Tân hồng y François Bustillo: “Người phương Tây đã đánh mất GPS nội tâm”

185

Tân hồng y François Bustillo: “Người phương Tây đã đánh mất GPS nội tâm”

Đồng tác giả, với tổng giám mục Edgar Pena Parra và nhà báo Pháp Nicolas Diat quyển sách Trái tim không bị chia cắt (Le cœur ne se divise pas, nxb. Fayard), trong đó ngài nói về hành trình của ngài. Tân hồng y François Bustillo, giám mục giáo phận Ajaccio, sẽ được Đức Phanxicô phong hồng y ngày thứ bảy 30 tháng 9. Ngài nghĩ, Giáo hội phải quay trở lại với nền tảng cơ bản của Tin Mừng nếu muốn có thể nói chuyện với những người đương thời.

la-croix.com, Loup Besmond de Senneville và Céline Hoyeau, 2023-09-28

Giám mục Francois Bustillo là một trong 21 tân hồng y sẽ được phong hồng y ngày thứ bảy 30 tháng 9 năm 2023. Hình chụp ngày 4 tháng 8 năm 2023 tại Corsica. Pascal Pochard-Casabianca/AFP

Phỏng vấn tân hồng y François Bustillo

Nhiều người nói rằng Giáo hội công giáo đang gặp khủng hoảng. Một cuộc khủng hoảng nội bộ, với các vụ lạm dụng, về giảm ơn gọi, về việc mất uy tín. Cha có chia sẻ nhận xét này không?

Tân hồng y François Bustillo: Tôi đồng ý về cuộc khủng hoảng. Nhưng cuộc sống là một cuộc khủng hoảng, nhưng không vì thế mà làm chúng ta bị tê liệt. Kể từ khi thành lập, Giáo hội đã bị bách hại và vẫn luôn tồn tại. Từ Đế quốc la-mã cho đến Tháng Năm 68, qua cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa hiện đại, các cuộc khủng hoảng nhắc chúng ta về chiều kích Phục sinh của linh đạo chúng ta: chúng ta vượt qua cái chết để đi về phía ánh sáng. Vấn đề không phải là ngây thơ hay phủ nhận các vấn đề, nhưng chúng ta vẫn có tiềm năng nhân bản và thiêng liêng to lớn. Chúng ta làm gì với nó? Chúng ta phải cố gắng sáng tạo và táo bạo.

Các tân hồng y, những lựa chọn rất chiến lược của Đức Phanxicô

Làm thế nào Giáo hội có thể lấy lại được uy tín của mình?

Bằng cách quay trở lại với vấn đề cơ bản. Khi chúng tôi hỏi một số người công giáo xem Giáo hội là gì đối với họ, họ sẽ phàn nàn về ơn gọi, về việc thiếu giữ đạo, về việc đưa tin trên các phương tiện truyền thông. Nhưng có ai nhìn thấy được linh hồn của Giáo hội công giáo ngày nay? Nói cách khác, có ai biết Tin Mừng ngày nay?

Tôi lo lắng về bạo lực trong xã hội chúng ta. Tôi nghĩ Giáo hội có thể đưa ra câu trả lời. Nếu các chính trị gia chúng ta quá khắc nghiệt và không khoan nhượng với nhau, thì làm sao ở Corsica hay ở Seine-Saint-Denis họ có thể kêu gọi lắng dịu? Giáo Hội có thể mang lại câu trả lời Phúc Âm mà chúng ta không còn nhận biết nữa. 

Đây có phải là cách truyền giáo của cha?

Nó phụ thuộc vào cách chúng ta nhìn thế giới. Sự việc xã hội xa với tôn giáo, thậm chí thờ ơ với tôn giáo là một cơ hội cần nắm bắt. Chúng ta sẽ không chinh phục một xã hội qua các chiến thuật giao tiếp, qua những quyến dụ mới nhưng qua những gì riêng của chúng ta. Những người trẻ tự hỏi các câu hỏi hiện sinh về cái chết, về thế giới bên kia, về tình yêu. Ngày càng có nhiều người ở xa Giáo hội sẽ chất vấn chúng ta về các giá trị, nguyên tắc của chúng ta và trụ cột của Giáo hội. Chúng ta phản ứng thế nào với nó?

Chân dung các tân hồng y cử tri năm 2023

Trong các lễ rửa tội, đám cưới hoặc đám tang, các người không phải là người công giáo đến dự, họ vẫn chọn đến đó vì tình bạn với người thân yêu của họ. Trong những khoảnh khắc hiện sinh này, chúng ta có một cơ hội duy nhất nhưng chúng ta phải thật giỏi. Sẽ là thiếu trách nhiệm nếu đứng trước 400 người, chúng ta có bài phát biểu nhẹ nhàng, chung chung và đường mật. Không quyến dụ, nhưng đó là lúc chúng ta phải nói ra thông điệp mà chúng ta phải truyền tải, về cuộc sống, về thế giới bên kia, về hy vọng… Và có thể trong nhóm người này, có 5 trong số 400 người đang đặt câu hỏi về cuộc sống của họ, và chúng ta có thể đánh thức lương tâm họ.

Toàn bộ vấn đề là biết làm thế nào chúng ta có thể hiện diện trong cuộc sống của những người đương thời với chúng ta. Khi tôi dự các sự kiện thể thao, không chỉ vì tôi yêu thích nhưng đó là dịp để tôi có thể gặp những người mà tôi chưa bao giờ gặp trong thánh lễ ngày chúa nhật. Tôi ở đây để tạo ra mối quan hệ, mối liên kết và mang lại khả năng hiển thị cho Giáo hội.

Nhưng cha không nói về Chúa Giêsu?

Nếu tôi đến sân vận động, ăn mặc như một tu sĩ Dòng Phanxicô, tôi sẽ mau chóng bị lộ diện. Nhưng mục tiêu của tôi không phải là làm cho họ  cảm thấy tội lỗi khi nói họ phải đi lễ. Tôi sẽ tập trung vào phẩm chất của mối quan hệ. Tôi quan tâm đến mọi người và những gì họ trải nghiệm. Và có thể họ sẽ quan tâm đến tôi.

Thị trưởng Corse đưa 300 người hành hương đến Rôma để tháp tùng tân hồng y Bustillo

Chúng ta sống trong một xã hội có quá nhiều khoảng cách giữa mọi người nên trước khi chuyển sang thông báo trực tiếp, chúng ta phải tạo ra, như người la-mã ngày xưa đã nói, thu phục nhân tâm (captatio benevolentiae). Tạo tin tưởng. Và khi có mặt ở đây, chúng ta có thể đi xa hơn.

Cha có nghĩ chúng ta cần tái truyền giáo cho xã hội Pháp không?

Có. Hoàn toàn. Triết gia Đức Max Weber vào đầu thế kỷ 20 đã nói về sự vỡ mộng. Chúng ta đang sống trong một xã hội bất mãn. Giờ đây chúng ta có một di sản Tin Mừng và lịch sử trong nhiều thế kỷ, chúng ta không được quên và giáo hoàng Phanxicô đã làm chúng ta mơ. Tôi nghĩ về kiến trúc, về hội họa, thánh ca Gregoria, về các sứ mệnh… Tất cả đều có những chuyện hoàn hảo, nhưng có một tầm nhìn nào đó về tương lai.

Tương đương với thánh ca Gregoria ngày nay là gì?

Hy vọng. Chúng ta đang hết hy vọng. Qua lời nói và thái độ của mình, nếu chúng ta có thể mang lại hy vọng, thì tôi nghĩ chúng ta có thể sửa lại một xã hội đang bị khủng hoảng đức tin. Chẳng hạn nhiều người nghĩ, vì sao lại đấu tranh và có con. Với tư cách cá nhân, cũng như với tư cách thể chế, hy vọng là với khả năng tin, chúng ta có tiềm năng để làm cho thế giới tốt đẹp hơn.

Ngày nay, người công giáo là thiểu số. Như thế có trầm trọng không?

Có phải ở đâu đó nói rằng chúng ta phải cực mạnh không? Không có nơi nào. Nhưng, chúng ta có một di sản cực mạnh và có ý nghĩa với thế giới của chúng ta. Đó là di sản ít được biết đến mà chúng ta phải mang theo, không phức tạp hay kiêu hãnh.

Để tìm tình yêu và bình an nội tâm, ngày nay người đương thời chúng ta đi Amazon, gặp các pháp sư, hoặc đi Tây Tạng… Ai còn biết được truyền thống kitô giáo? Ngày nay ai nói về tình yêu? Giáo Hội có một thông điệp quan trọng về tình yêu cần mang đến. Chúng ta gặp những người cực kỳ dễ bị tổn thương xung quanh, tổn thương cảm xúc, tổn thương tồn tại và thiêng liêng. Nhưng tình yêu chữa lành, tình yêu an ủi. Một số người đã lạm dụng tình yêu một cách đồi bại, nhưng chúng ta có nên ngừng yêu thương không? Chúng ta phải sáng tạo và táo bạo trong cách yêu thương mọi người.

Cha có nghĩ Giáo hội nên kém đạo đức hơn không?

Điều quan trọng là phải khám phá lại nền linh đạo nhập thể, không mềm yếu cũng không mơ hồ. Nói lên con người hiện đại. Chúng ta nói nhiều về sở hữu, quyền lực, biết và làm trong xã hội phương Tây, nhưng ai nói về con người? Có lẽ là các nhà tâm lý học, các huấn luyện viên nhưng họ lại theo một logic thương mại. Trong xã hội chúng ta, ai chăm sóc con người một cách nhưng không? Chúng ta phải mang đến một phẩm chất hiện hữu cho người phương Tây, họ đã đánh mất GPS nội tâm của họ, con người sâu thẳm của họ không có mật độ và họ bất hạnh. 

Là hồng y, cha muốn làm cho giáo hoàng chú ý đến những điểm nào?

Cách đóng góp của tôi cho hội đồng của ngài là đơn giản và trung thực nói về cách tôi nhìn Giáo hội và những thách thức của Giáo hội. Với tôi, nói những thách thức lớn của chúng ta ở phương Tây là sự đoàn kết – chúng ta sẽ yếu đi nếu bị chia rẽ – và, những thách thức bên ngoài là sứ mệnh. Thế giới phương Tây mong đợi những hiện thực triết học, tâm linh có khả năng mang lại ý nghĩa, giấc mơ, trụ cột, giá trị cho những câu hỏi thực sự của con người hiện đại.

21 tân hồng y trong công nghị ngày thứ bảy 30 tháng 9

Trong công nghị ngày thứ bảy 30 tháng 9, Đức Phanxicô sẽ phong 21 tân hồng y, trong đó có 18 hồng y cử tri trong trường hợp có mật nghị.

Trong số này có hai tân hồng y Pháp, hồng y François Bustillo, 54 tuổi, giáo phận Ajaccio, và hồng y Christophe Pierre, 77 tuổi, sứ thần Tòa thánh tại Hoa Kỳ. Tổng số hồng y Pháp có thể bầu chọn giáo hoàng tương lai là 6 hồng y.

Danh sách 18 tân hồng y cử tri:

  1. Robert Francis Prevost, O.S.A., Bộ trưởng bộ Giám Mục (Hoa Kỳ).
  2. Claudio Gugerotti, Bộ trưởng bộ Giáo Hội Đông Phương, (Ý)
  3. Victor Manuel Fernandez, Bộ trưởng bộ Giáo Lý Đức Tin (Argentina)
  4. Emil Paul Tscherrig, Sứ thần Tòa Thánh (Thụy Sĩ)
  5. Christopher Louis Peter, Sứ thần Tòa Thánh (Pháp)
  6. Pierbattista Pizzaballa, Thượng phụ Latinh của Giêrusalem (Ý)
  7. Stephen Brislin, Tổng Giám mục Cape Town (Nam Phi)
  8. Angel Sixto Rossi, Dòng Tên, Tổng giám mục Cordoba (Argentina)
  9. Luis Jose Rueda Aparicio, Tổng Giám mục Bogota (Colombia)
  10. Grzegorz Ryś, Tổng Giám mục Lodz (Ba Lan)
  11. Stephen Ameyu Martin Mulla, Tổng Giám mục Juba, Nam Sudan
  12. Jose Cobo Cano, Tổng Giám mục Madrid (Tây Ban Nha)
  13. Protase Rugambwa, Tổng Giám mục Tabora, Tanzania
  14. Sebastian Francis, Giám mục Penang (Malaysia)
  15. Stephen Chow Sau-Yan, Dòng Tên, Giám mục Hồng Kông (Trung Quốc)
  16. Francis-Xavier Bustillo, O.F.M. Conv., Giám mục Ajaccio, Corsica (Pháp)
  17. Americo Manuel Alves Aguiar, Giám mục phụ tá Lisbon (Bồ Đào Nha)
  18. Angel Fernandez Artime, S.D.B., Bề Trên Cả Dòng Salêdiêng (Tây Ban Nha).

Và ba tân hồng y danh dự trên 80 tuổi, hai tổng giám mục và một linh mục trên, những người “cống hiến xuất sắc cho Giáo hội”.

  1. Augustine Marchetto, sứ thần về hưu (Ý)
  2. Diego Rafael Padron Sanchez, Tổng Giám mục Danh dự của Cumaná (Venezuela)
  3. Louis Easter Dri, O.F.M. Cap., 96 tuổi, cha giải tội tại đền thánh Đức Mẹ Pompeii, Buenos Aires, Argentina.

Marta An Nguyễn dịch

 

 

Tân hồng y François Bustillo trong một lần gặp tổng thống Emmanuel Macron gần đây