Đức Phanxicô đi Mông Cổ: những quan tâm ngoại giao cao độ của một chuyến đi bất ngờ
Chiều thứ năm 31 tháng 8, Đức Phanxicô đi chuyến tông du bốn ngày đến Mông Cổ, ngài sẽ gặp một trong những cộng đồng công giáo nhỏ nhất thế giới.
la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, Rôma, 2023-08-31
Khi tu sĩ Jean de Plan Carpin đến Mông Cổ vào giữa thế kỷ 13, không ai trong triều đình của Hoàng đế Guyuk để ý đến ông. Đó là tháng 7 năm 1246, và tu sĩ dòng Phanxicô là sứ giả đầu tiên của Tây Âu được cử đến gặp các nhà lãnh đạo của đế chế có tham vọng làm mọi người sợ hãi này.
Jean de Plan Carpin là người mang thông điệp của giáo hoàng Innocent IV, ngài lo lắng về các cuộc xâm lược vào châu Âu của các chiến binh con cháu của Thành Cát Tư Hãn. Giáo hoàng kêu gọi thủ lãnh Mông Cổ phục tùng ngài. Vào thời điểm đó, bức thư của giáo hoàng chỉ tạo chế nhạo và không ai thèm biết đến, sứ giả về lại Vatican, xem như thư không được nhận.
Gần tám trăm năm trôi qua và lần này, người sắp rời Rôma để đi Mông Cổ sẽ thu hút thế giới chú ý. Qua việc đến thăm lần đầu tiên của một giáo hoàng đến quốc gia Trung Á này, từ ngày 31 tháng 8 đến ngày 4 tháng 9, Đức Phanxicô, 86 tuổi chuẩn bị dấn thân vào một hành trình đầy nghịch lý nhưng cũng đầy hấp dẫn.
Nghịch lý vì quốc gia ngài đặt chân đến sáng thứ sáu, sau hơn chín giờ bay, lại có một trong những cộng đồng công giáo nhỏ nhất trên thế giới: 1.394 giáo hữu trong số 3,3 triệu dân, có 25 linh mục. Một Giáo hội nhỏ mang tính biểu tượng của vùng ngoại vi được Đức Phanxicô yêu mến, được lãnh đạo bởi một nhà truyền giáo người Ý, Giorgio Marengo, người vào năm 2022, ở tuổi 46, đã thành hồng y trẻ nhất Giáo hội công giáo.
Một nhà quan sát nước ngoài giải thích tại chỗ: “Đó là một Giáo hội làm vui lòng ngài vì một Giáo hội được tạo thành từ những người dưới đáy xã hội. Theo một cách nào đó, đây là một Giáo hội của những người què quặt, rất mang tính Phanxicô.”
Một đất nước “kẹp” giữa Nga và Trung Quốc
Một chuyến đi đầy hấp dẫn vì khi đi Mông Cổ, Đức Phanxicô chọn một đất nước bị kẹp giữa Nga và Trung Quốc. Đến thăm Mông Cổ vào đầu tháng 7, bộ trưởng bộ Ngoại giao, giám mục Paul R. Gallagher hứa, trong chuyến đi này, Đức Phanxicô sẽ không đưa ra bất kỳ thông điệp nào cho các nước khác trong khu vực. Đức Phanxicô không thể không biết điều này, khi ngài chấp nhận lời mời của chính phủ Mông Cổ tháng 8 năm 2022, sáu tháng sau khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine, chuyến đi này chắc chắn sẽ bao gồm cả các khía cạnh của Nga và Trung Quốc. Ở đất nước đang bị ảnh hưởng gấp đôi này, kể từ khi bắt đầu cuộc chiến Ukraine, Đức Phanxicô thường bị cáo buộc là đã không lên án rõ ràng nước Nga, tại đây ngài sẽ tình cờ gặp những người công giáo Nga, họ sẽ đến dự thánh lễ chiều chúa nhật được tổ chức tại đấu trường khúc côn cầu trên băng ở Oulan-Bator. Theo thông tin của chúng tôi, ngài sẽ có thể thấy một phái đoàn Trung Quốc do giám mục Dòng Tên Stephen Chow Sau-yan của Hồng Kông dẫn đầu, và vừa được Đức Phanxicô phong hồng y.
Một điện tín gởi đến Bắc Kinh
Dấu hiệu cho thấy chuyến đi này không chỉ là một chuyến đi Mông Cổ, trong những ngày gần đây, qua hãng tin chính thức Fides, Vatican đã phát sóng rất nhiều các video về chuyến đi Oulan-Bator, tất cả đều có phụ đề bằng tiếng Trung Quốc. Nhưng các nhà ngoại giao của Phủ Giáo hoàng vẫn đặc biệt thận trọng trước công chúng, do mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Rôma trong vài tháng qua đã có những căng thẳng đặc biệt.
Vào tháng 4, Trung Quốc đã bổ nhiệm một giám mục mới ở Thượng Hải mà không có sự đồng ý của Tòa thánh, vi phạm các điều khoản của thỏa thuận được ký kết vào năm 2018 giữa hai bên. Một nhà ngoại giao châu Á ở Rôma chỉ trích, “có vẻ như Vatican không biết cách gởi thông điệp đến Trung quốc cộng sản”. Tuy nhiên, Đức Phanxicô sẽ có cơ hội chính thức để làm điều này, vì máy bay của ngài sẽ bay qua lãnh thổ Trung quốc, theo thông lệ chuyến đi cũng như chuyến về, ngài sẽ gởi thông điệp đến các nhà lãnh đạo khi máy bay bay qua không phận của các nước này.
Cơ bản chuyến đi này, ngài sẽ rơi vào hoàn cảnh tương tự như Mông Cổ, buộc phải tìm sự cân bằng giữa hai nước láng giềng không thể tránh khỏi. Nhà nghiên cứu, chuyên gia về Mông Cổ Antoine Maire nhấn mạnh: “Chiến lược của Mông Cổ là giữ khoảng cách với Matxcova và Bắc Kinh bằng cách phát triển quan hệ với các nước khác. Đặc điểm là họ tuyên bố dân chủ và chủ nghĩa tự do, hoàn toàn trái ngược với những gì ở phần còn lại của khu vực.”
Truyền thống đối thoại liên tôn giáo
Một nhà ngoại giao phương Tây cho biết: “Các nhà lãnh đạo Mông Cổ có lẽ đang trông cậy vào giáo hoàng để nêu bật nền dân chủ nghị viện của họ và việc bảo vệ nhân quyền mà họ thực hiện. Họ cũng rất tự hào về tinh thần khoan dung liên tôn và đối thoại liên tôn.”
Một truyền thống chung sống của các tôn giáo bắt nguồn từ thế kỷ 13. Thêm nữa, Mông Cổ đã từng có những đối thoại thần học đầu tiên giữa người hồi giáo, kitô giáo và phật giáo, vào một ngày năm 1254, khi Thánh Lu-i gởi tu sĩ dòng Phanxicô Guillaume de Rubrouck đến dự buổi đối thoại thần học đầu tiên do hoàng đế Mongka triệu tập, một tranh luận bằng lời nói với các giáo sĩ khác để trình bày và bảo vệ những gì họ tin tưởng. Và Đức Phanxicô sẽ phát biểu trước đại diện của tất cả các tôn giáo vào sáng chúa nhật.
Bên lề cuộc gặp này, ít nhiều chính thức, liệu Đức Phanxicô có gặp một trong những người có khả năng kế vị Đức Đạt Lai Lạt Ma, một cậu bé 9 tuổi sống ở Oulan-Bator không? Điều này có rủi ro xúc phạm đến Bắc Kinh, vì Bắc Kinh không chấp nhận nhà lãnh đạo quốc tế nào tiếp xúc với Đức Đạt Lai Lạt Ma, có thể kích động các biện pháp trả đũa một cách có hệ thống. Không chắc, ở Vatican một số nguồn cho biết, Giáo hội giữ một khoảng cách tốt với các cuộc tranh luận nội bộ của phật giáo, đặc biệt là vấn đề kế vị tế nhị của Đức Đạt Lai Lạt Ma, 88 tuổi, người Đức Phanxicô chưa từng gặp.
Nhiều nguồn tin Vatican giải thích, dù sao trong cuộc gặp liên tôn giáo này, Đức Phanxicô có thể dựa vào các giá trị chung của phật giáo và công giáo như tinh thần bất bạo động và tôn trọng môi trường. Vì thế ngài sẽ tiếp tục cuộc đối thoại đã được các nhà truyền giáo công giáo bắt đầu cách đây 30 năm với các nhà lãnh đạo phật giáo, đặc biệt thông qua hồng y Marengo, người rất tích cực trong lãnh vực này.
Chiều hướng này sẽ là đường hướng trong chuyến đi đến đất nước mà phật giáo chiếm đa số. Một nhà quan sát am tường trong Giáo triều cho biết: “Bằng cách đến đó, chắc chắn Đức Phanxicô muốn mang đến một thông điệp cho tương lai. Nhưng chúng ta sẽ tìm hiểu sau. Có lẽ hàng chục năm sau người ta sẽ nói: đó thực sự là một lời tiên tri.”
Những giai đoạn chính trong chuyến đi Mông Cổ của Đức Phanxicô
Chiều thứ năm Đức Phanxicô lên đường đi Mông Cổ, ngày thứ sáu ngài đến Oulan-Bator.
Ngày thứ bảy 2 tháng 9, ngài gặp các cấp chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn và gặp các giám mục, linh mục, các nhà truyền giáo, các tu sĩ thánh hiến và nhân viên mục vụ.
Ngày chúa nhật Đức Phanxicô gặp phái đoàn đại kết và liên tôn ở Nhà hát Hun. Ngài dâng thánh lễ ở sân đấu “khúc côn cầu trên băng” (Steppe Arena).
Ngày thứ hai ngài gặp các nhân viên bác ái và khánh thành “Ngôi nhà Thương xót”.
Sau đó ngài lên đường về Rôma.
Marta An Nguyễn dịch
Chương trình chuyến đi Mông Cổ của Đức Phanxicô
Hướng tới chuyến đi của Đức Phanxicô đến Mông Cổ, một quốc gia đã tự xây dựng lại