Sức mạnh để phá vỡ vỏ sò

53
Sức mạnh để phá vỡ vỏ sò
Osservatoreromano.va, Andrea Monda, 2024-09-10
“Việc truyền giáo xảy ra khi chúng ta có can đảm để “làm vỡ” chiếc bình chứa nước hoa”, Đức Thánh Cha nói trong bài phát biểu hôm nay với các giám mục, linh mục, người thánh hiến, chủng sinh và giáo lý viên tại nhà thờ chính tòa Dili.
Đức Phanxicô trích dẫn hình ảnh bà Maria Mađalêna đập vỡ bình nước hoa để xức chân Chúa Giêsu, một hình ảnh rất thân thiết với ngài, ngài hay dùng ngôn ngữ khứu giác giàu tưởng tượng trong các bài phát biểu. Nhưng hình ảnh này mang một hình ảnh khác ngài muốn nói lên: hình ảnh lớp vỏ khép kín chúng ta phải thoát ra khỏi vỏ mộ đạo lười biếng, thoải mái, chỉ sống vì nhu cầu cá nhân. Trước cám dỗ của lười biếng thoải mái, tự cho mình là trung tâm, ngài nhắc lại lời của nữ tu Rosa nói trong chứng từ của sơ, “một Giáo hội đang chuyển động, một Giáo hội không đứng yên, không xoay quanh chính mình, nhưng được niềm vui của Tin Mừng đốt cháy”. Những lời của sơ nói lên tầm nhìn của ngài về một “Giáo hội đi ra”, hình ảnh ngài thường hay nói trong 11 năm qua. Vì vậy, điều cần thiết, điều cấp bách là phải có sức mạnh để phá lớp vỏ. Cái vỏ, giống như cái tổ, cái hang, là hình ảnh của ấm áp, thân thiện, đầy sức sống, nhưng có thể là hình ảnh ngược lại, hình ảnh của lạnh lùng, khinh chê, chết chóc.
Động tác bẻ vỏ gợi lên hình ảnh đặc trưng nhưng hiệu quả, đó là hình ảnh con tôm hùm. Loài vật này có hình dáng và vị đặc biệt mang một ý nghĩa quan trọng. Khi sinh ra con tôm hùm trần trụi, lớp bọc chỉ dần dần “mọc” sau. Áo giáp, hay còn gọi là mai, là bộ xương ngoài, một cấu trúc thượng tầng vừa bảo vệ thân mềm, vừa nhốt nó và cuối cùng là tra tấn nó. Vì đến một lúc bộ giáp này trở nên chật chội, ngột ngạt, con tôm hùm sẽ phải bỏ. Nó phá bỏ lớp vỏ, trở lại loài nhuyễn thể trần trụi, dễ bị tổn thương cho đến khi một “cấu trúc” mới được hình thành. Chỉ bằng cách này, đi về trạng thái trần truồng mong manh ban đầu, con tôm hùm mới có thể tiếp tục sống. Và việc lột xác này không chỉ xảy ra một lần trong đời mà lặp đi lặp lại nhiều lần trong đời: con tôm hùm liên tục “chết đi và tái sinh”, nhờ đó nó là một trong những sinh vật sống lâu nhất, có thể đến 130 năm. Một bài tiểu luận thú vị của giáo sư Stefano De Matteis viết về chủ đề này có tựa đề “Tình huống khó xử của con tôm hùm” với phụ đề còn hấp dẫn hơn “Sức mạnh của sự dễ bị tổn thương”: trên thực tế, có một khoảnh khắc con tôm hùm thấy mình trần trụi, bất lực, không có khả năng tự vệ khi lột xác, từ áo giáp đã hư sang áo giáp mới, nhưng chính khoảnh khắc đó đánh dấu sức sống ngoan cường vì “chính khi tôi yếu, đó chính là lúc tôi mạnh” (2 Cr: 12:10).
Kể từ khi bắt đầu lịch sử, bắt đầu từ Tin Mừng, Giáo hội đã phát triển nhiều hình ảnh để diễn tả và làm cho mầu nhiệm trở nên dễ hiểu với sự tự nhận thức. Câu “làm vỡ vỏ” của Đức Phanxicô cho chúng ta thêm một hình ảnh khác, đó là hình ảnh con tôm hùm. Giáo hội cần hình ảnh này trong quá trình vượt qua các vùng biển đầy biến động của thế giới, cởi bỏ lớp vỏ để trở về trạng thái trần trụi ban đầu, rũ bỏ các kiến trúc thượng tầng phòng thủ nặng nề, tập trung vào điều thiết yếu, như Giáo hoàng đã nhiều lần tuyên bố: Giáo hội không phải là trung tâm của Giáo hội. Hôm nay Đức Phanxicô lặp lại điều này ở Dili khi ngài nói về Đông Timor nằm ở “rìa thế giới”: “Tôi cũng đến từ rìa thế giới, nhưng anh chị em còn hơn tôi. Và tôi muốn nói, chính vì nằm ở rìa thế giới nên nó là trung tâm Tin Mừng! Đây là nghịch lý chúng ta phải học: trong Tin Mừng, các biên giới là trung tâm và một Giáo hội không có khả năng vươn tới các biên giới, ẩn mình tại trung tâm là một Giáo hội rất bệnh hoạn. (…) một Giáo hội nghĩ về vùng ngoại vi, gởi các nhà truyền giáo ra đi, đặt mình vào những biên giới, nơi trung tâm của Giáo hội. Tôi xin cám ơn vì anh chị em đã ở bên cạnh người dân, vì chúng ta biết trong trái tim Chúa Kitô, các vùng ngoại vi là vùng trung tâm: Tin Mừng có những con người, những nhân vật và những câu chuyện ở bên lề, ở biên giới, nhưng được Chúa Giêsu làm thành nhân vật chính, trọng tâm của niềm hy vọng Ngài mang đến.”
Đó là cách Đức Phanxicô nói với giáo dân ở Dili hôm nay, và là điều Giáo hội đã luôn làm trong suốt hai ngàn năm qua, đặc biệt là trong những thời điểm khủng hoảng, khi đối diện với những rủi ro nội tại của quá trình giải trừ quân bị và cướp bóc. Đây chính xác là lý do vì sao Giáo hội tồn tại: liên tục thay đổi hình dạng bên ngoài nhưng lại giữ cho trái tim, cho phần thịt luôn được ngọt ngào nguyên vẹn, thơm ngát, được giấu kín và gìn giữ trong sự mật thiết thân mật nhất, đó là máu thịt của Chúa Kitô, của Tin Mừng. Trong hình ảnh này có tất cả những thách thức mà Giáo hội do Đức Phanxicô lãnh đạo đã phải trải qua trong những năm gần đây, tất cả được đốt cháy nhờ niềm đam mê mang niềm vui Tin Mừng đến cho mọi người.
Marta An Nguyễn dịch