Châu Á, lục địa của trái tim Đức Phanxicô

53

Châu Á, lục địa của trái tim Đức Phanxicô

lepelerin.com, Romain Mazenod, 2024-08-28

Ở tuổi 87, ngày thứ hai 2 tháng 9, Đức Phanxicô sẽ có chuyến tông du Á châu dài nhất, dấu hiệu cho thấy ngài đặt ưu tiên cho châu lục này về mặt tôn giáo cũng như chính trị.

Khi còn là chủng sinh Dòng Tên ở Argentina, ngài đã muốn đi truyền giáo ở Nhật, nhưng vì lý do sức khỏe ngài không đi được. Bây giờ là giáo hoàng, ngài tiếp tục thể hiện tầm quan trọng đặc biệt ngài gắn bó với châu lục này. Chuyến tông du lần thứ 45 từ ngày 2 đến ngày 13 tháng 9, ngài sẽ đến Indonesia, Papua Tân Ghinê, Đông Timor và Singapore. Nếu không kể chuyến đi các nước Trung Đông hoặc Tiểu Á thì đây là chuyến đi thứ 7 của ngài tới châu lục này chỉ trong 11 năm, cũng nhiều như Đức Gioan-Phaolô II đi trong 27 năm làm giáo hoàng. Với Đức Phanxicô, đi châu Á có thể giải thích với nhiều lý do cá nhân nhưng trên hết là chiến lược. Bằng mọi cách, ngài đáp ứng các ưu tiên triều của ngài.

143 triệu tín hữu

Một cách nào đó, khi đi châu Á, Đức Phanxicô đi theo bước chân của Thánh Phanxicô Xaviê (1506-1552) đã đi rao giảng Tin Mừng ở Goa, Moluccas, Nhật Bản và đến tận Trung Quốc. Ngài cũng nối tiếp lịch sử của các nhà truyền giáo Dòng Tên như Matteo Ricci (1552-1610). Theo linh mục Phi Luật Tân Bernard Holzer, Đức Phanxicô phân tích thế giới theo thực tại của thế giới, ngài thấy tính năng động của châu Á rất mạnh, sau châu Phi và châu Mỹ. Năm 2023, châu Á có 143 triệu tín hữu, một phần chín số tín hữu của thế giới. Sự thay đổi về mặt địa lý của Giáo hội đang diễn ra, và chúng ta không được ở bên lề.

Thần học gia và nhà nhân chủng học Michel Chambon ở Singapore không nghĩ những chuyến đi của giáo hoàng làm cho người dân trở lại. Đúng hơn, chuyến đi này trong mong muốn củng cố sự hiệp thông Giáo hội và làm tâm thức người châu Á có thể đến được với thông điệp Tin Mừng. Đó không phải là một nhiệm vụ dễ dàng với ngôn ngữ và văn hóa quá khác biệt với văn hóa Tây phương. Trung thành với mong muốn đi vùng ngoại vi, ngài đến thăm các quốc gia mà người phương Tây ít biết đến như Đông Timor và Papua Tân Ghinê. Còn Indonesia và Singapore là các quốc gia có ít người công giáo. Theo nhà vatican học người Ý Iacopo Scaramuzzi, có lẽ người phương Tây đã đánh mất một chút sáng tạo và sức sống.

Cụ thể Đức Phanxicô chọn những quốc gia trong các ưu tiên lâu dài của ngài. Singapore, quốc gia đa dạng về tôn giáo nhất thế giới; Indonesia, quốc gia có cộng đồng hồi giáo ôn hòa lớn nhất hành tinh; Đông Timor, quốc gia công giáo thống nhất nhất; Papua Tân Ghinê với sự đa dạng về ngôn ngữ. Nếu thêm vào mối quan tâm sinh thái, Papua Tân Ghinê đang hứng chịu biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng cao, vì thế sự chọn lựa các quốc gia này không phải ngẫu nhiên.

Singapore là trường hợp đặc biệt. Thần học gia Michel Chambon phân tích: “Singapore đóng vai trò rất tốt trong vai trò trung gian hòa giải giữa thế giới phương Tây và Trung Quốc, tạo thành một thực thể nhỏ, rất đặc biệt với mong muốn của toàn cầu. Từ quan điểm này, Singapore và Tòa thánh có cuộc chiến giống nhau.” Những nhận xét của Đức Phanxicô về quần đảo này sẽ được Bắc Kinh đặc biệt chú ý. Năm 2022, Tòa Thánh đã gia hạn thỏa thuận lịch sử ký năm 2018 về vấn đề gai góc trong việc bổ nhiệm các giám mục ở Trung Quốc.

Sau Châu Á, Đức Phanxicô sẽ đi Luxembourg và Bỉ (từ ngày 26 đến 29 tháng 9). Nếu không có chuyến đi nào khác trong tương lai, nhưng người dân Argentina vẫn còn chờ một ngày nào đó ngài về thăm quê hương Argentina. Hai chuyến đi Liban và Giêrusalem (để gặp Thượng phụ Chính thống Kiril) khó thực hiện trong lúc này.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch