Từ Oulan-Bator đến Marseille: hai hành trình, cùng một lộ trình của Đức Phanxicô
Đức Phanxicô và hồng y Giorgio Marengo ở Rôma / CATHOLIC PRESS PHOTO
Mùa thu bận rộn đang chờ Đức Phanxicô, ngài loan báo ngài sẽ đi Mông Cổ và Marseille vào tháng 9 năm 2023. Hai chuyến đi lịch sử làm chứng cho tầm quan trọng mà ngài gắn liền với cái gọi là chứng nhân các Giáo hội “thiểu số”.
lavie.fr, 2023-09-04
Marseille và Oulan-Bator có điểm gì chung? Thoạt nhìn, hai thành phố này hoàn toàn tách biệt nhau, cách nhau hơn 9.000 cây số. Nhưng chuyến đi của giáo hoàng cuối mùa hè có thể mang họ lại gần nhau hơn. Đầu tháng 9 Đức Phanxicô có chuyến đi Mông Cổ, chuyến đi lịch sử đầu tiên của một giáo hoàng, mà Đức Gioan-Phaolô II đã không thực hiện được năm 2003 vì lý do sức khỏe, sau đó Đức Phanxicô sẽ đi Marseille ngày 23 tháng 9.
Ở Marseille cũng có một sự kiện, giáo hoàng cuối cùng đến Marseille là Đức Clement VII năm 1533, khi ngài đến dự hôn lễ của người cháu gái Catherine de Medici với vua Henri II tương lai, con trai thứ hai của François Đệ nhất.
Hai vùng ngoại vi đơn lẻ
Hai nơi này có một điểm chung: đến vùng ngoại vi. Ngoại vi đích thực là biểu tượng của triều giáo hoàng Phanxicô, chữ ngoại vi đã gần như điệp khúc, được lặp đi lặp lại đến mức làm mất đi ý nghĩa của nó. Ngoại vi là gì? Về cơ bản, đó là điều khá đơn giản: những vùng ở xa, nghèo nàn, bên lề, bị phơi bày trước sự thờ ơ của người khác. Năm 2013, Đức Phanxicô được bầu chọn sau khi tạo ấn tượng mạnh với bài phát biểu về chủ đề này trước các hồng y trước khi vào mật nghị: “Giáo hội được kêu gọi ra khỏi chính mình và đi đến các vùng ngoại vi, không chỉ về mặt địa lý, mà còn cả những vùng ngoại vi của cuộc sống: những chuyện về mầu nhiệm tội lỗi, đau khổ, bất công, những điều thiếu hiểu biết và thiếu đức tin, những điều về tư tưởng, những điều thuộc mọi hình thức khốn khổ.”
Mười năm sau, bây giờ ngài đối diện với hai khu vực ngoại vi đặc biệt, trong đó ngài bổ nhiệm hai hồng y tiêu biểu nhất triều của ngài. Hồng y Giorgio Marengo, 48 tuổi, nhà truyền giáo Ý sống ở Mông Cổ từ 20 năm nay, với thời tiết âm 40 độ C, xây nhà thờ theo hình dáng yurt, chiếc lều truyền thống của người Mông Cổ, ngập trong thế giới phật giáo và đạo saman, và hồng y Jean-Marc Aveline, 64 tuổi, sinh ra ở Sidi Bel Abbès, Algeria, tuổi thơ sống ở các quận nổi tiếng của Marseille, dấn thân phục vụ thành phố và đầu tư vào việc đối thoại với người hồi giáo.
Hai mục tử nhưng cũng là hai nhà tư tưởng: hồng y Marengo chuyên về truyền giáo học, tác giả luận án Thì thầm Tin Mừng ở vùng đất của bầu trời xanh vĩnh cửu (Sussurrare il vangelo nella terra dell’eterno cielo blu), ngài phát triển một suy tư đặc biệt về sứ mệnh truyền giáo ở Á châu, đặc biệt ở Mông Cổ; còn hồng y Jean-Marc Aveline là người đưa ra dự án cho Viện Khoa học và Thần học Tôn giáo, trực thuộc Viện Công giáo Địa Trung Hải (ICM).
Cùng quan điểm về chứng từ
Cả hai đều rất ngưỡng mộ Thánh Charles de Foucauld, và có cùng quan điểm chiêm niệm với ngài về sứ mạng, nhưng trên hết là chứng tá về một cuộc đời cống hiến và sống “như người tín hữu kitô”. Trong một bài giảng gần đây, hồng y Marengo nói: “Việc đào tạo môn đệ là gì nếu không phải là dần dần bước vào cuộc sống của Chúa Kitô? Và cuộc sống này được thực hiện trong việc loan báo và hơn thế nữa trong việc hòa nhập cụ thể vào đời sống của một dân tộc, đi vào sự hòa hợp sâu sắc với những người chào đón chúng ta. 30 năm ẩn mình của Chúa Giêsu ở Nadarét tương ứng với thời gian các nhà truyền giáo và những người được truyền giáo hòa nhập vào cuộc sống của các dân tộc, trong văn hóa, trong ngôn ngữ học được của họ và trong nỗ lực và hy sinh.”
Hồng y nói thêm về vai trò của các nhà truyền giáo: “Việc hòa giải là cần thiết, nhưng với tư cách là người tôi tớ của Tin Mừng, tất cả chúng ta phải biết ‘nhón chân’ đi trong trong thế giới để chính Chúa Kitô kéo chúng ta đến với Ngài. Đức Phanxicô liên tục nhắc chúng ta: ‘Giáo hội phát triển nhờ sự thu hút chứ không nhờ chiêu dụ.’”
Thực chất, chứng từ của các Giáo hội Địa Trung Hải và của Giáo hội Mông Cổ có những điểm chung. Dù khi tụ tập, đàn chiên nhỏ 1.500 người công giáo Mông Cổ sẽ không bao giờ lấp đầy sân vận động Vélodrome ở Marseille, nơi dự kiến sẽ có 60.000 người đến gặp Đức Phanxicô.
Chắc chắn Giáo hội Mông Cổ chỉ mới 30 tuổi, còn rất non trẻ, dù có những giai đoạn kitô giáo đã hiện diện trong nước, đặc biệt là Nestôriô thời Đế quốc Mông Cổ, họ có ít nếp nhăn hơn nhiều so với Giáo hội chung quanh Địa Trung Hải. Chắc chắn, cuối cùng phải thừa nhận, các thách thức của hai chuyến đi này khác nhau đáng kể, vì tình hình địa chính trị của hai khu vực là đặc biệt: biên giới giữa Trung quốc và Nga của Mông Cổ, thách thức di cư lịch sử với Địa Trung Hải.
Những kinh nghiệm kín đáo và chân thực
Nhưng trong cả hai trường hợp, một phương thức hiện diện đang nổi lên với người công giáo trong những xã hội mà họ thấy mình gần như là thiểu số, trong những điều kiện đôi khi khó khăn. Và điều này có thể là một chứng từ quan trọng cho các Giáo hội lâu đời ở Lục địa xưa cổ Âu châu, hơi choáng váng trước sự xói mòn tàn bạo mà họ đã trải qua trong 60 năm qua.
Hồng y Marengo nói với Vatican News, phương tiện truyền thông chính thức của Vatican, ngày 3 tháng 6 năm 2023 khi Vatican công bố chuyến tông du của Đức Phanxicô đến Mông Cổ: “Khái niệm về thiểu số xuất phát từ quan sát bên ngoài, nhưng ở đây chúng tôi không nghĩ theo thuật ngữ này, chúng tôi nghĩ làm thế nào để hàng ngày sống trung thành với Tin Mừng.” Đó là lý do vì sao các vùng ngoại vi không chỉ là không gian để rao giảng Tin Mừng trong các bài diễn văn của giáo hoàng. Đó cũng là nơi chúng ta sống kinh nghiệm kín đáo và đích thực, vì chúng kết hợp giữa lòng nhiệt thành thiêng liêng và sự đơn giản trong việc sống đức tin.
Vì thế Đức Phanxicô thường nhắc lại, muốn hiểu thực tại tốt hơn, chúng ta nên thấy thực tại này từ ngoại vi hơn là từ trung tâm. Thêm nữa, sau hai chuyến tông du này, Đức Phanxicô sẽ khai mạc thượng hội đồng về tương lai Giáo hội ở Rôma. Và một nguồn tin của Vatican bình luận: “Trước đây, những người ở xa nhất phải về Rôma, đôi khi họ không khỏi không sợ. Bây giờ Rôma sẽ đi gặp họ.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch