Trung Quốc không đáng tin cậy, nhưng với Vatican thỏa thuận phải được gia hạn
Riccardo Cascioli, lanuovabq.it, 2024-04-25
Theo hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin, thỏa thuận bí mật với Trung Quốc phải được gia hạn. Và lần này phải dứt khoát. Việc Bắc Kinh vi phạm thỏa thuận cũng như việc đàn áp người công giáo không theo Đảng kể cả ở Hồng Kông đều không thành vấn đề.
Tòa Thánh có ý định gia hạn thỏa thuận bí mật đã ký kết với Trung Quốc năm 2018 và sau đó gia hạn hai năm một lần. Điều này đã được hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin tuyên bố trong một bài viết trả lời câu hỏi của phóng viên Michael Haynes của LifeSiteNews ở Rôma.
Thỏa thuận này sẽ hết hạn vào tháng 10 và hồng y Parolin cho biết “chúng tôi hy vọng sẽ gia hạn lại. Chúng tôi đang đối thoại với những người đối thoại của chúng tôi về điểm này”.
Không nghi ngờ gì về việc Tòa Thánh sẵn sàng đi tới, dù chế độ cộng sản Trung Quốc không đáng tin cậy với những gì đã diễn tiến trong sáu năm qua; nhưng tuyên bố của hồng y Quốc vụ khanh cũng không kém phần quan trọng. Dĩ nhiên vẫn còn vài tháng trước khi có quyết định chính thức, nhưng sau hai lần gia hạn hai năm, dự kiến sẽ có phán quyết cuối cùng về thỏa thuận trong năm nay: hoặc sẽ là thỏa thuận cuối cùng hoặc bị hủy bỏ.
Và quá trình cho biết, ngoại trừ một diễn biến bất ngờ của các sự kiện, chúng ta đang đi đến điểm cuối cùng: Tòa Thánh chấp nhận mọi thứ để đi tới – kể cả những điều không thể chấp nhận -; chính phủ Trung Quốc chỉ có thắng trong những điều kiện này, bởi vì họ có thể hủy Giáo hội công giáo Trung Quốc nếu có sự ủng hộ của Vatican.
Vấn đề không chỉ liên quan đến việc bổ nhiệm các giám mục, như Tòa Thánh thường nói, nhưng chủ đề trọng tâm của thỏa thuận bí mật là tiến trình hán hóa Giáo hội công giáo mà chế độ đã theo đuổi ít nhất từ năm 2015, đang ngày càng trở nên ngột ngạt và hiện đang mở rộng sang Giáo hội ở Hồng Kông.
Dù có ba giám mục đã được bổ nhiệm vào đầu năm nay – Tađêô Wang Yuesheng của giáo phận Trịnh Châu, Anthony Sun Weniun của giáo phận mới Duy Phường, Peter Wu Yishun của Tông tòa Thiếu Vũ – với sự chấp thuận của giáo hoàng và do đó chính thức theo các thỏa thuận của Trung Quốc – về bản chất Vatican có vẻ có cơ chế hoạt động: chế độ cộng sản quyết định và giáo hoàng đồng ý.
Thêm nữa, dù khi chúng ta muốn xem việc bổ nhiệm ba giám mục với sự đồng ý của Vatican là một thực tế tích cực, thì việc áp dụng thỏa thuận không hề chấm dứt việc đàn áp các linh mục và giám mục không đồng ý, không chấp nhận phục tùng Đảng cộng sản: Chẳng hạn, vào đầu tháng 1, gần như cùng thời điểm với ba lần bổ nhiệm các giám mục trên, giám mục Phêrô Shao Zhumin của Ôn Châu không được chính quyền công nhận, ngài đã bị bắt vì tội nhiều lần không muốn vào Hiệp hội Công giáo Trung Quốc Yêu nước (APCC), công cụ được chế độ dùng để “hướng dẫn” Giáo hội công giáo. Nhưng những tình tiết này không được tính đến, cũng như không có những trở ngại khác nhau cản trở việc tham gia cử hành thánh lễ.
Trên thực tế, khía cạnh liên quan nhất là chế độ Trung Quốc đối với bất kỳ hành động nào liên quan đến Giáo hội công giáo, không bao giờ đề cập đến Tòa thánh và giáo hoàng, và càng không đề cập đến các thỏa thuận. Một khía cạnh được nhấn mạnh rõ trong bài viết gần đây của linh mục Gianni Criveller, nhà truyền giáo, giáo sư tại Viện Thần học Monza, Ý và giám đốc biên tập của Asia News. Đây là điều xảy ra khi việc bổ nhiệm các giám mục được công bố, nhưng “sự im lặng trước vai trò của Rôma” còn thể hiện rõ trong “Kế hoạch 5 năm hán hóa đạo công giáo ở Trung Quốc (2023-2027)” được Hội đồng Giám mục Công giáo và Hiệp hội Yêu nước, cả hai tổ chức đều nằm dưới sự kiểm soát của đảng cộng sản phê duyệt ngày 14 tháng 12-2023.
Tài liệu gồm 3.000 từ, được chia thành 4 phần và 33 đoạn, linh mục Criveller cho biết “tài liệu không bao giờ đề cập đến Tòa Thánh và giáo hoàng, cũng như thỏa thuận được ký kết giữa Vatican và Trung Quốc nhưng ngược lại, nhà lãnh đạo Tập Cận Bình được nhắc đến bốn lần. Tài liệu nhắc lại đạo công giáo phải mang ‘đặc sắc Trung Quốc’, từ “hán hóa” là quan trọng nhất: xuất hiện không dưới 53 lần theo chỉ đạo của Đảng cộng sản.
Đó không chỉ là vấn đề tần suất của từ ngữ, điều quan trọng là “ngôn ngữ cương quyết và dứt khoát”. Linh mục Criveller nói: “Như thể chưa từng có đối thoại và xích lại gần Tòa Thánh; như thể sự công nhận của giáo hoàng với tất cả các giám mục Trung Quốc là vô ích; như thể chưa hề có một thỏa thuận nào giữa Tòa thánh và Trung Quốc mang lại cho thế giới ấn tượng rằng công giáo Rôma đã thấy được sự hiếu khách và quyền công dân ở Trung Quốc.”
Trước thái độ này của chế độ Trung Quốc, rõ ràng là họ làm theo ý họ, buộc Giáo hội hoàn toàn phục tùng các chỉ thị và yêu cầu của Đảng cộng sản, quan điểm của Phủ Quốc vụ khanh Vatican dường như không thể hiểu được.
Nghệ thuật ngoại giao phải tiến hành từng bước nhỏ, là một chuyện; việc hy sinh sự thật và tín hữu công giáo cho logic thiết yếu của chính trị lại là một chuyện hoàn toàn khác. Rõ ràng là để duy trì khả năng thỏa thuận với chế độ Trung Quốc, Tòa thánh và giáo hoàng đã im lặng trong nhiều năm về sự leo thang của cuộc đàn áp chống tín hữu công giáo ở Trung Quốc, không nói một lời nào với tín hữu công giáo ở Hồng Kông, các tín hữu này ngày càng trở thành tâm điểm chú ý, đặc biệt là nhờ luật an ninh quốc gia mới và nhục nhã. Chúng ta còn nhớ hồng y danh dự Joseph Zen đã từng bị bắt và đang bị xét xử, và thương gia công giáo Jimmy Lai, nhà xuất bản của một nhật báo chỉ trích Bắc Kinh (hiện đã đóng cửa) đang bị tù dài hạn và có nguy cơ sẽ bị tù chung thân trong một phiên tòa khác đang diễn ra.
Jimmy Lai, bị Trung Quốc đàn áp, bị Vatican bỏ rơi
Các lý do của Nhà nước không thể biện minh cho sự im lặng đầy tai tiếng này, vốn kết án các giám mục, linh mục và giáo dân phải chịu đàn áp. Các giám mục, linh mục và giáo dân đã phải trả giá đắt cho lòng trung thành của họ với Giáo hội và ngày nay họ thấy mình bị cả Rôma bỏ rơi. Quyết tâm của hồng y Parolin – người được Đức Phanxicô hoàn toàn ủng hộ về điểm này – đang lãnh đạo Tòa Thánh đi theo chế độ cộng sản là điều đáng lo ngại. Và hậu quả không chỉ liên quan đến Giáo hội Trung Quốc.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Một bước quan trọng trong quan hệ giữa Trung Quốc và Tòa thánh