Ấu dâm: Ít vụ tai tiếng trong Giáo hội Á châu

172
Ấu dâm: Ít vụ tai tiếng trong Giáo hội Á châu
la-croix.com, Claire Lesegretain, 2019-02-12
Họp thượng đỉnh về lạm dụng tình dục: mỗi châu lục một tình trạng. Ở Á châu, thường người công giáo là thành phần thiểu số, Giáo hội và xã hội chưa bỏ đi được cấm kỵ về việc lạm dụng tình dục trên các trẻ vị thành niên của các linh mục nên vấn đề này ít được nhắc đến.
Cho đến bây giờ, Á châu ít có các vụ tai tiếng tình dục trên trẻ vị thành niên của hàng giáo sĩ. Lý do đầu tiên là người công giáo la mã chỉ là giọt nước giữa lòng đại dương của các tôn giáo khác như Ấn giáo, Phật giáo, Lão giáo hay Hồi giáo ngoại trừ ở Phi Luật Tân và Timor-Đông phương thì người công giáo chiếm đa số.
Tháng 9 vừa qua, Giám mục Buenaventura Famadico xác nhận trên báo La Croix: “Ở Phi Luật Tân, không một giáo sĩ nào bị tố cáo hay bị tù vì lạm dụng tình dục trên trẻ vị thành niên hay trên người lớn mong manh”, giám mục Fmadico là giám mục giáo phận San Pablo (miền nam thủ đô Manila) và Chủ tịch Ủy ban giám mục các tu sĩ. Lời xác nhận khó kiểm chứng vì ở đất nước có 80% là người công giáo này không có thống kê của hội đồng giám mục địa phương cũng như không có hiệp hội các nạn nhân.
Một nghịch lý thậm chí càng mạnh hơn, vì Phi Luật Tân là nước đứng hàng đầu của “nạn du lịch ấu dâm” và cũng là một trong các nhà cung cấp hàng đầu thế giới dịch vụ khiêu dâm-ấu dâm trên Internet. Theo Unicef, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc, tại Phi Luật Tân nạn loạn luân vẫn là một tai họa lớn và một trẻ em trên bốn là nạn nhân của bạo lực tình dục.
Ở Ấn Độ cũng vậy, các vụ khiếu nại chống ấu dâm rất hiếm, nhưng Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, Ấn Độ có kỷ lục thế giới đáng buồn về các vụ lạm dụng tình dục trên trẻ em (hơn 40% mỗi năm) không tính đến các vụ cưỡng bức hôn nhân các cô gái dưới 18 tuổi dù luật pháp cấm, một tập quán quen thuộc ở các vùng nông thôn miền bắc.
Tuy nhiên, Giáo hội Kerala, tiểu bang miền nam nước Ấn nơi có 14% trên 35 triệu dân là tín hữu công giáo (trung bình toàn nước Ấn là từ 2 đến 4%) kiên quyết “không khoan nhượng” với các vụ lạm dụng. Nhật báo The Indian Express số ngày 6 tháng 2 cho biết, gần đến ngày họp thượng đỉnh Vatican về ấu dâm, Hội đồng giám mục công giáo bang Kerala (KCBC) đã đưa ra nhiều chỉ dẫn cho các giáo xứ và các cơ sở giáo dục. Nhất là Hội đồng bắt buộc phải báo cho nhà cầm quyền dân sự biết tất cả các vụ bạo lực tình dục trên trẻ vị thành niên và người lớn mong manh, phải hợp tác trong các vụ điều tra pháp lý, phải đáp ứng với các nạn nhân “chăm sóc và trắc ẩn”, “không cười đùa tấn công tình dục” và tránh mọi tiếp xúc thể xác không thích ứng với trẻ vị thành niên như “các chuyến du hành ban đêm với các trẻ em hoặc chụp ảnh khỏa thân trẻ em, khi các em đang thay áo quần”.
Các linh mục bị giáng xuống bậc giáo dân ngay lập tức
Với các tu sĩ phạm tội bạo lực tình dục, các giám mục giáo phận Kerala đề nghị giáng họ xuống thành bậc giáo dân. Một sự kiên quyết đáp ứng phần nào với vụ cựu giám mục Franco Mulakkal, giáo phận Jalandhar (Pendjab), năm ngoái bị điều tra đã hiếp dâm nhiều lần một nữ tu giữa các năm 2014 và 2016, dù giám mục phủ nhận các cáo buộc này nhưng giám mục đã bị Hội đồng giám mục công giáo bang Kerala bãi nhiệm chức vụ từ tháng 9 năm 2018.
Tuy nhiên cho dù các nạn nhân là trẻ vị thành niên hay các nữ tu, các vụ lạm dụng này ở Đông Nam Á ít khi bị khiếu nại. Có hai lý do chính thuộc về yếu tố văn hóa. Một mặt, văn hóa Á châu tôn trọng người lớn tuổi và người có quyền, vì thế hình ảnh linh mục vượt hẳn hơn các người khác. Nhà tâm lý Gabriel Dy-Liacco người Phi Luật Tân, thành viên hai ủy ban giáo hoàng bảo vệ trẻ vị thành niên cho biết: “Ở Phi Luật Tân, người tu sĩ được ngầm xem như không phải một công dân bình thường, một sự tôn kính sai lầm xem họ như người ở ngoài luật lệ”.
Mặt khác, đa số các xã hội Á châu, sự nhục nhã đè nặng trên nạn nhân hơn là trên những người đi lạm dụng. Vì thế cảnh sát Ấn Độ đã gặp rất nhiều khó khăn khi đi tìm bằng chứng của một kẻ săn mồi ấu dâm bị bắt vào tháng 1 năm 2017, ông thú nhận đã hiếp trên 500 cô gái nhỏ.
“Sự nhục nhã của một người làm xấu cả gia đình và dòng họ”
Lập luận này đã được Hồng y Luis Antonio Tagle nêu ra trong một hội nghị chuyên đề tại Rôma năm 2012 về nạn ấu dâm của hàng tu sĩ. Ngài cho biết: “Nguyên nhân của sự im lặng trên các trường hợp ấu dâm do văn hóa sợ nhục nhã. Trong văn hóa Á châu, sự nhục nhã của một người làm xấu cả gia đình, dòng họ, cộng đoàn và sự im lặng này được xem như lý do duy nhất để giữ danh dự gia đình.”
Theo chiều hướng thuận lợi của phong trào giải phóng lời trên thế giới, các việc này bắt đầu được giải tỏa. Vì thế ở Timor Đông phương, nhà truyền giáo Mỹ Richard Daschbach, người đã làm việc ở đây từ năm 1966, lâu nay được kính trọng là người cứu các em bé trong thời kỳ chiến tranh dành độc lập và đã thành lập nhiều trung tâm tiếp nhận vừa bị giáng chức giáo sĩ sau khi ông thú nhận đã lạm dụng tình dục trên các trẻ vị thành niên.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch