Axel Kahn: “Tôi chết cũng không sao, vì tôi đã sống tốt”
Nhà văn và nhà khoa học người Pháp Axel Kahn tại nhà của ông ngày 14 tháng 4 năm 2015 ở Paris. (ERIC FEFERBERG / AFP)
Trên trang Facebook của giáo sư Axel Kahn (https://www.facebook.com/axel.kahn2):
Ngay sau khi nhập viện vào buổi sáng cùng ngày, tôi rất đau, cơn đau của tôi ở mức độ 7 trên thang điểm từ 0 đến 10, tôi đã trả lời phỏng vấn trong những gì tôi xem đây là những cuộc phỏng vấn cuối cùng của tôi. Một cho nữ nhà báo Élodie Lepage của báo Nouvel Obsvervateur, bà đã mời tôi từ một tuần nay. Và sau đó là điện thoại của của “MARCO”, Marc-Olivier Fogiel, người bạn trẻ của gia đình, làm ở đài Truyền thanh Truyền hình Pháp, BFM-TV.
Và đây là bài phỏng vấn của bà Eùlodie trên báo Nouvel Obsvervateur.
nouvelobs.com, Élodie Lepage, 2021-05-22
Giáo sư Axel Kahn, nhà di truyền học và chủ tịch của Liên hội Ung thư Quốc gia gần đây cho biết ông bị ung thư ở giai đoạn cuối. Đối diện với cái chết trước mắt, ông lên tiếng lần cuối để mang hy vọng đến cho những người ở lại. Đầu tiên cuộc phỏng vấn định thực hiện ở nhà ông tại Paris. Nhưng cuối cùng đã diễn ra qua điện thoại ở một phòng trong bệnh viện.
Đầu đường dây bên kia, giọng nói khi thì mạnh, khi thì mệt mỏi. Ngày 12 tháng 5, giáo sư Kahn, chủ tịch Liên hội Ung thư Quốc gia tuyên bố rút khỏi chức vụ của mình, một cảm xúc mạnh đã làm cho nhiều người Pháp thấy nơi ông, người trong 15 tháng qua đã chiến đấu không ngừng trên các phương tiện truyền thông để các bệnh nhân ung thư không vì đại dịch mà bị bỏ rơi. Khi cái chết gần kề, nhà khoa học lỗi lạc, nói năng thanh tao đã thẳng thắn nói với chúng tôi về cái chết, về phụ nữ và về nét đẹp của thế giới.
Tin tức về bệnh của giáo sư đã tạo xúc động mạnh. Giáo sư bị bệnh từ lúc nào?
Giáo sư Axel Kahn: Bệnh ung thư của tôi có lẽ bắt đầu vào khoảng tháng 3 – tháng 4 năm 2020. Khi bệnh được chẩn đoán vào ngày 4 tháng 8 năm 2020 thì bệnh đã lan rất rộng. Tuy nhiên, phương pháp trị liệu nhanh chóng cho thấy có hiệu quả. Tôi có hy vọng sống thêm từ 20 đến 25 tháng. Vì thế tôi quyết định tiếp tục công việc ở Liên hội Ung thư Quốc gia, tôi cố gắng làm gấp đôi. Tôi có rất nhiều việc phải làm để bảo vệ người bệnh trong thời dịch bệnh này, vận động các ủy ban của Liên hội trước nguy cơ lòng hảo tâm của quần chúng bị suy sụp trong cuộc chiến chống ung thư, thêm nữa, tôi còn tham dự vào các cuộc thảo luận để giúp người Pháp hiểu Covid là gì. Nhưng tình trạng của tôi trở nặng rất nhanh vào tháng 4 vừa qua.
Chuyện đã xảy ra như thế nào?
Một dạng ung thư thứ hai, rất hung hãn đã tấn công tôi. Tiến triển của bệnh rất nhanh, tôi không có cơ may nào để lành, cũng như có được thời gian thuyên giảm dài hơn. Chúng tôi biết đây là căn bệnh rất đáng sợ. Để nói đùa, tôi xem tôi là đối thủ đáng gờm của căn bệnh ung thư, vì thế nó quyết định giáng vào tôi những cú đấm mạnh nhất. Phải nói là nó đánh thẳng. Tôi được mổ vào chiều thứ ba (18 tháng 5). Tôi còn rất ít thời gian trước mặt.
Ngạc nhiên còn nhiều hơn khi vào đầu tuần, giáo sư như còn rất khỏe trong lần nói chuyện trên các phương tiện truyền thông gần đây.
Nhưng dù vậy, tôi rất đau. Tôi bị suy yếu nặng, tôi đau rất nhiều nhưng tôi chưa mất nhiều cân. Và đầu óc tôi còn minh mẫn nên tôi vẫn có thể nói chuyện trên truyền hình.
Ung thư là căn bệnh cấm kỵ. Rất nhiều người còn ngần ngại nói khi họ bị ung thư. Và khi họ qua đời, người ta thường nói họ đã chết sau một “thời gian dài mắc bệnh”… giáo sư có ngại nói ra không?
Nếu có thể thì tôi sẽ im lặng. Đó là điều tôi làm trong giai đoạn đầu. Nhưng Liên hội, dù không phải là một thể chế nhưng dù sao, đó cũng là một Liên hội cực kỳ quan trọng, kể từ khi Liên hội phải loan báo ông chủ tịch của mình buộc phải rời bỏ chức vụ, thì phải nói, đó không phải là do hoang tưởng cá nhân, nhưng tôi đã bị đội tuần tra tóm.
Vì sao nói về căn bệnh này lại khó đến thế?
Vì ung thư thách thức cái chết và cái chết thì khó nói lên. Hoạt động của Liên hội cũng là để nói lên căn bệnh này. Năm này qua năm khác, chúng tôi giáng đòn lên kẻ thù này. Chúng tôi đang chiến đấu với nó. Nó phải đi lui. Và nó sẽ đi lui nhiều hơn nữa nếu chúng ta nói về nó nhiều.
Tinh thần của giáo sư như thế nào trong tiến trình cuối cùng này?
Tôi chưa bao giờ bị ám ảnh bởi cái chết, nhưng dĩ nhiên nó là người bạn đồng hành rất đặc biệt. Giống như nhiều người khác, tôi hy vọng sẽ được bình tâm và vững mạnh trước mặt nó, tôi đảm bảo là sẽ được. Vì thế, một cách nào đó, tôi hài lòng khi thấy mình đối diện rất nhanh với chân trời cuộc sống như tôi đã hy vọng, có nghĩa là hoàn toàn thanh thản. Tôi không sợ cái chết, tôi thách thức nó với cái trớ trêu dù tôi biết nó sẽ thắng. Điều làm cho tôi hạnh phúc là trong giai đoạn cuối này, tôi đã có thể làm điều quan trọng nhất đối với tôi: làm tròn bổn phận của tôi và trao truyền cho những người thân yêu của tôi những gì tôi muốn trao truyền. Vì thế tôi đã sống cuối tuần lễ Thăng Thiên (16 tháng 5) tuyệt đối kỳ diệu – tôi đã dự trù tất cả – với người bạn đời và hai đứa con của tôi, tiếc là đứa con thứ ba không thể có mặt.
Cuối tuần này đã diễn ra như thế nào?
Chúng tôi ở với nhau trong căn nhà ở nhà quê của gia đình và chúng tôi đã làm những chuyện tuyệt vời. Tôi là người rất mê hoa. Tôi có thể quỳ hàng giờ trước hoa scabieux tầm thường nhất, những bông hoa mọc ven đường ở mọi nơi mà mọi người không để ý, nhưng chúng là kỳ quan làm thay đổi phong cảnh. Tôi còn có thể đi bộ một chút nên tôi đã chỉ cho các con và người bạn đời của tôi những bông hoa đẹp nhất mà tôi biết, hoa dạ yến thảo, hoa lan đốm. Tất cả những gì làm nên vẻ đẹp của cuộc sống… Cho đến khi nào con người còn có thể ngắm được nét đẹp này thì cái ác tuyệt đối sẽ không thể ngự trị trên trái đất. Tôi cũng chào từ giã Hélène, con ngựa cái của tôi. Trong quá khứ, tôi có một câu lạc bộ ngựa. Tôi thích chuồng ngựa. Tôi giữ lại ba con ngựa, trong đó có Hélène, năm nay 25 tuổi. Con ngựa này cũng bị ung thư. Tôi đã chữa cho nó và nó đã lành. Tôi thương nó vô cùng.
Hoa scabieux
Giáo sư đã cho các con con dao Opinel phải không?
Đúng, một con dao Opinel và chìa khóa nhà. Trong cuối tuần này, tôi cũng muốn truyền lại cho các con lối sống ở nơi thôn quê này. Tôi giải thích cho các con, khi ở nhà quê nên luôn mang theo dây và con dao Opinel. Các con tôi không có, nên tôi tặng chúng con dao có khắc tên chúng.
Giáo sư luôn yêu thiên nhiên?
Đúng. Tôi lớn lên ở nông thôn. Với tôi, cuộc sống bình thường là cuộc sống ở làng quê. Tôi luôn thấy cuộc sống thành thị là giả tạo, nhưng đó là nơi đời sống nghề nghiệp của tôi được trải rộng.
Thân phụ của giáo s ư tự tử khi giáo sư 26 tuổi. Thảm kịch này có ảnh hưởng đến mối quan hệ của giáo sư với cái chết không?
Tôi không nghĩ có quan hệ. Nhưng nó ảnh hưởng đến mối quan hệ của tôi với cuộc sống. Tôi rất thương cha tôi. Cho đến nay, cha tôi là người thú vị nhất mà tôi từng gặp. Nhưng ở một giai đoạn trong cuộc đời, cha tôi thấy thế giới này quá xa với thế giới ông mơ, nên ông không còn lựa chọn nào khác là phải từ giã nó. Ông đến ga Saint-Lazare, lên xe lửa đi Le Havre, và lao mình xuống gần Mantes-la-Jolie. Ông để lại cho tôi bức thư, trong đó ông xin tôi sống cho “hợp lý và nhân văn.”
Cả đời tôi, tôi tự hỏi thế nào là “hợp lý và nhân văn”. Tôi không biết ý của cha tôi là gì, nhưng tôi xem đây là bổn phận và làm theo. Vì thế, cả đời tôi, khi tôi cần lấy quyết định, tôi tự hỏi: Cha sẽ nghĩ gì về chuyện này? Đây có phải là những gì cha muốn không? Và câu này đã hoàn toàn thay đổi cuộc đời tôi. Lời khuyên này là sợi chỉ dẫn đường để tôi không bị lạc vào mê cung của Minotaur, nơi ác quỷ chỉ muốn ăn tươi nuốt sống mình. Tôi nghĩ tôi chưa bao giờ rơi vào bẫy.
Còn giáo sư, giáo sư đã nói với các con câu nào để các con làm kim chỉ nam chưa?
Dĩ nhiên thời gian gần đây tôi gởi cho các con nhiều tin nhắn, nhưng tôi luôn canh chừng, vì tôi không muốn nện cho các con giáo lý về các giá trị của tôi. Tôi muốn giữ mối quan hệ với các con, làm sao để các con có thể thuần theo các giá trị này. Tôi nghĩ là tôi đã làm được. Tuy nhiên, nếu tôi phải nói với các con một câu, thì đó sẽ là câu: “Các con của bố, các con hãy làm bổn phận của các con.” Theo tôi, trong cuộc sống của tôi, không có gì quan trọng hơn là làm bổn phận của mình. Nếu tôi có một thông điệp để gởi đến những người xem lời nói của tôi là quan trọng, thì tôi xin họ, tìm trong sâu thẳm tâm hồn họ, trong sự tôn trọng người khác, bổn phận của họ là gì, và làm bổn phận này, dù phải khó khăn như cha tôi đã viết cho tôi trong bức thư cuối cùng của ông.
Giáo sư lớn lên trong môi trường mộ đạo của một gia đình có đa số là người theo đạo công giáo, giáo sư đã trải qua cuộc khủng hoảng thần nghiệm khi 15 tuổi và từ đó giáo sư mất đức tin.
Tôi, là người đi bộ rất nhiều, tôi đã mất đức tin sau khi đi bộ một quảng đường tám cây số. Khi bắt đầu đi, tôi là người có lòng tin sâu đậm và khi đi xong, ngược lại với những gì tôi nghĩ, tôi không thể tin nữa. Từ đó, cả cuộc đời trí tuệ của tôi, là để xác định chấp nhận nhân văn, nơi khái niệm bổn phận là cơ bản.
Từ vài tuần nay, cuộc tranh luận về giai đoạn cuối đời đã bùng phát trở lại với việc Quốc hội thảo luận một dự luật cho phép hỗ trợ y tế tích cực để chết. Quan điểm của giáo sư về vấn đề này là gì?
Quan điểm của tôi không thay đổi: tôi không bao giờ ủng hộ, tôi cũng không theo. Điều cốt yếu là tránh cho người ở giai đoạn cuối đời quá đau đến không chịu được. Đối với tôi, dường như luật Clayes/Leonetti, mà tôi có tham gia thảo luận, cho phép làm dịu đau sâu và liên tục, giúp trong tất cả các tình huống. Cá nhân tôi, chắc chắn tôi sẽ xin áp dụng cho tôi, có nghĩa là họ để cho tôi ngủ sâu. Nhưng tôi sẽ không nói một lời trước khi tôi chết. Nhưng tôi nghĩ, một ngày không xa, bởi vì đó là theo thời, nước Pháp sẽ áp dụng một quan điểm như vậy. Nhưng đối với một quốc gia đã bãi bỏ án tử hình, bây giờ có những ngoại lệ với hành vi gây ra cái chết, thì theo tôi, đây không phải là một cái gì không đáng kể.
Trong quyển sách mới nhất của giáo sư “Và điều tốt trong tất cả những điều này là gì?” (Et le bien dans tout ça?), giáo sư viết:
“Jean, cha tôi, nói về các “con chó” của ông mà ông nghĩ sẽ vô vọng nếu luôn muốn cầm sợi dây xích dắt nó đi.” Thêm nữa, “không ai có thể là hiện thân của điều tốt đẹp. Không một cuộc sống nào có thể hoàn toàn cống hiến cho điều tốt đẹp. Có con người, có những con chó.” Còn giáo sư, giáo sư có giữ các con chó của giáo sư không?
Không. Cuộc sống là những ước muốn, những lo lắng, những lôi cuốn. Tôi là người rất yêu đương. Mọi người đều biết! Tôi không giấu chuyện này. Tình yêu không phải là chuyện quan trọng của đời tôi, nhưng cuộc sống không có tình yêu là cuộc sống không thành công. Tôi đã sống những giây phút hạnh phúc lớn nhất của tôi, những giây phút hiển hiện của cuộc sống đàn ông của tôi khi tôi chia sẻ với những phụ nữ tôi yêu buổi sáng mặt trời mọc trên đỉnh núi tuyết phủ. Sự kết hợp của nét đẹp và niềm vui được chia sẻ.
Giáo sư nói, hạnh phúc là sống những gì mình hy vọng được sống. Giáo sư có nói giáo sư đã có một cuộc sống hạnh phúc không?
Có, tôi có cuộc sống hạnh phúc. Thậm chí tôi có thể nói, không sao nếu tôi chết, bởi vì tôi đã sống tốt.
Marta An Nguyễn dịch
Bài đọc thêm: Vì sao những lời của bác sĩ Axel Kahn lại làm chúng ta giao động như vậy?
Bác sĩ Axel Kahn: “Làm bổn phận khẩn thiết khi sắp phải chết”
“Cái chết không làm tôi sợ”: bác sĩ Axel Kahn làm chứng đoạn cuối đời trên đài BFMTV