Linh mục Spadaro: “Sức khỏe Đức Phanxicô tốt, ngài thấy đủ sức khỏe để đi một chuyến đi dài”

41

Linh mục Spadaro: “Sức khỏe Đức Phanxicô tốt, ngài thấy đủ sức khỏe để đi một chuyến đi dài”

Linh mục Antonio Spadaro, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Vatican sẽ cùng đi với Đức Phanxicô trong chuyến hành trình dài nhất của ngài, đưa ngài đến Châu Á và Châu Đại Dương vào đầu tháng 9.

adnkronos.com, Ban biên tập Adnkronos, 2024-08-31

Đức Phanxicô sắp bước sang tuổi 88, ngài có nhiều bệnh, ngài đang chuẩn bị chuyến đi dài nhất của ngài đến Châu Á và Châu Đại Dương. Như thường lệ linh mục Antonio Spadaro sẽ cùng đi với ngài, trong một phỏng vấn với trang Adnkronos, linh mục cho biết: “Sức khỏe của ngài tốt, ngài cảm thấy đủ sức khỏe để đi, nếu ngài không cảm thấy đủ sức để đi như lần ngài dự định đi Congo và Nam Sudan, và chuyến đi Dubai dự cuộc họp Cop28, ngài sẽ không đi. Vì vậy, chúng tôi không có mối lo đặc biệt nào. Tôi đã từng nói với ngài, ngài đi quá nhiều, quá nhanh, ngài trả lời: ‘Tôi không chấp nhận làm giáo hoàng để nghỉ ngơi’.” Linh mục cho biết, chuyến đi này đã được lên kế hoạch từ trước đại dịch. Mong muốn của Đức Phanxicô là được đến những vùng này.

Theo linh mục Spadaro: “Đức Phanxicô luôn quan tâm đặc biệt đến Châu Á: Giáo hội ở đây phát triển không ngừng, thoát khỏi động lực ‘Constantinian’ trong tương quan với quyền lực chính trị, như đã xảy ra ở các nơi khác trên thế giới; đây là lục địa trong đó kitô giáo đã gặp gỡ các tôn giáo thế tục và với minh triết, bằng cách này hay cách khác, Giáo hội bước vào cuộc đối thoại bất chấp những xung đột; đây là lục địa phát triển nhanh và đã trải qua những căng thẳng địa chính trị. Tôi chợt nhận ra, hành trình của Đức Phanxicô và hành trình của tàu sân bay Cavour có thể được xếp chồng lên nhau, có khả năng – như thuyền trưởng của tàu sân bay nói – can thiệp vào địa bàn của ‘cuộc cạnh tranh địa chính trị mới’ của ai tấn công tàu sân bay, thể hiện tối đa sức mạnh quân sự trên biển. Đây là khu vực ‘nóng’ của thế giới”.

Tín hữu kitô ở các quốc gia này chỉ là một con số nhỏ so với dân số. Linh mục Spadaro cho biết: “Đức Phanxicô không chú ý đến con số, ngài chú ý đến các hạt giống có khả năng sinh hoa trái và mang lại tương lai. Ngài thấy khả năng hành động và chứng từ Phúc âm mạnh mẽ trong cơ cấu xã hội. Chúng tôi cũng thấy điều này trong các chuyến đi, xác minh tính năng động của các Giáo hội nhỏ. Đức Phanxicô đưa ra một tầm nhìn thay thế cho tầm nhìn bị ám ảnh bởi những con số lớn, những nơi chốn lớn. Ở Ma-rốc, ngài nói, Chúa Giêsu không chọn chúng ta và sai chúng ta đến những nơi đông đảo nhất, Ngài đặt chúng ta vào xã hội như những men nhỏ. Đức Phanxicô quan tâm đến khả năng của Giáo hội trong việc tạo thay đổi, ngạc nhiên và lòng trắc ẩn. Ở Indonesia, quốc gia hồi giáo đông nhất thế giới, chỉ có khoảng 3% người công giáo nhưng họ được đánh giá cao. Cuộc đối thoại với đạo hồi ‘nusantara’ là chủ đề nổi bật của chuyến đi. Indonesia là quốc gia chung sống giữa các tôn giáo dựa trên năm nguyên tắc có thể được hiểu theo ánh sáng của Thông điệp Tất cả anh em Fratelli Tutti: đức tin và Thiên Chúa duy nhất; công lý và văn minh nhân loại; hiệp nhất; dân chủ được hướng dẫn bởi minh triết nội tâm; công bằng xã hội cho mọi người”.

Chuyến đi Á châu của Đức Phanxicô: cuộc gặp giữa các nền văn hóa

Linh mục Spadaro nói tiếp: “Tôi nhớ nhà thờ hồi giáo Istiqal được xây trước mặt nhà thờ chính tòa và hai tòa nhà được nối với nhau bằng một đường hầm dưới lòng đất được gọi là ‘đường hầm tình bạn’. Đức Phanxicô sẽ đến đó. Còn ở Đông Timor, nơi có 97% người công giáo, ‘Tài liệu về tình huynh đệ nhân loại vì hòa bình thế giới’ được Đức Phanxicô và Đại Giáo sĩ Ahmad al-Tayyeb ký ngày 4 tháng 2 năm 2019 đã được tổng thống công nhận là tài liệu quốc gia”.

Linh mục Spadaro quan tâm đến hai chủ đề lớn của chuyến đi: “Đối thoại với hồi giáo, một trong những ưu tiên của Đức Phanxicô, và sự cam kết của tín hữu kitô trong việc xây dựng công ích trong các xã hội họ sống, cộng tác với mọi người bằng ‘tình bạn xã hội’, thông điệp mạnh chống lại các chủ nghĩa chính thống đối lập (hồi giáo ở Indonesia và kitô giáo ở Papua Tân Ghinê, kết quả ở các khu định cư theo đạo tin lành), vốn cố gắng phá hoại sự chung sống nhưng không thành công”.

Về nội dung mà các giai đoạn mới có thể bổ sung, linh mục Spadaro nhận xét: “Tôi tin đây là giai đoạn mạnh mẽ xác nhận một số chủ đề được phát triển trong giáo huấn của Đức Phanxicô. Chúng tôi sẽ bay ở khu vực đầy căng thẳng về địa chính trị và đã trải qua những xung đột tôn giáo và chính trị (kể cả các xung đột ở các đảo – Timor và Tân Ghinê – mỗi quốc gia có hai đảo chung), nhưng luôn mong muốn hòa bình và dân chủ. Trong bối cảnh trật tự thế giới đang sụp đổ, thông điệp hòa bình của Đức Phanxicô đến từ Đông Nam Thái Bình Dương sẽ mang một ý nghĩa đặc biệt. Và cuộc hành trình này chắc chắn sẽ là bối cảnh để làm sống lại vấn đề sinh thái của Thông điệp Laudato si’, tiếng kêu mang hương vị khải huyền. Trong một số khu vực ở đây, vấn đề sinh thái là một rủi ro rất cao.”

Châu Á, lục địa của trái tim Đức Phanxicô

Đức Phanxicô sẽ dừng chân ở Singapore. Một bước đi có thể góp phần vào cuộc đối thoại khó khăn với Trung Quốc? Linh mục Spadaro cho biết: “Ở Singapore cộng đồng người gốc Hoa rất mạnh và đông, vì vậy Đức Phanxicô sẽ hướng về Trung Quốc, đất nước vĩ đại. Singapore là thành phố quốc tế lớn có tầm quan trọng rất lớn về mặt chiến lược và kinh tế. Cảng Singapore là một trong năm cảng hàng đầu thế giới, một đất nước đa sắc tộc, đa tôn giáo, trong đó chủ nghĩa đa nguyên đã góp phần hình thành mối quan hệ giữa thể chế và tôn giáo. ‘Sự hòa hợp’ tôn giáo là nền tảng của Hiến pháp Singapore. Singapore có một Giáo hội rất sống động. Đức Phanxicô yêu thích những tình huống tìm kiếm sự hòa hợp này.”

Đức Phanxicô sẽ gặp các tu sĩ Dòng Tên địa phương trong mỗi chuyến đi. Linh mục Spadaro cho biết: “Trong các cuộc gặp với các tu sĩ Dòng Tên, ngài thường kể về cuộc hành trình ngài đang thực hiện. Trong các cuộc gặp này ngài tạo một truyền thống cá nhân, các tu sĩ đặt câu hỏi và ngài trả lời.”

Vào cuối chuyến đi, những cuộc trò chuyện của Đức Phanxicô và các tu sĩ Dòng Tên được ghi lại và làm thành một quyển sách. Linh mục Spadaro cho biết: “Ngày 17 tháng 9, nhà xuất bản Garzanti sẽ xuất bản tập sách ‘Đức Phanxicô, hãy dịu dàng, hãy can đảm’ do tôi biên tập, có 18 cuộc nói chuyện đầu tiên cho đến bây giờ. Tôi chờ xem ngài sẽ nói gì với chúng tôi ở Indonesia, Papua Tân Ghinê, Đông Timor và Singapore”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Linh mục Diaz truyền giáo ở Papua: Đức Phanxicô mang dịu ngọt tâm hồn đến cho chúng tôi

Các vụ tai tiếng lạm dụng tình dục ở Đông Timor bị bỏ qua. Chuyến đi của Đức Phanxicô có thay đổi được gì không?