Đức Phanxicô ở Nhật, đất nước có tỷ lệ người tự tử cao nhất thế giới

478

Đức Phanxicô ở Nhật, đất nước có tỷ lệ người tự tử cao nhất thế giới

agensir.it, Patrizia Caiffa, 2019-11-19

Đức Phanxicô ở Nhật, đất nước có tỷ lệ người tự tử và các người trẻ “hikikomori” cao nhất thế giới, “hikikomori” là những người có vấn đề tâm lý xã hội-gia đình, họ sống cắt đứt với người khác và với thế giới bên ngoài, thường họ sống trong phòng nhiều tháng, thậm chí cả nhiều năm, chỉ ra ngoài khi có việc gì cần thiết nhất.

“Bảo vệ mọi sự sống” là khẩu hiệu chuyến tông du lần thứ 32 đến Nhật của Đức Phanxicô vào ngày 23 đến 26 tháng 11. Một chủ đề trọng tâm của nhiều khía cạnh khác nhau: đây là xã hội có tỷ lệ người tự tử cao nhất thế giới (30 đến 35 000 người mỗi năm), nhất là nơi các người trẻ. Hiện tượng “hikikomori” cũng phát xuất từ đây: ít nhất có 500 000 người sống ngoài lề xã hội. Từ Tokyo, linh mục truyền giáo Andrea Lembo của cơ quan PIME kể cho chúng tôi nghe câu chuyện của những người này.

Tình bạn giữa linh mục người Ý và một người trẻ “hikikomori”

Linh mục Andrea đã nối kết tình bạn với một người trẻ “hikikomori” và đã cứu sống anh. Đó là câu chuyện của linh mục Andrea Lembo, 45 tuổi, quê quán Treviglio, Bergame, nước Ý bề trên của cơ quan PIME trong 10 năm ở Tokyo. Nhà truyền giáo nói tiếng Nhật và tiếng Ý và khi kể chuyện những ngày tháng sôi động của mình, ánh mắt ngài đầy cả nhiệt tình. Trong đất nước truyền giáo yêu thương mà ngài mơ trước khi đi, linh mục Andrea đã gặp một dân tộc để truyền giáo nhưng ngài cũng biết cả bóng tối của nó. Nước Nhật là nước có tỷ lệ người tự tử cao nhất thế giới (cứ mỗi 15 phút có một người tự tử và mỗi năm có đến từ 30 đến 35 000 người tự tử, dù chính phủ có một chiến dịch để phòng ngừa). Ở các trạm xe điện ngầm nhiều người qua lại nhất Tokyo, nhà nước dựng lên các rào cản rất cao để chận người tự tử nhảy xuống đường ray.

Linh mục Andrea kể: “Thật không may, con số người tự tử giảm, nhưng số tuổi của họ cũng giảm, đã có em bé 12 tuổi tự tử. Tôi nghe các thầy cô giáo đọc lời khuyên này trong lớp: “Nếu các em muốn tự tử thì không tự tử trên các đường dây này và lúc này”. Thậm chí nhà nước còn phạt các gia đình có người tự tử vì họ đã làm chậm công việc của xã hội. Điều không thể chấp nhận ở một đô thị có 30 triệu người dân với công nghệ cao nhất và hiệu năng nhất thế giới, với 28 trạm xe điện ngầm và xe lửa hoàn hảo. Linh mục cho biết: “Không một gia đình nào mà không trải qua thảm kịch này.” 

Những người “hikikomori” tự cô lập với thế giới bên ngoài

Nhật cũng là nơi hiện tượng “hikikomori” ra đời, các người trẻ tự cô lập với thế giới bên ngoài, tự giam mình trong một phòng, việc tiếp xúc với thế giới bên ngoài chỉ qua mạng Internet.

Thường thì họ là nạn nhân của các vụ sách nhiễu ở trường, các học sinh không thành công ở trường, không tìm được việc hoặc bị cho nghỉ việc.  Trong những năm đầu tiên đi làm, người Nhật phải đáp ứng với các kỳ vọng rất cao, với nhịp điệu học và làm việc rất căng thẳng. Phải ở trường mỗi ngày trong tuần, phải làm việc 12 giờ mỗi ngày ở công sở, rất ít ngày lễ. Không phải ngẫu nhiên mà các toa xe điện ngầm tuyệt đối cấm nói chuyện điện thoại, vì mọi người ngủ, ngay cả ngủ đứng. Lo âu để hoàn hảo, để cầu toàn gần như điên cuồng và phải luôn tử tế lịch sự, không được để lộ cảm xúc ra ngoài làm cho người Nhật thường không có khả năng xử lý với thất bại, với khủng hoảng, họ xem đó là nhục nhã.

Và đôi khi từ cô lập đến trầm cảm, đến tự tử, con đường thật ngắn ngủi.

Chủ đề chuyến đi của Đức Phanxicô đến Nhật từ 23 đến 26 tháng 11 là “Bảo vệ mọi sự sống.” 

Linh mục Andrea Lembo và thiện nguyện viên

 Linh mục là một người bạn

Linh mục Andrea kể câu chuyện gặp các người trẻ của cha bên cạnh cốc bia và món sushi: “Các người trẻ không biết linh mục là ai. Chúng tôi nói đó là người hiểu các chuyện của tâm hồn”. Chính tại giáo xứ đầu tiên của cha ở ngoại ô Tokyo là nơi cha gặp Ko He, lúc đó anh chưa đến 20 tuổi. Anh đang học năm thứ hai đại học, anh quyết định bỏ học, bỏ gia đình, anh thuê một ô nhỏ trong một quán cà-phê Internet với giá 500 yên mỗi ngày (khoảng 4 âu kim) để tách biệt khỏi thế giới bên ngoài. Linh mục biết các lần anh đi ra ngoài là chỉ để làm điếm với các con trai khác. Đó là cách duy nhất anh kiếm tiến để trả cho sự cô lập của mình. Linh mục cho biết: “Anh bị khai thác, bị sỉ nhục trong những bữa tiệc ngu ngốc gọi là ‘tiệc tình yêu’. Để thuyết phục anh bỏ những chuyện này, tôi nói, gia đình của anh và tôi không đáng phải chịu đựng đau khổ vì anh muốn tự tử.

“Một tình bạn rất đẹp đã ra đời và trong vòng hai năm, tôi đã tìm cách đưa anh ra khỏi quán cà-phê Internet. Bây giờ anh là thiện nguyện viên giúp giáo xứ và làm việc trong một trung tâm cho người cao niên”.

 

Sự nghèo khổ bị che giấu

800 người công giáo ghi danh ở giáo xứ nhỏ của mình. Đây là nhà thờ công giáo duy nhất ở Fuchu, một khu phố giàu ở Tokyo, nơi sự nghèo khổ được che giấu.

Các người bị cô lập là những người bị nặng nhất vì họ không có thói quen đi chữa trị tâm lý.

Trong một vài trường hợp, chúng tôi đến các bác sĩ tâm thần, họ chữa bệnh bằng thuốc: “Các bà mẹ nhờ các cô thầy nhắc con họ uống thuốc, những đứa bé mới 6, 7 tuổi vì chúng phải hoàn hảo.” Các trung tâm “chăm sóc trái tim” với các tâm lý gia thiện nguyện chỉ mới ra đời gần đây. Linh mục Andrea thừa nhận: “Theo tôi, việc quản lý các vụ tự tử nơi người trẻ là một gánh nặng. Mỗi lần có chuyện này xảy ra, chúng tôi phải làm việc lại, chúng tôi phải xem lại các sự kiện ở mọi cấp bậc và thường chúng tôi cảm thấy thất bại trong công việc của mình”. Một linh mục Nhật đã sống kinh nghiệm này trong gia đình của cha, ngài nói với tôi: “Vì cha là người nước ngoài nên cha không thể hiểu vì sao”. Ở Nhật, tự tử bắt nguồn từ một phong tục cổ xưa của các chiến binh thua trận; vì vậy nó có lẽ vẫn còn được chấp nhận về mặt văn hóa và xã hội. Linh mục Andrea giải thích: “Họ cho rằng đó là một cách để thoát khỏi địa ngục cuộc sống, với sự hiện đại và với chế độ làm việc căng thẳng, họ phải chịu áp lực xã hội quá mạnh. Trong một xã hội dựa trên đạo Khổng, con người là cá thể phục vụ cho cộng đoàn, điều này có nghĩa là không được làm cho xã hội xáo trộn và không còn là gánh nặng cho người khác”.

Sự lựa chọn của tương lai

Một đặc nét khác của xã hội Nhật là muốn bắt con cái mình chọn cho mình một tương lai xã hội và nghề nghiệp ở một tuổi quá nhỏ, vào khoảng 10 tuổi.

“Các người trẻ phải có quyền tự do chọn lựa con đường riêng của mình”. Bà

Yumi Takahashi, nhà giáo và là nhà sáng lập “Trường niềm vui”, một chương trình của giáo xứ miễn phí nhằm giúp các em không có tiền học có thể đến học vào các ngày thứ bảy hàng tuần. Bà cho biết: “Tôi hy vọng chuyến đi của Đức Phanxicô sẽ có một tác động tích cực không những cho người công giáo mà cho tất cả các bạn trẻ, ngay cả những người chưa biết ngài. Đức Phanxicô là con người của hòa bình, ngài giúp các bạn trẻ mở rộng chân trời ra với toàn thế giới, để họ quan tâm đến các vấn đề xã hội”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Xin đọc thêm: “Giáo hội Nhật Bản đang tìm một sức sống mới”

Hồng y Manyo Maeda: Vai trò của Giáo hội trong nước Nhật ngày càng thế tục hóa