Những cuộc tranh cãi và rạn nứt nào trong lịch sử giáo hoàng
Trong giai đoạn gần đây nhất lịch sử, Giáo hội công giáo chưa bao giờ trải qua sự phản đối mạnh mẽ đến như vậy. Nhưng liệu sức tàn phá của cuộc khủng hoảng này có “chưa từng có” như người ta nói? Sử gia Martin Dumont phân tích.
lavie.fr, Martin Dumont, 2024-02-28
Công đồng Vatican I được tổ chức tại Nhà nguyện Mùa Vọng, tín điều về sự bất khả ngộ của giáo hoàng đã được ban hành (Đền thờ Thánh Phêrô, 1869-1870). ROGER-VIOLLET
“Nếu mạng xã hội đã có vào thời của Đức Phaolô VI, Đức Gioan-Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI, chắc chắn chúng ta cũng sẽ đọc những bài bình luận chỉ trích hoặc không tử tế về chức vụ các ngài. Nhưng theo tôi, dường như họ sẽ không bao giờ có một quy mô và mức độ giận dữ công khai như Đức Phanxicô bây giờ có.”
Bình luận của nhà xã hội học Jean-Louis Schlegel đăng trên chuyên mục của nhật báo La Croix ngày 6 tháng 1 năm 2022, có phần đáng nghi, nhưng gần đây nó đã có tiếng vang bất ngờ. Việc giữa tháng 12 năm 2023, Rôma công bố tuyên bố Fiducia supplicans đã gây một làn sóng phản đối của một số giám mục, thậm chí toàn bộ hội đồng giám mục, một hiện tượng mà theo đánh giá của một số bình luận gia là “chưa từng có”.
Căng thẳng và chia rẽ ngay từ các nguồn gốc
Nếu không thể chối cãi, lịch sử Giáo hội công giáo chưa từng gặp chống đối lớn như vậy trong thời kỳ gần đây nhất (ít nhất là sau Công đồng vừa qua), chúng ta sẽ thấy các nhận xét đưa ra cách đây hơn một thế kỷ của một học giả Kinh thánh Đa Minh ở Giêrusalem, nói với một tùy viên Rôma trong giai đoạn chống chủ nghĩa hiện đại, có một tiếng vang khác, với một hiệu quả đáng gờm: “Mọi người nghĩ rằng Rôma rất mạnh vì không ai dám chống cự công khai, nhưng chúng ta không biết có bao nhiêu người chán nản, họ đã xa cách trong lòng.” Người dám nói không ai khác là linh mục Marie-Joseph Lagrange, nhà sáng lập Trường Kinh thánh Giêrusalem, bị đe dọa với các lệnh trừng phạt của Rôma trong bối cảnh đàn áp toàn diện được tung ra trong cuộc chiến chống “chủ nghĩa hiện đại”.
Bài đọc thêm: Các cặp “bất hợp lệ”, thánh lễ tiếng la-tinh, vị trí dành cho phụ nữ: ai là các giám mục chống lại Đức Phanxicô?
Tuy nhiên, để có thể phần nào đặt câu hỏi về khía cạnh “chưa từng có” của hiện tượng hiện nay (chúng ta quên quá nhanh một vài yếu tố làm cho cán cân giảm xuống, đặc biệt là dàn âm thanh khủng của mạng xã hội), tuy vậy chúng ta có thể đặt câu hỏi về sự tồn tại (hoặc không tồn tại) của những khoảnh khắc chống lại giáo hoàng trị vì đã xuyên suốt lịch sử hoặc đó có phải là một sự kiện gần đây hay không.
Trên thực tế, không trở về với vụ tranh cãi ở Antioch làm cho Thánh Phaolô phải đọ sức với giáo hoàng đầu tiên, lịch sử Giáo hội công giáo có nhiều giai đoạn căng thẳng, chống đối giữa các phe phái và những nỗi đau lòng. Sự rạn nứt năm 1054 (trầm trọng hơn vào năm 1204) giữa Rôma và Constantinople, một cuộc tấn công mạnh vào chiếc áo không đường may, đã làm tương đối hóa một số thành ngữ diễn tả thái quá của tình hình giáo hội đương thời.
Nhưng chúng ta cũng nên đơn giản nghĩ đến cuộc khủng hoảng Arian vào thế kỷ thứ 4, sau đó, vào thời kỳ trung cổ là “cuộc tranh cãi về việc tấn phong” (chống giáo hoàng của Đế chế Rôma), và về cuộc Đại ly giáo, đỉnh cao của cuộc khủng hoảng khi cùng một lúc có ba giáo hoàng làm cho những người thức thời như Thánh Vinh Sơn Ferrier và Thánh Catarira Siênna phải bối rối.
