Hôn nhân, một yếu tố cơ bản của quá trình giáo dục?

37

Hôn nhân, một yếu tố cơ bản của quá trình giáo dục?

Trích sách “Trao truyền đức tin theo cách Carlo Acutis, con chúng tôi”, Antonia Salzano và Andrea Acutis  (Transmettre la foi à l’école de notre fils Carlo Acutis, Antonia Salzano et Andrea Acutis, nxb. Salvator). Linh mục Giorgio Maria Carbone phỏng vấn ông bà Andrea Acutis và Antonia Salzano.

Ông bà có nghĩ hôn nhân là quan trọng trong quá trình giáo dục không?

“Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19,6). Câu này nói lên một phát minh mang tính cách mạng. Thiên Chúa, khi tạo dựng người nam và người nữ, muốn nâng hôn nhân lên hàng bí tích, đưa hôn nhân vào phạm vi và lãnh vực siêu nhiên, đến mức chạm tới sự sống vĩnh cửu. Ngài liên kết vợ chồng với sáng tạo: Ngài biến họ là những người cộng tác của Ngài. Đó là điều quan trọng. Nếu chúng ta không công nhận chuyện này, chúng ta mở cửa cho mọi rạn nứt phá hủy gia đình, biến bí tích thành một hợp đồng đơn giản, thành một quy ước thuần túy của con người, nhất thời và phụ thuộc vào những thay đổi quan điểm và tâm trạng. Nhưng trong xã hội lỏng lẻo của chúng ta, một khi chúng ta bỏ những ràng buộc của quy ước xã hội, nếu chúng ta không gắn kết với một nguyên tắc thống nhất và hiệu quả cao hơn nguyên tắc của con người, và đến từ Chúa, thì hơn bao giờ hết, bây giờ chúng ta không thể chống lại các lực ly tâm làm tan nát gia đình.

Theo ý kiến của hầu hết mọi người, hôn nhân đã bị tước bỏ ý nghĩa sâu sắc nhất của nó, đó là bí tích, là hành động tình yêu của Chúa Kitô dành cho vợ chồng, biểu thị và tạo ra sự sống thiêng liêng, trực tiếp thánh hóa, cá nhân hóa cuộc sống của họ. Cả hai vợ chồng đều là thừa tác viên của bí tích này, tiếp xúc trực tiếp và cá nhân với Ba Ngôi Chí Thánh. Đây chính là mối quan hệ mà Chúa Ba Ngôi mong muốn. Và chính Chúa Giêsu giải thích cho chúng ta khía cạnh bí tích này của hôn nhân. Một bí tích nâng mối quan hệ giữa người nam và người nữ lên tầm siêu nhiên, cho phép mối quan hệ này ban ân sủng.

Hôn nhân phải được sống theo quan điểm này, cũng như việc sử dụng bí tích, mỗi lần chúng ta không dùng đến bí tích, chúng ta phạm thiếu sót vì bí tích phải được được dùng, được cử hành theo kế hoạch của Thiên Chúa. Và điều Thiên Chúa muốn là sự thánh thiện của vợ chồng, gia tăng tình yêu và có con cái. Giống như bí tích truyền chức thánh, bí tích hôn nhân là một bí tích xã hội, nhằm mục đích hiệp thông giữa hai vợ chồng, vì lợi ích của họ cũng như lợi ích của Giáo hội qua việc sinh con cái. Thông qua việc sinh sản, chúng ta góp phần vào tính trường tồn, liên tục và phong phú của con người. Vì thế vợ chồng phải cần đến bí tích hôn nhân, họ không thể không có bí tích này, nếu không họ sẽ thất bại trong nhiệm vụ của bí tích là sinh sản như Chúa muốn vì lợi ích nhân loại.

Vì ở đây, chính loài người và chính tạo vật đang bị đe dọa, chúng ta phải đi vào tâm lý này, nhớ rằng người nam và người nữ kết hôn trong nhà thờ đều có trong tay di sản ân sủng để quản lý, bằng cách gia tăng, làm phong phú gia đình, họ có trong tay lợi ích của thế hệ nhân loại.

“Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19:6): đây là ân sủng vì lợi ích của nhân loại. Chúa Giêsu, bằng cách nhập thể, có thể tìm kiếm bất kỳ hệ thống nào khác mang bản chất con người. Ngài áp dụng hình thức phổ biến nhất: gia đình. Và Ngài đã hòa nhập vào thực tế gia đình. Ngài muốn trở thành một phần không thể thiếu của gia đình nhân loại. Chúng ta hãy nhớ rằng khi Thiên Chúa, trong Ba Ngôi Thiên Chúa, tạo dựng hữu thể có lý trí, Ngài tạo dựng con người là người nam và người nữ, để cả hai có thể hỗ trợ lẫn nhau và cảm nghiệm được chính tình yêu của Thiên Chúa. Sự hiệp thông sự sống và tình yêu này được chính Thiên Chúa thánh hiến và chúc phúc. Vào thời viên mãn, Chúa Giêsu nâng hôn nhân lên hàng bí tích, dấu chỉ và hành động tạo ra ân sủng thánh hóa. Khi đó, ân sủng là chất liệu, là bản chất, là lý do, là động cơ của gia đình, là xi măng gắn kết, là lý do cho sự tồn tại gia đình. Nếu không có ân sủng sẽ không có gia đình. Vì thế, điều cần thiết là gia đình được cấu thành nhờ bí tích hôn nhân phải luôn ở trong tình trạng ân sủng. Xin cho các thành viên trong gia đình kitô giáo sống trong ân sủng, trong chương trình hoạch định của Thiên Chúa, tuân theo Lời Chúa Giêsu, ân sủng tượng trưng cho bản chất của hôn nhân.

Theo đức tin kitô giáo, hôn nhân dựa trên ân sủng của Chúa và là nguồn ân sủng suốt đời, để được như vậy, ân sủng phải là sợi dây bền vững của đời sống hôn nhân. Bí tích hôn nhân không cho phép tội trọng vào nhà vợ chồng kitô giáo. Là bí tích, hôn nhân biến ngôi nhà thành giáo hội nhỏ. Vì thế chúng ta có thể khẳng định bất cứ tội trọng nào trong gia đình đều là phạm thánh. Điều cần thiết khi mỗi người trong gia đình thấy mình không có ân sủng, họ phải cầu nguyện ngay: “Lạy Chúa, xin Chúa tha thứ cho con” và đi xưng tội khi có thể. Đây là cách ân sủng trở thành trọng tâm của gia đình kitô giáo. Thánh Gia Nazarét thánh thiện vì ân sủng ở đó, chúng ta noi gương Thánh Gia để luôn sống trong ân sủng.

Nữ tu Lucia Fatima nhắc lại: “Trận chiến cuối cùng giữa triều Chúa Kitô và Satan sẽ là trận chiến của hôn nhân và gia đình”. Thánh Gia ban cho chúng ta Chúa Giêsu, Đấng hiến mình trong bánh và rượu thánh hiến. Ngay khi Chúa Giêsu chào đời, Thánh Giuse và Đức Mẹ đón nhận Chúa Giêsu, Đức Maria chăm sóc Chúa Giêsu, thể hiện tình mẫu tử của Mẹ, khuyến khích chúng ta chăm sóc Hài đồng và con cái chúng ta như vậy.

Chúng tôi có nói đến cuộc hành hương đến Barcelona, cuộc hành hương này như được liên kết với Thánh Gia. Carlo vô cùng ngạc nhiên khi nhìn thấy vương cung thánh đường Sagrada Familia được kiến trúc sư Antoni Gaudi thiết kế. Carlo choáng ngợp trước nét đẹp kiến trúc và ý nghĩa gia đình của đền thờ. Trong thời đại gia đình bị phá hủy, tác phẩm của Gaudi là phản ứng thần thánh trước sự hủy diệt này. Qua Sagrada Familia, Gaudi đã xây dựng một cách ẩn dụ ý nghĩa của gia đình. Trong khi xã hội không còn hiểu được giá trị của gia đình và phá hủy gia đình, Gaudi tin chắc tính độc đáo của con người hệ tại ở việc không ngừng quay trở lại nguồn gốc, về với Thiên Chúa, về với sáng tạo, trong đó người nam và người nữ luôn là nhân vật chính. Gia đình Nadarét là mẫu mực hoàn hảo của việc cộng tác vào công cuộc sáng tạo và cứu chuộc, trong sự phó thác hoàn toàn cho thánh ý Thiên Chúa.

Marta An Nguyễn dịch