Home Blog

Đức Lêô XIV thận trọng tìm một Giáo hội hiệp nhất trong một thế giới chia rẽ

Đức Lêô XIV thận trọng tìm một Giáo hội hiệp nhất trong một thế giới chia rẽ

la-croix.com, Céline Hoyeau, Matthieu Lasserre và Héloise de Neuville, 2025-05-13

Đức Lêô XIV tại ban-công Đền thờ Thánh Phêrô, Rôma ngày chúa nhật 11 tháng 5 năm 2025. Tiziana Fabi / AFP

Đức Lêô XIV, người điềm tĩnh, nhà cải cách thận trọng đang tìm một Giáo hội hiệp nhất trong một thế giới chia rẽ.

Sau bốn vòng bỏ phiếu, ngày thứ năm 8 tháng 5, các Hồng y đã bầu Tu sĩ Dòng Âugustinô, Hồng y Robert Francis Prevost làm Giáo hoàng. Mật nghị đã chọn người bén rễ trên ba châu lục, có khả năng hiện thân cho sự hiệp nhất của Giáo hội và tiếp nối các triều giáo hoàng trước đó.

Gương mặt ngài không che giấu được xúc động đang dâng trào. Khi ngài xuất hiện ở ban-công Đền thờ Thánh Phêrô, tiếng reo hò của giáo dân như làn sóng mạnh ập về ngài. Chỉ trong ba phút đầu tiên đối diện với thế giới, dường như đột nhiên ngài cảm nhận tầm mức quy mô choáng ngợp của sứ mạng được giao, sức nặng hy vọng của hơn một tỷ giáo dân đặt nơi ngài.

Nhưng khi ngài cất tiếng nói trước đám đông ở Quảng trường, với áo choàng đỏ và dây các phép trên vai, giọng nói dịu dàng của ngài – còn hơn cả choáng ngợp – cho thấy một quyết tâm bình thản. Rất nhanh chóng, ngài bước vào sứ vụ Giáo hoàng một cách giản dị tự nhiên.

Khi chọn cựu Giám mục của Chiclayo, một trong những thành phố lớn nhất Peru, các hồng y như đã thấy “mục tử” họ đã phác họa trong các cuộc họp tiền mật nghị. Trong thế giới bị xáo trộn vì các cuộc xung đột vũ trang, ngài đưa ra lời kêu gọi định hình phần nào âm hưởng triều của ngài. Với giọng dứt khoát ngài tuyên bố: “Tôi xin gởi đến anh chị em ở bất cứ nơi đâu, đến mọi dân tộc, đến khắp toàn cầu lời chúc bình an của Chúa ở cùng anh chị em. Đó là bình an của Đức Kitô phục sinh: một bình an không vũ khí, khiêm tốn và kiên định. Bình an của Chúa, của Thiên Chúa yêu thương tất cả chúng ta không điều kiện.”

Cây cầu giữa Bắc và Nam

Chúng ta khó xếp loại ngài. Ngài là Giáo hoàng đầu tiên người Mỹ trong lịch sử; ngài cũng là người Peru đầu tiên kế vị Thánh Phêrô. Trong số các Hồng y Mỹ, ngài là người “ít Mỹ nhất” do tính cách kín đáo và dè dặt, do hành trình cuộc đời: ngài chỉ sống một phần ba cuộc đời ở Hoa Kỳ. Hành trình của ngài mang dấu ấn sâu đậm những năm ngài là nhà truyền giáo và giám mục ở Peru – đến mức ngài được cho là người “Mỹ la-tinh” nhất trong số người Mỹ. Ngài có quốc tịch Peru, ngài là chiếc cầu nối giữa nhiều thực tại giáo hội khác nhau. Và là điểm liên kết giữa Bắc và Nam, trên một lục địa bị chia rẽ. Trong những năm sống ở Peru, ngài lấy việc đón tiếp người nghèo và người di cư làm tâm điểm sứ vụ của ngài. Hồng y đồng hương Joseph Tobin mô tả ngài là “người không lùi bước nếu đó là lý do chính đáng”.

Ngài sẽ có lập trường ra sao với Tổng thống Donald Trump và Phó tổng thống J. D. Vance? Những bài viết ngài chia sẻ trong những tháng gần đây trên Twitter khi ngài còn giữ chức Bộ trưởng Bộ Giám mục cho thấy ngài không đồng ý với chính sách di dân của họ, ngài cho thấy sự nhạy cảm của một người trong Giáo hội quan tâm đến sự tổn thương của người di dân, theo đúng chiều hướng của vị tiền nhiệm. Tuy nhiên, liệu ngài có đối đầu trực tiếp với hai nhà lãnh đạo Mỹ này không? Hồng y Mỹ Timothy Dolan phát biểu trong cuộc họp báo ở New York sau mật nghị: “Ngài là người muốn xây dựng những cây cầu với các quốc gia. Tôi không nghĩ các anh em Hồng y của tôi muốn chọn một người đối nghịch với chính quyền. Ngài là Giáo hoàng quy tụ trong một Giáo hội công giáo đang bị cuốn theo những làn gió trái chiều.”

Nếu năm 2013, các Hồng y đã bầu một Giáo hoàng “từ tận cùng thế giới”, thì khi bầu Đức Lêô làm Giáo hoàng, họ đã chọn người có gốc rễ ở ba châu lục: nguồn gốc đa văn hóa của ngài không thể xem ngài là Giáo hoàng của một quốc gia nào. Ngài nói tiếng Anh, Tây Ban Nha, Ý, Bồ Đào Nha và Pháp, sinh ra tại Chicago, bang Illinois, một giáo phận có truyền thống lâu đời ở Hoa Kỳ, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của làn sóng nhập cư Ý và Ba Lan. Mẹ ngài là bà Mildred Agnes Martinez, thủ thư, có tổ tiên gốc Tây Ban Nha, Creole Louisiana và Haiti; cha của ngài là ông Louis Marius Prevost, hiệu trưởng, trung úy hải quân Hoa Kỳ trong Thế chiến thứ hai, có cha người Ý, mẹ người Pháp sinh tại Le Havre năm 1894.

Một nhà cải cách thận trọng

Trước khi qua đời, Đức Phanxicô đã đưa ra chương trình Thượng Hội đồng về Tính đồng nghị kéo dài đến năm 2028, Đức Lêô XIV xuất hiện như người thừa kế công trình lớn lao này – được khởi xướng để giáo dân có thể tham gia nhiều hơn trong việc điều hành Giáo hội. Không còn việc ủng hộ mang tính hình thức, Đức Lêô dấn thân quyết liệt để thực hiện tính đồng nghị, điều mà ngài xem là phương thuốc chữa trị những chia rẽ trong Giáo hội. Ngay từ tối đầu tiên sau khi được bầu chọn, từ ban-công Đền thờ Thánh Phêrô, ngài kêu gọi một “Giáo hội đồng nghị” cho thấy tầm nhìn của ngài từ năm trước, ngài nói trên Vatican News: “Giám mục không phải là một tiểu vương ngồi trên ngai vàng, nhưng là người khiêm tốn, gần gũi với những người ngài phục vụ, cùng bước đi, cùng chịu đau khổ với họ để sống Tin Mừng với dân của mình.”

Về vấn đề vai trò phụ nữ, ngài đã bổ nhiệm một số phụ nữ vào các vị trí có trách nhiệm trong giáo phận Peru – ngài ủng hộ cuộc “cách mạng nhỏ” Đức Phanxicô khởi xướng nhằm mở rộng cánh cửa quản trị Giáo hội cho phụ nữ. Tiêu biểu là việc bổ nhiệm ba phụ nữ vào Bộ có nhiệm vụ chọn các Giám mục tương lai. Nhưng ngài phản đối việc truyền chức cho phụ nữ – dù là linh mục hay phó tế. Theo ngài, khi cho phép họ được truyền chức, như thế cuối cùng là “giáo sĩ hóa” họ. Điều này phản ánh một cách sâu sắc quan điểm của ngài về vai trò của giáo dân: họ cần sống trọn vẹn ơn gọi bí tích rửa tội thay vì tìm cách đảm nhận vai trò của hàng giáo sĩ.

Ẩn sau vẻ dè dặt tự nhiên là hình ảnh của một người với những xác tín rõ ràng, ngài bày tỏ dè dặt nhưng minh bạch về các chủ đề gây tranh cãi nhất trong Giáo hội. Về vấn đề chúc lành cho các cặp đồng tính, ngài thận trọng khi cho rằng – bên lề Thượng Hội đồng tháng 10 năm 2024 – cần để các Hội đồng Giám mục quốc gia toàn quyền quyết định có áp dụng hay không, tùy từng bối cảnh địa phương. Qua đó, ngài kêu gọi một hình thức phân quyền mang tính đồng nghị trong quyền lực của Giáo triều Rôma, được điều chỉnh theo thực tế từng nơi.

Vị trí của phụ nữ, các cặp đồng tính… Đức Lêô đã nói gì?

Một lập trường trung dung, có lẽ phản ánh tầm nhìn của ngài về một Giáo hội phổ quát nhưng không đồng nhất, có khả năng giữ thăng bằng giữa các nguyên tắc tín lý chung và việc áp dụng mục vụ thích nghi với từng địa phương. Một định hướng có thể định hình toàn bộ phương pháp tiếp cận của ngài trước các căng thẳng địa lý và ý thức hệ đang chia rẽ Giáo hội công giáo.

Một Giáo hoàng Dòng Âugustinô quy tụ những điều đối lập

Các Hồng y một lần nữa chọn Giáo hoàng trong hàng ngũ các tu sĩ, một lựa chọn không phải ngẫu nhiên. Sau Đức Phanxicô Dòng Tên, bây giờ là Đức Lêô Dòng Âugustinô. Ngài gắn bó với Dòng, ngài vào Dòng năm 1977, linh đạo của Dòng nhấn mạnh đến việc đi tìm hiệp nhất – một điểm quan trọng trong châm ngôn giám mục của ngài,  “In Illo uno unum” – “Trong Đấng là một, chúng ta nên một.”

Trên hết, khả năng lãnh đạo và quản lý của Đức Lêô XIV đã được minh chứng, ngài đảm nhiệm nhiều chức vụ cao cấp trước khi đứng đầu Bộ Giám mục, ngài là bề trên Tỉnh Dòng Augustinô 12 năm (2001–2013). Hồng y cử tri Jean-Paul Vesco tóm lược: “Ngài là người làm việc với nhóm nhưng biết đưa ra quyết định.”

Sau Triều Đức Phanxicô, nhiều cộng sự của ngài đánh giá là gây chia rẽ và đôi lúc cứng rắn, việc một người được cho là quân bình, tiết độ và có khả năng hòa giải những điều đối lập rõ ràng đáp lại nguyện vọng của một tinh thần hiệp hành đích thực mà các Hồng y đã bày tỏ trước mật nghị. Hồng y Timothy Dolan nhấn mạnh: “Chúng tôi đã bầu một Giáo hoàng điềm tĩnh.”

Trong những giờ và ngày sau khi ngài được bầu, nhiều Hồng y cử tri đã nhấn mạnh đến kinh nghiệm thành công của ngài trong chức vụ Bộ trưởng một Thánh bộ chiến lược, trong một Giáo triều thường bị kích động vì kiểu điều hành từ trên xuống của vị tiền nhiệm. Một dấu hiệu tiết lộ khả năng thay đổi trong việc điều hành Giáo hội: trong một trao đổi riêng ngày thứ bảy 10 tháng 5, Đức Lêô mong muốn có “một hình thức chia sẻ với Hồng y đoàn”, để các vị lãnh đạo của Giáo hội có thể đưa ra các lời khuyên và đề xuất cho ngài.

Hồng y Prevost đã cảnh báo về sự phân cực: “Khi một ý thức hệ làm chủ cuộc đời, tôi không còn có thể đối thoại.”

Đức Lêô XIV là con người cầu nguyện, sâu sắc thiêng liêng. Linh mục Joseph Farrell, tổng quyền tỉnh dòng mô tả Đức Lêô là người “rất khiêm tốn, thông thái, người luôn suy nghĩ trước khi hành động, lắng nghe trước khi lên tiếng, luôn cầu nguyện trước khi bắt đầu ngày mới. Linh mục Farrell kể, trước khi đến Bộ Giám mục làm việc, khi nào Hồng y Prevost cũng đến nhà tổng quyền của Dòng để đọc kinh sáng và dự thánh lễ: “Khi chúng tôi đến nhà nguyện, chúng tôi đã thấy ngài ngồi đó, cầu nguyện trong thinh lặng.”

Các mốc thời gian chính của một mục tử quen với trách nhiệm

Sinh ngày 4 tháng 9 năm 1955 tại Chicago (Illinois).

1977: Vào nhà tập Dòng Augustinô; khấn trọn ngày 29 tháng 8 năm 1981.

19 tháng 6 năm 1982: Chịu chức linh mục. Tổng Giám mục Jean Jadot phong.

1985 – 1986 và 1988 -1998: Đi truyền giáo ở miền Bắc Peru.

1999: Giám tỉnh vùng Trung Tây và trở lại Chicago.

2001 – 2013: Làm Bề trên Tổng quyền dòng Thánh Augustinô.

2014: Đức Phanxicô bổ nhiệm làm Giám quản Tông tòa, làm Giám mục Chiclayo (Peru).

2018: Phó Chủ tịch Hội đồng Giám mục Peru.

2023: Bộ trưởng Bộ Giám mục. Được phong Hồng y vào tháng 9. Hai năm sau, Đức Phanxicô nâng lên hàng Hồng y Giám mục.

8 tháng 5 năm 2025: Được Hồng y đoàn bầu làm Giáo hoàng, lấy tông hiệu là Lêô XIV.

Têrêxa Trần Tuyết Hiền dịch

Chọn danh hiệu, nhiệt thành truyền giáo, tinh thần đồng nghị: Đức Lêô  phác thảo các nét chính triều của ngài

Giovanni Maria Vian: “Đức Lêô XIV đã chuẩn bị rất kỹ”

Một giáo hoàng có thể làm gì… và không thể làm gì

Mật nghị: điều tra hậu trường của cuộc bầu cử bất ngờ

Những bước đi thành công đầu tiên của Đức Lêô XIV

 

Mật nghị: điều tra hậu trường của cuộc bầu cử bất ngờ

Mật nghị: điều tra hậu trường của cuộc bầu cử bất ngờ

la-croix.com, Mikael Corre và Matthieu Lasserre, Rôma, 2025-05-20

Các Hồng y trước khi bắt đầu mật nghị tại Nhà nguyện Sistine ngày 7 tháng 5 năm 2025. VATICAN MEDIA/HO / AFP

Mật nghị ngày 7 và 8 tháng 5 vẫn chưa tiết lộ hết mọi bí mật. Hai tuần sau cuộc bầu cử Đức Lêô XIV, các phóng viên báo La Croix ở Rôma cố gắng hiểu các diễn biến dẫn đến cuộc bầu cử Hồng y Robert Prevost.

Điều tra mật nghị là mạo hiểm bước vào thế giới mà im lặng là điều tuyệt đối thiêng liêng. Các hồng y cử tri tuyên thệ giữ bí mật tuyệt đối và bất kỳ tiết lộ nào về các thảo luận trong mật nghị đều bị vạ tuyệt thông… ngay lập tức! Dù có những hạn chế này, nhưng thông tin đã ít nhiều xuất hiện sau ngày 8 tháng 5, các hồng y bảo thủ đã đóng vai trò quan trọng trong việc bầu nhanh chóng này. Ở vòng phiếu thứ tư, Hồng y người Mỹ đã có được 100 trong số 133 phiếu bầu, vượt xa con số hai phần ba cần thiết. Những gì xảy ra trước đó không được rõ lắm. Kể từ cuộc bầu cử, các con số liên tục thay đổi. Báo chí Ý đồn đoán về vòng đầu tiên. Hồng y Pietro Parolin, Bộ trưởng Ngoại giao sẽ chiến thắng với số phiếu cách biệt từ 40 đến 50 phiếu, theo sát là Hồng y Robert Prevost kém khoảng 10 phiếu. Các bài viết mâu thuẫn nhau, có khi còn trích dẫn những nguồn… không uy tín!

Tuy nhiên, theo thông tin của báo La Croix, có rất ít thông tin về vòng bầu thứ hai và thứ ba diễn ra trong thời gian quyết định cuộc bầu cử. Phải mất sáu năm mới có kết quả mật nghị trước đó năm 2013.

Quyết định cuối cùng

Nhà nguyện Sistine ngày thứ tư 7 tháng 5 năm 2025. Bây giờ là 5:46 chiều khi cánh cửa đóng lại. Lúc này có 133 hồng y cử tri. Cuộc họp kín bắt đầu.

Cảnh tượng này rất quen thuộc với những người có kinh nghiệm: 12 chiếc bàn phủ vải màu xám được kê ở gian giữa nhà nguyện. Trên mỗi bức tranh đều có một giá vẽ nhỏ ghi tên. Một sơ đồ chỗ ngồi không ngẫu nhiên. Gần bàn thờ và bức tranh Phán quyết cuối cùng của Michelangelo là năm ghế của các hồng y-giám mục – cấp bậc quan trọng nhất. Trong số đó, có một tên ít người biết: Prevost. Một hồng y  chia sẻ: “Khi tôi vào Nhà nguyện Sistine, ngài là người duy nhất ngồi cùng bàn với tôi mà tôi không quen biết.”

Ngồi giữa Hồng y Louis Raphil Sako (người Chalđê ở Iraq) và Hồng y Luis Antonio Tagle (Phi Luật Tân) là Hồng y Robert Francis Prevost, vừa gia nhập nhóm tuyển này. Hồng y được Đức Phanxicô bổ nhiệm làm hồng y-giám mục ngày 6 tháng 2, một tuần trước khi ngài nhập viện. Một quyết định cuối cùng. Đã có một dấu chỉ sao? Một cộng sự thân tín của Hồng y Prevost cho biết: “Xem lại thái độ của Đức Phanxicô, tôi thấy có điều gì đó giống như ngài chuẩn bị cho Hồng y Prevost.” Hồng y Ấn Độ Oswald Gracias, cựu cố vấn của Đức Phanxicô, điềm tĩnh bình luận: “Những gì có thể cho là chuẩn bị thực ra không phải là cố ý.”

Ở bàn bên cạnh

Tối thứ tư 7 tháng 5, tại Nhà nguyện Sistine, Hồng y Raniero Cantalamessa vẫn tiếp tục hướng dẫn tĩnh tâm. Bốn mươi lăm phút. Hồng y Joseph Tobin nhớ lại: “Kết thúc tĩnh tâm, ngài xin giáo hoàng tương lai trung thực với chính mình.” Khói đen đầu tiên bốc lên muộn, lúc 9 giờ tối.

Sáng hôm sau, nỗi lo lắng tăng lên. Số phiếu bầu hôm qua sẽ được chuyển tiếp như thế nào? Một hồng y đã bỏ phiếu cho Robert Prevost ở vòng đầu tiên, tự hỏi: “Ai sẽ là hồng y bảo thủ nhất bỏ phiếu sáng nay cho người thứ ba, Hồng y Péter Erdo (Hungary), ngồi ở bàn bên cạnh các hồng y-giám mục?”

Ở phía sau, gần bàn thờ, chỉ có ba chiếc ghế ngăn cách hai người giành chiến thắng trong vòng bỏ phiếu đầu tiên: Giáo hoàng tương lai và Ngoại trưởng Pietro Parolin. Hai người đã quen biết nhau từ một vấn đề tế nhị liên quan đến Giáo hội ở Peru từ đầu triều Đức Phanxicô. Họ nhận được hai phần ba số phiếu bầu. Đêm hôm trước cuộc bỏ phiếu lần thứ hai vẫn chưa có kết quả nào được đưa ra. Luôn có khả năng bị tắc nghẽn, đòi hỏi phải có tên mới, giống như mật nghị tháng 10 năm 1978, khi bầu Đức Gioan-Phaolô II.

Nhưng hiện tình của Hồng y Prevost đang có dấu hiệu thay đổi. Số phiếu có lợi cho ngài đã tăng lên từ vòng bỏ phiếu thứ hai. Một hồng y cử tri cho biết: “Không có biến động nào lớn trong các lần bỏ phiếu. Đến vòng thứ ba, Hồng y Prevost có 89 phiếu cần thiết để đắc cử và không còn bất ngờ nào nữa. Lúc 11:51 sáng, khói đen bốc lên ở quảng trường. Nhưng các Hồng y về Nhà Thánh Marta ăn trưa đã biết Hồng y người Mỹ sẽ là Giáo hoàng thứ 266 của Thánh Phêrô.” Hồng y Jozef De Kesel nước Bỉ cho biết: “Ngày thứ năm, trong lần bỏ phiếu áp chót (thứ ba), tôi nghĩ đêm nay chúng tôi sẽ có Tân Giáo hoàng.” Một Hồng y Á châu xác nhận: “Đến vòng bỏ phiếu thứ ba, chúng tôi biết sẽ là Hồng y Prevost.” Trong giờ nghỉ trưa, Hồng y Prevost có thì giờ chuẩn bị bài phát biểu ngài sẽ đọc, được viết trên ba tờ giấy trắng, các tiền nhiệm của ngài đã phải ứng khẩu bài phát biểu của họ.

Hành động của Chúa Thánh Thần

Không có cuộc thảo luận nào giữa hai vòng họp buổi sáng. Theo quy định của mật nghị, các hồng y vẫn ở Nhà nguyện Sistine, họ không được nghỉ giải lao uống cà phê, chỉ im lặng và cầu nguyện giữa hai lần bỏ phiếu. Một Hồng y Á châu xác nhận: “Chúng tôi không rời phòng, không có cuộc thảo luận nào thêm. Chúng tôi cảm thấy có một điều gì đó, một sự mở lòng ra cho chiều kích siêu việt, cho hành động của Chúa Thánh Thần. Khi lá phiếu thứ ba được kiểm và tên được công bố, một điều gì đó đã xảy ra. Không phải bên ngoài, không phải trong nhóm, nhưng là bên trong. Chúng tôi thu mình trong chính mình, mở lòng ra với Chúa.”

Tuy nhiên, ý tưởng bỏ phiếu cho cựu giám mục Peru, quốc gia ngài nhập tịch năm 2015, không phải tự nhiên xuất hiện vào ngày 8 tháng 5. Tên của ngài đã được lan truyền trong nhiều ngày trong các bữa ăn tối ở thành phố, trong các cuộc họp bí mật khác của khoảng 20 hồng y, như cuộc họp được tổ chức vào đầu tuần tại khuôn viên Trường Cao đẳng Úc, phía nam khu Trastevere.

Một hồng y tham dự nhiều cuộc họp cho biết: “Đã có nhiều cuộc họp. Không phải trực tiếp người này người kia. Đúng hơn là tự do trao đổi các đức tính chúng tôi muốn người ngồi vào ghế Thánh Phêrô sẽ có. Ở Vatican vẫn luôn có thói quen họp bên lề các cuộc họp chính thức.”

Tổng hợp vui vẻ

Không giống như mật nghị năm 2013, trong đó bài nói chuyện của Đức Phanxicô tại hội đồng chung được cho là đặc biệt nổi bật, sự can thiệp điềm tỉnh của Hồng y Prevost năm nay về việc hỗ trợ các linh mục tương lai đã không có tác dụng này. Hồng y người Mỹ Robert McElroy lưu ý: “Vấn đề không phải ở bản chất mà ở cách ngài nói. Những cuộc họp không chính thức, sự điềm tĩnh, khả năng lắng nghe của ngài tạo được ấn tượng lớn. Và các hồng y Mỹ la-tinh hân hoan khi bầu một người trong số họ, đã nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng từ các hồng y ở Bắc bán cầu, những người được thuyết phục có một ‘người Chicago’ đứng đầu Giáo hội.”

Thay vì bỏ phiếu cho Hồng y Pietro Parolin – ngài bị các phương tiện truyền thông cực kỳ bảo thủ chỉ trích trước mật nghị, họ còn bịa ra nỗi bất an của người Ý. Sau khi liệt kê các đức tính khác nhau của Hồng y Prevost, một hồng y Châu Phi nhấn mạnh: “Những gì có thể cho là một hình thức chuẩn bị, nhưng thật ra không cố ý. Chắc chắn Tân Giáo hoàng sẽ tôn trọng học thuyết.” Về phía châu Á, các hồng y Phi Luật Tân cho biết, ngoài khả năng tiếng Anh hoàn hảo của ngài, ngài đã ở đất nước của họ với tư cách là bề trên tổng quyền Dòng.

Trong những ngày trước mật nghị, một hồng y Châu Âu khi thúc đẩy việc chọn một ứng viên khác, đã nghĩ Hồng y Robert Prevost có thể là “một ứng viên thỏa hiệp” trong trường hợp bị bế tắc. Các tu sĩ và các nhà truyền giáo đã có sự tổng hợp vui vẻ chỉ trong vòng không đầy 24 giờ.

Khi kiểm phiếu lần thứ tư và cũng là lần cuối giữa buổi chiều, Hồng y Tagle quan sát Hồng y Robert Prevost, đầu gục vào tay. Có vẻ như ngài đang suy nghĩ nhiều. Ngài thở mạnh khi người kiểm phiếu đọc to lá phiếu. Khi đã đủ đa số, tiếng vỗ tay vang lên. Niềm vui vỡ òa. Hồng y De Kesel cho biết: “Chúng tôi nhanh chóng tìm được người được mọi người nhất trí.” Sau đó, theo nghi lễ và trước khi mặc áo chùng trắng. Hồng y Pietro Parolin cho biết: “Điều làm tôi ấn tượng là sự thanh thản của ngài.” Ngài hỏi Hồng y Prevost có chấp nhận cuộc bầu cử này không và ngài muốn tên hiệu Giáo hoàng của ngài là gì. Hồng y Prevost trả lời: “Tên Lêô XIV.”

Từ Peru đến Vatican

Sau nhiều năm sứ vụ ở miền bắc Peru, Cha Robert Francis Prevost được bầu làm Bề trên Tổng quyền Dòng Thánh Augustinô năm 2001. Ngài được tái bổ nhiệm ở chức vụ này và giữ chức vụ này cho đến năm 2013.

Năm 2014, ngài được Đức Phanxicô bổ nhiệm làm giám quản tông tòa và sau đó là giám mục của Chiclayo, miền bắc Peru. Năm 2023, ngài đứng đầu Bộ Giám mục, cùng năm ngài được Đức Phanxicô phòng làm Hồng y-Phó tế.

Ngày 6 tháng 2 năm 2025, vài tuần trước khi qua đời, Đức Phanxicô đã nâng Hồng y Prevost lên hàng Hồng y-Giám mục.

Vào ngày 8 tháng 5, ngài được bầu làm Giáo hoàng và lấy tông hiệu là Lêô XIV.

Sự bối rối trong bếp

Tại nhà bếp của Nhà Thánh Marta chưa ai biết bữa ăn tối – bánh flan, bí sốt đậu, măng tây và cơm risotto, thịt bò nướng với nước sốt nâu sẽ phải chuẩn bị gấp rút.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Chọn danh hiệu, nhiệt thành truyền giáo, tinh thần đồng nghị: Đức Lêô  phác thảo các nét chính triều của ngài

Giovanni Maria Vian: “Đức Lêô XIV đã chuẩn bị rất kỹ”

Một giáo hoàng có thể làm gì… và không thể làm gì

Những bước đi thành công đầu tiên của Đức Lêô XIV

Đức Lêô XIV thận trọng tìm một Giáo hội hiệp nhất trong một thế giới chia rẽ

Chọn danh hiệu, nhiệt thành truyền giáo, tinh thần đồng nghị: Đức Lêô  phác thảo các nét chính triều của ngài

Chọn danh hiệu, nhiệt thành truyền giáo, tinh thần đồng nghị: Đức Lêô  phác thảo các nét chính triều của ngài

lavie.fr, Marie-Lucile Kubacki, Rôma, 2025-05-10

Trong bài phát biểu trước các Hồng y ngày thứ bảy 10 tháng 5 năm 2025, Đức Lêô XIV mong muốn noi gương Đức Lêô XIII và Đức Phanxicô tiền nhiệm của ngài.

Giáo hoàng Lêô XIV, Robert Francis Prevost và các Hồng y tại Nhà nguyện Sistine sau khi được bầu làm Giáo hoàng. VATICAN MEDIA QUA AP/SIPA

Chưa đầy hai ngày sau khi được bầu, Đức Lêô đã có bài phát biểu trước các Hồng y ngày thứ bảy 10 tháng 5, tại hội trường Thượng hội đồng Vatican. Trong bài phát biểu, ngài giải thích tông hiệu Lêô, vinh danh Giáo hoàng Lêô XIII, tác giả của Thông điệp xã hội Tân sự Rerum Novarum (1891) được viết vào giữa cuộc cách mạng công nghiệp.

Đức Lêô XIV giải thích, giống như tiền nhiệm của ngài, triều của ngài diễn ra trong bối cảnh của cuộc cách mạng kỹ thuật mới, với sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo mang đến những thách thức về mặt thiêng liêng. Ngài khẳng định nhu cầu được các hồng y ủng hộ và mong muốn làm việc với họ – một yêu cầu được ngài đưa ra trong các phiên họp chung trước mật nghị.

Ngài giải thích mong muốn tiếp tục thực hiện Tông huấn Niềm vui Tin mừng Evangelii Gaudium (2013) của Đức Phanxicô: trở lại với quyền tối thượng của Chúa Kitô trong việc loan báo Tin Mừng, sự hoán cải truyền giáo của toàn thể cộng đồng kitô giáo, sự phát triển tính cộng đồng và công đồng, chú ý đến cảm thức đức tin – sensus fidei, đặc biệt dưới hình thức chân thực và bao gồm nhất như lòng mộ đạo bình dân, quan tâm đến những người nhỏ bé bị lãng quên nhất, và cuối cùng là “đối thoại can đảm và tin tưởng với thế giới đương đại trong các thành phần và thực tế khác nhau của thế giới này”.

Giáo hoàng của tổng hợp và hòa giải

Mở đầu bài phát biểu, ngài trích dẫn Sách Các Vua (1 V 19:12), mời gọi chúng ta “đến với Chúa qua làn gió nhẹ”.

Với bài phát biểu này, ngài khẳng định định hướng truyền giáo triều của ngài, đã được thể hiện rõ trong bài phát biểu đầu tiên của ngài ngày thứ năm 8 tháng 5 tại ban-công Đền thờ Thánh Phêrô. Khi đề cập đến những nét chính trong tầm nhìn của người tiền nhiệm Phanxicô, ngài cho thấy sự chú ý không phải tuyệt đối hóa tư tưởng của Đức Phanxicô như một ý thức hệ, nhưng xem đây là truyền thống và lịch sử của Giáo hội công giáo nhằm củng cố sự hiệp nhất.

Vì thế ngay từ những bước đi đầu tiên của ngài, Đức Lêô khẳng định ngài là giáo hoàng của tổng hợp và hòa giải, dù điều này đôi khi phải bỏ các nhãn mác đã có. Sau bài giảng đầu tiên mang âm hưởng của Bergoglio và Ratzinger ngày thứ sáu 9 tháng 5, ngài phát biểu trước các hồng y một lần nữa, cân bằng một cách tinh tế các thái cực khác nhau trong nhạy cảm của ngài: vừa rất xã hội vừa rất tâm linh, quan tâm đến tính đồng đoàn nhưng cũng quan tâm đến tính công đồng, kiên định và chu đáo.

Ngài phát biểu:

Anh em Hồng y kính mến!

Tôi xin chào và cám ơn anh em qua cuộc gặp này và các cuộc gặp của những ngày trước đó, đau buồn vì Đức Phanxicô qua đời, đòi hỏi vì trách nhiệm chúng ta cùng đối diện, đồng thời theo lời hứa Chúa Giêsu đã hứa với chúng ta, giàu ân sủng và an ủi trong Chúa Thánh Thần (x. Ga 14:25-27).

Các Hồng y thân mến, anh em là cộng sự thân cận nhất của Giáo hoàng, tôi được an ủi khi nhận gánh nặng rõ ràng vượt quá sức lực của tôi, cũng như của bất cứ ai khác. Sự hiện diện của anh em nhắc tôi nhớ, Thiên Chúa giao phó cho tôi sứ mệnh này, Ngài không để tôi đơn độc gánh trách nhiệm một mình. Trên hết, tôi biết tôi luôn có thể trông cậy vào sự giúp đỡ của Chúa, nhờ Ân sủng và Quan phòng của Ngài, nhờ vào sự gần gũi của anh em và của nhiều giáo dân trên thế giới, những người đặt lòng tin vào Chúa, yêu Giáo hội và hỗ trợ Đại diện của Chúa bằng lời cầu nguyện và các việc làm tốt.

Tôi xin cám ơn Hồng y Giovanni Battista Re, Niên Trưởng Hồng y đoàn – ngài xứng đáng được vỗ tay nhiều lần – ngài là người trí tuệ, thành quả của một cuộc đời dài và nhiều năm phục vụ trung thành cho Giáo hội, đã mang lại lợi ích to lớn cho chúng ta, đã giúp đỡ tôi trong thời gian này. Tôi xin cám ơn Hồng y Nhiếp chính Kevin Joseph Farrell – tôi tin ngài có mặt ở đây – vì vai trò quan trọng và đầy thách thức ngài đảm nhiệm trong thời gian trống tòa và trong quá trình triệu tập mật nghị. Tôi cũng xin gởi lời chia buồn đến các anh em hồng y đã không có mặt ở đây vì lý do sức khỏe, tôi xin hiệp thông trong tình cảm và lời cầu nguyện.

Ở thời điểm vừa buồn vừa vui, được Chúa quan phòng bao bọc trong ánh sáng Phục Sinh, tôi muốn chúng ta cùng nhìn vào sự ra đi của Đức Phanxicô quá cố và Mật nghị Hồng y như một sự kiện Phục Sinh, một chặng đường trong cuộc xuất hành dài qua đó Chúa tiếp tục hướng dẫn chúng ta đến cuộc sống viên mãn; trong bối cảnh này, chúng ta phó thác cho “Cha nhân từ và là Thiên Chúa của mọi niềm an ủi” (2 Cr 1:3) linh hồn của Cố Giáo hoàng Phanxicô và tương lai của Giáo hội.

Giáo hoàng, từ Thánh Phêrô đến tôi, người kế vị không xứng đáng, là người tôi tớ khiêm nhường của Chúa và của anh em, không gì khác hơn. Tấm gương của rất nhiều vị tiền nhiệm của tôi đã chứng minh rõ điều này, và gần đây hơn là tấm gương của Đức Phanxicô, với phong cách tận tụy phục vụ và lối sống tỉnh táo, phó thác cho Chúa khi truyền giáo, tin tưởng thanh thản khi về nhà Cha. Chúng ta tiếp nhận di sản quý giá này và lên đường, với niềm hy vọng nảy sinh từ đức tin.

Chính Đấng Phục Sinh, hiện diện giữa chúng ta, Đấng bảo vệ và hướng dẫn Giáo hội, Đấng tiếp tục làm cho Giáo hội hồi sinh trong hy vọng, qua tình yêu “Chúa Thánh Thần đổ vào lòng chúng ta, ban cho chúng ta” (Rm 5:5). Chúng ta là những người ngoan ngoãn lắng nghe tiếng nói của Ngài, phục vụ trung thành cho kế hoạch cứu rỗi của Ngài, biết rằng Ngài đến với chúng ta trong “làn gió nhẹ” (1 V 19:12), trong “tiếng nói nhẹ nhàng của thinh lặng”. Đây là cuộc họp quan trọng, không thể bỏ lỡ, chúng ta phải giáo dục, hướng dẫn và đồng hành với toàn thể dân Chúa đã được giao cho chúng ta.

Trong những ngày gần đây, chúng ta thấy được vẻ đẹp và cảm nhận được sức mạnh của cộng đồng rộng lớn này, những người đã chào đón và thương tiếc mục tử của mình với tình cảm và lòng tôn kính sâu sắc, đồng hành cùng ngài bằng đức tin và lời cầu nguyện khi ngài gặp Chúa. Chúng ta đã thấy được sự vĩ đại đích thực của Giáo hội, một Giáo hội sống trong đa dạng của các thành viên hiệp nhất với Đấng lãnh đạo duy nhất là Chúa Kitô, Đấng chăn dắt bảo vệ linh hồn chúng ta. Hôm nay tôi muốn chúng ta cùng nhau đổi mới việc tuân thủ hoàn toàn con đường mà Giáo hội hoàn vũ đã đi theo trong nhiều thập kỷ sau Công đồng Vatican II. Đức Phanxicô đã nhắc lại và cập nhật nội dung của Tông huấn Niềm vui Tin mừng Evangelii Gaudium. Tôi muốn nhấn mạnh một số khía cạnh cơ bản: sự trở lại với quyền tối thượng của Chúa Kitô trong lời loan báo; sự hoán cải truyền giáo của toàn thể cộng đồng kitô giáo; sự tăng trưởng về tính đồng thuận và tính công đồng; chú ý đến cảm thức đức tin sensus fidei, đặc biệt trong các hình thức chân thực và bao hàm nhất của nó, như lòng đạo đức bình dân; quan tâm trìu mến đến những người nhỏ bé nhất, những người bị bỏ rơi; đối thoại can đảm và tin tưởng với thế giới đương đại trong các thành phần và thực tại khác nhau.

Đó là những nguyên tắc Phúc Âm luôn làm sinh động và truyền cảm hứng cho cuộc sống và công việc của Gia đình Thiên Chúa, những giá trị qua đó khuôn mặt thương xót của Chúa Cha được mặc khải và tiếp tục được mặc khải nơi Chúa Con làm người, là niềm hy vọng cuối cùng của những ai chân thành đi tìm chân lý, công lý, hòa bình và tình huynh đệ.

Chính vì cảm thấy được tiếp tục kêu gọi theo đuổi mục tiêu này nên tôi nghĩ đến việc chọn tên Lêô XIV. Có nhiều lý do, nhưng chủ yếu là nhờ Đức Lêô XIII, với thông điệp lịch sử Rerum Novarum, đã giải quyết vấn đề xã hội trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lớn đầu tiên; và hôm nay Giáo hội trao di sản học thuyết xã hội này để đáp ứng một cuộc cách mạng công nghiệp và phát triển trí tuệ nhân tạo, đặt ra những thách thức mới cho việc bảo vệ nhân phẩm, công lý và việc làm của con người.

Anh em thân mến, tôi muốn kết thúc phần đầu buổi họp này với lời cầu chúc của tôi – và tôi xin đề xuất với anh em – lời cầu mà Thánh Phaolô VI năm 1963, đã viết khi bắt đầu sứ vụ Phêrô của ngài: “Nguyện xin ngọn lửa đức tin và tình yêu này lan tỏa khắp thế giới, thắp sáng mọi người thiện chí, soi sáng con đường cùng nhau cộng tác, liên tục được sự phong phú của Thiên Chúa, chính quyền năng của Thiên Chúa, mà nếu không có sự trợ giúp của Ngài thì không có gì là có giá trị, không có gì là thánh thiện” (Sứ điệp Qui fausto die, ngày 22 tháng 6 năm 1963).

Mong sao những cảm xúc này cũng là của chúng ta, được chuyển thành lời cầu nguyện và cam kết, với sự giúp đỡ của Chúa. Tôi xin cám ơn!

Marta An Nguyễn dịch

Giovanni Maria Vian: “Đức Lêô XIV đã chuẩn bị rất kỹ”

Một giáo hoàng có thể làm gì… và không thể làm gì

Mật nghị: điều tra hậu trường của cuộc bầu cử bất ngờ

Những bước đi thành công đầu tiên của Đức Lêô XIV

Đức Lêô XIV thận trọng tìm một Giáo hội hiệp nhất trong một thế giới chia rẽ

Những bước đi thành công đầu tiên của Đức Lêô XIV

Những bước đi thành công đầu tiên của Đức Lêô XIV

Hình ảnh – Antoine Mekary | ALETEIA

fr.aleteia.org, Jean Duchesne, 2025-05-20

Những bước đầu của một tân giáo hoàng luôn thách thức và phong phú. Theo nhà khảo luận Jean Duchesne, khi Đức Lêô tập trung bài phát biểu của ngài vào hòa bình và tầm quan trọng của mối quan hệ với Chúa Kitô, ngài đã lấy Chúa Kitô làm trọng tâm và Con Thiên Chúa là Đấng Cứu Thế duy nhất.

Cho đến nay, những bước đi đầu tiên của Đức Lêô được cho là ‘hoàn hảo’. Không ai tìm thấy ngài có lỗi gì: làm hoặc không làm. Mọi người đều đồng ý không thể phân loại ngài “tiến bộ hay tự do”, “bảo thủ hay truyền thống”. Nhưng không ai đi xa đến mức cho rằng các phân loại này đã lỗi thời, kể cả về mặt chính trị, nơi chủ nghĩa dân túy bị cho là “cánh hữu” khó tiếp cận hoặc về mặt xã hội bị cho là “cánh tả”. Ít người mất công giải thích thông điệp của ngài, chỉ thấy đó là những lời khuyên hữu ích, không đáng lo ngại vì những lời khuyên này đi theo chủ nghĩa hiện thực giản dị của tình trạng thế giới hiện nay và sứ mệnh mà Giáo hội và các nhà lãnh đạo hiện tại đang đảm nhiệm.

Bình an của Chúa Kitô

Trên thực tế, hai chủ đề chính nổi bật từ bài phát biểu đầu tiên của ngài là hòa bình và tầm quan trọng của mối quan hệ với Chúa Kitô. Giáo dân không mong chờ gì nhiều ở một Tân Giáo hoàng. Mọi người đều hiểu các sự kiện hiện nay đều bị chiến tranh chi phối (quân sự, kinh tế, văn hóa và cả tôn giáo), gây ra bất công, đau khổ và bất hạnh mà chúng ta không dám thờ ơ. Và thật tầm thường khi chúng ta nghĩ nhà lãnh đạo công giáo nhắc Giáo hội chỉ phục vụ cho mục đích duy trì sự hiện diện tích cực và nồng nhiệt của người sáng lập Giáo hội!

Nhưng nếu chúng ta xét kỹ, Đức Lêô đã nêu rõ hòa bình không chỉ đơn thuần là không có xung đột, nhưng là một khuynh hướng bên trong tâm hồn. Điều này không thể có được chỉ thông qua hòa giải, qua thỏa hiệp, cũng không thể có được nhờ sức mạnh đơn phương của ý chí, của quyết tâm tránh đối đầu và bảo vệ bản thân bằng sự thanh thản. Vì đó là ơn của Chúa cần phải xin và chia sẻ để có thể nhận được, có nghĩa là mở lòng ra với Đấng Duy Nhất – Chúa Giêsu Nadarét bị đóng đinh và phục sinh – Đấng mang đến bình an.

Một thông điệp không thông thường như chúng ta nghĩ

Hai trục của bài giảng khai mạc: một bên là thế tục (hòa bình trên trái đất) một bên là thiêng liêng (tinh thần sẵn sàng với Chúa Kitô) vì thế cả hai hội tụ và trở thành một. Và mọi việc diễn ra rất tốt đẹp. Đầu tiên, vì không ai tuyên bố chống hòa bình: người ta chỉ tuyên bố tiến hành chiến tranh để tự vệ hoặc ngăn chặn “kẻ xấu” làm hại. Vì chúng ta cho rằng Giáo hoàng nói về Chúa Kitô là điều tự nhiên, nhưng chúng ta không để ý nhiều, đức tin bị cho là vấn đề riêng tư và thân mật, trong đó tôn giáo và biểu hiện văn hóa chỉ là một (không phải là yếu tố quyết định nhất) trong số nhiều yếu tố can thiệp vào tiến trình của thế giới.

Đức Lêô XIV không giấu sự thật: hòa giải đòi hỏi can đảm và tha thứ

Tuy nhiên, thông điệp này không mang tính thông thường như chúng ta thường nghĩ để không bị làm phiền, bằng cách phân loại những gì thuộc phạm vi công cộng, bằng cách xếp những gì có thể thách thức trực tiếp mọi người vào phạm vi nội tâm bất khả xâm phạm, như thế trong mọi trường hợp đều không thể bình luận. Nhưng trong một tương lai không xa, Giáo hoàng có thể gây ngạc nhiên, thất vọng, khó chịu, cả trong và ngoài Giáo hội. Khi đó, việc ghi nhớ những phát biểu đầu tiên của ngài sẽ rất hữu ích, vì rõ ràng những phát biểu này là những điều cốt yếu (ít nhất theo ngài) và có thể dùng làm tài liệu tham khảo.

Sứ mệnh trong thế giới

Khi tuyên bố ngài sẽ làm mọi thứ để bảo đảm “vũ khí sẽ im lặng và yêu cầu chúng ta gặp nhau, đối thoại và thương thuyết”, Đức Lêô không mong chờ lời nói của ngài sẽ được lắng nghe và tuân theo, như thể những lời này có sức mạnh kỳ diệu, như thể ngài có công thức không thể sai lầm. Vì ngài không giấu sự thật hòa giải đòi hỏi can đảm và tha thứ – nói cách khác, đòi hỏi hoán cải trong bối cảnh nhiều người “thấy đức tin kitô giáo là phi lý, chỉ dành cho những người yếu đuối và thiếu thông minh… họ thích những điều chắc chắn khác, như công nghệ, tiền bạc, thành công, quyền lực, lạc thú…”.

Chính tình trạng này của thế giới làm việc truyền giáo trở nên cấp bách. Bắt đầu bằng việc tập trung lại vào sứ mệnh không chỉ của những người kế vị các tông đồ và những người liên kết với họ, mà còn của tất cả những người đã chịu phép rửa tội, những người, trong một môi trường như vậy cuối cùng sẽ sống trong chủ nghĩa vô thần. Kitô giáo kiểu bên ngoài này có thể bao gồm lòng trung thành với một cộng đồng hoặc với một tổ chức tôn giáo, với các giá trị, với đạo đức, và ngay cả với Chúa Giêsu “được ngưỡng mộ như một con người” nhưng bị hạ xuống thành một nhà lãnh đạo có sức lôi cuốn siêu phàm.

Chủ nghĩa kitô giáo

Vì thế ngài rao giảng một “chủ nghĩa lấy Chúa Kitô làm trọng tâm”, trong đó Con Thiên Chúa làm người không phải là hình ảnh lý tưởng của con người, nhưng là Đấng Cứu Thế: Đấng ban cho con người những gì họ cần nhưng không thể tự mình có được hoặc không thể hình dung ra. Và Chúa Giêsu không áp đặt điều gì, Ngài mặc khải qua những gì Ngài nói, Ngài làm và trải qua, bí mật của Sự sống mạnh hơn cái chết, đó là hiến dâng chính mình, không giữ lại bất cứ điều gì, không sợ đánh mất chính mình. Ngài đề nghị chúng ta hãy hiệp nhất với Ngài, đón nhận Chúa Thánh Thần để trở thành con của Chúa Cha trên trời.

Mối quan hệ cá nhân này với Chúa Kitô, nơi chúng ta hiến mình cho Thiên Chúa và cho người khác, không phải là điều mới mẻ. Các tông đồ của Chúa Giêsu và các thánh tử đạo đầu tiên đã trải nghiệm trước khi các nhà thần học và các nhà thần bí nghĩ đến. Thánh Augustinô, nguồn cảm hứng của Đức Lêô đã làm chứng điều này trong quyển Tự Thú, ngài vượt ra ngoài những tranh cãi về giáo hội học trong thời kỳ Cải cách, trường phái Pháp của Hồng y de Bérulle đã tạo nên thời kỳ phục hưng lấy “Chủ nghĩa Kitô giáo làm trung tâm”. Vào thời hiện đại, các Thánh John Henry Newman, Thánh Têrêxa Hài đồng và Charles de Foucauld đã xem tâm linh là trải nghiệm mật thiết khi kết hợp với Chúa Kitô.

Câu hỏi thực sự duy nhất

Cũng vậy với Đức Gioan-Phaolô II năm 1978, ngài đã tuyên bố: “Anh chị em đừng sợ! Anh chị em hãy mở rộng cánh cửa đón Chúa Kitô.” Thông điệp đầu tiên của ngài, Đấng Cứu Độ Con Người, Redemptor hominis đã trình bày Chúa Kitô là Đấng Cứu Thế. Quyền tối thượng được Chúa Kitô công nhận để cứu rỗi sẽ thúc đẩy việc giải phóng Đông Âu và do đó không giới hạn vào một khái niệm trừu tượng an ủi. Ngược lại, sự kết hợp với Chúa Con, Đấng đã chiến thắng cái chết, buộc chúng ta phải thực tế đối diện với thế giới, một mặt phải cam kết, mặt khác phải hiện thực mà không tuyệt vọng. Đây chắc chắn là động lực thúc đẩy Đức Lêô quyết tâm làm hết sức để chấm dứt xung đột vũ trang. Giống như các Giáo hoàng tiền nhiệm, ngài sẽ dựa vào khôn ngoan theo hình ảnh của Đấng Tạo Hóa, ngay cả khi giáo dân ít nhiều không còn chú ý đến Chúa nữa.

Việc nhấn mạnh vào Chúa Kitô là Đấng Cứu Thế làm sáng tỏ cách ngài sẽ giải quyết các cuộc tranh luận đang diễn ra trong Giáo hội, dù đó là việc thực thi quyền lực, phụng vụ, vị trí của phụ nữ, tình dục, lạm dụng mọi hình thức, hay bộ máy quan liêu và tài chính của Vatican. Bất kể những đề xuất hay yêu cầu nào, chúng ta có thể chắc chắn các tiêu chuẩn sẽ không là tiêu chuẩn của chủ nghĩa duy lý thực dụng, cũng không phải của hệ tư tưởng bình đẳng hay tinh hoa, thức tỉnh hay phản thức tỉnh, mà là câu trả lời cho một câu hỏi duy nhất trong mọi trường hợp: đó là đón nhận và đi theo Chúa Kitô là Đấng Cứu Rỗi duy nhất. Đây là lập luận chúng ta quan tâm, chúng ta chỉ có thể hài lòng về điều này.

Marta An Nguyễn dịch

Chọn danh hiệu, nhiệt thành truyền giáo, tinh thần đồng nghị: Đức Lêô  phác thảo các nét chính triều của ngài

Giovanni Maria Vian: “Đức Lêô XIV đã chuẩn bị rất kỹ”

Một giáo hoàng có thể làm gì… và không thể làm gì

Mật nghị: điều tra hậu trường của cuộc bầu cử bất ngờ

Đức Lêô XIV thận trọng tìm một Giáo hội hiệp nhất trong một thế giới chia rẽ

Giovanni Maria Vian: “Đức Lêô XIV đã chuẩn bị rất kỹ”

Giovanni Maria Vian: “Đức Lêô XIV đã chuẩn bị rất kỹ”

lepoint.fr, Jérôme Cordelier, 2025-05-10

Theo sử gia Giovanni Maria Vian, những bước đầu của Đức Lêô trong tư cách Giáo hoàng không có gì là ngẫu hứng. Triều của ngài sẽ là triều mang tính đồng đẳng.

Theo tác giả Jérôme Cordelier, tác giả quyển Giáo hoàng cuối cùng (Dernier Pape, nxb. Cerf), người am hiểu các giáo hoàng kể từ Đức Phaolô VI, những bước đầu của Đức Lêô XIV không phải là ngẫu hứng. Ngài đã chuẩn bị cho chức vụ này; ngài nghiêm khắc, bắt đầu sứ mệnh ngài đã cho thấy những dấu hiệu thiêng liêng tinh tế, cách tiếp cận quyền lực theo hướng đồng thuận.

Ông đánh giá thế nào về những bước đi đầu tiên của Giáo hoàng Lêô XIV?

Giovanni Maria Vian: Rõ ràng ngài đã chuẩn bị rất kỹ. Trên thực tế, đây là lần đầu tiên bài phát biểu sau khi được bầu đã được chuẩn bị rất kỹ, ngài không ứng biến nhưng đọc lớn tiếng bài phát biểu của ngài. Văn bản của ngài rất cấu trúc. Điều này cho thấy việc ngài đắc cử là khá hiển nhiên, ngược với dự đoán của các nhà báo nghĩ rằng thực tế không như vậy, nhưng theo ý thích của họ hoặc theo sự điều động của các ứng cử viên khác, đặc biệt là các ứng viên người Ý. 

Phân tích trực tiếp của ông về những tuyên bố đầu tiên của Đức Lêô XIV là gì?

Trước hết, ngài là người đáng chú ý, ngài biết nhiều thứ tiếng, đời sống của ngài là một đời sống đặc biệt. Ngài là Giáo hoàng nói được hai thứ tiếng trong bài phát biểu đầu tiên, ngài là Giáo hoàng của toàn Châu Mỹ, ở Peru giáo dân xem ngài người trong số họ, ngài không phải là người “bên ngoài”.

Giovanni Maria Vian, nhà sử học, cựu giám đốc Osservatore Romano. © François BOUCHON / Le Figaro photo

Ông nói ngài đã được chuẩn bị, được Đức Phanxicô chuẩn bị?

Đúng vậy. Chính Đức Phanxicô đã đưa ngài ra khỏi giáo phận Chiclayo để về Rôma điều hành Bộ Giám mục trong việc bổ nhiệm các giám mục. Trong Giáo hội, các hồng y được chia thành ba đẳng: hồng y giám mục, hồng y linh mục và hồng y phó tế. Có sáu hồng y giám mục, Đức Phanxicô đã tăng lên thành mười. Nhóm được hình thành nhờ các giám mục nổi tiếng nhất Giáo hội và Hồng y Robert Prevost được Đức Phanxicô nâng lên bậc cao nhất trong hệ thống phân cấp. Nhưng ít ai thấy Đức Lêô vì ngài rất kín đáo, mộ đạo và không muốn xuất hiện. Như ngài đã nói với các hồng y khi được bầu, ngài muốn lùi lại sau sứ mệnh, để thẩm quyền thiêng liêng được thể hiện.

Chúng tôi cảm thấy ngài được thánh thư cảm hứng rất nhiều. Ngài có phải là một giáo hoàng thần học gia không?

Ngài không phải là thần học gia như Đức Bênêđíctô XVI, nhưng ngài là người rất có học thức, trưởng thành trong giáo phái Thánh Augustinô cổ xưa. Ngài rất dễ nhận biết nhưng lại kín đáo. Và các hồng y đã tìm ngài, ngài đã được công nhận.

Trong những bước đi đầu tiên, ngài gắn bó với truyền thống…

Đúng, nhưng theo cách đơn giản và dễ hiểu. Chúng ta thấy ngài có mối liên hệ với Đức Joseph Ratzinger/Bênêđictô, nhưng bản chất thiêng liêng của ngài vượt ra khuôn khổ cố định. Hồng y Ratzinger rất giản dị, tập trung vào những điều cốt yếu. Đức Lêô XIV cũng vậy.

Ông có nghĩ ngài là một giáo hoàng chính trị không?

Ngài hiểu rõ những rủi ro của chính trị. Nhưng rõ ràng ngài theo Kinh thánh. Ngài rất rõ ràng khi nói về sự chối Chúa vào thời của Chúa, điều này xác định các nhóm quyền lực đã giết Chúa. Khi nói như vậy, ngài chứng minh một tầm nhìn chính trị rút ra từ Phúc Âm. Trong tuyên bố đầu tiên, ngài cám ơn Đức Phanxicô, tôi thấy có đôi chút gì đó giống với Đức Gioan XXIII và Đức Gioan Phaolô II. Với Đức Lêô, tinh thần đồng nghiệp không chỉ là một từ. Tư tưởng và cách thực thi quyền lực của ngài bắt nguồn từ Công đồng Vatican II, được lọc qua cơ chế dân chủ của các Dòng tu lâu đời nhất. Những lời của Thánh Augustinô khi ngài giới thiệu về ngài thật phi thường: “Tôi là tín hữu kitô như anh em, nhưng với anh em, tôi là giám mục.” Ngài muốn nói, trước hết và trên hết, ngài là kitô hữu giống như bất kỳ tín hữu kitô nào.

Liệu ngài có thể thay đổi Giáo hội không?

Ngài sẽ tiếp tục đi theo con đường của các vị tiền nhiệm với phong cách riêng và quan tâm muốn xoa dịu của ngài. Nhưng vẫn còn quá sớm để nói ngài có thể thay đổi Giáo hội hay không. Triều của ngài vẫn chưa chính thức bắt đầu. Chúng ta phải đợi cho đến khi ngài nhậm chức và có bài phát biểu chương trình của ngài. Tôi thấy có một sự mới lạ lớn, rất tinh tế. Trong những ngày đầu tiên trong tư cách là Giáo hoàng, ngài sẽ đến Nhà thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành. Ngài được bầu vào Vatican, ngài đặt sứ mệnh của ngài gần mộ Thánh Phaolô. Ngài tạo mối liên hệ giữa hai tông đồ. Đây là một dấu hiệu mạnh mẽ.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Chọn danh hiệu, nhiệt thành truyền giáo, tinh thần đồng nghị: Đức Lêô  phác thảo các nét chính triều của ngài

Một giáo hoàng có thể làm gì… và không thể làm gì

Mật nghị: điều tra hậu trường của cuộc bầu cử bất ngờ

Những bước đi thành công đầu tiên của Đức Lêô XIV

Đức Lêô XIV thận trọng tìm một Giáo hội hiệp nhất trong một thế giới chia rẽ

Một giáo hoàng có thể làm gì… và không thể làm gì

Một giáo hoàng có thể làm gì… và không thể làm gì

Đức Lêô XIV tại ban-công Đền thờ Thánh Phêrô ngày 8 tháng 5 năm 2025.

fr.aleteia.org, Paul Airiau, 2025-05-10

Thưa Giáo hoàng, ngài có bao nhiêu binh đoàn? Quyền lực thực sự của ngài là gì? Dù nguyên tắc tối thượng của sự liên tục áp đặt lên các giáo hoàng kế vị Thánh Phêrô, nhưng Tân Giáo hoàng Lêô XIV chắc chắn sẽ đối diện với một thực tế: chính nội tại cơ cấu của Giáo hội có khuynh hướng phân mảnh, như sử gia Paul Airiau phân tích.

Một Tân Giáo hoàng vừa được bầu. Điều này lâu lâu lại xảy ra. Và ngay lập tức, mọi người mong chờ những thay đổi có thể mang lại cho Giáo hội, cho thế giới công giáo và cho cả nhân loại. Có người hy vọng điều kỳ diệu, có người e ngại tai họa, có người tin vào sự tiếp nối. Những mong đợi đó dựa trên một giả định sơ khai thuộc dạng “xã hội học tự phát” mà ngành khoa học xã hội đã nhiều lần ra sức bác bỏ một cá nhân đơn lẻ có thể thay đổi cả thế giới.

Một người đơn độc?

Quan điểm này có thể hiểu được trong nội bộ công giáo, vì trong đức tin kitô giáo, một người-chính là Đức Kitô đã thực sự thay đổi thế giới trong tương quan với Thiên Chúa và ơn cứu độ. Nhưng bên ngoài niềm tin này, quan điểm này cho thấy một sự thất bại dai dẳng trong việc phổ biến kiến thức khoa học, đồng thời phản ánh nhu cầu không cưỡng của truyền thông, của giới bình luận và của công chúng về một thiên anh hùng ca, một nam anh hùng hay nữ anh hùng đối diện với nghịch cảnh và hoàn thành sứ mệnh. Đó là hình ảnh quen thuộc: người đơn độc chống lại giông tố, người phụ nữ vượt qua nghịch cảnh, đứa trẻ mồ côi thoát khỏi định mệnh bi đát, người công chính chiến thắng thế lực dữ… Những câu chuyện này đánh động cảm xúc và khơi gợi lòng tin. Tuy nhiên, chính thực tế của Giáo hội công giáo qua hai triều gần đây của Đức Bênêđíctô XVI và Đức Phanxicô cho thấy, một người đơn độc không thể làm được gì nhiều nếu họ đi ngược lại với cơ chế vận hành của một định chế lớn. Các nhà lãnh đạo đương thời cũng cho thấy ý chí cá nhân kể cả trong lời nói không thể thay thế cho một chính sách hiệu quả. Hitler là một ví dụ. Hiện nay chúng ta dễ dàng thấy sự hạn chế trong thành công của những “anh hùng” nghĩ rằng “muốn là được”.

Động lực nội tại của cơ cấu

Tuy nhiên, cảm quan thông thường không hoàn toàn sai. Không thể phủ nhận vai trò cá nhân, nhất là khi họ giữ trọng trách lớn ở những vị trí chưa bị cố định quá chặt. Giáo hoàng là một ví dụ tiêu biểu: một quân chủ tuyệt đối, không theo hình thức cha truyền con nối, được một nhóm “quý tộc trọn đời” bầu, được người tiền nhiệm chọn và các quy định về tuổi tác hay thể thức tuyển chọn hoàn toàn có thể được điều chỉnh. Với những điều kiện này, quyền giáo hoàng còn lớn hơn quyền của nhiều nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo doanh nghiệp hay huấn luyện viên thể thao, thậm chí còn vượt xa nhiều nhà độc tài, vì chính những nhà độc tài cũng chỉ tồn tại khi họ phục vụ lợi ích của những nhóm đặc quyền, điều này giới hạn hành động của họ.

Thế nhưng, ngay cả khi là quốc trưởng duy nhất của một quốc gia xã hội chủ nghĩa toàn diện (thành quốc Vatican nơi mọi hoạt động kinh tế đều do nhà nước quản lý và được bao quanh bởi những bức tường làm nhiều người chống di dân phải ghen tị), và là thủ lãnh tối cao của Giáo hội, thì Giáo hoàng Lêô XIV vẫn bị chi phối bởi chính cơ cấu của định chế mà ngài là “Lãnh tụ tối cao”. Dù ngài có thể đưa ra Tự sắc “motu proprio” tùy ý, xoay chuyển các nguyên tắc dưới danh nghĩa “nhu cầu thời đại”, “lòng thương xót vượt trội công lý” hay “đức tin trên luân lý”, thì ngài vẫn luôn phải chứng minh quyền lực của ngài dù dựa trên sự hợp nhất giữa đặc sủng và quyền hợp pháp không hẳn là hoàn toàn phá vỡ truyền thống. Điều này trong Giáo hội công giáo là điều cực kỳ khó khăn.

Mệnh lệnh phải tiếp nối

Vì trong Giáo hội, dù lời Tin Mừng khẳng định “chúng ta có thể rút ra từ đó kho tàng của mình cả mới lẫn cũ”, thì cái mới vẫn phải bắt nguồn từ cái cũ. Không phải cách diễn giải nào cũng được chấp nhận, vì nhiều con đường đã bị khóa lại bởi Mặc khải, bởi các Giáo phụ, bởi các giáo hoàng tiền nhiệm và bởi các công đồng đã qua.

Nếu Đức Lêô XIV muốn quay lưng với hướng đi từ Lêô XIII đến Piô XII vốn đã làm chủ nghĩa hiện đại (modernisme) không còn chỗ đứng, không phải chỉ vì không thể dung hòa giữa khoa chú giải lịch sử-phê bình và thần học học thuật hiện đại, nhưng vì chúng ta không chấp nhận việc nội dung đức tin bị đánh giá dựa trên sự tiếp nhận của xã hội, đó sẽ là một cuộc cách mạng thực sự, mà một số người vẫn đang tha thiết mong chờ.

Mệnh lệnh về sự tiếp nối và nhất quán trong đạo công giáo lại càng gay gắt hơn sau Công đồng Vatican II. Công đồng đã thực hiện việc “cập nhật” (aggiornamento) mà lý do chính yếu là tiếng gọi “tiên tri” của giáo hoàng triệu tập, người kế nhiệm tiếp nối và chính các nghị phụ, được biện minh bằng thẩm quyền pháp lý-hợp lý của công đồng, dựa vào quyền giáo hoàng, và cuối cùng được chính ngài phê chuẩn. Đây chính là mô hình điển hình của kiểu điều hành trong Giáo hội Rôma từ cuối thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XX. Việc thiếu một lý giải rõ ràng cho những thay đổi xảy ra cùng với việc chưa bao giờ thẳng thắn đóng lại nhiều con đường tư duy mà chúng ta nghĩ là hợp với “cập nhật” làm Công đồng trở nên huyền thoại, và tiếp tục nuôi dưỡng sự bất định trong cách hiểu. Điều này làm cho Giáo hội công giáo ngày càng phân mảnh hơn: mỗi người, mỗi nhóm tự tạo cho mình một “công giáo” riêng, cho rằng mình trung thành với đức tin và luân lý chân chính, theo cả “nghĩa đen lẫn nghĩa bóng”.

Quyền lực của chiếc nhẫn

Đây chính là thách đố mà Hồng y Robert Francis Prevost, nay đã là Giáo hoàng, chắc chắn sẽ phải đối diện khi người tiền nhiệm Jorge Bergoglio gần như đã phó mặc vấn đề này, bằng cách cổ vũ cho một mục vụ dựa trên sự linh hoạt tối đa, trên thiện chí rộng mở và hình thức “liên tục” đầy bất định theo kiểu Joseph Ratzinger giải thích Karol Wojtył và Giovanni Battista Montini sau năm 1965, nhất là sau 1968.

Làm sao để dù có khác biệt chính đáng đức tin và luân lý, Công giáo vẫn là một và như nhau tại Ulaanbaatar, Bangkok, São Paulo, Kinshasa, Amsterdam hay Anchorage, trong khi mô hình trung ương tập quyền thời thế kỷ XIX không còn hữu hiệu, và có lẽ cũng không còn thích hợp?

Có ai dám ứng cử ngôi vị giáo hoàng mà sẵn sàng đối diện với vấn đề gai góc này một cách cụ thể, vượt lên những lời ca tụng về hội nhập văn hóa, về tính hiệp hành, về cuộc “đối thoại trong Thánh Thần” hay về “hiệp thông Giáo hội”?

Vì thật khó để buông bỏ quyền lực của chiếc nhẫn ràng buộc mọi chiếc nhẫn khác…

Têrêxa Trần Tuyết Hiền dịch

Chọn danh hiệu, nhiệt thành truyền giáo, tinh thần đồng nghị: Đức Lêô  phác thảo các nét chính triều của ngài

Giovanni Maria Vian: “Đức Lêô XIV đã chuẩn bị rất kỹ”

Mật nghị: điều tra hậu trường của cuộc bầu cử bất ngờ

Những bước đi thành công đầu tiên của Đức Lêô XIV

Đức Lêô XIV thận trọng tìm một Giáo hội hiệp nhất trong một thế giới chia rẽ

Chọn nơi ở, chọn cộng sự… các quyết định đầu tiên của Đức Lêô XIV

Chọn nơi ở, chọn cộng sự… các quyết định đầu tiên của Đức Lêô XIV

fr.aleteia.org, I.Media, 2025-05-09

Vừa được bầu làm Giáo hoàng ngày 8 tháng 5 năm 2025, Đức Lêô XIV có những quyết định đánh dấu khởi đầu triều của ngài.

Giữa tiếng reo hò vang dội, Tân Giáo hoàng ra mắt người dân Rôma và toàn thế giới tại ban-công Đền thờ Thánh Phêrô ngày 8 tháng 5. Ngài sẽ làm một số nghi thức truyền thống. Thứ sáu 9 tháng 5, ngài cử hành thánh lễ kết thúc mật nghị cùng các Hồng y tại Nhà nguyện Sistine. Một trong các quyết định đầu tiên của ngài là chọn nơi cư trú. Như Đức Phanxicô, ngài có thể ở Nhà Thánh Marta hoặc trở về với truyền thống các giáo hoàng ở căn hộ giáo hoàng tầng thứ ba của Dinh Tông tòa, Dinh đã được niêm phong khi trống tòa.

Ngài cũng cần tuyển các cộng sự thân cận. Thư ký riêng sẽ là một trong những người thân tín gần gũi với ngài, ngài có thể giữ lại hay thay đổi các cộng sự của Đức Phanxicô. Trong vòng ba tháng đầu, ngài sẽ xác nhận hoặc thay đổi các người đứng đầu các cơ quan của Giáo triều. Quốc Vụ Khanh, Phó Quốc Vụ Khanh, một số nhân vật hành chính của Quốc gia Thành Vatican cần được tái bổ nhiệm hoặc bổ nhiệm thêm người mới.

Thánh lễ nhậm chức trọng thể được tổ chức vài ngày sau cuộc bầu chọn. Nhiều nguyên thủ quốc gia và ngoại giao đoàn sẽ đến dự. Ngài sẽ chọn huy hiệu giáo hoàng. Ngài sẽ chính thức nhận Nhà thờ Thánh Gioan Latêranô làm nhà thờ chính tòa của giáo phận Rôma. Trước khi dâng thánh lễ ở đây, ngài đến đồi Capitol và Tòa thị chính Rôma để gặp chính quyền thành phố. Sau đó, ngài sẽ đến Vương cung Thánh đường Thánh Phaolô ngoại thành, nơi có mộ vị Tông đồ nổi tiếng.

Ngoài những bước đi bắt buộc khi bắt đầu sứ vụ, Đức Lêô sẽ có các buổi tiếp kiến chung, giờ Kinh Truyền Tin, giờ Kinh Nữ vương Thiên Đàng. Kế đến là các văn kiện đầu tiên, đặc biệt Thông điệp đầu tiên và những mối quan tâm ngài đã bày tỏ trong các bài phát biểu. Cuối cùng là các chuyến tông du cần lên kế hoạch, xác nhận các chuyến đã được Đức Phanxicô công bố.

Têrêxa Trần Tuyết Hiền dịch

Đức Lêô nói với các Hồng y: “Sứ vụ giáo hoàng là gánh nặng rõ ràng vượt quá sức của tôi.”

Đức Lêô XIV, giáo hoàng đầu tiên của thế hệ thông minh nhân tạo

“Thiên Chúa đã chọn ngài vì lòng tốt của ngài”

Đức Lêô nói với các Hồng y: “Sứ vụ giáo hoàng là gánh nặng rõ ràng vượt quá sức của tôi.”

Đức Lêô nói với các Hồng y: “Sứ vụ giáo hoàng là gánh nặng rõ ràng vượt quá sức của tôi.”

fr.aleteia.org, Vatican Media, 2025-05-10

 Đức Lêô tiếp các hồng y ngày 10 tháng 5 năm 2025

Sáng thứ bảy 10 tháng 5 năm 2025, Đức Lêô đã tiếp các hồng y trong vòng hai giờ. Ngài kêu gọi các Hồng y giúp ngài trong gánh nặng của sứ vụ giáo hoàng, ngài nhấn mạnh đến các khó khăn hiện nay trong vấn đề xã hội. Ngài nối tiếp con đường của Đức Lêô XIII và của Công đồng Vatican II.

Ngài mở đầu bài phát biểu: “Giáo hoàng, từ thánh Phêrô cho đến tôi, người kế vị bất xứng của ngài, người tôi tớ khiêm hạ của Thiên Chúa và của anh em, không có gì khác.” Đây là dấu chỉ của một hành động kín đáo, bài diễn văn được đọc trong buổi họp kín, được Phòng Báo chí Tòa Thánh công bố nhiều giờ sau đó.

Trước khi họp, các ngài đã đọc Kinh Lạy Cha và Kính Mừng bằng tiếng la-tinh. Sau đó Đức Lêô cho biết, ngài sẵn sàng đón nhận “lời khuyên, đề nghị, sáng kiến, những điều rất cụ thể” theo đúng yêu cầu các Hồng y đã nêu ra trong giai đoạn chuẩn bị mật nghị. Phần này không được công bố. Buổi gặp kéo dài từ 10 giờ đến trưa.

Không giống lần gặp đầu tiên giữa Đức Phanxicô với các Hồng y năm 2013 được truyền hình trực tiếp, cuộc gặp này của Đức Lêô XIV không phát sóng. Ngài vạch rõ hướng đi nối tiếp với các Giáo hoàng tiền nhiệm như Đức Lêô XIII, Phaolô VI, Bênêđictô XVI và Phanxicô, thể hiện sự trung thành của ngài với Công đồng Vatican II.

Cai quản trong tinh thần đồng trách nhiệm

Đức Lêô XIV nhấn mạnh: “Anh em Hồng y thân mến, anh em là những cộng sự thân cận nhất của Giáo hoàng, là nguồn an ủi nâng đỡ lớn lao giúp tôi đón nhận gánh nặng vượt quá sức tôi trong tinh thần đồng trách nhiệm. Sự hiện diện của anh em nhắc tôi nhớ Đấng đã giao cho tôi sứ mệnh đã không để tôi gánh một mình. Tôi xin cám ơn Hồng y Re, niên trưởng Hồng y đoàn, Hồng y Farrell, giám quản Tông Tòa vì sự phục vụ của các ngài trong thời kỳ trống tòa và chuẩn bị mật nghị.”

Ngài nói tiếp: “Trong giây phút vừa buồn vừa vui này, được ánh sáng Phục sinh bao phủ cách nhiệm mầu, tôi mong chúng ta nhìn sự việc Đức Phanxicô qua đời và mật nghị là sự kiện Vượt Qua, là chặng đường của một hành trình dài, Chúa vẫn tiếp tục đưa chúng ta đi trên con đường viên mãn của sự sống. Chúa là Chúa Cha nhân hậu, Thiên Chúa của mọi niềm an ủi như Thánh Phaolô đã nói trong Thư gởi tín hữu thành Côrintô.”

Nhắc đến “gia sản quý báu” của các giáo hoàng tiền nhiệm, Đức Lêô đặc biệt nhớ đến Đức Phanxicô với những lời ngài nói về “lối sống tận tụy trong phục vụ, phó thác vào Thiên Chúa khi thi hành sứ vụ và niềm an bình khi trở về Nhà Cha”. Ngài giải thích: “Chính Đấng Phục Sinh hiện diện giữa chúng ta đang gìn giữ và hướng dẫn Hội Thánh. Thiên Chúa mạc khải không qua tiếng sấm hay trận động đất nhưng qua làn gió nhẹ, qua âm thanh mong manh của thinh lặng.”

Trung thành với Công đồng Vatican II

Mượn hình ảnh Dân Chúa bước đi trong sa mạc, Đức Lêô xác nhận ngài tiếp nối Công đồng Vatican II, bế mạc cách đây 60 năm, tháng 12 năm 1965: “Tôi mong hôm nay chúng ta canh tân sự gắn bó trọn vẹn với hành trình mà Hội Thánh hoàn vũ đã thực hiện suốt nhiều thập kỷ qua, nối tiếp đường lối Công đồng Vatican II.”

Đức Lêô XIV trích dẫn một số định hướng trong Tông huấn Niềm vui Tin mừng Evangelii Gaudium năm 2013 của Đức Phanxicô: “Ưu tiên loan báo Tin Mừng, canh tân đời sống truyền giáo của cộng đoàn tín hữu, thăng tiến tính đồng trách nhiệm và tinh thần hiệp hành.” Ngài cũng nhắc đến lòng mộ đạo bình dân, chăm sóc yêu thương những người bé mọn bị gạt ra bên lề, đối thoại can đảm và tin tưởng với thế giới hôm nay, ngài nhắc lại Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, một văn kiện trọng yếu của Công đồng. Theo ngài, các nguyên tắc này giúp chúng ta nhận khuôn mặt giàu lòng thương xót của Chúa Cha, chạm đến niềm hy vọng sâu xa nhất của những ai thành tâm đi tìm sự thật, công lý, hòa bình và tình huynh đệ. Ngài giải thích: “Chính vì được mời gọi tiếp tục sứ mạng này nên tôi đã chọn tên Lêô XIV, liên kết các thách đố xã hội thời cuối thế kỷ XIX của Đức Lêô XIII với những thách đố của thời nay.”

Những thách đố mới của học thuyết xã hội

Đức Lêô XIII với Thông điệp lịch sử Tân sự Rerum novarum, đã đề cập đến vấn đề xã hội trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên. Đức Lêô XIV nhắc lại: “Ngày nay, Hội Thánh mang lại cho chúng ta kho tàng học thuyết xã hội để đối diện với một cuộc cách mạng công nghiệp khác: sự phát triển trí tuệ nhân tạo. Sự phát triển này đặt ra các thách đố mới trong việc bảo vệ phẩm giá con người, công lý và công việc. Chúng ta sẽ tiếp tục đi theo các vấn đề mà Đức Phanxicô thường đề cập trong triều của ngài.”

Cuối cùng, ngài trích lời Đức Phaolô VI trong sứ điệp gởi toàn thể gia đình nhân loại được phát đi ít lâu sau khi ngài được bầu chọn tháng 6 năm 1963: “Ước gì khắp thế giới bừng lên ngọn lửa lớn của đức tin và tình yêu, đốt cháy tâm hồn những ai thiện tâm, soi sáng con đường cùng nhau cộng tác, mang đến cho nhân loại hết lần này đến lần khác sự phong phú của lòng nhân hậu Thiên Chúa, quyền năng của Ngài vì không có sự trợ giúp của Chúa, không có gì là đáng giá, là thánh thiện.”

Đức Lêô XIV kết luận: “Ước mong những tâm tình này cũng là tâm tình của chúng ta, được thể hiện trong lời cầu nguyện và hành động, với sự trợ giúp của Chúa.”

Têrêxa Trần Tuyết Hiền dịch

Đức Lêô XIV, giáo hoàng đầu tiên của thế hệ thông minh nhân tạo

“Thiên Chúa đã chọn ngài vì lòng tốt của ngài”

Chọn nơi ở, chọn cộng sự… các quyết định đầu tiên của Đức Lêô XIV

“Thiên Chúa đã chọn ngài vì lòng tốt của ngài”

“Thiên Chúa đã chọn ngài vì lòng tốt của ngài”

fr.aleteia.org, Majo Frias, 2025-05-16

Đức Lêô XIV tiếp các tiếp các bạn trẻ hành hương của Chiclayo ở Lisbon, hình ảnh của Marlyn Arqueros, giáo phận Chiclayo, miền bắc Lima, Peru.

Bà Marlyn Arqueros, giảng viên tại Đại học Công giáo Santo Toribio Mogrovejo và là thành viên của Thập tự chinh Santa Maria đã làm việc 5 năm với Đức Lêô XIV, giáo sư cho biết ngài là mục tử gần gũi với giáo dân, khiêm nhường và hết sức nhân văn.

Ở Peru ngài đơn giản là “Giám mục Robert Prevost”, ngài làm việc ở giáo phận Chiclayo 8 năm, ngài gần gũi và lắng nghe giáo dân, giáo dân rất yêu mến ngài. Trả lời phỏng vấn trang Aleteia, bà Marlyn Arqueros, thành viên của Cộng đồng Phụ nữ truyền giáo Cruzada Santa María cho biết ngài là mục tử có mặt trên mọi địa bàn. Họ cùng nhau làm việc trong 5 năm, trong sứ vụ hàng ngày của họ.

Bà cho biết, ngài chưa bao giờ quên ghé thăm các cộng đồng, ngay cả những nơi xa xôi nhất. Bà Marlyn Arqueros đặc biệt nói đến sự tận tụy gương mẫu của ngài trong hai thảm họa thiên nhiên xảy ra ở khu vực này. Nhờ có Caritas hỗ trợ với sự giúp đỡ của nhiều tình nguyện viên, ngài đi bộ phân phát thức ăn, an ủi hỗ trợ tinh thần giáo dân, bà nói: “Chúa đã chọn ngài vì lòng tốt của ngài. Chúa đưa ngài đến tiếp xúc với những người khiêm nhường nhất, cho họ biết tình trạng của thế giới.” Sau các trải nghiệm nhân văn, ngài được gọi để làm giám mục, hồng y và bây giờ là giáo hoàng.

Bà Arqueros cho biết, ngài nghiêm ngặt về giáo lý, rõ ràng trong cách giảng dạy, gắn bó với chân lý và với việc đào tạo giáo dân. Ngài luôn đồng hành với các linh mục, đào tạo nhân bản và tâm linh cho họ. Gia đình và việc bảo vệ sự sống là ưu tiên hàng đầu của ngài. Ngày Thế Giới Trẻ Lisbon năm 2023, ngài tổ chức cho một nhóm sinh viên đại học lên đường, bà Arqueros cho biết: “Ngài giúp các bạn trẻ trong từng bước đi, trao cho họ cây thánh giá truyền giáo, bộ đồ hành hương, ngài gặp họ, nói chuyện với họ, khuyến khích họ lắng nghe thông điệp của Đức Phanxicô.”

Một giáo hoàng được đào tạo ở Peru

Tại thành phố Chiclayo sôi động có 800.000 dân, sự xuất hiện của ngài đã tạo ấn tượng mạnh mẽ, giáo dân có nhiều kỷ niệm đẹp với ngài. Những lời đầu tiên trên ở cương vị giáo hoàng, ngài chào đón đức tin bình dân của người dân Chiclayo: “Tôi xin chào tất cả mọi người, đặc biệt là giáo phận thân yêu Chiclayo của tôi, họ là giáo dân trung thành với đức tin, đã cống hiến rất nhiều để có một Giáo hội trung thành với Chúa Giêsu Kitô.”

Theo bà Arqueros, những năm sống ở Peru để lại cho ngài nhiều ấn  tượng sâu sắc. Cuộc sống ở đây đã tôi luyện cho ngài sự nhạy cảm trước những thách thức của xã hội và con người: “Trong đất nước bị nạn tham nhũng, nghèo đói và bất bình đẳng hoành hành, Đức Lêô XIV tiếp tục bước theo con đường của Đức Lêô XIII: bảo vệ phẩm giá lao động và quyền lợi của người lao động. Ngài rất thận trọng, chừng mực, suy nghĩ kỹ trước khi nói. Trong bài phát biểu đầu tiên, ngài nói lên những điều cốt yếu trong tinh thần công bằng và đầy thuyết phục. Như Chúa Giêsu với người phụ nữ ngoại tình: ngài đón nhận, ngài không lên án. Ngài lắng nghe, đối thoại và mở lòng mình. Chúng tôi có một giám mục, bây giờ chúng tôi có một giáo hoàng. Vẫn một con người, một tấm lòng.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Chọn nơi ở, chọn cộng sự… các quyết định đầu tiên của Đức Lêô XIV

Đức Lêô nói với các Hồng y: “Sứ vụ giáo hoàng là gánh nặng rõ ràng vượt quá sức của tôi.”

Đức Lêô XIV, giáo hoàng đầu tiên của thế hệ thông minh nhân tạo

 

Đức Lêô XIV, giáo hoàng đầu tiên của thế hệ thông minh nhân tạo

Đức Lêô XIV, giáo hoàng đầu tiên của thế hệ thông minh nhân tạo

lefigaro.fr, Jean-Pierre Denis, 2025-05-18

Jean-Pierre Denis, nhà báo, nhà văn, nhà sáng lập bản tin Thần học-Chính trịThéopolitique”.

Giống như Đức Lêô XIII vào thời của ngài, ngài đã đối diện với sự trỗi dậy của chủ nghĩa tư bản, Đức Lêô XIV đứng trước trí tuệ nhân tạo là động lực của nhiều thách thức cần phải vượt lên.

Nếu AI phải chọn một giáo hoàng phù hợp với tất cả mọi người, có lẽ AI sẽ chọn Robert Prevost và viết trước một tiểu sử hấp dẫn. Là người Mỹ ở Chicago và Chiclayo, luật gia, nhà truyền giáo, nhà quản trị, ngài đi ủng cao su, mặc mozetta thêu một cách thoải mái. Trên ban-công Đền thờ Thánh Phêrô, người kỵ sĩ vô danh đã đi trên những con đường bụi bặm được giáo dân hoan nghênh. Trung thành với Đức Phanxicô, Đức Lêô xây cầu nối với Đức Phaolô VI, Đức Gioan-Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI. Ngài theo đuổi đường lối “Giáo hội đồng nghị”, giấc mơ còn dang dở và gây tranh cãi của người tiền nhiệm.

Nhưng có một lý do hoàn toàn khác biệt làm cho ngài trở thành giáo hoàng đầu tiên của AI. Vào cuối thế kỷ 19, Đức Lêô XIII đã suy ngẫm về sự trỗi dậy của chủ nghĩa tư bản và tình trạng của giai cấp công nhân. Thời nay, theo Đức Lêô XIV chúng ta cần “đáp ứng một cuộc cách mạng công nghiệp khác, sự phát triển trí tuệ nhân tạo đặt ra các thách thức mới cho việc bảo vệ phẩm giá con người, công lý và lao động”. Vài từ này đã phác thảo một chương trình. Một ngày sau khi được bầu, trước Hồng y đoàn, ngài tuyên bố con đường của ngài, đánh dấu một niềm tin, một hướng đi, một tham vọng. Giống như Đức Lêô XIII, ngài muốn truyền “những điều mới mẻ” như tên la-tinh của thông điệp Tân sự Rerum novarum.

Sự suy yếu của “cảm xúc tôn giáo”

Năm 1891, Đức Lêô XIII đã viết: “Cảm xúc tôn giáo trong quá khứ đã biến mất khỏi luật pháp và các thể chế công cộng, vì thế từng chút một, người lao động bị cô lập, họ không có khả năng tự vệ, họ bị phó mặc cho lòng thương xót của những ông chủ vô nhân đạo và cho lòng tham của sự cạnh tranh không kiềm chế.” Năm 2025, theo Đức Lêô XIV: “Chúng ta có nhiều bối cảnh mà đức tin kitô giáo bị cho là vô lý, chỉ dành cho những người yếu đuối và không thông minh; những bối cảnh mà các ưu tiên khác được ưa chuộng như công nghệ, tiền bạc, thành công, quyền lực, khoái lạc. Đây là những môi trường không dễ để làm chứng và công bố Phúc âm, nơi những người có đức tin thường bị chế giễu, ngược đãi, khinh thường hoặc bị thương hại, bị tội nghiệp: Điểm tương đồng giữa hai văn bản này thật đáng kinh ngạc. Từ giáo hoàng này đến giáo hoàng khác, sự suy giảm cảm xúc tôn giáo vẫn tiếp diễn. Một khủng hoảng thiêng liêng sâu đậm đã gây đau khổ cho cá nhân, cho gia đình và cho xã hội.”

Đọc lại thông điệp Tân sự Rerum Novarum không như việc sửa đổi tác phẩm Tư bản luận. Đức Lêô XIII không phải là nhà cách mạng. Thông điệp của ngài lên án chủ nghĩa xã hội, bảo vệ quyền sở hữu tư nhân, một “quyền tự nhiên”. Trước sự xâm phạm của nhà nước, ngài hy vọng có thể bảo vệ cho gia đình có được nơi trú ẩn – đây là nhiệm vụ gian khổ. Nhiều ý tưởng và cách diễn đạt của ngài đã lỗi thời, một số có thể làm chúng ta giật mình. Nhưng sức mạnh của các hàng chữ này vẫn còn nguyên vẹn. Giáo hoàng đấu tranh cho việc được nghỉ ngày chúa nhật hoặc chống lại tình trạng lao động trẻ em. Ngài chỉ trích “việc tập trung một số ít ngành công nghiệp và thương mại đã trở thành đặc quyền cho một số ít người giàu có và nhà tài phiệt, họ áp đặt ách nô lệ lên người vô sản”. Cuối cùng, khi người tiền nhiệm của ngài là Giáo hoàng Piô IX cho mình là “tù nhân trong Vatican”, Đức Lêô XIII đưa chức vị giáo hoàng ra khỏi tình trạng cô lập. Ngài lấy lại được vị thế của mình trong tình trạng con người.

Sự tập trung của chế độ đầu sỏ chính trị là một trong những đặc điểm chung giữa hai thời đại, hai Lêô. Nhưng Giáo hoàng Lêô sẽ giải quyết các biến động hiện nay như thế nào? Kể từ đầu thế kỷ, sự thay đổi xã hội đã tạo ra cảm giác mất mát về văn hóa. Toàn cầu hóa, di cư, xuống cấp, kiệt quệ… đã không làm chúng ta thấy gì sao? Với cuộc cách mạng AI, Tân Giáo hoàng thấy một kỷ nguyên đau khổ đang đến gần. Chúng ta bước vào kỷ nguyên đầy nghịch lý, với những âm hưởng của thần Lửa Prometheus và ngày tận thế. Nhưng Đức Lêô khẳng định: “Cái ác sẽ không thắng thế.” Trong khi các tiền nhiệm của ngài bỏ thì giờ để bảo vệ những thứ đã chết, Đức Lêô XIV muốn đi tới đàng trước. Ngài muốn kỷ niệm 2000 năm ngày mất và phục sinh của Chúa Kitô năm 2033, suy ngẫm về một cuộc cách mạng ảnh hưởng đến chính khái niệm về con người.

Nhà toán học

Có thể các hồng y đã không nghĩ đến việc này, nhưng Chúa Thánh Thần đã thúc giục họ bầu một người tốt nghiệp ngành toán. Đây là lần đầu tiên Giáo hội có một giáo hoàng là nhà toán học, kể từ Gerbert xứ Aurillac, một người Pháp năm 1000 được bầu dưới tên Silvester II, một giáo hoàng đa văn hóa, ngài từng du học ở Cordoba và Seville, khi đó là người hồi giáo, một trong những nhà thiên văn học và người truyền bá khoa học vĩ đại nhất thời bấy giờ. Chúng ta nợ ngài nhiều tác phẩm nổi tiếng mà tựa đề bằng tiếng la-tinh đã tự nói lên: Libellus de numerorum Divisione, De geometria, Regula de abaco computi, Regulae de numerorum abacirationibus, Liber abaci.

Gerbert xứ Aurillac là một trong những người đầu tiên dùng chữ số Ả Rập ở châu Âu thời trung cổ và cung cấp các dụng cụ đo lường cho học sinh. Đức Lêô XIV không có tầm vóc khoa học như người tiền nhiệm xa xưa của ngài, nhưng tinh thần cởi mở văn hóa của ngài thì tương đương. Ngài được đào tạo với ba chuyên ngành: toán học, luật học, thần học giúp ngài phản ứng theo cách vừa uy tín vừa mang tính tôn giáo, vừa hợp lý vừa mang tính thiêng liêng trước thách thức của chủ nghĩa khoa học đương đại và những cú sốc do trí tuệ nhân tạo gây ra. Những nhà đoạt giải Nobel từ khắp nơi trên thế giới sẽ đổ về Vatican.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

“Thiên Chúa đã chọn ngài vì lòng tốt của ngài”

Chọn nơi ở, chọn cộng sự… các quyết định đầu tiên của Đức Lêô XIV

Đức Lêô nói với các Hồng y: “Sứ vụ giáo hoàng là gánh nặng rõ ràng vượt quá sức của tôi.”

Bài mới nhất