Chúng tôi xin kính chức quý độc giả một năm mới an khang, thịnh vượng, luôn được dồi dào sức khỏe. Chúng tôi xin cám ơn quý độc giả đã ủng hộ chúng tôi trong năm qua, trong khi làm việc không thể nào không có thiếu sót, chúng tôi xin thành thật xin lỗi.
Trong tháng hai, chúng tôi đăng quyển sách “Chúa ở trọn tâm hồn” của Linh mục René-Luc, một linh mục truyền giáo ngoại hạng của nước Pháp. Chúng tôi hy vọng qua cuộc đời “như tiểu thuyết” của Linh mục René-Luc, quý độc giả sẽ thấy khi “Chúa ở trọn tâm hồn” thì cuộc đời chúng ta sẽ sinh hoa kết trái như thế nào. Chẳng lẽ chúng tôi quảng cáo “hay lắm, hay lắm”, nhưng xin quý vị đừng bỏ qua quyển này cũng như quyển “15 Dụ ngôn quy về điều chủ yếu” cũng của linh mục René-Luc.
Nhân đây chúng tôi cũng xin loan báo, vì lý do sức khỏe, chúng tôi sẽ không cập nhật bài vở thường xuyên, chúng tôi sẽ trở lại khi điều kiện sức khỏe cho phép.
Và như Đức Phanxicô vẫn hay xin giáo dân cầu nguyện cho ngài, chúng tôi cũng xin quý độc giả cầu nguyện cho chúng tôi, chúng tôi rất cần lời cầu nguyện của quý độc giả.
Élizabeth Tchoungui, nhà báo trên kênh France Ô và nhiều kênh khác của nhóm RMC. Cô viết quyển sách Ngày con sinh lần thứ nhì (Le jour où tu es né une deuxième fois; nxb. Flammarion) kể câu chuyện hài hước và xúc động trong cuộc chiến để chấp nhận đứa con bị bệnh tự kỷ của mình.
Lần cuối cô khóc? Khi xem buổi trình diễn cuối năm của đứa con trai bị bệnh tự kỷ. Con trai Alexandre 10 tuổi của tôi hát và nhảy với các bạn khi có lúc họ đã muốn kéo em vào sân khấu.
Cái gì làm cô giận? Thỏa hiệp với kỳ thị. Khi ngày 16 tháng 9 vừa qua Éric Zemmour sỉ nhục Hapsatou Sy trên kênh C8, tôi giận nhất là các ký giả đã trải thảm đỏ cho ông.
Cái gì làm cô sợ? Thời gian trôi qua. Tôi có nhiều mong muốn, nhiều đam mê mà sợ thời gian làm thu hẹp lại.
Phương thuốc chống suy thoái của cô? Các bạn thân của tôi! Chúng tôi cố gắng gặp nhau thường xuyên để có các trận cười giữa lịch làm việc dày đặc của nhau.
Một hành vi yêu thương? Thọc lét các con trước khi đi ngủ.
Nếu cô phải làm một nghề khác? Tôi thích làm một cái gì trong lãnh vực công cộng, làm thị trưởng, làm bộ trưởng hay đại diện đất nước ở nước ngoài.
Tài năng ẩn giấu của cô? Tôi hát rất hay! Cách đây năm năm, trong một buổi hòa nhạc từ thiện, tôi hơi làm mê hoặc mọi người với giọng hát nhạc jazz trầm trầm của tôi.
Trên bàn đầu giường của cô có gì? Một đống sách trong đó có tập thơ Tứ tuyệt của Omar Khayyâm. Nhà văn, nhà thông thái Ba tư thế kỷ 11, ông giải thích vui sống làm chúng ta gần với Chúa.
Cuốn phim yêu thích của cô? Các phiêu lưu của Giáo sĩ Jacob, cuốn phim làm tôi cười, nó mang sứ điệp khoan dung tôn giáo.
Vật cô thích nhất? Hộ chiếu của tôi bởi vì nó tượng trưng cho tự do.
Các anh hùng hàng ngày của cô? Các phụ nữ của hiệp hội Renata ở Cameroun, các bà chiến đấu chống bạo lực tình dục trên các cô gái trẻ.
Nếu cô có đôi đũa thần cô sẽ thực hiện điều gì? Tôi sẽ loại nạn đói ra khỏi thế giới (Cô là phụ tá tổng thư ký hiệp hội Hành động chống nạn đói). Một em bé bị đói thì không thể đến trường và không thành người lớn tự lập được.
Đối với cô Chúa Giêsu là.. “Nhà lãnh đạo các lương dân!” tôi nói với các con tôi như vậy. Được rửa tội, chúng tự do để sống với đức tin hay không. Nhưng các giá trị của Chúa Giêsu truyền – yêu tha nhân, chia sẻ, sự khác biệt – phải hướng dẫn chúng ta.
Nhân vật cô thích trong Thánh Kinh? Nữ hoàng Saba, phụ nữ vững mạnh người da đen.
Cô gặp Chúa, cô muốn Chúa sẽ nói gì với cô? “Ta biết là con rực rỡ ở dưới đất, nhưng trên trời con còn rực rỡ hơn!”
Bà Noura Al Kaabi, bộ trưởng Văn hóa và Phát triển kiến thức của Tiểu Vương quốc Ả-Rập Thống nhất giải thích ý nghĩa chuyến viếng thăm của Đức Phanxicô ở đất nước bà từ ngày 3 đến 5 tháng 2-2019.
Bà Noura Al Kaabi, bộ trưởng Văn hóa và Phát triển kiến thức của Tiểu Vương quốc Ả-Rập Thống nhất ở Viện bảo tàng Louvre của Abu Dhabi, tháng 2, 2018. / Christopher Pike/Reuters
La Croix: Theo bà và theo đất nước của bà, việc đón Đức Phanxicô có ý nghĩa gì và sứ điệp ngài gởi qua sự kiện này là gì?
Bà Noura Al Kaabi: Tất nhiên đây là giây phút lịch sử mang ý nghĩa tượng trưng rất cao. Ở đất nước chúng tôi có rất nhiều người thuộc nhiều quốc tịch khác nhau cùng sống chung với các lối sống rất khác nhau. Sứ điệp của chuyến đi này là khích lệ để tìm kiếm những gì làm chúng tôi hiệp nhất, vượt ra ngoài các khác biệt của đức tin và văn hóa. Đó là ý tưởng về sự khoan dung mà chúng tôi chia sẻ với các tín hữu kitô.
Nhưng đặc nét của chuyến thăm này cũng là do nhân cách của chúnh Đức Phanxicô. Ngài là giáo hoàng đầu tiên từ Châu Mỹ La Tinh. Ngài nói với tất cả mọi người. Ngài có thể nhìn thấy những chuyện vượt ra ngoài bề mặt của họ. Trong một thế giới có quá nhiều xung đột, ngài mang lại thông điệp hợp nhất và tìm kiếm hòa bình. Đó là lý do tại sao ngài đến đây không phải chỉ vì Tiểu Vương quốc Ả-Rập Thống nhất hay thế giới hồi giáo nhưng còn vượt xa hơn thế.
Chính trong khuôn khổ “Năm Khoan dung” mà có chuyến đi của Đức Giáo hoàng. Bà xác định khái niệm này như thế nào?
Noura Al Kaabi: Sự khoan dung như chúng tôi hiểu, đó là chấp nhận nhau. Và đây không phải là lý thuyết nhưng là thực hành trong đời sống hàng ngày, ở sở làm, ở trường học… Chúng ta phải có thể sống và làm việc mỗi ngày với những người có quốc tịch khác nhau. Hơn nữa sự khoan dung này không những áp dụng cho con người mà cho cả vùng đất nơi chúng ta sống, với môi sinh, với súc vật… Đó là một giá trị mà những người sáng lập đất nước chúng tôi đã mang đến.
Chẳng hạn, chúng tôi cần phải biết sự hiện diện của tín hữu kitô ở Abu Dhabi có trước khi Tiểu Vương quốc Ả-Rập Thống nhất chúng tôi được thành lập năm 1971, ngay từ đầu những năm 1960, tiểu vương của Abu-Dhabi đã dành một vùng đất cho người công giáo để họ xây nhà thờ. Ngày nay chúng tôi có rất nhiều nơi thờ phượng của các tôn giáo khác nhau và chúng tôi mong tất cả đều được tự do giữ đạo của mình. Đó là lý do vì sao chuyến đi của Đức Giáo hoàng không phải chỉ dành riêng cho người công giáo: chuyến đi này mang một sứ điệp chung lớn hơn và trong sự tôn trọng lẫn nhau. Một ý tưởng mà chúng tôi muốn truyền tải cho các người trẻ, mời gọi họ khoan dung hơn với người lớn tuổi.
Hình: Ngày thứ hai 4-2-2019, Thái tử Thừa kế Mohammed Ben Zayed tặng Đức Phanxicô bằng khoán ngày 22 tháng 6 năm 1963 của Tiểu Vương quốc Ả-Rập cho đất để xây dựng nhà thờ đầu tiên ở Abu-Dhabi.
Các Tiểu Vương quốc Ả-Rập Thống nhất tuyên bố một sự cởi mở lớn với thế giới, nhưng đất nước có một nền văn hóa và căn tính rất mạnh. Làm sao có thể phối hợp được cả hai?
Noura Al Kaabi: Đây là một vấn đề rất quan trọng, người của Tiểu Vương quốc Ả-Rập lại là người thiểu số trong chính đất nước của họ. Đây là một trong các chủ đề lớn cho công việc chúng tôi ở bộ Văn hóa: vừa giữ gìn văn hóa, truyền thống vừa làm việc trên các phương pháp giúp chúng tôi thích ứng với hiện đại. Như vấn đề ăn mặc chẳng hạn: rất nhiều phụ nữ kết hợp mang voan với y phục hiện đại (luật ở Tiểu Vương quốc Ả-Rập Thống nhất không bắt buộc mang voan).
Và đây cũng là một thách thức rất lớn để làm cho nét văn hóa này trở nên hấp dẫn với chính người trẻ của chúng tôi. Chúng tôi thường hướng dẫn họ đặt câu hỏi, sự việc chúng tôi là thiểu số làm suy yếu hay củng cố căn tính chúng tôi. Tôi tin chắc nó củng cố vì tình trạng này thúc đẩy chúng tôi luôn quan tâm và luôn làm việc lại với nó.
vaticannews.va, Andrea Tornielli, trên chuyến bay giáo hoàng, 2019-02-03
Đức Phanxicô trên máy bay: “Sáng nay tôi nghe tin trời mưa ở Abu-Dhabi, đây là dấu hiệu của điềm làng ở nơi này. Chúng ta hy vọng mọi sự sẽ được diễn tiến tốt đẹp như vậy.”
Đức Phanxicô chào từng ký giả trên chuyến bay đi Abu-Dhabi, ngài phát cho họ bức hình nói lên quan hệ giữa người trẻ và người lớn tuổi.
Sáng nay trời mưa ở Abu-Dhabi, một chuyện hiếm có ở đất nước này, trời mưa thường được xem như một điềm lành: “Chúng ta mong mọi sự sẽ được diễn tiến tốt đẹp như vậy!”
Trên chuyến bay đi Abu-Dhabi, ngài đến chào từng ký giả. Sau đó ông Alessandro Gisotti, giám đốc lâm thời Văn phòng báo chí Tòa Thánh có vài lời: “Trọng kính Đức Thánh Cha, dường như chỉ mới hôm qua chúng ta ở trên chuyến bay từ Panama về. Trong số các lời chào mừng, một thành viên của cộng đoàn hồi giáo Panama có nói: “Chào mừng Đức Giáo hoàng Phanxicô, người của hòa bình” (Bienvenido Papa Francisco, hombre de Paz). Chính trong tinh thần này mà cha được mong chờ ở Tiểu Vương quốc Ả-Rập Thống nhất, người của hòa bình để củng cố cho việc đối thoại”.
Trước hết Đức Phanxicô đã cám ơn sự hiện diện của các nhà báo, ngài nói: “Sáng nay tôi nghe tin trời mưa ở Abu-Dhabi, đây là dấu hiệu của điềm lành ở nơi này. Chúng ta hy vọng mọi sự sẽ được diễn tiến tốt đẹp như vậy.”
Sau đó ngài nói tiếp: “Tôi mang theo một bản sao bức hình do đan viện Bose làm để anh chị em mang về nhà. Bức hình nói lên chủ đề đối thoại giữa người lớn tuổi và người trẻ. Tôi rất quan tâm đến chủ đề này và tôi nghĩ đây là một thách đố”.
Bức hình được ông Paolo Ruffini, bộ trưởng bộ Truyền thông phát cho các ký giả, một đan sĩ trẻ cõng đan sĩ lớn tuổi trên vai. Như thường lệ Đức Phanxicô chào từng nhà báo. Bánh ngọt do các nữ tu lo cho người bệnh làm được đem ra mời Đức Phanxicô. Người ta kể cho ngài nghe câu chuyện một bác sĩ Tiểu Vương quốc Ả-Rập Thống nhất đã học tại Ý, và để vinh danh Đức Phanxicô, trong các tuần vừa qua ông đã mổ miễn phí cho hàng trăm trẻ em người Yemen bị bệnh.
parismatch.com, Ban biên tập báo Paris Match cùng với hãng tun AFP, 2019-02-03
Chúa nhật 3 tháng 2-2019, Đức Phanxicô lên đường đi chuyến đi lịch sử đến Tiểu Vương quốc Ả-Rập Thống nhất.
Các nhà cầm quyền Tiểu Vương quốc Ả-Rập Thống nhất long trọng chuẩn bị đón Đức Phanxicô đến thăm đất nước vùng vịnh Ả rập, chiếc nôi của đạo hồi giáo. Chiều chúa nhật 3 tháng 2, Đức Phanxicô sẽ đến thủ đô Tiểu Vương quốc Ả-Rập Thống nhất để dự các buổi họp đối thoại liên tôn. Một nữ ký giả của hãng tin AFP cho biết, bầu khí chung quanh nhà thờ chính tòa Thánh Giuse là bầu khí của những ngày đại lễ.
Dưới thời tiết mưa bất bình thường, các tín hữu tụ họp chung quanh nhà thờ chính tòa để lấy vé tham dự thánh lễ Đức Phanxicô cử hành ngày thứ ba 5 tháng 2 và dự trù sẽ có 130 000 tín hữu tham dự. Nhà thờ chính tòa trong dịp này được trang hoàng theo màu sắc của Vatican và của Tiểu Vương quốc Ả-Rập Thống nhất. Linh mục Elie Hachem quản nhiệm nhà thờ chính tòa Thánh Giuse rất vui mừng, cha chỉ nói lên được hai chữ “lịch sử” cho dịp này. Theo cha, Đức Giáo hoàng đến với một “sứ điệp hòa bình” và ngày thứ ba ngài sẽ đến thăm nhà thờ chính tòa.
Có vào khoảng một triệu tín hữu công giáo ở đây, đa số là các người lao động Á châu sống ở Tiểu Vương quốc Ả-Rập và họ được giữ đạo ở tại tám nhà thờ. Cô Doris D’souza đến từ thành phố Goa, miền tây-nam Ấn Độ cho biết, khi nghe tin Đức Giáo hoàng đến đây, cô phải tham dự thánh lễ của ngài cho bằng được.
Shane Gallagher, một người di dân từ Ai Len rất “phấn khích” trước chuyến đi của Đức Giáo hoàng, vì đây là chuyến đi của một giáo hoàng đến nước hồi giáo, “chúng tôi sẽ có một tuần lễ tuyệt vời!” Còn cô Collins Cochet Ryan, một phụ nữ Mỹ 39 tuổi thì nói: “Tôi nghĩ chuyến đi nói lên sự khoan dung đặc biệt của các Tiểu Vương quốc Ả-Rập.”
“Luật khủng bố”
Các nhà trách nhiệm liên bang không ngớt nhấn mạnh đến chủ đề này, đặc biệt liên hệ đến cuộc gặp dự trù giữa Đức Giáo hoàng và giáo sĩ Ahmed al-Tayeb, thuộc Viện đại học Al-Azhar, viện đứng đầu hồi giáo sunnit ở Ai Cập. Tiểu Vương quốc Ả-Rập Thống nhất luôn đưa ra hình ảnh của một quốc gia cởi mở và khoan dung, dù quốc gia này luôn thực hiện chính sách “không khoan nhượng” với bất kỳ sự bất đồng chính kiến nào, đặc biệt với các tín đồ những người theo đạo hồi chính trị do Hội Anh em Hồi giáo tổ chức.
Ông Anwar Gargash, bộ trưởng Ngoại giao Tiểu Vương quốc Ả-Rập đã không bỏ dịp nào để lên án Qatar, nước bị nước của ông và ba đồng minh tẩy chay, ông tố cáo họ ủng hộ cho phong trào hồi giáo cực đoan, điều mà nước Qatar phủ nhận. Ông nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa những người ủng hộ “luật khủng bố”, ám chỉ đến giáo sĩ Youssef al-Qardaoui, được xem là người lãnh đạo tinh thần của Hội Anh em Hồi giáo được nước Qatar che chở, và nước của ông, đất nước ủng hộ các biểu tượng “khoan dung và tình yêu” mà Đức Giáo hoàng và giáo sĩ của Viện Al-Azhar ủng hộ.
Từ đầu triều giáo hoàng của mình, Đức Phanxicô đã đến nhiều nước có đa số người dân là tín hữu hồi giáo như Ai Cập, Azerbaidjan, Bangladesh và Thổ Nhĩ Kỳ. Tháng 3 năm 2019, ngài sẽ đến Marốc.
Đức Phanxicô mừng Tết âm lịch các dân tộc Trung Đông và Á châu.
Sau Kinh Truyền Tin sáng chúa nhật 3 tháng 2 tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Phanxicô tuyên bố: “Ngày 5 tháng 2, miền Trung Đông và một số nước trên thế giới, hàng triệu triệu người sẽ mừng Tết âm lịch. Tôi xin nồng nhiệt chào tất cả và ước mong mọi người sống bình an với chính mình, với người khác và với tạo dựng”.
Đức Phanxicô nhấn mạnh đến lời chúc hòa bình: “Tôi xin mọi người cầu nguyện để có ơn hòa bình, đón nhận và vun trồng qua sự đóng góp của từng người”.
Hình: “Bao lì xì” Đức Phanxicô cầm trên tay là vé miễn phí vào dự các buổi tiếp kiến chung. Trong buổi tiếp kiến chung ngày 11 tháng 1-2017, Đức Phanxicô nhắc vé vào dự buổi tiếp kiến là miễn phí. Ai bắt anh chị em trả tiền là người ‘phạm luật’, ở đây, anh chị em vào miễn phí để nói chuyện với giáo hoàng.
Trích sách Chúa ở trọn tâm hồn, René-Luc, nxb. Presses de la renaissance
Khi rời Montpellier, trên xe về Nîmes, bà Marie-Dominique hỏi mẹ tôi:
– Sao bạn thích không?
– Cũng được, mẹ tôi trả lời, dáng suy nghĩ.
Bà thích buổi nói chuyện nhưng cũng vậy vậy thôi. Bà Marie-Dominique quay qua hỏi tôi:
– Còn con, René-Luc, con thích không?
– Cũng được! Thật kỳ quặc những gì con khám phá chiều nay… Con thật sự muốn biết người đó nhiều hơn.
– Ai? Nicky à?
– Không phải, Chúa Giêsu! Bác biết không, con nói chuyện với Ngài trong lúc cầu nguyện. Đã có một cái gì xảy ra… Con nghĩ Ngài nghe con.
Mẹ tôi quay qua nhìn tôi, chương trình của bà đã có kết quả: bà dịu dàng cười với tôi.
– Nếu con muốn, bác có thể giúp con. Con chỉ việc đến nhóm cầu nguyện, bà Marie-Dominique đề nghị.
– Con đồng ý!
Vậy là bắt đầu đời sống kitô hữu mới của tôi. Mỗi tuần một lần, bà Marie-Dominique đưa tôi đến nhóm Canh tân Đặc sủng ở Tarascon. Có rất nhiều người ở đây. Các bài hát nối tiếp nhau, có đàn ghi-ta và bộ gõ đệm theo. Tôi khao khát muốn biết Chúa Giêsu và muốn biết hết về Ngài. Tôi chăm chú nghe lời giảng của người trưởng nhóm. Trên đường về, tôi hỏi bà Marie-Dominique đủ thứ câu hỏi. Bà kiên nhẫn trả lời tôi và cho tôi quyển Thánh Kinh, bà khuyến khích tôi đọc. Và tôi đọc ngay, đọc với hết cả tâm trí tôi.
Bà Marie-Dominique khuyến khích tôi đi xem lễ. Vấn đề là tôi không thuộc kinh nào ngoài “Kinh Kính Mừng” mà tôi học khi còn ở Camargue và “Kinh Lạy Cha” khi tôi ở nhà mẹ đỡ đầu của tôi. Một sự trùng hợp may mắn, năm đó em gái Cricri của tôi ở nội trú trong một gia đình ở Lozère, nơi em sắp chịu bao đồng. Em chuẩn bị rất sốt sắng. Vì thế khi em về nhà nghỉ lễ Phục Sinh, em rất ngạc nhiên thấy tôi bây giờ quan tâm đến đạo. Em biết nhiều hơn tôi vì em đã học tất cả các “công thức”. Em trở thành giáo sư dạy đạo cho tôi. Với rất nhiều kiên nhẫn và một chút đùa nghịch, em dạy cho ông anh:
– Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng.
– Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng…
– Lạy Chúa, con đã cả lòng phản nghịch lỗi nghĩa cùng Chúa…
– Lạy Chúa, con đã cả lòng phản nghịch lỗi nghĩa cùng Chúa…
Bạn trai bạn gái của tôi đều ngạc nhiên. Càng ngày chúng càng ít chơi với tôi. Tôi không có gì chống chúng, nhưng quan tâm của tôi bây giờ hướng về điều thiết yếu. Chỉ còn xe mô-tô và đá banh là tôi còn để ý tới.
Sự biến đổi lớn nhất là trong quan hệ với mẹ tôi. Tất cả chưa trở thành hoàn hảo ngay lập tức, nhưng không còn như các tuần trước đây.
Ba tháng sau khi tôi trở lại, tháng 6 năm 1980, bà Marie-Dominique đề nghị tôi đi hành hương Lộ Đức theo nhóm Hành hương Quốc tế Canh tân Đặc sủng. Dĩ nhiên là tôi nhận lời.
Lộ Đức. Đương nhiên là tôi có nghe nói đến, nhưng tôi chưa bao giờ tới. Chúng tôi dựng lều ở làng của các người trẻ trên ngọn đồi nhìn xuống Đền thánh. Bà Marie-Dominique đưa tôi đi xem Lộ Đức và kể cho tôi nghe câu chuyện Đức Mẹ hiện ra. Tôi thấy cối xay thời còn nhỏ Bernadette sống ở đây, tôi thấy cái hang tối khi Đức Mẹ hiện ra. Ngay lập tức, tôi cảm thông với Bernadette, có thể vì cả hai chúng tôi đều mười bốn tuổi khi chúng tôi sống kinh nghiệm thiêng liêng rất mạnh đã làm thay đổi đời sống chúng tôi. Tất cả giống như Bernadette và với tất cả những chuyện được ghi lại, chắc chắn, có một trước và một sau khi ở hang đá. Vì Lộ Đức là nơi làm tôi xúc động nhất. Ở đó tôi cảm nhận có một bình an xâm chiếm lòng tôi không tả được, một sự hiện diện của tình dịu dàng mà nếu không lạm dụng tôi có thể nói đó là “vô tận”. Tôi thích đến đó và tôi hay đến khi có thể được.
Trong ngày chúng tôi có thì giờ để học hỏi và cầu nguyện dưới căn lều lớn dựng lên ở cánh đồng trước mặt hang đá. Chúng tôi có cả ngàn người. Có một bầu khí tuyệt vời, hồi đó tôi không biết là người công giáo có những buổi tụ họp như vậy, vừa sốt sắng vừa nồng ấm.
Người nói chuyện chính là linh mục người Canada Emiliano Tardif 1, cha điều khiển các lời cầu nguyện chữa lành. Vào cuối thánh lễ, cha cầm Mặt Nhật có Mình Thánh Chúa đi giữa đám đông. Rất nhiều người bệnh được lành. Một vài người lên máy vi âm làm chứng ngay ngày hôm đó hoặc ngày hôm sau, sau khi được bác sĩ kiểm chứng thật sự được chữa lành. Đó là lần đầu tiên tôi thấy như vậy, nhưng tôi không ngạc nhiên. Từ khi tôi đọc Phúc Âm, tôi khám phá có nhiều câu chuyện kể phép lạ. Vì tôi tin Chúa Giêsu luôn sống và đặc biệt có mặt trong Mình Thánh Chúa nên tôi thấy việc Ngài tiếp tục hành động là chuyện bình thường.
Bây giờ tôi mới thấy, tôi được may mắn đến như thế nào khi thấy Quyền năng của Chúa thể hiện ngay từ bước đầu trở lại của tôi. Đức tin của tôi được củng cố sâu đậm. Các dấu chỉ không những cần thiết để tin mà một vài dấu chỉ còn hữu ích. Chúa Giêsu đã hiểu điều này, chính vì vậy lời giảng dạy của Ngài và của các thánh tông đồ thường kèm theo các dấu chỉ và các chuyện phi thường. Tuy nhiên phải cẩn thận, những người đi theo Ngài không được ngừng ở các dấu chỉ, nhưng đi xa hơn, trong quan hệ với đức tin, trong lắng nghe Lời Chúa, sự trở lại của quả tim, đời sống cầu nguyện. Tôi khiêm tốn nhận, tôi không ngừng lại ở các dấu chỉ, nhưng tôi tạ ơn đã có các dấu chỉ trên con đường đức tin của tôi.
Bà Marie-Dominique tiếp tục theo dõi tiến trình thiêng liêng của tôi. Tuy vậy sau khi trở lại, tôi chưa thành thiên thần ngay, còn xa là đàng khác. Tôi không phải là thiên thần và cũng sẽ không bao giờ là thiên thần. Tôi còn giữ tính xấu mà bây giờ mọi người có thể thấy khi tôi chơi đá banh. Đừng tìm quá nhiều kết quả nơi tôi, vì tôi có một khuynh hướng không tốt, tôi phản ứng ngay, chính xác là tôi hất chân đối thủ để họ không còn banh.
Sau khi trở lại, tôi để rất nhiều thì giờ để làm chết “con người cũ”. Tất cả mọi hung bạo chất chứa trong lòng tôi khi còn nhỏ chưa đi ra khỏi lòng tôi. Hồi đó tôi rất gay gắt và khinh thường. Nhiều lần tôi dí bà Marie-Dominique tội nghiệp của tôi tới cùng, dù bà làm cho tôi bao nhiêu chuyện tốt. Tôi đi hành hương, và có những lúc bà sống khổ ải theo tôi.
Xin Chúa chúc lành cho lòng kiên nhẫn của bà: tôi nợ bà những bước đầu của đời sống trong Chúa Giêsu của tôi!
Trước khi kết thúc chuyến hành hương, chúng tôi có buổi canh thức đáng nhớ với những lời chứng thật tuyệt vời, không phải chỉ các phép lạ đặc biệt, nhưng là các chứng từ thiêng liêng đơn giản như có những người xưng tội sau nhiều năm trời xa nhà thờ, những người được đánh động khi đi đàng thánh giá, khi đi rửa chân ở hồ tắm… Bầu khí như ngày lễ hội, một lời tạ ơn dâng lên Chúa tối hôm đó.
Trước khi đi ngủ tôi đến hang đá cầu nguyện. Khi đó đã khuya nhưng vẫn còn nhiều người ở đây. Tôi len lỏi đi tìm một chỗ gần bàn thờ, ngay dưới cây hoa hồng nơi Đức Mẹ hiện ra với Bernadette Soubirous. Tôi quỳ xuống nhìn tượng Đức Mẹ. Hàng núi ngọn nến thắp ở hang đá tỏa ra một ánh sáng êm dịu. Dù có nhiều người cầu nguyện nhưng không có một tiếng động, ngoài trừ tiếng rì rào của dòng sông Gave chảy cách đó vài mét.
Nhiều phút trôi qua, tôi nhắm mắt lại.
Khi tôi mở mắt ra thì chung quanh tôi không còn ai. Tôi không nghe họ chuyển động gì hết. Tôi có cảm tưởng cả hang đá là để cho tôi.
Tôi sống giây phút mật thiết vô cùng này với Chúa Giêsu. Trong niềm dâng lên tự phát, trong niềm dâng lên của tình yêu, tôi nguyện hiến đời tôi cho Chúa. Tôi nghiêm túc khấn, xem đây như là lời khấn trọng thể:
– Lạy Chúa Giêsu, trước sự hiện diện của Mẹ Maria, mẹ Thiên Chúa, con xin dâng hiến đời con cho Chúa. Xin Chúa nhận lấy. Amen!
Khi đọc lời cầu nguyện này, tôi không nghĩ đến chức thánh, cũng không nghĩ đến hôn nhân. Tôi chỉ muốn nói từ đây trọn đời tôi thuộc về Chúa.
Giây phút này rất mạnh, đến mức nó có một âm vang không thể tưởng tượng về đoạn đời sau này của tôi, bằng chứng vừa cho sự sâu đậm lời cầu nguyện của tôi vừa sự nghiêm túc Chúa đã đón nhận tôi vào lòng Ngài.
Chiều hôm đó, Chúa Giêsu đã quyết định dành cho tôi một ngạc nhiên để cám ơn cho của lễ dâng hiến đời tôi, nhưng Ngài là nhà mô phạm giỏi, năm năm sau Ngài mới cho tôi biết…
Ngài qua đời năm 1999, án tuyên thánh đang tiến hành. Linh mục Tardif kể câu chuyện của mình trong quyển sách Giêsu làm cho tôi là chúa nhật (Jésus a fait de moi un témoin, nxb. L’Emmanuel, 1984).
Vừa từ Panama về ngày 27-1, Đức Phanxicô lại lên đường đi Tiểu Vương quốc Ả-Rập thống nhất từ ngày 3 đến 5 tháng 2. Nhưng có điều gì khẩn cấp để thúc đẩy Đức Phanxicô lên máy bay nhanh như vậy? Không phải là một chuyện tình cờ mà ngài đi Tiểu Vương quốc Ả-Rập thống nhất (EAU).
Ngược với những gì chúng ta hình dung, đất nước này là khuôn mẫu của sự khoan dung trong vùng. Một hình ảnh nổi tiếng mà công đầu không ai khác là người sáng lập: nhà lãnh đạo hồi giáo Zayed ben Sultan al-Nahyane, thủ tướng đầu tiên của Tiểu Vương quốc Ả-Rập Thống nhất, ông qua đời năm 2004. Nhà lãnh đạo Zayed không phải chỉ là người đưa Abu-Dhabi ra khỏi sa mạc, cũng không chỉ là người cho đất nước một Quốc gia, một căn tính, mang lại thịnh vượng cho đất nước. Nhưng ông cũng là người bơm vào các nền tảng xã hội các giá trị cởi mở, đối thoại và tôn trọng. Các nguyên tắc luôn có trong hiến chế liên bang hiện nay. Đến mức năm 2014, Hội đồng kỳ lão hồi giáo được ra đời tại Abu-Dhabi: một tổ chức quốc tế được thành lập năm 2014, bắt nguồn từ cuộc gặp gỡ liên tôn giáo, cuộc gặp gỡ này đã mời Đức Phanxicô đến tham dự.
Và đó đúng là mục đích của chuyến đi của nhà lãnh đạo Giáo hội công giáo: tham dự sự kiện có tên Huynh đệ Nhân loại, sự kiện này có rất nhiều đại diện các tôn giáo tham dự. Ngoài Đức Giáo hoàng còn có các Thượng phụ công giáo Đông phương, các tín hữu chính thống giáo, các tín hữu Ba Lan, Mỹ và người hồi giáo.
Một bài diễn văn
Để nhấn mạnh thêm tầm quan trọng cho sự kiện này, ngoài bài giảng thánh lễ ngày 5 tháng 2 tại Trung tâm thể thao Zayed trước 130.000 tín hữu công giáo, Đức Phanxicô chỉ đọc một bài diễn văn trong chuyến đi này.
Các tín hữu tại vương quốc này chủ yếu là người di dân Ấn Độ và Phi Luật Tân, theo như ông Alessandro Gisotti, giám đốc Văn phòng báo chí Tòa Thánh cho biết,thì chuyến đi của Đức Phanxicô đến đây “gần như là vô vọng” đối với họ.
Sau khi củng cố mối dây với thế giới hồi giáo qua lần đến thăm Ai Cập năm
2017, Đức Phanxicô muốn đến Abu-Dhabi như một giai đoạn kế tiếp. Đối với ngài, đây không chỉ là đối thoại với thế giới hồi giáo nhưng còn để khuyến khích Abu-Dhabi trở thành nhân vật chính cho đối thoại giữa các nền văn minh.
Trích sách 15 Dụ ngôn quy về điều chủ yếu, Linh mục René-Luc, nxb. Plon
Một ánh sáng trong đêm tối! Đó là cách chúng tôi gọi các buổi canh thức giảng Phúc Âm ở giáo phận chúng tôi, nhất là ở nhà thờ Saint-Roch, trung tâm thành phố Montpellier. Nguyên tắc đơn giản và dễ làm. Trước hết lựa một nhà thờ ở địa điểm tốt, nơi mà dân chúng có thể thanh thản đi bộ, rồi buổi tối có thể ra uống cà phê ở một quán nhỏ. Bên ngoài nhà thờ, chúng tôi dựng các tấm trướng lớn, loại cờ quảng cáo với hình ảnh bàn tay cầm ngọn nến “một ánh sáng trong đêm tối”.
Các tấm trướng này được chiếu sáng. Bên cạnh đó, chúng tôi đặt hệ thống phát âm nhạc nhẹ, các tác phẩm do các nhạc sĩ bên trong nhà thờ chơi. Một vài thanh niên trẻ truyền giáo làm hoạt náo viên “con rối”: họ mời người qua lại dừng chân một chút để “nghỉ ngơi thiêng liêng”. Nụ cười là chứng từ đầu tiên được trao tặng, và thật ngạc nhiên, đa số người qua lại chịu khó dừng chân.
Ngay cửa vào là tấm bảng lớn giải thích cách làm:
– Thắp một ngọn nến;
– Viết một ý chỉ;
– Đặt ý chỉ đó trên bàn thờ;
– Nhận một Lời Chúa.
Khi người qua đường đến cửa ra vào nhà thờ, họ hiểu ngay tiến trình được đề nghị. Một nhóm các bạn tiếp khách tế nhị, với tinh thần vừa táo bạo vừa dè dặt của các nhân viên bán hàng trong các tiệm sang trọng; luôn sẵn sàng nhưng tế nhị, không vồ vập. Nhà thờ chìm trong làn ánh sáng nhẹ, các hòn đá tỉ tê theo tiếng nhạc. Tất cả đều an bình. Mình Thánh Chúa được đặt trên bàn thờ và được chiếu sáng nhờ đèn chiếu đặt đàng sau, hương trầm lan ra trong làn ánh sáng này.
Sự ngạc nhiên đọc được trên khuôn mặt của khách. Đa số họ vui được tháp tùng trong tiến trình này. Sau khi viết ý chỉ trên tờ giấy nhỏ, họ nhận một ngọn nến và theo lối đi giữa, họ đi lên bàn thờ. Trước bàn thờ có hai rổ: một rổ đựng ý chỉ, rổ kia là Lời Chúa. Mỗi Lời mỗi khác và thường thường khách nhận câu đang phù hợp với mình lúc đó. Thỉnh thoảng khách quỳ lâu trước Mình Thánh Chúa. Và thường khi họ ngồi trong nhà thờ, thả hồn theo điệu nhạc, ngạc nhiên thấy “dòng người tình cờ” giống họ liên tục vào nhà thờ.
Tiến trình đơn giản này đôi khi lại được tiếp tục bởi các cuộc thảo luận dài về đức tin, với các người truyền giáo luôn sẵn sàng trả lời các câu hỏi của họ. Không phải để thuyết phục nhưng để lắng nghe, để có sự hiện diện yêu thương của Đấng đã gởi chúng tôi đến, Chúa Giêsu Kitô.
Các câu chuyện của các buổi gặp gỡ này rất cảm động. Các buổi tối này đáp ứng được mong chờ của một thế giới đang khát, chỉ cần biết làm sao đưa ra ly nước lúc họ cần.
