Đức Phanxicô, cuộc hành trình Châu Á như một sự sống lại
parismatch.com, Arthur Herlin, đặc phái viên trên máy bay giáo hoàng, 2024-09-19
Tại dinh Tổng thống ở Dili, điện thoại bên cạnh các chai nước chờ được làm phép. © Willy Kurniawan / AFP
Ở tuổi 87, người đứng đầu Giáo hội công giáo đã làm cả thế giới ngạc nhiên khi ngài đi chuyến tông du thứ 45 dài nhất và xa nhất của ngài đến Châu Á và Châu Đại Dương. Dù ngồi trên xe giáo hoàng hay xe lăn, ngài đều giữ tiến trình bận rộn của 12 ngày này. Các cuộc gặp ngoại giao, cái nóng oi bức ẩm ướt của vùng nhiệt đới không làm suy giảm nghị lực phi thường của ngài. Các nơi ngài đến là vùng ngoại vi, nơi sinh sống của những người bị lãng quên, những người nghèo và những người khiêm tốn. Thông điệp của ngài đi khắp thế giới.
Điều khó tin, không ai tin được đã thành hiện thực không thể chối cãi ngày 6 tháng 9. Abbé Pierre, biểu tượng bác ái của nước Pháp lại là kẻ săn mồi tình dục. Giáo hội và những người thân cận ông đều biết. Ở Pháp, tiết lộ này là tiếng sét vang dội, gây tiếng vang đến cả các nhà báo trong nhóm nhỏ đi theo chuyến tông du của Đức Phanxicô. Thật khó để không hỏi về việc này, nhưng phải chờ cuộc họp báo trên máy bay khi về Rôma. Ngài trả lời ngay: “Đó là điểm tế nhị và đau đớn. Dù mọi điều tốt lành Abbé Pierre đã làm, chúng ta thấy ông là kẻ có tội nặng. Đó là thân phận con người. Không có chuyện che đậy để không thấy.” Sự náo loạn mạnh mẽ đột nhiên làm gián đoạn, ngài nói đùa: “Câu hỏi gây sốc? Nhưng việc lạm dụng tình dục trẻ em và trẻ vị thành niên là một tội ác! Thật đáng xấu hổ!” Ngài nói tiếp: “Vatican có biết không? Sau khi Abbé Pierre qua đời, có, tôi biết chắc chắn điều này nhưng trước đó thì tôi không biết.”
Đức Phanxicô: “Abbé Pierre là tội phạm khủng khiếp”
Đức Phanxicô vẫn ngồi. Sự mệt mỏi thấy rõ trên gương mặt ngài nhưng ngài lúc nào cũng cười. Ngài vừa đi 33.000 cây số, đến thăm bốn quốc gia Indonesia, Papua Tân Ghinê, Đông Timor và Singapore, vượt hai đại lục trong 12 ngày, không nghỉ ngơi ngày nào. Một sức mạnh phi thường với người trong nhiều năm đã có nhiều vấn đề sức khỏe: nhiễm trùng đường phổi, cắt bỏ ruột, tắc ruột, đau đầu gối, đau xương hông. Tháng 11 năm ngoái, chuyến đi dự định đến Abu Dhabi đã phải hủy bỏ và kể từ chuyến đi Marseille năm trước, ngài không rời Rôma. Những người như Thánh Tôma “phải thấy mới tin” đều cảm thấy bối rối: mặc dù sợ hãi và nghi ngờ, hành trình Châu Á vẫn duy trì và chương trình đầy tham vọng được thực hiện từng điểm một. Năng lượng của Đức Phanxicô đã tạo ấn tượng. Dường như ngài được nâng đỡ, hồi sinh nhờ hành trình này, thể xác mệt mỏi, tiếp thêm sinh lực cho trái tim.
Bộ trưởng Bộ Tôn giáo Indonesia (trái), nghi thức chào đón long trọng ở phi trường Jakarta ngày 3 tháng 9. REUTERS / © Guglielmo Mangiapane
Ngài không che giấu: nếp sống của Vatican đè nặng lên ngài.
Rời xa giáo triều, rời xa Argentina quê hương của ngài, Đức Phanxicô đi tông du, lãnh vực ngài rất xuất sắc, tính hiếu kỳ và đồng cảm đưa ngài đi một cách tự nhiên. Ngài không giấu giếm: công việc thường ngày của Vatican đè nặng lên ngài, chính trị, dù đó là một phần trách nhiệm của ngài, nhưng cũng làm ngài mệt mỏi. Trong cuộc gặp riêng với các nhà truyền giáo của một cộng đồng lạc lõng ở miền Bắc Papua Tân Ghinê, ngài tâm sự theo cách riêng của ngài nhưng đầy hài hước: “Anh em có biết, các tu sĩ Dòng Tên nào tệ nhất sẽ được gởi đến những nơi khổ nhất không? Hãy nhìn tôi: Giám mục Rôma!” một thành viên trong đoàn của ngài kể lại, họ vừa ngạc nhiên vừa cười.
Đức Phanxicô dâng thánh lễ tại Sân vận động Gelora Bung Karno, Jakarta ngày 5 tháng 9. REUTERS / © Dita Alangkara
Chuyến đi truyền giáo khó quên của Đức Phanxicô đến tận cùng thế giới
Vô số các lần nói chuyện, các cuộc gặp đặc biệt với giáo dân: mỗi chuyến đi đều có một nhịp sống mãnh liệt. Với Đức Phanxicô còn hơn nữa, ngài thích được ra ngoài gặp mọi người, mỉm cười, đùa giỡn, chúc phúc cho trẻ em và người bệnh. Nhưng lần này, thử thách đặc biệt khó khăn với người phải ngồi xe lăn. Tất cả được chuẩn bị cho tình trạng này của ngài, nhưng ngài hài lòng với cái tối thiểu. Trong các chuyến bay, ngài ngồi trên chiếc ghế chỉ rộng hơn chiếc ghế của phi hành đoàn. Một ảnh Đức Mẹ để trước ghế ngài, chi tiết duy nhất phân biệt nơi ngài ngồi với người khác.
Tại đền thánh Đức Mẹ ở Port Moresby, Đức Phanxicô gặp người dân địa phương trong y phục truyền thống của họ ngày 7 tháng 9. REUTERS / © Guglielmo Mangiapane
Mũ truyền thống của bộ tộc Vanimo, ở Papua ngày 8 tháng 9. REUTERS / © Guglielmo Mangiapane
“Ngài giữ vững vì ngài tuân thủ nghiêm ngặt lịch trình của ngài, như nhạc sĩ theo bản dàn bè”
Khi không đi chào các nhà báo, ngài bỏ chiếc áo choàng trắng, chỉ mặc y phục đơn giản của linh mục: quần đen và áo có cổ Rôma. Một bác sĩ và hai y tá theo ngài, trang bị thuốc và máy trợ tim, một số quản gia đi theo ngài, đặc biệt người đẩy xe lăn, người ngài hoàn toàn tin tưởng. Một người khác mang chiếc túi đựng hồ sơ cá nhân và các bài diễn văn của ngài. Những cử chỉ nhỏ nhất của ngài đều được hiểu. Tất cả những gì ngài làm là giơ tay lên một chút để người quản gia đưa cho ngài viên kẹo hoặc tràng chuỗi tùy theo người ngài gặp. Khoảng mười cận vệ Thụy Sĩ và hiến binh Vatican được chọn kỹ lưỡng để luôn ở bên cạnh ngài.
Đức Phanxicô họp báo trên chuyến bay từ Singapore về Rôma: đi Pháp, Donald Trump và Abbé Pierre
Một người đi trong đoàn của ngài giải thích: “Ngài giữ vững vì ngài tuân thủ nghiêm ngặt lịch trình của ngài, như kim đồng hồ, như nhạc sĩ theo bản dàn bè.” Ngài ngủ phòng đơn và đôi khi ngài ở căn phòng khiêm tốn nhất của Tòa sứ thần. Đặc ân duy nhất ngài cho phép mình: xin ở gần Nhà Tạm để “ngủ trong sự hiện diện của Chúa”. Đi ngủ sớm, dậy lúc bình minh khi 4h30 sáng, ngài bắt đầu tìm hiểu các bài diễn văn sẽ đọc trong ngày. Ngài dâng thánh lễ lúc 7 giờ 30 sáng, ăn sáng, nghỉ ngơi trước khi làm các việc đầu tiên.
Giáo dân tại công viên Tasi Tolu, Dili, thủ đô của Đông Timor. 600.000 giáo dân (một nửa dân số) dự thánh lễ ngày 10 tháng 9. REUTERS / © Willy Kurniawan
Ngoài những chăm sóc này, Đức Phanxicô lấy năng lượng từ việc tiếp xúc với các em bé, với người nghèo, người bị bỏ rơi, người bị trục xuất.
Một vài khoảnh khắc tự do cũng được lên kế hoạch, nhưng không phải lúc nào ngài cũng tuân theo. Khi đến Jakarta sau chuyến bay kéo dài 13 giờ, ngài đã tiếp người tị nạn Afghanistan, Sri Lanka, Rohingya và Sudan và các em mồ côi thay vì nghỉ ngơi ngay. Thói quen đã được hình thành, những ai bị lãng quên sẽ là ưu tiên trong chuyến đi của ngài. Vì ngoài những sắp xếp và chăm sóc dành cho ngài, ngài còn lấy năng lượng qua việc tiếp xúc với các em bé, với những người bị bỏ rơi, những người cơ cực, những người bị lưu đày, trước mặt họ, gương mặt ngài sáng lên.
Sự tương phản đặc biệt nổi bật trong cuộc gặp với những người thiểu năng trí tuệ ở Jakarta. Với tấm lòng dịu dàng và kiên nhẫn, ngài ôm họ, có người ngài ôm rất lâu để mang đến cho họ chút an ủi. Nhưng một lúc sau, ngài mất kiên nhẫn trước các linh mục Indonesia đến hôn tay. Phía sau ngài, các quản gia ra dấu để họ đừng quỳ xuống. Không có gì giúp được, với mỗi dấu hiệu tôn trọng, sự mệt mỏi lại hiện rõ trên khuôn mặt của ngài.
Tại Sân vận động Sir John Guise, một thanh niên Papuan mang mặt nạ truyền thống hàng thế kỷ ngày 8 tháng 9. Hình ảnh / © Zuma Press
Nhiều người không nề nắng nóng ra đường gặp ngài ở thủ đô Đông Timor ngày 9 tháng 9. AFP / © Yasuyoshi Chiba
600.000 tín hữu dự thánh lễ ở Đông Timor, một nửa dân số!
Ngài trung thành với nguồn gốc bình dân của mình; không ngạc nhiên, dù đã ở 7 ngày ở Indonesia và Papua, nhưng ngài vẫn còn năng lực ở Đông Timor. Trên máy bay về Rôma, ngài nói với các nhà báo: “Tôi phải nói với các bạn, tôi đã yêu đất nước này.” Đất nước sống trong tình trạng nghèo đói, với dân số 97% là kitô hữu, họ đặt tất cả hy vọng vào chuyến thăm của ngài. Vì vậy khi máy bay hạ cánh, một cảnh tượng hiếm hoi, các kỹ thuật viên phi trường đã quỳ xuống khi ngài xuống máy bay, trán của họ chạm vào đôi giày ngài. Lần này ngài đồng ý. Chắc chắn vì những dấu hiệu tôn trọng này không hề là vì địa vị của ngài. Ngày hôm sau, trong thánh lễ được cử hành buổi tối, 600.000 người, một nửa dân số đất nước đã có mặt! Một số người chờ từ 4 giờ sáng dưới cái nắng chói chang để không bỏ lỡ sự kiện. Chuyến thăm gần đây của một giáo hoàng đến đất nước này là chuyến đi của Đức Gioan-Phaolô II năm 1989. Người dân náo nức chờ ngài, ngài phải đi xe giáo hoàng để chào họ.
Papua Tân Ghinê: “Người dân chúng tôi đoàn kết trong đức tin nhờ các nhà truyền giáo”.
Đưa “thế giới của vùng ngoại vi” về trung tâm là điều mà ở bên kia địa cầu, ngài cố gắng để làm. Tại Port Moresby, trước đám đông người Papua, một số mặc y phục truyền thống với lông chim vùng nhiệt đới, với vòng cổ bằng răng chó, vẽ mặt vẽ người đủ màu sắc hình ảnh, Đức Phanxicô nói với họ, Chúa muốn “phá vỡ khoảng cách”: “Có lẽ anh chị em nghĩ mình ở vùng đất xa xôi khi sống trên hòn đảo vĩ đại này, nằm ở biên giới của thế giới, nhưng Chúa Kitô muốn làm cho anh chị em cảm thấy mình ở trung tâm trái tim Ngài.”
Ở một đất nước, nơi 54% phụ nữ nói họ đã phải chịu đựng bạo hành thể xác, nơi mà theo tổ chức phi chính phủ Plan International, gần một phần tư đàn ông thừa nhận họ đã từng phạm tội hiếp dâm, Đức Phanxicô chọn cách để gởi một tín hiệu mạnh mẽ: “Phụ nữ làm đất nước tiến lên. Chúng ta đừng quên họ, họ ở tuyến đầu trong sự phát triển con người và thiêng liêng.”
Phóng viên Arthur Herlin. © Paris Match
Singapore là điểm dừng chân cuối cùng của hành trình mệt nhọc nhưng đầy sinh lực của Đức Phanxicô. Ở đây một lần nữa, ngài không tha cho ngài. Ngài bỏ bài phát biểu soạn sẵn, ngài ứng khẩu trước các bạn trẻ chủ đề ngài yêu thích, “lòng dũng cảm của tình yêu”.
Singapore, trạm dừng chân của Giáo hoàng, diễn đàn được chọn để hướng đến Trung Quốc
Để phản ánh sự chấp nhận rủi ro điên rồ mà chuyến marathon này cho thấy, với một giáo hoàng mong manh, ngài kêu gọi mọi người phải đi ra khỏi vùng thoải mái “nơi chúng ta bị béo phì”. Ngài nhấn mạnh một cách tinh nghịch: “Quý vị đừng để cái bụng mập phì, như thế cái đầu cũng bị mập theo!” làm cả phòng bật cười, trước khi đột nhiên lấy lại nghiêm túc, ngài nói những lời như vang vọng những dòng cuối của bản di chúc: “Khi anh chị em không còn trẻ nữa, khi anh chị em là những ông bà nội ngoại, anh chị em hãy dạy những gì chúng ta vừa nói cho con cháu mình.”
Marta An Nguyễn dịch