Đức Giáo hoàng đến thăm Nhật Bản, một đất nước không để kitô giáo nhập vào

2892

Đức Giáo hoàng đến thăm Nhật Bản, một đất nước không để kitô giáo nhập vào

lefigaro.fr, Régis Arnaud, 2019-11-22

Ngày thứ bảy 23 tháng 11-2019, Đức Phanxicô đến thăm Nhật Bản, một đất nước bất kham trong việc truyền giáo từ năm thế kỷ nay.

Trên đường đến Nagasaki và Hiroshima, Đức Phanxicô, người khi là tu sĩ Dòng Tên trẻ đã mơ mình sẽ đi truyền giáo ở đất nước này, ngài mong làm rung động sợi dây hòa bình của người Nhật.

Các đợt nóng cuối cùng của mùa thu bao phủ ngày chúa nhật, như mọi lần ở nhà thờ Yamate, Yokohama, thánh lễ bắt đầu lúc 9 h 30 sáng. Một thanh niên châu Phi dẫn đầu ca đoàn gồm các người Trung quốc, Ba Tây, Mỹ, ngay cả cũng có vài người Nhật. Người ta nghe tiếng khóc của các em bé. Những em bé tóc vàng như lúa mì giúp lễ cho linh mục Kizito, người Uganđa đã ở đây gần 4 năm, cha dâng thánh lễ bằng tiếng Anh. Một cộng đoàn sinh động, trẻ trung, đô thị ở một đất nước phát triển nhưng cự lại với việc di dân, họ đang dần ra về sau thánh lễ. Một giờ sau, các tín hữu Nhật thay thế các người trước trên hàng ghế và thánh lễ được dâng trong ngôn ngữ của họ: một nhóm nhỏ lớn tuổi mặc áo màu xám, theo một nghi thức máy móc hơn, trang trọng hơn, như hóa thạch. Gần như người ta có thể nghĩ họ không cầu nguyện cùng một Chúa. Một người quen thuộc với nơi này lấy làm tiếc: “Các cộng đoàn công giáo Nhật và người nước ngoài có các cuộc tranh chấp nhỏ”.

Từ ngày thứ bảy đến ngày thứ ba, cả hai Giáo hội Nhật này đều đón Đức Giáo hoàng trong một chuyến thăm lịch sử. Từ 23 đến 26 tháng 11, Đức Phanxicô đến Nhật lần đầu tiên sau lần Đức Gioan-Phaolô II đến năm 1981. Ông Kagefumi Ueno, cựu đại sứ Nhật tại Vatican cho đến năm 2011 giải thích: “Chuyến thăm này đã được chuẩn bị từ lâu. Chính quyền của Thủ tướng Abe thấy một ngày trống trong lịch của giáo hoàng và đã mời ngài đến.” Có tình cờ không? Không chỉ có vậy. Trong suốt triều giáo hoàng của mình, Đức Bênêđictô XVI không đặt chân đến châu Á. Ngài không thấy hứng thú với việc đến Nhật Bản: ngày nay cộng đoàn công giáo Nhật Bản tắt lịm. Họ chỉ có 440 893 giáo dân, chỉ chiếm 0,35 % đa số, trong khi toàn bộ kitô giáo cũng chỉ chiếm 0,83 %.

Một bí ẩn cần giải quyết

Đó là một nhóm chai cứng, già nua, trở lại muộn chứ không phải do cha mẹ truyền lại. Ngược lại các cộng đoàn người nước ngoài càng ngày càng tăng ở Nhật, phần lớn gồm các giáo dân của các nước công giáo lớn (Phi Luật Tân, Ba Tây, Việt Nam…) thoát khỏi sự xuống dốc này. Ông Pierre Sevaistre, người đang viết quyển sách lịch sử tín hữu kitô ở Nhật sắp xuất bản cho biết: “Thực tế Giáo hội Nhật ngày nay đa số là người nước ngoài, phần lớn đến từ Đông Nam Á và Châu Mỹ La Tinh, người Nhật không đến một nửa.”

Nhưng Đức Phanxicô không dừng ở con số. Đối với ngài, người có trách nhiệm truyền bá kitô giáo, nước Nhật là một bí ẩn cần giải quyết. Một vùng đất chưa bao giờ là vùng đất màu mỡ để truyền giáo, chính quyền chiến đấu bằng cấm đoán và bắt đạo trong nhiều thế kỷ, bây giờ thì chính quyền thờ ơ.

Năm 1549, Thánh Phanxicô Xaviê, một trong các nhà sáng lập Dòng Tên đã cùng với một vài tín hữu đến miền đất gần Kagoshima (miền nam nước Nhật) và bắt đầu truyền giáo từng người một cho đến trong bộ máy Quốc gia. Và các kẻ thù: khi thống nhất đất nước trong máu, đại tướng quân Toyotomi Hideyoshi cho đây là mầm của không thống nhất. Năm 1587 ông cấm truyền bá đạo kitô giáo trên toàn lãnh thổ. Để giết trong trứng nước, ông bắt người Nhật phải dẫm lên các vật dụng tôn giáo ở đền thờ Thần đạo shinto (quốc giáo của Nhật) mỗi năm một lần. Mọi tín hữu kitô nào bị phát hiện phải từ bỏ đức tin của mình, nếu không sẽ bị xử tử. Những người hiếm hoi không đầu hàng truyền lại lời dạy của Giáo hội, tạo ra con đường cho chính sự đồng bộ của họ, điều này trở nên khó hiểu ngay chính trong nội bộ những người giữ đạo.

Lệnh cấm được dỡ bỏ vào năm 1873 dưới áp lực của các nước phương Tây, một điều kiện để tái đàm phán “Hiệp ước các bất bình đẳng” được ký giữa Nhật và các nước ngoài. Nhưng cũng không tránh được cuộc thảm sát cuối cùng. Ông Pierre Sevaistre kể: “Năm 1867, tín hữu kitô ẩn giấu ở Urakami, Nagasaki nổi dậy chống lại nghi thức an táng theo Phật giáo. Họ bị bắt và bị đi đày. Tân chính quyền Minh Trị rất nghiêm khắc: trên 3000 người bị đi đày, trong ba năm có 600 người chết vì bị đối xử tàn nhẫn”. Năm vừa qua nước Nhật kỷ niệm 150 năm triều đại Minh Trị, tên của vị vua đưa nước Nhật sang thời hiện đại, đã không một tiếng thở dài cho sự tử đạo tối thượng này của kitô giáo.

Thậm chí cho đến bây giờ, hàng giáo sĩ Nhật và những tín hữu kitô ẩn giấu cuối cùng cũng không thể hòa giải với nhau, họ phớt lờ nhau. Còn về phần dân chúng thì tiếp tục thờ ơ với Giáo hội. Tuy nhiên đạo công giáo có một hình ảnh tốt trong nước. Đại học công giáo Sophia ở ngay trung tâm thủ đô Tokyo, mà tiếng chuông mỗi trưa vang lên là một thể chế tri thức công giáo rất quan trọng ở Nhật. Trường Thánh Tâm ở Tokyo, trường Thánh Maur ở Yokohama và các trường trung học khác là một vài trường đứng hàng đầu của nước Nhật. Các hôn lễ của người trẻ thường được cử hành trong các nhà thờ xoàng xỉnh với các linh mục giả để cho có vẻ thơ mộng. Nhưng các nhà thờ thì rất thưa thớt ngày chúa nhật. Hàng giáo sĩ buộc phải tìm các linh mục nước ngoài, nhất là ở vùng Đông Nam Á.

Xin đọc thêm: “Tại Nhật, kitô giáo có một hình ảnh tích cực”

Ở Nhật, sự từ chối kitô giáo nhiều hơn là ở các nước khác của Á châu. Các vùng kitô giáo khác được mở rộng ở Trung quốc, nhưng nhất là ở Nam Hàn, đất nước có một phần ba dân số là kitô giáo. Một bộ phận lớn trí thức và giới chính trị Nam Hàn không mặc cảm khi tuyên xưng đức tin của mình. Nhà văn Pierre Sevaistre giải thích: “Chính người Nam Hàn đi tìm kitô giáo. Họ không cần đến người nước ngoài dẫn dắt. Đó là cả một khác biệt”.

Ông Tomoki Yanagawa, đại diện Giêsu-hữu tại Nhật, một trong các người chính tổ chức chuyến tông du châm biếm nói: “Ba bộ trưởng của chính phủ Abe, trong đó có Bộ trưởng Tài chánh Taro Aso tự nhận mình là công giáo, dù đức tin chẳng có ý nghĩa gì với họ. Cũng như Tổng thống Trump nói mình là người công giáo…” Sự không thấm nhập của nước Nhật với kitô giáo được giải thích cụ thể bằng mối quan hệ mập mờ mà đất nước này đối xử với tất cả mọi hỗ trợ nào của nước ngoài. Tình trạng này đặc biệt được mô tả trong cuốn phim Thinh lặng (Silence) của điện ảnh gia Martin Scorsese phỏng theo tiểu thuyết cổ điển của Shûsaku Endô được thực hiện năm 2016. Ông Pierre Sevaistre nhận xét: “Trong tác phẩm của Shûsaku Endô, tác giả tự hỏi liệu người ta có thể nào vừa là người Nhật vừa là tín hữu kitô được không. Và ông không bao giờ trả lời có…” 

Một giấc mơ tuổi trẻ

Nạn nhân duy nhất của vũ khí nguyên tử, từ sau năm 1945, nước Nhật từ bỏ chiến tranh xâm lược và theo đuổi một khát vọng hòa bình, đáp ứng hành trình thiêng liêng của giáo hoàng. Một giai đoạn quan trọng trong chuyến đi, ngày chúa nhật Đức Phanxicô sẽ đến hai thành phố bị dội bom Nagasaki và Hiroshima. Chắc chắn đây là chuyến thăm làm người Nhật xúc động nhất. Ngày thứ hai 25 tháng 11, Đức Phanxicô sẽ gặp phái đoàn người dân ở Fukushima, một vết thương khác của hạt nhân, nhưng lần này ngài đụng đến vấn đề môi trường. Ông Kagefumi Ueno ghi nhận: “Giáo hoàng đã chọn tên Phanxicô là tên của Thánh Phanxicô Axixi người bảo vệ môi sinh trước mọi thời”.

Đứng trước nhà thờ Yamate, linh mục Kirito thở dài: “Ông muốn người dân ở đây xưng tội gì? Họ trung thực, quan tâm đến nhau, lịch sự… Họ có la bàn nội tâm riêng của mình”… Tuy vậy sự khởi đầu kitô giáo ở Nhật giữa những năm 1549 và 1587 lại hứa hẹn. Nước Nhật đương đại cũng có thể tiếp nhận một sự bổ sung tâm hồn, mà ngày nay thường bị lôi cuốn bởi hàng ngàn tà phái. Sự xuống cấp của các chuẩn mực xã hội, nạn mại dâm ở tuổi vị thành niên, nạn tự tử, tình trạng cô đơn của những người ở đô thị… các thảm kịch rình rập xã hội, đó là cơ hội cho sứ điệp đức tin và hy vọng. Bà  Yoko ‘Lucia’ Kajiwara, một giáo dân lớn tuổi ở nhà thờ Yamate buồn bã: “Chúng tôi chỉ nghĩ đến bản thân mình. Chúng tôi đọc trên báo, cha giết con trai, chồng giết vợ… Chúng tôi có một lỗ hổng trong tâm hồn”. Bà cầm trên tay tấm thiệp nhỏ có chữ “Giáo hoàng ở Nhật”, tấm vé để bà có thể dự thánh lễ Đức Phanxicô cử hành ngày thứ hai tại Sân vận động Tokyo Dome. Có lẽ bà sẽ ở cùng với ông Iwao Hakamada, một người bị lên án tử hình vừa được trả tự do sau 47 năm ở tù, và ở tuổi 83, việc tái bị giam cũng có thể xảy ra. Đức Giáo hoàng, người muốn “bảo vệ mọi sự sống” đã mời ông, chắc chắn sẽ làm cho nhà cầm quyền của một đất nước quyết liệt duy trì án tử hình bối rối.

Đối với tu sĩ Dòng Tên như Đức Phanxicô, Nhật Bản là giấc mơ tuổi trẻ: nếu có thể làm cho nước Nhật trở lại thì có thể làm cho toàn thế giới trở lại. Ngài đã nghĩ đến việc mình là nhà truyền giáo ở đất nước này, nhưng sức khỏe đã không cho phép. Một giáo dân của nhà thờ Yamate hy vọng: “Ngài sẽ làm lay chuyển hàng giáo sĩ Nhật.” Đàng sau ông thánh lễ đã kết thúc. Từ một thời gian gần đây, thánh lễ cử hành ở tầng hầm vì tòa nhà chính có nguy cơ sụp đổ và đang được sửa chữa.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Xin đọc thêm: Đức tin của các kitô hữu ẩn giấu ở Nagasaki, nước Nhật

Các kitô hữu ẩn giấu của nước Nhật, một phép lạ của đạo công giáo

Đức Phanxicô tại Trung tâm Bom nguyên tử ngày 24 tháng 11-2019 

Đức Phanxicô đến đồi Nishizaka để vinh danh các thánh tử đạo trong đó có Chủng sinh Paul Miki Dòng Tên Nhật và 25 đồng hữu tử đạo ngày 5 tháng 2 năm 1597. Ngài kêu gọi mọi người có “niềm vui trong sứ mạng.”

“Tôi đến đây như người hành hương hòa bình, khóc cho tất cả các người đã chết và bị thương trong ngày khủng khiếp này của lịch sử nhân loại trên quả đất này. Tôi cầu nguyện xin Chúa là Chúa của sự sống hoán cải các tâm hồn về với hòa bình, hòa giải và tình anh em.” Đức Phanxicô tại Hiroshima 24 tháng 11-2019