Trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần, Đức Phanxicô nói về Thánh Phanxicô Xaviê và việc truyền giáo tại Trung Quốc

146

Trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần, Đức Phanxicô nói về Thánh Phanxicô Xaviê và việc truyền giáo tại Trung Quốc

cath.ch, I.Media, 2023-05-17

Trước hàng ngàn người tập trung ở Quảng trường Thánh Phêrô để dự buổi tiếp kiến chung tuần, Đức Phanxicô nhắc đến tấm gương sáng của Thánh Phanxicô, thánh bổn mạng các sứ mệnh công giáo và các nhà truyền giáo Á châu: “Thật tuyệt vời khi được rời quê hương để đi rao giảng Tin Mừng khắp muôn nơi.”

Đức Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần ngày thứ tư 17 tháng 5 – 2023

Thánh Phanxicô Xaviê xuất thân từ một môi trường văn hóa, ngài là “người mơ mộng vĩ đại, ngài hiểu quốc gia quyết định cho sứ mệnh ở Á châu là Trung quốc”, Đức Phanxicô nói: “Với nền văn hóa, lịch sử và sự vĩ đại của mình, trên thực tế Trung quốc đã thống trị một phần đất này của thế giới.”

Ngài ứng khẩu nói: “Cũng như ngày nay, Trung Quốc là một cực văn hóa, một ngưỡng cửa vĩ đại, một lịch sử rất đẹp”, năm 2018 ngài đã có một thỏa thuận gây tranh cãi với chế độ cộng sản hiện tại về việc bổ nhiệm các giám mục, với những kết quả rất tùy tiện cho đến bây giờ.

Có lẽ để lặp lại những khó khăn của chính mình, ngài thừa nhận đồng hữu Dòng Tên của ngài đã thất bại: “Thánh Phanxicô Xaviê đã chết ở cửa ngõ Trung Quốc, trên hòn đảo nhỏ Trường Xuyên, gần Quảng Đông khi chờ đợi trong vô vọng để vào đất liền. Ngày 3 tháng 12 năm 1552, ngài qua đời trong tình trạng bị bỏ rơi hoàn toàn, chỉ có một người Trung Quốc ở bên cạnh canh chừng ngài. Như vậy là kết thúc cuộc hành trình trần thế của Thánh Phanxicô Xaviê khi ngài mới 46 tuổi.”

Đức Phanxicô kinh ngạc trước biểu tượng, Thánh Phanxicô Xaviê đã chết trước cổng của một “đất nước văn hóa nhất thời bấy giờ, được một người Trung quốc ở bên cạnh”. Ngài giải thích: “Tình yêu Chúa Kitô là sức mạnh đã đưa ngài đến những biên cương xa xôi nhất, phải trả giá với những mệt mỏi và nguy hiểm triền miên, vượt qua những thất bại, thất vọng và ngã lòng, nhưng lại được an ủi và có được niềm vui khi đi theo Chúa và phục vụ Chúa đến cùng.” 

Một gương sáng cho người truyền giáo ngày nay

Đức Phanxicô ghi nhận: “Ngày nay có rất nhiều nhà truyền giáo ẩn mình, họ đã làm được rất nhiều điều, có khi còn hơn cả Thánh Phanxicô Xaviê”. Đức Phanxicô bày tỏ lòng kính trọng với các linh mục, nữ tu, giáo dân, những người dám phiêu lưu truyền giáo, đặc biệt là từ Ý.

Khi nghiên cứu hồ sơ các ứng cử viên cho chức giám mục, ngài nhận thấy có nhiều linh mục đã có kinh nghiệm sống bên ngoài quốc gia của mình, đôi khi cả mười năm. Ngài kêu gọi vun trồng động lực truyền giáo này bằng cách noi gương Thánh Phanxicô Xaviê, ngài kể lại chi tiết cuộc hành trình của một trong những người bạn đồng hành đầu tiên của Thánh I-Nhã.

Sinh năm 1506 tại Navarre và du học tại Paris, Phanxicô Xaviê là thanh niên thông minh nhưng thích ăn chơi giao thiệp, cuối cùng ngài từ bỏ mọi tham vọng có sự nghiệp trong giáo hội để thành nhà truyền giáo theo chân Thánh Inhaxiô Loyola. Ngài đồng ý lên đường đi phương Đông, đến những thế giới chưa hề được biết.

Và như thế bắt đầu một chuyến đi của một loạt dài các nhà truyền giáo đầy nhiệt huyết, sẵn sàng chịu đựng khó khăn và nguy hiểm to lớn, đi đến những vùng đất và gặp gỡ những người có văn hóa và ngôn ngữ hoàn toàn xa lạ để làm cho Chúa Giêsu Kitô và Tin Mừng của Người được biết đến.

Hồi đó, việc đi đò rất khó khăn và nguy hiểm. Nhiều người đã chết trên đường đi, bị đắm tàu hoặc bị bệnh tật, cũng như người tị nạn bây giờ đã chết ở Địa Trung Hải.

Hành trình 11 năm qua Ấn Độ, Indonesia và Nhật Bản

Thánh Phanxicô Xaviê đã dành một phần ba trong 11 năm truyền giáo của ngài ở châu Á trên những con thuyền  từ Ấn Độ đến Nhật Bản. Sau kinh nghiệm truyền giáo đầu tiên ở Goa, trong một đêm cầu nguyện tại mộ thánh Bartholomew tông đồ, ngài cảm thấy mình phải vượt ra ngoài Ấn Độ. Sau đó, ngài đến Moluccas, thuộc quần đảo Nam Dương, nơi ngài dịch sách giáo lý sang ngôn ngữ địa phương, truyền giáo cho dân chúng qua bài hát. Kinh nghiệm này đã làm cho ngài khóc vì sung sướng. Một ngày nọ, ở Ấn Độ, ngài gặp một người đàn ông Nhật Bản, ông kể cho ngài nghe về đất nước xa xôi của ông, nơi chưa từng có nhà truyền giáo châu Âu nào đặt chân tới. Thánh Phanxicô Xaviê quyết định rời đi càng sớm càng tốt, ngài đến đó sau một hành trình phiêu lưu trên một chiếc thuyền nan của Trung Quốc. Ba năm ở Nhật Bản rất khó khăn, do khí hậu, nghịch cảnh và không biết tiếng Nhật, dù vậy, ở đó những hạt giống đã được gieo trồng và đơm hoa kết trái. Thánh Phanxicô Xaviê luôn quan tâm đến những người nghèo nhất.

Vì thế Đức Phanxicô xin các bạn trẻ không biết làm gì với những lo âu của mình, họ nên noi gương Thánh Phanxicô Xaviê, nhìn vào chân trời thế giới, nhìn vào những dân tộc có quá nhiều nhu cầu, rất nhiều người đau khổ, rất nhiều người cần biết Chúa Giêsu. Đức Phanxicô giải thích: “Ngày nay cũng có những người trẻ can đảm, đặc biệt các nhà truyền giáo hiện tại ở Papua New Guinea, những người mà các giám mục của đất nước gần đây đã nói chuyện với ngài trong chuyến đi ngũ niên ad limina của họ.”

Ngài kết luận và nhắc lại cội nguồn ơn gọi Dòng Tên của ngài: “Xin Chúa ban cho tất cả chúng ta niềm vui rao giảng Tin Mừng, truyền bá sứ điệp làm cho chúng ta hạnh phúc và làm cho mọi người hạnh phúc.”

Marta An Nguyễn dịch