Đức Phanxicô nhắc các linh mục Đông Timor: “Đừng bao giờ lợi dụng địa vị của mình”

87

Đức Phanxicô nhắc các linh mục Đông Timor: “Đừng bao giờ lợi dụng địa vị của mình”

Ngày thứ tư Đức Phanxicô kết thúc chặng thứ ba trong chuyến đi 12 ngày đến Đông Nam Á và Châu Đại Dương. Tại Dili, ngài nhắc các “linh mục không được lợi dụng địa vị của mình”.

la-croix.com, Mikael Corre, tại Dili, Đông Timor, 2024-09-10

Thanh niên Dili leo lên cây để nhìn rõ Đức Phanxicô. Đông Timor ngày 10 tháng 9 năm 2024. Willy Kurniawan / AFP

Sáng thứ ba 10 tháng 9, tại Dili Đức Phanxicô cảnh báo các linh mục không được lợi dụng địa vị của mình. Nửa giờ trước khi vào thánh đường, một phụ nữ khoảng bốn mươi, mặc áo phông tay dài nắm lấy tay một linh mục vừa đi ngang qua. Đức Phanxicô lên tiếng: “Cử chỉ giáo dân ở đây khi gặp linh mục thật nhiệt thành: họ nắm bàn tay thánh hiến đưa lên trán như dấu hiệu chúc lành. Thật tuyệt đẹp khi thấy dấu hiệu biểu lộ tình cảm với người đại diện Chúa, linh mục là người ban phép lành nhưng không bao giờ được lợi dụng địa vị của mình.”

Đức Phanxicô gởi một thông điệp đến các giáo sĩ: không bao giờ được lợi dụng sức thu hút nhờ chức vụ của mình.

Nằm ở cực đông của quần đảo Indonesia, Đông Timor là quốc gia có số giáo dân công giáo nhiều nhất trên thế giới (97%) sau Vatican. Và cũng là nơi nghèo nhất châu Á, thuộc địa cũ của Bồ Đào Nha, nơi mang tính tôn giáo rất đặc biệt. Khi đến Dili ngày thứ hai 9 tháng 9, Đức Phanxicô được hàng chục ngàn giáo dân ùa ra đường đón ngài. Hình ảnh của ngài ở khắp nơi trên các biển hiệu, mũ, áo phông… Một số giơ cao các biểu ngữ: “Xin Giáo hoàng cho con tràng chuỗi Mân Côi. Xin ban phép lành cho con.”

“Các thủ lãnh bộ lạc”

Thực chất lòng kính mến này có tính ràng buộc, ngài nói ở nhà thờ chính tòa Dili: “Tôi biết giáo dân rất kính trọng khi xưng hô với linh mục, họ gọi linh mục là “Amu, Kính ngài”, danh hiệu quan trọng nhất ở đây, nhưng các linh mục không hơn giáo dân (…). Linh mục được trọng vì phục vụ, không phải vì uy tín cá nhân. Nếu linh mục không phục vụ thì họ phải tìm con đường khác để đi.”

Lời của Đức Phanxicô có mang lại sự sáng tỏ nào cho các giáo sĩ ở Timor không? Ngày thứ hai 9 tháng 9, trong cuộc gặp kín đáo tại khách sạn Timor ở Dili, Hồng y Luis Antonio Tagle, Bộ trưởng Bộ Truyền giáo nói chuyện với các tu sĩ Phi Luật Tân, ngài so sánh hành vi của một số linh mục ở đây giống hành vi của các trưởng bộ lạc hay các nhà lãnh đạo văn hóa. Một linh mục ẩn danh 32 tuổi cho biết: “Ở đây chúng tôi hơi bảo thủ. Đôi khi giáo dân mong đợi ở linh mục quá nhiều, để cuối cùng những kỳ vọng này xác định căn tính của chúng tôi, làm thành thái quá.”

Một đất nước trẻ

Đức Phanxicô hỏi các linh mục: “Các bạn biết sự cám dỗ của quyền lực bắt đầu như thế nào không? Như bà tôi nói, ma quỷ luôn chui qua cái túi. Ở Đông Timor, một phần ba dân số sống dưới 2 đô la mỗi ngày, nhưng tôi không nghĩ chỉ có tham nhũng trong hàng giáo sĩ.” Một nguồn tin tư pháp cho biết, tham nhũng ở cấp nhà nước, có nghĩa là ở cấp cao, đây là một chế độ cướp bóc. Dù có doanh thu dầu mỏ cao kể từ khi giành được độc lập năm 2002, nhưng Đông Timor vẫn là quốc gia kém phát triển. Một số nhà ngoại giao trong vùng chỉ trích chính phủ đã chi 12 triệu đô la để chuẩn bị cho chuyến đi này. Ngài nói: “Có rất nhiều của cải, nhưng sự sung túc làm cho người nắm quyền mù quáng, họ nghĩ bản thân họ đã đủ, họ không cần đến Chúa (…). Dù có rất nhiều hàng hóa, người nghèo vẫn bị bỏ rơi và chịu cảnh đói khát.”

Trong ánh bình minh trắng xóa dưới cái nóng ẩm ướt ngột ngạt, ngài kết thúc chặng marathon Timor ở rìa biển Savu. Trước hơn 200.000 người tụ tập dưới những chiếc dù mang màu cờ Vatican, ngài nói với giới trẻ: “Các con là ánh sáng mang hy vọng. Đất nước của các con rất trẻ, nhịp sống của các con mạnh ở khắp nơi. Đó là một ơn Chúa.”

Marta An Nguyễn dịch

Sức mạnh để phá vỡ vỏ sò

Tại Papua Tân Ghinê, Đức Phanxicô kêu gọi các công ty đa quốc gia chia sẻ miếng bánh họ khai thác với người nghèo