Các cặp “bất hợp lệ”, thánh lễ tiếng la-tinh, vị trí dành cho phụ nữ: ai là các giám mục chống lại Đức Phanxicô?

104

Các cặp “bất hợp lệ”, thánh lễ tiếng la-tinh, vị trí dành cho phụ nữ: ai là các giám mục chống lại Đức Phanxicô?

Hiếm khi trong lịch sử Giáo hội có sự chống đối giáo hoàng mạnh mẽ đến như vậy. Nhưng sự chia rẽ giữa “người bảo thủ” và “người cấp tiến” ở châu Âu đang nhường chỗ cho một cân bằng mới được tìm thấy giữa người công giáo ở Bắc và Nam bán cầu. Báo Đời sống (La Vie) tiến hành cuộc điều tra về những phản kháng này.

lavie.fr, Marie-Lucile Kubacki, Rôma, 2024-02-28

Hình ảnh.  ALESSANDRA BENEDETTI/CORBIS GETTY IMAGES

Bối cảnh diễn ra vào một tối thứ ba tháng 10 năm 2023 tại trung tâm Rôma, cách Quảng trường Thánh Phêrô một đoạn ngắn. Khi ở Vatican, 364 thành viên tham dự Thượng hội đồng về tính đồng nghị trở về sau ba ngày tĩnh tâm, những chiếc ghế nhung màu tím của nhà hát Ghione chào đón các khán giả rất khác với những khán giả thông thường là những người hâm mộ các tiết mục giải trí đại chúng: còn đây là những người hâm mộ hồng y Raymond Leo Burke.

Kể từ khi khai mạc Thượng Hội đồng về gia đình với các cặp “trong tình trạng bất hợp lệ” và việc hạn chế thánh lễ truyền thống bằng tiếng la-tinh, họ đã tập hợp được những người quan tâm đến triều giáo hoàng. Chương trình ngày 3 tháng 10 này, “Thượng hội đồng Babel”, hay lý do vì sao cuộc cải cách do Đức Phanxicô khởi xướng lại bị lên án, trở thành một tạp âm. Hồng y nói tiếng Ý pha giọng Mỹ, bình tĩnh khẳng định: “Rõ ràng không may, có một số người kêu cầu Chúa Thánh Thần để thúc đẩy một chương trình làm việc mang tính chính trị và nhân văn hơn là giáo hội và thần thánh.”

Hồng y Burke bị trừng phạt

Hai tháng sau, hồng y bị lấy căn hộ rộng 417 mét vuông và tiền lương – một quyết định được Đức Phanxicô công bố trong cuộc gặp với những người đứng đầu các bộ. Tờ báo Ý La Nuova Bussola Quotidiana là tờ báo tổ chức buổi tối tại nhà hát Ghione, tuyên bố Đức Phanxicô còn nói thêm, hồng y người Mỹ là “kẻ thù của ngài”. Độc địa, nhà báo Austen Ivereigh, người viết tiểu sử giáo hoàng trả lời. Trong một bài báo, ông nói Đức Phanxicô phủ nhận ngài đã nói nhận xét này, nhưng xác nhận ngài đã trừng phạt hồng y “vì hồng y đã dùng các đặc quyền của mình để chống lại Giáo hội”. Bão tố trong bình đựng nước thánh sao? Ý của Đức Phanxicô khi phủ nhận việc dùng thuật ngữ “kẻ thù” đã cho thấy khá rõ bầu khí lúc này. Một nguồn tin của Vatican nhận xét: “Không còn nghi ngờ gì nữa, chưa bao giờ sự chống đối đương kim giáo hoàng lại thể hiện một cách công khai trong nội bộ và qua lời của các hồng y như vậy.”

Đức Phanxicô bỏ các đặc quyền tiền lương, tiền nhà của hồng y Burke

Thật vậy, đây không phải là lần đầu tiên hồng y Burke công khai chỉ trích đường hướng của triều giáo hoàng. Tháng 7 năm 2023, hồng y Burke đã gởi một loạt dubia (nghi ngờ) đến giáo hoàng, có chữ ký của 4 hồng y khác: Walter Brandmüller người Đức, Juan Sandoval Íđiguez người Mexico, Robert Sarah người Guinea, cựu tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật các bí tích, và tổng giám mục danh dự Hồng Kông, Joseph Zen. Một hồng y cho mỗi lục địa, như thể để chứng minh cho thấy mức độ quan tâm rộng rãi đến như thế nào. Họ hỏi, có hay không, liệu chúng ta có nên giải thích lại Mặc khải của Thiên Chúa theo những thay đổi đang diễn ra về văn hóa và nhân học – vấn đề với mối quan hệ thế giới? Có hay không, các cặp đồng giới có được chúc phúc không? Truyền chức linh mục cho phụ nữ? Tha thứ cho một người khi không thấy có sự ăn năn rõ ràng? Có hay không, tính đồng nghị có phải là “chiều kích cấu thành của Giáo hội” không? 

Những trừng phạt nặng

Sau Thượng Hội đồng về Gia đình năm 2014-2015, Đức Phanxicô đã phải đối diện với hàng loạt nghi ngờ mà trước đó ngài đã chọn cách im lặng. Một dấu hiệu cho thấy thời thế đã thay đổi, lần này ngài đã trả lời hai ngày trước khi khai mạc đại hội ở Rôma. Cuộc họp ngài mời cả hồng y Gerhard Müller, cựu “giám chức bảo vệ tín lý”, người biên tập các tác phẩm của Đức Bênêđíctô XVI, nhưng lại thường chỉ trích ngài. Một cách để chứng tỏ Thượng hội đồng về tính đồng nghị “của ngài” có tính bao quát, không sợ những câu hỏi giận dữ, đồng thời để ngỏ các cánh cửa – những câu trả lời của ngài với các dubia đủ rộng để không khép lại suy tư về các chủ đề. Nhưng không vì thế mà ngăn hồng y Ludwig Gerhard Müller, cựu bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin có những lời buộc tội cay độc đăng trên National Catholic Register ba tuần sau, chống lại phương pháp của Thượng hội đồng này, mà theo ngài đã đặt cảm xúc lên trên suy tư thần học.

Hồng y Müller và “trật tự thế giới mới”: một cuộc phỏng vấn bùng nổ

Burke, Müller, Brandmüller, Sarah, Sandoval, Zen. Nếu mỗi người dự cuộc biểu tình vì những lý do khác nhau – thỏa thuận tạm thời ký với Trung Quốc về việc bổ nhiệm các giám mục có tính quyết định trong bước ngoặt quan trọng của tổng giám mục Hồng Kông, người xem đây là sự phản bội – thì bây giờ họ là một phần của “những nghi phạm thông thường”, những người mà chúng ta không còn ngạc nhiên khi họ có tiếng nói trái ngược.

Danh sách này có thể thêm vào tổng giám mục Georg Gäenswein, cựu thư ký riêng của Đức Bênêđíctô XVI, bị Đức Phanxicô gởi về giáo phận Fribourg-en-Brisgau ở Đức sau khi Đức Bênêđictô XVI qua đời, tổng giám mục đã viết một quyển sách đưa ra những khác biệt giữa Đức Phanxicô và Đức Bênêđictô XVI. Ngoài ra còn có Athanasius Schneider, giám mục phụ tá giáo phận Astana, ở Kazakhstan, tháng 9 năm 2023 đã viết một bài báo hỏi, liệu triều của một giáo hoàng dị giáo có thể được xem là hợp lệ bất chấp mọi thứ hay không. Hay giám mục Joseph Strickland thường xuyên chỉ trích, đã bị cách chức khỏi quyền quản lý giáo phận tháng 11 năm 2023.

Giám mục Gänswein trở về giáo phận của ngài nhưng không có chức vụ

Georg Gäenswein (hình năm 2014), cựu thư ký của Đức Bênêđíctô XVI, đã bị Đức Phanxicô gởi về lại giáo phận Fribourg-en-Brisgau ở Đức sau khi Đức Bênêđictô XVI qua đời. REUTERS/ANDREAS SOLARO/POO

Nếu Đức Phanxicô bắt đầu triều của ngài với lời xin mọi người “cầu nguyện cho ngài”, thì từ nhiều tháng qua, ngài có thói quen xin đừng “cầu nguyện chống lại ngài”. Sự đề phòng không phải là thừa vì ấn tượng rất lớn về một phong trào chống-Phanxicô đủ kiểu, dựa trên những lời chỉ trích về bản chất rất đa dạng, đôi khi kết hợp với nhau. Ấn tượng được chính ngài xác thực khi được hỏi về sức khỏe của ngài năm 2021, nửa cười, nửa nghiêm túc, ngài trả lời: “Tôi vẫn còn sống mặc dù có một số người muốn tôi chết.”

Các phương pháp đưa ra tranh cãi

Nhưng những người gièm pha buộc tội ngài về chuyện gì? Các giám chức ở Giáo triều thấy sự thay đổi là cần thiết sau khi triều Đức Bênêđictô XVI kết thúc, nhưng những lời chỉ trích liên tục về sức khỏe yếu, về chủ nghĩa thăng quan tiến chức của các giám mục, về chủ nghĩa giáo sĩ trị của các linh mục cuối cùng đã gây tổn hại. Họ cũng thảo luận về cách thức quyết định, với mạng lưới cố vấn của ngài, bỏ qua các cơ quan trung gian, ngoại giao chính thức, các bộ, Hồng y đoàn. Nhiều giai đoạn để lại dấu ấn. Đặc biệt, việc đặt Caritas quốc tế dưới chế độ giám sát vào cuối năm 2022, trong một cuộc họp đáng nhớ ở Rôma, trong đó hồng y Luis Antonio Tagle, bộ trưởng bộ Truyền giáo lạnh lùng đọc sắc lệnh của giáo hoàng tuyên bố đình chỉ chức vụ của chính mình cũng như chức vụ của ông Aloysius John, tổng thư ký tổ chức Caritas quốc tế.

Gần đây, phiên tòa xét xử hồng y Angelo Becciu, bị tòa án Vatican kết án 5 năm rưỡi tù vì tội tham ô, đã gây ra bất ổn, không phải vì bản chất mà về cách giáo hoàng xử lý vụ việc, đã tước bỏ quyền hồng y – đặc biệt là quyền bỏ phiếu trong mật nghị – cả trước khi phiên tòa diễn ra. Những ví dụ vang dội này được các nhân viên cấp trung của Vatican trích dẫn như bằng chứng cho sự quản lý tàn bạo, trong bối cảnh u ám liên quan đến chính sách quản trị của Ban Thư ký Kinh tế (SPE) đưa ra, không tăng lương, không tuyển dụng cũng như tình trạng thiếu nhân lực.

Tháng 12 năm 2023, hồng y Giovanni Angelo Becciu bị tòa án hình sự Vatican kết án 5 năm rưỡi tù vì tội tham ô (hình tháng 11 năm 2018). PHOTO12/ABC/ERIC VANDEVILLE

Hồng y Becciu bị kết án 5 năm tù, bài học từ một phiên tòa ngoại thường

Một nguồn tin của giáo triều cho biết: “Hiện tượng gạn lọc luôn tồn tại, trước đây có một ranh giới rõ ràng, chẳng hạn trường hợp các nhà thần học giải phóng dưới thời Ratzinger. Bây giờ, có những xáo trộn làm mọi người có cảm tưởng các quyết định được đưa ra dựa trên những tiêu chuẩn không cần phải phân tích. Vì sao một hồng y bị đặt vấn đề vẫn còn tại chức, trong khi một hồng y khác ngay lập tức bị miễn nhiệm cả trước khi phiên tòa xét xử họ? Điều tương tự cũng xảy ra với các giám mục… Một số dường như được hưởng nhiều lòng thương xót hơn một số khác, và việc không có một lời giải thích tối thiểu nào tạo một bầu khí thuận lợi cho những tin đồn.”

Và còn những phản ứng bên ngoài Vatican. Ở Ukraine, các bài phát biểu và sáng kiến của giáo hoàng thường bị chỉ trích, như một phụ nữ Nga và một phụ nữ Ukraine ở cạnh nhau khi đi đàng Thánh giá ngày Thứ Sáu Tuần Thánh năm 2022. Tại Hoa Kỳ, Thông điệp Laudato si’ với lập trường phóng khoáng và việc khuyến khích không đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch, đã dấy lên sự phẫn nộ của một số nhà tài chính công giáo và một sự chống đối kinh tế-chính trị được che đậy bằng các lập luận tôn giáo. Một nguồn tin của Vatican cảnh báo: “Nhưng hãy cẩn thận để không thấy sự phản đối ở khắp mọi nơi! Chắc chắn Đức Phanxicô có nhiều người chống đối, nhưng theo thăm dò mới nhất của Viện Gallup, có 77% ý kiến ủng hộ ngài trong số các người công giáo Mỹ.”

Từ góc nhìn hậu-Phanxicô

Tuy nhiên, điều mới là các nhóm này không còn khổ công phản ứng ồn ào, họ thích dồn năng lực cho thời hậu-Phanxicô, với tiền tài trợ từ các cơ sở đào tạo, các trường đại học mùa hè, của các cơ quan truyền thông.

Còn với châu Âu, khi một số người ủng hộ cách giáo hoàng thực hiện thần học và đưa văn hóa Mỹ-la tinh cởi mở với lòng mộ đạo bình dân và ý thức cụ thể, một phần của thế giới trí thức công giáo, các học giả, thần học gia, các nhà giáo luật thuộc mọi thành phần sẽ trách cứ giáo hoàng nuôi dưỡng một tinh thần “phản-trí thức”, hơi “dân túy”, tạo một khoảng cách càng ngày càng khó giữ giữa những cởi mở về mục vụ và học thuyết, mà nhiều lần ngài tuyên bố là không muốn đụng tới.

Một nguồn tin của Vatican lưu ý: “Điều mới, kể từ khi bắt đầu Thượng hội đồng về tính đồng nghị, các tấn công chống lại ngài phần lớn liên quan đến tấn công chống lại Thượng hội đồng và, ở một mức độ nào đó là chống lại Vatican II”.

Bất chấp nhiều chông gai trên đường, Đức Cha Phanxicô vẫn tiếp tục tiến bước

Cuối cùng, những lời chỉ trích về triều của ngài có thể là cái đuôi sao chổi của những tranh luận sôi nổi trong những năm 1960 và 1970 không? Sử gia Martin Dumont phân tích: “Ở một mức độ nào đó, chúng ta thấy các tranh luận diễn ra dưới thời Đức Gioan-Phaolô II giữa một bên là các nhóm liên kết với Concilium và một bên với Communio, tức là cách diễn giải và những hậu quả đưa ra cho Công đồng: ở lại ở khúc sông mắc cạn hay đi xa hơn bằng cách mở các hồ sơ của cố hồng y Martini (tổng giám mục giáo phận Milan nổi tiếng với các lựa chọn cải cách, ngài qua đời năm 2012). Tóm lại: bậc sống độc thân của linh mục, vị trí của phụ nữ trong Giáo hội, thừa tác vụ cho giáo dân, luân lý tình cảm và tình dục, thực thi quyền lực trong Giáo hội…”

Nhà sử học nói thêm: “Sự việc mới dường như là quan điểm của hàng giám mục của khu vực châu Phi cận Sahara, được cho thấy sau khi tuyên bố Fiducia supplicans về khả năng chúc phúc cho các cặp đồng giới. Điều này vượt xa những chia rẽ truyền thống. Mặt khác, trong giới cải cách cũng vậy, một số người chỉ trích các khía cạnh trong cách quản trị của Đức Phanxicô và quan niệm của ngài về quyền lực, như sử gia Alberto Melloni, một nhân vật của Trường phái Bologna, ít bị nghi ngờ theo chủ nghĩa bảo thủ.”

Giáo hội châu Phi từ chối chúc lành cho các cặp đồng tính

Fiducia supplicans: những phản đối kịch liệt

Cuộc khủng hoảng mới nhất, việc các Hội đồng Giám mục châu Phi không chấp nhận tuyên bố Fiducia supplicans, văn bản được bộ Giáo lý Đức tin công bố ngày 18 tháng 12 năm 2023, mở ra khả năng chúc phúc cho các cặp đồng giới, với sự ủng hộ mạnh mẽ của giáo hoàng, tạo một quá trình tế nhị cho triều của ngài. Sử gia Martin Dumont cho rằng: “Cuộc khủng hoảng này sâu sắc hơn sự phản đối ngài mà chúng ta đã biết trong những năm đầu tiên của ngài. Tôi không quá lo lắng về một vài thái cực có thể cho là dị giáo trong mỗi quyết định của giáo hoàng – chúng luôn giống nhau – nhưng tôi lo lắng cho làn sóng mới này. Trong những năm 1960 hoặc 1970, chúng ta chỉ có một danh sách hạn chế các vấn đề tế nhị như cách tránh thai và phụ nữ, những vấn đề chủ yếu chỉ có châu Âu và Bắc Mỹ quan tâm. Nhưng bây giờ nổi lên những vấn đề không những chỉ ảnh hưởng đến một bộ phận nhỏ giáo dân mà còn ảnh hưởng đến cả một lục địa đang phát triển là châu Phi.”

Làm thế nào hồng y Ambongo đã thuyết phục Đức Phanxicô về chúc phúc cho các cặp đồng tính ở châu Phi

Đúng là vào tháng 10, trong giai đoạn Thượng Hội đồng tại Rôma, vấn đề chúc phúc cho các cặp đồng tính đã được nêu lên. Các thành viên châu Phi tham dự cho biết, các vấn đề liên quan đến giới tính và đồng tính là “vấn đề của phương Tây”, ít có ở châu Phi vì châu Phi là đất của chế độ đa thê – phải làm gì khi một ông có nhiều vợ trở lại đạo công giáo? Trong tài liệu kết luận, vấn đề chúc phúc đã bị loại. Vì thế hai tháng phiên họp đầu tiên của Thượng hội đồng, việc Vatican công bố văn bản này bị xem như một áp bức của phương Tây, mang hơi hướm chủ nghĩa thực dân ý thức hệ, ngang hàng với các tổ chức phi chính phủ cung cấp viện trợ quốc tế cho việc phát triển các chương trình về giới tính hoặc quyền của người LGBTQIA+.

Hồng y Fridolin Ambongo Besungu bày tỏ sự bối rối trước văn bản Fiducia supplicans (trong thánh lễ tại diễn tả tháng 10 năm 2023). ALESSIA GIULIANI/CPP

Còn hơn cả sự phản đối giáo hoàng, đây là xác nhận một trong những trực giác của ngài: rằng Giáo hội công giáo đã bước vào một thế giới đa cực, đánh dấu qua sự xuống cấp của châu Âu và phương Tây, bây giờ trọng tâm của Giáo hội đã chuyển sang châu Phi và châu Á. Vì thế một số trực giác cải cách nào đó của Đức Phanxicô có thể đi ngược với sự tái cân bằng mà chính ngài đã đồng hành và khuyến khích bằng cách quốc tế hóa Hồng y đoàn. Gần đây sử gia Thomas Tanase viết trên Diploweb: “Không phải ngẫu nhiên mà bây giờ chúng ta nói về khả năng xảy ra một cuộc ly giáo trong thế giới công giáo, dù hiện nay đó chỉ là nỗi sợ cần tránh. Vấn đề là, bất chấp tính phổ quát của nó, chế độ giáo hoàng được xây chung quanh chính phủ Rôma và châu Âu, chắc chắn là hướng về thế giới, nhưng bộ máy vẫn đậm tính cách Ý và được xây dựng để quản lý sự đa dạng của Pháp, Tây Ban Nha, Trung Âu, Đức, Anh trong thế kỷ 16, đã cho thấy họ quá đa dạng để có thể cùng nhau hội nhập hoàn toàn. Giờ đây, Giáo hội công giáo phải đoàn kết với những thế giới rất khác nhau, từ Argentina đến Hồng Kông qua Châu Phi.”

Vì vậy, sự chống đối không phải là vấn đề chính của Đức Phanxicô. Theo sử gia Tanase, vấn đề của ngài, cũng là vấn đề của những người kế vị ngài sẽ phải giải quyết, là thấy mình đang ở trong một sự thay đổi được đánh dấu bằng những tái cấu hình to lớn trên quy mô thế giới, nơi mà Giáo hội công giáo thấy mình bị mắc kẹt, theo Thomas Tanase. Điều này liên quan đến việc quản lý một sự đa dạng chắc chắn đã có từ khi bắt đầu kitô giáo, nhưng chưa bao giờ đạt đến mức độ lớn như vậy, trong khi trọng tâm của nó là ở Rôma, trong một châu Âu đang gặp khủng hoảng. Một câu hỏi được thể hiện trực tiếp nhất trong câu hỏi muôn thuở: “Giáo hoàng tiếp theo có phải là người Ý hay không?”

Hồng y Raymond Burke: siêu sứ giả của truyền thống

Hồng y Raymond Burke. REUTERS/ALESSANDRO BIANCHI

Là biểu tượng của thế giới theo chủ nghĩa truyền thống và những người bảo thủ Mỹ, từ lâu hồng y Burke đã phản đối các định hướng của triều giáo hoàng trên bình diện luân lý và phụng vụ. Là nhà giáo luật, chuyên gia về luật của Giáo hội, cựu chủ tịch Tòa phá án Vatican, và từ đó ông mở rộng phạm vi phê phán với toàn bộ cuộc cải cách của Giáo hội, đặc biệt với tính đồng nghị do Đức Phanxicô thúc đẩy, ông cáo buộc ngài duy trì sự mơ hồ và nhầm lẫn về mặt giáo lý, nhưng cũng muốn cắt đứt với truyền thống Giáo hội. Ông bảo vệ khả năng chất vấn chỉ trích với triều giáo hoàng, nhưng ông không xem đây là sự phản đối cá nhân với giáo hoàng.

Hồng y Gerhard Müller: người chỉ trích nặng nề chủ nghĩa hiện đại. FABIO PIGNATA/CPP

Người từng bảo vệ học thuyết, được bổ nhiệm vào Vatican dưới thời Đức Bênêđíctô XVI và được Đức Phanxicô phong hồng y năm 2014, và năm 2017 đã không được tái bổ nhiệm đứng đầu bộ Giáo lý Đức tin trong bối cảnh căng thẳng với Ủy ban Giáo hoàng Bảo vệ Trẻ vị thành niên. Không còn nghĩa vụ ở Giáo triều, kể từ đó, ngài có nhiều cuộc phỏng vấn nảy lửa. Ngài tố cáo triều Đức Phanxicô hướng đến “chủ nghĩa hiện đại”, từng bị Đức Piô X lên án, và theo ngài, những người chung quanh Đức Phanxicô ủng hộ khuynh hướng này. ngài là người xuất bản các tác phẩm của hồng y Ratzinger, mang một nỗi hoài niệm về triều Đức Bênêđictô XVI, một hoài niệm bùng lên nhân dịp kỷ niệm ngày giáo hoàng danh dự qua đời.

Giám mục Athanasius Schneider: tiếng nói từ Trung Á. GALAZKA/SIPA

Sinh năm 1961 tại Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết Kyrgyzstan, cha mẹ là người Đức định cư ở Biển Đen sau khi bị trục xuất dưới thời Stalin, giám mục phụ tá tổng giáo phận công giáo Astana, ở Kazakhstan, chuyên gia về giáo phụ, biết nhiều ngôn ngữ, công chúng ít biết ngài, nhưng ngài được biết đến nhiều trong giới theo chủ nghĩa truyền thống. Thông minh và thận trọng, ngài luôn cẩn thận tránh đối đầu trực diện với Rôma. Sau khi tông huấn Niềm vui Tình yêu, Amoris Laetitia công bố, bất chấp tất cả, ngài đồng viết một văn bản giải thích việc từ chối cho những người ly dị và tái hôn rước lễ trong một hôn nhân mới, ngài cho việc hạn chế Thánh lễ theo nghi thức Tridentin là “lạm dụng quyền giáo hội”. Ngài đại diện cho những căng thẳng có thể tồn tại ở một số Giáo hội Đông Âu trước những mong muốn cải cách của Đức Phanxicô.

Hồng y Joseph Zen: một giám chức cảm thấy mình bị phản bội. LÉA CRESPI

Tổng giám mục danh dự Hồng Kông là một trong những hồng y đã gởi cho giáo hoàng những nghi ngờ, dubia, trước Thượng hội đồng về tính đồng nghị tháng 10 năm 2023, về các chủ đề liên quan đến đạo đức và tổ chức của Giáo hội. Nhưng chính thỏa thuận tạm thời giữa Vatican và Trung Quốc, được ký lần đầu tiên vào năm 2018, đã đánh dấu một bước ngoặt trong mối quan hệ của hồng y với giáo hoàng, dù ngài thường tập trung chỉ trích nhiều hơn vào hồng y Quốc Vụ Khanh Pietro Parolin, người mà ngài cáo buộc “ bán Giáo hội công giáo cho chính quyền cộng sản.” Ngài là hiện thân của một trong những gương mặt thách thức ospolitik của Vatican (chính sách bình thường hóa quan hệ của phương Tây với Đông Âu và Liên Xô trong những năm 1970.

Tổng giám mục Georg Bätzing: Con đường Thượng hội đồng Đức.  HASAN BRATIC/SIPA

Chúng ta đã quen hình dung các lĩnh vực căng thẳng với Đức Phanxicô chỉ giới hạn ở phía “bảo thủ”. Georg Bätzing, chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức và cùng với ngài, những người ủng hộ con đường đồng nghị của Đức, minh họa điều ngược lại, dù không thể xem họ là những người chống đối. Ở trung tâm, có một hiểu lầm bắt nguồn từ việc giải thích cuộc khủng hoảng lạm dụng, điều mà Đức rất quan tâm và Vatican lại ít quan tâm hơn. Cách tiếp cận của Hội đồng Giám mục Đức, cố gắng cải cách để giải quyết các vụ tai tiếng, bằng cách xem lại việc thực thi quyền lực của các giám mục, đã bị giáo hoàng cho là theo “chủ nghĩa tinh hoa” và “ý thức hệ”, quá tập trung vào cải cách cơ cấu mà không chú ý đầy đủ đến các khía cạnh thiêng liêng của việc “thờ phượng, cầu nguyện và sám hối”. Một giai đoạn căng thẳng mới xảy ra vào giữa tháng hai khi Vatican đòi hỏi và buộc phải đình chỉ cuộc bỏ phiếu ở Đức nhằm thành lập Ủy ban thường trực gồm các giám mục và giáo dân. Cuộc thảo luận vẫn đang tiếp tục.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch