Marta, sức mạnh của đời sống hoạt động
fr.aleteia.org, Philippe-Emmanuel Krautter, 2019-02-06
Marta là cái tên đã nói lên chính ý nghĩa của nó vì trong tiếng Armenia, marta’ có nghĩa là bà nội trợ chủ nhà… Và quả thực Marta là người điều khiển gia đình, luôn bận rộn nhưng không bao giờ lung lay. Bà ngược với em Maria của mình, cô thích trầm ngâm suy niệm. Hai chị em cùng với Ladarô là gia đình thân thiết của Chúa Giêsu.
Nếu ngày nay chữ “bà nội trợ chủ nhà” nghe lỗi thời, thậm chí còn bị cho là tiêu cực thì chữ này vẫn giữ nguyên ý nghĩa với Marta. Không mệt mỏi, không chùn bước trước bất cứ một công việc nào, bà luôn sẵn sàng phục vụ. Ngày Chúa Giêsu vào làng, bà là người đón Ngài. Tin Mừng Thánh Luca kể Marta bận rộn rất nhiều việc, lòng hiếu khách thời xưa không phải là một chữ trống rỗng và chúng ta có thể hình dung mọi người tất bật như thế nào để chuẩn bị đón khách quý. Nhưng khi các chuẩn bị cuối cùng đã hoàn tất, món ăn đã nấu xong, bàn đã dọn mà Maria vẫn còn ngồi dưới chân Chúa Giêsu suy niệm từng lời của Ngài, thì Marta không bằng lòng chút nào.
Một lời trách móc trở thành nổi tiếng
Marta quá bực nên đã dám nói lời trách móc táo bạo: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!” Một hành động đáng kinh ngạc từ một phụ nữ nói chuyện với một người đàn ông, cho thấy tất cả sự bốc đồng và tức giận của mình. Ai mà chưa bao giờ ở trong tình trạng này, lo lắng đủ việc khi người thân của mình thờ ơ thụ động? Chúa Giêsu, lật ngược một tình trạng mà chỉ có Ngài mới là người nắm bí quyết, Ngài trả lời cũng một cách ngạc nhiên không kém: “Marta! Marta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.”
Một bài học vĩnh cửu
Marta chú tâm vào công việc và làm sao để việc nhà luôn được tốt đẹp, Marta đã quên phần thiết yếu. Chúa Giêsu mang Tin Mừng đến cho thế gian, những lời quý giá mà vì lo lắng công việc, Marta đã bỏ bê và để những lời này bay đi. Tuy nhiên câu chuyện này không lên án các công việc hàng ngày, Marta vẫn là bà nội trợ quán xuyến việc nhà, người có đời sống năng động. Nhưng, có một thời gian cho mỗi việc và “có một lời” đừng quên. Dù các đường hướng linh đạo đều nhấn mạnh đến giá trị thiêng liêng của những việc bị cho là vô ơn nhưng mối quan tâm của nhiều tu viện vẫn dành một chỗ cho cầu nguyện và việc làm tay chân, hai việc này phải thăng bằng với nhau trong đời sống hàng ngày.
Một đức tin cho thử thách của cái chết
Các Tin Mừng nhắc đến Marta thêm một lần nữa trong một hoàn cảnh bi đát. Người em Ladarô chết đã bốn ngày, Chúa Giêsu đã rất yêu và rất buồn đến rơi nước mắt. Khi đó Marta nói với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây thì em con đã không chết.” Chúa Giêsu đau lòng và xúc động. Ngài biết cái chết này có ý nghĩa đối với các bạn của Ngài và cũng có ý nghĩa cho cái chết của Ngài sắp đến, Ngài hứa với Marta là em của bà sẽ sống lại. Bà nghĩ em bà sẽ sống lại khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết và bà nói với Chúa Giêsu lời tuyên xưng đáng nể: “Con vẫn tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian.” Chúa Giêsu nhờ người đem phiến đá đi và Ngài cầu nguyện: “Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời con. Phần con, con biết Cha hằng nhậm lời con, nhưng vì dân chúng đứng quanh đây, nên con đã nói để họ tin là Cha đã sai con”, và Ngài kêu lớn tiếng: “Anh Ladarô, hãy ra khỏi mồ!”. Ladarô ra khỏi mồi, chân tay còn quấn vải, khi đó mọi người tin ở Chúa Giêsu.
Huyền thoại còn kể, cuối cùng Marta và Maria đã đến vùng bờ biển Provence ở Pháp, vào thời Trung cổ người ta khám phá một nấm mồ mang tên Thánh Marta, nơi an nghỉ cuối cùng của bà.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch