Giáo hoàng tại Châu Á hay Giáo Hội Hoàn Vũ
france-catholique.fr, Gérard Leclerc, 2024-09-11
Hình ảnh / © Antoine Mekary / Godong
Chuyến đi Á Châu dài ngày nhất trong triều của Đức Phanxicô đã minh chứng ngài luôn kiên định với chức vụ của ngài. Đến từ Châu Mỹ Latinh, ngài có khả năng cảm nhận rõ hơn tính phổ quát của Giáo hội. Điều này được thấy rõ qua Công đồng Vatican II, với sự hiện diện của các giám mục đến từ Thế giới thứ ba, đặc biệt là Châu Phi và từ đó Giáo hội phát triển trong đường hướng này. Qua các chuyến đi khắp nơi, các giáo hoàng đã minh chứng điều này. Riêng với Đức Phanxicô, ngài còn thể hiện rõ khuynh hướng mở rộng ra ngoài Âu Châu qua việc phong các hồng y.
Châu Âu truyền giáo một thời
Châu Âu, nơi bắt đầu mục vụ truyền giáo phi thường đã đáp lại lời mời gọi của Chúa Kitô đem Tin Mừng rao giảng đến muôn dân. Một minh chứng hùng hồn, Đức Phanxicô đến Papua, tập hợp 35.000 giáo dân dự thánh lễ ở thủ đô Port Moresby. Từ hàng thế kỷ, nước Pháp là nước có các nhà truyền giáo đi khắp muôn nơi.
Giám mục Jean-Louis Riocreux, người am hiểu vùng này nói với chúng tôi: “Ba giám mục đầu tiên của đại diện tông tòa Papua là người Pháp, trong đó có Giám mục Boismenu, một mục tử phi thường đã ở lâu năm trên đất nước chúng tôi. Rôma đang tiến hành phong chân phước cho ngài.”
Việc mở rộng đức tin kitô giáo trên thế giới vẫn tiếp tục, ngược với nơi từng là động lực truyền giáo phát sinh. Chúng ta cần suy nghĩ đến sự tương phản này, đặc biệt liên quan đến việc xóa bỏ một tinh thần mộ đạo bình dân đang tồn tại rất nhiều ở các lục địa khác. Bản thân Đức Phanxicô dường như ít quan tâm đến châu Âu đang hỗn loạn, ngài ít đến các quốc gia ở lục địa này.
Có tin đồn ngài sẽ đến Paris vào tháng 12 để dự lễ khai trương long trọng Nhà thờ Đức Bà Paris (nhưng trên máy bay từ Singapore về Rôma ngày 13 tháng 9, ngài xác nhận ngài sẽ không đi). Hình ảnh sự tái sinh sau năm năm tái thiết có thể minh họa cho câu chuyện của một đổi mới.
Cảm xúc mãnh liệt do trận hỏa hoạn năm 2019 gây ra đã chứng minh bản sắc lịch sử tôn giáo sâu sắc của nước Pháp được cộng đồng quốc tế xem là một bản sắc văn hóa. Lúc xảy vụ hỏa hoạn, một linh mục Việt Nam cho biết ở nhà thờ quê hương ông đã gióng lên hồi chuông báo tử. Một mẫu gương tuyệt vời về sự hiệp thông Giáo hội, một Giáo hội phổ quát luôn biết ơn những sứ giả đầu tiên của Tin Mừng.
Ở tận cùng thế giới, Đức Phanxicô đến để làm chứng cho sự phong phú của một đức tin lan rộng.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch