Kế nhiệm Đức Phanxicô: Ba tiêu chuẩn chính yếu các hồng y sẽ tuân theo để bầu giáo hoàng lý tưởng
lavenir.net, Bosco d’Otreppe, 2025-05-04
Trong những ngày trước mật nghị, các hồng y họp các “cuộc họp tiền mật nghị” tại Vatican để phác họa sơ lược chân dung của một giáo hoàng lý tưởng.
Các trận bóng trước World Cup lúc nào cũng là các trận hấp dẫn nhất. Những giờ phút hướng nội bất tận để đánh giá đội đối phương, xây hàng phòng ngự, nhắc đến tên của một tiền đạo trung tâm, rồi lên chiến lược, ngồi trên sân thượng chờ đợi giờ phút định mệnh.
Theo nhà vatican học nổi tiếng Marco Politi thì đó là những gì đang diễn ra tại Rôma trước một trong những mật nghị bi thảm nhất trong năm mươi năm qua. Chúng ta không biết các hồng y sẽ thảo luận gì trong các cuộc họp chung của họ, những cuộc họp tiền mật nghị trong đó họ thống nhất về những thách thức chính của Giáo hội và phác họa chân dung tổng thể của Giáo hoàng tương lai. Các hồng y sẽ nhấn mạnh những chủ đề nào? Họ có quan tâm đến chính tổ chức nội bộ không? Họ có đề cập đến những lạm dụng đã xảy ra và những giáo phận nào vẫn chưa quan tâm đến không? Họ có đặt câu hỏi về vị trí của phụ nữ, các vấn đề đạo đức sinh học, các vấn đề liên quan đến hồi giáo, sự phát triển của các nhà thờ Tin lành ở các quốc gia Nam bán cầu không? Họ có nhấn mạnh đến nhu cầu về một “truyền giáo” mới, có đặt vấn đề về hoạt động của ngoại giao Tòa thánh vào thời điểm các đế chế đang trỗi dậy không? Các hồng y cho biết họ đang thảo luận những vấn đề này nhưng họ không cho biết vấn đề nào họ đặc biệt quan tâm. Vì thế việc vẽ chân dung robot của Giáo hoàng tương lai là một việc làm tinh tế. Tuy nhiên, chúng ta có ba tiêu chuẩn.
Sự táo bạo về mặt thiêng liêng
Đầu tiên là sức mạnh thiêng liêng. Chúng ta có thể nhìn lại những gì đã nói về mật nghị gần đây nhất theo mọi hướng, trước hết là sự táo bạo và sắc thái thiêng liêng của một hồng y đã thuyết phục các đồng hữu bỏ phiếu cho mình. Những câu hỏi khác: hồng y đó có phải là người biết nhiều ngôn ngữ không, hồng y đó đến từ đâu, có kỹ năng ngoại giao như thế nào, có biết về giáo triều không, đó là những vấn đề quan trọng nhưng thứ yếu. Dù chúng ta có nghĩ gì về kết quả cuối cùng, chung cuộc các giáo hoàng đều đã tạo một khác biệt cho mình bằng tinh thần riêng của họ. Chúng ta nhớ lời kêu gọi “anh chị em đừng sợ” của Đức Gioan-Phaolô II, đến thần học tinh tế của Đức Bênêđíctô XVI hay Đức Phanxicô cúi mình trên chậu rửa chân để rửa chân cho các tù nhân ở Rôma.
Theo lời các giáo hoàng, nỗi sợ lớn nhất của Giáo hội là bị giảm xuống thành một “tổ chức phi chính phủ có các giá trị ngang hàng”, nhưng chúng ta nhớ nguồn gốc của Giáo hội là ở Chúa. Vì thế yếu tố thiêng liêng của giáo hoàng tiếp theo sẽ rất quan trọng, đặc biệt là vào thời điểm các chính phủ đang dùng công giáo cho mục đích bản sắc.
Do đó, dù việc phân tích cách tiếp cận chính trị, tư tưởng và ngoại giao của một Giáo hoàng là quan trọng, nhưng chìa khóa chính để hiểu về một triều giáo hoàng vẫn là sự nhạy cảm về mặt thiêng liêng của ngài. Trước khi trở thành người cánh tả về kinh tế và xã hội, và bảo thủ về đạo đức, Đức Phanxicô là tu sĩ Dòng Tên. Khi khói trắng bốc lên, đó là câu hỏi đầu tiên cần hỏi.
Từ sức mạnh đến thận trọng
Khi chúng ta nhìn vào các nhân đức chính được Giáo hội đề cao (khôn ngoan, kiên cường, tiết độ và công chính), chúng ta có thể viết triều của Đức Phanxicô là một triều kiên cường. Ngài cai trị rất kiên quyết. Và đó cũng là lý do vì sao ngài được bầu sau Đức Bênêđíctô XVI vì Đức Bênêđíctô XVI không có khả năng điều hành một triều như vậy. Với Đức Phanxicô, sau khi lắng nghe là lúc ngài quyết định đơn độc, không thể thay đổi và đôi khi khó khăn. Điều này có thể tạo một số phản đối trong Giáo triều và thế giới công giáo. Chúng ta cần nói thêm, ngoài Giáo hội, ở cấp độ ngoại giao hoặc đạo đức, Đức Phanxicô muốn lay động lương tâm, ngài có những câu nói lạ thường, làm dựng tóc gáy nhưng cũng làm hoang mang (tiếng sủa của NATO trước cửa nước Nga tháng 5 năm 2022, hoặc ngài lấy làm tiếc thấy các gia đình thích nuôi chó mèo hơn là nuôi con). Để xoa dịu Giáo hội và những nhạy cảm khác nhau của Giáo hội, để bảo đảm tiếng nói ngoại giao của Vatican, các hồng y sẽ chọn không dùng vũ lực mà sự thận trọng. Theo giáo lý công giáo, không nên lầm đức tính này với sự nhút nhát hay sợ hãi, nhưng sự thận trọng giúp mọi người cùng ngồi lại với nhau quanh một bàn. Đây sẽ là tài sản thiết yếu cho Giáo hoàng tiếp theo.
Tự chủ và thống nhất
Cuối cùng là nhận thức về tính phổ quát. Với sự toàn cầu hóa, giáo hoàng không chỉ đại diện cho trục tinh thần của phương Tây nhưng ngài sẽ là linh mục toàn cầu, có nhiệm vụ mang lại sự thống nhất trên khắp các châu lục. Một việc làm tế nhị mà Đức Phanxicô gặp phải, đặc biệt là xung quanh vấn đề chúc phúc cho các cặp đồng tính. Quan tâm đến tính đồng nghị, ngài luôn muốn phân cấp quyền lực của La-mã và trao nhiều quyền tự chủ hơn cho các giám mục địa phương. Tham vọng này được nhiều người ủng hộ, vì nhiều hồng y xem đây là vấn đề cấp bách của Giáo hội. Nhưng điều này cũng tạo lo ngại: làm sao chúng ta có thể bảo đảm sự phân quyền này không làm suy yếu sự hiệp nhất của Giáo hội? Điểm cân bằng vẫn chưa được tìm thấy. Giáo hoàng tương lai chắc chắn sẽ là người có thể khai sáng cho các đồng hữu của mình về vấn đề này.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Nhà nguyện Sistine đã sẵn sàng cho mật nghị
Lời tri ân Đức Phanxicô của linh mục thần học gia François Euvé
Những thách thức lớn đang chờ giáo hoàng kế nhiệm
Từ Phanxicô này đến Phanxicô kia