Trong số các kinh nghiệm truyền giáo này, có một kinh nghiệm đặc biệt làm tôi xúc động. Ngày hôm đó tôi đang làm việc với khoảng ba mươi thanh niên trẻ. Chúng tôi chia nhau từng hai người một ra đường phố, để mời người đi đường vào dự buổi canh thức cầu nguyện với chúng tôi. Nếu khách không có thì giờ hay không muốn vào, chúng tôi xin họ viết ý chỉ vào tờ giấy. Đa số vui với đề nghị này và ý chỉ thì rất nhiều. Matthieu, một thanh niên cao to người Bỉ 19 tuổi cùng đi với cô Liga, một thiếu nữ tóc vàng cũng cao to người Lituania. Hai người không gặp một ai đặc biệt, khách qua đường lịch sự cám ơn nhưng họ không mấy quan tâm. Hai người đi về và có cảm tưởng mình không làm được gì. Vào cuối buổi canh thức, chúng tôi dâng lên Chúa tất cả những người mình đã gặp. Mỗi người cầm máy vi âm để đọc tên những người đã được giao phó cho mình. Tôi đang đọc lời nguyện kết thúc thì có một bà xin được lên tiếng. Chúng tôi đưa máy vi âm cho bà và bà nói:
– Chúa Giêsu, con xin cám ơn Chúa về hai người trẻ đã mời con vào nhà thờ này. Như Chúa biết, từ sau khi con gái con là Ingrid chết vì tai nạn xe cách đây bốn năm, con rất giận Chúa và từ đó con không bao giờ bước chân vào nhà thờ. Nhưng hôm nay, nhờ hai bạn trẻ này, con đã bước chân vào đây với Chúa. Cuộc gặp gỡ này đã rọi sáng cho con ngày hôm nay và có thể là cả đời con…
Chúng tôi tất cả đều cảm động và choáng váng. Vì kín đáo chúng tôi không dám nhìn bà. Nhưng Matthieu được đánh động trong lòng. Anh lên tiếng:
– Lại thêm một lần nữa, ai cũng có những cuộc gặp tuyệt vời, còn con thì không! Con rất muốn được ở vào địa vị của hai người được gặp bà.
Hơi tò mò một chút, anh quay lại nhìn bà và anh kinh ngạc! Vài giờ trước đây anh đã cùng với cô Liga gặp bà. Anh đã đưa cho bà tờ chương trình buổi canh thức và nói:
– Chúng con xin chào bà, chúng con là các thanh niên Công giáo, chúng con có tổ chức buổi canh thức cầu nguyện…
Bà cầm tờ giấy và tiếp tục đi, bà chỉ nói:
– Cám ơn.
Vừa đi bà vừa nghĩ đến cơn giận bà vẫn còn giữ trong lòng, bà giận Chúa từ mấy năm nay sau khi con gái bà chết vì tai nạn xe, nhưng cuối cùng bà quyết định vào dự buổi canh thức. Chỉ cần một chút can đảm và một hành vi đơn sơ của một thanh niên gặp ngoài đường, đã giúp cho bà hết đau buồn và tìm lại được bình an.
Hạnh phúc thay cho các bạn trẻ như Liga và Matthieu đã dám đáp trả lời Chúa Giêsu kêu gọi mọi tín hữu đi ra khỏi tháp ngà của mình để rao giảng Tin Mừng: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19-20). Ở Pháp, nhiều tín hữu không nghĩ mình thuộc thành phần “truyền giáo” này của Chúa Giêsu. Họ nghĩ truyền giáo là lãnh vực của những người chuyên môn, của các tín hữu ở ba thế kỷ đầu tiên, nhưng sau đó thì Giáo hội đảm trách lo cho những người tự bản thân họ đến với Giáo hội. Vì đến với người khác sẽ bị cho là đi chiêu dụ, phạm đến tự do của người khác, và nhất là chúng ta không muốn mình bị đồng hóa với các Chứng nhân Jéhovah.
Về vấn đề này, một câu ngạn ngữ được hình thành cho cả một thế hệ và được trích trong quyển Youcat, tác phẩm giáo lý tuyệt vời dành cho các bạn trẻ mà giáo hoàng đã giao phó cho họ năm 2010. Tôi hết lòng giới thiệu với các bạn trẻ từ 7 đến 77 tuổi: quyển sách được trình bày dưới dạng hỏi-đáp tất cả các câu hỏi về đức tin, đạo đức, đời sống thiêng liêng. Đó là dụng cụ cần thiết để đào tạo tín hữu kitô một cách đơn giản và hiệu quả. Ở câu số 74, có một ngạn ngữ quen thuộc được các nhà rao giảng trích dẫn nhiều lần: “Chỉ nói về Chúa Kitô khi được yêu cầu nhưng sống theo cách mình được yêu cầu!” Sách giáo lý Youcat cho câu này là của nhà văn Pháp Paul Claudel, nhưng nhiều người thì nói đó là của Thánh Phanxicô Salê, nhưng ai cũng được. Tôi bị quấy rầy rất nhiều bởi câu này, như tôi vừa nói, câu này đã đào tạo nhiều thế hệ tín hữu kitô. Một mặt tôi hoàn toàn sống theo câu này, mặt khác, tôi nghĩ nó có những hệ quả âm ỉ. Tôi xin giải thích. Câu này có công lao lớn mời gọi chúng ta làm chứng cho cuộc sống. Không nhọc công nói về Chúa Kitô chung quanh mình nếu chúng ta không sống như các tín hữu kitô chân thật. Chúng ta không thể vừa đi lễ mỗi ngày chúa nhật, vừa nổi tiếng là người thích nói xấu trong khu phố.
Triết gia Nietzsche thấy vấn đề một cách chính xác khi ông viết: “Tôi sẽ tin vào Chúa khi người tín hữu có cái đầu của sự sống lại.” Như thế, hoàn toàn đồng ý với câu trích mời gọi chúng ta bắt đầu làm chứng bằng chính cuộc đời của mình! Đức Phaolô VI đã nói về việc này: “Con người thời buổi này nghe chứng nhân nhiều hơn là nghe các vị thầy, nếu họ nghe các vị thầy là vì những người này là các chứng nhân1”.
Nhưng vấn đề của câu trên là nó miễn cho chúng ta phải cố gắng để loan báo. Chỉ cần sống là tín hữu kitô tốt là chúng ta đã làm bổn phận của mình. Vậy mà theo Chúa Giêsu là phải loan báo danh Ngài cho tất cả các dân tộc? Câu trả lời rất đơn giản: “Chúng ta đừng nói nữa nhưng sống như tín hữu kitô gương mẫu, và người khác sẽ đến hỏi chúng ta Chúa Giêsu là ai.” Đó là phương pháp mới để rao giảng Tin Mừng. Nhưng có khi nào có ai ngừng lại để hỏi bạn khi bạn vừa ra khỏi nhà thờ, trên cổ còn đeo tượng ảnh phép lạ: “Thưa ông, thưa bà, xin ông bà cho biết nụ cười của ông bà từ đâu đến, ánh sáng trên đôi mắt của ông bà từ đâu đến?” Tôi muốn tin điều này đã xảy đến cho các bạn không lúc này thì lúc khác, nhưng các bạn cũng thú nhận là không phải lúc nào người ta cũng hỏi. Nhất là khi xã hội phương Tây ngày nay chủ trương… dửng dưng: ai tin gì thì tin, đó không phải là vấn đề của tôi! Vậy phải viết lại đoạn cuối chương 28 Phúc Âm thánh Mát-thêu: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ… nhưng phải chờ họ đặt câu hỏi cho anh em!”
Đúng, làm chứng bằng chính đời sống là điều tiên quyết. Không, nó không miễn cho chúng ta việc loan báo! Từ thời Đức Phaolô VI ngài đã giải thích rõ ràng:
“Chứng ngôn đẹp nhất về lâu về dài sẽ chứng thực sự bất lực nếu nó không được khai sáng, không được làm rõ bằng lời loan báo rõ ràng, không lập lờ của Chúa Giêsu. Tin Mừng được loan báo bằng chính chứng từ của cuộc sống sớm muộn gì cũng được loan báo bằng lời của sự sống. Không có rao giảng Tin Mừng đích thực nếu danh Ngài, giáo huấn, đời sống, lời hứa, nước Chúa, mầu nhiệm Chúa Giêsu Nadarét con Thiên Chúa không được loan báo1.”
Dụ ngôn cái xiềng
Chúng ta được mời gọi để loan báo Tin Mừng như anh Matthieu và cô Liga đã làm. Cùng một lúc, chúng ta phải tôn trọng tự do của mỗi người. Làm thế nào để giải quyết phương trình này? Tôi cố gắng trả lời cho các bạn qua dụ ngôn cái xiềng.
Chìa khóa
Các bạn hình dung người tù khổ sai đi bộ ở cảng với cái xiềng cột nặng ở chân. Ngày xưa các bạn cũng là người tù khổ sai nhưng có người đã giải phóng cho bạn và bây giờ bạn có chìa khóa. Bạn đi bên cạnh người tù khổ sai này, vừa đi vừa huýt sáo vừa tung tăng lắc xâu chìa khóa. Trong lòng bạn thầm nhủ:
– Tôi tôn trọng họ, mỗi người có đời sống của riêng mình, mỗi người có khó nhọc khổ sai của riêng mình!
Hoặc bạn ngừng lại và nói với họ:
– Nếu bạn muốn, đây là chìa khóa của bạn. Có thể họ sẽ dùng, có thể họ sẽ không dùng chìa khóa của bạn.
Chuyện này không thuộc về bạn. Nhưng một chuyện chắc chắn, cách hay nhất để tôn trọng họ không phải là cách đi bên cạnh họ vừa đi vừa huýt sáo, xem như không có chuyện gì xảy ra, nhưng cách hay nhất là đề nghị với họ xâu chìa khóa của mình.
Tất cả là ở chữ: đề nghị. Thánh Gioan-Phaolô II đã nói: “Đức tin là đề nghị, đức tin không áp đặt2.” Nhưng nếu chúng ta không còn đề nghị đức tin thì làm sao người khác có thể nhận được? Thánh Phaolô đã viết trong thư gởi tín hữu Rôma: “Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi?” (Rm 10,14).
Các khổ nhọc
Tôi ý thức hình ảnh cái xiềng có thể làm người không tin ngạc nhiên, và có thể họ cũng chẳng vui khi bị so sánh với người tù khổ sai. Nhưng mọi so sánh đều có giới hạn của nó, ở đây phải hiểu là tín hữu kitô xác quyết mình được Chúa Giêsu cứu, và như thế Ngài cứu mọi người khỏi mọi khổ nhọc của họ. Sống có Ngài hay không có Ngài không phải cùng là một đời sống. Không nên hiểu trong nghĩa tiêu cực nhưng nên hiểu theo nghĩa tích cực.
Không bao giờ là dễ dàng khi quyết tâm rao giảng đức tin của mình vào Chúa Giêsu, nhất là muốn rao giảng nhiều nhất có thể. Dĩ nhiên là dễ hơn nếu mình cứ ở nhà yên ấm trong phòng khách chờ người khác đến hỏi mình. Trong một lần nghe giảng, tôi nghe câu đau nhói của linh mục cựu Bề trên Tổng quyền Dòng Đa Minh Timothy Radcliffe: “Tín hữu kitô rao giảng Tin Mừng là người bị đóng đinh, tín hữu kitô không rao giảng Tin Mừng là người đã chết.”
Thước đo
Điều mang lại động lực cho chúng tôi trong việc loan báo Tin Mừng là chúng tôi hiểu, công việc này là cách thế tốt nhất để chúng tôi lớn lên trong chính con đường thiêng liêng của mình. Đúng vậy, Đức Gioan-Phaolô II đã nói rất đúng về việc này, truyền giáo là thước đo đức tin chúng ta. Bạn mơ có một phương cách để định giá tương quan của bạn với Chúa Kitô? Bạn muốn có cây thước để đo chiều dài đức tin của mình? Vậy bạn nên tự hỏi ước muốn chia sẻ ở mức nào trong lòng mình, bạn sẽ có câu trả lời.
Thước đo này có thể áp dụng cho toàn Giáo hội: “Trong lịch sử Giáo hội, sự tích cực truyền giáo luôn là dấu hiệu của một sức sống, cũng như sự suy giảm là dấu hiệu của khủng hoảng đức tin2.”
Viêm gan Đ
Các bạn đã biết bệnh viêm gan A, B, C, bạn có biết viêm gan Đ là gì không? Đó là khủng hoảng đức tin của tín hữu kitô. Khi mặt người tín hữu xanh lè, buồn bã, chán nản. Làm thế nào để lấy lại sức, để chữa lành cho cơn khủng hoảng đức tin này, họ phải dùng con đường truyền giáo. Rao giảng mang lại một sức sống phi thường cho chính đức tin của chúng ta, như Thánh Gioan-Phaolô II đã nói: “Đức tin làm mạnh đức tin khi mình cho đi2.” Đúng vậy, trong tất cả tiến trình loan báo Tin Mừng, chúng ta được sự trợ giúp của Thần Khí: “Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em” (Mt 10,19-20).
Mỏ hàn
Nếu bây giờ bạn tin chắc mình phải chia sẻ đức tin cho những người chung quanh mình thì bạn phải cầu nguyện để có được ơn khôn ngoan và phân định. Dĩ nhiên là dễ dàng để nói về đức tin của mình khi trò chuyện bông lông với đồng nghiệp của mình ở văn phòng. Điều chủ yếu là trong lòng, mình luôn có ước muốn chia sẻ, không có gì là bắt buộc. Phải làm một cách tế nhị. Đó là điều thường thiếu nơi những người mới chia sẻ. Họ quá say sưa và đôi khi vụng về. Tôi xin giải thích chuyện này qua một hình ảnh rất đẹp, đó là dụ ngôn mỏ hàn. Các bạn chắc đã từng xem các phim trong đó có cảnh tên cướp có vũ khí dùng mỏ hàn để mở két sắt. Khi ngọn lửa cháy lên, mới đầu nó vàng và rất lớn, nhưng nó chỉ đen và không có hiệu quả. Tên cướp điều chỉnh hơi ga và ngọn lửa nhỏ lại, ngọn lửa có màu xanh và đủ sức mở được két sắt to nhất. Cũng vậy với cách chúng ta giới thiệu đức tin. Có những người nói không chừng mực, nói trên trời dưới đất. Nghe “vang” nhưng không hiệu quả, có khi lại có tác dụng ngược. Có những người nói ít nhưng chừng mực, lời của họ chọc thủng được các tâm hồn chai đá nhất.
Một bổn phận và là một quyền
Chúng ta quyết định đi ra khỏi tiện nghi của mình, đi ra khỏi nhà thờ của mình, đi ra khỏi “chúng tôi luôn làm như vậy” để đi đến “các vùng ngoại vi” như Đức Phanxicô mời gọi. Ngài mời gọi chúng ta đừng bao giờ rao giảng Phúc Âm bằng cách chiêu dụ nhưng bằng lôi cuốn. Và cùng một lúc, ngài nhắc cho chúng ta nhớ cách mà các giáo hoàng tiền nhiệm của ngài đã nói: “Mọi người đều có quyền nghe ‘Tin Mừng’ của Chúa, Đấng thể hiện và hy sinh nơi Chúa Kitô để thực hiện trọn vẹn ơn gọi của mình. Và quyền này phù hợp với một bổn phận, đó là bổn phận rao giảng Phúc Âm!”
Với những lời sắc bén của mình, Đức Phanxicô nói với chúng ta, chúng ta không thể nào chỉ dựa trên người khác để rao giảng Tin Mừng, chúng ta không thể nào bằng lòng mình chỉ là “môn đệ giữ đạo bình thường”, vì môn đệ có nghĩa là truyền giáo:
“Mỗi tín hữu đã được rửa tội, dù họ ở chức vụ nào trong Giáo hội, dù mức độ chỉ dẫn đức tin của họ như thế nào, họ là đương sự tích cực trong việc rao giảng Tin Mừng, và sẽ không phù hợp nếu họ nghĩ chương trình rao giảng Phúc Âm chỉ có được nơi những người có thẩm quyền, còn các tín hữu chỉ là người hưởng lợi ích từ công việc của những người có thẩm quyền này.
Việc rao giảng Tin Mừng bao gồm tất cả những người đã được rửa tội, họ là nhân vật chính làm theo một cách mới. Xác quyết này biến đổi thành lời mời gọi cho mỗi tín hữu kitô, để không một ai từ chối sự cam kết rao giảng Phúc Âm của mình, vì nếu họ thực sự có được cảm nghiệm tình yêu của Chúa đã cứu họ, thì họ không cần nhiều thì giờ để chuẩn bị cho việc loan báo, họ không thể nào chờ để có thêm bài học, có thêm chỉ dẫn.
Mọi tín hữu kitô là nhà truyền giáo trong mức độ họ đã gặp Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô; chúng ta không còn nói mình là ‘môn đệ’ và ‘truyền giáo’, nhưng luôn luôn chúng ta là ‘môn đệ-truyền giáo3’”.
Và đúng vậy, Thánh Phaolô đã nhắc chúng ta: “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1 Cr 9,16). Vậy hạnh phúc cho tôi nếu tôi rao giảng Tin Mừng!
1- Tông huấn Loan báo Tin Mừng, Evangelii nuntiandi, Đức Phaolô-VI, 1975
2- Thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Thế, Redemptoris Missio, Đức Gioan-Phaolô II 7-12-1990
3- Tông huấn Niềm vui Tin Mừng Evangelii gaudium, 2013
Marta An Nguyễn dịch
Dụ ngôn cái xiềng hay làm sao nói về đức tin của mình mà vẫn tôn trọng tự do của người khác?
Đức Phanxicô sẽ đến thăm Tiểu Vương quốc Ả-Rập từ ngày 3 đến ngày 5 tháng 2-2019. Ngày 5 tháng 2, ngài sẽ cử hành thánh lễ tại Abu Dhabi.
cath.ch, Bernard Hallet, 2019-01-30
Ngày thứ ba 5 tháng 2, các nhân viên làm việc trong lãnh vực tư nhân có vé đi dự thánh lễ tại sân vận động Zayed Sports City, Abu Dhabi do Đức Phanxicô cử hành sẽ được nghỉ việc để đi lễ.
Ngày 29 tháng 1, trang thông tin Gulf News cho biết, bộ trưởng Nhân sự đã loan báo tin trên nhằm giúp các nhân viên trong lãnh vực tư dễ dàng tham dự sự kiện này, nói lên sự cam kết của Tiểu Vương quốc Ả-Rập thống nhất trong việc chấp nhận và mở ra với tinh thần “Năm khoan dung” và làm thuận lợi cho việc đối thoại liên tôn.
Chuyến thăm đầu tiên của một giáo hoàng đến bán đảo Ả rập
Theo lời mời của lãnh tụ hồi giáo Mohammad bin Zayed Al Nahyan, thái tử kế vì của Abu Dhabi, Đức Phanxicô đã có chuyến đi này, ngài sẽ tham dự “Cuộc họp liên tôn quốc tế về tình huynh đệ của nhân loại” sẽ tổ chức vào ngày 5 tháng 2.
Sự kiện này được Hội đồng kỳ lão hồi giáo tổ chức quy tụ 600 đại diện các cộng đoàn tôn giáo khác nhau có sự hiện diện của lãnh tụ hồi giáo Ahmed al Tayyib, giáo sĩ hồi giáo của Đại học Ai Cập al-Azhar, một viện đại học có ảnh hưởng nhất của hồi giáo sunnit.
Khoan dung tôn giáo
Khoan dung tôn giáo không phải là một chuyện mới vì theo bảng báo cáo của tổ chức Môi trường Abu-Dhabi về tự do tôn giáo trên thế giới thì tháng 11 năm 2016, Tiểu Vương quốc Ả-Rập đã tổ chức một cuộc hội thảo để thảo luận về các phương tiện nhằm cổ động cho sự khoan dung và hiểu biết.
Các đại diện tôn giáo đã được mời đến dự cuộc họp, trong số này có Tổng Giám mục Justin Welby, tòa giám mục Canterbury, đại diện cao nhất của Anh giáo và giáo sĩ Ahmed El Tayeb, viện đại học Al Azhar và chủ tịch Hội đồng kỳ lão Tiểu Vương quốc Ả-Rập thống nhất. Cuộc hội thảo đã quyết định thành lập một tổ chức cho các người trẻ xuất thân từ các văn hóa và quốc tịch khác nhau để cải thiện và khuyến khích sự khoan dung.
Nhà thờ hồi giáo nổi tiếng
Tháng 6 năm 2017, giáo sĩ Mohammad Ben Zayed Al-Nahyan đã đặt tên lại cho nhà thờ hồi giáo Cheikh Mohammad Ben Zayed thành nhà thờ “Maria, Mẹ Chúa Giêsu”. Quyết định này nhằm “củng cố mối liên kết giữa các tín hữu của nhiều tôn giáo khác nhau” và nói lên sáng kiến của Tiểu Vương quốc Ả-Rập thống nhất trong việc cổ động sự bao dung tôn giáo trong vùng.
Tháng 12 năm 2017, thủ tướng các Tiểu Vương quốc Ả-Rập thống nhất và Tiểu Vương quốc Dubai, giáo sĩ Mohammed Ben Rachid Al-Maktoum đã chỉ định cây cầu dành cho người đi bộ ở kênh Dubai vừa được xây được đặt tên là “cây cầu khoan dung”. Trước đó ông tuyên bố “tình yêu và lòng khoan dung là cây cầu hiệp thông, là ngôn ngữ chung nối kết tình nhân loại qua các ngôn ngữ, tôn giáo và văn hóa khác nhau”. Ông nói thêm, đây là “các nền tảng của các Tiểu Vương quốc Ả-Rập”.
12, 4% tín hữu kitô
Theo Hiến pháp năm 1971 (điều.7), “Hồi giáo là tôn giáo chính thức của liên bang. Luật hồi giáo là nguồn luật pháp chính của các Tiểu Vương quốc Ả-Rập thống nhất”. Tuy nhiên điều 25 loại bỏ mọi kỳ thị tôn giáo: “Các công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Không một phân biệt nào giữa công dân các Tiểu Vương quốc Ả-Rập được dựa trên chủng tộc, quốc tịch, đức tin hay địa vị xã hội”.
Điều 32 ấn định: “Tự do thờ cúng được đảm bảo theo các truyền thống có hiệu lực với điều kiện tự do này phù hợp với trật tự công cộng hoặc không vi phạm đạo đức công cộng”. Theo thống kê, Tiểu Vương quốc Ả-Rập có 76,7% dân số là người hồi giáo và 12,4% tín hữu kitô, 6,5% tín hữu theo Ấn giáo.