Ký ức nhiễm xạ của tín hữu kitô Nagasaki

316

Ký ức nhiễm xạ của tín hữu kitô Nagasaki

lavie.fr, Jean-Pierre Denis, 2019-11-20

Đức Phanxicô sắp đến Nhật, đất nước khi còn trẻ ngài từng mơ được đi truyền giáo; ngài sẽ gặp một cộng đoàn được đánh dấu qua bốn thế kỷ đau khổ cho đến khi bị bom nguyên tử dội lên. Phóng viên báo La Vie kể lại câu chuyện đức tin và khả năng chịu đựng bền bỉ của các tín hữu kitô này.

Sáng hôm đó, một người nông dân kéo xe bò của ông trên con đường dẫn từ làng đến thành phố. Vợ ông, dù đang mang thai nhưng cũng vẫn còn làm việc trên cánh đồng. Mặt trời chiếu lên Nagasaki với những khoảng trống tuyệt đẹp. Đó là mùa hè, mùa hè nặng nề chấm dứt bằng điệu ngân của ve sầu, mùa hè nặng nề của một đất nước kiệt quệ, đã đến lúc phải kết thúc cuộc chiến điên cuồng của nó. Đột nhiên, người đàn ông nhìn thấy một ánh sáng lớn. Một cơn gió mạnh như bão nổi lên. Xung quanh ông, không khí bỗng bốc cháy, lửa bùng phát. Một khối nấm khổng lồ quái dị bừng lên từ hư không. Chẳng mấy chốc, một cơn mưa đen trút xuống trên các sinh vật khát nước.

Quả bom plutonium phát nổ lúc 11:02 giờ ngày 9 tháng 8 năm 1945, cách Nagasaki khoảng 550 mét, quả bom giết chết ngay lập tức hàng chục ngàn người. Ông Takami và con bò của ông không sao, dù họ bị phỏng. Vợ ông chỉ có thì giờ đầm mình dưới nước ruộng lúa để bảo vệ đứa con mà bà đang mang trong mình. Bà nội của gia đình bị phỏng nặng hơn, bà mất một tuần đau đớn hấp hối mới qua đời. Bà mất vào ngày 15 tháng 8, ngày lễ Đức Mẹ Lên Trời. Cùng ngày hôm đó, nhà vua Hirohito tuyên bố đầu hàng trước sự bàng hoàng của người dân, đó là lần đầu tiên họ nghe hoàng đế tuyên bố. Và đó cũng là câu chuyện của gia đình Takami, đau lòng và bình thường, chung với số phận của 73.000 người thiệt mạng được tính vào cuối năm 1945, không tính tất cả người khác, người hibakusha, người bị nhiễm xạ: 179 226 ở Nagasaki theo số lượng năm 2018. 

Bảo vệ mọi sự sống

Đây là câu chuyện của lịch sử hay của hiện tại? Người đàn ông tiếp tôi vào buổi sáng tháng 11 trong vắt này, gần tâm điểm của vụ nổ. Người kể cho tôi nghe câu chuyện gia đình của ông chính là em bé còn trong bụng mẹ khi quả bom phát nổ. Đứa con của đống đổ nát hoang tàn và tái thiết, Joseph Mitsuaki Takami vào chủng viện Dòng Xuân Bích Fukuoka, ở miền nam Nhật Bản. Trong những năm 1960, ngài được đào tạo ở Canada, Paris, Rôma và Giêrusalem. Hôm nay là Tổng Giám mục của thành phố quê hương và là chủ tịch Hội đồng Giám mục Nhật, ngài đang chuẩn bị chào đón Đức Giáo hoàng Phanxicô, người sẽ đến thăm Nhật từ ngày 23 đến 26 tháng 11.

Giáo hoàng sẽ khám phá một Giáo hội công giáo nhỏ bé, gần như không đáng kể vì nó chỉ chiếm 0,35% dân số quốc gia và khó nhọc đấu tranh để được lắng nghe. Đức Tổng Giám mục Takami nói: “Chuyến tông du không phải chỉ là chuyến đi của một mục tử đến thăm một cộng đoàn. Chúng tôi hy vọng lời của ngài sẽ mang ý nghĩa lớn hơn cho những gì chúng tôi nói để bảo vệ cuộc sống. Chúng tôi mong ngài đề xuất một từ dễ hiểu cho tất cả người Nhật, những người ngoài người công giáo, thậm chí cả những người không tôn giáo. Một thông điệp chung, kêu gọi cho ý nghĩa chung”.

Giáo hội Nhật chọn khẩu hiệu của chuyến tông du từ lời cầu nguyện cuối cùng của Thông điệp Chúc tụng Chúa Laudato si: “Bảo vệ mọi sự sống.” Một chủ đề mà Tổng Giám mục quan tâm trong chiều kích mục vụ xã hội và môi trường của mình: “ Bảo vệ mọi sự sống dưới mọi hình thức: phá thai được coi là hợp pháp, phân biệt chủng tộc đối với người nhập cư, đặc biệt là với người Trung Quốc và Hàn Quốc, tự tử của người lớn tuổi… Và dĩ nhiên là có môi trường, là có ý thức về sinh thái.”

Đức Phanxicô xem chuyến đi của mình là một suy niệm mang hai tính cách khác nhau nhưng lại đan chéo với nhau: thảm họa bom nguyên tử năm 1945 và 26 vị tử đạo công giáo bị đóng đinh năm 1597.

Nếu ngài đề cập đến các vấn đề xã hội hiện nay thì trước tiên ngài sẽ đắm mình vào một văn hóa rộng lớn, phong phú và rất khắc nghiệt. Đặc biệt ở Nagasaki, Đức Phanxicô xem chuyến đi của mình là một suy niệm mang hai tính cách khác nhau nhưng lại đan chéo với nhau: thảm họa bom nguyên tử năm 1945 và 26 vị tử đạo công giáo bị đóng đinh năm 1597.

Một khoảng trống của những đám mây

Nagasaki, thành phố bị nhiễm xạ; Nagasaki, thành phố kitô giáo. Để hiểu mức độ phức tạp của hai điểm nhằng nhịt, chúng ta hãy vào đài tưởng niệm bom nguyên tử, gần với tòa tổng giám mục. Ngay từ căn phòng đầu tiên, các tàn tích cao của khung kiếng nhà thờ chính tòa đón khách đến thăm. Nơi các tấm kiếng, người xem thấy hình ảnh của một quá khứ đã qua, một cuộc sống yên bình trong giáo xứ. Quả bom nguyên tử thứ nhì không rơi chính xác vào Nagasaki, mà trên một ngôi làng đô thị hóa gắn liền với thành phố. Ngôi làng Urakami này là ngôi làng công giáo, thậm chí rất công giáo. Và đúng đó, trên nhà thờ chính tòa, trên nhà tù bên cạnh, trên khu phố bên cạnh, chứ không phải một kho vũ khí, một doanh trại hay một nhà máy để bom tìm đúng con mồi dội xuống không báo trước.

Nagasaki đáng lý không phải chết. Trong những tháng trước vụ dội bom, các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự cao cấp Mỹ xem xét nên nhắm vào thành phố nào và có nên nhắm vào các cơ sở quân sự thuần túy hay không. Sau cuộc thảo luận bí mật của Hội đồng Đánh bom, thủ đô lịch sử và văn hóa Kyoto được miễn. Ngay lập tức Hiroshima, thành phố rất quan trọng trong nỗ lực chiến tranh của Nhật được chọn. Nagasaki không có trong danh sách. Kokura, một thành phố công nghiệp của Kyushu, hòn đảo lớn phía Nam được chọn. Nhưng vào ngày 8 tháng 8, máy bay ném bom đã lượn trên thành phố ba lần mà mây không che tan. Hết nhiên liệu, họ phải thả bom để quay về căn cứ. B-29 tận dụng một khoảng trống để thả bom xuống Nagasaki và nó không rơi vào trung tâm thành phố, mà rơi trên Urakami. Những đoạn phim quay từ máy bay rất ấn tượng. Chúng ta thấy khối nấm khổng lồ bốc lên trong khoảng trống của đám mây. Có thể nào chúng ta thấy ý nghĩa nghịch lý khủng khiếp của quả bom của “đất nước kitô giáo“ dội xuống thủ đô “kitô giáo“ của Nhật không?  Ngay sau chiến tranh, bác sĩ Takashi Nagai (1908-1951) đã cố gắng tìm hiểu điều này. Khi tìm trong đống gạch vụn căn nhà của mình, bác sĩ quang tuyến của thành phố Urakami tìm thấy vợ mình đã chết vì bom, bên cạnh tràng chuỗi chảy ra vì sức nóng. Tràng chuỗi được gìn giữ, đã nói nhiều điều hơn một bài phát biểu dài.

Đúng, đâu là ý nghĩa của việc này? Đến thăm Hiroshima và Nagasaki năm 1958, triết gia người Đức Günther Anders ghi trong nhật ký của mình: “Tại sao mọi người nên trở nên linh thiêng khi họ là nạn nhân của tội ác cực đoan nhất? Có lẽ giả định này không cân xứng, đến mức nó chỉ có thể hiểu được sau đó trong các thể loại tôn giáo tiêu cực, như một sự kiện của Luxiphe. Trước đây chưa bao giờ sự tiếp giáp của tàn bạo và thiêng liêng đối với tôi lại hiển nhiên như ở đây.” Mấy tháng trước vụ nổ bom, bác sĩ Takashi Nagai phát hiện mình bị ung thư máu và không còn nhiều thời gian để sống. Ông vẫn ở trong đống đổ nát của khu phố và dốc hết sức lực còn lại của mình cho hòa giải và xây dựng lại tinh thần cho một xã hội bị phá hủy. Theo truyền thống của các nhà thơ và ẩn sĩ, ông đã xây một túp lều nhỏ xíu cho mình và hai con. Tên của túp lều là Nyoko-do, “túp lều là chính mình”. Một lời nói ám chỉ điều răn của Thánh Kinh “yêu người như mình vậy.” Cuốn sách làm chứng của ông, Hồi chuông Nagasaki (The Bells of Nagasaki, 1949), là một thành công lớn, được phóng tác thành phim và bài hát của cuốn phim trở thành chủ đề âm nhạc vẫn nổi tiếng. Cho đến khi ông qua đời vào năm 1951, bác sĩ Nagai đã tiếp khách từ khắp nơi trên thế giới về, họ đến thăm người được mệnh danh là “Gandhi Nhật Bản”, nhưng người ta cũng có thể gọi ông là “Phanxicô Assisi của Nagasaki” vì đức tính khó nghèo và khiêm nhường tự nguyện của ông”. Án phong chân phước của ông chưa được mở. Nhưng sẽ có một ngày. 

Cự lại và kiên trì

Gần túp lều, được dời đi nhưng được duy trì tốt, tòa thị chính đã cho xây một trung tâm tài liệu nhỏ, kèm thêm một thư viện cho trẻ em. Giám đốc một đài tưởng niệm bom khác đưa cho tôi tấm danh thiệp của ông: “Tokusaburo Nagai, cháu trai của Takashi Nagai.” Người tín hữu công giáo này nối tiếp cha mình để duy trì thông điệp của tổ tiên. “Ông tôi cảm nhận, nếu mình là tín hữu kitô thì mình phải chấp nhận Nagasaki là một phần trong kế hoạch của Chúa. Có lẽ ông cần điều này để tự an ủi mình, để tiếp tục sống và để nâng đỡ người khác. Cốt lõi sứ điệp của ông tập trung vào tình yêu, hòa bình và hòa giải. Đó là những gì tôi đang cố gắng truyền tải từ nơi này cho tất cả mọi người đến đây, chung quanh một thông điệp phổ quát, nhưng đúng là thông điệp kitô: ‘Các con hãy yêu thương nhau’”. 

Tầm nhìn này, hy sinh và thần nghiệm, mạnh mẽ nhưng cũng gây tranh cãi. Cái chết của các tín hữu kitô Nagasaki đối với người công giáo là một hy tế như trong Thánh Kinh. Có phải Hoàng đế đã đưa ra quyết định đầu hàng vào ngày 9 tháng 8, khi nhà thờ đang cháy đó không? Nước Nhật đã không chấm dứt chiến tranh ngày 15 tháng 8, ngày Đức Mẹ Lên Trời đó sao? Nhưng làm thế nào để hiểu cái chết của các bạn nữ tu của tu viện Josei của ông? Và cái chết của các nữ sinh trường công giáo Junshin, nơi người vợ Midori của ông đã dạy ở đó? “Đó là sự quan phòng của Thiên Chúa đã chọn Urakami. Có một mối liên hệ sâu sắc nào giữa sự hủy diệt Nagasaki và sự kết thúc cuộc chiến không? Nagasaki có phải là con chiên không tì vết, của lễ hy tế trên bàn thờ, bị giết vì tội lỗi của tất cả các quốc gia không? Chúa đã cho, Chúa đã lấy lại. Ngợi khen danh Chúa. Chúng ta tạ ơn Chúa, vì qua sự hy sinh này, hòa bình đã đến với nhân loại.” Không có gì ngạc nhiên khi một số người khó chấp nhận cái nhìn này, như thể đó là để biện minh cho việc dội bom và hành động của nước Mỹ, nhưng đó không phải là ý của Bác sĩ Nagai.

Trên thực tế, người ta có thể đặt câu hỏi về “hữu ích” của vụ dội bom ở Hiroshima vào ngày 6 tháng 8. Và còn hơn thế, vụ ở Nagasaki ba ngày sau, sau tuyên bố chiến tranh của Liên Xô với Nhật Bản. Nhật Bản đã quỳ gối và một số nhà lãnh đạo của họ đang tìm cách đầu hàng, miễn là họ được giữ lại Hoàng đế. Nhiều nhà sử học tin rằng việc sử dụng hai quả bom liên tiếp của Tổng thống Truman đánh dấu sự kết thúc của Thế Chiến Thứ Hai ở châu Á ít hơn là bắt đầu thời kỳ chiến tranh lạnh. Khi đánh người Nhật, người Mỹ muốn gây ấn tượng với người Liên Xô. Stalin đích thực là người nhận thông điệp gửi đến Hirohito. Thảm kịch của bom, với nét đặc thù kitô giáo của Urakami thì rất lạ lùng vì nó thêm vào một lịch sử đã mạnh mẽ, được tạo ra từ hy vọng và khả năng phục hồi, của sự kháng cự và kiên trì.

Đây là một khía cạnh lịch sử khác của chuyến viếng thăm của giáo hoàng, có thể được gọi là “ấn bản Dòng Tên”. Để hiểu được việc này, chúng ta phải đi lui bốn thế kỷ về trước. Về thời Thánh Phanxicô Xaviê đến miền nam nước Nhật ngày 15 tháng 8 năm 1549, chỉ 10 năm sau khi thành lập Dòng Tên. Thánh Phanxicô Xaviê, bạn đồng hành với Thánh I-Nhã khám phá một vùng đất truyền giáo đầy hứa hẹn, nhưng cũng khám phá một nền văn hóa tinh vi, kể cả về mặt tôn giáo. Trên nền tảng của tiến bộ công nghệ phương Tây và triển vọng thương mại sinh lợi cho các lãnh chúa phong kiến địa phương, kitô giáo đang có những tiến bộ to lớn.

Về mặt văn hóa, nước Nhật thường quen thấy đến từ biển phương tây các vụ khơi dậy thiêng liêng, các trường phái tu viện và các sứ mạng mới

Vào cuối thời kỳ nội chiến, xã hội Nhật đang đi tìm một ý nghĩa và đặc biệt là sự cứu rỗi cho tất cả mọi người. Vào thời điểm kitô giáo được thu hút, phật giáo của “Tịnh độ” cũng dựa trên lời rao giảng về sự cứu rỗi sau khi chết là một thành công lớn. Về mặt văn hóa, nước Nhật thường quen thấy đến từ biển phương tây các vụ khơi dậy thiêng liêng, các trường phái tu viện và các sứ mạng mới. Sự phát triển của tình huynh đệ mang lại một chỗ đứng rộng lớn cho giáo dân, giúp cho đức tin hóa một cách nhanh chóng tại Nhật. Các tu sĩ Dòng Tên ăn mặc như các nhà sư làm nên điều kỳ diệu, dù có một số sai lầm đáng xấu hổ – bản dịch ngữ âm của Dai-uso về Chúa, “người nói dối vĩ đại ” ra tiếng Nhật.

Nhưng Nhật Bản đang thống nhất dưới sự cai trị của các tướng liên tiếp. Hai trong số họ, tướng Hideyoshi Toyotomi, sau đó là tướng Tokugawa Ieyasu – người sáng lập vương triều Shogun cai trị đất nước trong hơn hai thế kỷ, thời kỳ được gọi là thời Edo -, họ dè chừng kitô giáo. Họ không muốn bất kỳ quyền lực độc lập nào, cả vùng miền lẫn tôn giáo, chứ đừng nói đến nước ngoài. Không phải các thủy thủ Bồ Đào Nha đã huyênh hoang nói nước họ sẽ nhanh chóng chiếm được Nhật Bản đó sao? Họ trục xuất các nhà truyền giáo. Và vì kitô giáo không biến mất, mà ngược lại nên sự đàn áp càng mạnh mẽ. Cuối cùng, tướng Hideyoshi đã bắt 26 kitô hữu ở thủ đô và kết án tử hìnïh. Trên đồi Nishizaka, một con dốc gần cảng và nằm phía sau nhà ga hiện tại, một đài tưởng niệm nhắc đến sự hy sinh của các tín hữu này, bị đóng đinh ở đó ngày 5 tháng 2 năm 1597: 20 người Nhật, một người Mêhicô, một người Ấn-Bồ Đào Nha và bốn người Tây Ban Nha, các linh mục, các giáo dân, Dòng Tên và Dòng Phanxicô, đàn ông, phụ nữ, người lớn và trẻ em – một hình thức đại diện cho xã hội kitô giáo sơ khai, mà Thánh Paul Miki nổi tiếng, một chủng sinh Dòng Tên 33 tuổi.

Vụ này đã đánh dấu người Nhật thời đó. Không chỉ có vậy: ngay khi tin này đến phương Tây, nó có một tiếng vang rất lớn. Ông Kazuo Miyata giải thích: “Có thể hiểu rằng câu chuyện này đã tác động đến châu Âu,” ông Miyata là người tin lành, giám đốc của Đài tưởng niệm Công giáo. Với sự nhiệt tình giao tiếp, ông nhắc đến các vị thánh và thánh tích. Ông cũng chuẩn bị đón giáo hoàng. “26 người này là những vị tử đạo đầu tiên của châu Á. Trong khi ở châu Âu kitô giáo là chuẩn mực, người ta phát hiện một quốc gia từ chối nó. Đối với người phương Tây, đó là một tin vô cùng lớn, thúc đẩy cuộc tranh luận. Người ta xuất bản sách, làm huy chương tưởng niệm.”

Từ Sendai đến Rôma

Các trường học, các sinh viên, các thầy giáo chúng tôi có thể chưa chú ý, nhưng cuộc đàn áp kitô hữu ở Nhật được văn hào Pháp Voltaire nói đến trong Candide, được nhà văn Jonathan Swift nhắc đến trong Gulliver Phiêu lưu ký, được tư tưởng gia Montesquieu đề cập trong Từ tinh thần của pháp luật (De l’esprit des lois). Tất cả điều này, theo một cách nào đó, đã được quyền lực của tướng Hideyoshi và sau đó là tướng Tokugawa lên kế hoạch và mong muốn. “Sự lựa chọn của Nagasaki không phải ngẫu nhiên. Người ta bắt các tín hữu kitô này ở Kyoto, nhưng sau khi tra tấn họ, người ta kéo họ đi khắp nước, dẫn họ đến các thành phố là trung tâm kitô giáo nhưng cũng là một hải cảng lớn đầy thủy thủ Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.” Quý vị hãy chuyển thông điệp này! Các người tử đạo khác sẽ tiếp theo. Thậm chí khu vực Shimabara và Amakusa đã trải qua một cuộc nổi dậy lớn của 37.000 nông dân và hiệp sĩ đạo kitô giáo, nung nấu trong một hy vọng thiên niên kỷ. Những người tị nạn bị giam trong lâu đài, họ bị bỏ đói bỏ khát sau đó bị tàn sát một cách có hệ thống. Tác động chính trị và tôn giáo là rất lớn. Đất nước đóng cửa vĩnh viễn.

Nhưng nếu kitô giáo biến mất khỏi hiện trường thì nó không tắt lịm. Kitô giáo ẩn náu trong bí mật của gia đình, của cộng đoàn nông dân nhỏ, ở rìa phía nam nước Nhật, ở các hòn đảo hoang dã, cách xa quyền lực trung ương. Họ được gọi là tín hữu kitô ẩn giấu (kirishitan kakure). Để tìm thấy dấu vết của họ, tất cả đều khiêm tốn hơn những người khác, thì cần phải ngược xuôi ở quần đảo Goto, 1 đến 2 giờ đi thuyền ra khỏi Nagasaki. Ở Kashiraga, một hòn đảo nơi những người phong cùi bị lưu đày, tôi đến thăm một ngôi làng trên bãi biển nhỏ được bao quanh bởi một rừng hoa trà. Bốn gia đình ẩn ở đây để duy trì đức tin của mình. Chúng tôi xa cách nước Nhật với các thành phố đẹp, các cánh đồng lúa xinh đẹp! Ở Dozaki, trên hòn đảo chính, người ta cho chúng tôi xem một mảnh kimono bị sờn: vì thiếu linh mục để giải tội, họ đặt một mảnh vải áo của người truyền giáo vào tay người chết. Tại Nagasaki, tại đài tưởng niệm 26 vị tử đạo, người dân tôn kính các bức tượng của Maria-Kannon: để che mắt cảnh sát, Đức Mẹ bồng Chúa Giêsu có dáng dấp tượng từ bi của Phật giáo, với các nét phụ nữ.

Kitô giáo ẩn náu trong bí mật của gia đình, của cộng đoàn nông dân nhỏ, ở rìa phía nam nước Nhật, ở các hòn đảo hoang dã, cách xa quyền lực trung ương.  

Lịch sử gia đình của Tổng Giám mục Nagasaki hòa lẫn với lịch sử của kitô giáo Nhật Bản. Ngài kể bằng tiếng Pháp hoàn hảo: “Một trong các tổ tiên của tôi là Daigen Matsuo, thuộc thành phần của một phái đoàn quan trọng được lãnh chúa Sendai gởi đi Âu châu năm 1613.” Một phái đoàn ngoại giao của nước Mặt trời mọc đến châu Âu thời Khai sáng? “Đây chính yếu có lẽ là một phái đoàn thương mại, nhưng có tính cách chính trị và ngoại giao. Masamune Date, lãnh chúa của Sendai là người rất quyền lực. Ông cạnh tranh với tướng Tokugawa, lãnh chúa của Edo (ngày nay là Tokyo), người vừa thống nhất đất nước. Ông có tham vọng thống trị miền bắc Nhật Bản, chính vì vậy mà ông gởi phái đoàn riêng của mình đến châu Âu, gồm hơn một trăm người và được Đức Phaolô V tiếp, họ mang về một chân dung mà bây giờ là báu vật quốc gia được lưu giữ ở viện bảo tàng Sendai.” Một sự kiện đáng kinh ngạc, khi nghĩ về điều này: qua việc đón Đức Phanxicô về thăm nhà mình, Đức Tổng Giám mục trả ơn cho tổ tiên mình, đã được Rôma tiếp cách đây bốn thế kỷ! Năm 1620, khi trở về từ châu Âu, phái đoàn Sendai đến cảng Nagasaki, trước khi về làng của họ ở đầu bên kia đất nước, tận miền bắc.  

Nhưng trong suốt các năm dài vắng bóng, tình hình đã quay trở lại. Năm 1614, chế độ mới của các tướng quân Tokugawa đã ban hành sắc lệnh cấm người kitô giáo hoàn toàn. “Tổ tiên của tôi và hai trong số các bạn đồng hành của ông muốn giữ đức tin. Họ nhận ra sẽ không giữ đạo được ở Sendai nên họ rời vùng của mình để đến định cư ở Nagasaki, nơi gần như toàn bộ dân số, 50.000 vào thời điểm đó, là tín hữu kitô.” Nhưng ngay cả ở Nagasaki, dần dần với các vụ tra tấn hay hành quyết, hoặc đơn giản là để tránh bị tịch thu tài sản, một số đã phải bỏ đạo. Tình hình ngày càng khắc nghiệt. “Vì thế cuối cùng tổ tiên chúng tôi đã đi lánh nạn ở một ngôi làng miền núi. Họ đưa gia đình về định cư ở đó, sống cách biệt. Họ nghĩ rằng họ có thể tiếp tục giữ đạo. Và gia đình chúng tôi đã giữ đạo trong vòng 400 năm, trong đó có 250 năm sống ẩn dật.” 

Kitô giáo ẩn giấu

Hai trăm năm mươi năm sống ẩn giấu, làm sao có thể được? Đức Tổng Giám mục Joseph Mitsuaki Takami giải thích: “Thật ra, tín hữu kitô không sống ẩn dật nhưng họ che giấu đức tin của mình. Họ vẫn sống như những người khác, họ đi chùa phật giáo. Mỗi đầu năm mới, họ giữ nghi thức “fumie”, một nghi thức mà người tín hữu kitô phải dẫm hình ảnh Đức Mẹ hoặc Chúa Kitô trước công chúng để chứng minh mình người không phải kitô hữu. Giống như mọi người, tổ tiên chúng tôi phải làm nghi thức này. Nhưng họ vẫn kiên trì trong đức tin. Họ không phải là những người duy nhất. Bất chấp các cuộc khủng bố, các vụ hành quyết, sự tra tấn về thể xác và tâm lý vô cùng tàn khốc, bất chấp việc thiết lập một hệ thống kiểm soát xã hội và quan liêu phức tạp, hàng chục ngàn tín hữu kitô không có linh mục, không có bí tích vẫn duy trì đức tin. Ông Kazuo Miyata, giám đốc đài tưởng niệm 26 vị tử đạo đã không che giấu sự ngưỡng mộ của mình với những người cự lại trong suốt quá trình lâu dài này. Ông nhấn mạnh: “Họ không thể quên tình yêu của Chúa. Sau khi công khai dẫm lên hình Đức Mẹ và Chúa Kitô, họ về nhà xin Chúa tha thứ cho họ theo một nghi thức đã được ấn định. Đây là cách kitô giáo được duy trì. Chắc chắn, vì thay đổi với thời gian, họ hòa lẫn với tín ngưỡng bản địa, phật giáo hay thần đạo, đến mức một số người cho rằng đức tin của họ không liên quan gì đến phúc âm. Về phần tôi, tôi cho rằng nghĩ như thế là hoàn toàn sai. Có thể tín ngưỡng của họ lẫn vào các tín ngưỡng khác, nhưng có là quan trọng không? Trong 250 năm, họ đã giữ được điều cốt yếu, đó là tình yêu của Chúa Giêsu Kitô! Trên tất cả, đức tin của họ chắc chắn mạnh hơn chúng ta. Và nó không chỉ trong quá khứ. Ở Nhật, bây giờ chúng ta có tự do tôn giáo. Nhưng trong nhiều nước ở châu Á, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, tín hữu buộc phải giữ đạo âm thầm. Vào lúc này, như quý vị biết, trên thế giới vẫn còn các tín hữu kitô sống ẩn giấu.” 

Bất chấp các cuộc bách hại, hàng chục ngàn tín hữu kitô không có linh mục và bí tích vẫn vẫn duy trì đức tin của họ. 

“Bung ra” vào cuối thế kỷ 19

Ông Martin Nogueira Ramos, Viện trưởng trường Viễn đông Pháp ở Kyoto đã nghiên cứu đời sống của các cộng đoàn ẩn giấu này. Trong quyển sách rất hay, Đức tin của tổ tiên. Các tín hữu kitô ẩn giấu và người công giáo trong xã hội làng xã Nhật từ thế kỷ 17 đến 19 (La Foi des ancêtres. Chrétiens cachés et catholiques dans la société villageoise japonaise, XVIIe-XIXe siècles (CNRS éditions)), ông phân tích sự “bung ra” của họ vào cuối thế kỷ 19. Sau một thời gian dài nghiên cứu tài liệu của Hội Thừa sai Hải ngoại Paris và các nguồn tin Nhật khác, ông kể câu chuyện phi thường này. Nhưng nhà uyên bác cũng đưa ra các sắc thái du di quan trọng. Ông cho thấy trong suốt 250 năm này, không phải lúc nào chính quyền cũng bách hại nghiêm ngặt như lúc đầu. Ông viết: “Các cộng đoàn lớn đã có thể trải qua suốt thời Edo mà không phải lo lắng. Điều này là do các chiến binh tìm cách tốt hơn để đảm bảo sự tuân thủ chính thức với pháp luật hơn là kiểm soát tín ngưỡng của người dân”.

Đoạn kết cũng cảm động không kém. Ngày 17 tháng 3 năm 1865, hàng chục nông dân từ Urakami đến gặp Cha Petitjean, một linh mục người Pháp thuộc Hội Thừa sai Hải ngoại Paris, cha vừa đến định cư ở Nagasaki, họ xin ngài cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ. Họ kể câu chuyện của họ. Đương nhiên nhà truyền giáo rất chấn động vì không ai nghĩ các cộng đoàn này có thể sống sót. Ông Kazuo Miyata tha thiết kể: “Hãy tưởng tượng, những người này đã chờ đợi 250 năm trong hy vọng, ngoài mọi mong chờ họ sẽ gặp lại một linh mục và họ có thể xưng tội.” Nhưng sau đó, vì sao đạo công giáo quá phong phú trong câu chuyện phi thường này lại không phát triển được ở Nhật? Câu hỏi này luôn được đem ra thảo luận. Người ta thường nói đến chủ nghĩa tương đối của người Nhật, vốn chống lại chủ nghĩa tuyệt đối của người công giáo. Khi tiếp chúng tôi tại văn phòng ở Kyoto, ông Martin Nogueira Ramos đã nói thêm một yếu tố: đó là nạn giáo sĩ trị. Ông cho rằng sau việc tái khởi động lại mạnh mẽ, những người kế thừa các nhà truyền giáo Pháp đầu tiên của Hội Thừa sai Hải ngoại Paris đã xây dựng một hệ thống quá cứng nhắc, khác xa với sự mềm dẻo của các tu sĩ Dòng Tên áp dụng trong lần truyền giáo đầu tiên. Được xây dựng lại, Giáo hội đã thu mình vào tự do vừa tìm lại được của mình.

Tại Nagasaki, Tổng Giám mục đưa ra một lời giải thích khác, dường như không phù hợp với điều thứ nhất: “Mặc dù tự do tôn giáo đã được đảm bảo trong 150 năm, nhưng tâm lý của các kitô hữu ẩn giấu đã thấm nhập sâu đậm vào tâm hồn chúng tôi. Người công giáo nhận thức được bổn phận trao truyền đức tin nhưng chỉ cho con cái họ chứ không cho người khác. Trong các bài giảng của tôi, tôi luôn nhấn mạnh đến vấn đề này, nhưng rất khó để thay đổi tâm lý”, ngài lấy làm tiếc. Đức Giám mục Joseph Mitsuaki Takami kết luận: “Chúng tôi là một thiểu số nhỏ trong xã hội Nhật Bản. Chúng tôi phải trở nên một Giáo hội làm chứng. Tôi cũng mong đợi một sự khích lệ mạnh từ Đức Phanxicô cho việc này.”

Nhưng về cơ bản, người công giáo Nagasaki, tập trung vào cộng đoàn của mình và ít người truyền giáo, họ có quá khác biệt với người Công giáo Pháp không? Có phải chúng ta đều ít nhiều là tín hữu kitô ẩn giấu đó sao? 

Giáo hội Nhật Bản ngày nay

Số người công giáo Nhật ước tính có 444.000, tương đương với 0,35% dân số 127 triệu người, chủ yếu là phật giáo hoặc thần đạo. Giáo hội Nhật hiện có khoảng một trăm chủng sinh, 1.400 phó tế, linh mục và giám mục, và 550 nữ tu. 

Mười ngày trong lịch sử công giáo Nhật

1549 Thánh Phanxicô Xaviê đến Nhật. Bắt đầu truyền giáo.

1587 Nước Nhật trục xuất các nhà truyền giáo công giáo.

1597 26 người tử đạo ở Nagasaki.

1614 Cấm kitô giáo.

1637 Cuộc nổi dậy của nông dân kitô giáo ở Shimabara.

1641 Nhật đóng cửa hoàn toàn.

1644 Nhà truyền giáo cuối cùng bị giết.

1853 Người Mỹ buộc Nhật Bản phải mở cửa.

1865 Khám phá các tín hữu kitô ẩn giấu ở Nagasaki.

1868-1873 Đàn áp mới, sau đó cho phép kitô giáo.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Xin đọc thêm: Đức Giáo hoàng đến thăm Nhật Bản, một đất nước không để kitô giáo nhập vào