Từ ấn giáo đến công giáo: một sinh viên Đại học Stanford chia sẻ hành trình đức tin của mình
shalomworld.org, Sachin Jose, 2023-07-04
Aditya Prathap là sinh viên Khoa học Chính trị và Triết học tại Đại học Stanford. Lớn lên trong gia đình theo đạo hinđu, trong những năm đầu đời ở tuổi thiếu niên, con đường của Aditya đưa anh từ thuyết bất khả tri sang thuyết vô thần. Nhưng một cuộc gặp đã thôi thúc anh tìm hiểu kitô giáo và đã làm cho anh tỉ mỉ xem xét các bằng chứng lịch sử xung quanh việc Chúa sống lại. Anh ngạc nhiên thấy mình bị thuyết phục do sức nặng của bằng chứng đó. Một thôi thúc không ngừng theo đuổi anh trong việc đi tìm chân lý. Trong những năm học trung học, anh theo kitô giáo và được rửa tội để thành người theo đạo tin lành phi giáo phái. Trên hành trình thiêng liêng, dần dần anh khám phá ra chân lý sâu sắc của đức tin công giáo, cuối cùng anh theo đạo vào Đêm Vọng Phục sinh năm 2021. Aditya mô tả hành trình đức tin của mình trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với SW News:
Lớn lên trong gia đình theo ấn giáo, nền tảng tôn giáo của anh đã ảnh hưởng như thế nào đến quan điểm của anh về tâm linh và khái niệm về Chúa?
Aditya Prathap. Theo hình thức ấn giáo của gia đình tôi, có vẻ như mối quan hệ của người người hinđu với Chúa mang tính giao dịch hơn là quan hệ. Trước khi vào phòng thi, họ khuyên tôi cầu nguyện để có điểm cao. Trước những sự kiện quan trọng trong cuộc đời, họ nhắc tôi phải cầu nguyện để được ban ơn. Quan niệm về Thượng đế như ‘người ban cho những điều mình mơ ước’ đã thành phản xạ đến nỗi mỗi tối trước khi đi ngủ, tôi đều cầu nguyện: “Xin Chúa cho con sức khỏe, giàu có và hạnh phúc.”
Mối quan hệ giao dịch như vậy không bị xem là một lỗi của lập trình, nhưng là một tính năng. Những lời ca ngợi và cầu nguyện trong các nghi thức lễ lạy của ấn giáo hiếm khi được thốt lên vì một tình yêu sâu đậm cho Chúa, mà chỉ vì những lợi ích trần tục Ngài ban. Dĩ nhiên với cha mẹ tôi, những người lớn lên trong nghèo khó, hạnh phúc là những lợi ích trần tục này. Nhưng tôi đã phát triển một cái nhìn về Chúa như người nhân từ, hơn là sự tồn tại của chính Tình yêu.
Những khía cạnh nào của thuyết vô thần đã hấp dẫn anh lúc đầu và điều gì làm cho anh đặt câu hỏi hoặc thách thức những niềm tin đó sau này?
Dù lúc đầu tôi hoan nghênh những người hoài nghi tôn giáo vì họ nhấn mạnh đến lý trí, nhưng bây giờ tôi thấy, những cấu trúc cảm xúc đã cuốn hút tôi nhiều nhất. Tôi nhớ tôi đã xem một video của một YouTuber chính trị tôi yêu thích, trong đó họ giải thích lý do không thể là tín hữu kitô, vì một Thiên Chúa yêu thương sẽ không bao giờ cho phép có cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng như ngày 11 tháng 9. Lập luận của họ toát ra một lòng trắc ẩn và nỗi thống khổ nội tâm, như thể họ vô cùng mong muốn tin vào Chúa, nhưng đơn giản họ không thể tin, vì đơn giản Chúa phải ác đến như thế nào mới cho phép có những đau khổ này.
Tôi mang trong lòng cảm xúc mãnh liệt này, nhưng tôi còn mang nặng hơn sự phẫn nộ với những trị liệu lừa dối của tôn giáo. Với tôi, việc nói với mọi người Chúa yêu nhân loại chỉ là lời nói dối hiển nhiên và thái quá – một điều dường như thiếu cân nhắc và vô nhân đạo khi biết bao nhiêu người phải chịu đựng đau khổ cùng cực.
Nói cách khác, dù tôi diễn tả sự hoài nghi tôn giáo của tôi là ‘triết học và có lý trí’, nhưng đó chỉ là sự hợp lý hóa cho sự khinh thường, mà tôi cảm thấy trước sự thờ ơ dường như của Chúa với nhân loại. Xét cho cùng, là người theo ấn giáo, tôi chỉ xem Chúa là Đấng ban sức khỏe, giàu có và hạnh phúc -làm sao tôi có thể tin vào Chúa khi có quá nhiều người phải chịu đựng bệnh tật, nghèo đói và trầm cảm?
Chỉ sau này, khi tôi bắt đầu nghiên cứu bằng chứng lịch sử về sự Phục sinh của Chúa Kitô, tôi mới nhận ta kitô giáo là chân chính dù cảm xúc của tôi có nói gì đi chăng nữa. Nhưng ngay cả nhận thức này cũng chẳng làm tôi ăn năn, vì nhiều tháng sau khi nhận ra sự thật của kitô giáo, tôi cũng chẳng để ý gì đến kitô giáo.
Tuy nhiên, Chúa chưa bao giờ bỏ tôi. Ngài biết lòng tôi chai đá vì giận dữ trước sự thờ ơ lặng lẽ của Ngài, nên Ngài mạc khải cho tôi, chính Ngài là người tình của tâm hồn tôi. Ở một trong những ngày khó khăn nhất đời tôi, và đó là lần đầu tiên tôi thực sự cầu nguyện khi tình cờ đọc một đoạn Kinh thánh. Thánh vịnh 138. Lòng tôi tràn ngập ơn khi tôi đọc câu ‘Xin chớ khinh thường công việc của tay Ngài’. Tôi cảm nhận tôi đang được hòa tan trong hòa bình, nhưng lại hoàn toàn sáng suốt về tội của tôi. Tôi cảm thấy mình thật tầm thường trước sự hiện diện đáng kinh ngạc của Chúa tể vũ trụ, nhưng lại đáng kể hơn những gì tôi đã biết, vì chính Tình Yêu đã dang rộng cánh tay phải của Ngài để cứu tôi khỏi bóng tối.
Có lập luận trí tuệ hoặc triết học nào đóng vai trò quan trọng trong quyết định theo đạo công giáo của anh không?
Như tôi đã đề cập, chính bằng chứng lịch sử về sự Phục sinh đã thuyết phục tôi về sự thật của đạo công giáo. Thật ra, tôi bắt đầu đọc về chủ đề này để bác bỏ kitô giáo với một người bạn. Vào lúc đó tôi đang hẹn hò với một cô theo đạo tin lành, tôi bị gia đình và bạn bè phản đối, họ không thích mối quan hệ của tôi, chỉ vì tôi không phải là tín hữu kitô giáo. Họ cố gắng thuyết phục tôi thay đổi suy nghĩ, nhưng mỗi ngày trôi qua, mỗi ngày tôi càng thấy rõ, kitô giáo vừa ngu ngốc về mặt triết học vừa cố chấp về mặt đạo đức. Vì vậy, khi tôi cảm thấy khó chịu với quyết tâm của họ, tôi quyết định nghiên cứu ‘các bằng chứng’ được cho là của kitô giáo để cho họ thấy họ đã bị lừa dối như thế nào.
Những gì tôi tìm thấy làm tôi sốc. Khi xem xét Tân Ước, các tác phẩm của người la-mã và do thái, cũng như các tiêu chuẩn lịch sử để xác định các sự kiện lịch sử, việc Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết là cách giải thích duy nhất về dữ liệu mà không đưa ra những nhượng bộ vô lý và căng thẳng.
Sau khi được hoán cải về mặt tinh thần và sau đó là hoán cải tâm hồn, cuối cùng tôi được rửa tội trong nhà thờ của vài người bạn tôi lui tới tham dự: một siêu nhà thờ phi giáo phái. Trong vòng một năm, tôi theo đạo tin lành với thái độ hoàn toàn tiêu cực đối với công giáo: Tôi hấp thụ quan điểm của những người chung quanh tôi và những nhà rao giảng làm cho tôi nghĩ người công giáo tôn thờ Đức Mẹ, xem thường Kinh thánh, theo đuổi sự cứu rỗi bằng việc làm hơn là bằng đức tin trong Chúa Giêsu.
Một ngày nọ, tôi tình cờ xem cuốn video “Rửa tội Oopsie của Phaolô” (Paul’s Baptismal Oopsie) của LutheranSatire, một kênh YouTube dạy thần học luther qua hài kịch. Nội dung video làm tôi bối rối: rõ ràng, những người theo giáo phái luther nghĩ rằng Thánh Phaolô đã dạy phép rửa tội tái sinh -rằng phép rửa không chỉ đơn thuần là ‘biểu tượng bên ngoài của đức tin bên trong’ (như tôi đã được dạy) thực sự còn rửa sạch tội nguyên tổ. Tôi nghĩ chỉ có người Công giáo mới tin chuyện này.
Vì thế tôi quyết định xem lại Sách Thánh. Sau vài tháng đọc và nghiên cứu, tôi tin chắc: Kinh thánh dạy về sự tái sinh qua phép rửa tội. Công vụ 2: 38, Gioan 3: 5, 1 Phêrô 3: 21… danh sách còn dài. Sau đó tôi nhận ra người luther cũng tin Bữa Tiệc Ly của Chúa là chính thân thể và máu của Chúa. Tôi cũng nghĩ điều này là vô nghĩa. Tuy nhiên, tôi đọc lại Kinh thánh, và bằng chứng đã rõ ràng: Gioan 6, Công vụ 2: 42, 1 Cô-rin-tô 11: 27-30, và những câu khác làm chứng cho sự thật về sự Hiện diện Thực sự. Về mặt thần học, tôi bị thuyết luther thu hút.
Dù vậy tôi vẫn cảm thấy không thoải mái với chính tôi. Tôi đã nghĩ người công giáo hoàn toàn ngu ngốc khi tin vào sự tái sinh sau phép rửa tội và sự Hiện diện Thực sự. Hóa ra tôi mới là người sai lầm. Vì vậy, tôi quyết định cho đạo công giáo một giả định nghi ngờ và nghiên cứu về những khẳng định của nó.
Đến một lúc, sự phê phán Sola Scriptura – học thuyết tin lành cho rằng Kinh thánh là thẩm quyền giáo lý duy nhất – hiện lên. Nghi ngờ Sola Scriptura dường như vô lý cũng như nghi ngờ mẹ tôi sinh ra tôi! Là người theo đạo tin lành, niềm tin vào Sola Scriptura không được dạy – nó được cho là hiển nhiên là đúng. Thậm chí tôi chưa bao giờ nghe nói về các Giáo phụ.
Khi tôi phát hiện không có Quy tắc Kinh thánh có thẩm quyền nào trong ba thế kỷ đầu tiên của Giáo hội, tôi hiểu các tín hữu kitô đầu tiên chắc hẳn đã bắt nguồn học thuyết của họ từ một điều gì đó khác ngoài Kinh thánh. Chính nhờ hiểu được chuyện này, tầm nhìn của tôi được mở ra trước thẩm quyền không thể phủ nhận của Giáo hội Duy nhất, Thánh thiện, Công giáo và Tông truyền trong lịch sử và Kinh thánh.
Là sinh viên đại học Stanford, hành trình tôn giáo của anh đã ảnh hưởng như thế nào trong học tập hoặc tương tác của anh với các bạn trong khuôn viên trường?
Khi tôi theo đạo tin lành, cha mẹ tôi bị xúc phạm rất lớn. Tôi phải thực sự tin rằng kitô giáo là chân chính, vì sự hy sinh quá lớn. Cũng vậy, khi tôi qua đạo công giáo, các bạn tin lành của tôi bị sốc. Dần dần khi tôi học khoa biện giải để có thể trả lời cho cả hai bên, tôi đâm ra yêu khoa thần học và triết học, Và tình yêu này đã cho tôi cảm hứng để tôi học triết học.
Đối với các đồng nghiệp của tôi, Stanford có tỷ lệ sinh viên khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) rất cao. Kết quả là sinh viên dửng dưng hoặc không cảm tình với kitô giáo hơn là thù nghịch. Dù điều này làm cho tiếng nói của kitô hữu trở nên dễ dàng hơn, nhưng nó cũng làm cho việc truyền giáo trở thành khó khăn hơn, vì đơn giản là mọi người không tham gia.
Làm thế nào một đức tin mới như thế lại ảnh hưởng đến các giá trị, các mối quan hệ và mục đích chung trong cuộc sống của anh?
Đức tin đã mang lại cho tôi một hạnh phúc thực sự. Trong suốt cuộc đời, tôi cảm nhận tôi đi theo sự thật, tôi phải hy sinh tất cả, kể cả niềm vui và sự bình yên. Bây giờ nhìn lại, tôi biết Sự thật không lấy đi bình yên của tôi mà phục hồi nó gấp mười lần. Niềm vui của tình bạn với anh em trong Chúa Kitô phản ánh niềm vui của tình bạn với Thiên Chúa – một niềm vui ở khắp mọi nơi và luôn tràn đầy đức ái. Dĩ nhiên tôi và các bạn khác cũng sẽ phạm sai lầm. Nhưng, cũng như với Người con hoang đàng, sự tha thứ và hòa giải chắc chắn sẽ luôn ngọt ngào hơn là cay đắng. Đây thực sự là mối quan hệ khó tả, một mối quan hệ mà tôi chưa từng trải qua trước khi tôi được rửa tội trong Chúa Kitô.
Cuối cùng, các áp lực của đời sống học tập và cá nhân trở nên mờ nhạt so với vinh quang sẽ được mạc khải cho chúng ta và sự bình yên được ban tặng cho chúng ta. Sau nhiều năm tìm kiếm Sự thật, giờ đây tôi thấy chính Sự Thật đã đi tìm tôi – làm sao một linh hồn lại không nhảy nhót hân hoan trước Lòng Thương Xót của Chúa.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch