“Giáo hội Nhật Bản đang tìm một sức sống mới”
la-croix.com, Claire Lesegretain, Tokyo, 2019-11-18
Nhân dịp chuyến đi Nhật Bản của Đức Phanxicô vào ngày 23 tháng 11 sắp tới, báo La Croix có bài phỏng vấn linh mục Olivier Chegaray, Hội Thừa sai Hải ngoại Paris (MEP) sống ở Nhật từ 50 năm nay, linh mục cho biết người công giáo Nhật rất mong chờ chuyến đi này, nhất là mong Đức Phanxicô giúp họ sáng tạo hơn.
La Croix: Xin cha giải thích, làm thế nào mà hơn bốn thế kỷ rao giảng Tin Mừng, người công giáo Nhật Bản chỉ có không đến 0,5% dân số.
Linh mục Olivier Chegaray: Trong một cuộc họp về vấn đề này năm 2016, các tín hữu Nhật đưa ra nhiều giải thích: tính cứng nhắc và thiếu sáng tạo của tổ chức giáo hội; hố ngăn cách văn hóa giữa xã hội và Giáo hội; cách tiếp cận quá trí tuệ trong khi người Nhật rất cụ thể; thiếu đào tạo cho giáo dân (ngoài thành phố Tokyo, nước Nhật rất chậm về điểm này)…
Cuối cùng, người công giáo Nhật cảm nhận họ ở vào thế bế tắc. Để thoát ra họ chờ ở Đức Phanxicô, người rất nổi tiếng và được người dân ở đây yêu mến, họ sẽ không ngần ngại đi ra khỏi tâm lý bình thường để nói lên những gì không đúng. Cụ thể là các trường công giáo quá ưu tú và chưa có đủ tinh thần truyền giáo, các giám mục thì không chú ý đủ đến những gì đang xảy ra trong đất nước và bộ máy quan liêu của giáo phận thì quá xâm lấn…
Cái gì đã thay đổi Giáo hội kể từ chuyến thăm của Đức Gioan-Phaolô II năm 1981?
Năm 1981, người nước ngoài vẫn còn lãnh đạo Giáo hội Nhật, và Giáo hội chưa thật sự thấm nhuần tinh thần Công đồng Vatican II. Giáo hội được đánh dấu bởi hai thượng hội đồng quốc gia năm 1987 và năm 1993. Thượng hội đồng đầu tiên có tên là “Nice”, Hội nghị khuyến khích quốc gia về truyền giáo (National Incentive convention for evangelization) đã giúp cho các giám mục Nhật có hai định hướng lớn: loan báo đức tin kitô cho người không tin và làm việc hướng tới việc thiết lập một xã hội gần gũi với người thấp bé.
Thượng hội đồng “Nice” đã giúp cởi mở hơn và tiếp xúc với các thực tế, và cũng là dịp để cải cách tất cả các cấu trúc của Giáo hội, cho tới lúc đó Giáo hội bị chia thành từng vùng giao cho các Dòng hay các tổ chức truyền giáo nước ngoài trông lo.
Và thượng hội đồng thứ nhì?
Thượng hội đồng này nói về vấn đề gia đình. Nhưng trong thượng hội đồng năm 1987, hố ngăn cách giữa các giám mục tiến bộ (chủ yếu là các giáo phận ở các thành phố lớn) và các giám mục bảo thủ (các giáo phận phía Tây và Kyushu) đã có thể vượt lên được, nhưng năm 1993 thì hố ngăn cách này đã không vượt lên được.
Các giám mục tiến bộ quan tâm đến các tình huống gia đình khác nhau, đã không đồng ý với các giám mục bảo thủ, muốn xây dựng gia đình theo mô hình kitô giáo. Thượng hội đồng năm 1993 đã chia rẽ đến mức mà từ đó hội đồng giám mục Nhật Bản không dám đề cập đến vấn đề gây chia rẽ này. Ngày nay Giáo hội được quản lý tốt hơn nhưng có vẻ lạnh nhạt.
Không có các sự kiện bên ngoài nào làm thay đổi Giáo hội trong bốn thế kỷ qua?
Có, đặc biệt là sự hiện diện ồ ạt của người di dân, họ đến trong từng đợt kế tiếp nhau. Trong những năm 1980 là các phụ nữ Phi Luật Tân đến, thường thường đó là vợ của các nông dân hoặc những người làm việc trong các quán bar: một số trung tâm của giáo phận được mở ra để giúp họ học tiếng Nhật và làm quen với văn hóa Nhật.
Trong những năm 1990, con cái của những người di dân Nhật qua Châu Mỹ La Tinh làm ăn và thường những người này theo đạo công giáo, khi họ về nước tìm việc làm, các giáo xứ đã có nhiều sáng kiến để chào đón họ. Đầu những năm 2010, người Việt Nam và Phi Luật Tân được “huấn luyện” trong các nhà máy làm việc trong các điều kiện rất bấp bênh: họ làm cho giáo xứ đông lên và giáo xứ giúp họ về mặt tinh thần và vật chất.
Các sự kiện khác cũng làm thay đổi Giáo hội, nhất là vụ tấn công của tà phái Aum ở trạm xe điện ngầm Tokyo năm 1995 – từ đó rất khó để nói về tôn giáo vì người dân sợ bị lèo lái. Và tai nạn hạt nhân ở Fukushima năm 2011 cũng là dịp để Giáo hội giúp đỡ các nạn nhân mà không bị cho là chiêu dụ, trong dịp này Giáo hội đã hợp tác với các phật tử trong tinh thần hiểu biết và hài hòa.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Xin đọc thêm: Chi tiết chương trình chuyến đi Thái Lan và Nhật Bản của Đức Phanxicô
Hồng y Manyo Maeda: Vai trò của Giáo hội trong nước Nhật ngày càng thế tục hóa
Tại Nhật, Đức Phanxicô có thể sẽ không đồng ý với chính phủ về chương trình hạt nhân và hòa bình