Home Blog Page 888

John Henry Newman: Hành trình Bản Ngã

John Henry Newman: Hành trình Bản Ngã

Trích sách Bản đồ đức tin (Faith Maps, Michael Paul Gallagher, Nhà xuất bản: Darton, Longman and Todd Ltd, 2010

Từ lúc còn sinh thời, Đức Hồng Y Newman đã được xem là một trong những người khổng lồ của thời đại mình. Khi qua đời ở tuổi chín mươi, hàng trăm cống hiến của ngài được xuất bản trên các nhật báo và tạp chí ở Anh, kể cả những tòa soạn ít quan tâm đến các vấn đề Giáo hội cũng đăng về ngài. Nhiều trong số các bài tưởng niệm khen ngợi văn phong văn xuôi của ngài (như văn sĩ James Joyce sau này đã công nhận mình ghen tỵ với ngôn ngữ văn hoa “gân bạc” của ngài) Nhưng những lời vinh danh vào năm 1890 cũng công nhận một nhân vật tâm linh vĩ đại, người mang lại minh triết mới cho chất vấn về sự dấn thân lòng đạo. Chẳng hạn như một bài bình luận rộng rãi đến ngạc nhiên của tờ Người suy nghĩ tự do (Freethinker), một tạp chí định kỳ của người vô thần:

“Newman là văn phong trong sáng nhất và là thần học gia vĩ đại nhất của ngôn ngữ của chúng ta. Tài hùng biện hoàn hảo của ngài đã thu hút được cả những người đối lập khó tính nhất… một người vô thần triệt để nhất hẳn sẽ hối tiếc vì đã phải bất đồng với ngài… Chúng ta tự nói với nhau, “Đây còn hơn cả người Công giáo, hơn cả thần học gia, đây là người có đời sống nội tâm mãnh liệt, một trong số ít những người hiểu được tâm hồn nhân loại, một người đã lần theo được các dấu vết vi tế nhất trong tâm hồn con người, giúp cho độc giả hiểu được chính bản thân mình.”

Thực vậy, tất cả phẩm chất đáng ngưỡng mộ nơi Hồng y Newman đều cống hiến cho một mục đích duy nhất. Say mê điều hướng suốt cuộc sống thọ của ngài chính là khao khát làm cho nhãn tượng Kitô có ý nghĩa trong một thời đại mà niềm tin vào Thiên Chúa dường như đang gặp trắc trở nghiêm trọng. Luôn luôn cảnh giác với các dòng văn hóa chung quanh, Hồng y Newman tận hiến sinh lực của ngài để chúng ta có được đức tin, và ngài đã làm điều đó dưới nhiều hình thức khác nhau, từ các bài giảng cho đến các suy tư thần học, từ tự truyện đến thơ văn hay tiểu thuyết. Đặc nét trong đường lối tiếp cận của ngài vẫn còn tác động đến suy tư về niềm tin tôn giáo, và ngài vẫn là người tiên phong mở đường cho thần học đức tin suốt một thế kỷ qua hay xa hơn nữa. Ngài thích nói rằng, các lý chứng hiển nhiên nhất về Thiên Chúa đã có sẵn trong con người chúng ta, vì thế ngài đưa lý luận của ngài đi ra khỏi các lý lẽ bên ngoài, chỉ hướng vào lãnh vực riêng tư và tiền-lý tính của thiện ý đón nhận luân lý và tâm linh. Không rơi vào chủ nghĩa chủ quan, ngài khám phá các chuyển biến nội tâm của bản ngã hướng đến chân lý. Thật vậy, năm 1991 Đức Hồng Y Ratzinger đã nhận xét rằng, từ sau thánh Augustinô, không thần học gia nào chú tâm đến đến chủ đề nhân sinh nhiều đến thế.

Ba thách thức về mặt văn hóa  

Newman thời trẻ thấy chính mình phải đối diện với ba thách thức lớn của đức tin.

Thứ nhất là chủ nghĩa duy lý hẹp hòi đi kèm với chứng minh khoa học. Theo quan điểm của Newman, để bảo vệ đức tin, thì lý luận cần phục hồi lại tầm mức hiện sinh trọn vẹn của mình, không phải đơn giản là ‘lý luận trên giấy tờ’ mà là một sự chuyển biến toàn thể con người. Ngài nhấn mạnh, đức tin không bao giờ đơn thuần là một kết luận của trí tuệ: đức tin liên quan đến Lời mặc khải đã chạm vào trong sâu thẳm nhân tính chúng ta rồi khơi mở cho chúng ta một cuộc phiêu lưu biến đổi kéo dài suốt cả cuộc đời. 

Thứ hai, là những gì ngài gọi là ‘chủ nghĩa tự do.’ Ngài là một người khởi xướng vĩ đại cho ‘giáo dục tự do,’ nhưng những gì ngài phản đối chủ nghĩa tự do trong tôn giáo là ý tưởng lan tràn rằng ‘không có chân lý chắc chắn trong tôn giáo’ (những lời ngài nói khi chịu chức Hồng y ở tuổi 78). Ngài đã kịch liệt phản đối xu thế đương thời khi hạ đức tin xuống thành một loại quan điểm riêng, tựa như khiếu thưởng thức âm nhạc của từng người. Một trong những bài thơ đầu tiên của ngài với tựa đề ‘Chủ nghĩa tự do’ nói lên sự nguy hiểm đó với những lời sau:

Hỡi con người mang lòng tự phụ!

Ngươi không thể nào hạ xuống

Tin mừng ân sủng Chúa.

Theo các vầng thơ viết năm 1833 này, thì ngài thấy những người theo chủ nghĩa tự do giải thích tôn giáo theo cách thuần nhân văn, xem tôn giáo như nguồn suối an bình hay có thiện hướng, và như thế họ muốn tránh đi ‘quyền uy sâu thẳm của ân sủng.’ Sự mơ hồ thời thượng này, ẩn giấu dưới lớp vỏ khoan dung, có vẻ hấp dẫn đối với tầng lớp trung lưu thong dong của thời Victoria ở Anh quốc. Tiêu chuẩn của con người lại trở nên chuẩn mực của chân lý. Khi suy nghĩ mập mờ và thái độ ích kỷ đi chung với nhau, nó sinh sản ra một loại Tin Mừng pha loãng mà Newman gọi là ‘tôn giáo thời buổi này.’ Nhưng đối với ngài, đức tin không bao giờ bị giới hạn theo tầm mức của cái tôi, mà ngược lại, chính đức tin sẽ xóa mòn mọi tự mãn của chúng ta.

Thách thức thứ ba đến từ chính bên trong thế giới tôn giáo. Có lẽ dưới tác động của trào lưu lãng mạn trong thơ ca và nghệ thuật, các phong trào phục hưng đã nhấn mạnh rất nhiều đến cảm giác tôn giáo và cảm nghiệm của sự biến đổi. Newman luôn đánh giá vai trò của ‘tâm hồn’, ‘tưởng tượng’ và ‘cảm xúc’ trong đời sống đức tin, nhưng ngài vẫn ngờ vực sự chú trọng quá mức về cảm tính tôn giáo. Nó là mối nguy dễ dẫn đến lãng quên lịch sử phong phú của Giáo hội, truyền thống lâu đời của suy niệm thần học, cũng như quên đi trọng tâm của đời sống bí tích. Do đó, không được hạ giá đức tin thành xúc cảm mãnh liệt chủ quan; đó không phải là Tin mừng, Tin mừng khác thế, Tin mừng là một mạc khải dần dần rõ ràng về mầu nhiệm của Chúa Giêsu.

Đối diện với những thách thức này, Newman đã đào sâu suy nghĩ về đức tin và đem lại công bằng cho sắc diện trọn vẹn của cảm nghiệm Kitô. Ngài muốn giúp mọi người nhận ra sự đơn giản, nhưng phức tạp của đức tin. Một mặt, tin tưởng những gì người khác nói với chúng ta là điều cần thiết nhất trong cuộc sống bình thường mỗi ngày. Mặt khác, để đạt đến được niềm tin Kitô vào Thiên Chúa thì không chỉ cần sự ‘đón nhận về ý niệm’: niềm tin Kitô vượt xa hơn bất kỳ sự thừa nhận tri thức hay thần học nào về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Đúng hơn, niềm tin Kitô cần có một chiều kích riêng tư sâu sắc, và vì thế đòi hỏi một ‘đón nhận thực sự’ theo nghĩa là một khi nhận thức được sự hiện hữu của Thiên Chúa thì nhận thức này biến đổi cuộc đời chúng ta. Newman nhất quyết rằng, cách thức chúng ta tin là bình thường và những gì chúng ta tin là phi thường: ‘trong từng giờ phút cuộc sống, chúng ta đang hành động dựa trên sự tin tưởng … đặc tính của tôn giáo không phải là hành động tin mà chính là điều chúng ta tin’ (PPS, I, 191).

Tập trung vào thiên hướng và lương tâm 

Lúc 28 tuổi, Newman đã giảng những lời trên với tư cách mục sư Anh giáo. Mười năm sau, ngài bắt đầu một loạt năm bài giảng tại trường Đại học Oxford, với chủ đề chung về đức tin và lý luận. Ngài đã giảng các bài này vào những thời điểm khác nhau trong khoảng giữa năm 1839 và 1841, và chúng nổi tiếng ngay lập tức. Một số thính giả của ngài, như nhà thơ Matthew Arnold vẫn nhớ lại giọng điệu như âm nhạc với sức lôi cuốn thôi miên người nghe trong các suy tư của ngài. Năm bản văn này cho chúng ta thấy nhân học về đức tin của Newman. Trọng tâm chính yếu của ngài là thái độ riêng của từng người cho chúng ta mở ra hay khép lại lòng mình trước sự khả dĩ của niềm tin Kitô. Rất nhiều lần ngài tách mình ra khỏi trường phái ‘bằng chứng’ nổi trội của đại học Oxford, một trường phái nỗ lực chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa qua trật tự của vũ trụ tự nhiên. Ngài nghĩ rằng họ đã đi nhầm đường. Thay vào đó, Newman chọn con đường thiên về tâm lý hơn, nhấn mạnh vào nội tâm con người. Do khí chất, ngài là người rất hướng nội và thấy được rằng thiên hướng đời sống của chúng ta phù hợp với đức tin, hơn là lối biện chứng bên ngoài của các bạn hữu khoa bảng đồng môn với ngài. Ngài không quan tâm lắm đến bằng chứng về sự hiện hữu của Thiên Chúa, nhưng hướng đến các thái độ cá nhân cụ thể mà một người cần có để đạt đến đức tin.

Điểm nhấn này có lẽ đã khơi mào từ suốt những năm học tại Oxford, lúc ngài có những cuộc tranh luận không đem lại kết quả với Charles, người em trai của ngài sau này thành người vô thần. Tám bức thư còn được lưu giữ cho chúng ta biết đôi điều về những trao đổi này, nhấn mạnh đến những giá trị nội tâm cần thiết cho mọi bước tiến từ không tin đến tin. Ngài nói thẳng với em trai, ‘đầu óc em không sẵn sàng để nghe bất cứ một lý luận nào.’ Bởi ‘bằng chứng nội tâm hiển nhiên tùy thuộc phần lớn vào cảm giác luân lý’ nên sự khước từ đức tin thường khởi đi ‘từ một sai lầm của tâm hồn, chứ không phải của lý trí.’ Ngài thấy em trai mình như bị thành kiến chống lại đức tin cản lối: nghĩa là khi bàn đến ‘chủ đề tôn giáo’ chúng ta có khuynh hướng nhìn mọi thứ ‘qua lăng kính của những lề thói đã có’ (LD, I, 212-226) Như Newman thường lặp lại trong nhiều năm về sau, lý do điển hình của việc khước từ không tin vào Chúa là do tự tin quá mức, do khước từ lạnh lùng và cao ngạo đối với bất kỳ sự lệ thuộc nào, do bác bỏ chính lương tâm của họ. Nỗ lực bất thành để thuyết phục người em trai về chân lý Kitô có lẽ đã khiến ngài ngờ vực về các tiếp cận ngoại tại. Nhưng một cách tích cực hơn, nó làm cho ngài tin tưởng vào khuynh hướng tự nhiên của mình khi chú tâm đặc biệt vào thiên hướng tâm linh của từng người hay của trọn một nền văn hóa.

Trọng tâm hướng đến thái độ nội tâm hay luân lý cần thiết cho đức tin, đã đặt Newman vào thế xung đột với lối biện giáo đương thời – cả trong Anh giáo và Công giáo. Trong Apologia pro Vita Sua (Biện hộ cho sự sống) được viết mười năm sau khi trở lại đạo Công giáo, ngài thẳng thắn nói về sự bực mình của ngài đối với những bằng chứng truyền thống về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Trong một đoạn văn xuất sắc, ngài chỉ ra nền tảng cho lòng mộ đạo vững chắc của ngài chính là ở nơi cảm nghiệm lương tâm của ngài:

Khởi đầu với sự hiện hữu của Thiên Chúa, (như tôi đã nói, là điều tôi chắc chắn như chính sự tất yếu hiện hữu của bản thân tôi…) tôi nhìn ra khỏi bản thân tôi, nhìn vào thế giới con người, và thấy một cảnh tượng dâng đầy lòng tôi một nỗi đau không nói nên lời. Thế gian dường như chỉ đem đến lừa dối cho chân lý vĩ đại, một chân lý tràn ngập trong lòng tôi… Nếu khi nhìn vào gương mà không thấy bộ mặt của tôi, thì cảm giác đó cũng giống như khi tôi nhìn thế giới náo nhiệt sôi động này mà không thấy phản ảnh của Đấng Tạo Hóa… Nếu không có tiếng nói này vang lên rõ ràng trong lương tâm và trong tâm hồn mình, tôi hẳn đã là người vô thần… Tôi không chối bỏ uy lực có thật của những luận cứ chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa, rút ra từ các sự kiện chung của xã hội loài người và của dòng lịch sử, nhưng những điều này không sưởi ấm cũng không soi sáng cho tôi, chúng không đưa tôi thoát khỏi băng giá của tiêu điều, cũng không làm cho chồi non nảy nụ và cành lá trổ sinh trong tôi, chúng không cho hiện hữu tinh thần tôi được vui mừng (A, 241).

Những bài giảng tại đại học và ‘nhiên tính tiền đề’ 

Câu cuối của đoạn trên là một sự khai mở. Sau khi nói lên cái nhìn thương tâm của mình về thế giới, ngài gợi ý cách nhận biết tốt nhất về một đức tin đích thực là nhìn vào hoa trái của nó, bao gồm sự tăng tiến vững chắc của đời sống nội tâm và ý thức hân hoan. Ngài đã đề cập đến cách tiếp cận này mười năm trước trong các bài giảng ở đại học. Điều thú vị là, sau khi trở lại đạo Công giáo, ngài lo lắng thẩm quyền Roma sẽ không đánh giá đúng các bản văn thời Oxford của mình. Trong thời gian lưu lại ở Roma trong năm 1846, ngài nhận thấy tư duy về đức tin đang chiếm ưu thế ở đây, thiên về tính khái niệm và phi nhân thể – giống như trường phái cho rằng phải có bằng chứng bên ngoài mà ngài đã chống lại trong cộng đồng Anh giáo của mình. Trong một lá thư viết từ Roma vào năm 1847, ngài nói rằng thấu suốt nguyên sơ của ngài liên quan đến ‘nhiên tính tiền đề.’ Điều này thường được trình bày trong các bài giảng ở trường đại học của ngài, và cho dù mới đầu nó có vẻ rắc rối nhưng thực sự thì khá đơn giản: ‘nhiên tính tiền đề’ hướng về cái đi trước tất cả mọi diễn đạt dứt khoát. Ngày nay chúng ta thường nói về lĩnh vực tiền khái niệm của suy tư. Trước khi có tuyên xưng hay lý luận công thức về đức tin, thì đã có toàn bộ các thái độ cơ bản của chúng ta. Trong lãnh vực tiềm ẩn này của thiên hướng tiền hữu trong chúng ta, Newman xác định nhiên tính (hay không có nhiên tính) của sự sẵn sàng của chúng ta đối với đức tin.

Như trong một bài giảng đại học của ngài, ‘sai lầm chết người’ của suy nghĩ thế tục là phán xét ‘chân lý tôn giáo mà không có sự sẵn sàng của tâm hồn’ (US, X, 43). Và ngài còn phê phán chủ nghĩa duy lý lạnh lùng trong biện giáo: ‘trong các trường phái của thế gian, con đường đến với Chân lý là con đường lớn mở ra với tất cả mọi người ở mọi thời. Người ta tiếp cận Chân lý mà không có lòng tôn kính’ (US, X, 42). Đây là tóm gọn của Newman: bất cứ con đường nào dẫn đến đức tin mà muốn sinh hoa trái thì phải luôn có một mức độ đón nhận thiêng liêng nào đó, đối lập với thái độ xa cách kiêu ngạo. Theo ngài, nhận thức tôn giáo chỉ hữu thực khi có ‘tâm hồn sống động’ chứ không phải nhờ tranh luận tài tình. (US, X, 44). Nếu không có đặc tính truy tầm trung thực này, chúng ta không thể đạt đến ‘sự nhìn nhận thực sự’ là chính đức tin và là sự khẳng định cho đức tin (GA, 3.45). Nói cách khác, Newman đã có can đảm để nhấn mạnh những gì mà nền văn hóa trí thức thời đó và bây giờ có xu hướng coi thường, ngài quả quyết rằng trong vấn đề đức tin, những gì có thể suy nghĩ theo công thức thì ít quan trọng hơn những thiên hướng, khát khao và tình trạng của tâm trí. Tôi nói lại lần nữa: theo quan điểm của Newman, sự mở lòng cho đức tin kéo theo một số thái độ tinh thần cụ thể trong mỗi con người, và nếu không có những điều này thì tất cả mọi cố gắng để làm đức tin trở nên đáng tin về mặt lý tính có thể chỉ là uổng công luống sức.

Hai năm sau khi trở lại đạo Công giáo, Newman chuẩn bị lời giới thiệu cho một ấn bản bằng tiếng Pháp các bài giảng đại học của ngài, nhưng ngài viết bài giới thiệu bằng tiếng La Tinh. Trong đó có câu: ‘Praeambula fidei in individuis non cadunt sub scientiam’, nghĩa là những lời ban đầu của đức tin trong cá nhân không được hạ xuống phạm vi khoa học. Dịch thoáng hơn có thể như thế này: những con đường chuẩn bị cho người ta đến với đức tin không thể hạ xuống theo các phân tích kinh nghiệm. Có lẽ Newman nhìn thấy mình như phiên bản trí thức của Gioan Tẩy Giả: ngài muốn dọn đường cho đức tin bằng cách chú trọng vào thái độ nội tâm của con người, một chiều kích không dễ dàng diễn tả: ‘tất cả mọi người đều có một lý luận, nhưng không phải ai cũng có thể đưa ra một lý luận’ (US, XII, 9).

Nội tâm hiện sinh và biến chuyển của tâm trí 

Khi hầu hết mọi người đương thời của ngài đang cố gắng tìm cách để biện hộ sự hiện hữu của Thiên Chúa bằng ngôn ngữ của quan sát thực nghiệm, thì Newman chuyển trọng tâm đến những gì chúng ta có thể gọi là nội tại hiện sinh. Như đã nói ở trên, khí chất của ngài rất hướng nội, thậm chí có thể là thu vào nội tâm. Tuy nhiên, ngài dùng đặc tính cá nhân của mình để kéo sự chú ý vào những tầm nhận thức sâu sắc hơn những biện giáo khôn khéo mà các đồng liêu của ngài đưa ra. Ngài nhất quyết nhấn mạnh luôn mãi rằng ‘đức tin không phát xuất từ lý chứng’ mà con người tạo ra, nhưng từ điều gì đó tự phát và tích cực hơn, ‘riêng tư và sống động hơn’ (US, XI, 5-6). Giống như khi nhận xét về người em trai, theo quan điểm của ngài thì quyết định hướng theo hay chống lại đức tin thường thường có thể chịu tác động bởi chọn lựa vô thức hay do cao ngạo hơn là do có các ý niệm rõ ràng. Mỗi người bị ảnh hưởng theo các nguyên tắc và thói quen mạnh nhưng không phải lúc nào cũng rõ ràng của mình, nhất là đối với những vấn đề dấn thân tôn giáo. Nếu không lưu tâm đến những vùng ngầm trong suy tư của mình, chúng ta có nguy cơ nhầm lẫn các giải thích bên ngoài với những hoạt động thực sự của trí óc của mình.

Trong một ẩn dụ tuyệt vời, Newman chỉ ra vận động của suy nghĩ giống như người leo núi lành nghề, có thể lượng định theo trực giác các đoạn dốc khó nhưng không thể giải thích hết từng bước của mình cho người khác:

Tâm trí dao động qua lại, lan ra, và tiến tới với một tốc độ nhanh chóng, trở nên một điều quen thuộc mà huyền hoặc và linh hoạt làm lạc lối những nghiên cứu tìm hiểu nó. Tâm trí đi từ điểm này tới điểm kia… tạo nên một tiến trình giống như người leo núi trên vách đá dựng đứng, bằng đôi mắt nhanh nhạy, bàn tay khéo léo và đôi chân vững chãi, leo lên theo cách mà chính anh cũng không tự nhận thức được; nhờ tư chất và tập luyện, hơn là nhờ quy luật, không để lại dấu vết nào sau mình và không thể dạy nó cho người khác được… Và đó là đường lối chính yếu mà mọi con người dù có thiên khiếu hay không, lý luận cách thông thường,- không do quy luật, nhưng do năng lực nội tại (US, XIII, 7).

Tự phản ảnh của Newman không phải là kiểu chủ quan cô độc. Chắc chắn, cách tiếp cận của ngài mang tính tâm lý và tinh thần (hai từ ngài dùng để nói về tác phẩm của mình), nhưng mục tiêu của nó là đi đến dấn thân và hành động. Ngài muốn đem đến công bằng cho động lực tìm và thấy của chúng ta. Với tinh thần này, nhịp điệu trong văn xuôi của ngài không chỉ mang tính thẩm mỹ, mà là tìm cách hiện thể năng lực huyền vi và tự phát của một tinh thần có óc tìm tòi. Một câu nói của Newman nổi tiếng đến mức được in trên các hộp chocolate Baci nổi tiếng của nước Ý: ‘Sống là thay đổi, và hoàn hảo là thay đổi thường xuyên.’ Ý niệm này xuất hiện khi ngài nghiên cứu sự phát triển của giáo lý, một quyển sách đi liền với việc trở lại đạo Công giáo của ngài vào năm 1845. Nhưng thực sự đó đã là chiếc neo lâu dài và là đặc tính suy nghĩ của ngài. Ở tuổi 15, ngài đã say mê câu ‘Tăng tiến là bằng chứng hiển nhiên duy nhất của đời sống.’ Sau này, học thuyết Darwin cũng không làm ngài bận lòng như những người cùng thời của ngài: trong một lá thư vào năm 1874, ngài nhận xét rằng ‘không điều gì trong học thuyết tiến hóa đối nghịch với Đấng Toàn Năng.’

Cả sự tao nhã lừng danh trong văn phong và sự chú tâm vào tấn kịch của tiến triển đều vang vọng tâm thức đức tin của Newman như một khám phá mang tính liên tục. Bởi vậy niềm xác tín của ngài không bao giờ là một tĩnh vật mà đúng hơn là một cuộc hành trình đào sâu. Một trong những từ yêu thích của ngài là ‘mở rộng,’ và ngài đã áp dụng nó không chỉ trong việc giáo dục mà trong cả đời sống của tín hữu. Vì vậy sẽ không trung thực khi mô tả quan điểm của ngài như người ủng hộ một giáo lý chính thống hay một thần học bất động về đức tin (đáng buồn đây lại là xu thế của đa số thời nay). Cũng như ngài nhấn mạnh sự dấn thân của trọn vẹn con người trong việc có được đức tin, thì ngài cũng gợi lên điều gọi là ‘mạo hiểm’ tâm linh (một trong những từ yêu thích khác của ngài) của việc sống đức tin.

Vai trò ‘nhận ra’ của hình dung  

Nhân cách học của Newman khai mở một trường phái mới của suy nghĩ về đức tin được nhiều người theo trong thời gian gần đây. Như chúng ta đã thấy, ngài tìm cách tạo nên cầu nối giữa cuộc truy tầm chân lý tôn giáo, tâm linh cá nhân và giá trị tinh thần với khuynh hướng sống của họ. Trọng tâm của việc này không phải là suy nghĩ thuần nhất hay các quan điểm duy lý tách biệt, mà là tiến trình khám phá và thực hiện chân lý. Đây là những gì ngụ ý trong thuật ngữ ‘hữu thực,’ một từ yêu thích của Newman. Ngược lại với hữu thực là mơ hồ, ý chỉ một chủ nghĩa duy lý xa rời con đường của kiên quyết và dấn thân. Về điểm này, Newman đã can đảm đi ngược dòng văn hóa thời đó. Ngài muốn vạch mặt ảo tưởng về thái độ trung dung đã mê hoặc những người cùng thời với ngài (và cả chúng ta nữa) xem đó như là con đường khả thể duy nhất để đạt đến chân lý. Nơi thái độ này và một phần nào trong tinh thần của thánh Augustinô, ngài khám phá ra tiến trình tìm và thấy một cách riêng tư hơn. Mục đích của ngài là để bảo vệ những gì mà sau này Lonergan gọi là ‘chủ quan xác thực.’

Nếu Newman sống muộn hơn một thế kỷ, có thể ngài đã dùng chữ ‘hiện sinh’ thay cho ‘hữu thực.’ Điều này hấp dẫn với ngài đến nỗi trong bản thảo của Quy tắc Đón nhận [Đức tin] (Grammar of Assent) lúc đầu ngài viết ‘đón nhận hình dung’ nhưng sau đó ngài quyết định thay thế ‘hình dung’ thành ‘hữu thực.’ (Thật ra ngài bỏ sót một vài ví dụ nên thành ngữ này vẫn còn tìm thấy trong bản văn đầu tiên). Trong mọi khả năng có thể, lý do cho việc thay đổi là sợ bị hiểu lầm: ngay cả ngày nay, người ta vẫn còn lẫn lộn giữa ‘hình dung’ (imaginative) và ‘hư cấu’ (imaginary), vì thế đức tin vẫn còn bị xem như một hình thức hoang tưởng. Nhưng mối bận tâm chính của ngài là vai trò tích cực của hình dung trong đức tin, đặc biệt trong thời gian ngài viết Quy tắc Đón nhận. Đối với ngài, chức năng của hình dung theo nghĩa đen là ‘nhận ra’ đức tin, trong nghĩa làm cho Thiên Chúa trở nên có thực trong đời sống con người.

Một trong những tuyên bố uy thế nhất của ngài về hình dung, là trong loạt thư ngài gởi đến nhật báo để tấn công luận điểm của Sir Robert Peel. Với việc mở ra một thư viện công cộng mới ở Tamworth, chính trị gia hàng đầu này đã cho rằng bây giờ có thể đạt được các thành quả của tôn giáo bằng con đường giáo dục về văn học và khoa học. Ý tưởng này làm Newman kinh tởm vì nó không những đi ngược với ý niệm của ngài về sự độc nhất của chân lý tôn giáo mà còn ngược với toàn bộ tư tưởng nhân học của ngài. Để đáp lại ông này, ngài trình bày triết học của mình về con người nhân loại như một hiện hữu cao hơn ‘động vật lý tính,’ được tạo nên để hành động và biến chuyển bởi cảm xúc. Trong phản đề này ngài lập luận rằng ‘không thể chạm đến tâm hồn cách thông thường bằng lý lẽ mà là qua hình dung’(GA, 92). Tầm quan trọng của thấu suốt này được nhấn mạnh bởi sự kiện rằng ba mươi năm sau, ngài trích một số trang trong bài công kích Peel vào Quy tắc Đón nhận, và đi đến lập luận rằng đức tin cần được ‘nhận định, ở lại, và giữ lấy như một thực thể, nhờ vào hình dung tôn giáo’ (GA98). Ngài thêm rằng ‘thần học về hình dung tôn giáo’ mang lại ‘bám giữ sống động với chân lý’ và nhờ đó mở ra cánh cửa hướng đến ‘các thói quen tôn giáo riêng tư’ (GA, 117). Nhãn quan mục tử sâu sắc quan trọng ở đây là: nếu chân lý tôn giáo không chạm đến hình dung của chúng ta theo cách nào đó thì sẽ không thể trở nên sinh động cho từng cá nhân được.

Newman cũng thấy hình dung như một đầu đề tranh luận cốt yếu cho đức tin. Hình dung là một địa hạt mong manh, nơi những hình ảnh méo mó hoặc thiển cận của tôn giáo có thể khiến người ta thấy hợp lý hay tự nhiên để không tin. Trong sổ tay của mình, ngài đã từng viết rằng ‘hình dung chứ không phải lý lẽ là kẻ thù lớn nhất đối với đức tin.’ Nhưng xét chung, ngài thấy hình dung là vùng đất hứa để đức tin có thể trở nên ‘hữu thực’ về mặt thiêng liêng. Chắc chắn ngài tán thành phương thức cầu nguyện hình dung các bối cảnh trong Tin Mừng để làm sống lại chính Tin mừng, nhưng với ngài hình dung còn rộng lớn hơn việc mường tượng hình ảnh: nó hướng đến cảm thức con người, hơn là suy tư trên chính nó, từ hình dung đến cảm thức, chúng ta có thể ‘minh định’ và “làm quen’ cách tốt nhất các thực tại đức tin. Trong quan niệm của ngài, chúng ta có thể quả quyết về tuyên bố ‘có Thiên Chúa’ với hai mức độ khác nhau. Nó có thể vẫn là một ‘sự thừa nhận lạnh lùng và vô ích’ khi ‘hình dung hoàn toàn không được khơi dậy’ bởi vậy tâm hồn không bừng bừng sốt mến. Nhưng cùng một lời đó có thể làm nên một ‘cuộc cách mạng trong tâm trí’ bất cứ khi nào nó trở nên ‘trong hình dung’ và được ‘nắm bắt với sự đón nhận thực sự’ (GA, 126-127). Khi hình dung được thức tỉnh, đức tin thoát khỏi sự phi nhân để trở nên hiện sinh đầy hoa trái cho cuộc sống. Đây là một yếu tố chính trong bản đồ đức tin của Newman. Qua hình dung hơn là qua suy tư trí tuệ, chúng ta đạt đến xác tín tôn giáo và mở ra cánh cửa đến với những dấn thân tôn giáo cụ thể. Đối với ngài, hình dung là vùng của lý luận trực giác và như thế là trung gian thiết yếu của đức tin.

Từ quan điểm của các thần học đức tin đương thời hơn, chúng ta thấy dường như trực giác của Newman về hình dung mang tính tiên tri đặc biệt. Ngày nay chúng ta nói về việc hàn gắn lại sự phân ly giữa thần học và linh đạo, hay về việc cân nhắc vai trò của chiều kích mỹ học và xúc cảm trong đức tin. Khi Newman nhất quyết rằng hình dung chạm đến tâm hồn và làm cho đức tin trở nên ‘hữu thực,’ thì ngài hòa hợp với các tư tưởng tiến bộ này. Các nhà tư tưởng gần đây, từ Einstein đến Ricoeur, đã khám phá hình dung là một dạng thiết yếu của nhận thức. Newman cũng chỉ ra đường hướng như thế, dù theo một cách thức thiếu hệ thống hơn. Các ngòi bút khác như William Lynch hay David Tracy đã khám phá hình dung hiện thể Kitô giáo. Cũng vậy với Newman, hình dung là phương tiện để xác định, đáng dùng để nhận thức mầu nhiệm Nhập thể và cũng như để hoán cải trở lại đạo. Như thế, hình dung là cầu nối giữa sự chắc chắn mang tính lịch sử của Nhập thể với con đường mang tính nội tâm và chủ quan hơn dẫn chúng ta đến lời thưa vâng với đức tin.

Trong lời của Newman (độc thoại tưởng tượng) 

Ai cũng biết việc tôi trở lại đạo năm 1845, dĩ nhiên đó là điểm then chốt trong cuộc đời tôi. Nhưng nó liên quan đến giáo hội hơn là đức tin. Tôi đã có thể trở lại đạo sớm hơn vào mùa thu năm 1816, khi cơn khủng hoảng và dao động khiến tôi có một ý niệm mới về Thiên Chúa mà tôi giữ trọn suốt cuộc đời. Với đam mê đọc sách, tôi đã cặp kè với các tư tưởng của một vài nhà vô thần cấp tiến như Hume, và tôi thấy lập luận của họ thật ấn tượng và thích đáng. Từ lập trường bên ngoài của họ, Thiên Chúa dường như bất khả tín. Đối với tôi, một người được nhận nền giáo dục Kitô cổ điển, nó lay động tận gốc các căn cứ nền tảng của tôi. Lúc đó tôi chỉ mười lăm tuổi, với tất cả những mong manh bình thường của tuổi mới lớn, cộng thêm khủng hoảng tài chính gia đình khiến tôi phải ở lại trường suốt mùa hè một mình. Tôi thật sự thấy bệnh, nhưng một chút gì đó giống thánh I-Nhã, căn bệnh lại là một điểm đảo chiều lớn đối với tôi.

May mắn thay, một giáo sư trẻ ở trường, mục sư Walter Mayers, đã bảo bọc cho tôi. Thầy là người dễ thương, theo phái Calvin, và đã cho tôi đọc đủ loại sách, giúp tôi thấy giới hạn của những nhà tư tưởng theo chủ nghĩa kinh nghiệm. Quan trọng hơn, thầy đã hướng tôi khám phá Thiên Chúa một cách riêng tư hơn. Tôi trải nghiệm, sốt sắng và mạnh mẽ rằng Thiên Chúa nói với tôi trong lương tâm tôi, và Thiên Chúa này vừa có thật vừa lớn lao hơn sự hiện hữu của chính tôi. Đó là thời khắc mặc khải và ân sủng không bao giờ phai mờ. Việc này không đơn giản là do xúc cảm hay một biến chuyển đột ngột: dần dần qua nhiều tháng trời, tôi đạt đến một niềm tin vững vàng vào lòng thương xót và sự quan phòng của Thiên Chúa, cũng như một ý thức rõ ràng về việc mình được kêu gọi vào tương giao vĩnh cữu với Đức Kitô. Chắc chắn đó là một sự biến đổi tâm hồn, nhưng còn là một sự mở mang tâm trí tôi nữa. Nhờ đọc quyển sách của Thomas Scott, Uy lực của Chân lý (The Force of Truth), tôi nhận ra cuộc đời có thể là một chuyện tình dài lâu với chân lý, một cuộc phiêu lưu đòi hỏi trung tín trọn vẹn, và rằng trung tín với chân lý của Thiên Chúa có nghĩa là một cuộc chiến không ngừng chống lại thế giới thiển cận trong tôi và quanh tôi.

Thái độ thiết tha

Trọn cuộc đời, tôi cố gắng ‘thiết tha đi tìm chân lý.’ Tôi đã dùng những chữ này trong bài giảng đầu tiên ở trường đại học khi vừa mới hai mươi lăm tuổi, và những chữ đó đã tóm lại những gì tôi đã khám phá ra vào mùa thu mười năm trước. Đó là điều tôi nhìn thấu và trở đi trở lại nhiều lần: Thật vô ích và cuối cùng chỉ là nản lòng khi thảo luận các vấn đề tôn giáo với giọng điệu hờ hững hay bàng quan. Chỉ có thể tiếp cận được niềm tin khi để hết tâm trí của mình vào đó, nhìn nhận tầm quan trọng của một tấm lòng thiết tha! Giống như kiểu, ai mà thích nghe người mù nói về màu sắc?

Một trải nghiệm khác đã định hình cách tiếp cận đức tin của tôi, đó là phải có sự thành thật trong cách chúng ta tiếp cận đức tin. Có lẽ lòng tha thiết là điều mà tôi thấy thiếu nơi người em trai Charles, lúc đó tôi đã sai lầm khi cố biện luận về sự vô tín của Charles. Chúng tôi tranh luận về điều này trong các buổi nói chuyện, và qua thư từ trong vòng hai năm kể từ năm 1823. Tôi đau đớn hiểu ra rằng nếu người đó không mở lòng ra, thì chúng ta không có điểm khởi đầu tiên quyết cho đối thoại về Thiên Chúa. Nếu không có một khao khát riêng muốn tìm kiếm chân lý và không có một số yếu tố sùng mến, thì trí tuệ tự phụ có thể trở nên kiêu ngạo. Hai kinh nghiệm tuổi trẻ này của tôi đã ghi dấu trên cách tiếp cận đức tin của tôi.

Những gì thiếu sót nơi người em trai đầy rắc rối của tôi (sau này thành người chiến đấu cho chủ nghĩa xã hội), tôi cũng nhìn thấy nơi nền văn hóa quanh tôi. Rồi tôi thấy nền văn hóa này như một người yên vị trong nhà mình, chờ đợi Thiên Chúa tỏ mình ra mà không có một mong muốn nào để đi một bước đến với đức tin. Tôi đã dành quá nhiều thì giờ để đọc sách và viết lách, nên khó có thể gọi tôi là người phản tri thức, nhưng chắc chắn, tôi đâm ra nghi ngờ khi tri thức tách mình khỏi các chiều kích khác của nhân loại chúng ta. Vì thế, theo cách riêng của mình, tôi khám phá chân lý qua kinh Magnificat, với những gợi hình về sự khóa chặt hay mở lòng ra với đức tin: những vua chúa tự đại sẽ thấy mình tiêu tán trong tâm hồn, nhưng những người khiêm hạ đói khát sẽ được tràn đầy điều tốt lành. Có gì đó giống như những lời của Chúa Kitô nói về chuyện mặc khải giấu đi với người thông thái nhưng lại mở ra cho những người con bé nhỏ (Mt 11: 25).

Bắt đầu từ bên trong

Vậy nên, tôi đề nghị điều gì cho những người đi tìm đức tin ngày nay? Trước hết, phải có một chọn lựa: bạn có thể tiếp cận vấn đề Thiên Chúa một cách ‘ý niệm’ hay với trọn vẹn nhân tính của bạn. Nếu bạn không giữ mật thiết với những biến động nội tâm của mình, bạn sẽ khó chạm đến bất cứ một ý niệm ‘thực sự’ nào về Thiên Chúa. Bởi vì đây là một tương quan thật, chứ không phải là một khám phá qua thái độ đơn thuần khách quan. Mức độ hiện hữu của bạn là điều cốt yếu. Bất cứ câu trả lời nào bạn có được, đều sẽ biến đổi cách bạn nhìn mọi sự. Và bạn cần để hết tâm trí mình vào cuộc truy tầm này, vì nếu đó là cuộc truy tầm thực sự, thì câu trả lời sẽ biến đổi bạn.

Nếu khuynh hướng của bạn là không cởi mở, không chân thành và không dễ tiếp nhận, thì bạn đã chặn đứng các ngả đường, dù có lẽ bạn không biết. Khi tôi đòi hỏi bạn lắng nghe tâm hồn và lương tâm bạn, thì đó không phải là kiểu thoát ly cảm tính. Điều bạn cần thoát ly là một chủ nghĩa duy lý hẹp hòi hay phi nhân. Có lẽ hơn một thế kỷ qua, các trường đại học của chúng ta đã bị giam trong ngẫu tượng sai lầm của tính xác minh khách quan, một điều không bao giờ có thể công bằng với toàn bộ kinh ngạc trong chúng ta. Nó thất bại, nó không thể nào trả lời các vấn đề rộng lớn hơn của chúng ta. Không thể nào đối diện với các vấn đề hiện sinh theo cách phi nhân này. Bất kỳ lúc nào sự hiểu biết tri thức lấn át chân lý, thì tự do của chúng ta cũng bị cuốn theo. Nó giống như cuộc phiêu lưu của con người khi phải lòng, khi yêu. Nói ‘có’ với ai đó là tự dấn vào một nguy cơ nhất định. Đây là một quyết định để tin tưởng vào một điều gì vượt ngoài các dấu chỉ hiển nhiên bên ngoài. Vì thế, các trải nghiệm quan trọng của chúng ta không bao giờ chỉ mang tính ngoại tại. Mỗi ngày chúng ta trải nghiệm cuộc phiêu lưu nội tâm lạ lùng của thái độ và cảm giác, của nhạy cảm và hy vọng của chúng ta, dù cho các thực tế bên ngoài dường như độc quyền và chiếm đoạt sự chú ý của chúng ta.

Thật không dễ gì để công tâm với sự hội tụ vi tế của mọi yếu tố cần thiết để có niềm tin lòng đạo. Đức tin không phát sinh từ lý luận theo nghĩa hẹp, mà là một sự hợp lý thâm sâu. Đức tin không bác bỏ trí tuệ nhưng cần một khả năng chất vấn nhất định, mở rộng ra để bao trọn các chiều kích của chính bạn mà không rơi vào sự biện giải hay trình bày dễ dãi. Tôi thường nói rằng, đức tin mời gọi tâm hồn, và điều đó không có nghĩa đơn thuần chỉ là vấn đề cảm xúc. Đức tin bén rễ trong kinh nghiệm của lương tâm bạn, và nó không đơn giản là vấn đề đạo đức. Chúng ta nhất quyết rằng, đức tin là tự do. Đức tin là chân lý mà chúng ta nắm bắt, chúng ta phải quyết định, đức tin còn hơn một bước nhảy trong bóng tối, một sự thôi thúc chúng ta quy phục. 

Lương tâm hiện hữu

Nhiều lúc khác nhau trong đời, tôi nhấn mạnh đến các chiều kích khác nhau của cuộc phiêu lưu đức tin chúng ta. Từ khi còn trẻ cho đến tuổi hoa niên, một nhánh trọng tâm đức tin của tôi là ở cảm nghiệm của lương tâm và nó luôn luôn quan trọng đối với tôi hơn các đại lộ thênh thang của kiểm nghiệm. Có lẽ tôi biểu tỏ tốt nhất điều này trong quyển tiểu thuyết của tôi, Callista xuất bản năm 1855, kể câu chuyện của một cô gái Hy Lạp phức tạp sống ở Bắc Phi vào thế kỷ thứ ba và hành trình dần khám phá đức tin Kitô của cô. Có giai đoạn, khi Callista bắt đầu nhận ra ‘Hướng dẫn nội tâm’ của mình nhưng vẫn chưa gặp được Lời của Tin mừng, cô đến bàn hỏi với một triết gia ngoại giáo, người tin tưởng vào một ‘sự gì đó tự hữu bất diệt.’ Điều này quá mơ hồ đối với Callista, và cô nói với triết gia rằng cô đã cảm nghiệm được một ý niệm cụ thể hơn về Thượng Đế trong lương tâm mình.

Tôi cảm nhận chính mình trong sự hiện hữu của Ngài. Ngài nói với tôi, ‘Làm điều này, đừng làm điều kia’… đó là tiếng vang của một người nói với tôi… Tôi tin vào một sự cao hơn cái ‘sự gì đó’ đơn thuần. Điều tôi tin thì có thật hơn cả mặt trời, mặt trăng, các vì sao và địa cầu rộng lớn, cũng như tiếng nói của các bạn bè của tôi. Ông sẽ nói, Ngài là ai? Ngài đã nói với cô những gì về Ngài? Than ôi! Không! – Quá đáng tiếc. Nhưng tôi sẽ không từ bỏ điều tôi có, bởi không có gì cho tôi hơn điều đó. Một tiếng vang ngụ ý một tiếng nói, một tiếng của một người nói. Một người nói mà tôi thương và tôi sợ. (C, 314-315)

Tôi lặp đi lặp lại hình ảnh khẩn thiết ‘tiếng vang của một tiếng nói’ trong các tác phẩm khác của tôi. Nó đánh mốc bước thềm giữa tôn giáo tự nhiên và tôn giáo mặc khải. Tôi luôn luôn tôn trọng lương tâm như là nòng cốt và tột đỉnh của tôn giáo tự nhiên, như là sự chuẩn bị con người cho Lời mạc khải. Thật vậy, cho dù không nhận thức được đầy đủ, thì sự hiện diện nội tâm này là con đường mà hầu hết mọi con người trong lịch sử đã gặp gỡ Thiên Chúa. Đó là nơi Thiên Chúa hiện diện với con người dù con người không biết, và là giữ gìn cho khát khao của con người được sống còn để chờ đợi một mặc khải rõ ràng hơn. Trong thế kỷ XXI, không nhiều người đồng hưởng với ý thức sắc bén về lương tâm của tôi. Các tín hữu ngày nay hiếm khi chia sẻ cảm nghiệm của tôi về lệnh truyền nội tâm, có khi họ còn sợ tiếng nói bên trong này. Có lẽ đôi khi còn nhiều lỗi lầm trong tôn giáo chúng ta, nhưng chúng ta sẽ mất đi một điều quý báu khi lãng quên cách lắng nghe tiếng lương tâm mình. Nếu không nghiêm túc về tội lỗi, thì theo tôi, tôn giáo sẽ trở nên quá con người, quá pha loãng.

Ngay cả ngày nay, tôi cũng muốn mời bạn đi đến nhận thức về các biến chuyển của tiếng nói bên trong này, và chấp thuận để nó hướng dẫn bạn đến với Thiên Chúa. Hãy suy nghĩ thế này. Trong đời sống thực tế của mình, bạn cố gắng trung tín với một vài giá trị hoặc vài điều tuyệt đối, dù có thể bạn không thích chữ này. Không nhất thiết phải nêu rõ chúng, nhưng bạn sống với một vài chọn lựa nền tảng. Đó là những chiếc neo và là những mục tiêu không nhân nhượng trong cuộc sống của bạn. Chắc chắn có một số chuyện bạn sẽ không hành động vì ‘tình và tiền,’ nếu nó đi ngược hay thậm chí hủy hoại bản chất của bạn. Nếu vậy, đó là ‘lương tâm’ hay lòng trung tín với một ánh sáng mà bạn đang theo – như Ba Vua ngày xưa vậy. Chính đó là bạn lớn lên, theo những cách mà bạn không thể ước lường, để hướng đến việc ‘không còn sống cho mình nữa’ như lời thánh Phaolô đã nói (2 Cor 5: 15). 

Nắm bắt hữu thực

Sau này, trong nhiều năm soạn cuốn Quy tắc Đón nhận, tôi nêu bật hai chiều kích khác của con đường đi đến đức tin: là hình dung và cái mà tôi gọi là ‘ý nghĩa hậu kết.’ Nếu như thời trẻ, tôi bị cuốn theo các tranh luận phi nhân và phức tạp về sự hiện hữu của Thiên Chúa, thì bây giờ tôi nhận ra rằng nếu hình dung của tôi không được đánh thức, thì Thiên Chúa không bao giờ ‘có thực’ đối với tâm hồn tôi. Và như thế, tôn giáo dễ trở thành ‘ý niệm,’ như những người mà Chúa Giêsu mô tả là họ cầu nguyện ‘Lạy Chúa, lạy Chúa’ nhưng chẳng bao giờ thay đổi trong hành động của mình. Đây là sự khác biệt giữa những gì tôi gọi là Tinh thần Kitô trên danh nghĩa và Tinh thần Kitô ‘sống động.” Tôi nghĩ hầu hết những người cố gắng cầu nguyện đều có nhiều kinh nghiệm về sự khác biệt giữa kiểu lửng lơ loanh quanh các ý niệm với việc thực sự được Chúa Thánh Thần chạm đến.

Từ ‘hậu kết’ cùng một đường hướng với việc trở nên có thực. Từ này có gốc Latin, nghĩa là nắm bắt, hiểu thấu một vấn đề. Đó là năng lực quan trọng chúng ta dùng hằng ngày để nhận biết sự thật. Đó là khả năng để chúng ta nói ‘có’ và cảm thấy chắc chắn về điều mình vừa nói. Chúng ta lúc nào cũng phán đoán ngay, một nhận thức bản năng ngay khi hội đủ các bằng chứng hiển nhiên cho phép chúng ta quả quyết cái gì là thật. Chúng ta biết rằng chúng ta biết, mặc dù không thể giải thích hết các bước tiến đó. Chúng ta nắm bắt sự việc bằng trực giác và rồi đi đến một bảo đảm cho hiểu biết của chúng ta. Và trên cơ sở đó trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta có được một lập trường. Chúng ta có thể dấn thân và hành động. Đúng, ‘chúng ta cần một điều gì đó cao hơn là một sự cân bằng trong các lập luận.’ Chúng ta cần ‘một hiểu biết thật và một trực giác theo thói quen cho các vấn đề của Mặc khải’ (GA, 238).

Tóm lại, tôi muốn nói gì? Nên có cái nhìn hướng nội hơn là hướng ngoại. Chú ý đến lương tâm của bạn. Nuôi dưỡng hình dung của bạn. Tin tưởng vào ý thức sống động của bạn và khả năng đạt đến chân lý của nó. Tóm lại, những con đường dẫn chúng ta đến đức tin thì bình thường hơn những gì chúng ta nghĩ, nhưng các tư tưởng và lối sống của chúng ta có thể tước chúng ta ra khỏi những mỏ neo quan thiết. Chúng ta thiếu vắng thinh lặng nội tâm. Khả năng kinh ngạc của chúng ta bị cùng kiệt. Hình ảnh của chúng ta về chân lý bị hạn chế trong những điều có thể chứng minh được bên ngoài. Hình ảnh cuộc truy tầm của chúng ta giống như chàng cao bồi bơ vơ trên hoang mạc. Nhưng nhân tính của chúng ta đang kêu gào một nguồn nuôi dưỡng khác. Nó có những cơn đói, những chất vấn sâu xa hơn, thường có thể bị lãng quên bị đè nén trong lối sống áp đặt hiện thời. Có một dạng kiến thức khác, cũng cụ thể xác thực, nhưng lạ lẫm hơn. Nó liên quan đến tâm trí, trái tim, tinh thần, và toàn bộ con người chúng ta. Nó cần một điểm khởi đầu khác trong chúng ta, cuộc truy tầm khác hẳn. Chúng ta cũng phải du hành ra khỏi bản thân, kinh ngạc trong khiêm hạ, và rồi có lẽ chúng ta có thể gặp gỡ và kinh ngạc trước một LỜI thật khác.

Điểm chính yếu là hãy sẵn sàng. Như Shakespeare đã nói qua lời của Hamlet ‘Sự sẵn sàng là tất cả.’ Tiến trình nhận thức Thiên Chúa không thực sự khác với tiến trình chúng ta dùng hằng ngày để đạt đến những điều đoan chắc trong cuộc sống (không cần tranh luận, phân tích, hay làm cho nó hợp lý). Sự khác biệt trong đức tin lòng đạo không phải là con đường hướng đến, mà là nhãn quan cuộc đời được chính Thiên Chúa mặc khải khi tự hiến cho chúng ta. Nhưng cách thức chúng ta đạt đến điều đó là nhờ vào sự trung tín bình thường với chính con người thật của chúng ta –  khi chúng ta hoàn toàn là chính mình. Những gì chúng ta học được từ Thiên Chúa là phi thường – một kinh ngạc có thể dần dần biến đổi cuộc sống chúng ta. Và đó là một câu chuyện khác.

Tài liệu tham khảo về các tác phẩm của John Henry Newman

A       Biện hộ cho sự sống (Apologia pro Vita Sua), London, 1908.

C       Callista: Câu chuyện ở Thế kỷ thứ ba (Callista: A Tale of the Third Century), London, 1928.

GA    Tiểu luận Hỗ trợ cho Nguyên tắc Đón nhận (An Essay in Aid of a Grammar of Assent), London, 1909.

LD    Thư tín và Nhật kí (Letters and Diaries), Tập I, xuất bản lần thứ nhất, Ker &T. Gornall, Oxford,1978.

PPS Những bài giảng Giáo xứ Giản dị (Parochial and Plain Sermons), Tập I, London,1907.

US     Mười lăm bài giảng tại Đại học Oxford (Fifteen Sermons Preached before the University of Oxford), London, 1909. (Tham khảo về những bài giảng đại học này được đánh số bài giảng bằng chữ số Roma và tiếp theo là số thứ tự của các đoạn, chứ không đánh số theo trang)

J.B. Thái Hòa dịch

Xin đọc: Đức Hồng y Newman sắp được phong thánh

 

Totus Tuus trên nền nhạc rock

Totus Tuus trên nền nhạc rock

Trích sách Chúa ở trọn tâm hồn, René-Luc, nxb. Presses de la renaissance

 

Mùa hè năm 1984, một năm trước khi tôi gặp cha tôi, cùng với vài người bạn, chúng tôi quyết định thành lập nhóm nhạc rock công giáo. Sáng kiến do anh Gégé khởi đầu. Người đặt lời, người có tâm hồn thi sĩ, anh muốn dùng lời của mình cho loại nhạc hiện đại, chính xác là nhạc rock. Trong những năm 1980, ít có người công giáo nào dám làm chuyện này. Nhưng lại có một vài dòng suy nghĩ hơi đồng hóa các loại nhạc có nhịp điệu rock là nhạc có hơi hướm satan!

Gégé 16 tuổi, tôi 17 tuổi. Tôi thích sáng kiến của anh và tôi đề nghị giúp anh thành lập nhóm. Tôi tiếp xúc với Vincent, một người bạn rất tốt mà tôi quen trong các buổi họp nhóm kitô. Anh đánh đàn ghi-ta rất hay. Tôi cũng đánh đàn ghi-ta, anh chỉ cho tôi các bí quyết nên tôi tiến bộ rất nhanh. Buổi tập này nối tiếp buổi tập khác. Tôi nói với anh dự tính của chúng tôi. Anh tiến hành liền. Ngoài đàn ghi-ta, anh trở thành ca sĩ của chúng tôi với một giọng rất đặc biệt, uyển chuyển, có cùng âm điệu với nhạc sĩ nổi tiếng nước Pháp Jean-Jacques Goldman. Tôi cũng liên lạc với Yves-Armel. Anh có dáng người giống Elton John, một vẻ gàn gàn như thế và chơi đàn phím rất đặc biệt so với tuổi của anh. Thêm nữa anh lại còn biết sáng tác và hòa âm. Còn Gégé thì anh kéo được Jean-Christophe, một tay trống vào nhóm. Một con gấu thực sự, anh luôn mặc quần loại yếm. Người cuối cùng vào nhóm là François. Anh nghe đến dự tính của chúng tôi và đem cây ghi-ta của anh vào nhóm. Anh có dáng đi ngộ nghĩnh, tóc dài, mắt tròn nhỏ như John Lennon che đàng sau đôi mắt kiếng tròn nhỏ. Anh là tay đại hồ cầm nhà nghề. Nhưng anh không chơi đại hồ cầm trong nhóm, anh có ngón đàn ghi-ta độc tấu “ma quái”, có nghĩa là “ma quái” nhất trong tất cả các màn độc tấu ghi-ta mà quý vị từng nghe.

Chúng tôi có người đặt lời, có ca sĩ ghi-ta, có đàn phím, có tay trống và có ghi-ta độc tấu. Còn tôi? Tôi chỉ đóng vai điều hành: tổ chức các buổi tập, các buổi thu thanh, các buổi hòa nhạc… Mọi người giao cho tôi nhiệm vụ này, họ cũng bầu tôi là tay bass của nhóm.

Chơi bass trong nhóm nhạc rock là nền, là tất cả của tất cả. Người ta thường nói bass và trống là bánh ga-tô, phần còn lại chỉ là kem. Nếu nền nhịp điệu không vững thì tất cả bị lao chao. Có những tay bass giỏi, những tay bass tồi. Và cũng có những tay bass giỏi nhưng hơi tồi, tôi thuộc loại này. Để tôi giải thích: những tay bass giỏi là những người biết đúng nhịp, có thính giác hoàn hảo, có khả năng đánh dấu các nhịp điệu, tô điểm cho dòng nhạc du dương các hạt ngọc đây đó, một niềm vui thực sự. Những tay bass tồi là những người làm quá đáng. Họ nghĩ là họ biết nhịp điệu, nhưng họ thêm thắt quá nhiều, người nghe không còn phân biệt được nhịp điệu. Những tay bass giỏi nhưng hơi tồi là những người như tôi, biết rất rõ nhịp điệu, không có tài năng ứng tấu. Khi nào cũng sợ ra ngoài gam nhạc. Không dám liều. Cho chắc ăn. Chơi đúng nốt nhạc, thế thôi!

May là chúng tôi có một hai bài sáng giá với âm điệu du dương đập mắt, loại slap, loại đập mạnh vào giây đàn! Phần còn lại chúng tôi chơi như máy gõ nhịp. Nhưng các bạn không thể tưởng tượng các nhạc sĩ khác yêu thích như thế nào, nhất là anh trưởng nhóm ghi-ta François của chúng tôi, sau mỗi buổi hòa nhạc khi nào anh cũng đến cám ơn tôi. Chơi bass cũng là một bài học của cuộc đời: cố gắng làm điều đúng và làm điều đó đúng lúc.

Chúng tôi ở rải rác khắp nước Pháp, nhưng chúng tôi gặp nhau mỗi kỳ hè. Chúng tôi đặt tên nhóm là Totus Tuus, có nghĩa là “tất cả cho Chúa” để vinh danh Đức Gioan-Phaolô II vì đó là câu châm ngôn của ngài. Đó là phương châm của thánh Louis Marie Grignon de Montfort, nước Pháp được Đức Gioan-Phaolô II lặp lại. Câu đó có nghĩa: “Tận hiến tất cả cho Chúa Giêsu qua bàn tay Mẹ Maria”.

Cộng đoàn giúp chúng tôi phần dữ liệu. Ngay từ mùa hè 1985, chúng tôi lên đường lưu diễn. Trong nhóm có hai người có bằng lái xe, phần còn lại quá trẻ. Chúng tôi bắt đầu bằng buổi trình diễn với khoảng bốn trăm bạn trẻ gần Lộ Đức. Sau đó chúng tôi diễn vài buổi ở Bretagne và cuối cùng là buổi tập họp hơn hai ngàn người ở Ars. Lời bài hát có nội dung dấn thân, mang sứ điệp rõ ràng và tác động của chúng tôi. Cuối buổi hòa nhạc, tôi lên nói chứng từ của mình và mời các bạn trẻ nếu ai muốn thì lên bục chia sẻ cuộc gặp gỡ riêng của họ với Chúa Kitô, giống như kinh nghiệm của tôi với mục sư Nicky Cruz. Thật cảm động khi thấy tất cả các bạn trẻ này tiến lên khi chúng tôi hát bài hát cuối cùng: “Tôi tin”.

Trong các buổi tập họp này, các bạn trẻ đón nhận chúng tôi nồng hậu hơn cả nồng hậu. Rõ ràng họ vui khi thấy trên sân khấu là người trẻ ca hát có cùng văn hóa, cùng sống các giá trị kitô giống họ.

Các buổi hòa nhạc ở Bretagne là một loại khác: đó là phúc âm hóa “lớp đầu tiên”: chúng tôi làm ngoài trời và miễn phí. Những người đến xem là những người tò mò hay những người qua đường. Phải nói là không đông dù chúng tôi đã cố gắng dán các bích chương, chúng tôi còn non trong việc truyền thông. Dù sao sau mỗi buổi trình diễn, trong lời cầu nguyện cuối cùng khi nào cũng có vài người lên bục chia sẻ, và như thế là đã thắng. Cho Chúa.

Sau chuyến lưu diễn, chúng tôi làm album đầu tiên. Chúng tôi thâu cát-xét vì khi đó đĩa nhựa CD đang ở giai đoạn trứng nước. Trong một năm, chúng tôi bán được tám ngàn băng! Thời đó như thế là rất nhiều, vì nhạc rock kitô phổ biến ở các nước nói tiếng Anh và đa số ở trong giới tin lành, còn ở đây, trong môi trường công giáo thì ít ai biết. tiền lời chúng tôi đầu tư tất cả vào dụng cụ âm thanh, ánh sáng, nhạc cụ hay chuẩn bị cho các chuyến lưu diễn sắp tới, in bích chương v.v.

Chuyến lưu diễn thứ nhì là mùa hè năm 1986 ở Côte d’Azur, đây là một kinh nghiệm không thể nào quên được. Ban tuyên úy nhà tù Nice xin chúng tôi hai buổi hòa nhạc: một cho nam tù nhân, một cho nữ tù nhân. Chúng tôi chuẩn bị nhạc cụ ở sân nhà tù. Các tù nhân đến. Họ ngồi tựa lưng vào sân tường. Chúng tôi bắt đầu đàn hát. Chúng tôi không biết họ cảm nhận như thế nào vì không thấy họ biểu lộ gì. Một vài người vỗ tay, một số khác dè chừng. Khi tôi nói chứng từ của mình, tôi thấy họ lắng nghe. Vào cuối buổi, tất cả đến cám ơn chúng tôi. Một trong số các tù nhân cho chúng tôi cái bật lửa. Ông vừa nhặt được ở sân. Một mẫu giấy quấn quanh. Một tù nhân ở trong phòng của mình gởi cho chúng tôi qua cửa sổ: Các bạn thân mến, tôi không được tham dự buổi hòa nhạc của các bạn vì tôi bị phạt. Nhưng tôi nghe hết, chỉ là tôi không thấy các bạn thôi. Tận đáy lòng, tôi xin cám ơn các bạn, câu chuyện của các bạn mang hy vọng đến cho tôi.

Một tù nhân khác đến gần chúng tôi và xin chúng tôi:

– Ngày mai, tôi biết các bạn sẽ trình diễn cho các nữ tù nhân. Có mẹ tôi ở bên kia và ngày mai là sinh nhật của bà. Mỗi năm tôi đều hát khúc nhạc chiều để tặng sinh nhật bà. Các ông có thể hát giùm tôi được không?

Ngày hôm sau, nghe chúng tôi hát, các bà biểu lộ tình cảm nhiều hơn, họ đập tay, họ vỗ tay. Họ thưởng thức từng lời bài hát. Và cuối cùng chúng tôi hát bài nhạc chiều để mừng sinh nhật bà mẹ, đó là quà tặng tuyệt vời. Tất cả các bà đều khóc… và cả chúng tôi!

Buổi trình diễn cuối cùng của tôi là tột đỉnh! Chúng tôi trình diễn trước sáu mươi ngàn bạn trẻ ở sân vận động Gerland, Lyon tháng 10 năm 1986! Buổi trình diễn được phát hình trên đài TF1. Nhưng phải nói ngay là các bạn trẻ không đến vì chúng tôi. Tất cả các bạn đến đây để đón Đức Gioan-Phaolô II! Và cũng phải thú nhận là chúng tôi chỉ trình diễn một bài! Trước khi chúng tôi lên sân khấu, tất cả khán giả ở sân vận động chật ních này hò hét ola, ola… Họ ít chú ý đến nhóm trình diễn trước chúng tôi. Chúng tôi lo ngại chờ đến lượt mình. Nhưng khi người giới thiệu chương trình loan tên nhóm chúng tôi, mọi người vỗ tay tiếp đón không thể tưởng tượng.

Ola, ola ngừng và chúng tôi hát bài hát “Cantique”, phiên bản mới của một bài hát của Thánh Phanxicô Axixi. Các bạn trẻ thật sự cùng hòa với chúng tôi. Khi chúng tôi mời mọi người hát điệp khúc được đệm bằng trống mà thôi, cả sân vận động cùng hát theo. Một kỷ niệm không thể nào quên được!

Đối với tôi, Gerland là buổi hòa nhạc cuối cùng. Nhưng nếu tôi ngừng thì nhóm sẽ tiếp tục trong nhiều năm nữa. Các buổi trình diễn sẽ nối tiếp, các album cũng vậy. Anh Vincent tiếp tục cuộc phiêu lưu với Totus một cách đặc biệt. Anh mong đến với khán giả ngoài kitô giáo, có thể bị cho là “khác lạ” (đó là tựa đề của album cuối cùng) đối với một vài môi trường công giáo.

Đúng là cả một thế hệ trong Giáo hội công giáo sợ loại âm nhạc này, họ có lý khi phải cẩn thận. Nhưng cũng không nên cho là ‘ma quái’ những gì dính đến nhạc rock. Chúng ta nên có mặt trên tất cả các mặt trận, cần phải nói lên, cần phải kitô hóa từ bên trong, cũng như trên Internet. Đó là dụng cụ thê thảm trong bàn tay của những người đồi trụy, nhưng là câu trả lời cho tín hữu kitô, họ phải từ chối tất cả máy vi tính, hay ngược lại, họ phải phát triển sự hiện diện kitô giáo trên các trang Web?

Đức Gioan-Phaolô II đã hiểu rất rõ điều này, ngài khuyến khích chúng tôi ngày nay phải có mặt trên các nơi khác nhau, như trong thông điệp Sứ mạng của Đấng Cứu Thế (Redemptoris Missio).

Chúng tôi là một trong các nhóm rock công giáo đầu tiên ở Pháp, có thể là nhóm đầu tiên.

Chúng tôi đã mở một cánh cửa. Từ đó có nhiều nhóm ra đời, điều này làm chúng tôi rất vui mừng vì chúng tôi đã thuyết phục được sự có mặt quan trọng của kitô giáo trong âm nhạc tuổi trẻ. Ngày nay, các nhà tổ chức sự kiện cho các bạn trẻ trong Giáo hội có rất nhiều chọn lựa để chọn nhóm nào hay nhất! Các nhóm mới này nghe nhạc chúng tôi khi họ còn tuổi vị thành niên, bây giờ họ xem chúng tôi như “ông cụ” của họ. Tôi liên lạc với nhiều người trong số họ.

Ngày hôm sau buổi hòa nhạc ở Gerland, tôi từ giã nhóm, tôi đến với các chủng sinh tụ họp chung quanh giáo hoàng ở làng của cha xứ Ars.

Một giai đoạn mới bắt đầu, tôi rời tay bass để vào chủng viện.

Marta An Nguyễn dịch

Nhóm nhạc rock ở sân vận động Gerland, Lyon tháng 10 năm 1986

Mười điểm về cuộc họp thượng đỉnh các giám mục để bảo vệ trẻ vị thành niên

Mười điểm về cuộc họp thượng đỉnh các giám mục để bảo vệ trẻ vị thành niên

Đám mây đen chồng chất trên Giáo hội | © Oliver Sittel

cath.ch, Maurice Page, 2019-02-14

Rất hiếm khi một cuộc họp giám mục ở Rôma lại tạo mong chờ và bình luận nhiều như vậy. Cuộc họp do Đức Phanxicô triệu tập sẽ diễn ra từ ngày 21 đến 24 tháng 2 là một thách thức lớn cho uy tín của Giáo hội công giáo trên thế giới.

  1. Ai tham dự?

Cuộc họp ở Rôma quy tụ khoảng 180 nhân vật gồm: chủ tịch các hội đồng giám mục trên thế giới (khoảng một trăm), đại diện các dòng tu, đại diện giáo triều, các chuyên gia giáo dân và nạn nhân. Chương trình tiến hành sẽ như cách tiến hành một thượng hội đồng giám mục: báo cáo, họp toàn thể, họp nhóm làm việc theo ngôn ngữ, và thì giờ dành cho cầu nguyện. Điều phối viên các cuộc thảo luận là Linh mục Dòng Tên Federico Lombardi, cựu giám đốc Văn phòng báo chí Tòa Thánh. Đức Phanxicô sẽ hiện diện trong suốt thời gian họp.

Linh mục Federico Lombardi, nhà hiền triết để dẫn dắt các cuộc thảo luận 

Linh mục Dòng Tên Federico Lombardi, cựu giám đốc Văn phòng báo chí Tòa Thánh

Ngày đầu tiên buổi họp sẽ dành để nêu lên vai trò mục vụ, thiêng liêng và pháp lý của giám mục. Ngày thứ nhì dành riêng cho chuỗi trách nhiệm. Ngày thứ ba là ngày nghiên cứu “vấn đề mang tính hệ thống” có nghĩa là phản ứng của cộng đồng trước tai ương lạm dụng tình dục. Hai buổi phụng vụ quan trọng đánh dấu cuộc họp: buổi phụng vụ ăn năn sám hối ngày thứ bảy 23 và thánh lễ chúa nhật ngày 24 tháng 2.

  1. Vấn đề nào?

Đức Phanxicô mong muốn cuộc họp là “cuộc gặp gỡ các mục tử chứ không phải một cuộc họp nghiên cứu”. Cuộc họp hoàn toàn tập trung vào các vụ xâm phạm đến trẻ em. Linh mục Hans Zollner, chủ tịch Ủy ban giáo hoàng bảo vệ trẻ vị thành niên nhấn mạnh: “Đó là những người yếu nhất và không có tiếng nói”.

Theo Linh mục Lombardi, việc đầu tiên là nhận thức cá nhân và tập thể. Theo ngài, “một vài người, một vài nhà có trách nhiệm, đôi khi là các linh mục không hiểu chiều sâu của vấn đề.” Không nhắc tên, linh mục đã tố cáo một số tòa giám mục (đặc biệt ở Phi châu) gần như không làm gì hết để chống các vụ lạm dụng tình dục, “vô cùng ngây thơ” nghĩ nước họ không có vấn đề. Phải nhìn thực tế trước mặt, không phải chỉ trên bình diện lý thuyết mà cả trên bình diện kinh nghiệm và cảm xúc.

Lạm dụng tình dục: Linh mục Frederico Lombardi đả kích “sự ngây ngô không tưởng tượng được” của một vài hàng giám mục

Bà Marie Collins, cựu thành viên Ủy ban giáo hoàng bảo vệ trẻ vị thành niên nói thẳng: “Các ông quan trong ban điều hành Giáo hội ngủ và nghĩ rằng khi họ nhắm mắt thì các vụ lạm dụng được giấu kín, họ không có gì phải lo.” Do đó, phải thật sự thay đổi thái độ trong toàn Giáo hội.

  1. Các mong chờ nào?

Ông Alessandro Gisotti, phát ngôn viên lâm thời của Tòa Thánh giải thích, đối với Đức Phanxicô, điều căn bản là khi về nước, các giám mục ý thức có các quy tắc phải được áp dụng và thực hiện các bước cần thiết để phòng ngừa lạm dụng, bảo vệ các nạn nhân và đảm bảo không một trường hợp nào được bao che, được che đậy. Một lời hứa mà bà Marie Collins nghi ngờ: “Chúng tôi được bảo đảm mọi sự sẽ được tiến tới. Nhưng chúng tôi thấy rất ít kế hoạch hành động trên giấy tờ, một cách cụ thể và dấn thân”.

Bà Marie Collins người Ai Len đã từ nhiệm ở Ủy ban giáo hoàng bảo vệ trẻ vị thành niên

Linh mục Zollner giải thích, dù không thể chờ đợi việc xem lại các quy tắc giáo luật chống các tu sĩ phạm pháp, nhưng khả năng thành lập từng vùng các nhân tố đặc biệt đang được thành hình. Các nhóm làm việc này hỗ trợ các hội đồng giám mục trong việc quản trị và phòng ngừa các vụ lạm dụng. Họ cũng có nhiệm vụ truyền tải các giải pháp hữu hiệu đã được thử nghiệm ở nơi khác.

Cũng trong thứ trật này, việc xử lý các linh mục ấu dâm có thể giao về địa phương. Hiện nay 5,100 giám mục trên thế giới báo cáo về giáo hoàng, nên không thể xử lý nhanh chóng được. Chuỗi trách nhiệm sẽ được xác định lại, tạo một cập độ trung gian giữa các hội đồng giám mục và Vatican.

Linh mục Hans Zollner, ở tuyến đầu chống các lạm dụng tình dục

Ngày 27 tháng 1, 2019 trên máy bay từ Panama về, Đức Phanxicô cảnh báo một sự mong chờ quá mức về cuộc họp này. “Vấn đề sẽ tiếp tục vì đó là vấn đề của con người và ở khắp mọi nơi”. 

  1. Đặt lại vấn đề bậc sống độc thân của linh mục?

Nhiều môi trường khác nhau đã đặt các vụ lạm dụng tình dục có liên hệ trực tiếp với bậc sống độc thân của linh mục. Nhưng theo Linh mục Zollner và đa số các chuyên gia thì không thể thiết lập mối liên hệ nhân-quả giữa bậc sống độc thân và lạm dụng tình dục. 95% các vụ lạm dụng thường xảy ra trong gia đình và 99,9% những người lạm dụng là những người không độc thân. Và ít nhất là có 95% linh mục không bao giờ lạm dụng tình dục trên trẻ em. Tuy nhiên Linh mục Zollner thừa nhận bậc sống độc thân có thể là yếu tố rủi ro nếu nó không được sống tốt qua nhiều năm tháng.

Linh mục Hans Zollner là một trong các nhà tổ chức cuộc họp thượng đỉnh bảo vệ trẻ vị thành niên 

Đức Phanxicô cũng vậy, ngày 27 tháng 1, ngài cho rằng bậc sống độc thân được xem như một ơn của Giáo hội. Ý tưởng cho rằng việc xóa bỏ bậc sống độc thân có thể xem như một cách để ngừa các vụ ấu dâm, dường như làm chặn lại cho bất cứ một cơ hội nào để tiến triển. Cũng nên nhắc, các Giáo hội công giáo theo nghi thức Đông phương có các linh mục lập gia đình. 

  1. Ảnh hưởng của nhóm gây sức ép đồng tính?

Sau vụ hồng y Theodore McCarrick, cựu Tổng Giám mục giáo phận Washington, bị kết án lạm dụng tình dục trên các chủng sinh và trẻ vị thành niên và cũng sau các vụ khác trước đây ở nhiều nước khác nhau, thì có rất nhiều tiếng nói tố cáo có một tỷ số cao các người đồng tính trong hàng tu sĩ công giáo. Họ đưa “văn hóa nhóm đồng tính” vào Giáo hội, nhóm này khoan dung hơn trước các hành vi ấu dâm với các em bé trai tuổi dậy thì.

Nhà báo và nhà văn Ý Gianluigi Nuzzi giải thích: “Đức Phanxicô bị bao quanh bởi những người không có cùng quan tâm với ngài. Họ chận ngài, họ bẫy ngài, chẳng hạn như họ khuyên những chuyện không tốt. Thêm nữa lại có nhóm gây sức ép đồng tính và những người đe dọa các người đồng tính, họ sẽ bị phơi bày sở thích tình dục của họ ra ánh sáng”.

Không bao giờ nhắc đến mối liên hệ nào với ấu dâm, gần đây Đức Phanxicô giải thích vấn đề đồng tính trong hàng giáo sĩ làm ngài lo ngại. Ngài nhắc lại: “Giáo hội yêu cầu những người có khuynh hướng này không được chấp nhận vào sứ vụ cũng như vào đời sống thánh hiến”. 

  1. Những biện pháp trừng phạt nào đối với các giám mục?

Sau một thời gian dài trì hoãn, trong những năm gần đây Giáo hội đã cách chức các linh mục, giám mục và thậm chí cả hồng y bị kết án lạm dụng tình dục trên trẻ vị thành niên ra khỏi chức thánh.

Nhưng việc trừng phạt sự thờ ơ hay khinh suất của các giám chức, đứng trước các vụ lạm dụng tình dục của các linh mục đôi khi xảy ra đã hàng chục năm rõ ràng là rất tế nhị. Vụ hồng y Barbarin minh họa một cách hoàn hảo trường hợp này. Nếu hồng y Barbarin, tổng giáo phận Lyon đã phạm một lỗi đạo đức không thể chối cãi, ngài không tố cáo cũng không sa thải linh mục ấu dâm Bernard Preynat, tòa án dân sự sẽ có lẽ không lên án ngài. Nhưng liệu giáo luật có nên phạt ngài không? Ngài phải từ nhiệm không? Một phán xét mà ngay cả Giáo hội cũng không thể dựa trên sự tức giận chính đáng của các nạn nhân, cũng như trên cảm xúc của mọi người.

Ấu dâm trong Giáo hội: Không một lên án nào chống hồng y Barbarin 

Đàng sau vụ án này là vụ án của Giáo hội và của lệnh cấm nói về ấu dâm

Ở đây cũng vậy, với tư cách là một tu sĩ Dòng Tên, chắc chắn Đức Phanxicô sẽ không đưa ra các biện pháp chung mới. Ngài muốn tiếp tục đánh giá từng trường hợp một.

  1. Đền bù tài chánh như thế nào?

Nếu đa số các nước phương Tây xem việc đền bù tài chánh cho các nạn nhân ấu dâm là chuyện phải làm, thì điều này không được áp dụng cho tất cả mọi nơi.

210 triệu đôla bồi thường cho các nạn nhân các vụ lạm dụng tình dục ở giáo phận Minneapolis, nước Mỹ

Lạm dụng trong một nhà thờ ở New York: Bồi thường kỷ lục cho bốn nạn nhân

Trong nhiều nước, các giám mục vẫn cứ xem các tội ác ấu dâm của các linh mục chỉ thuộc trách nhiệm cá nhân chứ không của Giáo hội. Như thế họ không nghĩ đến việc bồi thường cho nạn nhân.

Các giáo phận không phải là ‘con’ của Vatican, họ có độc lập tài chánh nên ý tưởng có một giải pháp toàn cầu là chuyện không có được. Vấn đề tùy thuộc rất nhiều đến quan hệ của Nhà nước-Giáo hội trong mỗi Quốc gia. 

  1. Đâu là biện pháp phòng ngừa?

Điều lệ bắt buộc với tất cả thừa tác vụ là phải kiểm tra tâm lý các ứng sinh xin vào chủng viện, yêu cầu cung cấp hồ sơ pháp lý cho tất cả nhân viên của Giáo hội, có các khóa học tập, các điểm tiếp xúc: các giám mục của nhiều nước đã bắt đầu lên chương trình phòng ngừa các vụ lạm dụng.

Nhưng phải công nhận là tình trạng thay đổi rất lớn theo từng châu lục và Quốc gia. “Không khoan nhượng” của Đức Phanxicô không có cùng một ý nghĩa ở mọi nơi. Hồng y Christoph Schönborn, tổng giáo phận Vienne ghi nhận: “Thường thường, linh mục được xem là người thiêng liêng và không đụng chạm đến được”. 

  1. Linh mục bị đóng dấu?

Do lỗi của một số người, các linh mục bị đóng dấu chung, đây cũng là một vấn đề lớn với các giám mục. Các vụ linh mục tự tử, dù có tội lạm dụng tình dục hay không đã làm cho các cộng đoàn xúc động mạnh. Việc bắt giam một linh mục ấu dâm thường làm rụng rời và chia rẽ.

Một trong các trang báo cáo về các linh mục lạm dụng tình dục ở bang California, lấy từ màn hình.

Các linh mục trong cơn bão táp

Ông Marco Tuberoso thuộc Hiệp hội Hỗ trợ và Bảo vệ các nạn nhân bị lạm dụng tình dục hoạt động ở vùng Thụy Sĩ nói tiếng Pháp lên tiếng: “Không, linh mục không đồng nghĩa với ấu dâm”. Phải tránh không rơi vào hai thái cực, phủ nhận vấn đề hoặc phản ứng thái quá: “Các linh mục phải tiếp tục đối xử ân cần và thích ứng, biết rằng có các giới hạn và phải ý thức bây giờ thái độ của xã hội đã thay đổi trong lãnh vực này”. 

  1. Đâu là chỗ đứng của phụ nữ?

Con số phụ nữ và giáo dân vẫn còn rất ít trong các cuộc họp của Rôma. Trong số các nhân vật có trách nhiệm ở giáo triều, chúng ta chỉ thấy có bà Gabriella Gambino và bà Linda Ghisoni, thư ký dưới quyền của Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống.

Bà Marie Collins bình luận: “Các giáo dân phải tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ để thay đổi. Cần thiết là phải bao gồm các giáo dân, kể cả phụ nữ ở mọi cấp bậc nếu Giáo hội muốn thích hợp với thế kỷ 21”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Xin đọc thêm: Linh mục Stéphane Joulain, sứ mạng với các nạn nhân 

“Các lạm dụng tình dục thường phát sinh từ một quan hệ khởi đầu là thiêng liêng”

Đức Phanxicô sẽ có mặt trong suốt cuộc họp thượng đỉnh bảo vệ trẻ vị thành niên

Đức Hồng y Newman sắp được phong thánh

Đức Hồng y Newman sắp được phong thánh

Nữ tu người Ấn Độ Mariam Thresia Chiramel Mankidiyan sẽ được phong thánh

fr.zenit.org, Anne Kurian, 2019-02-13

Giáo hội công giáo công nhận hai phép lạ nhờ lời chuyển cầu của hai chân phước: Đức Hồng y John Henry Newman (1801-1890), mục sư Anh giáo trở lại đạo công giáo, sáng lập Dòng Oratoires Thánh Philippe Neri ở Anh và Mẹ Mariam Thresia Chiramel Mankidiyan (1876-1926), nữ tu người Ấn Độ ở bang Kerala, sáng lập Dòng Thánh Gia. Việc công nhận các phép lạ này mở đường cho việc phong thánh của hai chân phước.

Đức Phanxicô đã chấp thuận các sắc luật của Bộ Phong thánh do hồng y Angelo Becciu đệ trình ngày 12 tháng 2, 2019: hai sắc luật phép lạ, một sắc luật công nhận việc tử đạo của một linh mục Dòng Tên người Equatoria và năm sắc luật công nhận các “đức tính anh hùng” của năm người đã được rửa tội, bước đầu tiến đến việc phong chân phước. 

Hai phép lạ

Phép lạ đầu tiên là của Hồng y Newman được nhật báo Catholic Herald đăng ngày 28 tháng 11 năm 2018: việc lành bệnh không giải thích được của một phụ nữ người Mỹ mang thai. Trường hợp của bà được giáo phận Chicago, Mỹ nghiên cứu. Bà đã cầu nguyện với Hồng y Newman khi “việc mang thai trở nên nguy hiểm”. Các bác sĩ chữa cho bà tuyên bố, không có một giải thích nào về việc bà được lành bệnh bất ngờ như thế. Đây là phép lạ thứ hai của hồng y Newman, phép lạ đầu tiên là việc một thầy phó tế được chữa lành căn bệnh liệt cột sống mà y khoa không thể giải thích được.

Đức Giám mục Philip Egan, giáo phận Portsmouth ở nước Anh tuyên bố, “bây giờ hồng y Newman có thể được phong thánh và nếu mọi sự tiến hành như dự liệu thì trễ nhất sang năm hồng y Newman sẽ được phong thánh”.

Còn về Mẹ Mariam Thresia thì theo báo “Times of India” phép lạ có được do việc một em bé được chữa lành năm 2009. Em Christopher, đứa con thứ ba của ông Joshi và bà Shibi, ở Perinchery Ấn Độ bị chứng trụy hô hấp cấp tính sau khi sinh, ngày 7 tháng 4. Các bác sĩ bệnh viện Amala (ở Thrissur, bang Kerala) không còn một hy vọng nào nhưng gia đình cầu bàu với Mẹ Mariam Thresia, đặt thánh tích của Mẹ bên cạnh em bé sơ sinh, hai ngày sau em bắt đầu thở bình thường.

Tiểu sử hồng y Newman

Đức Hồng y John Henry Newman sinh ngày 21 tháng 2, 1801 tại Luân Đôn trong một gia đình có 6 người con, ngài được rửa tội theo Anh giáo ở nhà thờ Thánh Benet Fink. Ngài trở lại lần đầu năm 1816 và năm sau Rước lễ lần đầu ở Nhà thờ England. Năm1824 ngài thụ phong phó tế ở Nhà thờ England và năm sau làm linh mục Anh giáo ở Oxford.

Là người có tài hùng biện, ngài là tác giả của nhiều bài giảng và bài khảo luận. Mùa hè năm 1843, Newman thấy rõ tình trạng của mình: sự nghi hoặc về Nhà thờ England thì mạnh hơn là sự nghi hoặc về Giáo hội La Mã. Ngài từ nhiệm địa vị cha xứ của mình. Ngày 9 tháng 10 năm 1845 khi ngài 44 tuổi, ngài theo đạo công giáo do linh mục Dominique Barberi rửa tội, ngài nhận phép thêm sức ngày 1 tháng 11, 1845.

Ngày 30 tháng 5 năm 1847, ngài chịu chức linh mục công giáo. Ngài thành lập nhiều Hội Oratory Thánh Philip Neri ở Maryvale, Birmingham, Luân Đôn tại Anh. Năm 1850, Đức Giáo hoàng Piô IX trao tặng ngài Tiến sĩ thần học danh dự. Ngày 15 tháng 5, 1879 ngài được phong hồng y dù khi đó ngài không phải là giám mục.

Từ năm 1886, sức khỏe của hồng y Newman bắt đầu suy yếu. Ngài cử hành thánh lễ cuối cùng ngày 25 tháng 12 năm 1889. Ngày 10 tháng 8 năm 1890, ngài lãnh phép xức dầu và hôm sau ngài qua đời.

Năm 1991, Đức Gioan-Phaolô II đã tuyên xưng hồng y Newman là bậc đáng kính. Ngày 19 tháng 9 năm 2010, Đức Bênêđictô XVI đã chủ sự lễ phong chân phước cho hồng y Newman.

Nữ tu Mariam-Thresia, Kerala

Nữ tu Mariam-Thresia sinh tại Puthenchira trong một gia đình kitô giáo. Khi lên 10 tuổi, xơ đã dâng hiến đời mình cho Chúa. Lên 12 tuổi, sau khi mẹ chết, cùng với ba bạn trẻ khác, xơ làm việc ở giáo xứ, lo cho người nghèo, người bệnh, người cô đơn: thăm viếng, khuyên nhủ, cầu nguyện, ăn năn hối cải. Xuất thần, thị kiến, dấu thánh, chiến đấu thiêng liêng, đó là những chuyện đánh dấu đời sống nội tâm của Mẹ Mariam-Thresia.

Năm 1903 Mẹ xin giám mục đại diện tông tòa ở Trichur thành lập một nhà cầu nguyện: ngài đề nghị Mẹ vào Dòng Clara nhưng Mẹ vào Dòng Carmel ở Ollur. Cuối cùng giám mục cũng cho Mẹ mở một nhà cầu nguyện và năm 1914, Dòng Thánh gia ra đời theo mô thức của Dòng Thánh gia Bordeaux có trụ sở ở Ceylan.

Ngày 9 tháng 4 năm 2000, Mẹ Mariam-Thresia được Đức Gioan-Phaolô II phong chân phước.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Xin đọc thêm:

Ý nghĩa việc phong chân phước của Hồng y Newman

John Henry Newman: Hành trình Bản Ngã

Khi John Henry Newman cho Thủ tướng Anh một bài học lương tâm

Linh mục Federico Lombardi, nhà hiền triết để dẫn dắt các cuộc thảo luận

Linh mục Federico Lombardi, nhà hiền triết để dẫn dắt các cuộc thảo luận 

la-croix.com, Céline Hoyeau, 2019-01-23

Họp thượng đỉnh ở Vatican về các vụ lạm dụng tình dục

Các nhân vật chủ chốt của cuộc họp thượng đỉnh ở Vatican (5/5). Người nắm công việc giao tiếp bên cạnh ba giáo hoàng, dấn thân trong việc đấu tranh chống ấu dâm trong Giáo hội, Linh mục Lombardi Dòng Tên sẽ là điều phối viên cho cuộc họp chưa từng có này.

Linh mục Federico Lombardi, ngày 2 tháng 2, 2017.  / M. MIGLIORATO/CPP/CIRIC

Chỉ có một sứ mạng khó khăn mới đưa linh mục Lombardi về lại với hiện trường. Trong khuôn khổ khẩn trương tái tổ chức hệ thống truyền thông do Linh mục Dario Vigano đảm trách năm 2016, Linh mục Lombardi đã không còn ở trong ngành truyền thông Vatican, nơi linh mục đã làm việc suốt đời mình, năm nay 76 tuổi, linh mục Lombardi được Đức Phanxicô mời giữ chức vụ chủ chốt trong cuộc họp thượng đỉnh sắp tới về các vụ lạm dụng tình dục.

Một nhân cách khiêm tốn, nghiêm túc và tận tâm, cựu phát ngôn viên của giáo hoàng, từ hai năm nay là chủ tịch Hiệp hội Joseph-Ratzinger nhằm cổ động cho công việc của các nhà thần học và khoa học thế giá, linh mục sẽ là điều phối viên cho các buổi họp sẽ diễn ra từ ngày 21 đến 24 tháng 2 tại Vatican.

Linh mục Lombardi đã đưa ra cách thức làm việc trong hai bài báo được đăng ở tạp chí Văn minh Công giáo (Civiltà Cattolica) mà cha là phó tổng biên tập và là bề trên của cộng đồng các linh mục Dòng Tên làm việc ở đó: bài thứ nhất công bố vào tháng 12-2018 nói đến các giai đoạn chính của cuộc chiến chống ấu dâm trong Giáo hội, cha mời gọi phải “đối diện với thực tế”; bài thứ nhì vừa công bố về các “cách thức thực hành tốt” cần phải áp dụng để có hậu quả tốt, trong đó linh mục phân tích ví dụ của Canada.

Nhận thức được các vấn đề

Linh mục cảnh báo: “Nếu vấn đề này không được giải quyết đầy đủ dưới nhiều khía cạnh khác nhau thì Giáo hội sẽ tiếp tục đối diện hết cuộc khủng hoảng này đến cuộc khủng hoảng khác”, uy tín của các linh mục cũng như “sứ mạng loan báo Tin Mừng và công việc giáo dục của họ cho trẻ em và thanh thiếu niên sẽ bị tổn thương”

Cùng tinh thần một Giáo hội “di chuyển, đi ra” của Đức Phanxicô, linh mục Lombardi cực kỳ ý thức được các vấn đề. Người am tường đường lối của Vatican viết, “đôi khi ngay cả trong Giáo hội, chúng ta nghe nói đã đến lúc phải thay đổi chủ đề, không đúng khi chú tâm quá nhiều đến vấn đề này… nhưng đó là một con đường không đúng”.

Linh mục Lombardi là phát ngôn viên Tòa Thánh từ năm 2006 đến 2016, là cựu giám đốc Radio VaticanTrung tâm truyền hình Vatican, chính ngài từng trực tiếp đương đầu với các cơn khủng hoảng lạm dụng khác nhau dưới triều Đức Bênêđictô XVI, đặc biệt năm 2010 với trường hợp của các linh mục Ai Len. 

“Cùng chia sẻ đau khổ với nạn nhân”

Năm 2011, linh mục Lombardi đã đóng vai trò đáng kể trong việc tổ chức buổi hội thảo đầu tiên về việc chống các vụ lạm dụng tình dục trong Giáo hội có đề tài “Tiến đến chữa lành và làm mới lại”, tại Giáo hoàng Học viện Gregorian ở Rôma. Năm sau, từ buổi hội thảo này đã khai sinh Trung tâm bảo vệ tuổi thơ do linh mục Dòng Tên Hans Zollner điều hành thí điểm tại Rôma.

Mỗi lần linh mục Zollner gặp Đức Phanxicô ở Vatican để nói chuyện về chủ đề này đều có sự hiện diện của linh mục Lombardi. Cũng như khi Đức Bênêđictô XVI, rồi sau này là Đức Phanxicô trong những lần gặp các nạn nhân của các vụ lạm dụng tình dục hay trong các chuyến tông du, linh mục Lombardi đều có mặt, cha nói được nhiều thứ tiếng. Linh mục nhận xét: “Không phải có các ý tưởng sáng suốt và các khí cụ là đủ mà phải chia sẻ sâu xa các đau khổ, các tổn thương của nạn nhân”. Rất thường xuyên, khi lắng nghe, họ thường có “các kháng cự”. Cha khẳng định: “Đây là một trong các điều đầu tiên cần phải thay đổi”. Cha là người được đánh giá cao về tình nhân loại của mình.

Năm 2017, linh mục Lombardi cũng đã tham gia vào việc tổ chức cuộc hội thảo về “Nhân phẩm của trẻ em ở thời kỹ thuật số”, nguồn gốc của một “Tuyên ngôn Rôma” được trình bày trước Đức Giáo hoàng và đề nghị các tiếp cận mới để đấu tranh chống các vụ lạm dụng tình dục ở thời Internet.

Trong suốt những năm qua, đây là chủ đề thiết thân và nghiêm túc của linh mục. Năm 2016, khi kết toán mười năm đứng đầu Văn phòng báo chí Tòa Thánh, linh mục cho biết “vụ khủng hoảng lạm dụng tình dục là rất đau đớn” và đối với linh mục, đó là “thời điểm khó khăn nhất”. Linh mục nói với báo La Stampa: “Tôi cảm thấy có liên quan trong việc ghi nhận rằng có sự hiện diện của tội lỗi trong đời sống Giáo hội”. Linh mục cũng nói với báo Paris Match: “Đây không phải là một chiến lược truyền thông, nhưng là một thử thách phải chấp nhận với lòng khiêm tốn, nghiêm túc và chân thành. Tai ương khủng khiếp và nặng nề này tôi phải đảm trách cùng với giáo hoàng. Đó là con đường thanh tẩy, là nghĩa vụ đoàn kết của chúng tôi”. Một nghĩa vụ mà linh mục sẽ trung thành cho đến cùng.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Xin đọc thêm: Lạm dụng tình dục: Linh mục Frederico Lombardi đả kích “sự ngây ngô không tưởng tượng được” của một vài hàng giám mục

Một vài giám mục “không hiểu chiều sâu“ của vụ tai tiếng tình dục

Cuộc họp về bảo vệ trẻ vị thành niên: Linh mục Lombardi là điều phối viên

Ấu dâm: Ít vụ tai tiếng trong Giáo hội Á châu

Ấu dâm: Ít vụ tai tiếng trong Giáo hội Á châu
la-croix.com, Claire Lesegretain, 2019-02-12
Họp thượng đỉnh về lạm dụng tình dục: mỗi châu lục một tình trạng. Ở Á châu, thường người công giáo là thành phần thiểu số, Giáo hội và xã hội chưa bỏ đi được cấm kỵ về việc lạm dụng tình dục trên các trẻ vị thành niên của các linh mục nên vấn đề này ít được nhắc đến.
Cho đến bây giờ, Á châu ít có các vụ tai tiếng tình dục trên trẻ vị thành niên của hàng giáo sĩ. Lý do đầu tiên là người công giáo la mã chỉ là giọt nước giữa lòng đại dương của các tôn giáo khác như Ấn giáo, Phật giáo, Lão giáo hay Hồi giáo ngoại trừ ở Phi Luật Tân và Timor-Đông phương thì người công giáo chiếm đa số.
Tháng 9 vừa qua, Giám mục Buenaventura Famadico xác nhận trên báo La Croix: “Ở Phi Luật Tân, không một giáo sĩ nào bị tố cáo hay bị tù vì lạm dụng tình dục trên trẻ vị thành niên hay trên người lớn mong manh”, giám mục Fmadico là giám mục giáo phận San Pablo (miền nam thủ đô Manila) và Chủ tịch Ủy ban giám mục các tu sĩ. Lời xác nhận khó kiểm chứng vì ở đất nước có 80% là người công giáo này không có thống kê của hội đồng giám mục địa phương cũng như không có hiệp hội các nạn nhân.
Một nghịch lý thậm chí càng mạnh hơn, vì Phi Luật Tân là nước đứng hàng đầu của “nạn du lịch ấu dâm” và cũng là một trong các nhà cung cấp hàng đầu thế giới dịch vụ khiêu dâm-ấu dâm trên Internet. Theo Unicef, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc, tại Phi Luật Tân nạn loạn luân vẫn là một tai họa lớn và một trẻ em trên bốn là nạn nhân của bạo lực tình dục.
Ở Ấn Độ cũng vậy, các vụ khiếu nại chống ấu dâm rất hiếm, nhưng Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, Ấn Độ có kỷ lục thế giới đáng buồn về các vụ lạm dụng tình dục trên trẻ em (hơn 40% mỗi năm) không tính đến các vụ cưỡng bức hôn nhân các cô gái dưới 18 tuổi dù luật pháp cấm, một tập quán quen thuộc ở các vùng nông thôn miền bắc.
Tuy nhiên, Giáo hội Kerala, tiểu bang miền nam nước Ấn nơi có 14% trên 35 triệu dân là tín hữu công giáo (trung bình toàn nước Ấn là từ 2 đến 4%) kiên quyết “không khoan nhượng” với các vụ lạm dụng. Nhật báo The Indian Express số ngày 6 tháng 2 cho biết, gần đến ngày họp thượng đỉnh Vatican về ấu dâm, Hội đồng giám mục công giáo bang Kerala (KCBC) đã đưa ra nhiều chỉ dẫn cho các giáo xứ và các cơ sở giáo dục. Nhất là Hội đồng bắt buộc phải báo cho nhà cầm quyền dân sự biết tất cả các vụ bạo lực tình dục trên trẻ vị thành niên và người lớn mong manh, phải hợp tác trong các vụ điều tra pháp lý, phải đáp ứng với các nạn nhân “chăm sóc và trắc ẩn”, “không cười đùa tấn công tình dục” và tránh mọi tiếp xúc thể xác không thích ứng với trẻ vị thành niên như “các chuyến du hành ban đêm với các trẻ em hoặc chụp ảnh khỏa thân trẻ em, khi các em đang thay áo quần”.
Các linh mục bị giáng xuống bậc giáo dân ngay lập tức
Với các tu sĩ phạm tội bạo lực tình dục, các giám mục giáo phận Kerala đề nghị giáng họ xuống thành bậc giáo dân. Một sự kiên quyết đáp ứng phần nào với vụ cựu giám mục Franco Mulakkal, giáo phận Jalandhar (Pendjab), năm ngoái bị điều tra đã hiếp dâm nhiều lần một nữ tu giữa các năm 2014 và 2016, dù giám mục phủ nhận các cáo buộc này nhưng giám mục đã bị Hội đồng giám mục công giáo bang Kerala bãi nhiệm chức vụ từ tháng 9 năm 2018.
Tuy nhiên cho dù các nạn nhân là trẻ vị thành niên hay các nữ tu, các vụ lạm dụng này ở Đông Nam Á ít khi bị khiếu nại. Có hai lý do chính thuộc về yếu tố văn hóa. Một mặt, văn hóa Á châu tôn trọng người lớn tuổi và người có quyền, vì thế hình ảnh linh mục vượt hẳn hơn các người khác. Nhà tâm lý Gabriel Dy-Liacco người Phi Luật Tân, thành viên hai ủy ban giáo hoàng bảo vệ trẻ vị thành niên cho biết: “Ở Phi Luật Tân, người tu sĩ được ngầm xem như không phải một công dân bình thường, một sự tôn kính sai lầm xem họ như người ở ngoài luật lệ”.
Mặt khác, đa số các xã hội Á châu, sự nhục nhã đè nặng trên nạn nhân hơn là trên những người đi lạm dụng. Vì thế cảnh sát Ấn Độ đã gặp rất nhiều khó khăn khi đi tìm bằng chứng của một kẻ săn mồi ấu dâm bị bắt vào tháng 1 năm 2017, ông thú nhận đã hiếp trên 500 cô gái nhỏ.
“Sự nhục nhã của một người làm xấu cả gia đình và dòng họ”
Lập luận này đã được Hồng y Luis Antonio Tagle nêu ra trong một hội nghị chuyên đề tại Rôma năm 2012 về nạn ấu dâm của hàng tu sĩ. Ngài cho biết: “Nguyên nhân của sự im lặng trên các trường hợp ấu dâm do văn hóa sợ nhục nhã. Trong văn hóa Á châu, sự nhục nhã của một người làm xấu cả gia đình, dòng họ, cộng đoàn và sự im lặng này được xem như lý do duy nhất để giữ danh dự gia đình.”
Theo chiều hướng thuận lợi của phong trào giải phóng lời trên thế giới, các việc này bắt đầu được giải tỏa. Vì thế ở Timor Đông phương, nhà truyền giáo Mỹ Richard Daschbach, người đã làm việc ở đây từ năm 1966, lâu nay được kính trọng là người cứu các em bé trong thời kỳ chiến tranh dành độc lập và đã thành lập nhiều trung tâm tiếp nhận vừa bị giáng chức giáo sĩ sau khi ông thú nhận đã lạm dụng tình dục trên các trẻ vị thành niên.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Đức Phanxicô tiếp ông Brad Smith, giám đốc Công ty Microsoft

Đức Phanxicô tiếp ông Brad Smith, giám đốc Công ty Microsoft

fr.zenit.org, Anne Kurian, 2019-02-13

Trong một bản tin của Văn phòng báo chí Tòa Thánh, ông Alessandro Gisotti, giám đốc Văn phòng cho biết, chiều thứ tư 13 tháng 2 Đức Phanxicô đã có buổi tiếp kiến riêng với ông Brad Smith, giám đốc Công ty Microsoft tại Nhà Thánh Marta, Vatican.

Ông Brad Smith cùng đi với một phái đoàn sáu người gồm các ông John Edward Frank, phó chủ tịch Công ty Microsoft về các vấn đề doanh nghiệp ở Âu châu, Tổng Giám mục Vincenzo Paglia, chủ tịch Học viện về Sự sống.

Trong cuộc gặp này, Đức Phanxicô đã đề cập đến vấn đề Trí thông minh nhân tạo phục vụ cho lợi ích chung và các hoạt động nhằm “lấp bằng hố kỹ thuật số” trên thế giới.

Ngài đã được loan báo cho biết, công ty Microsoft Học viện về Sự sống có một sáng kiến chung: thành lập Giải thưởng quốc tế về đạo đức trong lãnh vực Trí thông minh nhân tạ , chủ đề của cuộc họp năm 2020 của Học viện.

Trong một bản thông báo chung, hai bên nhấn mạnh “tầm quan trọng của cách tiếp cận đạo đức đối với công nghệ”. Giải thưởng sẽ được trao cho một tiến sĩ bảo vệ luận án giữa tháng 9 năm 2018 và tháng 10 năm 2019 có đề tài về Trí thông minh nhân tạo phục vụ cho đời sống con người.

Trả lời phỏng vấn của nhật báo L’Osservatore romano cùng ngày, ông Brad Smith cho biết: “Trong bàn tay của kẻ xấu, mọi dụng cụ đều có thể thành vũ khí.” Ông nói thêm: “Để đảm bảo niềm tin vào công nghệ, chúng tôi phải nghĩ xa hơn về kỹ thuật; chúng tôi cần các nguyên tắc đạo đức mạnh mẽ, các luật lệ tiến bộ mới, đào tạo những người có kỹ năng mới, thậm chí có thể cải cách được thị trường lao động”. Ông cho biết, kỹ thuật phải phục vụ và sứ mạng của kỹ thuật là “gia tăng tiềm năng của tất cả mọi người trên hành tinh này”.

Sau chuyến thăm, ông Brad Smith cho biết, ông thật sự trân trọng “cuộc thảo luận xây dựng và đào sâu với Đức Phanxicô.” Ông ca ngợi tính “hiếu kỳ” và “năng lực” của ngài. Ông tuyên bố: “Ở công ty Microsoft, chúng tôi tin chắc các tiến bộ kỹ thuật có thể tăng cơ hội đưa ra các giải pháp cho một số thách thức lớn trên thế giới. Đồng thời các vấn đề đạo đức liên quan đến công nghệ Trí thông minh nhân tạo có một tầm quan trọng rất lớn và đáng được xem xét cẩn thận”.

Ông Brad Smith cũng nhận lời mời của Giám mục Vincenzo Paglia tham dự buổi hội thảo “luân lý-rôbô, con người, máy móc và sức khỏe” sẽ được Học viện vì Sự sống tổ chức vào ngày 25 đến 27 thánh 2, 2019 tại Vatican.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Hồng y Blase Cupich, tiếng nói của giáo hoàng ở Mỹ

Hồng y Blase Cupich, tiếng nói của giáo hoàng ở Mỹ

la-croix.com, Céline Hoyeau, 2019-01-22

Các nhân vật chủ chốt của cuộc họp thượng đỉnh về các vụ lạm dụng tình dục (4/5). Đứng đầu giáo phận lớn thứ ba trên thế giới, là đồng minh đầu tiên của giáo hoàng trong cuộc chiến chống lạm dụng tình dục trong Giáo hội Mỹ, Đức Tổng Giám mục giáo phận Chicago được chính Đức Phanxicô chọn để tổ chức cuộc họp thượng đỉnh sẽ diễn ra ở Vatican từ ngày 21 đến 24 tháng 2 sắp tới.

Đức Hồng y Blase Cupich, ngày 19 tháng 12-2018.  / KAMIL KRZACZYNSKI/AFP

Đáp lại lời kêu gọi của Đức Phanxicô, một khóa tĩnh tâm của các giám mục Mỹ đã được tổ chức vào đầu tháng 1-2018 tại giáo phận của hồng y Cupich để suy nghĩ về cơn khủng hoảng các vụ lạm dụng tình dục, chuyện này không phải là không quan trọng. Năm 2014, được Đức Phanxicô phong làm giám mục và hai năm sau phong hồng y, Blase Cupich, 69 tuổi là người của Đức Phanxicô ở Mỹ. Đồng minh đầu tiên của Đức Phanxicô ở Mỹ trong cuộc chiến chống các vụ lạm dụng tình dục trong Giáo hội Mỹ.

Đức Phanxicô đích thân chọn hồng y Blase Cupich để tổ chức cuộc họp thượng đỉnh sẽ diễn ra ở Vatican vào ngày 21 đến 24 tháng 2 mà theo lẽ là hồng y Sean O’Malley, người từ năm năm nay đứng đầu ủy ban giáo hoàng bảo vệ tuổi thơ. Hồng y Cupich gần đây nói trên trang mạng Crux: “Cuộc họp thượng đỉnh này là bước đầu của một tiến trình cần thiết phải có sự tham dự của Giáo hội toàn cầu”.

Bản thân ngài hiểu rõ hồ sơ. Hồng y Cupich là cháu của những người di cư từ Croatia định cư ở Nebraska, xuất thân từ một gia đình có chín người con, cựu giám mục giáo phận  Rapid City, rồi giáo phận Spokan từ năm 2008 đến 2011 giữa cao trào khủng hoảng ấu dâm, hồng y có chân trong ủy ban bảo vệ tuổi thơ và người trẻ trong Hội đồng giám mục Mỹ. 

“Đảm nhận trách nhiệm của mình”

Trên tất cả, hồng y Blase Cupich thể hiện phong cách quản trị mà Đức Phanxicô mong muốn dẫn dắt đàn chiên của mình, tin chắc rằng khủng hoảng lạm dụng tình dục bắt nguồn từ một nền văn hóa giáo sĩ mà Giáo hội phải đi ra.

Một phong cách vượt xa sự lựa chọn của ngài, khi đến giáo phận Chicago năm 2014, ngài không ở tư dinh xa hoa của tòa giám mục, cũng như trước đó ở giáo phận Spokan, ngài sống với các chủng sinh và thường ăn cơm chung với họ.

Trước hết là khiêm tốn và đơn giản, người đứng đầu giáo phận lớn thứ ba trên thế giới không ngừng lặp lại, hệ thống cấp bậc công giáo phải “nhận thấy và đảm nhận trọn vẹn các thất bại của mình để không được lặp lại các thất bại này và đảm nhận các trách nhiệm của mình”. Tháng 12 bản phúc trình Madigan công bố các giáo phận của tiểu bang Illinois – trong đó có giáo phận của ngài – đã không tiết lộ tên của ít nhất 500 giáo sĩ bị buộc tội lạm dụng tình dục trên trẻ em trong quá khứ, chính ngài đã ngay lập tức đưa ra một lời tuyên bố lấy làm tiếc “chúng tôi không có khả năng chống lại các tai họa lạm dụng tình dục của các giáo sĩ”.

Để cộng tác với giáo dân 

Hồng y Blase Cupich là tiến sĩ thần học, là người ủng hộ tận tình cho cách làm việc đồng đội như Đức Phanxicô mong muốn, ngài thường cổ động sự cộng tác chặt chẽ với giáo dân. Tháng 10 vừa qua, trước báo chí, ngài đề nghị các giám mục “từ bỏ thẩm quyền” của mình trong các vụ điều tra về các vụ lạm dụng tình dục trong Giáo hội, các cuộc điều tra này phải giao cho các nhà điều tra giáo dân độc lập và chuyên gia. Ngài khẳng định: “Trong lãnh vực này, chuyên môn và kiến thức của họ vượt xa các giáo sĩ được phong chức”, trong giáo phận của mình, ngài có một hội đồng cố vấn gồm các giáo dân đặc trách lo các vụ “cáo buộc các hành vi sai trái về tình dục giữa nhân viên trong Giáo hội và người lớn”.

Được biết đến với sự điều độ và cởi mở trên các vấn đề xã hội (di dân, bạo lực chủng tộc, án tử hình, phá thai), hồng y Cupich là đối tượng của các tấn công hung bạo trong hàng ngũ của những người bảo thủ nhất.

Một nhóm người tự cho mình là “Tín hữu công giáo trung thành với Rôma” đã trách cứ ngài vì ngài đã lên tiếng cho việc tiếp nhận người đồng tính trong Giáo hội (ngài cũng đã đề nghị một tiến trình quay trở lại với bí tích cho người ly dị tái hôn sau khi ngài tham dự thượng hội đồng gia đình), họ điều tra để cố gắng chứng minh ngài cũng đã che đậy các vụ lạm dụng tình dục do các linh mục vi phạm trong cựu giáo phận Rapid City của ngài.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Xin đọc thêm: Linh mục Hans Zollner, ở tuyến đầu chống các lạm dụng tình dục

Đức Giám mục Charles Scicluna, người không thể mua chuộc được của các giáo hoàng

Hồng y Oswald Gracias, tiếng nói từ miền Nam bán cầu

Linh mục Federico Lombardi, nhà hiền triết để dẫn dắt các cuộc thảo luận 

Trong mối chằng chịt xảo trá của nói dối

Trong mối chằng chịt xảo trá của nói dối

Bức tượng Quỷ Cám dỗ ở nhà thờ chính tòa Strasbourg

fr.aleteia.org, Linh mục Dòng Tên Jean-François Thomas, 2018-12-08

 

Những sự kiện khủng khiếp khác nhau cho thấy những việc có thể xảy ra đưa đến sự leo thang của nói dối. Sự tráo trở của ngôn ngữ bóp méo sự thật có thể đưa đến thói quen. Dưới mắt của người nói dối không ngừng thì thực tế sai lầm còn thật hơn sự thật.

Một vài sự việc bi thảm đặt chúng ta đối diện với chính các yếu đuối của mình, dù nó bị phủ dưới làn tro, một ngày nào đó có thể đưa chúng ta đến các bi bịch giống hệt nhau nếu chúng ta không cẩn thận.

Một tội ác ghê tởm

Một vài tuần trước đây tin tức đưa trở lại vụ giết người khủng khiếp của ông Jean-Claude Romand, người mà năm 1993 ông đã lạnh lùng giết vợ và hai con, sau đó giết cha mẹ trước khi cố giết người tình cũ của mình, cuối cùng ông để bà sống, có lẽ do một sự thương hại nào đó chợt đến. Câu chuyện giết người khủng khiếp này vẫn sẽ là một vụ rất tầm thường, nếu trên thực tế, nguồn gốc của vụ giết người điên rồ này không tìm ra lý do của nó trong lời nói dối được dựng lên như một tượng đài, năm này qua năm khác, trong vòng 18 năm. Người đàn ông này thông minh, đáng yêu, rõ ràng ông thành công trong học tập, trong nghề nghiệp và trong cuộc sống gia đình, ông đã phịa ra một nhân vật để phù hợp với những gì mà ông mong muốn ở chính mình, và những gì người khác mong chờ ở ông, ít nhất là trong trí tưởng tượng của ông. Trong khi ông thất bại ngay từ đầu khi ông học y khoa, nhưng trong vòng 12 năm ông nghĩ ông đã học xuất sắc, được làm nội trú ở Paris và được thâu nhận như một bác sĩ và nghiên cứu gia ở Tổ chức Y tế Thế giới (OMS) ở Genève. Ông lập gia đình với một dược sĩ, bà chẳng thấy gì hết, nghĩ rằng chồng mình tham dự các buổi hội thảo quốc tế trên thế giới, thật sự ông dành hết cả thì giờ ở các bãi đậu xe để người ta tưởng ông làm việc, ông mượn tiền người này người kia nói là để đầu tư rất có lợi, lấy tiền người này trả cho người kia, một cái vòng luẩn quẩn vô tận.

Vòng xoáy của nói dối

Nói dối leo thang tạo thành vòng xoáy như Tháp Babel trên các tranh vẽ, việc nói dối này có thể kéo dài lâu nữa nếu không có ngày một trong các bạn của ông không thấy tên ông trong danh sách của thành viên Tổ chức Y tế Thế giới, sau khi vợ ông ngạc nhiên vì mãi không có được số điện thoại nghề nghiệp của chồng mình. Biết mình sắp bị phát hiện, ông bị người tình cũ đòi tiền, bà là nha sĩ về hưu, bà giao hết tiền tiết kiệm của mình để ông sinh lợi nhưng không bao giờ thấy lại đồng tiền này. Để tránh mất mặt, ông thấy không còn giải pháp nào hơn là giết tất cả những người ông yêu thương: ông giết vợ với cái chày làm bánh, dùng súng các-bin giết hai con, cha mẹ và con chó, còn với người tình cũ thì ông thắt cổ, nhưng rồi ông để bà sống với điều kiện bà không được tiết lộ gì, tất cả trong vòng hai ngày, sau đó ông dùng thuốc ngủ và đốt nhà. Nhưng nhân viên cứu hỏa đến kịp để thấy thảm họa, xác vợ và hai con, còn ông thì bị hôn mê. Bị kết án về hành động của mình đã phạm trong lúc “buồn bã cực kỳ” do chứng bịa chuyện bệnh lý, ông bị kết án tù chung thân với thời gian cấm cố 22 năm, giai đoạn này chấm dứt năm 2015. Cuối năm 2018 ông xin được tự do có điều kiện sau 26 năm ở tù và hạnh kiểm của ông được cho là không trách vào đâu được. Khả năng có thể trả tự do cho ông đã gây ra các phản ứng tiêu cực rất mạnh mẽ và các nhà báo đã làm sống lại vụ này.

Trong mâu thuẫn của tâm hồn

Làm thế nào mà một người bề ngoài có vẻ bình thường, lại có thể hành động đến mức đó, nhất là tự dựng cho mình một đời sống không có thật, càng ngày nói dối càng chồng chất để rồi mình bị giam hãm vào đó? Vụ của ông Xavier de Ligonnès gần đây cũng bí ẩn như vậy. Tất cả giải thích bằng mối chằng chịt. Điều này cũng đúng cho tất cả tội lỗi và các tật xấu, nhưng sự chằng chịt của nói dối thì xảo trá hơn vì nó dùng các mảnh sự thật và có thể được biện minh dưới một vài khía cạnh.

Thánh Âugutinô nhấn mạnh bản chất của nói dối không phải ở trong ý muốn lừa dối, cũng không phải ở việc nói sai nhưng là trong mâu thuẫn của tâm hồn với lời nói của mình: “Người nói dối nghĩ một chuyện trong tâm hồn và diễn tả thành một chuyện khác bằng lời hay bằng cử chỉ” (Lib.de mendac. XX). Thánh Tôma Aquinô trong Tổng luận Thần học, IIa-IIae, q.110, art.2 dùng lại ý của Thánh Âugutinô khi ngài chia lời nói dối thành ba loại: những lời nói dối để làm ơn, “để cứu rỗi và trong lợi ích cho một người”; những lời nói dối vui vẻ, “nói để đùa”; và những lời nói dối độc hại, “nói vì ác ý”.

Sự quyến rũ của Quỷ Cám dỗ

Sự leo thang của nói dối mà chúng ta quan tâm ở đây dường như không thuộc về bất cứ loại nào trong ba loại trên, có thể giới hạn ở loại thứ nhất, người nói dối là người có lợi cho việc nói dối của mình. Thật ra mối chằng chịt có nguồn gốc của nó từ Satan, người cha của nói dối mà Sách Thánh đã mô tả. Đây không còn là một lỗi do cố ý nhưng là một trạng thái trở thành trạng thái của cuộc sống và một bản chất thứ nhì còn mạnh hơn đời sống thực và bản chất này bị hư đi, nhưng vẫn là bản chất con người. Một trong các bức tượng ở nhà thờ chính tòa Strasbourg nói lên biểu tượng của nói dối: Quỷ Cám dỗ là hình ảnh chàng trai trẻ duyên dáng, tươi cười, quyến rũ, ăn mặc thanh lịch, tay cầm trái cấm mời mọc nhưng vẻ bề ngoài này che giấu thực tế, sau lưng nó là một đàn rắn, cóc và những con vật bẩn thỉu. Nó chỉ có thể lừa bằng cách nói dối về bản chất của mình, tạo một nhân vật không phải là chính mình.

Để thực sự nói dối, phải biết sự thật và đủ khôn khéo hay vặn vẹo để biến đổi nó, làm biến dạng nó. Thường thường, tại nguồn gốc của nói dối là một mảnh của sự thật, nhanh chóng bị phá hủy và và bị nuốt chửng bởi mong muốn nói xấu, làm hại, đánh bóng. Các nhà ngụy biện là những binh đoàn ở khắp nơi, họ là bậc thầy trong nghệ thuật lừa đảo bằng lời. Kẻ nói dối leo thang là người ngụy biện chuyên nghiệp, hoặc vì di truyền, vì bệnh hay cố ý.

Sự tráo trở của ngôn ngữ

Trong mối chằng chịt của nói dối là sự tráo trở của ngôn ngữ được dùng trong mọi trường hợp để nói như thật cái gì sai, hoặc nói như thật cái gì không có. Ngôn ngữ như một loại gương của thế giới và dùng ngôn ngữ sai là làm bể tấm gương, hoặc ít nhất là làm mờ nó. Đó là lý do vì sao không một lời nói dối nào là vô hại, mọi nói dối đều là tội. Qua lời nói dối, đó là muốn lừa người khác về thực tế của thế giới, làm mù quáng người khác và vì thế sớm muộn gì cũng dẫn chính mình đến việc nói dối để có lợi, để cho mình một địa vị mà mình không có, để ở trên bệ thờ như một vị thần. Satan, là tạo vật cũng như thiên thần, nó đã chọn sự dữ bằng cách nói dối với chính mình về con người thật của mình. Nó không muốn mình lệ thuộc, dù nó đẹp nhất trong các thiên thần. Nó tự cho nó là Chúa.

Vì thế chúng ta không ngạc nhiên khi thấy một số người tự xây mình thành những nhân vật mà họ hoàn toàn không hề nhận ra khi vận tốc đầu tiên đi qua. Mối chằng chịt làm phần còn lại và không thể quay trở lại vì thực tế giả tạo tạo ra do nói dối dưới mắt người nói dối lại thật hơn so với sự thật. Chính con rắn cắn đuôi mình và bị ngạt do chính chất độc của nó. Trong phiên tòa năm 1996, ông Jean-Claude Romand mô tả hoàn hảo điều đã thúc đẩy ông bước vào con đường địa ngục này: “Khi bị ở trong mối chằng chịt là không được làm thất vọng, thì lời nói dối đầu tiên kéo theo lời nói dối kế tiếp và như thế suốt cả một đời.” Nhà văn Jean de La Fontaine trong ngụ ngôn Con chim Ưng, con Lợn lòi và con Mèo đã viết một cách khôn ngoan đại ý, “có ý xấu thì sẽ có lời lẽ phản trắc.”

Đừng ai nghĩ rằng mình sẽ không bị leo thang như vậy. Việc sử dụng đúng ngôn ngữ luôn là điều cần thiết hàng đầu để không rơi vào tình trạng mê cung của bóng tối, ở đó những người quen nói dối sẽ than khóc vô tận.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Hồng y Oswald Gracias, tiếng nói từ miền Nam bán cầu

Hồng y Oswald Gracias, tiếng nói từ miền Nam bán cầu

lacroix.com, Nicolas Senèze, Rôma, 2019-01-21

Các nhân vật chủ chốt của cuộc họp thượng đỉnh về các vụ lạm dụng tình dục  (3/5). Nhân vật kín đáo, Tổng Giám mục giáo phận Bombay là một trong các giám mục Á châu đầu tiên nhắc nhở các giám mục bạn của mình về vấn đề lạm dụng tình dục.

Hồng y người Ấn Độ Oswald Gracias (bên phải) và hồng y George Alencherry (bên trái) tại Đền thờ Thánh Phêrô Rôma năm 2013. / Gabriel Bouys/AFP

Hồng y Oswald Gracias chắc chắn là người kín đáo nhất trong các thành viên của hội đồng “C9”, hội đồng các hồng y bên cạnh Đức Phanxicô để cải cách Giáo triều và quản trị Giáo hội.

Nhưng không phải chỉ có đức tính kín đáo này, năm nay 74 tuổi, ngài còn là nhà giáo luật nổi tiếng, là giám mục phụ tá giáo phận Bombay, Tổng Giám mục giáo phận Agra, và rồi Tổng Giám mục giáo phận Bombay, ngài là một trong các nhân vật của Hội đồng giám mục Á châu mà ngài là chủ tịch từ năm 2011 đến năm 2018. 

“Cởi mở, nồng hậu, đáng kính, chú tâm”

Với chức vụ này mà Đức Phanxicô mời ngài vào hội đồng “C9”, trong guồng máy quản trị của các hồng y đại diện cho sự đa dạng của thế giới. Hồng y cao và mảnh khảnh có cử chỉ tỏa rộng và tao nhã theo sau cải cách phương tiện truyền thông.

Năm 2013, Giám mục Felix Machado giáo phận Vasai đã nói với báo La Croix: “Bởi bản chất rất cởi mở và nồng hậu, Đức Hồng y có phẩm chất trí tuệ cao, một trí nhớ phi thường và một sức làm việc đáng kể, nhưng trước hết ngài là con người của đức tin, đơn sơ, dễ gần gũi, tôn trọng người khác, quan tâm đến những người thiếu thốn nhất cũng như những người sống bên lề.”

Năm 2008 hồng y đã mổ một căn bệnh ung thư hiếm. Ngài có một khả năng lắng nghe đáng nể và không ngại có các quan điểm can đảm. Vì thế năm 2013 ngài đã phản đối việc hình sự hóa đồng tình luyến ái.

Ở một nước Ấn Độ rất thận trọng về vấn đề này, ngài đã tuyên bố: “Giáo hội công giáo phản đối việc hợp thức hóa hôn nhân đồng tính nhưng dạy rằng, những người đồng tính có nhân phẩm như mọi người và lên án tất cả mọi hình thức phân biệt đối xử bất công, sách nhiễu hoặc lạm dụng”.

Hồng y Oswald Gracias là người không phương Tây duy nhất trong ban tổ chức cuộc họp thượng đỉnh cuối tháng 2 này về các vụ lạm dụng tình dục, ngài đảm bảo để các vấn đề của miền Bắc bán cầu và các nước anglo-saxon không tập trung quá nhiều.

Từ lâu Á châu nghĩ mình ở ngoài các vụ lạm dụng 

Nữ tu Arina Gonsalves người Ấn Độ, thành viên của Hội đồng giáo hoàng bảo vệ trẻ vị thành niên trả lời trên trang mạng Crux: “Ngài sẽ giúp đào sâu để suy nghĩ trên nhiều chủ đề khác nhau, sự đóng góp của ngài sẽ phong phú và đa dạng”.

Nữ tu Gonsalves ở Bombay, xơ khẳng định, “hồng y rất xem trọng vấn đề bảo vệ trẻ vị thành niên”.

Trong một Á châu từ lâu nghĩ mình ở ngoài các vụ lạm dụng tình dục thì hồng y Gracias là một trong những người đầu tiên nhắc nhở các giám mục bạn của mình về vấn đề này. 

“Hồng y nâng đỡ các nạn nhân các vụ lạm dụng”

Năm 2011, khi ngài còn là Tổng Thư ký Liên đoàn các giám mục công giáo Á châu (FABC), ngài đã tổ chức ở Bangkok (Thái Lan) một trong các hội thảo đầu tiên về chủ đề này. Ngài can thiệp để mang lại sự hỗ trợ cho các nạn nhân và các biện pháp để bảo vệ trẻ em.

Nữ tu Arina Gonsalves xác nhận: “Chính hồng y nâng đỡ các nạn nhân bị lạm dụng, lắng nghe họ với tấm lòng trắc ẩn và hiểu biết. Ngài có các biện pháp để bảo vệ trẻ em trong giáo phận của mình, phát triển các chính sách khác nhau để bảo vệ”.

Tháng 11 năm 2018, trong một hội nghị ở Rôma về lạm dụng tình dục, hồng y bị một phụ nữ tham dự hội thảo tố cáo ngài đã không hành động đủ mạnh để chống lại một linh mục bị buộc tội hãm hiếp một phụ nữ trẻ trong một khóa tĩnh tâm. 

Ở Ấn Độ, vấn đề bảo vệ phụ nữ

Vì, ngoài việc lạm dụng trẻ vị thành niên, Ấn Độ còn phải đối diện lớn về các lạm dụng đối với những người bị tổn thương, trong đó có phụ nữ, ở một nước mà các thủ phạm hiếp dâm khi bị phát hiện lại không bị trừng phạt.

Giáo hội về phương diện này cũng không tránh được: Giám mục Franco Mulakkal, giám mục giáo phận Jalandhar (Kerala) bị một nữ tu tố cáo giám mục đã hiếp nữ tu mười ba lần tại tu viện của nữ tu từ năm 2014 đến năm 2016.

Chính hồng y Gracias, là chủ tịch hội đồng giám mục Ấn Độ, đã thúc đẩy Hội dòng phúc âm hóa xử lý vụ này và yêu cầu giám mục Mulakkal từ chức vào tháng 10 năm 2018 vừa qua.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Xin đọc thêm: Linh mục Hans Zollner, ở tuyến đầu chống các lạm dụng tình dục

Đức Giám mục Charles Scicluna, người không thể mua chuộc được của các giáo hoàng

Bài mới nhất