Các bài giảng Kinh thánh của giáo sư Jordan Peterson đã đưa nữ sinh viên Cambridge đi từ chủ nghĩa vô thần đến công giáo

176

Các bài giảng Kinh thánh của giáo sư Jordan Peterson đã đưa nữ sinh viên Cambridge đi từ chủ nghĩa vô thần đến công giáo

shalomworld.org, Sachin José, 2023-06-17

Cô Devikha Shah, sinh viên Đại học Cambridge đã có một kinh nghiệm đáng kể trên hành trình khám phá đời sống thiêng liêng. Sinh ra trong một gia đình theo đạo hinđu ở London, mới đầu cô theo chủ nghĩa vô thần, cảm hứng từ những người vô thần nổi tiếng như Richard Dawkins và Sam Harris. Tuy nhiên, chính những bài giảng khai sáng về Kinh thánh của nhà tâm lý học lâm sàng kiêm tác giả Jordan Peterson đã tạo một chuyển hóa sâu đậm trong lòng cô. Kinh nghiệm biến đổi này đưa cô đi theo một con đường mới, cuối cùng cô theo đạo công giáo. Cô Devika mô tả hành trình đức tin trong cuộc phỏng vấn độc quyền với SW News:

Xin cô chia sẻ kinh nghiệm lớn lên trong một gia đình theo đạo hinđu ở London.

Cô Devikha Shah. Luân Đôn là nơi sinh sống của một cộng đồng người theo đạo hinđu rất lớn, gia đình tôi ở trong thành phần này. Dù chúng tôi đến đền thờ để tham dự các lễ hội và tham dự vào các sự kiện văn hóa và bán tôn giáo, nhưng đó là do ý thức cộng đồng và truyền thống gia đình hơn là tin thực sự vào đạo hinđu. Bà của tôi có đời sống tâm linh, bà cầu nguyện mỗi ngày và theo nguyên tắc của đạo kỳ na. Tôi được giáo dục khá thế tục và tiếp xúc với nhiều nhóm tôn giáo khác nhau ở trường – chủ yếu là người do thái và hồi giáo nơi tôi sống, có nghĩa là tôi hiểu nhiều thế giới quan khác nhau, nhưng tôi chấp nhận chủ nghĩa thế tục và chủ nghĩa tự do là phương thức sống hợp lý nhất. Cha mẹ tôi cũng sinh ra và lớn lên ở Anh, đó là lý do vì sao chủ nghĩa tự do và thế tục có một vai trò quan trọng trong tuổi thơ ấu của tôi – cũng vì đó là nước Anh, nơi cha mẹ tôi lớn lên.

Xin cô giải thích các khía cạnh nào trong loạt bài Kinh thánh của giáo sư Jordan Peterson đã tác động đến cô nhiều nhất và đã ảnh hưởng như thế nào đến quyết định đọc Kinh thánh và cuối cùng là vào đạo công giáo.

Khi tôi khoảng 16, 17 tuổi, tôi xem loạt phim Kinh thánh, nhưng tôi không hiểu nhiều vì quá nhấn mạnh vào tâm lý học và tôi không quen với các câu chuyện trong Kinh thánh. Nhưng điều làm tôi ấn tượng nhất là giáo sư Peterson không chỉ bác bỏ Kinh thánh như một quyển sách lỗi thời và không thích ứng, đó là điều tôi đã làm. Đúng hơn là ngược lại; ông dạy, sự thật có thể tìm thấy ở mức độ sâu nhất trong Kinh thánh và chúng phản ánh sự tương tác hàng thiên niên kỷ của con người với Thần thánh. Tôi nhận ra, khi còn là người vô thần ở tuổi thiếu niên, tôi đã xem thường toàn bộ hệ thống tín ngưỡng và Kinh thánh mà tôi chưa tìm hiểu nội dung của nó. Không nhất thiết Kinh thánh đã dẫn tôi đến đạo công giáo. Đúng hơn, lúc tôi trở lại là lúc tôi ở vương cung thánh đường Mẹ Maria ở Krakow tháng 12 năm 2019, khi đó tôi nghĩ, nếu kitô giáo là có thật, thì nó phải ở trong Giáo hội công giáo. Tôi nhớ mình đã bước vào, cảm thấy như trút được gánh nặng khỏi lồng ngực và cảm nhận một sự ngưỡng mộ vô cùng. Hồi tưởng lại, tôi biết điều đó là vì tôi ở trước sự hiện diện của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể. Nhưng vào thời điểm đó, tôi không biết đó là gì – tôi chỉ biết, mình phải nghiêm túc xem xét những lời về sự thật của kitô giáo, đó là lý do vì sao sau trải nghiệm này và sau khi nghe các bài giảng của giáo sư Jordan Peterson trong một thời gian dài, tôi quyết định bắt đầu đọc Thánh Kinh tháng 1 năm 2021 trong thời gian cách ly. Chủ yếu, tôi có thể tóm tắt như sau: Tôi biết nếu Kinh thánh và kitô giáo là đúng, thì công giáo là đúng, vì tôi là người vô thần, nên chỉ có Giáo hội công giáo mới có thể thu hút sự chú ý và thôi thúc tôi khám phá kitô giáo. Và cuối cùng chính câu 13-14 của Thánh vịnh 139 đã dẫn tôi đến việc chấp nhận Chúa Kitô, tôi nhận ra sự tồn tại của tôi có một mục đích và Chúa tạo ra tôi vì Ngài yêu tôi.

Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo,

dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con.

Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng,

công trình Ngài xiết bao kỳ diệu!

Hồn con đây biết rõ mười mươi. 

Cô đã theo nghi thức Khai tâm Kitô giáo cho Người lớn (RCIA) và chuẩn bị rửa tội như thế nào? Xin cô chia sẻ những thử thách đặc biệt hoặc kinh nghiệm đáng nhớ của thời gian này.

Quá trình trở lại của tôi ở trong thời gian cách ly, vì thế tôi tham dự khóa Khai tâm qua Zoom trong vài tháng. Đây không phải là một kinh nghiệm hoàn toàn dễ chịu hay hiệu quả vì sự tương tác duy nhất mà tôi có với các bạn đồng đạo chỉ là mỗi tuần một giờ qua màn hình. Ngoài ra, chương trình Khai tâm của giáo xứ là xem một loạt video, có nghĩa là tôi không thể đào sâu thử thách cá nhân của tôi với đức tin. Tuy nhiên, khi mọi thứ bắt đầu mở ra, chúng tôi có thể gặp trực tiếp mọi người, tôi chuyển sang một giáo xứ gần nhà và bắt đầu nói chuyện riêng riêng hàng tuần với linh mục ở giáo xứ, cha có thể trả lời những câu hỏi hóc búa nhất của tôi về đức tin và hiểu được các nghi ngờ tôi đang có. Điều này thực sự đã giúp đức tin của tôi phát triển vì hóa ra linh mục cũng là người trở lại, nên cha biết cảm giác của người đã trưởng thành khi họ bước vào đời sống đức tin như thế nào. Sau khi nói chuyện với tôi, cha đề nghị tôi rửa tội sớm hơn, vì cha biết đức tin của tôi rất mạnh và tôi rất nghiêm túc muốn rửa tội. Thay vì chờ đến ngày Canh thức Phục Sinh năm 2022, tôi được rửa tội ngày 8 tháng 9 năm 2021, ngày sinh nhật Mẹ Maria. 

Cô có nghĩ việc cô trở lại đạo công giáo có định hình quan điểm của cô về các vấn đề xã hội và đạo đức không? Nếu có, thì như thế nào?

Đức tin của tôi chắc chắn đã định hình quan điểm của tôi về gia đình, hôn nhân và giáo dục xã hội. Trước khi theo đạo, tôi rất say mê với một thế giới quan tự do, xem hôn nhân là một hợp đồng dân sự, khi hai người bất kể giới tính dấn thân vào. Nhưng khi tôi nhận ra, hôn nhân thực sự là một giao ước lâu dài do Thiên Chúa thành lập, với mục đích xây dựng gia đình, tôi không còn chấp nhận hôn nhân đơn thuần là một hợp đồng dân sự. Ngoài ra, quan điểm của tôi về kế hoạch hóa gia đình cũng thay đổi. Tuy nhiên cũng lạ, dù khi còn vô thần, tôi cũng đã ủng hộ sự sống.. Đó là lý do vì sao Chúa đã dùng Thánh vịnh 139 để thu hút sự chú ý của tôi, vì tôi đã xem trọng mạng sống con người, chỉ là tôi không biết mục đích của nó. Tôi nhận ra mục đích của tôi xuất phát từ việc tôi được Chúa tạo ra và vì điều này, tôi phải hành động theo đức tin của tôi và xác định tôi có nghĩa vụ bảo vệ sự sống. Vì thế khi là người công giáo, không những tôi có quan điểm bảo vệ sự sống, mà đức tin của tôi khuyến khích tôi nói về quan điểm này, thực hiện các biện pháp cụ thể để bảo vệ thai nhi, qua hoạt động tình nguyện và qua lời cầu nguyện.

Có hình thức cụ thể nào mà đức tin đạo công giáo của cô ảnh hưởng đến các giá trị cá nhân, việc đưa ra quyết định hoặc các mối quan hệ trong cuộc sống hàng ngày của cô không?

Đức tin của tôi đã ảnh hưởng đến các mối quan hệ của tôi, đặc biệt là với gia đình. Tôi xin Chúa tha thứ khi tôi biết mình đã làm sai điều gì đó, điều mà trước khi vào đạo, tôi khó làm. Bây giờ tôi cảm thấy có trách nhiệm hơn với gia đình, vì tôi biết Chúa đã đặt chúng tôi lại với nhau cho một kế hoạch cụ thể, và vì tôi là con, tôi được kêu gọi phải trung thành, vâng lời và yêu thương gia đình. Trong cuộc sống hàng ngày, tôi ý thức hơn rất nhiều về việc cố gắng phải luôn nói sự thật, có nghĩa là tôi phải cẩn thận hơn khi dùng chữ và cách tôi nói với người khác. Và cuối cùng, đức tin của tôi nhắc tôi mục đích cuối cùng của tôi là tôn vinh Chúa qua các quan hệ của tôi với gia đình, bạn bè, trong môi trường học tập và công việc của tôi, và quan trọng nhất là bắt chước Chúa Kitô trong đời sống hàng ngày của tôi. Tôi biết mình thường thất bại và không đạt được yêu cầu này, nhưng tôi có thể tin tưởng vào tình yêu không điều kiện của Chúa Kitô dành cho tôi, và nhờ ơn Ngài, tôi liên tục được làm mới. Vì thế, tôi không còn là người cầu toàn trong học tập như trước, vì tôi biết giá trị của tôi đến từ tình yêu của Chúa, hơn bất kỳ thành công nhất thời nào mà tôi có trên thế gian này.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Từ ấn giáo đến công giáo: một sinh viên Đại học Stanford chia sẻ hành trình đức tin của mình