Đức Lêô XIV: tông du, thả các nhà báo… Một giáo hoàng thoải mái trước giới truyền thông

146

Đức Lêô XIV: tông du, thả các nhà báo… Một giáo hoàng thoải mái trước giới truyền thông

la-croix.com, Matthieu Lasserre, Nicolas Senèze và Mikael Corre, 2025-05-12

Đức Lêô XIV đã gặp các nhà báo làm việc ở Vatican ngày 12 tháng 5. TIZIANA FABI / AFP

Ngày thứ hai 12 tháng 5, Đức Lêô XIV đã gặp các nhà báo từ khắp nơi trên thế giới về Vatican, một hoạt động đã trở thành truyền thống kể từ khi Đức Gioan Phaolô II được bầu, ngài tiếp tục sáng kiến của Đức Phaolô VI. Ngài ca ngợi giới báo chí và trả lời những câu hỏi không chính thức về chuyến tông du sắp đến của ngài.

“Người ta nói tiếng vỗ tay lúc đầu không quan trọng lắm… Nếu bạn vẫn còn tỉnh táo vào phút cuối và vẫn còn muốn vỗ tay… tôi xin cám ơn các bạn rất nhiều!” Trong tiếng cười và tiếng vỗ tay vang rền của khoảng 2.500 nhà báo tụ tập ở Hội trường Phaolô VI, ngài rất thoải mái, ngài phát biểu đầu tiên bằng tiếng Anh.

Rất nhiều lần, Đức Lêô đã bị ngắt quãng vì tiếng vỗ tay và tiếng hô vang “Viva il Papa!” Sự chào đón đặc biệt nồng nhiệt khi ngài nhấn mạnh đến “tinh thần đoàn kết” với các nhà báo bị giam giữ trên thế giới vì “nói lên sự thật”, ngài kêu gọi trả tự do cho họ: “Giáo hội nhìn nhận nơi những nhân chứng này – tôi nghĩ đến những nhà báo đưa tin chiến tranh bằng cả mạng sống của họ – lòng dũng cảm của những người bảo vệ phẩm giá, công lý và quyền được thông tin của người dân, vì chỉ những người được thông tin mới có thể đưa ra những lựa chọn tự do.”

“Chúng ta là đồng minh vì chúng ta đi tìm sự thật.”

Một lập trường mạnh mẽ, được các nhà báo đồng tình ủng hộ. Ông Antonio Pelayo, người đã đưa tin về Giáo hội trong 40 năm, sau cuộc họp ông cho biết: “Tôi nghĩ, đây là lần đầu tiên một Giáo hoàng yêu cầu thả các nhà báo bị cầm tù. Tôi thực sự thích những gì ngài nói về việc không chỉ bác bỏ mô hình chiến tranh mà còn không dự vào cuộc chiến bằng hình ảnh hoặc lời nói.”

Giống như Đức Phanxicô tiền nhiệm, Đức Lêô XIV muốn thiết lập mối liên hệ trực tiếp với các nhà báo, họ đã rất ngạc nhiên và thích thú. Ông Hendro Munsterman, phóng viên Vatican của tờ Nederlands Dagblad cho biết: “Ngài bắt đầu bằng tiếng Anh, như thể ngài muốn có mối quan hệ không chính thức ngay lập tức. Tôi cảm thấy ngài tin tưởng vào chúng tôi.” Một trực giác được nhà vatican học Tây Ban Nha Javier Martínez-Brocal đồng ý: “Chúng tôi là đồng minh vì chúng tôi đi tìm sự thật.”

Một chuyến đi Nicaea nhưng không đi Hoa Kỳ

Đi vòng quanh các đại diện truyền thông ngồi ở hai hàng ghế đầu, ngài trả lời ngắn gọn các câu hỏi. Khi được hỏi ngài có đi Iznik, Thổ Nhĩ Kỳ nhân kỷ niệm 1.700 năm Công đồng Nicaea, ngài cho biết: “Tôi đang chuẩn bị để đi.” Một nhà báo Mỹ hỏi ngài có lên kế hoạch đi Mỹ không, ngài trả lời: “Không sớm đâu.”

Ngài có khiếu hài hước, khi được hỏi ngài có đi Fatima ngày 13 tháng 5, ngài trả lời: “Hồng y Prevost đã có kế hoạch đi… nhưng bây giờ kế hoạch này đã thay đổi.” Như một dấu hiệu cho thấy sự gần gũi của ngài với giới truyền thông, trước khi bước ra lối giữa để rời khỏi phòng, ngài nán lại với một số nhà báo Peru, ngài chụp hình với bà Paola Ugaz, tác giả cuộc điều tra về cộng đồng Sodalicio, ngài quàng một chiếc khăn alpaca trên vai.

Là giám mục và sau đó là hồng y, ngài ủng hộ cách tiếp cận của bà và theo dõi trường hợp của cộng đồng tông đồ Peru cho đến khi giải thể năm 2025 vì có nhiều trường hợp lạm dụng tình dục và tâm lý.

Trong bài phát biểu, ngài kêu gọi một hình thức giao tiếp “khác”, một hình thức không tìm kiếm sự đồng thuận bằng mọi giá, một hình thức không áp dụng mô hình cạnh tranh. ngài lên tiếng: “Chúng ta phải nói ‘không’ với chiến tranh bằng lời nói và hình ảnh. Chúng ta phải từ bỏ mô hình chiến tranh. Quý vị là những người ở tuyến đầu, quý vị đưa tin về các cuộc xung đột và hy vọng về hòa bình, tình hình bất công và nghèo đói, cũng như công việc thầm lặng của rất nhiều người vì một thế giới tốt đẹp hơn.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Chân dung Đức Lêô XIV

Ngài có một tinh thần hòa dịu tuyệt vời ở mật nghị

Huy hiệu và khẩu hiệu của Đức Lêô XIV

Chúng tôi đã gặp anh của Giáo hoàng Lêô XVI tại Rôma

Ông John Prevost: “Tôi bị choáng khi nghe tin em tôi được bầu làm Giáo hoàng”

Đức Lêô XIV cho biết ngài chọn danh hiệu này vì cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo

Lựa chọn giữa Hồng y Parolin và Hồng y Prevost trong mật nghị

Quang tuyến mật nghị: A.I. phân tích vị trí của các hồng y

Ba chuyện làm người công giáo yêu mến Đức Lêô XIV

Tổng thống Volodymyr Zelensky nói chuyện với Đức Lêô