Linh mục Hans Zollner: Sau cuộc khủng hoảng lạm dụng, làm thế nào chúng ta có thể trở lại với gốc rễ kitô giáo của mình?

301

Linh mục Hans Zollner: Sau cuộc khủng hoảng lạm dụng, làm thế nào chúng ta có thể trở lại với gốc rễ kitô giáo của mình?

americamagazine.org, Jim McDermott, 2018-09-17

Linh mục Dòng Tên Hans Zollner, chủ tịch Trung tâm Bảo vệ Trẻ em tại Đại học Giáo hoàng Gregoria Rôma phát biểu tại một cuộc họp báo trong lần ra mắt chính thức Trung tâm vào tháng 2, năm 2015. Bên cạnh là Đức Hồng Y Sean P. O’Malley, giáo phận Boston, người đứng đầu Ủy ban giáo hoàng Bảo vệ Trẻ em. (Ảnh CNS / Paul Haring)

Linh mục Dòng Tên người Đức Hans Zollner là nhà tâm lý học và nhà trị liệu tâm lý, tiến sĩ thần học. Linh mục là một trong các chuyên gia hàng đầu của Giáo hội trong lĩnh vực bảo vệ trẻ vị thành niên, Chủ tịch Trung tâm Bảo vệ Trẻ em tại Đại học Giáo hoàng Gregoria ở Rôma, thành viên Ủy ban giáo hoàng Bảo vệ trẻ vị thành niên, cố vấn cho Bộ Giáo sĩ.

Báo American Magazine đã thảo luận với Linh mục Zollner vào tháng bảy và gần đây tiếp tục thảo luận khi có cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục ở Mỹ làm rung chuyển Giáo hội. Đây là của phỏng vấn đầu tiên trong ba cuộc phỏng vấn của linh mục Dòng Tên James McDermott trong tiến trình của cuộc khủng hoảng lạm dụng này.

Phản ứng của cha về những gì chúng ta thấy ở Mỹ và các nơi khác trong tháng vừa qua?

Ấn tượng mạnh nhất mà tôi có là cơn khủng hoảng đã đạt đến một cấp độ khác. Các cuộc thảo luận và nhận thức, cường độ, đặc biệt là ở Mỹ rất đáng ngạc nhiên vì chúng ta đã sống qua những chuyện này nhiều năm rồi. Và nó cho thấy các chia rẽ (xã hội và chính trị) của Mỹ rõ rệt trong giáo hội và trong đất nước.

Nhưng tại sao nó gây sốc cho rất nhiều, bên tả cũng như bên hữu qua sự rạn nứt này? Đó là vì mức độ che đậy của các nhà lãnh đạo giáo hội trong quá khứ và trách nhiệm của họ (dù ý thức hệ của họ như thế nào) đang trở nên rõ ràng hơn. Và kế đến là câu hỏi bây giờ mọi người giải quyết các vấn đề này như thế nào.

Vấn đề của hồng y McCarrick cũng liên hệ đến phong trào #MeToo, trong chừng mực phong trào #MeToo đã cho phép người dân đương đầu với những người từ trước đến nay không thể đụng tới, tấn công những người mà họ không bao giờ dám nói hay tố cáo. Những người trước kia được cho là “thần thánh”  thì bây giờ những người này ở vào tầm tay, đủ gần để chất vấn và chỉ trích.

Và khi nói đến Giáo hội, trọng tâm chính không còn là các linh mục lạm dụng nhưng là các giám mục đã che đậy. Đây là một cái gì rất mới, rất gần đây. Đúng, vấn đề đã ở đây từ lâu, nhưng cường độ hiện nay cho thấy có một mức độ nhạy cảm khác và một mức độ cần minh bạch và tính xác thực.

Thật thú vị khi nghe cha nói về cách những người không thể đụng tới, bây giờ lại có thể hoàn toàn… đụng tới được. Cuộc tấn công vào giáo hoàng dường như là biểu hiện cuối cùng của chuyện này.

Đúng, giáo hoàng không còn không thể đụng tới được. Và tôi nghĩ, trước hết đó là kết quả của việc Đức Bênêđictô XVI từ chức, cho thấy rõ ràng giáo hoàng cũng là một con người. Ngài đã giải huyền thoại về giáo hoàng bằng cách từ chức; sự việc Đức Phanxicô là người thực tế, dễ tiếp cận, chắc chắn cũng là một trong những yếu tố cho phép mọi người cảm thấy có quyền tấn công các giáo hoàng, một cách cá nhân (và tôi sẽ nói, không còn sự tôn trọng cần thiết).

Và tôi tin điều này chính xác trong tầm thấu hiểu của Đức Phanxicô về triều giáo hoàng, về giám mục, về phong chức – các linh mục-thần thánh bây giờ là chuyện của quá khứ. Cũng như chúng ta có thể chỉ trích các chính trị gia, những nhà lãnh đạo khác, nếu họ không làm những gì họ phải làm, người dân có thể công khai nói về các khuyết điểm của hệ thống cấp bậc.

Mức độ che đậy của các nhà lãnh đạo giáo hội trong quá khứ và trách nhiệm của họ bây giờ trở nên rõ ràng hơn.

Theo cha, đâu là các biện pháp cụ thể sắp tới Giáo hội Mỹ phải thực hiện?

Tôi sẽ nói, các giám mục phải cam kết tôn trọng quy tắc ứng xử và các thủ tục phải được đưa ra để không còn bị cáo buộc che đậy.

Đây có thể sẽ là một mô hình cho toàn giáo hội nếu họ dấn thân đi trên con đường này. Ví dụ với một giám mục bị buộc tội. Đồng ý là chúng ta sẽ triệu tập một bồi thẩm đoàn, – có thể gọi bất cứ tên nào mình đặt tên cho sự triệu tập này -, những người trong một ủy ban hỗn hợp, và họ sẽ rút ra các việc; sẽ xem có luận cứ và nếu có luận cứ được xác nhận, thì khi đó sẽ báo về Rôma. Một đề xuất như vậy kết quả có thể quyết định cho thủ tục này để có thể tiếp tục tại Rôma. Đức Phanxicô trong tự sắc “Như người mẹ yêu thương” đã bắt đầu, nhưng chúng ta không biết liệu chuyện này có được tuân theo hay không và tiến trình nào được đưa ra trong trường hợp có cáo buộc.

“Ủy ban hỗn hợp” là gì?

Giáo dân, linh mục, giám mục, tất cả các chuyên gia đều có thể thâu thập bằng chứng. Một trong những vấn đề của giáo luật là chúng tôi không có danh sách hình phạt chi tiết và xác định rõ ràng về tội phạm cho các tội ác, chúng ta sẽ cần điều này. Chúng ta cần biết đâu là biện pháp cụ thể để trừng phạt giám mục đã che đậy các hành vi lạm dụng.

Ngoài ra, giả sử chúng ta đang ở trong một trường công giáo và “Tu sĩ Brown”  là người lạm dụng. Bạn sẽ viết cho ai? Đây không phải Bộ giáo sĩ. Đây cũng không phải là Bộ Giáo lý Đức tin. Đây là nhà Dòng của các tu sĩ vì chúng ta nói đến một tu sĩ, chứ không phải một linh mục. Nhưng thêm một lần nữa, cho đến nay, các hình phạt trên một người không phải là tu sĩ lạm dụng trẻ vị thành niên cũng chưa được chính xác. Cũng không có hình phạt do giáo hội quy định cho bất cứ giáo dân nào. Đây là những chuyện mà tôi nói chúng ta cần phải xem lại.

Trong một cuộc nói chuyện gần đây, cha đề cập đến “Hiệp ước Hầm mộ”  (Catacomb Pact) của thời Vatican II, điểm tham chiếu có thể hữu ích cho các giám mục ngày nay. Xin cha triển khai vấn đề này?

Vào cuối Công đồng Vatican II, bốn mươi hai giám mục gặp nhau ở một trong các hầm mộ kitô giáo đầu tiên và cam kết có một lối sống đơn giản, từ bỏ các dấu hiệu của quyền lực và địa vị, thực sự từ bỏ quyền kiểm soát và mời gọi sự can dự của phụ nữ trong các hội đồng có quyết định. Và họ cam kết đưa công việc mục vụ dành cho những người dễ bị tổn thương nhất lên hàng đầu.

Chúng ta đang ở thời điểm khủng hoảng thực sự của Giáo hội. Tôi nghĩ không ai phủ nhận điều này. Vậy điều này có nghĩa là gì? Chúng ta cần quay trở lại với nguồn gốc của mình. Và nguồn gốc luôn là lối sống đơn giản, cam kết và nhất quán mà Chúa Giêsu Kitô đã sống và yêu cầu chúng ta sống, tập trung sự chú ý vào Chúa và người anh em chúng ta, chứ không trên tiện nghi thoải mái dường như không thể thiếu, các dấu hiệu quyền lực, uy tín và đặc quyền.

Điều này có nghĩa phải thật sự chia sẻ quyền lực, mời các chuyên gia giáo dân tư vấn và làm theo lời họ, kiểm tra chức năng và tài chính trong việc quản trị Giáo hội, không thiên vị khi chọn người, phải trung thực và xây dựng, bỏ các ưu tiên và các đặc lợi cá nhân.

Các vị tử đạo được chôn trong các hầm mộ này nhắc nhở chúng ta Tin Mừng mang một cái giá, đôi khi là giá của cái chết. Nhưng ngay cả khi không có tử đạo theo nghĩa thể lý, thì cũng có một hình thức thử thách trong cuộc sống của chính chúng ta, rằng theo Chúa Giêsu Kitô phải trả một giá. 

Lúc này, cha mong các giám mục hiểu điều gì?

Tôi hy vọng bây giờ các giám mục hiểu, một lần cho thật trọn vẹn, những gì họ phải sống cho sứ mạng và cho trách nhiệm của họ về mặt đạo đức, giáo luật và thiêng liêng. Và phải vượt trên sự tuân lệnh đơn giản: Họ có quyết tâm và cam kết hết lòng hết sức để làm tất cả những gì có thể hầu không còn một ai bị hại và nếu có ai bị hại thì sẽ có được công lý bênh vực, hay không?

Tôi nghĩ những việc điều tra thêm, xin lỗi bằng những lời lẽ khác, hay tỏ ra hối hận, những kiểu đó giờ không còn đủ nữa. Đã đến lúc phải có thay đổi sâu sắc hơn, theo thuật ngữ kitô giáo là “sự hoán cải của quả tim”.

Điều này có nghĩa là theo lời kêu gọi của Chúa Giêsu, đặt những người dễ bị tổn thương nhất vào cốt lõi của sự chú ý và sứ mệnh chúng ta. Đây không phải là một thứ phụ vào, như thử một chuyện chúng ta phải làm thêm, chúng ta phải giải quyết ngay bây giờ, rồi sau một thời gian, chúng ta quay lại với sứ vụ “thật” của mình. Đây là DNA của Giáo hội và phải được huy động một cách tự động trong tất cả suy nghĩ, lập kế hoạch và hành động của chúng ta.

Quan điểm của tôi, chỉ một mình luật mà thôi thì không đủ để giải quyết các vấn đề. Đúng, chúng ta cần các tiêu chuẩn và chiến lược. Nhưng văn hóa là thứ đè bẹp chiến lược, và luật pháp không thể một mình mà có thể thay đổi văn hóa.

Những người không tuân thủ luật pháp (chẳng hạn những người phạm tội giết người, lừa gạt, mặc dù họ biết điều đó sai và sẽ bị trừng phạt), vì sao họ không tuân thủ? Bởi vì họ không thực sự được thuyết phục. Liên quan đến việc bảo vệ, có một tương tác giữa chính sách, định mức, thủ tục và hướng dẫn: giáo luật là một mặt và thái độ và sự sẵn lòng hợp tác của người kia – chứ không phải chỉ vì tôi bị buộc phải làm để người trẻ được an toàn và những người đã bị tổn hại nhận được tất cả sự giúp đỡ và hỗ trợ mà họ có quyền.

Có, chúng ta cần luật, và do đó tôi đã đề nghị các luật sư giáo luật nên xem lại để định nghĩa rõ ràng những gì có thể bị trừng phạt và nó sẽ bị trừng phạt như thế nào, không để chỗ cho phân biệt đối xử và đưa ra quyết định cho thẩm quyền cấp cao như hiện tại. Nhưng chúng ta cũng cần thay đổi văn hóa và thái độ theo nghĩa “Tôi sẵn sàng làm tất cả những gì có thể làm, phải trả một giá cao, một giá có thể cao hơn là sự từ chức của tôi, làm tất cả những gì tôi có thể làm để các người trẻ được an toàn.

Tôi đã nghe cha nói về sự cần thiết các nhà thần học phải tham gia vào cuộc nói chuyện này. Cha có thể giải thích điều đó không?

Vai trò của các nhà thần học sẽ là và nên là, họ suy nghĩ về sự hiện diện của điều ác này, tất cả các hậu quả cho các nạn nhân, cho những người liên hệ, cho Giáo hội bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng lạm dụng này. Làm sao mà Giáo Hội của Chúa Giêsu Kitô lại có các nhà lãnh đạo làm những điều ác, chỉ chăm chăm lo cho mình, thiếu can đảm và làm ngơ trước cuộc đời những trẻ em không được chú ý, bị ngược đãi, bị phủ nhận hay bị che đậy như vậy?

Ngoài ra, một câu hỏi lớn về mặt thần học đối với tôi: đâu là vai trò của linh mục ngày nay? Một linh mục làm gì ngày nay? Chúng ta thấy ở hầu hết các nước, ít nhất là ở phương Tây, họ làm đủ mọi thứ, không nhất thiết đây là công việc mục vụ và thiêng liêng của chức thánh. Họ quản lý, làm giấy tờ, tổ chức, những chuyện mà họ không được đào tạo và giám sát cụ thể.

Cha có thể mang đến gì cho thần học từ bên trong của chức linh mục (và cho cả chức giám mục) những gì là thiết yếu và làm thế nào để định nghĩa điều này cho ngày nay?

Trong cùng một đường hướng: chúng ta hiểu Giáo hội trong thế giới ngày nay như thế nào? Chúng ta cần học gì trong mối quan hệ với xã hội hiện đại, với khoa học hiện đại, với quản trị hiện đại? Có một mô hình thần học bị ngắt kết nối khỏi tất cả điều này, và mọi người có thể nói thần học hoàn toàn tách khỏi những chuyện này không, nhưng chúng ta có phải cần suy nghĩ trong bối cảnh cuộc sống hằng ngày mà chúng ta đang sống không?

Ví dụ, trong thời đại của truyền thông đại chúng, của truyền thông xã hội, tính minh bạch, tính xác thực, v.v., chúng ta có cần phải suy nghĩ về tác động của nó đối với đời sống đức tin của chúng ta, mối quan hệ giữa chúng ta, mối quan hệ của chúng ta với Chúa không?

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch