Papua Tân Ghinê: “Người dân chúng tôi đoàn kết trong đức tin nhờ các nhà truyền giáo”.
Phỏng vấn Hồng Y Tổng giám mục John Ribat, giáo phận Port Moresby
fides.org, Fabio Beretta, 2024-09-06
Port Moresby (Agenzia Fides) – Phỏng vấn Hồng Y Tổng giám mục John Ribat, giáo phận Poer Moresby về vai trò của các nhà truyền giáo trong các bộ tộc, công việc của Giáo hội địa phương, về chuyến đi của Đức Phanxicô đến Đông Timor.
Giáo hoàng sẽ thấy một Giáo hội Đông Timor trẻ, tự hào có một chân phước tử đạo.
Hồng Y John Ribat: Đông Timor đúng là Giáo hội trẻ đang trên đà phát triển, đặc biệt nhờ gương sáng của Chân phước Phêrô To Rot. Hiện nay tiến trình phong thánh bị đình trệ vì thiếu phép lạ. Đây là một trong những điều chúng tôi xin Giáo hoàng can thiệp vào quá trình phong thánh. Hy vọng sẽ được hoàn thành trong năm tới để chúng tôi sớm thấy giáo lý viên của chúng tôi thành thánh. Tại Papua Tân Ghinê tuy Giáo hội còn non trẻ nhưng chúng tôi có một đức tin vững mạnh, người công giáo nhiệt tình chuẩn bị chuyến đi này. Nhiều người từ vùng cao nguyên, ở các giáo phận khó khăn, các nước lân cận về Port Moresby, họ đi bộ, đi thuyền, trên đường đi họ cầu nguyện.
Các nhà truyền giáo quan trọng như thế nào ở đây? Vì sao Đức Phanxicô muốn gặp các nhà truyền giáo ở đất nước này?
Từ nhiều thế kỷ trước các nhà truyền giáo đã đến đây. So với những người đầu tiên thì bây giờ có ít hơn, chúng tôi vẫn còn ghi nhớ họ, chủ yếu là người Đức và người Mỹ. Ngày nay, họ ở rải rác ở nhiều vùng và nhiều giáo phận khác nhau. Họ đến từ Ấn Độ, Phi Luật Tân, Indonesia, cũng có một số người đến từ Châu Âu như các tu sĩ Salêdiêng người Ý. Tại Vanimo có các nhà truyền giáo đến từ Argentina. Công việc của các nhà truyền giáo rất quan trọng với chúng tôi, họ truyền bá đức tin, họ nâng đỡ người dân, họ làm việc với người dân. Điều đó rất quan trọng. Chúng tôi có một quan hệ tốt đẹp với các nhà truyền giáo của giáo phận Papua Tân Ghinê, một giáo phận được các nhà truyền giáo thành lập. Người dân giúp chúng tôi rất nhiều để chuẩn bị cho chuyến đi này, Hội đồng Giám mục cùng với cộng đồng Papua Tân Ghinê và Quần đảo Solomon cùng nhau chuẩn bị. Chúng tôi có bầu khí hiệp nhất trong đức tin là nhờ các nhà truyền giáo.
Ở Papua Tân Ghinê có xung đột giữa các bộ lạc, Giáo Hội có can thiệp không?
Các bộ lạc thường chiến đấu với nhau, nhưng trong chủng viện, các chủng sinh thuộc các bộ lạc khác nhau chung sống hòa bình với nhau.
Các tranh chấp giữa các bộ tộc không xảy ra ở mọi nơi, thường ở các vùng miền núi, khác với vùng biển, Giáo hội chỉ mới đến đây vài chục năm. Các ngôi làng miền núi rất khó đến, họ có phong tục tập quán lâu đời, đó là khu vực bị tổn thương sinh thái, gần đây thảm họa thiên nhiên xảy ra làm nhiều người thiệt mạng. Tuy nhiên, các căng thẳng xã hội thì có khắp nước. Ngày 10 tháng 1 năm nay, một cuộc bạo loạn đã bùng nổ để phản đối việc giảm lương, nhiều người thiệt mạng, cửa hàng bị cướp phá, xe bị đốt cháy… Chúng tôi đang hồi phục. Với tư cách là Giáo hội, chúng tôi ra thông báo báo chí và đọc trong nhà thờ. Ngoài việc lên án mọi hình thức bạo lực, chúng tôi giải thích để người dân hiểu những vấn đề khác nhau, những luật mới vì chưa được giải thích rõ ràng. Các cuộc đấu tranh giữa các bộ tộc thì khác, chúng tôi để Lời Chúa tác động.
Lần thứ hai một giáo hoàng đến thăm đất nước: cộng đồng có thể cống hiến những gì? Công giáo địa phương đối với Giáo hội hoàn vũ như thế nào?
Đây là câu hỏi chúng tôi đã suy nghĩ trong nhiều tuần. Chúng tôi cố gắng tìm hiểu những gì chúng tôi có thể làm và làm cách nào để chúng tôi có thể giúp người dân. Việc đầu tiên là chúng tôi tiếp tục gởi các nhà truyền giáo ra đi, họ đã đến với chúng tôi, bây giờ chúng tôi đi Argentina, Brazil, Châu Phi. Nhưng đây chỉ là một đóng góp nhỏ. Chúng tôi là một Giáo hội đang phát triển và chúng tôi cố gắng sống tốt với nhau, với lời giảng dạy của Phúc âm và giáo lý, giúp chúng tôi cảm thấy mình là một phần của Giáo hội hoàn vũ.
Ngày nay những khó khăn lớn nhất trong việc rao giảng Tin Mừng ở Papua Tân Ghinê là gì?
Một trong những khó khăn là các thông tin sai lệch của mạng xã hội và của truyền thông. Trong trách nhiệm của chúng tôi, chúng tôi giải thích để giáo dân biết đó là tin giả. Người dân bị các tin tức đủ loại tràn ngập, tạo nhiều nhầm lẫn. Theo nghĩa này, những lời của Thánh Phaolô giúp tôi rất nhiều, tôi tự hỏi làm thế nào Giáo hội có thể rao giảng Tin Mừng một cách đúng đắn ở thời điểm luôn có những thay đổi thường xuyên. Tôi đã tìm được câu trả lời: nếu mọi thứ thay đổi thì sự thật vẫn như cũ. Và với chúng tôi, sự thật là Chúa Kitô. Lời Chúa sau 2000 năm vẫn là linh hồn, không hề thay đổi. Một số người giải thích Lời Chúa sai lầm, họ diễn giải để “thích ứng” với những thay đổi trên thế giới. Nhưng đây không phải là sự thật.
Papua Tân Ghinê là một đàn chiên nhỏ, nhưng theo số liệu chính thức, số người được rửa tội và ơn gọi gia tăng: cha giải thích điều này thế nào?
Ơn gọi ngày càng tăng vì người trẻ cũng như người lớn tuổi đều muốn đóng góp để làm điều gì đó quan trọng cho đất nước. Giáo hội luôn khuyến khích họ đi theo con đường này. Đặc biệt, giới trẻ chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống của Giáo hội. Trước khi vào chủng viện, các em đã làm nhiều nghề khó khăn, nhưng các em luôn biết phục vụ người anh em. Dần dần, các em cảm nhận mình làm chưa đủ cho người anh em. Số người được rửa tội tăng, nhưng cũng do dân số gia tăng. Càng ngày càng có nhiều người trẻ kết hôn, họ được Giáo hội giúp đỡ trong đức tin và bây giờ họ tin tưởng lập gia đình.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Đến Đông Timor, Đức Phanxicô đối diện với vấn đề nhức nhối: tội phạm ấu dâm
Singapore, trạm dừng chân của Giáo hoàng, diễn đàn được chọn để hướng đến Trung Quốc