Partenia: vì sao Vatican có “giáo phận ma”?
Khi một giám mục được bổ nhiệm làm người đứng đầu một giáo phận không còn tồn tại, thì ngài được chỉ định là “giám mục hiệu tòa”, hay “in partibus”. Trong những trường hợp cực kỳ hiếm – như trường hợp cố giám mục Jacques Gaillot –, Tòa Thánh có thể dùng việc thuyên chuyển này như biện pháp xử phạt hành chính với một giám mục.
la-croix.com, Capucine Licoys, 2023-04-21
Giám mục Jacques Gaillot đã được bổ nhiệm làm giám mục của Partenia, một giáo phận không còn tồn tại. Tòa Thánh có thể dùng việc thuyên chuyển này như một biện pháp xử phạt hành chính với một giám mục. Philippe HUỲNH-MINH/MAXPPP
Một bổ nhiệm mà ngay cả những người sành sỏi về Giáo hội cũng không lường trước được. Khi tang lễ cố giám mục Jacques Gaillot, được cử hành ngày thứ tư 19 tháng 4 tại nhà thờ Saint-Médard ở Paris – ngài bị cách chức giám mục giáo phận Évreux năm 1995, sau đó ngài được bổ nhiệm làm giám mục “in partibus infidelium” (trong vùng đất của những kẻ không trung thành, theo tiếng la-tinh).
Một giáo phận giấy
Một sự thay đổi không điển hình, vì giám mục từ chối không đệ đơn từ chức theo yêu cầu của Vatican. Giám mục Jacques Gaillot khi đó sẽ là giám mục “bị thuyên chuyển” về Partenia, ở Algeria, một giáo phận ma không có nhà thờ, cũng không có tín hữu công giáo từ nhiều thế kỷ nay. Trên thực tế, tòa giám mục rộng lớn này nằm trên cao nguyên Sétif đã biến mất vào thế kỷ thứ 5.
Giáo phận Partenia, ở Algeria
Ông Thibault Joubert, giảng viên giáo luật tại Đại học Strasbourg nhấn mạnh: “Đó là một hình phạt kỷ luật vì giáo phận Partenia không còn tồn tại ngoại trừ trên giấy tờ. Các giáo phận hư cấu này, còn có biệt danh là các giáo phận ma. Có hàng ngàn giáo phận, hầu hết ở các lãnh thổ cũ của Đế chế la-mã phương Tây.”
Ban đầu, việc bổ nhiệm người đứng đầu một giáo phận hư cấu bắt nguồn từ một nguyên tắc cơ bản trong hoạt động của Giáo hội công giáo: mỗi giám mục phải được ủy thác một lãnh thổ để được tấn phong. Ý tưởng này có từ thế kỷ thứ 2 – thời điểm quan trọng trong việc thể chế hóa Giáo hội – sau đó trở thành quy tắc của công đồng Chalcedon năm 451.
Một hình phạt hiếm hoi
Vì thế các giám chức trong Giáo triều la-mã – những người thực thi chức vụ của họ để phục vụ giáo hoàng – được trao danh hiệu của một giáo phận đã không còn. Như trường hợp gần đây của tổng giám mục Georg Gänswein, cựu thư ký riêng của Đức Bênêđíctô XVI, năm 2012 là giám mục hiệu tòa của Urbs Salvia, một giáo phận cổ của Ý đã không còn tồn tại từ thế kỷ thứ 5.
Các giám mục buộc phải rời chức vụ nhưng không muốn từ chức cũng vẫn là giám mục của một địa điểm cụ thể dù họ không có trách nhiệm mục vụ. Nếu một giám mục bị buộc tội quản lý yếu kém trong giáo phận của mình, và không phải là đối tượng của một thủ tục hình sự theo giáo luật, thì Giáo hội có thể thuyên chuyển giám mục này cho một tòa giám mục hư cấu. Đây là trường hợp của cố giám mục Gaillot, dù việc thực thi này luôn là trường hợp cực kỳ hiếm.
Điều gì xảy ra trong trường hợp này? Giáo sư Thibault Joubert giải thích: “Các giám mục hiệu tòa thường bị cấm can thiệp vào việc quản lý lãnh thổ liên quan. Trong trường hợp của Partenia, được kết hiệp trong một thời gian dài vào một bộ phận hành chính khác, như thế có nghĩa là không can thiệp vào việc quản lý của giám mục, người thực sự thi hành quyền lực của mình tại địa phương.”
Nếu việc thuyên chuyển không phải là một sự rút lui khỏi định chế – giám mục vẫn giữ chức giám mục của mình như một tước hiệu danh dự – thì đó là sự “xuống chức” đối với giám mục đã từng phụ trách giáo phận Évreux. Theo thông tin của báo La Croix, Vatican đã từng cân nhắc biện pháp này để buộc tổng giám mục Luc Ravel từ chức, ngài là tổng giám mục giáo phận Strasbourg bị cáo buộc quản trị độc đoán và đơn độc. Cuối cùng, ngày thứ năm 20 tháng 4, tổng giám mục Ravel đã từ chức, tránh được việc dùng biện pháp này.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Tang lễ của Giám mục Gaillot: buổi tiễn đưa đơn sơ và không điển hình