Từ cuộc Cải cách Tin lành đến năm 1870
Sau khi bị rạn nứt lâu dài giữa Rôma và các Giáo hội Phương Đông (việc dỡ bỏ vạ tuyệt thông lẫn nhau giữa Rôma và Constantinople chỉ bắt đầu từ năm 1964, và sự chia rẽ vẫn còn), cuộc Cải cách Tin lành đánh dấu một giai đoạn mới trong lịch sử chống lại Rôma và giáo hoàng. Việc trưng 95 luận đề của Luther ở Wittenberg năm 1517 thoạt nhìn không nhằm vào giáo hoàng (chủ đề chủ yếu là về ân xá) nhưng 95 luận đề này sẽ đóng vai trò như một kết tinh, do thái độ Rôma và việc dứt phép thông công nhà cải cách, từ đó cuộc Cải cách lan rộng nhờ sử dụng khéo léo việc in ấn và sự ủng hộ của một số hoàng thân, dẫn đến những rạn nứt mới trong Giáo hội và châu Âu theo kitô giáo. Và làm thế nào mà không nhắc lại cuộc ly giáo của anh giáo sau khi giáo hoàng dứt phép thông công vua Henry VIII của nước Anh?
Bài đọc thêm: Đức Phanxicô, giáo hoàng của toàn cầu hóa?
Nhưng chắc chắn ở thời hiện đại (kể từ Cách mạng Pháp 1789), sự phản đối giáo hoàng là rõ ràng nhất và để lại dấu ấn với những lý do khác nhau. Phong trào cách mạng Pháp cuối cùng đã dẫn đến việc giáo hoàng
Piô VI bị bắt và bị giam ở Pháp (1799). Người kế vị ngài là giáo hoàng Piô VII, đã dự lễ đăng quang hoàng đế Napoléon nhưng vài năm sau bị quản thúc tại gia ở Pháp, làm quay lại phong trào “tôn kính giáo hoàng” (Bruno Horaist) không ngừng tăng trưởng.
Sau đó, Công đồng Vatican đầu tiên (1869-1870), do giáo hoàng Piô IX triệu tập, đã hoàn tất việc công bố tín điều không thể sai lầm của giáo hoàng sau các cuộc tranh luận sôi nổi, trong đó thiểu số đã đấu tranh gay go, cho đến khi có vẻ như tiếp tục chống đối hiến pháp Mục tử vĩnh cửu (Pastor ỉternus), thách thức chính giáo hoàng. Tuy nhiên, viễn cảnh về một biểu hiệu tối hậu chống đối xuất hiện trước cuộc bỏ phiếu cuối cùng. Có mặt tại Rôma, Louis Veuillot, người theo chủ trương giáo hoàng không thể sai lầm đã viết trên báo L’Univers: “Trong số những tin đồn đang lan truyền, có một số tin đồn tai hại. Người ta nói đến một cuộc họp bí mật sẽ được chính thức đề xuất và giải quyết chính thức, và những tin đồn này giờ đây dường như không còn khó xảy ra nữa. Đó sẽ là việc nói không, hét lên không, phẫn nộ lặp lại điều đó trước hội đồng và giáo hoàng, trước mộ Thánh Phêrô, trước mặt Thiên Chúa.” (17 tháng 7 năm 1870.)
Tuy nhiên, những người phản đối (55 giám mục trong số 700 giám mục) đã chọn rời khỏi Rôma và sảnh công đồng (gian giữa) vì thế không công khai bày tỏ sự bất đồng của mình, dẫn đến việc nhất trí thông qua (thiếu hai phiếu làm cuộc bầu của họ phải thay đổi ngay), hiến pháp Mục tử vĩnh viễn ngày 18 tháng 7 năm 1870 viết: “Vì sự vắng mặt của họ, các người chống đối đã nhất trí, họ đã làm được nhiều điều qua sự phản đối của họ.” Ông Louis Veuillot cũng viết cùng ngày như thế.
Hai công đồng lớn: Vatican I và Vatican II
Chắc chắn đây cũng là điều nổi lên từ Vatican I và những hậu quả của nó. Thế kỷ 19 đã làm nổi bật hình ảnh của một giáo hoàng hơn bao giờ hết, bị bao vây và dần dần mất đi các quốc gia của mình, cho đến khi giáo hoàng Rôma sụp đổ ngày 20 tháng 9 năm 1870. Chắc chắn, cám dỗ ly giáo vẫn còn rình rập, nhưng rất ít người dám lao vào. Khi kết thúc việc công bố tín điều mới, tất cả những người bỏ phiếu trắng đã gởi cho giáo hoàng Piô IX một thư phục tùng. Chỉ có một số ít người cương quyết rời bỏ Giáo hội công giáo.
Trong số đó, có nhà thần học người Đức Ignaz von Dưllinger, có liên hệ với những người công giáo-cổ, tuy nhiên ông lại từ chối chức vụ giám mục. Nhà truyền giáo nổi tiếng người Pháp Hyacinthe Loyson đi theo con đường tương tự theo lương tâm của mình, trước khi kết hôn, cha vẫn trung thành cho đến chết với cảm nhận chống chủ nghĩa không thể sai lầm của giáo hoàng. Thánh Têrêxa Lisiơ thấy nơi cha là “người em của mình, người con của Đức Mẹ, cầu nguyện cho cha trở lại đạo công giáo.” Biết được tin này, năm 1911, vài tháng trước khi qua đời, cha Loyson đã viết thư cho bề trên dòng Kín ở Lisiơ, “rằng nữ tu Têrêxa Lisiơ muốn tôi tuân phục giáo huấn của giáo hoàng, mà theo lương tâm tôi không theo, tôi tuyệt đối từ chối, tôi cho rằng như thế là phạm tội nặng chống lại sự thật và do đó chống lại Thiên Chúa”.
Nửa thế kỷ sau, một Công đồng khác, Vatican II, cũng đã gây ra những tranh chấp từ hai phía: sự phản đối của một thiểu số theo chủ nghĩa truyền thống-quá khích, đưa đến việc phong chức mà không được giáo hoàng cho phép vào tháng 6 năm 1988 (Chức linh mục của Huynh đoàn Thánh Piô X ); và các cuộc tranh luận giữa người bảo thủ và người cấp tiến trong việc áp dụng công đồng, lần lượt gây lo ngại cho Rôma từ năm 1966-1967. Kinh Tin Kính của Dân Chúa (Le Credo du peuple de Dieu), được Đức Phaolô VI công bố trong Năm Đức Tin và được thần học gia công giáo Pháp Jacques Maritain và hồng y Charles Journet cảm nhận phải được hiểu trong bối cảnh này.
Sự bùng nổ của thông điệp Sự sống Con người (Humanae vitae)
Cuối cùng, chúng ta phải đề cập đến một tiền lệ cho tình hình hiện nay, vẫn còn ghi nhớ trong tâm trí nhiều người, đó là thông điệp Sự sống Con người tháng 7 năm 1968. Theo một số người, đây là văn bản “tiên tri” do Đức Phaolô VI ban hành, bất chấp ý kiến trái ngược của một số người đã được hỏi ý kiến, trong bối cảnh bùng nổ, đã tạo một vụ bùng cháy trong thế giới công giáo. Những gì cha Marie-Joseph Lagrange, dòng Đa Minh viết năm 1909 về sự thái quá của phản ứng chống chủ nghĩa hiện đại có thể dễ dàng áp dụng cho giai đoạn này: “Mọi người nghĩ rằng Rôma rất mạnh vì không ai dám chống cự công khai, nhưng chúng ta không biết có bao nhiêu người chán nản, họ đã xa cách trong lòng.”
Có rất ít sự phản kháng công khai (từ các nhà thần học ở Hoa Kỳ, Pháp, Đức, nơi mà đại hội người công giáo Đức tháng 9 năm 1968, đã xin Đức Phaolô VI xem xét lại các lập luận của thông điệp. Chắc chắn, có những bước đầu rón rén. Nhưng cần phải nhớ, các hội đồng giám mục cũng phản đối văn bản của giáo hoàng. Ở châu Âu, điều này đặc biệt xảy ra ở Bỉ và Pháp. Sau khi do dự giữa một thư của các giám mục gởi cho giáo hoàng, một tài liệu của tòa giám mục gởi cho các giáo phận hay việc tổ chức một hội nghị với các nhà luân lý và giáo điều, các giám mục Bỉ đã chọn giải pháp đầu tiên (Tuyên bố về thông điệp Sự sống Con người ngày 30 tháng 8 năm 1968, trong đó đặc biệt đề cập đến “xung đột nghĩa vụ”).
Còn về phần các giám mục Pháp, trong phiên họp toàn thể ở Lộ Đức ngày 8 tháng 11 năm 1968, họ đã thông qua một ghi chú mục vụ đề xuất một cách giải thích cởi mở cho thông điệp, để các vợ chồng quyết định theo lương tâm: “Ngừa thai không bao giờ là một điều tốt. Nó luôn là một rối loạn, nhưng rối loạn này không phải lúc nào cũng có tội. Trên thực tế, các cặp vợ chồng phải đối diện với những xung đột thực sự về bổn phận”.
Trong bối cảnh giáo lý của Hà Lan và trước sự phản đối của người Đức, sự lựa chọn của người Pháp hẳn đã được đón nhận khá nồng nhiệt ở Rôma, trước khi việc tái tập trung được thúc đẩy dưới triều Đức Gioan Phaolô II, trong khi các phong trào phản đối Công đồng Vatican II (và khuynh hướng “tiến bộ” của họ) phải tiếp tục cho đến và kể cả dưới triều giáo hoàng hiện nay. Thực tế sẽ quá đơn giản nếu chúng ta thấy trong các phản ứng hiện nay với tuyên bố Fiducia supplicans đơn thuần là sự trỗi dậy của các cuộc tranh luận và chia rẽ hậu công đồng.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch