Chuyến đi Indonesia của Đức Phanxicô sẽ chạm đến toàn đất nước

432

Chuyến đi Indonesia của Đức Phanxicô sẽ chạm đến toàn đất nước

Trước chuyến đi của Đức Phanxicô đầu tiên Indonesia từ ngày 3 đến ngày 6 tháng 9, Tổng giám mục Jakarta, Ignatius Suharyo, 73 tuổi, được phong hồng y năm 2019 thảo luận về tình hình của người công giáo tại đây và nhấn mạnh đến công việc đối thoại liên tôn với người hồi giáo và tin lành ở Indonesia.

la-croix.com, Dorian Malovic, phóng viên tại Jakarta, Indonesia, 2024-09-01

Tân hồng y Indonesia Ignatius Suharyo Hardjoatmodjo gặp người thân trong lễ phong hồng y ngày 5 tháng 10 năm 2019 tại Vatican. TIZIANA FABI / AFP

Tâm trạng của cha như thế nào trước chuyến đi của Đức Phanxicô?

Hồng y Ignatius Suharyo: Cộng đồng công giáo Indonesia rất vui mừng được đón tiếp ngài, những người tin lành và hồi giáo ở đây cũng rất mong chờ ngài. Nhân cách đặc biệt, kinh nghiệm tôn giáo lâu dài và sâu sắc, lối sống khiêm tốn của ngài tỏa ra sức lôi cuốn làm mọi người kính trọng. Ngài không chỉ là tấm gương cho người công giáo mà còn cho toàn dân Indonesia, họ xem ngài là người có đức tin, nhà lãnh đạo xứng đáng được kính trọng. Tất cả chúng tôi rất vinh dự được đón ngài.

Chuyến đi Á châu của Đức Phanxicô: cuộc gặp giữa các nền văn hóa

Với chúng tôi, sự hiện diện của ngài là một thông điệp khích lệ. Ngài nói với chúng tôi, cộng đồng công giáo Indonesia đi đúng  hướng, cộng đồng phải trưởng thành trong đức tin và có đời sống thiêng liêng sâu đậm. Chủ đề của chuyến đí là “đức tin, tình huynh đệ, lòng trắc ẩn”: năng động của đời sống người công giáo ở Indonesia được tóm tắt trong ba từ này. Ngoài ra, chủ đề này đến gần với các cộng đồng tôn giáo khác, vì tình huynh đệ không chỉ dành riêng cho người công giáo mà cho tất cả người dân của Indonesia. Lòng trắc ẩn vượt ra ngoài thế giới công giáo. Chuyến đi của ngài sẽ ảnh hưởng đến toàn đất nước.

Châu Á, lục địa của trái tim Đức Phanxicô

Đối thoại liên tôn diễn ra như thế nào ở Indonesia, đất nước có 90% người dân theo đạo hồi?

Sống hòa hợp với các cộng đồng tôn giáo khác là lý tưởng của Indonesia kể từ khi Indonesia giành được độc lập năm 1945. Việc xây dựng Nhà thờ hồi giáo Lớn Istiqlal đối diện với Nhà thờ Đức Mẹ Lên Trời ở trung tâm Jakarta là biểu tượng rõ rệt nhất cho điều này. Và “Đường hầm Hữu nghị” kết nối hai tòa nhà tôn giáo càng củng cố thêm lý tưởng về tình hữu nghị và sự tôn trọng lẫn nhau. Người hồi giáo rất tôn trọng chúng tôi và chúng tôi tôn trọng họ.

Nhưng mọi thứ không hoàn hảo giữa các cộng đồng khác nhau?

Đúng vậy. Indonesia là đất nước rộng lớn có nhiều nền văn hóa, ngôn ngữ, dân tộc… và các mối quan hệ có thể căng thẳng từ nơi này sang nơi khác. Nhưng nhìn chung, chúng tôi có mối quan hệ tốt với các cộng đồng tôn giáo khác và chính phủ luôn khuyến khích sự chung sống hòa bình giữa các tôn giáo. Bạo lực tôn giáo đã giảm đáng kể trong những năm gần đây. Không phải xung đột tôn giáo mà là sự thao túng chính trị của tôn giáo đã gây chia rẽ tôn giáo. Với sự phức tạp của xã hội Indonesia, chúng tôi có thể nói các bạo lực là rất nhỏ.

Vị trí của nhóm thiểu số công giáo trong xã hội Indonesia là gì?

Chúng tôi là công dân như các công dân khác, được tự do giữ đạo không bị hạn chế. Nhiều người công giáo làm việc trong cơ quan hành chính, có người giữ chức vụ cao. Giống như tất cả các cộng đồng tôn giáo khác, họ có trách nhiệm trong việc thúc đẩy giáo dục, y tế để bảo vệ lý tưởng độc lập của đất nước.

Vì sao Đức Phanxicô đi Châu Á và Châu Đại Dương?

Cụ thể trong bối cảnh Indonesia, biểu tượng chuyến đi của Đức Phanxicô là gì?

Chuyến đi này có nhiều ý nghĩa với chúng tôi. Đầu tiên, khi đến đây, ngài nhìn nhận sự tồn tại của Giáo hội công giáo Indonesia, dù thiểu số nhưng sống động và dấn thân vào Giáo hội thế giới. Ngài sẽ thấy Indonesia là ví dụ điển hình về việc chung sống giữa các cộng đồng khác nhau. Đây là chiều hướng chính. Tôi nghĩ Vatican muốn biết thêm về hồi giáo ở đây, hồi giáo Indonesia không liên quan gì đến hồi giáo ở Trung Đông. Ở đây chúng tôi chung sống với một đạo hồi giáo khoan dung và đất nước giám sát chặt chẽ các ảnh hưởng có thể đến từ Pakistan hoặc Afghanistan.

Những thách thức lớn của Giáo hội Indonesia phải đối diện là gì?

Tôi thường được hỏi câu hỏi này. Indonesia có nhiều nơi thờ cúng và việc giữ đạo rất tích cực. Tuy nhiên vẫn có những chuyện tiêu cực như tham nhũng, buôn người, tự tử… Như thế đức tin chưa thành công trong việc biến đổi cuộc sống. Những thách thức của Giáo hội cũng giống như những thách thức mà nhân loại đang phải đối diện: chủ nghĩa tiêu dùng, hậu sự thật, toàn cầu hóa, xung đột quốc tế. Nhưng tôi nghĩ dù với những nguy hiểm này, cuộc đối thoại liên tôn cuối cùng sẽ có thể giải quyết được những thách thức này.

Indonesia là quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới

Indonesia là quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới.

– Indonesia có 280 triệu dân, 88% là người hồi giáo, hoặc hơn 200 triệu người theo đạo.

– Indonesia là đất nước có hiến pháp bảo đảm tự do tôn giáo.

– Đạo hồi có ở đây vào khoảng thế kỷ 13 đến thế kỷ 16.

– Hai tổ chức Hồi giáo lớn của Indonesia:

Nahdlatul Ulama có 100 triệu giáo dân, tập trung vào các vấn đề xã hội và tôn giáo, ít mang tính chính trị.

Muhammadiyah thành lập năm 1912, có hơn 95 triệu giáo dân, tập trung nhiều hơn vào đạo hồi “hiện đại” gồm luật hồi giáo, phụ nữ, thanh niên, giáo dục, y tế.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Linh mục Spadaro: “Sức khỏe Đức Phanxicô tốt, ngài thấy đủ sức khỏe để đi một chuyến đi dài”