Các chuyển động tại Giáo triều và bầu khí tiền mật nghị

181

Các chuyển động tại Giáo triều và bầu khí tiền mật nghị

Thời sự Vatican dưới mắt của bà Marie-Lucile Kubacki, phóng viên báo La Vie tại Rôma. Tháng 3 năm 2022, Đức Phanxicô sẽ bước vào năm thứ 10 triều giáo hoàng của ngài, các chuyển động của Giáo triều đang được xem xét kỹ lưỡng với sự chú ý ngày càng tăng.

lavie.fr, Marie-Lucile Kubacki, 2021-12-10

“Nếu chúng ta quan sát chuyển động của những hồng y sẽ là nhân vật chính trong giai đoạn trống tòa (Sede Vacante) tiếp theo, thời gian trống ghế ở một giáo phận hoặc ở Tòa thánh, một câu hỏi đương nhiên được đặt ra: liệu chúng ta có đang ở trong giai đoạn tiền mật nghị không?”.

Bài đọc thêm: Đức Phanxicô đang chuẩn bị cuộc cải tổ triệt để cơ cấu quyền lực của Giáo hội

Đây là câu hỏi được đặt ra trong quyển sách vừa được phát hành ở Ý của nhà vatican học Francesco Antonio Grana, Những gì còn lại của triều giáo hoàng? Tương lai Giáo hội sau Bergoglio, nxb. Terra Santa (Cosa resta del papato? Il futuro della Chiesa dopo Bergoglio), tác giả đặt câu hỏi về tương lai của Giáo hội sau triều Đức Phanxicô và xem xét kỹ lưỡng bầu khí hiện tại ở Giáo triều.

 

Ván bài kế nhiệm giáo hoàng đã được đặt ra

Như thế câu trả lời là: Có. Tác giả giải thích: “Vì nếu ai theo sát một số hồng y cử tri nổi tiếng mà tuổi của họ vẫn còn hy vọng vào nhà nguyện Sistine, thì có vẻ như ván bài kế vị Đức Phanxicô đã bắt đầu.”

Không có gì phải hoảng lên, tác giả Grana nhắc lại, nếu chúng ta còn nhớ, vấn đề kế vị Đức Wojtyla đã bắt đầu vào những năm cuối 1990, 10 năm trước khi ngài qua đời, thì họ sẽ thấy một số hồng y có tiềm năng kế vị ngài. Nhưng hiện tại, những chuyển động này là gì?

Bài đọc thêm: Francesco Grana: “Chúng ta đang ở thời kỳ tiền mật nghị”

Lào xào hành lang về việc từ nhiệm

Trước hết là những lào xào hành lang. Kể từ cuối năm 2019, tin đồn về việc Đức Phanxicô từ nhiệm luôn là tin thời sự. Nguyên do, một phần… cũng chính ngài tuyên bố, ngay sau khi được bầu chọn, trong cuộc họp báo trên máy bay khi ngài từ Nam Hàn về, ngài tuyên bố triều giáo hoàng của ngài sẽ ngắn.

Từ đó, tiếng lào xào lại thường xuyên rì rầm, ngay cả trong buổi giới thiệu quyển sách của tác giả Grana vào giữa tháng 11, hồng y Matteo Maria Zuppi, tổng giám mục giáo phận Bologna, người thân cận với giáo hoàng và có tên trong danh sách những người có thể là giáo hoàng, khi được hỏi về tin đồn này, đã khoát tay, “chuyện gì cũng được, nhưng không có chuyện từ nhiệm”.

Mùa hè này, tin đồn lại càng rộ lên khi ngài phải vào bệnh viện để mổ đại kết, đến mức vào tháng 9, trong cuộc gặp các tu sĩ Dòng Tên ở Slovakia, ngài cũng thừa nhận có một bầu khí tiền mật nghị: “Tôi biết có những buổi họp giữa các giám chức, ho nghĩ tình trạng của giáo hoàng nặng hơn những gì tin tức cho biết. Họ đang chuẩn bị mật nghị. Kiên nhẫn!” Ngài nói tiếp: “Cám ơn Chúa, tôi vẫn bình an.”

Theo hồng y Reinhard Marx, đây có thể là “điểm mù” hay “bước ngoặt”,

Sau đó là các quan điểm chính trị và trí thức của các nhân vật lớn tiếng trong Giáo hội. Gần đây Vatican được nhắc đến trong loạt bài về việc từ chức của hồng y người Đức Marx, Tổng Giám mục giáo phận Munich và Freising. Ngài đệ đơn xin giáo hoàng cho từ chức trước mùa hè.

Bài đọc thêm: Giáo hội Đức và lạm dụng: hồng y Marx bất ngờ từ chức

Trong bức thư công khai khi ngài loan báo quyết định từ chức, ngài giải thích ngài nhận “đồng trách nhiệm” trong “thảm họa lạm dụng tình dục.” Đề cập đến Giáo hội Đức và Giáo hội hoàn vũ, ngài viết: “Cuộc khủng hoảng là do thất bại cá nhân của chúng tôi, do lỗi chúng tôi. Đối với tôi, điều này càng trở nên rõ ràng hơn nếu tôi nhìn vào Giáo hội công giáo nói chung, và không chỉ ngày nay, mà còn trong những thập kỷ gần đây. Theo tôi, và đây là ấn tượng của tôi, rằng chúng ta đã ở “điểm mù”, nhưng cũng có thể trở thành “bước ngoặt” theo hy vọng Phục sinh của tôi. Cụm từ “điểm mù” đã làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực của báo chí. Tự phê bình hay… phê bình?

Tự phê bình từ những người thân cận với Giáo hoàng

Tác giả Grana phân tích: “Hồng y Marx, người tiến bộ và thành viên của nhóm kỳ diệu được Đức Bergoglio thành lập để cải cách Giáo triều la-mã, không thể bị cho là nhân vật tầm thường như một người chống đối Đức Phanxicô. Lần này, và có lẽ là lần đầu tiên, lời chỉ trích triều giáo hoàng của giáo hoàng Châu Mỹ La Tinh không đến từ một hồng y bị cho là đối thủ, nhưng từ người thân cận, một trong số những người ngài đã chia sẻ trong tám năm ở tay lái. Và như thế, không thể đánh giá thấp lời chỉ trích này.”

Bài đọc thêm: Giáo hoàng bác đơn từ chức của hồng y Marx và cho mọi người một bài học

Tác giả phân tích thêm: “Những lời này có một tiếng vang đáng lo ngại, như những lời của hồng y Martini nói trước khi ngài qua đời tháng 9 năm 2012: “Giáo hội đang mệt mỏi, ở châu Âu và ở Mỹ. Nền văn hóa của chúng ta đã xưa, các nhà thờ của chúng ta quá lớn, các nhà dòng trống rỗng, bộ máy quan liêu của Giáo hội thì càng tăng, nghi thức và lễ phục của chúng ta thì khoa trương”. Một tuyên bố mà nhà vatican học viết, đã đè nặng lên sự lựa chọn người kế vị hồng y Ratzinger vài tháng sau đó.

Để có một nền thần học cơ bản cho các ơn gọi vào tháng 2 năm 2022

Một chuyển động quan trọng khác, đó là sự kiện được hồng y Marc Ouellet, bộ trưởng Bộ Giám mục tổ chức về ơn gọi. Tháng 4 vừa qua, hồng y tuyên bố sẽ tổ chức một hội nghị chuyên đề thần học về ơn gọi, về phép rửa tội và chức thánh, từ ngày 17 đến ngày 19 tháng 2 năm 2022, và theo ngài là để “đánh dấu một giai đoạn trong việc tìm kiếm của Giáo hội.”

Nhắc lại ở đây, hồng y Ouellet, bây giờ đã 77 tuổi, trước đây, cùng với hồng y Scola, là một trong những hồng y được mật nghị năm 2013 chú ý. Hồng y Scola năm nay 80 tuổi, ngài sẽ không tham dự vào mật nghị kế tiếp. Ngài là người bảo vệ bậc sống độc thân của linh mục tại Thượng Hội đồng Amazon vào lúc có cuộc tranh luận viri probati, phong chức cho các ông đã lập gia đình đang diễn ra sôi nổi, ngài xuất bản quyển sách Các bạn của người chồng, để có một cái nhìn mới về bậc sống độc thân của linh mục (Amis de l’époux, pour une vision renouvelée du célibat sacerdotal, nxb. Parole et Silence, 2019).

Tầm ảnh hưởng của việc bổ nhiệm “giáo hoàng đỏ”

Và cuối cùng là những bổ nhiệm. Trong khi các nhà vatican học ngày càng sốt ruột chờ công nghị phong các hồng y mới, một trong những bổ nhiệm chính của giáo hoàng vào Giáo triều chắc chắn là việc bổ nhiệm hồng y Luis Antonio Tagle hai năm trước ở một vị trí rất quan trọng của Giáo triều, đó là vào Thánh bộ Truyền bá Phúc âm các Dân tộc.

Một vị trí mà theo truyền thống, người được bổ nhiệm được cho là “giáo hoàng đỏ” nói lên tầm ảnh hưởng của Thánh Bộ này. Tổng giám mục giáo phận Manila, Phi Luật Tân, chủ tịch cơ quan Caritas quốc tế, tác giả luận án về Công đồng Vatican II, được xem là một trong những nhân vật quan trọng của giáo hoàng và là một trong những hồng y thân cận nhất của Đức Phanxicô, Đức Phanxicô đã nhiều lần cho thấy sự tin tưởng của ngài với hồng y.

Đoạn kết của triều giáo hoàng sẽ mang một ý nghĩa quyết định

Tác giả Grana viết: “Rõ ràng các phía, người tiến bộ thất vọng vì thất bại với sự mở ra của triều giáo hoàng Phanxicô, người bảo thủ muốn quay lại với thời Ratzinger, người theo Bergoglio muốn tiếp tục công việc cải cách của giáo hoàng Châu Mỹ La Tinh, ngay từ bây giờ, họ đã tổ chức để không bị mắc kẹt khi trống tòa. Và cũng đã rõ ràng, đoạn kết của triều giáo hoàng Dòng Tên sẽ mang tính quyết định, tùy thuộc vào việc kết thúc triều vì từ nhiệm hay vì cái chết, và tùy thuộc vào những nhân vật chính nào trong hàng giáo sĩ sẽ mở cánh cửa Nhà nguyện Sistine, dĩ nhiên vì lý do tuổi, đó là những nhân vật dưới 80 tuổi.”

Thêm nữa trong hồng y đoàn, những người được Đức Phanxicô bổ nhiệm đã xào bài lại, đến mức các nhà quan sát phải vò đầu bứt tóc hơn bao giờ hết để phát hiện ra các khuynh hướng.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch