Các cặp đồng tính, chủ nghĩa thực dân mới của Giáo hội phương Tây?

80

Các cặp đồng tính, chủ nghĩa thực dân mới của Giáo hội phương Tây?

la-croix.com, Isabelle de Gaulmyn, Tổng biên tập, 2024-02-01

Việc các giám mục châu Phi nói “không” với việc chúc lành cho các cặp đồng tính cho thấy có một cảm giác ngày càng tăng trong các Giáo hội châu Phi để chống lại điều mà họ không còn ngần ngại gọi dưới thuật ngữ “chủ nghĩa thực dân mới” của phương Tây.

Thay mặt cho lục địa của mình, hồng y Fridolin Ambongo, tổng giám mục Kinshasa, Cộng hòa Dân chủ Congo đã viết, các linh mục châu Phi sẽ không chúc phúc cho các cặp đồng giới. Ngoài khuôn khổ phụng vụ, Fiducia supplicans cho phép chúc phúc cho các cặp đồng tính, câu trả lời “không” của người châu Phi với việc này có thể làm những người phương Tây khó hiểu, thậm chí không tán thành thái độ đóng cửa mà chúng ta đánh giá dưới ánh sáng các giá trị của chính chúng ta. Hồng y Ambongo viết: “Quý vị phải đọc văn bản một cách cẩn thận: các chúc phúc này không thể được thực hiện ở châu Phi mà không gặp điều tiếng. Chúng ta không cho rằng việc châu Phi chúc phúc cho các cặp đồng giới là phù hợp, vì trong bối cảnh chúng ta, điều này sẽ mâu thuẫn trực tiếp với đặc tính văn hóa của các cộng đồng châu Phi.”

Jean-Louis Schlegel: “Những người chỉ trích giáo hoàng, họ không hiểu những người đồng tính là một phần của Giáo hội”

Câu trả lời “không” này vượt quá trường hợp của các cặp đồng tính. Nó thể hiện một cảm giác đang tăng trong các Giáo hội châu Phi, chống lại điều mà một số giám mục và các nhà thần học châu Phi không còn ngần ngại gọi là “chủ nghĩa thực dân mới”. Vì vậy, trong phiên họp đầu tiên của Thượng hội đồng về tính đồng nghị mùa thu năm ngoái, những người tham gia từ châu Phi cận Sahara đã đồng hóa vấn đề này với “mối lo ý thức hệ của phương Tây”, một hình thức “thuộc địa” mới.

Ngày nay, khắp nơi đã đặt vấn đề về quá khứ thuộc địa, không có lý do gì tôn giáo lại tránh được. Dù muốn dù không, với các dân tộc này, quá trình thuộc địa hóa vẫn là biểu hiện của một thất bại về văn hóa, chính trị nhưng cũng là tôn giáo. Hội nhập văn hóa, được Công đồng Vatican II ủng hộ, vẫn khá tế nhị nhưng không quan trọng, không thực sự đi sâu vào ý nghĩa “đặc tính văn hóa của các xã hội châu Phi”, như hồng y Fridolin Ambongo nói.

Tài liệu châu Phi chuẩn bị cho Thượng hội đồng ghi nhận: “Giáo hội đã đến với một văn hóa trong một văn hóa khác” đồng thời tin rằng cần phải lắng nghe “các thực thi văn hóa đã bị văn hóa phương Tây phớt lờ, hoặc lên án hoặc loại bỏ mà qua đó Tin Mừng được rao giảng cho người châu Phi.” Chúng ta biết hiện nay cứ năm người công giáo thì có một người sống ở châu Phi, đòi hỏi “giải thuộc địa hóa” này không thể không được đáp ứng.

Chắc chắn, câu trả lời “không” của các giám mục Phi châu bị những kẻ thù của Đức Phanxicô trong số các giám chức, kể cả ở Phi châu khai thác. Nhưng sâu sắc hơn, nó buộc chúng ta phải xem lại khái niệm phổ quát, một cách diễn giải khác của tính từ công giáo. Điều gì là phổ quát, điều gì là không phổ quát trong các giá trị công giáo của chúng ta? Chính trị gia Aimé Césaire, nhà tư tưởng vĩ đại về phong cách người da đen, đã nói tôn giáo có tình huynh đệ, và ông viết lại như sau: “Có hai cách để đánh mất chính mình: bằng sự tách biệt giam mình trong cái riêng biệt, hoặc bằng cách pha loãng trong cái phổ quát.” Đồng tính là phổ quát, không phải văn hóa. Nhưng thừa nhận của các cặp đôi đồng tính trong xã hội, thì không phổ quát. Ngược lại, nếu phẩm giá của con người, của mỗi người, là một trong những nền tảng của đạo công giáo, thì các giám mục châu Phi nên đấu tranh chống lại việc hình sự hóa đồng tính và vì quyền của những người đồng tính trên lục địa này. Nhưng còn lâu mới được.

Tổng giám mục Wintzer: “Đồng tính  là một thực tế, không phải là kết quả ảnh hưởng tai hại của phương Tây”

Chúng ta cũng có thể ghi nhận, để tìm cách vượt ra ngoài các cặp đồng giới để bao gồm tất cả các cặp có hoàn cảnh bị cho là “bất thường” (tái hôn, sống thử, v.v.), văn bản của Vatican đưa ra một thái độ đón nhận cũng cho cả châu Phi. Cuối cùng, phương Tây phải khẩn cấp làm việc với các thần học gia châu Phi chung quanh “chủ nghĩa thực dân mới” này của Giáo hội. Cùng nhau, chúng ta sẽ thành công, trong Giáo hội cũng như ở những nơi khác, trong việc phổ quát hóa chủ nghĩa phổ quát.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch