la-croix.com, Isabelle de Gaulmyn Tổng biên tập, 2023-09-28
Giáo hoàng Phanxicô bị chỉ trích vì quá chính trị ở Marseille. Đúng vậy, về mặt chính trị, vì ngài đại diện cho một Giáo hội “được sinh động với ước muốn chăm sóc con người”. Thực sự, ngài có một bài phát biểu mang tính bước ngoặt, một tuyên ngôn thực sự cho tín hữu kitô và tất cả những người có thiện chí về vấn đề di cư.
Giáo hoàng Phanxicô, chính trị ư? Vậy sao! Sau chuyến đi Pháp, một số người vội vàng cho cho rằng giáo hoàng này muốn muốn người di cư được chăm sóc là một việc quá mang tính chính trị với một giáo hoàng. Hãy để ngài vượt lên nhiệm vụ của mình. Giáo hoàng phải cầu nguyện trong nhà thờ, ở sân vận động cũng được. Nhưng không áp đặt thái độ của chúng ta phải có với người di cư…
Có nhiều ý xấu trong lời chỉ trích này. Họ quên mất Đức Gioan XXIII cũng đã nhắc Liên Hiệp Quốc hòa bình gồm cả phát triển công bằng ở các nước Nam bán cầu. Rằng Đức Gioan-Phaolô II cũng đã củng cố vai trò của Solidarnosc dưới sự chỉ đạo của Tướng Jaruzelski, ở đất nước Ba Lan cộng sản. Và Đức Bênêđictô XVI cũng đã giải thích cho các dân biểu kitô giáo về những nguyên tắc mà họ phải tuân theo.
Các giáo hoàng luôn nêu lên vấn đề người di cư
Vatican II nói, Giáo hội có “con đường là con người”. Chắc chắn Giáo hội không nói nên bầu cho đảng nào, cũng như không đưa ra một chương trình chính xác. Nhưng Giáo hội phải “được sinh động bởi ước muốn chăm sóc con người”, theo lời của Đức Phanxicô ở Marseille. Và đó thực sự là chính trị. Việc các giáo hoàng nói về tình trạng của người di cư không phải là điều gì mới mẻ. Một cách khéo léo, Đức Phanxicô đã theo bước các vị tiền nhiệm, từ Đức Piô XII đến Đức Bênêđictô XVI, trong đó có Đức Phaolô VI và Đức Gioan Phaolô II.
Sau đó ngài bị chỉ trích vì ngài lý tưởng. Nhưng ngài đã không đưa ra suy tư này một mình, bên lò sưởi, trong văn phòng của ngài ở Vatican! Vì nếu tất cả người công giáo không sẵn sàng nghe lời ngài về vấn đề người di cư, thì có rất nhiều tín hữu kitô dấn thân phục vụ cho người nước ngoài, dù họ ở trong các dòng tu hay giáo dân. Nếu cộng lại, chắc chắn chúng ta sẽ ngạc nhiên khi thấy, từ Calais đến Nice, người công giáo tham gia vào công việc tiếp nhận nhiều như thế. Vì thế, Đức Phanxicô nói qua kinh nghiệm tích lũy nhiều năm và tầm nhìn của ngài gắn chặt sâu sắc với một thực tế mà Giáo hội biết rõ.
Đó chính là điều mang lại tầm quan trọng cho bài phát biểu ở Pharo, Marseille ngày thứ bảy 23 tháng 9. Được cấu trúc, được thực hiện, văn bản này là một tuyên ngôn thực sự về vấn đề di cư đối với người dân các nước châu Âu, và đặc biệt là với tín hữu kitô. Chắc chắn nó sẽ vẫn là một trong những văn bản vĩ đại của triều giáo hoàng của ngài, giống như văn bản của Đức Bênêđictô XVI đọc ở Viện Bênađinô Paris năm 2008, về một chủ đề hoàn toàn khác, sự biến mất đức tin ở châu Âu. Chúng ta cũng có thể xem chúng bổ túc cho nhau: Đức Bênêđictô XVI nói về khía cạnh lý thuyết của đức tin, Đức Phanxicô về khía cạnh thực tiễn của đức tin, đức tin trong hành động ở châu Âu đã bị tục hóa của chúng ta.
Địa Trung Hải, nền văn minh của người di cư
Bergoglio trình bày suy nghĩ của mình về thách thức di cư xung quanh ba biểu tượng: trước hết là biển cả, tấm gương của một hình thức nhân văn nào đó, ngày nay đang gặp nguy hiểm. Sau đó là hải cảng, là tiếp nhận và mở cửa. Cuối cùng là ngọn hải đăng, là sự hiện diện của Giáo hội. Nhà sử học Fernand Braudel đã nói Địa Trung Hải như “biển của thế giới”: Đức Phanxicô dùng hình ảnh này để nhấn mạnh, vùng biển này, dù nhỏ bé, nhưng luôn là nơi diễn ra những trao đổi, gặp gỡ, di cư căng thẳng và đó là cách nó được hình thành, cái nôi của ba tôn giáo đơn thần, ở ngã tư của các tư tưởng Hy lạp, Latinh và Ả rập. Từ sự đan xen này, Địa Trung Hải truyền cho thế giới “giá trị cao đẹp của con người, được ban cho tự do, cởi mở với sự thật và tìm kiếm sự cứu rỗi, xem thế giới như một điều kỳ diệu cần được khám phá và là một khu vườn để sinh sống, dưới dấu hiệu của một Thiên Chúa liên minh với loài người.” Một định nghĩa đẹp đẽ về “tinh thần châu Âu” của giáo hoàng Argentina… Xung quanh vùng biển này, Đức Phanxicô kêu gọi bùng lên tinh thần này, khi đối diện với “tiếng kêu đau đớn biến biển của chúng ta thành biển chết”, “cái nôi của nền văn minh ở ngôi mộ phẩm cách”.
“Di cư phải là một lựa chọn tự do”: Đức Phanxicô, giáo hoàng tiên tri của Lampedusa
Khi đó, việc đề cập đến bến cảng cho phép ngài nói lên sự tiếp đón cần thiết với người di cư. Tổng thống Pháp đã trả lời, “nước Pháp không thể nhận tất cả đau khổ của thế giới”. Câu bị cắt ngắn của cố Thủ tướng Pháp Michel Rocard, và trên thực tế là lạc đề: giáo hoàng chỉ đơn giản nói về việc thể hiện tính nhân văn. Ngài không phủ nhận rằng nhiệm vụ này không hề đơn giản: “Chắc chắn có những khó khăn trong việc chào đón, bảo vệ, thăng tiến và hòa nhập những người bất ngờ đang ở trước mặt”. Nhưng điều này không hề ngăn cản sự đối xử đàng hoàng phù hợp với các giá trị mà chúng ta tuyên bố sẽ bảo vệ. Hơn nữa, chúng ta không có lựa chọn nào khác: Tương lai, dù muốn hay không, chúng ta sẽ cùng nhau tạo dựng”. Cố gắng chạy trốn và trốn tránh vấn đề, ngài nói thêm một cách ám chỉ rõ ràng về thái độ của hầu hết các nhà lãnh đạo châu Âu, “có nghĩa là chúng ta nhắm mắt làm ngơ, và ngày mai nó sẽ biến thành một thảm kịch”. Kết quả, hiện tượng di cư “không phải là trường hợp khẩn cấp nhất thời, luôn luôn tốt để khơi dậy những tuyên truyền gây hoang mang, mà là một thực tế của thời đại chúng ta, một quá trình liên quan đến ba lục địa xung quanh Địa Trung Hải và phải khôn ngoan quản lý. Trách nhiệm của châu Âu có khả năng đối diện. Một lần nữa ngài không xin mở cửa biên giới. Đơn giản là, “tùy theo khả năng của mọi người, để đảm bảo số lượng lớn các tiêu chuẩn nhập hợp pháp và thường xuyên, bền vững, nhờ sự chào đón công bằng từ lục địa châu Âu, trong khuôn khổ hợp tác với các quốc gia xuất xứ”. Do đó, chính châu Âu đang là mục tiêu, một Liên minh châu Âu mà từ đó chúng ta vẫn đang chờ một thỏa thuận mới về việc thiết lập một hệ thống tiếp nhận thống nhất và phối hợp, với các thủ tục rõ ràng.
Chuyển đổi mô hình
Phần cuối của bài phát biểu liên quan đến người công giáo. Chúng ta biết sự miễn cưỡng của nhiều người trong số họ và sự cộng hưởng mà các luận điểm của Cuộc biểu tình Quốc gia có thể có. Do đó, Đức Phanxicô nhắc họ, không phải ngài có ác ý, rằng chính xác kitô giáo đã đến… bằng đường biển! Ở Marseille, truyền thống kể rằng một chiếc thuyền chở ông Ladarô, bà Marta và Maria dạt vào bờ biển, bước khởi đầu truyền giáo cho vùng Provence. Đó là hình ảnh cảng như “cánh cửa đức tin”. Đức Phanxicô xin người công giáo tập trung vào các vấn đề quốc gia và nội bộ của họ. Ngài khuyến khích các giám mục thành lập một hội nghị vùng Địa Trung Hải, nơi sẽ quy tụ các nhà lãnh đạo từ phía nam và phía bắc của Lưu vực Địa Trung Hải, và cùng nhau tìm kiếm giải pháp. Đó là một cách để thay đổi mô hình, một lời mời gọi Giáo hội của các quốc gia này giải quyết các vấn đề cơ cấu, hợp tác để có được những thành tựu cụ thể.
“Hãy đến với người nghèo”, thông điệp của Đức Phanxicô gởi người công giáo Pháp
Về cơ bản, giáo hoàng mời gọi một hình thức ưu tiên lựa chọn cho người nước ngoài. Vấn đề này đòi hỏi một cuộc chiến tâm linh thực sự, một thái độ, ngài nói cách tử tế, “mang tính phúc âm một cách tai tiếng”. Ngài biết rõ trở ngại thì rất nhiều, việc đón nhận đòi hỏi thời gian và kiên nhẫn. Rằng chúng ta phải chấp nhận rủi ro khi trao đổi. Nhưng hiện tượng di cư là một xu hướng cơ bản của thời đại và tín hữu kitô hữu phải sống theo Tin Mừng mà họ loan báo… Giáo hội đã bị kiệt sức vì những vụ bê bối lạm dụng tình dục, vì mệt mỏi và chán nản của tín hữu, có lẽ giáo hoàng đề xuất một hình thức không thể: để cho mình được đánh thức bởi những người xa lạ này, xem họ như anh em, và hơn thế nữa, xem sự kiện này – sự xuất hiện của những người di cư – như một ơn.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch