Đức Phanxicô ở Nagasaki: Một phân định tiên tri về các dấu hiệu của thời đại
fr.aleteia.org, Đức Giám mục Antoine de Romanet, 2019-12-03
Đức Giám mục Antoine de Romanet là giám mục địa phận của quân đội Pháp, theo ngài, thông điệp của Đức Phanxicô về vũ khí là lời kêu gọi thức tỉnh lương tâm nhân loại để giải trừ và cấm tàng trử vũ khí nguyên tử.
Tiếng kêu tiên tri vừa được Đức Phanxicô nói lên ngày 24 tháng 11 tại Nagasaki mang đến cho chúng ta một phân định sâu sắc về các dấu hiệu của thời đại, với bối cảnh Hiroshima và Nagasaki, nỗi đau đớn và kinh hoàng không tả được của các nạn nhân và gia đình của họ.
Khởi đầu, “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp” (St 1, 31). Nhưng do không vâng lời, “Nay con người đã trở thành như một kẻ trong chúng ta, biết điều thiện điều ác” (St 3, 22). Ca-in và A-ben minh họa cường độ của cuộc chiến thiêng liêng. Thiên Chúa cảnh giác Ca-in: “Tội lỗi đang nằm phục ở cửa, nó thèm muốn ngươi; nhưng ngươi phải chế ngự nó.” (St 4, 7). Sau đó, “Ca-in xông đến giết A-ben, em mình. Đức Chúa phán với Ca-in: ‘A-ben em ngươi đâu rồi?’ Ca-in thưa: ‘Con không biết. Con là người giữ em con hay sao?’ (St 4, 8-9).
Câu hỏi này quay cuồng trong lương tâm nhân loại và xoáy mạnh vào thế hệ chúng ta. Ngày nay con người thấm sâu vào bản chất và có đủ phương tiện để hủy hoại mình hoàn toàn. Như chương 6 của sách Sáng thế, chính sự tồn tại của tạo dựng bị xâm phạm: “Vì tại chúng mà đất đầy bạo lực: này Ta sắp tiêu diệt chúng cùng với đất” (St 6, 13). Mặc dù có giao ước với ông Nô-ê (St 9, 17), ý chí toàn năng của con người vẫn còn: “Nào! Ta hãy xây cho mình một thành phố và một tháp có đỉnh cao chọc trời (Gn 11, 4). Khi đó Chúa can thiệp: “Nào! Ta xuống và làm cho tiếng nói của chúng phải xáo trộn” và “phân tán họ từ chỗ đó ra khắp nơi trên mặt đất” (St 11, 7-8).
Chúng ta có ở trong thời Ba-ben đây không? Hay chúng ta ở trong thời ông Giô-na? Như người dân và vua thành Ninivê, chúng ta có ăn chay sửa đổi tính hư tật xấu để khỏi bị diệt không (Gn 3, 1-10)? Ngày nay vũ khí cực kỳ mạnh, khả năng thống trị và hủy hoại chưa bao giờ lớn như thế, chúng ta ý thức tất cả chúng ta đều có cùng một số phận. “Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giô-na”, Chúa Giêsu nói với người đồng thời của Ngài (Mt 16, 4). Hiroshima và Nagasaki có phải là dấu hiệu của thế hệ chúng ta cho một sự trở lại tận căn không?
Chiếc K-114 Toula, tàu ngầm hạt nhân phóng đầu đạn nguyên tử của Nga. Alexander Galperin / Sputnik
Dấu hiệu của thời đại, đó là ý thức hòa bình là cần thiết và rất mong manh. Hòa bình có thể hiểu là không có chiến tranh, là không có hình thức đe dọa bạo lực hai bên. Hòa bình không ổn định của sợ sệt và dè chừng mà Đức Phanxicô mạnh mẽ lên án. Theo chân Chúa Kitô, Đức Phanxicô là tông đồ của hòa bình, một hòa bình được đối xử trên sự hợp tác và tin tưởng, của công lý, của tình huynh đệ, của đoàn kết và đối thoại…
Khi phân định dấu hiệu của thời đại, Đức Phanxicô đã nói đến một “Chiến tranh thế giới thứ ba từng phần”: một chu kỳ địa chính trị tái vũ trang hàng loạt, chuyển từ sự thống trị của hai khối qua sự đa dạng của nhiều nhân vật, các lợi ích và các căng thẳng…
Các dấu hiệu thời đại, đó cũng là sáng kiến phát triển các đe dọa mới: công nghệ sinh học, vi khuẩn, hóa học, không gian, tấn công mạng… Chủ đề không còn duy nhất là “vũ khí hạt nhân” nhưng là tất cả các loại “vũ khí phá hủy hàng loạt không phân biệt bất cứ loại gì”. Nhưng trước khi nói đến sự gia tăng kỹ thuật, chúng ta hãy đặt câu hỏi chủ yếu đó là sự trở lại của quả tim.
Các dấu hiệu của thời đại, đó là với Thông điệp Chúc tụng Chúa Laudato Si’, đó là cách “mọi thứ đều được kết nối với nhau”. Nhân khẩu học, không khí, nước, tài nguyên thiên nhiên, khí hậu, sinh thái-đa dạng… tất cả đều không biết đến ranh giới chính trị, Quốc gia-Nhà nước và hệ thống vũ khí của nó. Từ nay tất cả gia đình nhân loại đều lâm nguy. “Một thế giới hòa bình đòi hỏi tất cả mọi người tham dự vào”.
Dấu hiệu của thời đại cũng là tiếng kêu của người nghèo và quả đất, tiếng kêu lên tới trời với biết bao bất công và hoàn cảnh không phẩm giá. Đức Phanxicô đã viết: “Nói không với nền kinh tế loại trừ”, với “nền kinh tế giết người” (Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, Evangelii Gaudium EG 53); “Nói không với thờ thần tài” “dẫn đến sự phủ nhận tính nguyên khai của con người” (EG 55-57); “Nói không với sự chênh lệch xã hội mà sớm muộn sẽ dẫn đến bạo lực, chạy đua vũ khí không bao giờ giải quyết được gì” (EG 60). Ở Nagasaki, Đức Phanxicô đã nhấn mạnh “thế giới ngày nay có hàng triệu trẻ em và gia đình sống trong các điều kiện vô nhân đạo, tiền bạc tiêu vào vũ khí, lợi nhuận kiếm được trong việc chế tạo, tối tân hóa, duy trì và bán vũ khí ngày càng phá hủy là sự phẫn nộ liên tục kêu lên tới trời”, trong khi các nguồn tài nguyên này có thể dùng “để phát triển toàn diện cho các dân tộc và để bảo vệ gìn giữ môi trường tự nhiên”.
Đức Phanxicô đưa ra hai đề nghị thiết yếu hôm nay: Đề nghị thứ nhất là tăng cường việc kiểm soát vũ khí quốc tế: “Chúng ta không bao giờ mệt mỏi khi kiên trì nâng đỡ các công cụ pháp lý quốc tế về việc giải giải trừ vũ khí và không tàng trử vũ khí hạt nhân, kể cả Thỏa ước về việc cấm vũ khí hạt nhân. Ngài rất rõ ràng trên hai lãnh vực này. Ngài xin “cầu nguyện” và “tìm kiếm không mệt mỏi để có được các thỏa thuận”. Điều này cần thời gian và “thời gian thì cao hơn không gian” (EG 222), không có thời gian thì không có gì xây dựng được lâu dài. Ở đây cũng như ở bất cứ đâu, “thực tế thì quan trọng hơn là ý tưởng” (EG 231), và “đơn vị hiệp nhất thì ưu thế hơn là xung đột” (EG 226), vì thế quan trọng là phải có một con đường cụ thể và thực tế, khởi đi từ những cái gì là “thật”. Điều này chỉ có thể thực hiện được một cách tổng quát, được phối hợp và kiểm soát. Và “tất cả thì cao hơn là từng phần” (EG 234), nên vấn đề phải được xem xét toàn bộ, tách rời “hạt nhân” ra khỏi các vấn đề chính trị, chiến thuật địa dư, ngoại giao, khoa học, văn hóa… của các dân tộc và lịch sử của họ. Mô hình đa diện đòi hỏi một tiếp cận hoàn chỉnh các tiêu chuẩn quyền lực, rất khác nhau theo từng nước, từng nền văn minh.
“Chúng ta cần vượt ra ngoài các Quốc gia-Nhà nước để cùng nhau xây dựng một thế giới “Lợi ích chung”, để vượt lên đơn thuần vì lợi ích riêng cho quốc gia.”
Phải vượt ra ngoài các Quốc gia-Nhà nước để cùng nhau xây dựng một thế giới “Lợi ích chung”, để vượt lên đơn thuần vì lợi ích riêng cho quốc gia. Phải vượt ra khỏi các cân bằng lực lượng và lợi ích, thúc đẩy thành lập một tổ chức quốc tế tạo nên một diễn đàn nhấn mạnh đến thương thuyết. Một sự đối thoại liên tôn giáo ở đây là thiết yếu. Bắt đầu là cuộc đối thoại giữa người công giáo, chính thống, cải cách, rồi nới rộng ra với người hồi giáo, do thái cũng như với tất cả những người thiện tâm thuộc mọi truyền thống triết học, nhân văn để giảm căng thẳng và góp phần vào việc hòa hoãn.
Đề nghị thứ hai của Đức Phanxicô là kêu gọi một sự trở lại sâu sắc, để chúng ta có thể sống như anh em với nhau trên hành tinh này. Đó là lời kêu gọi một sinh thái toàn diện. Theo ngôn ngữ kitô giáo, đó là chuyển từ hỗn loạn của tội lỗi qua thứ trật công chính của đức ái, làm cho người khác trở thành người anh em của mình. Và theo ngôn ngữ đại chúng, điều này có nghĩa tương lai chúng ta dựa trên khả năng sống trong tình huynh đệ và đoàn kết với thách thức to lớn của số phận chung mà chúng ta phải vượt lên, không phủ nhận các biên giới và các thực tế chính trị.
“Con là người giữ em con hay sao?”. Câu hỏi vang lên từ thuở tạo thiên lập địa cũng là câu hỏi về đời sống của của từng người và của tất cả. Câu hỏi vũ khí hạt nhân chất vấn thế hệ chúng ta trả lời theo cách thiết yếu nhất.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Đức Phanxicô tại Nagasaki ngày 24 tháng 11-2019
Xin đọc thêm: Ký ức nhiễm xạ của tín hữu kitô Nagasaki