Đức Phanxicô giảm lương các Hồng y ở Giáo triều

83

Đức Phanxicô giảm lương các Hồng y ở Giáo triều

cath.ch, Maurice Page, 2024-10-24

Ngày thứ tư 23 tháng 10, nhật báo Il Messaggero đăng tin Bộ trưởng bộ Kinh tế Maximino Caballero Ledo cho biết, kể từ ngày 1 tháng 11 năm 2024, các hồng y làm việc ở Giáo triều sẽ bị giảm lương. Đây là biểu hiệu của tinh thần phục vụ cụ thể và sẽ có các biện pháp khác đòi hỏi sự đóng góp của mọi người.

Ngày 20 tháng 9 vừa qua, Đức Phanxicô đã gởi thư xin các hồng y giúp ngài giảm bớt “thâm hụt chung” của Tòa thánh, ngài nhắc lại đây là vấn đề các hồng y đã giao nhiệm vụ cho ngài trong mật nghị năm 2013.

Thông báo giảm lương được gởi đến các hồng y vào tháng 10, mức lương sẽ giảm “vài trăm âu kim” mỗi tháng. Năm 2021, ngài đã giảm 10% lương của các hồng y và nhân viên của Giáo triều – mức lương lúc đó của hồng y là từ 4.500 đến 5.000 âu kim. Bây giờ số tiền này sẽ ở trong khoảng từ 4.000 đến 4.500 âu kim.

Biện pháp này được đưa ra sau khi đã được thông qua ngày 13 tháng 2, khi ngài quyết định bỏ miễn phí và ưu đãi về nhà cửa cho các hồng y và nhân viên Giáo triều Rôma tại Vatican.

Một ví dụ về nỗ lực mới của toàn thể nhân viên?

Thông báo được xem như là “dấu hiệu thể hiện cụ thể tinh thần phục vụ”. Hãng tin I.Media cho biết: “Các quyết định khác sẽ được các tổ chức thẩm quyền nghiên cứu và cần sự đóng góp của mọi người, cả về cam kết và sẵn sàng từ bỏ cách làm việc đã có từ nhiều năm nay”.

Năm 2021 đã có cải cách vì khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid, nhưng cuộc khủng hoảng cũng mang tính cơ cấu liên quan đến sự sụt giảm tiền giáo dân đóng góp và nhu cầu cần phải có một hệ thống hợp lý, minh bạch và đáng tin cậy hơn. Ngoài việc giảm lương các hồng y, với những người chịu trách nhiệm về các bộ (-8%) và với tất cả giáo sĩ, tu sĩ làm việc trong Giáo triều (-3%), Đức Phanxicô cũng tạm ngưng tính thâm niên công vụ của tất cả nhân viên Vatican.

Để thực hiện cải cách, ngài dựa vào Ban Thư ký Kinh tế, một tổ chức do ngài thành lập năm 2014 trong mục đích khôi phục lại tài chính Vatican, thường là trung tâm của các vụ tai tiếng. Tại Vatican, giám đốc Maximino Caballero được cho là kiến trúc sư vĩ đại của chính sách thắt lưng buộc bụng, 5.000 nhân viên đang sống ngày càng nghèo hơn.

Thâm hụt đáng lo ngại

Ông Caballero, người Tây Ban Nha, nhậm chức năm 2020 sau khi linh mục Juan Antonio Guerrero Alves bất ngờ từ chức vì lý do sức khỏe, ông bảo đảm mục tiêu loại bỏ thâm hụt là “có thể đạt được”. Để đạt được mục đích, trong thư tháng 9 năm 2024, Đức Phanxicô đặc biệt xin những người đứng đầu các Bộ phải tìm đến nguồn tài chính bên ngoài – thông qua các quỹ, như trường hợp của Bộ Truyền thông.

Hiện tại, tình trạng tài chính của Vatican chưa được rõ, vì kể từ năm 2022, Ban Thư ký Kinh tế (SpE) không công bố báo cáo tài chính.

Những năm trước đây có xu hướng cho thấy tính không bền vững về mặt cấu trúc của mô hình được áp dụng trong dài hạn – hàng năm Vatican buộc phải bán bớt tài sản. Trong một phỏng vấn với Vatican News năm 2020, linh mục Guerrero cho biết từ năm 2016 đến năm 2020, doanh thu trung bình là 270 triệu âu kim, so với 320 triệu âu kim chi phí – mức thâm hụt trung bình hàng năm là 50 triệu âu kim. Sự thâm hụt liên quan đến gánh nặng tiền lương của 5.000 nhân viên  nhưng cũng liên quan do việc quyên góp của giáo dân đã giảm nhiều trong những năm gần đây.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch