Theo linh mục Hans Zollner, cuộc sống độc thân không đủ để giải thích các vụ lạm dụng

54

Theo linh mục Hans Zollner, cuộc sống độc thân không đủ để giải thích các vụ lạm dụng

cath.ch, Raphael Zbinden, 2024-01-29

Linh mục Dòng Tên Hans Zollner, tâm lý gia người Đức là cựu thành viên của Ủy ban Giáo hoàng Bảo vệ Trẻ vị thành niên từ năm 2014 | © Truyền thông Vatican

Linh mục Hans Zollner không ngạc nhiên trước những con số được tiết lộ trong báo cáo gần đây của Giáo hội tin lành ở Đức (EKD) về các vụ lạm dụng tình dục. Theo linh mục, báo cáo cho thấy “một số cấu trúc của Giáo hội không thể bị cho là nguyên nhân duy nhất của các vụ lạm dụng”.

Ngày 25 tháng 1 năm 2024, một quả bom nhỏ phát nổ ở Hanover, nước Đức. Giáo hội tin lành ở Đức tiết lộ kết quả của một cuộc điều tra do chính họ ủy thác điều tra về hành vi lạm dụng tình dục trong Giáo hội của họ. Con số cao hơn đáng kể so với dự kiến, có 9.355 trẻ em và thanh thiếu niên bị lạm dụng. Báo cáo cũng cho thấy 3/4 thủ phạm là các ông đã có gia đình.

Các kết quả này không làm cho linh mục Hans Zollner “ngạc nhiên chút nào”, trong một phỏng vấn với hãng tin KNA của Đức phát sóng ngày 28 tháng 1 năm 2024, ngài thừa nhận có rất ít nghiên cứu của Giáo hội tin lành trong lãnh vực này nhưng các nghiên cứu này cho thấy tình hình ở các Giáo hội tin lành cũng không khác mấy so với tình hình hiện có ở Giáo hội công giáo.

Linh mục Zollner là một trong những chuyên gia hàng đầu về vấn đề lạm dụng trong Giáo hội. Ngài là thành viên của Ủy ban Giáo hoàng Bảo vệ Trẻ vị thành niên kể ngày được thành lập năm 2014 . Tháng 3 năm 2023, ngài đã từ chức khỏi tổ chức này, “trong bối cảnh có những bất đồng về vai trò của Ủy ban kể từ ngày có cải cách Hiến pháp của Giáo triều Rôma”. 

Giải pháp linh mục kết hôn hoặc có thêm phụ nữ ở chức vụ lãnh đạo không phải là thuốc chữa bá bệnh

Linh mục Zollner nói: “Thật ra, như chúng ta đã biết, lạm dụng tình dục không phải là vấn đề riêng của công giáo và cấu trúc của Giáo hội công giáo cũng như tình trạng độc thân của các linh mục không thể được xem là nguyên nhân duy nhất của việc lạm dụng”. Theo linh mục, điều mang tính quyết định nhiều hơn, đó là “cách thức quyền lực có thể được thực thi và biến thành công cụ trong một hệ thống”, quan trọng là phải suy nghĩ về điều gì đã khuyến khích lạm dụng tình dục trong Giáo hội công giáo, cũng như điều gì đã cản trở thông tin và khắc phục nó. Nhưng thật quá đơn giản khi nghĩ rằng các linh mục kết hôn hoặc có nhiều phụ nữ đứng đầu Giáo hội sẽ ngăn chặn được tình trạng lạm dụng. Tình hình phức tạp hơn nhiều.

“Trước hết, lỗi phải thực sự được công nhận và phải được xử lý triệt để” – Linh mục Hans Zollner

Linh mục lấy ví dụ của nước Thụy Sĩ để biện minh cho quan điểm của mình. Tháng 9 năm 2023, một cuộc điều tra được ủy thác của Giáo hội công giáo Thụy Sĩ cho biết có hơn 1.000 trường hợp lạm dụng kể từ những năm 1950. Cuộc điều tra lưu ý, ở Thụy Sĩ, từ lâu giáo dân đã có nhiều quyền hơn các nơi khác. Nhưng tình huống này cũng không ngăn cản được việc lạm dụng và che giấu. Theo linh mục Zollner, đây là những vấn đề cơ bản hơn.

Sự cần thiết của công lý

Ngài nhấn mạnh: “Tôn giáo luôn có tính chất nước đôi. Mặc dù nó có thể ngăn chặn bạo lực và lạm dụng, nhưng nó cũng có thể khuyến khích chúng. Nhưng vấn đề không chỉ thuộc về bản thân các tổ chức, nếu không thì chẳng lẽ phải yêu cầu xóa bỏ gia đình, vì chính trong gia đình mới là nơi xảy ra lạm dụng nhiều nhất. (…) Tất cả các thể chế và tất cả hệ thống của con người đều dễ bị lạm dụng, đó là lý do vì sao chúng ta phải đặt ra những quy tắc rõ ràng, minh bạch và tuân thủ chúng.”

Dựa trên kinh nghiệm lâu năm trong cuộc chiến chống lạm dụng, linh mục đưa ra một số lời khuyên cho Giáo hội tin lành Đức. Đặc biệt, điều rất quan trọng là cho nạn nhân nơi chốn để họ có thể nói lên nỗi lo của họ. Ngài cảnh báo: “Đừng tiếp cận vấn đề với suy nghĩ rằng, ‘giới lãnh đạo của Giáo hội đã biết những người liên quan muốn gì và điều gì là tốt nhất cho họ’, nếu làm theo cách này, sẽ không thể có công việc ghi nhớ thực sự cũng như chữa lành sau đó.” Cũng chẳng ích gì để nói: “Tất cả chúng ta đều là anh chị em và phải tha thứ cho nhau”. Dĩ nhiên tha thứ là dấu hiệu đặc trưng của kitô giáo, nhưng trước đó phải có công lý. Ngài đòi hỏi: “Trước hết, lỗi phải thực sự được công nhận và phải được xử lý triệt để.”

Xác định rõ ràng trách nhiệm

Kế đến ngài khuyên các Giáo hội tin lành nên xem xét bối cảnh trong chính hệ thống của họ, đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự lạm dụng và khuyến khích che đậy. Linh mục nêu lên vấn đề của “giáo đoàn tin lành” với những cơ chế cụ thể của họ, dù cách thức hoạt động của Giáo hội công giáo rất khác nhưng dường như có một văn hóa im lặng trong cả hai hệ thống.

Một điểm nữa là sự thiếu rõ ràng trong việc phân bổ kỹ năng và trách nhiệm. Linh mục Zollner kết luận: “Bất chấp tất cả những khác biệt, có vẻ như mọi việc đã xảy ra theo cách tương tự trong Giáo hội tin lành: trong trường hợp có cáo buộc lạm dụng, không bao giờ rõ ràng ai sẽ quyết định cái gì, khi nào và như thế nào. Và thực tế những người vi phạm thường thuyên chuyển không ngừng từ nơi này sang nơi khác để che giấu các hành vi lạm dụng.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Linh mục Zollner: “Một thay đổi não trạng là cần thiết cho Giáo hội”