Hồng y François Bustillo: “Người dân đảo Corse rất vui khi họ được Đức Phanxicô đến thăm”

87

Hồng y François Bustillo: “Người dân đảo Corse rất vui khi họ được Đức Phanxicô đến thăm”

la-croix.com, Mikael Corre, đặc phái viên thường trực ở Rôma, 2024-11 23 tháng 11-2024

Hồng y François Bustillo trong cuộc rước kiệu trên đường phố Ajaccio (Corsica) ngày 18 tháng 3 năm 2024. PAULE SANTONI / MAXPPP

Tháng 5 năm 2021, Đức Phanxicô bổ nhiệm Giám mục François Bustillo đứng đầu giáo phận Ajaccio, tháng 9 năm 2023, ngài phong Giám mục Bustillo làm hồng y, ngày 15 tháng 12 ngài nhận lời mời đến thăm đảo Corse.

Xin Hồng y cho biết Đức Phanxicô đến Ajaccio khi nào?

Hồng y François Bustillo: Trước hết tôi muốn nói lên niềm vui của người dân đảo Corse khi họ được đón ngài. Chuyến đi này vừa là niềm vui là hy vọng lớn lao cho người dân đảo Corse chúng tôi.

Lần đầu tiên tôi xin ngài đến Corse là năm 2021, sau khi tôi xuất bản quyển sách về ơn gọi linh mục trong thời kỳ khủng hoảng. Năm sau tôi lặp lại lời mời này một lần nữa. Tháng 3 năm 2024, khi Tổng giám mục Edgar Pena Parra đến Corse và thấy lòng nhiệt thành của người dân, ngài nói dự án này có thể thực hiện được. Khi đó tôi nói với Đức Phanxicô: “Ngài có thể đến được.” Và chúng tôi tổ chức hội nghị về lòng mộ đạo bình dân ở Địa Trung Hải.

Tại sao có chủ đề này?

Những ai biết người dân đảo Corse đều biết lòng mộ đạo của họ. Họ tổ chức các cuộc rước kiệu, kiệu thánh giá, kiệu Thánh Gioan Tẩy Giả, kiệu Thánh Lucia…

Tôi nhớ năm 2021, năm đầu tiên tôi nhận chức ở đảo Corse, tôi đến Porto-Vecchio để đến Saint-Jean. Người dân ngồi ở các tiệm ăn ngoài đường, chúng tôi băng qua họ để đi.

Ở đây có thể thấy được sự thiêng liêng ở nơi công cộng mà không có vấn đề gì. Không có gì phải ngại khi bày tỏ đức tin một cách đơn giản, phi ý thức hệ và không tạo mặc cảm tội lỗi.

Theo nghĩa nào họ không có mặc cảm tội lỗi?

Chúng ta có thể hình dung mình biểu lộ đức tin khi nói với người khác: “Bạn phải đi lễ, bạn phải làm điều này điều kia. Ở đây, việc này được làm một cách tự nhiên. Đoàn kiệu đi qua, người dân tự do tham gia hoặc không.”

Đức Phanxicô đi Marseille tháng 9 năm 2023. Marseille và Corse khác nhau như thế nào?

Những gì chúng tôi thấy ở Marseille cho chúng tôi nguồn cảm hứng lớn lao, điều này cho chúng tôi biết, những gì xảy ra ở Marseille thì cũng có thể xảy ra ở đảo Corse. Tôi rất vui khi thấy các giám mục Sardinia, Sicilia, Tây Ban Nha đến Ajaccio để nói chuyện với chúng tôi về truyền thống, lòng đạo đức bình dân và việc truyền giáo của họ.

Hồng y nhìn xã hội ở đây như thế nào?

Có hai khía cạnh quan trọng với tôi. Đầu tiên là ở đây không có thù nghịch ý thức hệ với Giáo hội. Thứ hai, dù người dân tham dự các đám rước, các sự kiện tôn giáo nhưng không có nghĩa mọi thứ đều tự nhiên có. Chúng tôi vẫn còn phải đối diện với thách thức lớn lao trong việc truyền giáo. Thách thức của các linh mục, phó tế, tu sĩ và những người thánh hiến là giúp họ chuyển từ thực hành sang đức tin. 

Hồng y nghĩ gì về Thông điệp Người đã yêu thương chúng ta Dilexit nos về lòng mộ đạo bình dân?

Thông điệp này thật tốt đẹp. Như các cuộc rước ở Địa Trung Hải, chúng tôi xem việc tôn kính này có tinh thần dân gian, một chút đạo đức, đến với đức tin một cách nhẹ nhàng tốt đẹp. Nhưng thật ra đó là sự gắn bó với một hình thức đơn giản. Chúng ta đôi khi hơi đắm chìm trong các khái niệm, nhưng lòng mộ đạo bình dân này có một cái gì rất cụ thể.

Có phải đây là một thách thức trong việc đạo công giáo có mặt lại trong xã hội Pháp không?

Tôi sẽ không nói mục tiêu của đạo công giáo là trở lại nơi công cộng. Nhưng tôi nghĩ chúng ta có thể có một vị trí ở nơi công cộng mà không chạm vào sự nhạy cảm của người khác và vào chủ nghĩa thế tục. Người công giáo chúng tôi đã quen tiếp xúc tự nhiên với chính quyền. Chúng tôi không tổ chức rước kiệu khi chưa được phép, khi chưa nói chuyện về địa điểm và thời gian.

Mọi chuyện ở đảo Corse khác với đất liền, các thị trưởng và phó thị trưởng thường có mặt trong các cuộc rước kiệu. Đó là một phần văn hóa và bản sắc của đảo.

Ở Corse, bản sắc đã có thể biến thành chủ nghĩa bản sắc với những biến thể chính trị và bạo lực của nó. Vào thời điểm nào chúng ta đã không còn ở trong môi trường tôn giáo nữa?

Chúng ta phải cẩn thận với chủ đề này để không mang tính dân gian và ý thức hệ. Đặc tính của lòng mộ đạo bình dân là đoàn kết chứ không chia rẽ. Theo tôi, vấn đề là ở đó. Tổ chức một cuộc rước là để quy tụ những người không cùng quan điểm chính trị, những người tin và những người ít có lòng tin. Ai cũng có thể tham dự và họ tôn trọng truyền thống. Đây là một di sản rất đặc biệt.

Hồng y có tiếc đạo công giáo ở Pháp đã bị cắt đứt phần nào với lòng mộ đạo bình dân không?

Trên hết, tôi nghĩ ngày nay Giáo hội không thể không khám phá những con đường khác. Chúng ta sống trong thời kỳ khó khăn nhưng nhiều người lại đang đặt câu hỏi. Họ đi tìm một đời sống nội tâm.

Tân hồng y François Bustillo: “Người phương Tây đã đánh mất GPS nội tâm”

Ở Ajaccio đang có khoảng 140 bạn trẻ chuẩn bị rửa tội và thêm sức. Đây không phải là chuyện nhỏ. Có thể có một số người xem lòng mộ đạo bình dân là một cái gì đó vô ích, nhưng với những người đi tìm đời sống nội tâm, thì đó lại là điểm khởi đầu, đồng nhất với một dân tộc đang biến chuyển.

Tôi nghĩ ở mỗi thời, Giáo hội cố gắng đáp ứng những tình huống khác nhau. Ngày nay, chúng ta nghĩ đến di sản của mình và cố gắng làm nổi bật di sản này, nhưng không là một thống trị. Tôi nghĩ điều này rất quan trọng: chúng ta không muốn thống trị, thao túng hoặc truyền bá.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Thông điệp của Đức Phanxicô trong chuyến đi đảo Corse: “lòng mộ đạo bình dân vẫn chưa biến mất!”