Home Giám mục Sau vụ giám mục Santier, các giám mục bị áp lực ở...
Các giám mục sẽ họp tại Lộ Đức từ ngày 3 đến ngày 8 tháng 11 năm 2022 trong bầu khí căng thẳng liên quan đến những tiết lộ về vụ giám mục Santier, nhiều người đang chờ câu trả lời và hành động của Giáo hội về mặt công lý và về việc thông tin các biện pháp trừng phạt.
lavie.fr, Caroline Celle, Youna Rivallain và Marie-Lucile Kubacki, 2022-11-02
Gần đến ngày các giám mục Pháp họp tại Lộ Đức, từ 3 đến 8 tháng 11, một giám mục thở dài: “Tai họa giáng xuống, chắc chắn đó là điều xấu nhất đã xảy ra, một năm sau khi Ủy ban Ciase cơ bản bản báo cáo và tất cả công việc chúng tôi đang làm về vấn đề lạm dụng…”. Một giám mục khác nói: “Đó là một ngày dài vô tận.” Và đúng vậy, sau một số cuộc họp dành cho các vụ lạm dụng, việc công bố các quyết tâm mạnh mẽ vào tháng 11 năm 2021 khi các giám mục đã quỳ gối ăn năn trước vương cung thánh đường Lộ Đức, thì “vụ Santier” lại xảy ra.
Hiểu lầm và tranh cãi
Xin nhắc lại sự việc. Vào giữa tháng 10 hai báo Golias và Gia đình Kitô giáo tiết lộ, tháng 10 năm 2021, cựu giám mục giáo phận Créteil, một nhân vật nổi tiếng và có sức lôi cuốn đã bị Rôma có các biện pháp kỷ luật, buộc ông phải lui về đời sống cầu nguyện ở một cộng đồng thuộc giáo phận Coutances (Manche), nơi ông về hưu. Lệnh trừng phạt hai năm sau khi có hai nạn nhân báo cáo cho biết họ từng là nạn nhân của Michel Santier trong những năm 1990, khi đó Santier mới là linh mục, ông điều hành Trường Đức tin ở Coutances, nơi đào tạo và phân định cho các thanh niên từ 18 đến 30 tuổi. Theo các sự việc được đăng báo, ông yêu cầu họ cởi trần khi xưng tội và cởi từng áo quần một sau mỗi tội đã xưng. Việc nhìn trộm thành trầm trọng khi lợi dụng bí tích giải tội và vị trí quyền lực của ông.
Ngay lập tức sau các tiết lộ, tranh cãi đã bùng lên dưới tác động của những chuyện không thể hiểu. Tháng 4 năm 2021, vì sao lại để cho giám mục Michel Santier giải thích với giáo dân ông ra đi vì Covid sau một tháng chăm sóc đặc biệt với vài chữ ngắn gọn “và các khó khăn khác”? Nhưng trên tất cả, tại sao ngay lập tức không công khai biện pháp kỷ luật được đưa ra vào tháng 10 cùng năm để các nạn nhân khác có thể lên tiếng?
Tổng giám mục Éric de Moulins-Beaufort, sơ Véronique Margron và năm nạn nhân bị lạm dụng quỳ gối ở Lộ Đức trong cuộc họp khoáng đại ngày 6 tháng 11 năm 2021. LILIAN CAZABET / HANS LUCAS
Cơn sốt trên mạng xã hội
Trong một một phỏng vấn trên báo Gia đình Kitô giáo sau khi tờ báo đăng các tiết lộ về giám mục Santier, giám mục đương nhiệm Dominique Blanchet, giáo phận Créteil, đồng thời là phó chủ tịch của Hội đồng Giám mục Pháp (CEF), đã biện minh cho lựa chọn này là do các nạn nhân mong muốn ẩn danh, họ không nộp đơn khiếu nại dân sự và muốn “hoàn toàn ẩn danh, không nói công khai về thử thách của họ”.
Trong một thư gởi giáo dân ngày 24 tháng 10 năm 2022, lần này ngài nói “nghĩa vụ im lặng do Rôma áp đặt ngày nay”. Về điểm thực sự mơ hồ này, nhiều người chờ lời giải thích. Từ các giám mục, những người “đã biết”. Nhưng cả ở Rôma cũng bị nghi ngờ sau vụ bê bối của hồng y Theodore Carrick và giám mục Gustavo Zanchetta, vì không làm gương trong các thủ tục liên quan đến các vấn đề công lý của giáo hội, và bị cáo buộc không thực sự tham gia vào công cuộc cải biến vấn đề lạm dụng và bạo lực tình dục.
Thật vậy, câu hỏi về bí mật đã tạo tranh cãi và thêm nghiêm trọng khi công bố lệnh trừng phạt trên báo chí, một tuần sau đã có thêm các nạn nhân mới lên tiếng. Chính tổng giám mục Dominique Lebrun, giáo phận Rouen trong một một thông cáo báo chí khá sôi nổi đã bày tỏ lòng trắc ẩn và tức giận của mình.
Việc được phép tiết lộ lời nói của những người khác trên báo chí chứ không phải do thể chế, cùng với việc tiết lộ một trường hợp khác về các biện pháp trừng phạt giáo luật giữ bí mật với một linh mục của giáo phận Versailles (tiết lộ sau khi linh mục này qua đời) đã làm cho sự tức giận bùng lên, đặc biệt là trên mạng xã hội với từ khóa Chúng ta lôi thùng rác ra (#SortonsLesPoubelles) để khuyến khích thể chế dọn dẹp hàng ngũ của mình, họ dùng chữ “thùng rác” trong câu tweet gây tranh cãi của cựu tổng giám mục Paris Michel Aupetit. Áp lực mạnh mẽ của người công giáo đến mức một số giám mục cũng như giáo dân lo lắng về sự méo mó giữa tính độc hại của những gì được thể hiện trên Internet và sự gần như không tồn tại của chủ thể trong các trao đổi thực địa.
Một im lặng ẩn chứa những chán nản
Một phụ nữ ngoài bốn mươi ở vùng Burgundy nói: “Tôi không nghe gì ở làng quê của tôi. Ngày chúa nhật sau vụ giám mục Santier, hai đề tài chúng tôi bàn tán là vụ em bé Lola bị giết hại và giá xăng dầu, thực phẩm tăng cao ở siêu thị.” Một cha xứ ở Paris thở dài: “Không có gì, không có gì, không có gì. Không ai nói với tôi về chuyện này, tôi có nói về chuyện này ở hội đồng mục vụ nhưng không ai phản ứng. Tôi chỉ nói với một nhóm linh mục. Chúng tôi phát ngán với những vụ giấu giếm sau một năm mới tiết lộ này. Chúng tôi choáng váng điếng người mỗi khi có một cái gì như vậy giáng xuống, và việc không phản ứng không phải là một dấu hiệu tốt. Sau báo cáo của Ủy ban Ciase, chúng tôi nghĩ sẽ có một số giám mục từ chức trong cuộc họp toàn thể tháng 11 năm 2021. Vì không có gì, chúng tôi tự nói với nhau, chúng tôi chẳng còn mong chờ gì ở họ.”
Nhiều phản hồi đi theo hướng này: ở nhiều nơi, người ta không nói hoặc nói rất ít về vụ Santier. Nhưng im lặng đôi khi lại ẩn chứa chán nản, thậm chí không còn sức để nói ra. Ông bà Enguerrand et Sophie của một giáo phận miền Đông nói: “Nếu chúng tôi gặp giám mục của chúng tôi, dĩ nhiên chúng tôi sẽ nói về một chuyện khác!” Và đáng kể có những chủ đề chúng ta nghĩ mình sẽ có thể hành động nhiều hơn ở mức độ của mình… Điều này không có nghĩa là chúng tôi không quan tâm đến. Ngược lại. Chúng tôi quá mệt mỏi với những câu chuyện không bao giờ kết thúc này! Có những người nói họ chia sẻ trên các trang mạng xã hội, chính xác vì họ không biết tâm sự nỗi đau của họ ở đâu. Bà Véronique ở giáo phận Reims nói: “Nơi duy nhất mà tôi có thể nói lên sự tức giận là trên mạng và với một số bạn linh mục, tôi hỏi họ làm sao họ có thể đứng vững được trước những chuyện này. Những người bạn khác của tôi không hiểu những gì tôi nói, tôi cảm giác như mình bị cô lập.”
“Bây giờ thì đủ rồi!”
Một bước ngoặt trong quan điểm công giáo? Bà Sandrine, người tích cực làm việc ở giáo xứ Hauts-de-Seine, bà nhận ra bà đã bị tác động mạnh qua vụ tiết lộ này, như giọt nước tràn ly, một tuần sau bà phẫn nộ khi thông báo của tổng giám mục Dominique Lebrun cho biết có thêm các nạn nhân mới.
Bà nói: “Ngay lập tức, đột nhiên tôi nhận ra phản xạ đầu tiên của tôi vẫn là bảo vệ thể chế! Tôi nhìn các biện pháp trừng phạt được thực hiện và tôi không thấy một quan tâm nào trong việc công bố chung quanh chuyện này… bỗng nhiên tôi hiểu ra. Tôi hiểu lòng tin sâu đậm vào các giám mục đã mất. Bây giờ như thế là đủ!” Cô Isabelle ở Paris, một người trở lại, cô làm việc trong ngành xuất bản nói: “Tôi có thể làm chứng cho sự thất vọng và tức giận của tôi khi tôi bước vào Giáo hội, tôi gặp khó khăn hơn người khác khi tôi giải thích cho bạn bè, cho gia đình vì sao tôi theo đạo… Tôi nghe những lời mỉa mai cay độc đây đó khi họ từ chối lời mời đóng góp.”
Dấu hiệu của một thay đổi văn hóa trong dân Chúa, cuối tuần thứ bảy ngày 29 tháng 10 và chúa nhật 30 tháng 10 năm 2022, theo sáng kiến của tập thể Hành động cho Giáo hội (Agir pour notre Eglise) nhằm chất vấn hệ thống cấp bậc. Ông Guillaume ở giáo xứ Touraine, thành viên của phong trào Cộng đồng Công giáo CVX buồn bã nói: “Chúng tôi nghĩ chúng tôi không phải là một phần của gia đình Giáo hội vì chúng tôi không cùng giặt đồ dơ chung với nhau”. Ông Benoît lo lắng: “Với số lượng các vụ ngày càng chồng chất, tôi rất sợ khi gởi các con đi sinh hoạt buổi tối ở ban tuyên úy. Trước đây tôi an tâm, bây giờ tôi nghĩ đến nguy cơ con cái tôi rơi vào tay người đồi trụy.” Còn sơ Charlotte làm việc cho một giáo phận miền Tây nước Pháp, sơ đi tu đã 20 năm, đã bị lạm dụng thiêng liêng, sơ ngạc nhiên về sự nhẹ nhàng cũng như các điều khoản xử phạt: “Điều làm cho tôi rất tức giận là ông về ở với cộng đồng nữ tu.” Sơ hỏi: “Vì lý do gì mà người ta xin các nữ tu nhận một người tuyên úy như vậy? Và tất cả các nữ tu của cộng đồng có biết không? Các sơ cũng tiếp người thân và con cái của người thân đến thăm; chúng ta có tưởng tượng các gia đình ở bên cạnh ông mà họ không biết không?”
Các trường hợp khác đang tiến hành
Không phải chỉ có một mình giáo dân cảm thấy bị phản bội. Trong số các giám mục được báo La Vie hỏi, một số chia sẻ sự không hiểu được của họ. Một giám mục làm chứng: “Khi tôi đọc thư của giám mục Santier giải thích ông ra đi vì lý do sức khỏe, tôi đã tin và tôi còn lo cho ông.” Một giám mục khác hỏi: “Làm sao ông lại có thể nhận chức giám mục?” Một giám mục thứ ba phản ứng: “Vụ Santier làm tôi đau khổ, mệt mỏi, không nói nên lời, tôi cảm thấy khó khăn khi hướng về tương lai. Tôi muốn sự thật được nói ngay ở cuộc họp ở Lộ Đức về những gì đã xảy ra ngay sau khi ông từ chức và về các việc đang tiếp tục, đừng để chúng tôi đứng trước những thông báo nhỏ giọt, vì đó là một tra tấn.”
Còn các trường hợp khác? Theo tin được đăng trên báo La Croix và được báo La Vie xác nhận qua các nguồn tin khác thì trong cuộc họp khoáng đại tháng 11 năm 2021, hội đồng nhanh chóng thông báo trường hợp các giám mục danh dự khác đang được điều tra nhưng không nói thêm chi tiết. Một số trường hợp đã được biết trước. Ngày 2 tháng 4 năm 2021, Vatican đã tiến hành cuộc điều tra giáo luật để làm sáng tỏ những cáo buộc chống cựu giám mục Emmanuel Lafont, giáo phận Cayenne (2004-2020), một nhân vật trong cuộc chiến chống biệt chủng tộc ở Nam Phi. Giám mục bị tố cáo đã lạm dụng một thanh niên Haiti không có giấy tờ, ngoài hai mươi tuổi mà giám mục cho ở trong nhà, thanh niên này làm đơn tố cáo giám mục đã lạm dụng sự yếu đuối, đã bắt các nhân viên giáo phận từ chức vì họ tố cáo đời sống hai mặt đồng tính của ông. Những việc mà ông luôn phủ nhận.
Gần đây, các giám mục khác đã bị báo chí chỉ trích vì nhiều lý do. Tháng 6, Rôma đình chỉ việc truyền chức ở giáo phận Fréjus-Toulon sau chuyến thăm “huynh đệ” của tổng giám mục Jean-Marc Aveline, giáo phận Marseille. Lý do, thiếu phân định trong việc tiếp nhận các chủng sinh và các cộng đồng mới, thiếu khuôn khổ và theo dõi để ngăn chận các hành vi lạm dụng. Tháng 9, trước các linh mục của giáo phận, tổng giám mục Dominique Rey, đã nhận ra “những sai sót khi đánh giá và phân định trong việc tiếp nhận và theo dõi một số cộng đồng,” ngài đã công bố một số biện pháp. Dù sao nhiều người trong giáo phận thắc mắc vụ việc sẽ được theo dõi như thế nào.
Ở Strasbourg, bây giờ là lúc chờ trả lời các câu hỏi chưa được trả lời. Cuối tháng 6, tòa sứ thần Pháp thông báo, “Đức Phanxicô sau khi nghe tường trình của bộ Giám mục đã ra lệnh có cuộc kinh lý tông tòa tổng giáo phận”. Một quyết định đưa ra không có lý do rõ ràng – một số người trong giáo phận đưa ra lý do vì giám mục của họ bận và đã vắng mặt nhiều lần, nhất là trong thánh lễ Truyền Dầu. Một giám mục cho biết: “Trong trường hợp các vụ án đang diễn ra, chúng tôi không thể nói tất cả mọi thứ và biết tất cả mọi thứ khi cuộc điều tra chưa kết thúc, thủ tục buộc như vậy.” Tuy nhiên, những việc như thế này gây hoang mang cho Giáo hội địa phương.
Ngoài những cuộc điều tra được công khai, các hành lang và nơi phòng thánh luôn có những rì rào đồn đoán đủ loại. Nhưng khó khăn là phân biệt đúng, sai hoặc thuần túy là ác độc. Một giám mục quan sát đời sống Giáo hội ngao ngán: “Vì thiếu giao tiếp rõ ràng, luôn có nghi ngờ ở cùng mức độ. Không ai có thì giờ để điều tra những chuyện thì thầm, điều đó là không thể. Chúng tôi chỉ lưu ý những gì có vẻ mạnh nhất, nhưng thường là vô ích. Thêm vào đó là những trường hợp tự tử bi thảm và nỗi đau của các linh mục, liên tục đặt ra câu hỏi về việc quản trị trong Giáo hội, dù các chuyện này không thể so sánh với nhau, cọng thêm các yếu tố khác như làm việc quá sức, cô lập, cô độc của các linh mục trong xã hội, tất cả đều cần để phân tích hiện tượng phức tạp này.
Kết thúc của một “ảo tưởng huy hoàng”
Đối diện với công việc chất đống, với cảm giác Giáo hội sụp đổ và nghèo nàn, vừa cả giáo dân, vừa cả linh mục và nguồn lực, các giám mục thấy mình bị thúc bách trong công việc, đôi khi cảm thấy mình bất lực. Mọi giám mục phản ứng với những áp lực mới này theo cách riêng của họ, tùy thuộc vào vị trí, vào tính khí và số năm làm giám mục trước mắt họ.
Một giám mục tại chức từ nhiều năm nói: “Trong nhiều thế hệ, chúng ta đã sống một ảo tưởng huy hoàng, rằng các linh mục là thánh, giám mục là thánh vĩ đại, những người chúng ta kính trọng, chúng ta không cần họ biện minh. Giáo dân nào dám đặt câu hỏi thì đôi khi bị cho là người chống đối thẩm quyền. Từ những năm 1970, tất cả những điều này đã sụp đổ cùng với sự kết thúc của văn hóa quan lại, nhưng một số hình thức ảo tưởng nào đó vẫn còn với các “đức ông”. Vì trên thực tế, các giám mục Pháp là những người khá giản dị, được chọn từ một nhóm nhỏ linh mục, được yêu cầu mỗi thứ biết một chút về mọi mặt. Nhưng thực tế sứ thần phải đối diện với những lời từ chối. Giám mục này kết luận: “Tôi sống thời điểm chúng ta đang sống, lột xác theo nhiều cách và đó là lời kêu gọi mạnh mẽ và khẩn cấp để trở lại.”
Các “giám mục”, một khối ít đồng nhất
Bối rối trước những thử thách, một giám mục làng quê chia sẻ: “Những mong chờ tôi thấy trên thục địa vừa là động lực, vừa chóng mặt vì trong một giáo phận như giáo phận của tôi, thật khó để xác định những điểm hỗ trợ cho tương lai: không có chủng sinh, tu sĩ lớn tuổi, nguồn tài chánh chật vật. Nhưng cùng lúc đó cũng là một giải phóng. Tôi tự nhủ, chúng ta chẳng còn gì để cứu về mặt cấu trúc, đây là cơ hội để sáng tạo, giống như chúng ta ngồi trước tờ giấy trắng.” Một giám mục khác nói: “Chúng ta sẽ phải thực hiện các biện pháp mạnh mẽ không phải để thể chế suy thoái nhưng để lấy lại năng động. Hiện tại, tình hình suy yếu mong manh nhất. Nó sẽ không đi tới được.”
Nhưng cuộc họp khoáng đại có thể làm được gì khi đứng trước những chuyện này? Hiện tại phải kiếm một thế cân bằng, không phải là không có căng thẳng, giữa tinh thần cởi mở của những người tham dự, theo tinh thần đồng nghị (đây là trường hợp các cuộc họp gần đây), nhu cầu cần gặp nhau để trao đổi tính đồng nghị và có những cuộc thảo luận thẳng thắn. Một giám mục nhận xét: “Các cuộc họp ở trong tinh thần anh em, nhưng rất khó để cùng nhau chất vấn các câu hỏi vì sao. Đó là một cỗ máy to, nặng, với hơn 100 giám mục.” Một giám mục khác nói: “Rất nhiều điều xảy ra ở hậu trường, vì vậy khi chúng tôi nói trên báo chí ‘các giám mục’ như một khối, thường là không đúng.” Một số giám mục lấy làm tiếc, vấn đề cơ bản cho tương lai Giáo hội đã không thể đề cập với nhiều tham vọng hơn. Từ cuộc họp đầy căng thẳng này, nhiều người hy vọng đây sẽ là thời điểm giải phóng lời và sự thật cho các giám mục.
“Một nền văn hóa của im lặng và tự tách biệt”
Sơ Véronique Margron, thần học gia và là chủ tịch Hội đồng Nam nữ tu sĩ Pháp nói: “Thực sự Giáo hội vẫn còn một văn hóa im lặng và tự tách biệt, cọng thêm khuynh hướng giảm thiểu các vụ lạm dụng, tựa như một tiếng nói mẹ đẻ. Để thoát ra, chúng ta cần thời gian. Cũng phải cần giáo dân, chuyên gia, những người dạy cho chúng ta một ngôn ngữ khác và giúp chúng ta chuyển đổi. Nhưng chúng ta cẩn thận không khái quát hết tất cả giám mục… Tôi không nghi ngờ gì sau khi đã có báo cáo của ủy ban Ciase, sau cuộc họp khoáng đại tháng 11 các giám mục lại không chân thành quyết tâm thay đổi.
Rõ ràng là cần phải có những thay đổi mạnh mẽ về quy tắc. Nhưng không có nghĩa là không có chỗ cho cách thực thi quyền lực ngày nay. Giám mục vừa là tất cả: vừa là bạn, vừa là người cha, người anh em, người quan tòa… so với các linh mục. Giám mục cũng là anh em với các giám mục anh em của mình. Điều này cho thấy sự cần thiết phải cầu cứu đến bên ngoài.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Thích điều này:
Thích Đang tải...