập Wahhabi, cả về địa lý và về liên minh với Ryad. Thậm chí người ta thường có thói quen đưa lại gần nhau hai số phận của Mohammed Ben Salman, Thái tử thừa kế sôi sục và hỗn độn của Ả-rập Xê-út và Mohammed Ben Zayed, Thái tử thừa kế và bộ trưởng Quốc phòng của Abu-Dhabi (tiểu vương quốc giàu nhất trong bảy tiểu vương quốc Ả rập), muốn cấp bách đưa đất nước mình kịp với thế kỷ 21 qua các phương tiện tập trung hóa mọi thế lực.

Nói cách khác, để gây ảnh hưởng hay đơn giản là thể hiện qua sự hiện diện ở Abu-Dhabi, thực chất là để tạo tiếng vang trực tiếp ở Ả rập, một quốc gia trị vì trên hai thánh địa chính của tất cả hồi giáo. Tuy nhiên ngược với vương quốc Wahhabit, tiểu vương quốc nhỏ bé và giàu có này cho phép việc xây dựng các nhà thờ, (có 9 cơ sở công giáo trên tổng cộng 76 cơ sở kitô giáo), để cho người công giáo tự do giữ đạo với điều kiện họ ở trong khuôn viên thờ phượng (có khoảng một triệu giáo dân, đa số là tín hữu Ấn Độ và Phi Luật Tân) và họ tỏ ra cứng rắn với tổ chức Huynh đệ hồi giáo hơn là với tổ chức Huynh đệ của các trường phái kitô giáo.

Vì vậy đây là một quốc gia lý tưởng cho “thông điệp hòa bình” mà Đức Giáo hoàng muốn mang đến cho vùng Vịnh Ba Tư, tâm điểm của một xung đột tay ba giữa Ả rập sunnit và người Iran chiit, giữa người sunnit của vùng bán đảo Ả rập và phiến quân chiit của Yemen, giữa những người ủng hộ một xã hội truyền thống mà tôn giáo ở trong tay những người thừa kế và những người ủng hộ một Hồi giáo biến thành học thuyết chính trị (hay còn gọi là chủ thuyết Hồi giáo, Islamisme). Trung thành với con đường của mình, Đức Giáo hoàng đến trọng tâm của các xung đột, ngài không giữ khoảng cách, như ngài đã từng làm với người di dân ở Địa Trung Hải hay với người Rohingya ở Á châu.

Như vậy để tố cáo các tội ác mà đa số người dân Yemen là nạn nhân, tốt hơn là đến đồng minh chính của Ả-rập Xê-út để bày tỏ sự không tán thành nhà cầm quyền Ryad, đặc biệt họ đóng cửa không đối thoại về vấn đề này. Chắc chắn Đức Phanxicô không có ảo tưởng nhưng muốn thực hiện tham vọng nghệ nhân hòa bình của mình, theo câu của Thánh Phanxicô Axixi, “Xin cho con là khí cụ bình an”. 

Một loại quan hệ đôi tác chiến lược

Một khía cạnh khác kín đáo hơn trong hành động của ngài, nhưng không kém phần quan trọng. Người mà các đối thủ hung dữ nhất gọi mình là “giáo hoàng hồi giáo”, người đó thực sự đi một con đường rất tế nhị – và gây tranh cãi -, con đường đã dẫn ngài đến Ai Cập, đến Azerbaidjan (cốt để “quân bình” chuyến đi của ngài trước đây ở Armenia), ở Bangladesh (nơi ngài ủng hộ các người tị nạn hồi giáo Rohingya bị người phật tử cực đoan bách hại) và ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Giáo hoàng muốn mình là nhà ngoại giao của tiếp xúc trực tiếp: ngài tái tạo lại một kitô giáo hành động vị lợi ích cho con người, một khía cạnh mà các cường quốc phương Tây đã bỏ từ lâu (nước Mỹ ủng hộ Ả-rập Xê-út gần như vô điều kiện trong hành động quân sự thảm khốc của họ với Yemen).

Chính vì để tham dự “Hội nghị thế giới về Tình huynh đệ nhân loại” do hội đồng Kỳ lão hồi giáo tổ chức mà Đức Phanxicô đến Tiểu Vương quốc Ả-Rập Thống nhất. Và ngài đến tham dự cũng là theo lời mời của lãnh tụ hồi giáo Ahmed Al Tayeb, viện trưởng viện đại học Al-Azhar của Ai Cập, người mà cách đây vài năm ngài đã xây dựng một quan hệ đối tác chiến lược; đây là lần thứ năm hai người gặp nhau. Nhìn dưới khía cạnh này, việc Đức Giám mục giáo phận Rôma đến biên giới các khu vực xung đột nhất thế giới mang một nhiệm vụ táo bạo, gây ra nhiều phản đối trong thế giới công giáo thuần chất và dĩ nhiên cũng để thu hẹp hố ngăn cách do những người hồi giáo tạo ra. Đức Phanxicô đã đặt cược, ngài bước qua các rào cản bằng đối thoại và bắt tay: có lẽ ngài là một trong các nhà ngoại giao đích thực cuối cùng của thế giới hiện nay.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Một người trẻ nói với các người trẻ

Một người trẻ nói với các người trẻ

 

Trích sách Chúa ở trọn tâm hồn, René-Luc, nxb. Presses de la renaissance

Tháng 9 năm 1980, mẹ tôi ghi cho tôi vào học trường tư Thánh Félix, ở Beaucaire. Bà chưa có đức tin, bà sẽ trở lại một thời gian ngắn sau. Nhưng bà thấy tôi thay đổi tận gốc nên bà nghĩ sẽ tốt hơn cho tôi nếu tôi ở nội trú trong cựu tiểu chủng viện này. Hiệu trưởng trường là một linh mục nên tôi có thể đi lễ hàng ngày. Tôi rất vui. Nhưng tôi thấy, không dễ để là tín hữu kitô, nhất là ở Pháp.

Bây giờ tôi mang một dấu hiệu bên ngoài chứng tỏ tôi thuộc về Chúa, tôi đeo cây thánh giá bằng gỗ trên cổ. Đây là dấu chỉ sự gắn bó của tôi với Chúa Giêsu trong thời gian gần đây. Dù tôi học trường tư nhưng tôi cũng bị chú ý và bị chế nhạo. Rất nhanh chóng, bạn bè đặt cho tôi tên hiệu “Giêsu”. Đôi khi cơn giận của tôi muốn bùng lên. Tôi bám vào. Nhờ đọc Phúc Âm, tôi nhớ lại Chúa Giêsu cũng bị nghe những lời phật ý, cứ mỗi lần bị đánh Ngài lại đưa má bên kia ra. Một ngày nọ, có một tên bạn cao to đã nhiều lần bị ở lại lớp dí tôi vào tường. Nó giựt cây thánh giá tôi đeo ở cổ và hét lên:

– Bạn sẽ thấy, Giêsu với cây thánh giá của bạn! Tôi sẽ đóng đinh bạn trên đó!

Sau đó anh cười ngạo nghễ buông tôi ra. Tôi không nói gì, không phản ứng gì. Một hành động chế giễu hoàn toàn vô cớ.

Tôi nghiến răng, tôi cố gắng cư xử như một tín hữu kitô. Tôi nhớ lại câu tôi đã nghe đâu đó: “Một tín hữu kitô làm chứng cho đức tin của mình là một tín hữu bị đóng đinh, một tín hữu kitô không làm chứng là người đã chết”.

May thay tôi có một nơi để giúp tôi lấy lại năng lực. Dì Marie-Dominique tiếp tục đi với tôi đến nhóm cầu nguyện. Một buổi chiều nọ trên đường về, dì đề nghị với tôi:

– René-Luc, dì muốn cuối tuần đem con đến một cộng đoàn mới.

– Đi đâu dì?

– Đến một cộng đoàn mới.

– “Mới” có nghĩa là gì? Giống như khoai tây tươi, có nghĩa là tốt hơn?

– Ồ không, khác chứ! Đó là các cộng đoàn có một phong cách mới khác với các cộng đoàn cũ đã có từ trước đến bây giờ.

– Vậy à? Vậy có cái gì khác?

– Từ nhiều thế kỷ nay, đa số các cộng đoàn trong Giáo hội công giáo là các cộng đoàn của những người thánh hiến, họ sống ở một nơi và theo cùng một luật lệ.

Như cộng đoàn các nữ tu Nevers nơi Bernadette sống?

– Đúng vậy. Nhưng từ những năm 1970, sau Công đồng Vatican II, các gia đình muốn trải nghiệm đời sống cộng đoàn như các linh mục, các nam nữ tu sĩ thánh hiến. Mỗi “bậc sống” có luật riêng, có nhịp sống riêng nhưng hàng ngày họ có thì giờ sống cộng đoàn với nhau: cầu nguyện, làm việc, ăn uống… Thậm chí họ chia sẻ một phần số lương của mình. Đó là các nhóm có nhiều ơn gọi khác nhau trong cùng một cộng đoàn mà Giáo hội gọi là “cộng đoàn mới”.

– Nghe có vẻ hấp dẫn, con chưa bao giờ nghe nói đến.

– René-Luc, con còn nhiều chuyện để biết. Tuần sau, dì có một cuối tuần học Thánh Kinh với một trong các cộng đoàn này; nếu con muốn, dì dắt con đi theo.

– Được dì! Tôi nhận lời ngay lập tức, thường tôi nhận lời ngay về những chuyện dính đến đức tin và kinh nghiệm thiêng liêng.

* * *

Trong “cộng đoàn mới” này, mọi người thân thiện, hiếu khách, chủ yếu là người trẻ. Tôi tìm thấy một chút bầu khí của nhóm cầu nguyện, nhưng có một khác biệt là họ sống chung với nhau thay vì gặp nhau một tuần một lần. Đây là lần đầu tiên tôi sống một cuối tuần tĩnh tâm. Tôi là trẻ vị thành niên duy nhất trong số các người tham dự. Chủ đề Tin Mừng hôm đó là sự hy sinh của I-sa-ác. Tôi khám phá Cựu Ước và tôi rất thích.

Tôi rất thích những ngày này đến mức tôi còn trở lại nhiều cuối tuần khác. Trong thời gian này, mẹ tôi cũng trở lại, bà cùng đi theo tôi. Đời sống cộng đoàn bắt đầu thu hút hai mẹ con tôi. Gần như xa rồi thời gian hai mẹ con căng thẳng với nhau! Tôi cảm thấy mình đổi mới, đổi mới trong sâu thẳm bản thể tôi.

Bây giờ hai anh tôi đã tự lập. Tháng 1 năm 1981, vào giữa niên học, chúng tôi quyết định vào cộng đoàn, mẹ tôi và hai em gái tôi. Tuy nhiên sau vài tuần, mẹ tôi thấy đời sống này không hợp với bà, bà và hai em gái tôi đi ra.

– Còn Lulu, con muốn làm gì? mẹ hỏi tôi.

– Con, con muốn ở lại đây để tiếp tục tiến trình thiêng liêng của con.

– Nhưng con mới mười bốn tuổi!

– Mẹ ơi, theo Chúa thì không có tuổi!

– Thú thật mẹ chờ con lớn lên một chút để quyết định. Nhưng nếu những người có trách nhiệm đồng ý để con ở lại thì mẹ tôn trọng chọn lựa của con.

Bình thường người ta không vào cộng đoàn trước tuổi trưởng thành, dù đó là cộng đoàn “mới”, và như thế là đúng lý. Nhưng vì thấy tiến trình của tôi, những người có trách nhiệm thấy tốt cho tôi nếu tôi ở lại. Chúng tôi không cần đi phải Rôma để xin phép đặc biệt như trường hợp Thánh nữ Têrêxa khi mới mười lăm tuổi. Chọn lựa của tôi không có cùng hệ quả. Tôi vẫn tiếp tục đi học như bình thường. Cũng có các em bé hay các em tuổi vị thành niên khác ở trong cộng đoàn, nhưng điều khác biệt là tôi tự chọn lựa đời sống này chứ không theo cha mẹ như các em khác.

Đi học về, thay vì đi chơi lông bông như các em bé cùng tuổi, tôi tham dự vào đời sống cộng đoàn: cầu nguyện, phục vụ cộng đoàn, đào tạo…

Buổi sáng tôi dậy khá sớm để có thì giờ cầu nguyện. Khi có thể được, tôi xin linh mục cho tôi rước lễ trước để tôi kịp đi học. Các thành viên khác trong cộng đoàn xem tôi như một tu huynh đặc biệt.

Năm mười sáu tuổi, tôi ra trước một thẩm phán giám hộ và tôi có được điểm cao do chín chắn. Khi phải ký giấy ở trường hay khi cần xin vắng mặt, tôi tự làm. Việc này không làm cho ông giám thị vui, nhưng tôi có luật bảo vệ và tôi rất vui được áp dụng luật này.

Một ngày nọ, ông Jean-Marc, người trách nhiệm của cộng đoàn gọi tôi lại:

– Con có biết sư huynh Daniel-Ange không?

– Con chưa bao giờ nghe.

– Đó là một ẩn sĩ. Ông sống gần thành phố Nice. Thời gian gần đây ông viết nhiều sách và giảng trong các khóa Canh tân. Vừa rồi ông nghe có tiếng gọi ông phải rời ẩn thất để làm sứ vụ theo mô hình “bella brigata” của Thánh nữ Catarina Siêna.

Bella brigata là gì?

Bella brigata của Thánh nữ Catarina Siêna là những người canh gác cho tình yêu. Bà là thánh nữ người Ý vào thế kỷ thứ 12. Bà thành lập các nhóm truyền giáo nhỏ gồm đủ thành phần tín hữu kitô: giáo dân, vợ chồng, người trẻ, người lớn tuổi, linh mục… Ý tưởng là nhóm anh em này đại diện cho tất cả các thành phần khác nhau của Giáo hội và trong Giáo hội.

– Vậy thì sao?

– Vậy thì sư huynh Daniel-Ange muốn thành lập một nhóm anh em giống như vậy để đi rao giảng Tin Mừng ở trường trung học Megève. Và vì trong cộng đoàn chúng ta có các cặp vợ chồng, có anh chị em, có các linh mục, thầy nhờ chúng ta gởi đến một nhóm nhỏ. Tôi đề nghị con đến đó, con là người trẻ nhất nhóm. Con đi chứ?

Và thế là tôi đi! Tôi chấp nhận không do dự. Nhóm bella brigata của chúng tôi gồm bảy người: ông Jean-Marc và vợ là bà Mireille; Cyrille, một sư huynh tận hiến cao gần hai mét; ông Jean-Louis và Etienne, giáo sư triết lý sẽ rất hữu ích để trả lời các câu hỏi của các bạn trẻ; sư huynh Daniel-Ange chưa là linh mục và tôi.

Sư huynh Daniel-Ange ở độ tuổi năm mươi nhưng nhìn rất trẻ. Ông rất thân tình coi nhau như anh em, chúng tôi hợp nhau ngay.

Tháng 2 năm 1981 đến. Một tuần “sứ vụ” ở Megève. Khi chúng tôi vào lớp một, sư huynh Daniel-Ange nhờ tôi nói chứng từ của tôi. Đây là lần đầu tiên tôi phải nói trước lớp học. Tôi rụt rè. Vì không phải dễ để nói về mình, nhất là chuyện vừa xảy ra. Đến một lúc giọng tôi bị khản, tôi phải hắng giọng để nói tiếp. Nhưng tôi có thể nói, các bạn trẻ lắng nghe tôi. Ánh mắt của họ khuyến khích tôi khi họ thấy tôi gặp khó khăn khi nói tiếp. Đến đoạn tôi kể cuộc gặp với mục sư Nicky thì tôi nói trôi chảy. Tôi nói dễ dàng về các bước đầu đức tin của tôi. Câu chuyện trôi chảy. Các học sinh cùng tuổi với tôi, có vài người lớn hơn. Sư huynh Daniel-Ange thấy ngay tác động của người trẻ nói với người trẻ, đến mức mà mỗi khi vào các lớp mới, lúc nào sư huynh cũng để tôi nói trước để “lên khí thế”. Chúng tôi trải nghiệm những gì Đức Gioan-Phaolô II đã nhiều lần nói, nhất là trong bài diễn văn với các giám mục Pháp tháng 3 năm 1982: “Chính các người trẻ là tông đồ đầu tiên cho người trẻ.”

Chứng từ của tôi nói xong, tôi thấy nhiều bạn trẻ xúc động. Khi đó sư huynh Daniel-Ange mới lên tiếng và trả lời các câu hỏi của các bạn trẻ. Cùng với các thành viên khác trong nhóm nhỏ của chúng tôi, chúng tôi cố gắng khai sáng cho các bạn trẻ.

Ngày 6 tháng 2 năm 1981, vào cuối sứ vụ, chúng tôi được tin Marthe Robin qua đời hay nói chính xác hơn là “sinh ra trên trời”. Chúng tôi quyết định đến ngay bên đầu giường của bà. Tôi là người duy nhất không biết bà, tôi hỏi Mireille:

– Bà Marthe Robin là ai vậy?

– Một phụ nữ phi thường. Hay đúng hơn một phụ nữ bình thường có một định mệnh thiêng liêng phi thường. Một nhà thần nghiệm đích thực. Thêm nữa bà lại được in các dấu thánh.

Tôi chưa bao giờ nghe đến chữ này, tôi lại phải xin Mireille giải thích cho tôi.

– Marthe mỗi ngày sống sự thương khó của Chúa Giêsu, từ ngày thứ năm đến ngày thứ sáu. Đặc biệt bà sống sự đau khổ do mũ gai đâm vào đầu, cùng các vết thương ở chân và tay do bị đóng đinh. Marthe bị chảy máu rất nhiều ở các vết thương của Chúa Giêsu. Những vết thương này gọi là “dấu thánh”.

Tôi chưa hết ngạc nhiên thì Mireille lại cho tôi biết thêm một chi tiết trong đời sống của Marthe mà tôi không nói được lời nào.

– Marthe đã sống năm mươi năm không ăn không uống, chỉ nhận thức ăn duy nhất là bí tích Thánh Thể mỗi tuần một lần.

– Thật vậy sao?

– Tất cả đều đã được y khoa kiểm chứng. Khi bà bị liệt, bà sống trong đêm đen vì bà không chịu được ánh sáng. Chúa là Ánh sáng duy nhất đời bà. Rồi bà xây dựng các cơ quan từ thiện được lan rộng khắp thế giới!

Tôi rất ấn tượng về tất cả những gì người ta kể về Marthe. Tôi mong mau gặp người phụ nữ phi thường này. Từ Megève, chúng tôi đến nhà Marthe ở Château-neuf-de-Gallaure.

Hàng trăm giáo dân hành hương đến nhìn Marthe lần cuối. Chúng tôi chờ lâu mới đến lượt mình vào phòng bà. Cuối cùng là đến lượt chúng tôi.

Marthe nằm trên chiếc giường nhỏ, bà nhỏ tí xíu. Trông bà thật nhỏ bé, thật yếu đuối, thật mong manh. Có thể nào một cơ thể gầy gò ốm yếu như thế mà Chúa chọn để thể hiện tất cả quyền năng của Ngài? Rõ ràng là vậy. Trên trán bà, tôi thấy có các vết máu khô nhỏ, dấu vết của dấu thánh mũ gai để lại. Tuy nhiên khuôn mặt của bà tỏa ra một nét bình an, nói thế nào đây? Cao thượng tuyệt vời.

Tôi quỳ bên cạnh thân hình nhỏ bé này và tôi nói với Marthe ý chỉ cầu nguyện của tôi. Vừa về nhà, tôi tìm tất cả các sách nói về Marthe để đọc. Marthe trở nên “bà chị cả” của tôi trên trời.

Khi về trường sau lần đi thăm Marthe và sứ vụ đầu tiên ở Megève, tôi cảm thấy đức tin của tôi được củng cố. Đúng vậy, như giáo hoàng Ba Lan đã nói: “Đức tin được củng cố khi mình đem cho.”

Sư huynh Daniel-Ange và tôi phát triển một tình bạn rất đẹp và thầy mời tôi đến ở vài ngày tại ẩn thất của thầy miền cao thành phố Nice. Ẩn thất là một nông trại cũ được xây hoàn toàn bằng đá. Chuồng cừu biến thành nhà nguyện, một căn phòng đẹp bên ngoài là đá. Cầu nguyện ở đó thật yên tĩnh.

Sư huynh Daniel-Ange chưa là linh mục, nhưng thầy được đặc ân giữ Mình Thánh Chúa: một nhà tạm với bánh thánh. Mỗi ngày chúng tôi chầu hàng giờ trước Thánh Thể, chúng tôi hát giờ kinh.

Thời giờ còn lại thầy Daniel-Ange viết. Hoặc thầy trả lời thư, hoặc thầy viết sách. Còn tôi, tôi làm một vài thứ hoặc ra ngoài đi dạo. Đúng là những ngày tĩnh tâm với thiên nhiên. Chúng tôi ăn uống đạm bạc, Thánh Kinh chẳng dạy con người không phải chỉ sống bằng bánh, nhưng còn bằng Lời Chúa đó sao? Giữa hai miếng bánh mì nhúng vào sữa Ricoré, thầy Daniel-Ange hỏi tôi:

– René-Luc, con có biết tên con có nghĩa là gì không?

– Dạ có, đó là tên ghép của cha đỡ đầu René và của mẹ đỡ đầu Lucie.

– Đó là gốc gác tên, nhưng không phải theo nghĩa đó mà thầy hỏi. Thầy muốn hỏi con có biết nghĩa tu từ học của tên con không. René có nghĩa là “sinh ra lại”. Đó là tên riêng của các tín hữu kitô đầu tiên đặt cho những người lớn khi họ vừa được rửa tội, người ta còn gọi những người này là những người “sinh ra lại” với cuộc sống mới.

– Con không biết chuyện này.

– Còn tên Luc, con có biết nghĩa là gì không?

– Con không biết gì.

– “Luc” từ tiếng la-tinh là lux, lucis…

– Có nghĩa là gì?

– Là “ánh sáng” (Lumière, Luc).

– Thầy muốn nói René-Luc có nghĩa là “sinh lại trong ánh sáng” phải không?

Ánh sáng! Tôi khám phá hai tên riêng của tôi mang âm hưởng thiêng liêng. Ghép chung, hai tên này nói về đức tin của tôi, về đời sống mới của tôi. Dứt khoát, không bao giờ có gì là tình cờ. Bởi vì ánh sáng này đến với tôi từ sự hiểu biết về Chúa Giêsu, một sự hiểu biết càng ngày càng đuổi đi các bóng tối trong đời tôi. Tôi từ bỏ mình để dâng hiến cho đời sống mới này. Và đã có một khát khao lớn lao trong lòng tôi: ước mong sự tái sinh riêng của tôi giúp cho các người khác “tái sinh trong ánh sáng”.

Marta An Nguyễn dịch

 

Mẹ đỡ đầu của đứa con hoang

Mẹ đỡ đầu của đứa con hoang 

Trích sách Chúa ở trọn tâm hồn, René-Luc, nxb. Presses de la renaissance

Sau khi đi hành hương Lộ Đức về, mùa hè năm đó tôi đến nông trại của mẹ đỡ đầu để giúp bà cắt rơm. Vừa đến, tôi hỏi mẹ:

– Mấy giờ có lễ hả mẹ?

– Lễ à? Con muốn đi lễ sao? Chuyện gì vậy con? Đã lâu con không còn đi theo mẹ đến nhà thờ… Nhưng hôm nay đâu phải ngày chúa nhật?

– Con biết hôm nay không phải là ngày chúa nhật, nhưng con muốn đi bây giờ dù là ngày trong tuần.

Dì Lucie bối rối. Tôi kể cho mẹ đỡ đầu nghe câu chuyện trở lại của tôi. Bà không tin được.

Trong thời gian ở nhà mẹ đỡ đầu, tôi suy nghĩ rất nhiều về những chuyện đã xảy ra, với sự thay đổi bất ngờ này, với cuộc đột nhập của Chúa vào đời tôi. Mời đầu tôi có cảm tưởng lời của mục sư Nicky Cruz rơi vào lòng tôi như hạt giống rơi vào ngôi vườn hoang, ngôi vườn chưa bao giờ được khai khẩn, một khu rừng hoang dại! Một vài “Kinh Kính Mừng” đọc với mẹ tôi trên con đường đi học ở Camargue là tất cả những gì tôi được dạy về đạo ở nhà. Bây giờ tôi nhận ra ngôi vườn của tôi được mẹ đỡ đầu kín đáo vun xới lâu nay. Bà đóng vai trò thiêng liêng ẩn giấu trong suốt tuổi thơ của tôi, ít nhất là cho đến khi tôi lên mười, vì sau đó đến thời kỳ ở với Martial, tôi hiếm khi đến nhà mẹ đỡ đầu. Trong giai đoạn này, tôi không có một kỷ niệm nào về đạo.

Dì Lucie là chị của “dì Odile”, người mà mẹ tôi xem như bà mẹ thứ nhì. Tháng 9 năm 1965, khi mẹ tôi từ Đức về, bà đang mang thai tôi, dì Odile cho mẹ tôi tá túc, bà nói với mọi người mẹ tôi rời Nîmes để về quê nghỉ. Mẹ tôi ở trong hoàn cảnh tế nhị. Bà đang ly dị với cha của hai anh tôi, bây giờ bà lại mang thai với một người bà không còn ở với họ. Hơn nữa đó lại là người Đức! Ông ngoại tôi là trung tá, ông cố tôi là đại úy thời Thế Chiến Thứ Hai, như thế rõ ràng là không tốt chút nào… Một vài người khuyên mẹ tôi nên phá thai. Dù sao “đứa con hoang” này cũng không biết cha của nó. Tôi hội đủ tất cả điều kiện để bị vứt bỏ. Người ta thường khuyên phá thai trong các trường hợp còn ít tệ hơn. Họ lên án tử hình tôi vì tôi đã là đứa bé bất hạnh. Tất cả đã là bất hạnh ngay từ khi mới thụ thai, nhưng nếu người ta để cho chúng tôi một cơ hội…

Mẹ tôi quyết định cho tôi cơ hội đó, dù đó không phải là giải pháp đơn giản nhất cho bà. Bà quyết định giữ tôi lại dù phải chịu bao nhiêu là áp lực của người chung quanh. Chính vì để xa bối cảnh này mà dì Odile nảy ra ý định đưa mẹ tôi về ở nhà chị Lucie của dì.

Dì Lucie người gốc Versailles trong một gia đình có mười người con: chín con gái, một con trai. Dì Lucie là con thứ tám. Gia đình dì rất mộ đạo và có hai người là nữ tu. Dì Lucie học kỹ sư nông nghiệp, và trong một kỳ thực tập ở nông trại, dì gặp “chú Albert” và yêu chú. Mấy năm sau tôi biết chú khi tôi đi học ở Angelicum, Rôma, chú Albert là cháu của linh mục Marie-Joseph Lagrange, người sáng lập Trường Thánh Kinh Giêrusalem. Sau vài năm sống ở Marốc, chú Albert và dì Lucie về tiếp nhận trang trại bên cạnh lâu đài của gia đình ở vùng Cévennes, dưới chân núi Lozère. Chú dì có năm người con, trong số này có chị Hélène, người đón gia đình tôi sau cái chết của Martial. Các con của dì Lucie là anh chị em họ thân thiết của chúng tôi.

Không bao giờ tôi cám ơn dì Lucie cho đủ, dì đã mở rộng tay đón nhận mẹ tôi, hai anh tôi và bào thai trong bụng mẹ tôi. Qua dì, tôi xin cám ơn tất cả các gia đình đón nhận các bà mẹ mang thai trong hoàn cảnh tuyệt vọng. Trong các cuộc thảo luận về phá thai, người ta ít nói đến các gia đình quảng đại này, những gia đình luôn sẵn sàng mang đến các giải pháp cụ thể.

Buổi chiều mùa hè này, tôi ngồi bên cạnh mẹ đỡ đầu ở phòng ăn của trang trại. Trên mặt bàn tủ buýp-phê có bức tượng Thánh Phanxicô Át-xi-di bằng gỗ. Dì tò mò hỏi tôi:

– Vậy là con đã trở lại?

– Dạ thưa dì, con tin Chúa Giêsu đang sống và hàng ngày con nói chuyện với Ngài như nói với một người bạn!

Dì Lucie đứng dậy, bà đến tủ buýp-phê, mở hộc tủ và lấy ra một album cũ.

– Con xem album này nghe. Dì gom lại các hình của con khi còn nhỏ. Bà mở trang đầu tiên. Tôi còn nhỏ với lọn tóc vàng. Trên một tấm hình khác, tôi thấy nhà thờ Các Thánh.

– Đây là nhà thờ con rửa tội ngày 26 tháng 5 năm 1966 trong kỳ hành hương của những người du mục. Đây là cha đỡ đầu René của con. Con có biết tên René-Luc là nhờ cha đỡ đầu René và nhờ dì Lucie của con không?

– Dạ có, nhưng con thích nghe dì kể chuyện.

– Suốt thời gian mang thai con, mẹ ở nhà dì và mẹ không biết đặt tên con là gì. Đầu tiên mẹ chọn tên Dominique nhưng dì đã có một đứa con tên Dominique nên mẹ con và dì phải tìm một tên khác. Về phần dì, lúc nào dì cũng muốn có một đứa con tên Luc, nhưng chồng của dì không muốn. Và để làm cho dì vui, mẹ con đề nghị đặt tên con là Luc. Nhưng vì mẹ con đã đặt tên kép cho hai anh con nên bà cũng muốn con có tên kép. Và vì mẹ đã chọn dì làm mẹ đỡ đầu cho con và người anh họ René làm cha đỡ đầu nên mẹ muốn đặt tên con là Luc-René. Và dì đã đổi ngược thành René-Luc nghe êm tai hơn!

– Hồi xưa đặt tên hay quá.

– Chỉ sau này dì mới biết trong lịch phụng vụ, Thánh Luca và Thánh René mừng lễ gần nhau: Thánh sử Luca mừng ngày 18 tháng 10, Thánh René Goupil, thánh tử đạo đầu tiên của Canada mừng ngày 19 tháng 10.

– Vậy là con hiểu, bây giờ con phải chờ đến nửa đêm để mừng lễ hai thánh một lần!

Tôi tiếp tục mở album hình. Tôi ngừng ở một loạt hình có máng cỏ sống.

Đây là lễ Giáng Sinh đầu tiên của con, tháng 12 năm 1966. Trong số các em bé tham dự có năm đứa con của dì và ba anh em con. Con nhìn nè, anh Cacou của con đóng vai em bé đánh trống. Bên cạnh là anh Babou làm mục đồng. Người đứng là Alain con trai dì đóng vai Thánh Giuse, còn Đức Mẹ là chị Louise. Và Chúa Giêsu Hài đồng trong tay chị Louise là… con!

Tôi xúc động nhìn bức hình. Hóa ra chỉ một lần duy nhất trong đời tôi tham dự vào một máng cỏ sống và tôi đóng vai Chúa Giêsu! Bây giờ tôi trở lại, tôi nghĩ Chúa Nhân Lành hẳn cười, Ngài biết câu chuyện tiếp theo…

Tôi lên ngủ trên “phòng mấy đứa con trai.” Nằm trên giường, tôi nhận ra, nhà dì Lucie là nơi duy nhất tôi nghe nói về Chúa trong tuổi thơ của tôi. Tôi còn được đi học giáo lý nữa. Hồi đó tôi không nhớ gì nhưng bây giờ tôi nhớ. Vì quá trình gập ghềnh của tôi, đôi khi mẹ tôi gởi tôi đến nhà mẹ đỡ đầu ở một thời gian lâu, có khi ngoài các kỳ hè. Và chính trong thời gian đi học mà dì Lucie gởi tôi đi theo học giáo lý cùng với các em bé khác trong làng. Nhưng tôi phải thú nhận lớp giáo lý không đánh động tôi bao nhiêu.

Tôi chỉ nhớ có một lần tôi đi xưng tội. Đó là khi rước lễ lần đầu. Không có lễ bao đồng với áo choàng trắng, với tiệc tùng, với tất cả nghi thức rườm rà của nó. Chỉ đơn giản rước lễ lần đầu. Chuyện ngạc nhiên là tôi nhớ rất rõ khi đứng chờ xưng tội, nhưng không nhớ gì khi tôi nhận Mình Thánh Chúa. Khi mẹ đỡ đầu đưa tôi đi lễ ngày chúa nhật, chú Albert luôn lên cung thánh ngồi với các ông, tôi ở dưới này với dì và các cô con gái của dì. Thỉnh thoảng tôi được giúp lễ. tôi ghen với chú giúp lễ được rung chuông, khi nghe chuông rung, tôi tự nhủ: “Khi mình lớn, mình cũng sẽ được rung chuông.” Các kỷ niệm tuổi thơ này về lại trong ký ức tôi làm cho tôi rất bồi hồi.

Tôi tiếp tục lần theo ký ức, tôi nhớ mình đã đặt một câu hỏi với mẹ đỡ đầu, khi đó tôi khoảng sáu, bảy tuổi:

– Mẹ ơi, nếu con hiểu đúng, Chúa Giêsu là Cha của chúng ta.

– Đúng rồi con, một cách nào đó mình có thể nói như vậy. Chúa Giêsu thương chúng ta như một Người Cha thương con mình.

– Và Chúa Giêsu cũng có một Người Cha, đó là Chúa!

– Đúng rồi, con hiểu đúng rồi.

– Nhưng thưa mẹ, ai là Cha của Chúa? Bà trả lời tôi trong khả năng của bà, bà giải thích Chúa không có Cha, đơn giản là như vậy. Nhưng tôi không bằng lòng câu trả lời của dì. Điều khó hiểu vẫn ở trong đầu óc thơ dại của tôi: Ai là Cha của Chúa?

Tôi nhìn lên trần nhà bằng gỗ. Điều lạ lùng là tôi để câu hỏi đã rơi vào lãng quên rất lâu này trồi lên. Bây giờ nó làm cho tôi thật sự xao xuyến. Vấn đề chính của tôi lúc đó, Chúa là Chúa và tôi đã gặp Chúa qua Chúa Giêsu là Chúa Con.

Chỉ sau này khi ở chủng viện Rôma tôi mới hiểu câu hỏi trong tuổi thơ của tôi về Người Cha của Chúa trực tiếp liên hệ đến vấn đề hiện hữu của Chúa mà Thánh Tôma Aquinô đã triển khai. Mở đầu bản Tổng luận thần học – Prima pars, Câu hỏi 1, chương 3 – ngài giải thích trong “Bằng chứng về nguyên nhân và kết quả”. Khi đó tôi hiểu, sự việc Chúa không có Cha chứng minh rằng Ngài tồn tại như Thiên Chúa! Vì, theo Thánh Tôma giải thích, tất cả những gì chúng ta thấy ở tạo dựng được tạo ra bởi một thứ có trước nó: bông hoa đến từ hạt giống, trẻ con đến từ cha mẹ… Nếu chúng ta quay ngược về chuỗi nhân quả – từ hàng triệu năm trước -, thì phải đi đến điểm khởi đầu, cái mà chúng ta gọi là “Nguyên tắc Đầu tiên”. Do đó, Thiên Chúa có đặc tính là “thiết yếu” thì không được tạo ra bởi một ai, được “sinh ra mà không phải tạo thành”. Và Ngài chỉ có thể là Đấng Tối Cao  trên tất cả các tạo vật khác vì chính Ngài đã tạo dựng nên chúng. Nguyên tắc Đầu tiên này là Chúa!

Sau đó chỉ là vấn đề từ vựng. Có người gọi Chúa là “Allah” hay “Đấng Kiến trúc Vĩ đại”. Nhưng ít nhất mỗi người phải đi đến kết luận hợp lý này: Chúa hiện hữu. Chúa hiện hữu vì không có một ai hiện hữu trước Chúa và cần phải có một điểm khởi đầu.

Một khi bằng chứng hiển nhiên về một Đấng tối cao đã được đặt ra thì phần tiếp theo sẽ rõ hơn. Phải đi thêm một bước để hiểu và tin và điều này đã được mạc khải trong Thánh Kinh, Ngài đã đến để gặp gỡ con người từ ông Abraham đến Chúa Giêsu. Để đi từ giai đoạn mà Thiên Chúa không còn là một khái niệm đơn giản, cũng không phải là một loại năng lượng vũ trụ, nhưng là một Người mà tôi có thể đối thoại thì thường phải đi một con đường dài. Nhưng phần đầu tiên của lý luận đã được đề cập đến, dù cho với một đứa con hoang nhỏ bé!

Mẹ đỡ đầu của tôi đã gia ơn cho tôi, bà cho tôi biết Thánh Tôma. Bà đã trao truyền cho tôi điều thiết yếu, rằng Chúa là Cha chúng ta. Tôi không nghĩ câu hỏi của tôi báo trước đường đi thiêng liêng trước tuổi của tôi, nhưng thường thường trẻ con đặt các câu hỏi thiết yếu mà người lớn thích che giấu.

Cuối cùng tôi cũng ngủ thiếp đi, tôi cám ơn Chúa đã cho tôi có mẹ đỡ đầu, người mà một cách đơn sơ đã chuẩn bị mảnh đất để tôi đón nhận Chúa mà tôi không nhận ra.

Năm sau khi tôi về trang trại, năm 1981, tôi báo cho dì biết tôi sẽ đi tu làm linh mục. Dì rất cảm động, dì nói, cả đời dì, dì mong một trong các con trai của mình sẽ là linh mục…

Và lời cầu nguyện của dì đã rơi vào đứa con đỡ đầu bất toàn của dì!

Tôi muốn các linh mục, các thầy cô dạy giáo lý, các cha mẹ, các ông bà nội ngoại đều giống như mẹ đỡ đầu của tôi… gieo Lời Chúa mà không nghĩ gì. Có thể họ sẽ không thấy thành quả do chính mình gieo, nhưng hạt giống sẽ nẩy mầm đây đó, sớm hay muộn và cũng có thể là ở một nơi khác.

Chúng ta hãy tin chắc, không một lời cầu nguyện nào dâng lên Chúa mà hoài công, Chúa sẽ luôn trả lời cách này hay cách khác.

Marta An Nguyễn dịch

 

Bài mới nhất