Vì sao Đức Phanxicô đi Châu Á và Châu Đại Dương?
rcf.fr, Pauline de Torsiac, RCF, 2024-04-17
Đức Phanxicô sẽ đi Châu Á và Châu Đại Dương từ ngày 2 đến ngày 13 tháng 9 năm 2024. Trong chuyến đi này, ngài sẽ đến các nước Indonesia, Papua Tân Ghinê, Đông Timor và Singapore. Vì sao ngài có chuyến đi dài ngày và gian nan này, nhà báo Thomas Oswald của cơ quan Giúp đỡ các Giáo hội gặp Khó khăn giải thích.
Đây là chuyến tông du thứ 45 của ngài và là chuyến đầu tiên của ngài đến Châu Đại Dương Đức Phanxicô. Chuyến đi Indonesia đã nằm trong chương trình của ngài từ năm 2020 nhưng phải bỏ vì Covid. Trong chuyến đi kéo dài 11 ngày tới các “vùng ngoại vi” này, ngài sẽ đề cập đến các vấn đề đối thoại liên tôn, hòa giải và sinh thái. Một chuyến đi đầy thử thách cho sức khỏe và cho tuổi tác của ngài.
Các tín hữu kitô bị đe dọa ở Indonesia
Ngài sẽ đến các nước có những cộng đồng công giáo khác nhau. Indonesia, quần đảo có gần 280 triệu dân là nước có dân số hồi giáo cao nhất thế giới. Thiểu số kitô hữu chỉ chiếm 10,7% dân số, trong đó chỉ có 3% là người công giáo.
Một thiểu số mà quyền tự do của họ đang bị đe dọa. Ông Thomas Oswald giải thích: “Indonesia là quốc gia đạo hồi có truyền thống rất cởi mở với các tôn giáo khác, đây là một phần lịch sử của đất nước. Nhưng điều này đang thay đổi. Tổng thống Prabowo Subianto đã thay thế cựu Tổng thống Jokowi. Tổng thống Subianto có mối liên hệ với cựu Tổng thống độc tài Suharto. Ông Subianto đang lãnh đạo đất nước hướng tới một mô hình độc tài, ít dân chủ hơn so với quá khứ, sự thay đổi này có nguy cơ bất lợi cho tín hữu kitô.”
Ông Oswald nhận xét: “Việc áp dụng các luật cũ chống báng bổ chưa áp dụng thì bây giờ đang áp dụng. Thực tế Indonesia rất đa dạng. Đảo Flores có nhiều người công giáo sẽ không giống đảo Jakarta, Java, nơi các nhóm hồi giáo cực đoan áp đặt việc mang voan che mặt và liên tục gây áp lực trên tín hữu kitô.”
Papua Tân Ghinê là đảo có đa số người theo kitô giáo
Tây Papua dưới sự kiểm soát của Indonesia, ông Thomas Oswald giải thích: “Đất đai của tín hữu kitô ở đây bị tước đoạt, họ là người Papua như người Papua Tân Ghinê, nhưng các tín hữu kitô này trở thành thiểu số trên chính mảnh đất của họ, các quyền của họ bị chính phủ Indonesia vi phạm.”
Hòn đảo này bị chia đôi về mặt chính trị. Phần phía Tây thuộc Indonesia và phần phía Đông đã độc lập được 46 năm. Papua Tân Ghinê có 90% dân số là kitô hữu, 64% theo đạo tin lành và 26% theo Giáo hội công giáo Rôma. Là một giáo hội trẻ, thành quả của các sứ mệnh công giáo và tin lành được thành lập cách đây hơn 130 năm.
Ông giải thích: “Toàn bộ vùng Tân Guinea là nơi cư trú của người Melanesia, họ tự cho mình là người Papua. Họ là tín hữu kitô trong một thời gian tương đối ngắn. Quá trình truyền giáo đã diễn ra từ 100 đến 150 năm, tùy từng khu vực của hòn đảo lớn này.”
Người Papua tự cho mình là người tín hữu đích thực, yêu tôn giáo, thích tổ chức các cuộc rước kiệu hoành tráng, với y phục truyền thống Papua và Kinh thánh được giơ cao. Vẻ đẹp này sẽ được tôn vinh trong chuyến đi của Đức Phanxicô.
Đông Timor dưới dấu hiệu hòa giải
Đức Phanxicô đến thăm Đông Timor là nơi có 98% người công giáo trong số một triệu rưỡi người dân. Chuyến đi của ngài sẽ mang dấu hiệu hòa giải, sau “nạn diệt chủng” kéo dài 25 năm do quân đội Indonesia và lực lượng dân quân gây ra. Ông Oswald giải thích: “Đông Timor gần như gặp phải số phận của Tây Papua, bị Indonesia sáp nhập. Đất nước này sống dưới sự thống trị của quân đội Indonesia và phải chịu những nỗi kinh hoàng không tên. Tổng thống đương nhiệm Prabowo cũng tham gia vào cuộc tàn sát diễn ra ở Đông Timor.”
Nhưng đất nước này đã theo thiên chúa giáo nhiều hơn trước nhằm chống đối việc chính phủ Indonesia đối xử tệ với họ.
Đông Timor giành được độc lập nhờ sự thay đổi trong chính phủ Indonesia, đồng thời nhờ áp lực quốc tế giúp người Timor có quyền tự quyết. Và người dân vẫn đang chờ đợi điều gì đó tương tự xảy ra cho người dân Tây Papua.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Đức Phanxicô tìm gặp Linh mục Martin Prado, nhà truyền giáo Papua Tân Ghinê ở tận cùng thế giới