Ronald Rolheiser, 2024-11-04
Khi Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể trong Bữa Tiệc Ly, Ngài dùng hai chất liệu: bánh và rượu. Bánh và rượu đã ăn sâu trong tâm trí chúng ta, đến mức chúng ta không bao giờ dừng lại để tự hỏi, vì sao lại là bánh và rượu? Trong số tất cả những gì Chúa Giêsu có thể chọn, vì sao Ngài chọn bánh và rượu? Bánh và rượu có đặc tính gì để có thể phù hợp với Mình và Máu Chúa Kitô? Cụ thể, bánh và rượu tượng trưng cho điều gì?
Khi được dùng trong Bí tích Thánh Thể, bánh và rượu tượng trưng cho những khía cạnh rất khác nhau trong cuộc sống, trong thế giới chúng ta và trong cuộc sống của Chúa Giêsu.
Bánh. Bánh là gì? Bánh tượng trưng điều gì với Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể đầu tiên này? Bánh mì gồm nhiều hạt lúa mì và khi bị nghiền nát, chúng mất bản sắc riêng và trở thành một ổ bánh mì duy nhất. Trong Bí tích Thánh Thể, bánh mì tượng trưng cho chúng ta, nhiều cá nhân, và giờ đây tất cả chúng ta là một thân thể, Thân thể Chúa Kitô. Nhưng bánh mì cũng tượng trưng cho một khía cạnh cụ thể trong cuộc sống khi chúng ta vui vẻ, khỏe mạnh, sống trong cộng đồng, cùng nhau phát triển như những đứa con của Chúa. Mùi bánh mì tươi nói lên sự sống. Bánh mì trong Bí tích Thánh Thể cũng vậy. Bánh mì trở thành bánh mì của những thành tựu thế giới, được Chúa chúc phúc cho tất cả những gì là trẻ trung, khỏe mạnh, sáng tạo và tràn đầy sức sống.
Theo nghĩa bóng, bánh mì kỷ niệm thời Galilê của cuộc đời Chúa Giêsu và trong chính cuộc sống của chúng ta – thời kỳ của tuổi trẻ, của phép lạ, của việc đi trên mặt nước, làm cho người chết sống lại, của năng lượng cuộc sống vui tươi, của việc yêu đương và sự ra đời một cuộc sống mới.
Rượu. Tượng trưng cho điều gì của Chúa Giêsu và tượng trưng cho điều gì trong Bí tích Thánh Thể? Rượu được làm từ nho nghiền nát và tượng trưng cho máu. Và như máu của Chúa Kitô, rượu tượng trưng cho tất cả những gì tan vỡ, mong manh, không trọn vẹn, bệnh tật, đau khổ, chết chóc của thế giới. Đó là rượu của sự chết và sự bất lực của thế gian, máu của những gì bị nghiền nát khi thành tựu của thế gian diễn ra.
Theo nghĩa bóng, rượu tưởng nhớ thời kỳ Giêrusalem trong cuộc đời Chúa Giêsu, cũng như trong cuộc đời của chúng ta – thời kỳ của những hiểu lầm, thời kỳ nạn nhân, thời kỳ đau khổ về tinh thần, về thể xác, bị xa lánh, cô đơn khi chết, khi người khác không thể giúp chúng ta.
Và bánh và rượu tạo nên một tổng thể cân bằng cho cuộc sống trong mọi khía cạnh của nó. Trên thực tế, khi chủ tế dâng bánh và rượu, thì đây là những gì đang được nói: Lạy Chúa, những gì con dâng lên Chúa hôm nay là tất cả những gì có trên thế gian này, cả niềm vui và đau khổ – bánh của những thành tựu và máu của những gì bị nghiền nát khi những thành tựu này diễn ra. Con xin dâng cho Chúa mọi thứ lành mạnh và phát triển trong thế giới của chúng con – niềm vui bên bàn ăn, niềm vui của trẻ em, những giấc mơ đầy hy vọng của người trẻ, sự thỏa mãn khi được thành tựu, mọi thứ sáng tạo và tràn đầy sức sống, cả khi con dâng lên Chúa mọi yếu đuối, bị đè bẹp, già nua bệnh tật, hấp hối và là nạn nhân. Con dâng cho Chúa mọi vẻ đẹp trần thế, mọi niềm vui của cuộc sống này, cả những khi con đứng dưới chân thánh giá của Chúa, hiểu rằng người bị loại khỏi thú vui trần gian chính là hòn đá tảng của cộng đồng. Con dâng lên Chúa tất cả những mạnh mẽ, những yếu đuối, những nhẹ nhàng của trái tim, con xin Chúa chúc phúc cho cả những mạnh mẽ, những yếu đuối, của con, xin Chúa mở rộng trái tim con, để con được nắm giữ và chúc phúc mọi thứ như Chúa đã làm. Con xin dâng lên Chúa tất cả những điều kỳ diệu và nỗi đau của thế giới này, thế giới của Chúa.
Chúng ta có thể học được nhiều điều từ linh đạo này. Các linh đạo thường một chiều, chúng cần được cân bằng.
Một mặt, linh đạo có thể tập trung một chiều vào sự phát triển con người mà bỏ qua các bất cập: đau khổ, tội lỗi, cái chết, lời mời gọi vác thập giá theo Chúa Giêsu. Nó chỉ tôn vinh tuổi trẻ, sức khỏe, thịnh vượng và lòng tốt – trình bày một Chúa Giêsu ban cho chúng ta một Phúc âm Thịnh vượng thay vì một Phúc âm Toàn vẹn.
Ngược lại, nếu linh đạo tập trung quá một chiều vào sự bất cập của con người: tội lỗi, cái chết, chủ nghĩa khổ hạnh, từ bỏ lạc thú. Nó tôn vinh người già nhưng không tôn vinh người trẻ, người bệnh nhưng không tôn vinh người khỏe mạnh, người nghèo nhưng không tôn vinh người thịnh vượng, người hấp hối nhưng không tôn vinh người sống, tôn vinh thế giới bên kia nhưng không tôn vinh thế giới này. Điều này tước đi tính toàn vẹn của Phúc âm và trình bày Chúa Giêsu như nhà tu khổ hạnh không lành mạnh, cau mày với hạnh phúc tự nhiên của con người.
Bánh và rượu trong Bí tích Thánh Thể lên tiếng cho mọi khía cạnh của cuộc sống. Theo thần học gia Pierre Teilhard de Chardin, về bản chất, lời truyền phép trong Bí tích Thánh Thể nên đọc như thế này: “Trên mọi vật sống sắp nảy nở, phát triển, nở hoa, chín muồi trong ngày này, tôi lặp lại lời này: ‘Đây là mình Ta’. Và trên mọi thế lực tử thần đang chờ sẵn để ăn mòn, héo úa, chặt hạ, tôi lặp lại lời Chúa nói về mầu nhiệm tối cao của đức tin: ‘Đây là máu Ta.’”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch