Đức Phanxicô bỏ các đặc quyền tiền lương, tiền nhà của hồng y Burke
Giáo hoàng sẽ bỏ các đặc quyền, tiền lương, tiền nhà chính thức ở Rôma của hồng y Raymond Burke, một trong những người nổi tiếng chỉ trích ngài gay gắt nhất, hồng y bị buộc tội làm “mất đoàn kết” trong Giáo hội. Hồng y cho biết ông sẽ tìm một căn hộ khác trong thành phố.
lavie.fr, Henrik Lindell, 2023-12-01
Hồng y Raymond Burke đã tổ chức buổi hội thảo “Thượng Hội đồng tháp Babel” ngày 3 tháng 10 năm 2023, một ngày trước ngày khai mạc Thượng hội đồng về tính đồng nghị, mà ông đã công khai chỉ trích. REMO CASILLI/REUTERS
Theo các nguồn tin cậy và phù hợp nhau, trong cuộc gặp với những người đứng đầu các bộ ở Giáo triều ngày 20 tháng 11 năm 2023, Đức Phanxicô loan báo hồng y Raymond Burke sẽ mất căn hộ ở Vatican và tiền lương. Ít nhất một lời giải thích cho quyết định này đã được ngài đưa ra: hồng y là “nguồn gốc gây chia rẽ trong Giáo hội”.
Quyết định này không được giải thích thêm và cũng không được mong chờ sẽ được thông báo chính thức. Nhưng tin đã bị rò rỉ… Cách thức thông tin đến được với chúng ta đáng được kể lại, vì nó đặt ra những câu hỏi: nó không được Vatican cũng như người liên hệ xác nhận hay phủ nhận.
Không xác nhận cũng không phủ nhận
Tin tức này được báo bảo thủ Ý La Nuova Bussola Quotidiana đăng đầu tiên. Theo các tác giả của bài báo, giáo hoàng đã “trừng phạt” hồng y vì những quan điểm rất thù nghịch với đường hướng của ngài, đặc biệt là Thượng hội đồng về tương lai của Giáo hội được tổ chức vào tháng 10 năm 2023. Theo báo này, giáo hoàng đã nói: “Hồng y Burke là kẻ thù của tôi, vì vậy tôi bỏ tiền lương và căn hộ của ông.”
Đức Phanxicô nói gì về hồng y Raymond Burke
Thông tin này được một loạt các phương tiện truyền thông công giáo hoặc tổng quát đưa ra theo thì ‘điều kiện’, trích dẫn các nguồn ẩn danh của chính họ, tất cả đều đi theo cùng một hướng. Bị ngập trong các yêu cầu xác nhận, cơ quan báo chí Vatican chỉ đơn giản trả lời: “Chúng tôi không có thông tin cụ thể nào để cung cấp về chủ đề này.” Việc từ chối bình luận hoặc phủ nhận một thông tin như thế trên thực tế là xác nhận.
Nguồn tin của ông Austein Ivereigh là đáng tin cậy, ông là bạn cá nhân và là người viết tiểu sử của Đức Phanxicô. Trong một bài đăng dài ngày 29 tháng 11 trên trang Where Peter Is của ông, ông giải thích ông đã gặp Đức Phanxicô ngày 27 tháng 11, khi ngài bị các vấn đề về đường hô hấp. Austen Ivereigh viết: “Ngài nói với tôi, ngài quyết định bỏ các đặc quyền của hồng y Burke – căn hộ và tiền lương – vì hồng y đã dùng những đặc quyền này để chống lại Giáo hội”.
Ông cũng hỏi ngài, ngài có nói hồng y Burke là “kẻ thù” của ngài không. Đức Phanxicô trả lời: “Tôi chưa bao dùng từ “kẻ thù” cũng như đại từ “của tôi”. Tôi chỉ công bố sự việc này tại cuộc họp với lãnh đạo các bộ mà không đưa ra lời giải thích cụ thể.” Không có phủ nhận nào được giáo hoàng hoặc các cơ quan truyền thông Vatican đối với thông tin của ông Austen Ivereigh đưa ra.
400 mét vuông, 5000 đến 6000 âu kim
Biện pháp áp đặt lên hồng y Burke đã tạo nhiều cảm xúc trên các phương tiện truyền thông của giới truyền thống và bảo thủ ở Hoa Kỳ như LifeSiteNews và kênh truyền hình quan trọng EWTN, họ xem hồng y như người tử đạo.
Nhưng biện pháp này không làm cho bất kỳ ai quan sát đời sống Giáo hội và triều giáo hoàng Phanxicô ngạc nhiên. Các hồng y sống ở Rôma đều làm như vậy vì họ phục vụ giáo hoàng trong sứ mạng của ngài. Một số người trong số họ vẫn có thể ở lại căn hộ của mình sau khi nghỉ hưu, vì họ không sống ở quê hương của họ trong nhiều thập kỷ và giáo hoàng có thể vẫn cần đến họ. Những tình huống này không áp dụng cho hồng y Burke; theo nhà báo Austen Ivereigh, mùa hè này hồng y Burke sẽ 75 tuổi, do đó sẽ nghỉ hưu khỏi nhiều trách nhiệm khi đến tuổi này, ông không được hưởng đặc quyền tiền lương 5.000 âu kim mỗi tháng và căn hộ 400 mét vuông.
Ngày 1 tháng 12, nhà báo Michael Sean Winters viết trên tờ National Catholic Reporter, hồng y không phải là người không có nhà: “Hiện nay hồng y sống ở đền thờ Đức Mẹ Guadelupe, ở La Crosse, tiểu bang Wisconsin nước Mỹ, khi còn là giám mục ở giáo phận, ông đã tự xây đền thờ này.” Ông sẽ dâng thánh lễ ở đây ngày 16 tháng 12.
Nếu không thì hồng y sẽ được các tổ chức hoạt động, thế tục và “cực kỳ bảo thủ” (theo nghĩa chính trị thông thường của thuật ngữ này) như Viện Napa chăm sóc. Trong các môi trường này, việc không còn căn hộ và tiền lương bị xem là “sự trả thù” của một giáo hoàng “không khoan nhượng” mà họ ví ngài như một “nhà độc tài Nam Mỹ”.
Sau vụ giám mục Strickland bị cách chức, các giám mục Mỹ vẫn còn chia rẽ
Giám mục người Mỹ Joe Strickland, bị giáo hoàng cách chức ngày 11 tháng 11, ông nổi tiếng trên mạng xã hội Twitter, ông lên án giáo hoàng là người “làm suy yếu kho tàng đức tin”, ông là một trong những người thân cận hồng y Burke, và ông lập tức lên tiếng bảo vệ hồng y.
Phản đối chính thức và có hệ thống
Các quan điểm tôn giáo cũng như chính trị, mà hồng y Burke kiên quyết bảo vệ đã làm cho ông không phải là người phục vụ giáo hoàng, nhưng là người thách thức giáo hoàng một cách chính thức và có hệ thống, trên các phương tiện truyền thông cũng như trong các bài viết của ông.
Cựu chánh án Tòa án tối cao Tông tòa Signatura bị Đức Phanxicô cách chức khỏi chức vụ quan trọng này năm 2014, đặc biệt nổi tiếng năm 2016 khi ông chỉ trích quan điểm của Đức Phanxicô về người ly dị tái hôn trong Tông huấn Amoris Laetitia – Đức Phanxicô dường như muốn cho phép rước lễ trong một số trường hợp nhất định – sau đó họ đồng ký “dubia” với bốn hồng y “công kích”, họ chất vấn một cách cực kỳ phê phán quan điểm của Đức Phanxicô về việc giải thích Mặc khải thiêng liêng, chúc lành cho những kết hợp đồng giới, tính đồng nghị như một chiều kích cấu thành của Giáo hội, việc truyền chức linh mục cho phụ nữ và ăn năn như điều kiện cần thiết để được giải tội.
Ông cho biết các câu trả lời của Đức Phanxicô không làm ông hài lòng. Ông cũng phản đối gay gắt việc phải tiêm ngừa Covid do giáo hoàng cổ động. Hồng y Raymond Burke cho rằng tiêm chủng là nguy hiểm và ông từ chối tiêm chủng – một quan điểm gần như ông phải trả bằng chính mạng sống của ông vì ông bị bệnh rất nặng… Tháng 9 năm 2021 Đức Phanxicô nói: “Trong Hồng y đoàn có một vài người tiêu cực. Một trong số họ bị nhiễm virus. Trớ trêu của cuộc sống!” nói lên rất nhiều điều về mối quan hệ giữa hai người.
Hành vi thách thức
Trong số những hành động thách thức mới nhất của hồng y với Đức Phanxicô, trong lời nói đầu của một quyển sách rất phê phán Thượng hội đồng về tính đồng nghị, Tiến trình Thượng hội đồng là chiếc hộp Pandora (The Synodal Process is a Pandora’s Box) xuất bản tháng 8 năm 2023, ông nói về một “khẩu hiệu” ẩn giấu “một cuộc cách mạng (…) nhằm thay đổi hoàn toàn sự hiểu biết của Giáo hội về chính mình”.
Tuy nhiên dù bị giáo hoàng phạt, hồng y Burke không mất tất cả các chức vụ mà ông đã nắm giữ cho đến lúc này, ông vẫn chính thức là người bảo trợ của Dòng Malta cho đến khi nghỉ hưu vào mùa hè này và vẫn giữ quyền bỏ phiếu trong mật nghị tương lai.
Theo tin Wall Street Journal đăng ngày 29 tháng 11, hồng y có ý định ở lại Rôma dù phải tìm chỗ ở khác: “Nhiệm vụ của tôi với tư cách hồng y là ở lại Rôma.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch