Lời tri ân Đức Phanxicô của linh mục thần học gia François Euvé  

140

Lời tri ân Đức Phanxicô của linh mục thần học gia François Euvé

Đức Phanxicô, ngày 16 tháng 3 năm 2013. © Alberto Pizzoli/AFP

lepelerin.com, François Euvé, 2025-04-30

Từ những ngày đầu đầy biến động ở Dòng Tên Argentina cho đến khi được bầu làm giáo hoàng, Jorge Bergoglio chưa bao giờ phủ nhận di sản tinh thần của Thánh I-Nhã. Thần học gia François Euvé, tổng biên tập tạp chí “Études” bày tỏ lòng tôn kính Đức Phanxicô.

Sau một năm ở chủng viện, Jorge Bergoglio vào tập viện Dòng Tên. Hành trình của ngài ở Dòng Tên không dễ dàng tuy ngài nhanh chóng nắm giữ những chức vụ quan trọng (giám đốc tập viện, giám tỉnh, trưởng khoa đào tạo).

Sự chia rẽ ở Argentina trong bối cảnh các phong trào cách mạng và chế độ độc tài, là nguyên nhân làm ngài bị loại trừ, trước khi ngài được Tổng giám mục Buenos Aires đến tìm để bổ nhiệm ngài làm phó giám mục. Dù có những khó khăn, nhưng Jorge Bergoglio luôn gắn bó với Dòng Tên. Ngay sau khi được bầu làm giáo hoàng, ngài xin gặp Bề trên Tổng quyền Adolfo Nicolas, người luôn có mối quan hệ rất thân tình với Đức Phanxicô.

Cách hành xử của ngài luôn mang đậm dấu ấn của truyền thống và tinh thần Thánh I-Nhã, đặc biệt qua phân định: đọc thực tại dưới ánh sáng của Phúc Âm. Xuất phát từ lòng khiêm nhường sâu sắc, từ việc công nhận không ai trong chúng ta là người duy nhất nắm được chân lý vượt trên chúng ta vì, theo quan điểm kitô giáo, chân lý đó gắn liền với con người của Chúa Kitô. Đức Phanxicô bác bỏ ý tưởng về một chân lý “tuyệt đối”, tách biệt khỏi đời sống thực, không ủng hộ một chân lý “tương đối” (mỗi người có một chân lý riêng) mà là một chân lý “liên quan”, vì rốt cuộc đó là “tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta trong Chúa Giêsu Kitô”.

Phân định được thực hiện dựa trên Kinh thánh, đọc và diễn giải trong bối cảnh luôn độc đáo. Trong Hiến chương Dòng Tên, Thánh I-Nhã đã định nghĩa rất cẩn thận các khía cạnh khác nhau của đời sống Dòng Tên, luôn kết thúc bằng cụm từ “tính đến hoàn cảnh thời gian, địa điểm và con người”.

Ở đây là sự đón nhận Thiên Chúa, Đấng mặc khải chính mình không phải ở trên lịch sử, nhưng cụ thể trong diễn biến lịch sử. Điều này hàm ý một thái độ đối thoại, xây cầu nối chứ không xây bức tường, một lời kêu gọi gặp gỡ mà lắng nghe là thái độ cần có trước. “Thiên Chúa xuất hiện ở ngã ba đường”, thường là bất ngờ, ngay tại trọng tâm của những cuộc gặp gỡ dựa trên tin tưởng và tầm nhìn tích cực về nhân loại.

Điểm cuối cùng là chiều kích truyền giáo, đặc trưng của các tu sĩ Dòng Tên là họ ở “biên giới“. Đức Phanxicô nói về “vùng ngoại vi”. Ngài không nghĩ một Giáo hội chỉ phục vụ cho chính mình, một cộng đồng gồm những “người được chọn” hiếm hoi sẽ tự bảo vệ mình khỏi một thế giới bị xem là thù địch. Như các nhà truyền giáo, Đức Phanxicô đi ra ngoài để gặp người khác như Cha Matteo Ricci, tu sĩ Dòng Tên người Ý ở thế kỷ 17, được ngài rất kính trọng.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Kế nhiệm Đức Phanxicô: Ba tiêu chuẩn chính yếu các hồng y sẽ tuân theo để bầu giáo hoàng lý tưởng

Nhà nguyện Sistine đã sẵn sàng cho mật nghị

Những thách thức lớn đang chờ giáo hoàng kế nhiệm

Từ Phanxicô này đến Phanxicô kia